Friday, October 12, 2007

Báo chí

Một số sự kiện gần đây như vụ Từ Nữ Triệu Vương phỏng vấn Lê Thiếu Nhơn cho thấy có sự thiếu hụt trầm trọng trong cái gọi là văn hóa của các nhà báo khi phỏng vấn. Có rất nhiều người sau khi được phỏng vấn cảm thấy mình bị “đánh lừa”. Bằng cách cắt xén, thêm thắt, gài bẫy…, nhiều nhà báo đã cố tình gài để người trả lời phỏng vấn mắc bẫy, tạo ra các scandal, để rồi người ta có thân bại danh liệt vì chuyện đó thì cũng không sao, mà lại càng hả hê vì bài viết của mình gây chấn động hay mình đã gài được cho nó chết. Những sự việc đó thực chất là rất rẻ tiền, mang bản chất của báo lá cải nhưng lại rất phổ biến trong báo giới Việt Nam ở mọi tờ. Một hiện tượng khác nữa khi đọc các bài phỏng vấn còn là sự lanh chanh của người phỏng vấn, lấn lướt người trả lời, nhiều chỗ như hỏi cung, trong khi thực ra vai trò của người phỏng vấn phải là tạo điều kiện cho người trả lời và lấy người trả lời làm trung tâm. Ví dụ trong bài phỏng vấn này của Sơn Khê với Nguyễn Phan Hách trên Vietimes, tôi thử đếm thì số câu chữ của Sơn Khê (người phỏng vấn) chiếm tới 58% số câu chữ mà Nguyễn Phan Hách nói. Một cách ngẫu nhiên, tôi thử đếm từ bài phỏng vấn của Daniel Mermet với Noam Chomsky đăng trên tờ Diễn Đàn và đăng lại trên blog Dong A để so sánh. Số từ mà Mermet nói chỉ chiếm 11% số từ mà Chomsky nói.

Tôi nghĩ có nhiều phóng viên bước vào phỏng vấn với tâm lý như vào trận. Họ bài binh bố trận để người trả lời phỏng vấn nghĩ rằng đó là một cuộc phỏng vấn bình thường, nhưng thực ra trong đầu phóng viên đã có sẵn dàn ý, với mục tiêu nhằm “đánh” người trả lời. Người phương Đông có câu Binh bất yếm trá, thậm chí còn thần thánh câu đó như là đạo đức của chiến tranh, và rộng hơn là trong các mối quan hệ khác trong xã hội. Nhưng các nhà báo- chiến sĩ ấy quên rằng đạo đức của nhà báo không phải là ở tư cách chiến sĩ của họ, ở việc họ có tìm được chỗ sơ hở của người được viết bài để vùi dập và gây scandal hay không (mà sự vùi dập này nhiều khi để thỏa mãn các mâu thuẫn cá nhân). Đạo đức của nhà báo là ở chỗ nhận thức đúng vấn đề đáng viết và cần phải viết, và viết bài một cách trung thực và khách quan. Rất nhiều nhà báo ý thức được rằng mình có quyền lực (mà theo sách thì hình như được gọi là quyền lực thứ tư). Nhưng cũng khá nhiều người không hiểu thực sự ý nghĩa quyền lực mà mình có- đó không phải một thứ quyền lực tự thân mà là quyền lực mà xã hội trao cho họ để họ tìm hiểu và thông tin về sự thật cho công chúng. Những nhà báo lạm dụng quyền lực của mình cũng tồi tệ không khác các chính trị gia lạm dụng quyền lực mà xã hội giao cho để tham nhũng, hối lộ và bạo hành. Thậm chí có thể họ còn tồi tệ hơn vì họ sẽ góp phần làm tê liệt xã hội, khiến xã hội mất dần khả năng điều chỉnh để có thể tốt đẹp hơn. Nói như cụ Hồ nói “báo chí cách mạng là tai, là mắt của nhân dân” thì các nhà báo, những tờ báo lạm quyền, thao túng sự thật vì lợi ích bản thân hay những nhóm lợi ích nào đó, hoặc xu nịnh các quyền lực khác, cũng là đang góp phần mù hóa, điếc hóa nhân dân.

Phim Citizen Kane- bộ phim được đông đảo giới làm phim coi là vĩ đại nhất trong thế kỷ 20- kể về cuộc đời của một tỷ phú làm báo. Báo của ông là một báo lá cải và ông tự hào về điều đó. Nhưng dù là một tờ lá cải, tờ báo vẫn có linh hồn và triết lý của nó. Triết lý làm báo lá cải của Kane là gì. Kane đưa ra một tuyên ngôn cho tờ báo, và in nó rộng rãi trên trang nhất:

“Tôi sẽ cung cấp cho nhân dân trong thành phố một tờ tin hàng ngày. Tờ tin này sẽ đưa tất cả các tin tức một cách trung thực. Tôi sẽ cung cấp cho họ những tin tức trung thực một cách nhanh chóng, đơn giản và có tính giải trí. Và không có nhóm lợi ích nào được phép ảnh hưởng tới tính chân thực của tin tức. Tôi sẽ đấu tranh không mệt mỏi vì quyền công dân và quyền con người của họ”.


Cái tuyên ngôn của báo lá cải đó, xem ra chưa có tờ báo nào của Việt Nam thực sự làm được những gì tương tự (mà lý do chính, tất nhiên là vì chúng ta chưa có tự do báo chí). Và có lẽ cũng không nhiều nhà báo có thể tự hào là mình làm được thế, (trong phim thì đến bản thân Kane cũng không giữ được đến phút chót điều này). Trong giới báo chí nước ngoài thì đến tờ New York Times (tờ vẫn tự hào và được ca tụng là The best newspaper in the world) cũng xảy ra những vụ phóng viên gian dối và thiếu đạo đức nghề nghiệp. Nhưng như thế không có nghĩa là đánh đồng tất cả với nhau, New York Times cũng như Vietimes, hay Washington Post cũng không khác gì báo Bưu điện.

Tôi không biết các tờ báo ở Việt Nam có được một triết lý nào đó được phổ biến rộng rãi cho các phóng viên không. Cũng mong là các triết lý đó, nếu có, cũng không rẻ tiền và đung đưa với hoàn cảnh nhiều quá.



PS: Để tránh hiểu lầm (như đã xảy ra hichic), tôi xin nhấn mạnh là tôi rất rất tôn trọng nghề báo và công việc mà nhiều nhà báo đang làm ở Việt Nam. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, báo chí có tác động rất tích cực tới xã hội, thậm chí có khả năng làm biến chuyển xã hội cả về mặt tư duy và hành động. Bài viết này chỉ là mong muốn để báo chí “cách mạng” ngày càng trở thành tai mắt của nhân dân, và các nhà báo ngày càng rèn luyện tài năng, nhân cách (và phẩm chất chính trị) thêm vững vàng.

17 comments:

  1. Trong các bài phỏng vấn, nhà báo có quyền sửa chữa những lỗi diễn đạt để khi tới bạn đọc thì câu cú suôn sẻ, và những sửa chữa này không được sai lệch hoặc xuyên tạc so với nội dung cuộc trao đổi phỏng vấn. Tớ nghĩ đó là nguyên tắc cơ bản về mức độ chân thật và trung thành trong vấn đề truyền tải thông tin. Việc giật tít rẻ tiền, hoặc thêm thắt, bẻ cong ý người khác theo mục đích của mình - sẽ làm cho nhiều người đàng hoàng sợ các nhà báo, sợ các cuộc phỏng vấn, vì cảm giác mình bị lừa dối, những thứ danh nhân mình nhưng một cách chính xác thì lại không phải do miệng mình nói ra.

    Hê hê, nói chung nhắn các bác trên này, nếu về sau có nổi tiếng và được phỏng vấn, thì rất nên chọn nhà báo đàng hoàng có thể tin được. Và nhất thiết phải xin xem cho được bản thảo bài phỏng vấn trước khi họ đăng.

    ReplyDelete
  2. Sorry, viết nhầm 'nhân danh' thành 'danh nhân', bác Linh sửa hộ tớ cái và xoá luôn ý kiến phụ lục này :D Cám ơn.

    ReplyDelete
  3. Bạn Linh ạ, tớ rất chia sẻ với sự phẫn nộ của bạn. Cái gọi là "chạy theo thẩm mỹ và gu của quần chúng" là một hiện tượng phổ biến trong mọi lĩnh vực tư tưởng ở VN.
    Ở đây có hai khía cạnh: 1. Phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền 2. Chạy theo thị trường. Cái ác là: các nhà lãnh đạo sẵn sàng thỏa hiệp với chủ nghĩa tiêu dùng của thị trường Tư bản, miễn sao không động chạm đến lợi ích chính trị. Và thế là: thị trường lên ngôi, chả bị ai cấm đoán, và thế là loạn tùng bậy cả lên, đạo đức thoái hóa.
    Linh biết không, tớ cũng là dân làm báo đấy, vậy mà cũng không ngừng sốc trước những gì mà báo chí gây ra gần đây. Tớ rất buồn, thú thực là như thế. Tất nhiên cuộc sống thì lúc nào cũng có người tốt kẻ xấu, trong giới làm báo cũng thế, nên mong bạn gì là nhà báo cũng đừng quá bực mình làm gì. Đạo đức là gốc của con người nói chung, chứ riêng gì của nhà báo. Tớ hiểu bạn Linh đang phẫn nộ quá thôi, mà sự phẫn nộ của bạn ý là hoàn toàn có lý.

    ReplyDelete
  4. Em thì thấy những gì anh Linh nói là đúng, thậm chí còn khá "nhẹ nhàng" so với thực trạng chung (như đoạn P.S cũng đã là "giải pháp an toàn" để tránh những comments không đi đúng hướng, cũng như những sự "nhòm ngó" thiếu văn minh). Tất nhiên, không một tờ báo nào hay 1 nền báo chí nào là hoàn toàn trong sạch (như vụ scandal của NY Times chẳng hạn). Nhưng chỉ khi nào "bạn" (to whom it may concern) chấp nhận nghe được những lời chê một cách fair play nhất thì khi đó may ra chúng ta mới gạch đầu dòng được hết những vấn đề trong làng báo hiện nay.

    Theo em (cũng đã có kinh nghiệm gần 6 năm làm báo cả người lớn và trẻ con, cả lá cải - HHT/SVVN như nhiều người gọi, và không lá cải) thì trách nhiệm của những bài báo, bài phỏng vấn thiếu văn hoá /văn minh trước tiên phải thuộc về những người chịu trách nhiệm chuyên mục, những Phó TBT, những TBT. Vì họ nắm giữ cái "hồn" và sự uy tín của tờ báo.

    Chỉ qua một vài sự việc mới nhất "blog cogaidolong vs ca sĩ PT", "vụ phỏng vấn nhà thơ của VNN", "một loạt bài phỏng vấn trên Vietimes của Xuân Anh", "sextape của Thuỳ Linh"... chúng ta đã có thể thấy ngay cách xử lý thông tin quá yếu kém, và thậm chí là "ít hiểu biết" của ("một phần nào đó") báo chí VN. Trước một lượng thông tin như vậy, báo chí đã xử lý ra sao?

    - Vụ sextape -> Lao Động đăng bài ND không phù hợp và phải gỡ bài xuống. Thể thao văn hoá đưa tin sai lệch trắng trợn (mà không thèm kiểm chứng trước khi cho đi bài???)

    - Vụ phỏng vấn của VNN --> lấp liếm bằng cách "để rộng đường dư luận". Đó là một sự thiếu tôn trọng người đọc không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến những vụ phỏng vấn theo chuyên đề của Từ Nữ Triệu Vương với các nghệ sĩ trước đây cũng còn nhiều điều đáng nói.

    - Vụ blog cogaidolong: Thanh Niên hoàn toàn đưa ý kiến một chiều. Nếu không được đọc blog của user này, cũng như không được xem các chứng cứ của bên này (mà hầu như những người đọc TNiên, mấy ai đọc blog) thì những thông tin lập lờ mà họ đưa ra sẽ khiến người đọc có ngay ác cảm với cogaidolong. Chưa biết ai đúng ai sai (việc của toà án), nhưng ít ra hãy cho người ta 1 cơ hội đưa thông tin bình đẳng.

    Điều quan trọng là bây giờ độc giả không ngốc, không mù mờ. Họ có thể check thông tin từ nguồn này, nguồn khác. Chính tôi - người đọc báo sẽ có chính kiến riêng của mình. Vì thế tôi sẽ tán thưởng nếu anh cho tôi đọc 1 bài báo khách quan, trung thực và tôi có thể phát triển thêm suy nghĩ của mình. Ngược lại, đó sẽ chỉ là những con chữ vớ vẩn, đọc xong, "chán chẳng buồn chết".

    ReplyDelete
  5. Bác Linh viết thế này vẫn là đánh giá cao bạn Từ của em rồi. Thật ra bạn Từ còn hồn nhiên hơn bác nghĩ cơ :)

    ReplyDelete
  6. Toi nghi Linh da hoi qua loi khi danh dong tat ca nha bao voi nhau. Toi tung gap nhieu nguoi dang hoang, dua bai lai cho nguoi duoc phong van doc va san sang sua chua theo yeu cau cua nguoi duoc phong van neu ban than ho suy nghi lai sau phut giay phat bieu boc dong.
    Toi co the ke ten rat nhieu nha bao dang hoang nhu the cho Linh nghe: Song Pham, Lam Tuyen, Duong Thanh Van...
    Ban than toi, tuy chua phai la mot nha bao gioi, co nhung bai viet toi viet rat au tri, rat ngu ngoc vi thieu kien thuc nhung toi chua bao gio vi pham dao duc nghe nghiep va doi trang thay den nhu cach ma Linh goi la "su thieu hut van hoa"...
    Toi rat tran trong nhung y kien cua Linh, hay doc blog cua ban de hoc hoi, va luu y nhung cai ban nhac nho de sua chua chinh minh.
    Nhung van xin nhac ban rang, khong nen cho rang moi nha bao o Viet Nam deu vi pham dao duc nghe nghiep nhu the!
    Than ai!

    ReplyDelete
  7. đọc câu cuối này làm em nhớ hôm gặp anh Phước trong SG vừa rồi, hai anh em ngồi tâm sự xong rồi anh P bảo, may quá VTimes ko sử dụng câu slogan của mình :P. Ý tưởng của một VTimes dành cho trí thức với cái tên VTimes đều là kết quả brainstorm của hai anh em, nhưng giờ thì suốt ngày bị các bạn hỏi thăm và phàn nàn về nó. Thật là mệt mỏi. Anyway, it's the past...

    ReplyDelete
  8. @Ki_en: Thực ra tớ không nhằm cá nhân bạn Từ. Đó chỉ là một ví dụ để tớ nói về tình trạng “biên tập” bài viết thiếu nghiêm túc và tôn trọng của nhiều tờ báo ở Việt Nam. Gần đây ông Bùi Trọng Liễu ở Pháp cũng lên tiếng về việc tờ Tia Sáng (góc nhìn của tri thức) biên tập, sửa chữa bài viết của ông. Và còn nhiều việc tương tự. Sự thiếu hụt văn hóa mà tớ nói không phải là sự thiếu hụt có tính cá nhân mà là sự thiếu hụt trong văn hóa nghề nghiệp. Có thể gọi nó là thiếu tính chuyên nghiệp cũng được nhưng tớ thấy gọi là thiếu văn hóa thì đúng hơn, dù văn hóa đây là văn hóa nghề nghiệp.

    @Anvien: Có lẽ bạn không đọc kỹ. Tớ không nói là các nhà báo Việt Nam đều thế. Nói thật, tớ có nhiều bạn là nhà báo và tớ cũng rất tôn trọng nghề báo. Nhưng chính vì tôn trọng nghề báo và nhà báo nên tớ mới viết thế này. Tớ tin và vẫn luôn tin là có nhiều nhà báo Việt Nam yêu nghề, trung thực và dấn thân. Và những đóng góp của họ với xã hội là rất đáng kể, nhất là trong một xã hội bị bịt một mắt và một tai một cách có hệ thống như ở Việt Nam.

    ReplyDelete
  9. Vâng, em biết thế mà. Nhiều cô cậu PV bây h còn chả biết đặt câu hỏi mà vẫn vác xác đi phỏng vấn. Cứ đến, ghi âm một đống, về rã băng ra rồi chèn câu hỏi vào theo nội dung nhân vật nói. Rồi thêm bớt, cắt xén, lấy chỗ nọ bù chỗ kia, ra một bài xào nấu. Càng găm được những câu hớ hênh, câu khách càng tốt...

    ReplyDelete
  10. Không sửa được comment đâu (chỉ xóa được), TBM để thế cũng không sao.

    ReplyDelete
  11. Điều đáng tiếc là báo chí lên tiếng phê phán tất cả mọi ngành nghề nhung hiếm khi tự phê phán chính mình và hiếm khi chấp nhận được sự phê bình từ phía độc giả. Nếu báo chí có lỗi, mục đính chính luôn tỏ ra lỗi đó không phải từ toà soạn (kiểu "mở rộng được dư luận").
    Tui không dám nói về các mảng khác, nhưng mảng văn hoá nghệ thuật, cũng như mảng phim ảnh, người làm báo hoặc tìm cách 'đập', 'bơi móc', 'gài bẫy' nhân vật hoặc ca tụng lên mây xanh, nhưng hầu hết bài viết thấy toàn bóng dáng người viết chứ hiếm bài viết cho thấy được chân dung người được giới thiệu - dù tốt hay xấu. Với tui, nhiệm vụ báo chí là giúp người đọc hiểu hơn về nhân vật hoặc vấn đề được đề cập, chứ không phải phán xét họ.
    Mà với phim ảnh thì chuyện này hầu như là con số không. Lý do đơn giản là vì muốn giúp độc giả hiểu thì trước tiên người viết phải hiểu. Muốn người viết hiểu thì phải có kiến thức. Muốn có kiến thức thì phải học. Nếu nền giáo dục của mình không cung cấp những kiến thức đó thì phải tự mày mò. Nhưng lười đọc (sách chuyên môn) lại là bệnh kinh niên của đại bộ phận người Việt Nam hôm nay nói chung và của giới viết báo nói riêng.
    (góp phần biến blog bạn L thành blog bẩn hẳn sớm muộn gì cũng sẽ bị bêu riếu trên mặt báo như Cô gái đồ long mà thôi)

    ReplyDelete
  12. Chính ra việc tớ dùng chữ “văn hóa” ở trên dễ làm nhiều người khó chịu. Chữ “văn hóa” vẫn là một chữ nhạy cảm. Ở đây ý tớ là văn hóa nghề nghiệp-professional culture- một thái độ ứng xử phù hợp trong công việc.
    Bạn Phượng: thực ra tớ cũng không phẫn nộ, hihi, nếu phẫn nộ thì phải giận dữ mà giận dữ thì mất vui. Tớ chỉ khó chịu và cảm thấy ironic thôi.

    ReplyDelete
  13. tớ đi nghỉ về lười biếng qúa, thích Linh viết như là thích Linh vậy :D
    có bài này, tớ nhét vào đây như 1 comment nhé.

    http://www.giaitri.mobi/vcms/html/news_detail.php?nid=9474

    ReplyDelete
  14. Tôi rất không ưa những người thiếu văn hóa. Đặc biệt nếu là nhà báo...Dù bạn bè tôi làm báo cũng nhiều.

    ReplyDelete
  15. Điều quan trọng là bây giờ độc giả không ngốc, không mù mờ. Họ có thể check thông tin từ nguồn này, nguồn khác.
    --> mọi người lạc quan quá. Có bao nhiêu phần trăm độc giả đọc tin từ các nguồn khác?

    ReplyDelete
  16. "Professional culture" rộng và trừu tượng quá. Có lẽ nên gọi là "professional ethic" thì hơn.
    Khổ là chữ "đạo đức" trong tiếng Việt dùng nhiều quá nghe đã thấy mệt.

    Culture là thứ cứ bị định nghĩa đi định nghĩa lại hoài, và tính khách quan cũng kém. Chẳng hạn cô nhà báo nọ vẫn có thể nói văn hóa của cô nó hoặc của cơ quan cô nó như thế, nó "đặc thù".

    Còn ethic thì khó thay đổi, cứng rắn vì đã là ethic thì không thể khi thế này khi thế khác được. Một giá trị quan trọng của văn hóa là tính linh động. Còn giá trị của ethic là sự nhất quán, unfailing trong mọi hoàn cảnh.

    Có lẽ đây là một vụ thiếu hụt/vi phạm đạo đức nghề nghiệp. (Chị dùng chữ có lẽ vì bài đã bị gỡ xuống rồi, không đọc nên không biết nó vi phạm thế nào. Nhưng nghĩ thêm thì hành động tháo xuống không xin lỗi cũng đã là vi phạm các rules căn bản trong nghề)


    ReplyDelete
  17. Ở VN không có khái niệm "quyền lực thứ tư" cho "báo chí". Trên thực tế ở các nước tư bản, "quyền lực thứ tư" ấy có được là do được chống lưng bởi quyền lực thứ nhất, thứ hai gì đó...
    Theo tôi đạo đức nhà báo là đặt quyền lợi người đọc lên hàng đầu: người đọc được gì...? (chứ không phải người đọc có thích không).
    "Không có nhóm lợi ích nào được phép ảnh hưởng tới tính chân thực của tin tức" cũng là một cách nhìn của đạo đức nhà báo. Nhưng đôi khi, phải nhìn nhận "quyền lợi người đọc" cao hơn "tính chân thực". Cái này lại phụ thuộc vào khả năng nhìn nhận "bản chất của hiện tượng" của nhà báo.

    ReplyDelete