Friday, October 12, 2007

Nhà báo viết blog

Càng ngày càng thất vọng với báo Thanh Niên. Có cảm giác báo này đang ngày càng trở thành một công cụ của chính quyền. Bài xã luận trên báo Thanh Niên này thực chất là một cuộc chiến với các blogger là nhà báo- có thể đoán được sự ám chỉ của Thanh Niên là những ai.
Blogger Cogaidolong xem ra chỉ là nhát chém thử kiếm trong một chiến dịch có tổ chức đã được mớm từ lâu (nếu chú ý có thể thấy một loạt bài trên Công An Nhân Dân và Thanh Niên lên án các blogger). Anh Nguyễn Công Khế và anh Hữu Ước đã bắt tay nhau trong cuộc thánh chiến "làm trong sạch hóa" blog?

Lần này thì Thanh Niên đã ám chỉ khá rõ ràng những người họ nhằm tới là ai. Đó là những nhà báo "viết bài bình luận chính trị, xuyên tạc tùy tiện về công việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, về đời tư của các chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân và công dân, đồng thời tìm cách quảng bá, tập hợp, thu hút bạn đọc với số lượng lớn"


Các lập luận của Thanh Niên hàm hồ khiên cưỡng. Thanh Niên viết "nước ta không hề có "vùng cấm" đối với báo chí" "các nhà báo có thể viết tất cả những điều mình muốn viết lên báo với trách nhiệm nhà báo, nghĩa vụ công dân và tôn trọng sự thật."

Cả hai ý đều không đúng hoặc không logic. Về ý thứ nhất, chính Bộ Trưởng Thông tin đã nói "báo chí phải đi đúng lề đường bên phải" và Tổng Biên tập báo sẽ là người của Bộ cắm xuống. Chỉ đi đúng lề đường bên phải tức là đã có những "vùng cấm" với báo chí rồi. Ý thứ hai cũng sai vì do tồn tại vùng cấm nên không thể nhà báo muốn viết gì lên báo cũng được kể cả khi họ có trách nhiệm nhà báo, nghĩa vụ công dân và tôn trọng sự thật. Thêm nữa, ngay cả khi họ có thể viết bất cứ cái gì lên báo thì việc họ chọn không viết lên báo mà viết lên blog hoàn toàn là quyền tự do cá nhân của họ. Thanh Niên cũng như nhà nước không thể cấm họ viết lên blog cái mà họ có thể viết và được đăng lên báo. Nếu nhìn ra thế giới thì rất nhiều nhà báo danh tiếng có blog, thậm chí các tờ báo lớn còn có chuyên mục blog nằm trong tờ báo để đăng bài của các blogger này. Ví dụ Anderson Cooper của CNN, Joe Klein của Times hay Thomas Friedman của NY Times. Không thấy có tờ báo nào cạnh tranh với Times, NY Times hay CNN lại lên tiếng là cần "lên án" các nhà báo trên vì họ có thể viết bài trên báo chí mà tại sao họ lại viết trên blog? Ngớ ngẩn và ấu trĩ.

Ngay dưới bài xã luận đó, Thanh Niên đăng ý kiến của một bạn đọc với dòng chữ "Viết nhật ký hay làm chính trị?" và nội dung "Vừa qua bạn bè tôi có cung cấp cho tôi blog của một nhà báo, trong đó đưa một câu nói của một cán bộ cấp Trung ương, bên dưới blog đó là nhiều bình luận khác cũng không kém phần lố bịch... Hay trên blog của một nhà báo khác đã nói xấu một công ty tổ chức sự kiện không có căn cứ…"



Tóm lại theo quan điểm của bạn đọc đó và của báo Thanh Niên (vì các ý kiến bạn đọc đều được chọn lựa -hay sáng tác không biết chừng- theo nguyên tắc lên án Hương Trà và đồng bọn nhà- báo-viết-blog) thì không được trích dẫn và bình luận câu nói của cán bộ cấp Trung Ương trên blog? Cấp địa phương có được không thì không thấy Thanh Niên giải thích?.

Tóm lại nếu nêu tên tuổi của các cán bộ cấp Trung ương thì các tên tuổi ấy phải ở trên báo chứ không phải trên blog. Như trong một lời cảm tạ đăng trên báo Thanh Niên chẳng hạn, chúng ta thấy rất nhiều tên tuổi cấp Trung ương ở trên báo (khi đọc nó, tôi hình dung thấy một người đang xoa xoa tay vào nhau). Chắc Thanh Niên cho rằng chỉ đó mới là những nơi thích hợp cho các tên tuổi đó?

Trong bài xã luận này của Thanh Niên còn có một ý răn đe "Báo Thanh Niên đã từng phanh phui những tiêu cực, phạm pháp của các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy Nhà nước với đầy đủ chứng cứ (điển hình là vụ Năm Cam) và chúng tôi được luật pháp bảo vệ.". Ý của câu này là chúng tôi là báo chính thống nên chúng tôi được pháp luật bảo vệ, do đó nếu đăng bài trên báo chúng tôi thì các anh chị cũng sẽ được bảo vệ. Còn nếu đăng bài trên blog thì luật pháp không bảo vệ các anh chị đâu, các anh chị sẽ phải chịu hâu quả nhãn tiền ngay. Cái này thì rõ quá, Hương Trà làm mưa làm gió, viết bài về các nghệ sĩ trên CATPHCM bao nhiêu lâu thì không sao nhưng chỉ viết hơi lệch một tí trên blog là đã có thể phải ra tòa. Giọng điệu nửa ve vuốt mình, nửa đe dọa người khác này của Thanh Niên nghe rất gangster- làm gì cũng phải có hội nghen mầy.

Vụ này có vẻ hấp dẫn đây, nhất là khi các blogger mà Thanh Niên nhằm tới cũng không phải xoàng mà là các tên tuổi khá có thế lực trong giới báo chí ở Sài Gòn.


43 comments:

  1. Tớ nghĩ là đồng chí nào ở báo TN viết cái bài [hợp tác] xã luận trên kia mặt chắc phải dày lắm mới nghiến răng chơi một câu nguyên văn trơ trẽn như thế này :"Điều đó chứng minh ở nước ta không hề có "vùng cấm" đối với báo chí".

    Báo chí ở mình giống nhau quá, đọc một nơi là coi như cũng đọc luôn các nơi khác. Tuổi Trẻ ngày càng chán, Thanh Niên thì quá chán từ lâu. Hê hê, thôi đọc blog của các chiến sĩ nhà báo tự do cũng được.

    ReplyDelete
  2. đánh mà, phải đánh cho đến cùng...vẫn cay vụ bloggers xăm soi chuyện cáo phó ấy mà...để xem vài hôm nữa còn trò gì ? :))

    ReplyDelete
  3. chủ trương của TN bây giờ là tin giật gân, do đó chuyện này phù hợp với chủ trương viết báo của TN mà. :D

    ReplyDelete
  4. không phải là cáo phó, mà là lời cảm tạ.

    ReplyDelete
  5. Cáo phó tương đương với tin buồn, đăng lúc mới chết chưa tổ chức tang lễ, chưa thể có danh sách các thân bằng cố hữu gần xa được.

    ReplyDelete
  6. @justmevn: Đúng là lời cảm tạ, tôi nhầm, xin cảm ơn.

    ReplyDelete
  7. Thế chủ nhân viết blog này không có tinh thần gangters à. Đọc blog của you thấy như thế giới này chỉ xảy ra trên giòng thời sự "trong nước" và "thế giới". Có bao giờ you bàn tán gì về những đề tài nóng hổi của "Người Việt Hải Ngoại" không ? You ở ngoài nước, đi học Ph. D mà cái đầu của you đầy tính chất "băng đảng" như thế thì hỏi các ngài đang nắm quyền lực không excersice tinh thần gangsters sao được.

    ReplyDelete
  8. ban maso sao phai tao ra cai nick moi de va vo comment vay... hahaha...Ma tai sao phai ban chuyen nguoi Viet Hai Ngoai? Binh thiet

    ReplyDelete
  9. Hehe, công nhận buồn cười. Giờ lại có cả yêu cầu định hướng blog tới các đề tài nóng hổi của "Người VIệt hải ngoại" nữa chứ.
    Thôi tớ đi đọc báo hải ngoại xem có đề tài nào nóng hổi không.

    ReplyDelete
  10. Chưa nói Time, Newsweek, The Wall Street Journal..., so với các báo của Singapore hay Thái (Bangkok Post hay,SingPost...) thì rõ ràng báo chí VN thua xa, và sự thua này nhìn vào bề ngoài cũng có thể nhận ra ngay. Các tờ như Nhân dân thì thuần túy là tuyên truyền, còn như VNN, VNe ... thì hình trai gái hớ hênh quần lót bikini này nọ câu khách hơi nhiều. Báo chí nước ngoài có độ chuyên môn hóa cao, đã lá cải là ra lá cải, đã dâm dật là ra dâm dật, nhưng đã nghiêm túc thì rất nghiêm túc. Còn báo chí ở ta, mỗi tờ báo là mỗi mớ hỗ lốn bao gồm cả nghiêm túc lẫn dâm dật lẫn lá cải.

    ReplyDelete
  11. Hơ hơ, hôm nọ nghe Tây nó đồn là bạn Linh hình như cũng là một tay columnist có hạng trên Thanh Niên tuần san thì phải.

    ReplyDelete
  12. Bác Linh nói ý "nhát kiếm chém thử" là đúng.
    Lên án blog bẩn: đầu tiên người ta nói nhiều đến xếch xiếc, nhưng chỉ là giương đông kích tây vậy thôi chứ chưa chém. Sau đó mở rộng ra 1 blog đông khách kể chuyện nghệ sĩ, không có gì gọi là hay, nhưng cũng chẳng có gì gọi là bẩn. Có thể chém, nhưng mới là chém thử.
    Coi vụ này, cả trà, cả chanh, cả tờ báo chuối của anh khế, đều không phải là nhân vật chính.

    ReplyDelete
  13. Em thấy chuyện này không có gì đáng buồn. Ngược lại, chúng ta phải mừng là khác.

    Chắc các bác cũng biết các celeb trên thế giới như Cruise, Jolie v.v... khi làm đám cưới đều có một tạp chí nào đó (Hello, O.K) trả bộn tiền để được chụp ảnh độc quyền. Động thái này của Thanh Niên rõ ràng là đang cố gắng học tập các tạp chí này, vươn lên nắm giữ vị trí độc quyền về thông tin: Các anh các chị blogger thích nói gì thì nói, nhưng riêng những chuyện nóng hổi như sex video, buôn chuyện nói xấu celeb và politicians thì Thanh Niên đã bao thầu hết rồi, mời các vị đi chỗ khác chơi.

    ReplyDelete
  14. Linh, your recent entries on blogging and báo chí VN have been excellent. You're quite a social critic now, man! (besides being a good literary/film/music critic :D )

    Here's conversation between Phạm Xuân Nguyên and Hoàng Nguyên Vũ on blogging.
    http://blog.360.yahoo.com/blog-2HP60MwlbqBlFujyChg-?cq=1&p=280
    And here's a response from bulldog:
    http://blog.360.yahoo.com/blog-_EKGItkyc6lSD626rDnyQA--?cq=1&p=387

    It would be great to hear your thoughts on those entries.

    ReplyDelete
  15. hehe, thời thế tạo anh hùng, xem thử coi báo nào sẽ nổi lên thành tờ nhận định - dự đoán như (Time, Newsweek, The Wall Street Journal..) trong tương lai ? Chắc cũng còn lâu lắm, hoặc không có...

    ReplyDelete
  16. đọc bài của HNV và PXN (ko phải PhanXiNê nha) mắc cười quá...

    ReplyDelete
  17. Bác Minh Minh ạ, cá nhân em không phản đối chuyện cowboy bắn hai súng, cầu thủ đá hai sân.

    Ở ta điều kiện kỹ thuật nó chưa cho phép nên nhiều khi các anh vẫn phải hoạt động dưới hình thức hybrid. Nói chung cái gì thuần chủng không lai tạp cũng khó kiếm và tốn kém, kể từ con Dalmatian trở đi. Thế cho nên em cũng chả hẹp hòi gì.

    Với em một tờ báo vừa hoa tình diễm lệ vừa nghiêm cẩn thủ lễ, sớm đào tối mận lân la, trước thì trăng gió sau ra đá vàng cũng không có gì là không được. Nó cũng như anh Eddie Murphy một mình đóng năm bảy vai. Có điều em nghĩ đóng vai nào phải ra vai ấy, chứ đi tất lưới đeo tai thỏ nói chuyện chính trị và mặc complet lên ôm cột múa thoát y kiểu như báo chí nước nhà hiện giờ thì bà con hơi bị khó nuốt.

    ReplyDelete
  18. He he, em gõ nhầm. Cầu thủ đá hai chân.

    ReplyDelete
  19. Đọc bài trao đổi giữa HNV và PXN đúng là buồn cười. Thực ra chủ yếu là HNV nói còn PXN thì chỉ nghe, thỉnh thoảng nói vài câu. Lạ là ở chỗ trong bài phỏng vấn này, PXN “nhũn” quá, hầu như không nêu được chính kiến của mình thành ra người ta cũng chẳng biết chính kiến thực của ông là đâu. Nhất là câu trước khi kết, PXN hỏi HNV (phóng viên An ninh thế giới) là ông chỉ post các bài dịch, thế thì theo HNV, có đúng tiêu chuẩn của blog không? Câu hỏi này nếu PXN có ý định châm biếm thì ông không thành công, còn đó là câu hỏi thật thì người ta không khỏi ngạc nhiên khi một người từng đi đầu trong việc dịch và giới thiệu Kundera (người bị buộc phải sống lưu vong vì viết văn không theo ý Đảng) lại có thể dễ dàng để HNV lấy làm công cụ truyền đạt ý tưởng thế. Hoặc việc tuy PXN không ủng hộ dùng chế tài quản lý blog nhưng lại ủng hộ đưa ra tòa một vụ kiện blogger để làm gương! Tôi không phản đối việc đưa ra tòa các vụ kiện blog miễn là đảm bảo tính khách quan và công bằng vì blogger cũng là công dân, cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như các công dân khác. Nhưng nếu lý do việc đưa ra xử là để làm gương và răn đe, và chọn lấy vài trường hợp nào đó lấy làm dê tế thần và đem ra xử vì mục đích này thì thật nực cười, nó thể hiện thứ tư duy nhà nước là cha mẹ dân, chứ không phải là tư duy dân chủ, lấy pháp luật làm cơ sở.

    Về HNV, thực ra cũng không phải nói nhiều vì anh cũng là tâm điểm của sự chú ý của dư luận blog trong thời gian gần đây. Trước hết, phải nói là anh là phóng viên báo An ninh thế giới và những ý kiến của anh rất có thể không chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của anh. Tôi chưa đọc bài bác bulldog nhưng trong phần comment phía dưới link của PXN, đã có những ý kiến phản biện sắc sảo như của bạn Phanxine chẳng hạn. Cái làm tôi thấy dớ dẩn nhất là việc HNV phân loại blog thành ba loại bẩn, sạch và nhờ nhờ- một cách phân loại rất lờ nhờ. Khi đọc định nghĩa đó, tôi cũng thử tự xếp blog mình vào loại nào trong 2 loại đen và nhờ nhờ (sạch thì chắc là không rồi, chưa lần nào kêu gọi từ thiện hay hiến máu nhân đạo) nhưng cũng không nghĩ ra, có lẽ phải nhờ HNV chỉ? Việc xếp blog vào các loại như HNV nêu ra xem ra còn khó hơn việc mụ phù thủy bắt Lọ Lem phân loại hạt kê trong truyện cổ tích. Trong truyện cổ tích thì Lọ Lem còn khuya mới làm được nếu không có ông tiên giúp đỡ. Thật may mắn vì cộng đồng blog có được ông tiên HNV và báo An ninh thế giới cho việc này. Ơ, nhưng mà chưa chắc HNV là ông tiên, có thể anh lại là mụ phù thủy hay là Lọ Lem thì sao nhỉ.

    Một điều nữa cũng dễ nhận thấy là HNV vẫn nặng lòng bởi các ân oán cá nhân quá. Anh nhắc tới không chỉ một lần blog của Đông Tà hay Trang Hạ là những người từng có ân oán cá nhân với anh.

    ReplyDelete
  20. Thanh Niên đã quyết định trở thành đại diện của Nhân Dân và An ninh thế giới tại miền nam rồi.

    Em tìm mỏi mắt trên google chỉ ra duy nhất 1 blogger từ Thanh Niên là Nguyễn Thế Thịnh, một người không phải là phóng viên hay biên tập viên chính của báo. Bài viết trên đó chủ yếu là về các vấn đề cá nhân, không liên quan gì tới thế sự.

    Key point ở đây là: Ban tuyên giáo và Bộ 4T mới quyết định phải chấn chính và quản lý các thông tin ngoài luồng trên blog. Thanh Niên là người phát ngôn và ủng hộ nhiệt tình, nhất là sau khi bác Khế bị nhiều blog dè bỉu do vụ cảm tạ.

    ReplyDelete
  21. Theo tớ thì blog bác Linh nhờ nhờ, nên mới nguy hiểm. Như bác Hiếu phân tích rất đúng ở đây:
    http://blog.360.yahoo.com/blog-LHs64Q8nc6oA.KIg0brqXw--?cq=1&p=6352
    "À, nếu tớ là công an văn hóa thì tớ sẽ kiên quyết tiêu diệt những blog sến kiêm phản động như của bác Linh. Blog sến mà ko phản động thì có tính chất ru ngủ quần chúng, chả việc gì công an phải bận tâm. Blog phản động thì ngôn ngữ khô khan, cực đoan hay động chạm đến thần tượng, đến tự ái của đông đảo quần chúng nên cũng ít người đọc. Chỉ có những blog vừa sến vừa phản động kiểu như bài trước vừa sướt mướt thơ văn em yêu mùa xuân summer long ago, bài sau đã tự do báo chí, kiểm duyệt, annam mít mentality blah blah blah, như thế mới có sức thu hút quần chúng, mới có tính tuyên truyền cao. Quả là độc hại, và nguy hiểm cho chế độ!!!"

    Chắc Hoàng Nguyên Vũ lấy ý của bác Hiếu?

    ReplyDelete
  22. Ông Linh này ở quê mình là bị đem ra tổ dân phố kiểm điểm rồi.
    Mà thấy loại nhà báo thiếu tư cách như CGDL thì bị chém là đúng rồi.

    ReplyDelete
  23. Mình không đồng ý với cách làm cũng như nội dung trên blog của cogaidolong.

    Nhưng khi đọc bài báo này của Báo Thanh Niên thì mình mắc cười chịu không được. Gượng gạo hết sức. Một tờ báo đẳng cấp sẽ không hành xử như vậy!

    ReplyDelete
  24. Cám ơn bạn về bài viết.

    ReplyDelete
  25. @Fortu...: chắc hok biết cách google nên hok tìm ra đó cưng

    ReplyDelete
  26. @ Báo Thanh Niên: "viết bài bình luận chính trị, xuyên tạc tùy tiện về công việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, về đời tư của các chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân và công dân, đồng thời tìm cách quảng bá, tập hợp, thu hút bạn đọc với số lượng lớn"
    Chắc Thanh niên sợ độc giả thay vì đọc báo TN chuyển sang đọc blog.
    "Báo Thanh Niên đã từng phanh phui những tiêu cực, phạm pháp của các cán bộ cấp rất cao trong bộ máy Nhà nước với đầy đủ chứng cứ (điển hình là vụ Năm Cam) và chúng tôi được luật pháp bảo vệ."

    Vụ này thì hãi rồi. Không ai cấm báo TN kể công, nhưng vừa chửi người khác rồi lại tô son trát phấn mình thì hãi tiếp.

    ReplyDelete
  27. đọc bài xả luận trên TN tớ thấy muốn xả... wá.
    đi ngược lại xu thế văn minh và dân chủ, đó là "đường lối" của một số kẻ cơ hội (hụi/họ).
    nhưgn cái gọi là văn minh nó vẫn cứ đi đến. Cái này gọi là "xả cứ xả, bloggers cứ chơi"

    ReplyDelete
  28. Thêm blogger từ Thanh Niên đây http://360.yahoo.com/profile-M59DPdEncrLssCkP16XLRA--?cq=1

    ReplyDelete
  29. Uh,nghĩ lại dân ta được bao nhiêu cái quyền nhỉ???

    ReplyDelete
  30. nha bao khong phuc vu che do ma noi len su that,khong phai la cong cu.

    ReplyDelete
  31. Các bác làm ơn nhớ rằng :
    " Ngài Nguyễn công Khế là ai ? ,đang lãnh lương do ai phát,
    Ngài phải lo cũng cố cái ghế của ngài đang ngồi chứ...nhân dân có phát lương cho ngài đâu ??? ...."
    Nói,viết mà không theo định hướng xã hội chủ nghĩa ( lề đường bên phải ?? ),khi bị " thiến " như Tuổi trẽ,thì đừng tự an ủi là bị " xui " nhé.

    ReplyDelete
  32. Báo chí là sự thật. Nếu có sự thật thì mọi chuyện xã hội Việt Nam đâu đến nỗi niềm. Ở Đà Nẵng đang bán Thư viện - Phá rừng thông hàng trăm năm - Bán khu văn hóa thông tin từ hơn 30 chục năm dời về vùng ngoại ô - dồn các cơ quan hành chánh ( bộ mắt thành phố khang trang. Bán bán chuyện bán đất này eo ôi có nhiều vấn đề. Nhưng báo chí nào có nói đâu? Im lặng đợi Ok đâu vào đó rồi mới nói ưh. Báo chí là giả dối thì xã hội sẽ giả tạo. Tôi chia sẻ cùng ông heee. Nín thở thở không được thì thở ra...

    ReplyDelete
  33. clap clap clap
    phân tích hay đấy!
    Tôi đồng tình.

    ReplyDelete
  34. Em tình cờ đọc được entry này! Có những vấn đề tưởng chừng như được chỉ đạo hay chỉ thị này nọ - nhưng thực chất chỉ là áo khoát cho những trò trả thù hoàn toàn cá nhân!
    Chịu khó lục lại báo TNiên, Sẽ thấy một bài đập “blog bẩn” trong đó có 2 nhân vật được bêu đầu: Đức Hiển thư ký báo Pháp Luật (blog Bố cu Hưng) và Nguyễn Ngọc Tư. Hai người này vô tình đã đụng tới báo TN – mà thẳng thừng ra là cá nhân bác Khế. Sau đám tang bà già, bác Khế có đăng 1 trang báo nhà cảm tạ tất cả VIP ở VN đi đám – vụ này chắc anh còn nhớ? Lần đó cộng đồng blog đồng loạt lên tiếng, trong đó Bố cu Hưng chửi khá nặng – anh í mắng thẳng: bác Khế tự thủ dâm! Tối ấy bác Khế gọi cho Hồng Lam (báo CAND) là anh ruột Đức Hiển, kêu tác động Bố cu Hưng del. Entry và ngay sáng hôm sau – 1 công văn gửi qua P.Luật yêu cầu 5 Cu kỷ luật Bố cu Hưng! Trên blog Bố cu Hưng hiện đã xóa entry đó, hiện vẫn còn 1 bài trần tình!
    Triệt hạ blog đã bắt đầu bằng 1 chuyện như thế, chả có vĩ mô cái mẹ gì hết! Chó cứ sủa, đoàn người vẫn đi!
    Rất vui vì đã vào đây!
    P/s thêm mấy chuyện nữa: cuộc chiến P.L và T.N hiện vẫn tiếp diễn – mới đây nhất là vụ phỏng vấn ông bóng đá! Có một bác T.Trẻ viết mẩu bútbi: “Cường hào làng báo” để chửi cái thằng – mà –ai – cũng – biết – là – ai – đó kekkeke…tiếc là BBT báo T.T không muốn nhào zô chiện này! Kekkeke…em nhìu chiện gúm! Sori anh hihihihi…Hun anh phát! Chụtttt….

    ReplyDelete
  35. Blog - phương tiện truyền thông của tôi

    Thay vì lo lắng cho công dân như lo cho những cơ thể non yếu, thiếu sức đề kháng, phải che chắn, bao bọc trước các luồng thông tin khác nhau, chủ thể quản lý cần khuyến khích và giúp công dân trở nên khỏe mạnh, biết cách kiểm chứng, đối chiếu các nguồn thông tin...

    Nhầm lẫn về khái niệm
    Đúng là chúng ta có dùng blog để đăng nhật ký, hoặc có thể blog ra đời từ mục đích viết nhật ký, nhưng nếu vì thế mà coi blog là một dạng nhật ký thì có sự không rạch ròi giữa phương tiện biểu hiện và nội dung biểu hiện.

    Blog là một phương tiện, giống như một tập giấy hay một cuốn sổ trắng (chưa có nội dung). Nếu tôi dùng cuốn sổ đó để viết nhật ký, nó sẽ là sổ nhật ký; dùng để chép bài hát, nó sẽ là sổ bài hát; dùng để lập kế hoạch, nó sẽ là sổ kế hoạch; dùng để ghi bài học, giải bài tập, đó sẽ là sổ học tập... Dùng sổ làm gì là quyền của tôi. Không ai có thể bắt tôi phải dùng nó như một cuốn nhật ký.

    Blog cũng thế, tôi có thể dùng cho rất nhiều mục đích khác nhau, như sưu tầm, lưu trữ tư liệu; thảo luận, trao đổi ý tưởng; vận động làm một nhiệm vụ gì đó (như làm từ thiện); học tập, giảng dạy; kinh doanh, tiếp thị; đăng tải các tác phẩm văn học nghệ thuật; giao lưu, kết bạn; đưa tin và bình luận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống... Đó chính là những gì đang diễn ra trong thực tế. Không nên ngạc nhiên hay bức xúc khi thấy có những blog không phải là nhật ký cá nhân.

    Có điều khác ở chỗ, blog là một cuốn sổ công nghệ cao, có thể bày ra trên mạng toàn cầu cho bất cứ ai vào đọc, xem, nghe, ghi chép cảm tưởng, bình luận, bàn bạc, trao đổi. “Cuốn sổ” đó cũng không nằm một mình, mà liên kết với nhiều “cuốn sổ” khác, và những cuốn cùng của một nhà cung cấp thì dễ dàng kết dính với nhau thành cộng đồng. Những đặc tính đó của blog tạo nên khả năng tương tác và mời gọi tương tác đa chiều mạnh mẽ.

    Vì thế, trong rất nhiều trường hợp, blog đã trở thành một phương tiện truyền thông, do các cá nhân nắm giữ, là tiếng nói của các cá nhân (hoặc những nhóm nhỏ, tổ chức, doanh nghiệp). Phương tiện truyền thông này có thể bổ sung, tương tác, cũng có thể cạnh tranh với truyền thông đại chúng trong việc đưa tin và bình luận. Có những blog đã lôi cuốn được nhiều bạn đọc, tạo ra hiệu quả truyền thông đáng kể. Nếu chưa quen với việc một cá nhân cũng có thể tự tạo cho mình một phương tiện truyền thông và đưa tiếng nói của mình lan tỏa rộng khắp, sẽ dễ nghĩ đến việc hạn chế blog phát triển.

    Nhầm lẫn đối tượng quản lý
    Blog là một ứng dụng thông thường trên Internet, do các công ty cung cấp cho khách hàng của mình, không phải là công cụ của nhà nước, nên nhà nước không thể trực tiếp quản lý được. Cách nói “quản lý blog”, theo tôi, cũng là hệ quả của sự không phân biệt rạch ròi giữa phương tiện và nội dung được biểu đạt bằng phương tiện đó. Nói nhà nước “quản lý blog” cũng giống như nói nhà nước quản lý sổ sách hay giấy bút của công dân.

    Trên thực tế, nhà nước không cần và không thể quản lý giấy bút, sổ ghi chép (phương tiện) của công dân, nhưng có thể can thiệp nếu công dân viết lên giấy, lên sổ những nội dung vi phạm pháp luật rồi mang truyền bá cho người khác. Công dân cũng có thể bị kiện nếu truyền bá trên giấy, trên sổ hay trên bất cứ phương tiện nào những điều xúc phạm, bôi nhọ, quấy rối người khác và có thể bị toà án xử theo các quy định của pháp luật.

    Nếu công dân truyền bá những điều có hại mà chưa đến mức phải xử lý theo pháp luật, thì có thể sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Tất cả các cộng đồng, kể cả cộng đồng blog cũng đều có sự “điều chỉnh mềm” dựa theo những quy tắc hành xử được đa số công nhận, hoặc những giá trị mà cộng đồng đó xem là chuẩn mực. Trong trường hợp có những chuẩn mực cũ không còn phù hợp, gây ra tranh luận, thì chính blog sẽ là phương tiện chuyển tải những ý kiến đa chiều, qua đó tích cực góp phần hình thành những chuẩn mực mới.

    Như vậy, việc đặt ra những quy định mới về blog có lẽ là không cần thiết, vì hoàn toàn có thể sử dụng quy định trong các luật, bộ luật và văn bản hướn

    ReplyDelete
  36. Như vậy, việc đặt ra những quy định mới về blog có lẽ là không cần thiết, vì hoàn toàn có thể sử dụng quy định trong các luật, bộ luật và văn bản hướng dẫn sẵn có. Còn việc xác định nội dung blog nào đó có vi phạm pháp luật hay không, chứng minh điều đó như thế nào, làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ như thế nào để có chứng cứ... là việc của cơ quan quản lý. Có thể sẽ khó, nhưng không nên vì thế mà làm cái việc kỳ cục và không khả thi là quản lý blog (theo kiểu bắt buộc phải đăng ký với nhà nước). Không có nước nào làm như vậy cả. Các nước như Trung Quốc, Singapore, Malaysia đều đã phải bỏ dự định bắt buộc người dùng blog phải đăng ký tên thật.

    Sức đề kháng của công dân
    Vừa qua, chúng ta đã bàn nhiều về đối tượng quản lý mà ít đề cập đến chủ thể quản lý. Tôi cho rằng các nhà quản lý cũng phải tự đổi mới cách nghĩ để chấp nhận việc mỗi công dân giờ đây đều có phương tiện truyền thông riêng của mình, lúc nào cũng có thể cất lên tiếng nói của mình trên phạm vi toàn cầu, và những tiếng nói ấy dĩ nhiên không cùng một giọng, mà có thể có sự khác biệt. Sự phong phú, đa chiều của các nguồn thông tin chính là yếu tố quan trọng làm cân bằng môi trường thông tin.

    Thay vì lo lắng cho công dân như lo cho những cơ thể non yếu, thiếu sức đề kháng, phải che chắn, bao bọc trước các luồng thông tin khác nhau, chủ thể quản lý cần khuyến khích và giúp công dân trở nên khỏe mạnh, biết cách kiểm chứng, đối chiếu các nguồn tin, độc lập trong suy nghĩ, độc lập trong tiếp nhận thông tin.

    Những bước tiến của thời đại thông tin sẽ còn tiếp tục. Sẽ có những thế hệ công nghệ mới ra đời, công dân sẽ được trao những phương tiện mạnh mẽ hơn bây giờ. Vì thế, nếu tư duy quản lý không thay đổi, nó sẽ bị thực tế phát triển bỏ xa.
    --
    Bài đã đăng trên PC World VN series B, số tháng 12/2007
    http://nvhung.net

    ReplyDelete
  37. Hương Trà với Phương Thanh một chuyện khác - Báo Thanh niên bao đồng , ôm đồm quá .Viết bài mà không xưng tên thiệt.Chỉ mượn ý kiến của những người khác rồi post lên - khà....khà......khà

    ReplyDelete
  38. Không có báo nào viết chống DLVN ha :D

    ReplyDelete
  39. tôi chẳng muốn đọc báo nữa rồi chỉ muốn đọc blog thôi ( tất nhiên không phải blog nào cũng đọc). Nhưng các đồng chí nên giữ mình, sau các đồng chí còn có bố mẹ và vợ con các đồng chí

    ReplyDelete
  40. Anh viết linh tinh chẳng hiểu gì cả!

    ReplyDelete
  41. Ngày xưa thì còn có " bức màn sắt " để bưng bít thông tin. Nhưng thời đại này thì những cái " huyền bí " đó đã lồ lộ ra rồi. Nhất là từ khi có in tờ nét thì rõ ràng những " câu lạc bộ độc tài toàn tri " xem ra khó chịu vô cùng. Thế nên, thằng nào còn nằm trong tầm ngọn roi mà sợ đòn thì phải " ngoan " thôi. Mà ông Nguyễn công Khế chẳng những không bị đòn mà còn có bánh kẹo mỗi ngày, vậy thì ...ngu sao mà hổng " ngoan "!!

    ReplyDelete
  42. Ngày xưa thì còn có " bức màn sắt " để bưng bít thông tin. Nhưng thời đại này thì những cái " huyền bí " đó đã lồ lộ ra rồi. Nhất là từ khi có in tờ nét thì rõ ràng những " câu lạc bộ độc tài toàn tri " xem ra khó chịu vô cùng. Thế nên, thằng nào còn nằm trong tầm ngọn roi mà sợ đòn thì phải " ngoan " thôi. Mà ông Nguyễn công Khế chẳng những không bị đòn mà còn có bánh kẹo mỗi ngày, vậy thì ...ngu sao mà hổng " ngoan "!!

    ReplyDelete