Wednesday, October 31, 2007

Về phát triển

Tại sao các nước giàu lại giàu còn các nước nghèo lại nghèo? Tại sao cách mạng khoa học kỹ thuật lại xảy ra ở Anh chứ không phải ở Trung Quốc mặc dù theo một số nhà nghiên cứu thì Trung Quốc trong thế kỷ 17-18 đã có nhiều yếu tố tương tự như nước Anh để có thể có cách mạng khoa học kỹ thuật.

Douglass North, nhà kinh tế lịch sử được giải Nobel năm 1993, trả lời là “thể chế”. Chính các thể chế, mà quan trọng nhất là quyền sở hữu tư nhân, đã là yếu tố thúc đẩy cách mạng công nghiệp ở Anh và châu Âu.

Một nhà lịch sử kinh tế khác là David Landes, tác giả cuốn “The wealth and the poverty of nations” thì cho rằng việc này do kết quả của nhiều yếu tố: khí hậu, văn hóa…trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh yếu tố văn hóa: người châu Âu chăm chỉ, đầu óc cởi mở, có tư tưởng dân chủ, kiên nhẫn…, do đó họ có những phẩm chất phù hợp với chủ nghĩa tư bản và với sự phát triển của khoa học- công nghệ. Việc nhấn mạnh yếu tố văn hóa cho thấy Landes có phần nào đi theo con đường của Max Weber trước đây- Weber cho rằng tinh thần đạo Tin lành với sự nhấn mạnh các giá trị như cần cù, cởi mở, trách nhiệm cá nhân…là yếu tố giúp chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng ở châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó thì Jared Diamond, tác giả cuốn best-seller “Súng, vi trùng và thép” thì gắng tìm nguyên nhân sâu xa hơn và ông cho rằng điều kiện khí hậu- địa lý là yếu tố then chốt. Do địa hình đặc thù của mình mà châu Âu-Á có số loài động vật, thực vật được thuần hóa phong phú, nhờ đó có thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp mang lại thặng dư lương thực và nhờ thặng dư này sẽ giúp cho việc phân công hóa lao động, bộ máy chính quyền, công nghệ…nhờ đó giúp châu Âu chinh phục được các dân tộc khác. Tuy nhiên cách giải thích này của Jared Diamond gặp khó khăn trong việc giải thích tại sao châu Âu, chứ không phải châu Á, lại phát triển và chinh phục. Để giải thích cho điểm này, Jared Diamond cho rằng địa hình châu Á với các sông ngòi lớn, các đồng bằng rộng lớn phù hợp cho sự ra đời của các đế quốc trong khi địa hình châu Âu lại thích hợp hơn với các quốc gia nhỏ. Chính vì nền chính trị gồm nhiều quốc gia nhỏ cùng chung sống, tạo thuận lợi cho sự cạnh tranh chính trị giữa các quốc gia, thúc đẩy giao thương và do đó khiến châu Âu dần dần vượt trội hơn châu Á.

Gần đây nhất, nhà kinh tế học Gregory Clark trong cuốn sách Farewell to Alms, đưa ra một lý thuyết khá là provocative. Theo ông, cách mạng công nghiệp xảy ra chẳng qua vì sự sống sót của người giàu (survival of the richest). Clark cho rằng các nước phương Đông gặp phải một cái bẫy Malthus- do dân số gia tăng quá nhiều và lương thực không thể gia tăng theo cùng tốc độ dẫn tới nghèo đói và không có tích lũy. Dựa vào một số số liệu, Clark cho rằng ở phương Đông, tầng lớp quý tộc tuy sinh con cái nhiều hơn dân nghèo nhưng không nhiều hơn là bao do đó mô hình xã hội trở nên khá là ổn định (kiểu con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa). Ngược lại, ở Anh, giới thượng lưu sinh con đẻ cái rất nhiều. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh rất kém ở châu Âu (cùng với tật lười tắm kinh khủng của người châu Âu- hàng tháng mới tắm một lần) khiến cho rất nhiều người, chủ yếu là người nghèo chết do bệnh dịch, điển hình là các trận đại dịch như đại dịch hạch từng giết 1/3 dân số châu Âu. Chính vì các dịch bệnh này nên chỉ có người giàu là còn sót lại, và khác với châu Á, người châu Âu ngày nay đều là con cháu người giàu trong quá khứ. Cùng với sự thay đổi thành phần dân cư là sự thay đổi cả thói quen sống, những người còn sống mang theo nhiều phẩm chất của giới trung lưu như chịu khó làm việc, kiên nhẫn, có tính sáng tạo, thông minh…Có thể nói là giả thuyết của Clark có nhiều đặc điểm của thuyết Darwin xã hội. Nhưng nếu các số liệu của Clark mà chính xác thì đây thực sự là một điều khá ngạc nhiên khi mà giới thượng lưu theo chế độ một vợ một chồng ở châu Âu lại sinh ra nhiều con hơn giới thượng lưu đa thê ở châu Á. Clark cũng nói thêm là trong các thế kỷ 17-18, trong khi ở châu Á, phụ nữ nông dân thường lập gia đình sớm thì ở châu Âu, họ lập gia đình muộn và có một tỷ lệ không ít là không có gia đình, và điều này tác động không nhỏ tới cơ cấu sinh đẻ theo tầng lớp xã hội.

Các số liệu của Clark khá thú vị: ví dụ như người dân Anh đầu thế kỷ 19 (thời của Oliver Twist với David Copperfied) có chế độ dinh dưỡng không khá hơn gì người tiền sử, hay chiều cao của các dân tộc trên thế giới hầu như không thay đổi trong cả 2000 năm cho tới trước cách mạng công nghiệp. Nhưng giả thuyết của ông cho rằng sự thay đổi hành vi con người (do thay đổi các cá thể còn tồn tại) là nguyên nhân dẫn tới sự thịnh vượng của châu Âu có vẻ không thuyết phục và mang tính suy đoán. Đó là chưa kể các ngụ ý có thể của giải thuyết với thời đại ngày nay. Nếu lý luận như Clark rằng bí quyết của tăng trưởng kinh tế là ở chỗ những người tồn tại là những người giàu có thì giáo dục hay nỗ lực viện trợ, giúp đỡ các nước nghèo vươn lên sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Giải pháp chắc chỉ có hạn chế sinh đẻ với người nghèo và khuyến khích người giàu sinh con. Kể ra một giải pháp gần như thế đã từng được chính phủ của bà Indira Ghandi thực hiện ở Ấn Độ khi cảnh sát dưới quyền bà từng cưỡng bức triệt sản hàng ngàn người nghèo ở đô thị- một trong những hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở Ấn Độ.

6 comments:

  1. Hí hí, châu Âu lười tắm là bởi khí hậu không bị nhớp nháp nên ko thấy khó chịu phải có nhu cầu tắm rửa cho lắm :))
    Với lại , tắm rửa nhiều quá, lấy đâu ra chỗ cho ngành công nghiệp nước hoa phát triển nữa hả anh :D

    ReplyDelete
  2. Ai đã đọc "Súng, thép và vi trùng" của J.Diamond thì nên đọc tiếp "Sụp đổ". Phân tích một cách cặn kẽ các yếu tố khiến cho một loạt các nền văn minh giờ chỉ còn được chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng. Phục sinh, Anasazi, Pitcairn, Maya, Viking, người Norse ở Greenland ... Những xã hội (cả xưa lẫn nay) - như ông chỉ ra - đều tồn tại những vấn đề nội tại quyết định đến sự phát triển, đứng yên hay suy tàn. Sự hiểu biết, phản ứng của con người trước những vấn đề đó ảnh hưởng rất lớn đến chiều hướng vận động của xã hội. Quyển này phân tích sâu, bao quát còn hơn Súng, thép và vi trùng. Đầy những số liệu và địa lí, dân tộc học, kinh tế, chính trị....

    Đọc cuốn này ù hết cả đầu. Mua hơn 1 năm rồi mà giờ mới đọc hết được 2/3 :P

    ReplyDelete
  3. Vậy bạn thấy sự tiến triển của Việt Nam trong thế kỷ vừa qua ra sao ? Bạn cũng nên viết một bài xã luận về xã hội Việt Nam vì bạn là người Việt Nam nay sống ở ngoại quốc chắc bạn phải có một tầm nhìn rộng rải hơn. Mong đọc bài của bạn .

    ReplyDelete
  4. Lối học từ chương, tầm ngôn trích cú là một trở ngại lớn cho sự phát triển khoa học kỹ thuật. Ở Trung Quốc tuy ngày xưa có nhiều phát minh, nhưng không có từ 'khoa học'. Nếu tớ không nhầm thì 'khoa học' là từ mà người TQ lấy lại từ bên Nhật Bản, sau khi Nhật Bản được phương Tây phát hiện khoảng ở thế kỷ thứ 16 hoặc 17, thời gian này Nhật và phương Tây bắt đầu có những trao đổi nhất định về kinh tế cũng như kỹ thuật trong chiến tranh. Ngoài ra, TQ cũng áp dụng chính sách bổ nhiệm quan lại qua thi cử - dĩ nhiên thi cử cũng theo lối từ chương, đời sau nhai lại của đời trước, nhai càng nhuần thì càng tốt. Khác với VN, Nhật Bản không áp dụng lối học từ chương và khoa cử kiểu TQ - tránh được những thành trì rêu phong xơ cứng trong lối tư duy, nhờ đó người Nhật tỏ ra dễ dàng và chủ động hơn so với Trung Hoa và VN trong việc tiếp xúc và chấp nhận cái mới mẻ ngoài tầm hiểu biết của mình.

    ReplyDelete
  5. Trích: "Nếu lý luận như Clark rằng bí quyết của tăng trưởng kinh tế là ở chỗ những người tồn tại là những người giàu có thì giáo dục hay nỗ lực viện trợ, giúp đỡ các nước nghèo vươn lên sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Giải pháp chắc chỉ có hạn chế sinh đẻ với người nghèo và khuyến khích người giàu sinh con. "

    Adam Smith cũng đã từng nói đến điều này thậm chí ở mức độ triệt để hơn trong lý thuyết "Quá nhiều miệng ăn" của ông ta - nếu điều kiện sống không đủ để nuôi thân 1 cách ổn định thì tốt nhất là đừng nên sinh đẻ,có con. Xem ra thuyết này đã đi ngược lại với quan niệm phổ biến của người dân VN coi con cái như một "sự đầ tư vào tương lai". Nhưng đúng là ở VN bây giờ dân số quá đông. Nhà đã nghèo lại còn đông con thì làm sao xoay xở :P

    Clark cũng khá gần gũi với Darwin - tớ thích Darwin hơn cả :-)

    ReplyDelete
  6. ly thuyet cua Clark buon cuoi nhi, nghe cung hay hay.
    Nhung ma van chang thay cai nao thuyet phuc ca, cuoi cung van phai chap nhan la no vua khon vua khoe hon minh, thanh ra no hon minh :( Hy vong ve sau minh de nhieu cang ngay cang dong trong khi no cang ngay cang it vi khong chiu de thi minh se hon no.

    ReplyDelete