Wednesday, October 10, 2007

Che Guevara


Image:Famousphotoche-cropped.jpg

Hình như đợt này đang là dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Che Guevara? Thấy trên báo chí và cả trên blog nhiều người nhắc tới ông. Tuy Che mất 40 năm nhưng hẳn là số người hâm mộ ông còn rất nhiều, mặc dù chắc là đã và đang giảm dần theo thời gian cùng với sự tan rã hay suy yếu của các phong trào cánh tả (các phong trào cộng sản vũ trang ở một số nước kém phát triển châu Mỹ hay châu Á giờ đều có tính chất Maoist- từ Con đường tươi sáng ở Peru cho tới du kích Maoist ở Nepal).

Trên BBC có một bài điểm một cuốn sách về Che, nhưng bài điểm sách không hay, cuốn sách kia được viết với thái độ thù địch đã được xác định về Che mà bài điểm sách chỉ đưa tin một chiều và lấy tiêu đề “Sách mới kể thật về Che Guevara” trong khi nó có thật hay không thì có trời biết.

Ngay cả cái kết của cuốn sách đã cho thấy sự võ đoán của nó “Nói một cách khác, Che chính là một “sản phẩm của Pháp” trong thời đại tinh thần bài Mỹ lên cao sau Thế chiến ở châu Âu.” Sartre hay một số trí thức thiên tả ở Pháp khen Che không có nghĩa là Che là “sản phẩm của Pháp”, hơn nữa tinh thần bài Mỹ cũng không phải “lên cao sau Thế chiến ở châu Âu” (ngược lại thì có, lúc đó người châu Âu còn biết ơn người Mỹ) mà là lên cao vào thời điểm chiến tranh Việt Nam, sau cách mạng Cuba, và cùng lớn mạnh với phong trào hippie và dân quyền ở Mỹ, New Left ở châu Âu, tức là vào những năm 60s. Câu kết đó có vẻ rất công thức: bài Mỹ= Pháp, nhất là trí thức.

Không phủ nhận Che Guevara đã trở thành một cái gì đó gần với huyền thoại, và đã là huyền thoại thì tất nhiên là có sự thêu dệt, có cái đúng và cái không đúng. Vấn đề là lý giải huyền thoại đó như thế nào chứ không phải cứ chăm chăm vào các tiểu tiết như Che Guevara thường tự tay xử bắn người bị xử tử. Che xuất hiện vào một thời điểm phù hợp, cùng với phong trào cánh tả và giải phóng dân tộc, chống lại đế quốc đang trỗi dậy ở khắp thế giới. Là người theo chủ nghĩa thế giới và với tinh thần phiêu lưu không mệt mỏi, Che Guevara vừa gợi lại hình ảnh của một chàng hiệp sĩ Don Quixote mệt mỏi và bất khuất, kiêu hãnh và ngây thơ trong trang sách của Cervantes, vừa là sự quay trở lại của tinh thần Bolivar bất khuất, người trong thế kỷ 19 đã tung vó ngựa khắp Mỹ Latin đánh đuổi thực dân Tây Ban Nha, lập ra hàng loạt quốc gia mới (Bolivia là mang tên ông) và với ước mong xây dựng một Đại quốc gia Xuyên- Mỹ Latin trên khắp cả châu lục. (Có ngẫu nhiên không khi cũng như Che, cả Don Quixote lẫn Bolivar đều là sản phẩm của văn minh Latin).

Tư tưởng của Che tuy là cộng sản, nhưng không phải là cộng sản Stalinist mà là cộng sản thế giới (về điểm này gần với Trosky) và kết hợp với tinh thần giải phóng dân tộc và chống đế quốc. Do đó nó gần gũi với mọi phong trào phản kháng, dù ở các nước nghèo hay các nước giàu. Những người phản kháng ở bất cứ đâu, chống lại bất cứ thể chế thống trị nào để có thể lấy ông làm hình tượng đấu tranh. Chẳng hạn, sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi những người biểu tình phản đối toàn cầu hóa lại mặc áo phông hình Che. Cái chết được coi là “tử vì đạo” của ông khiến ông hoàn toàn có thẩm quyền giữ địa vị người hùng ngay cả khi CNCS đã thất bại nặng nề trên toàn thế giới và Cuba, cái nôi của cách mạng châu Mỹ, giờ chỉ còn là một hòn đảo u buồn và ngột ngạt.

Dù sao cái chết của Che đã tránh cho ông cũng là một cái chết đẹp. Nói như bạn Quốc Anh có lần nói, một cuộc cách mạng đẹp là một cuộc cách mạng thất bại. Don Quixote chết trong trạng thái nửa điên nửa tỉnh, lẫn lộn giữa thực và sự tưởng tượng; Bolivar chết sau khi trở thành nhà độc tài chuyên quyền rồi bị thất thế. Rất có thể cái chết của Che Guevara đã tránh cho ông trở thành một nhà cai trị độc tài và tham nhũng (hoặc sẽ bị thủ tiêu trong các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ sau đó). Rất có thể ông cũng tự cảm nhận thấy điều đó và đó chính là động cơ để ông tiếp tục lao vào các cuộc phiêu lưu thất bại khác (cuộc phiêu lưu duy nhất mà Che thành công là ở Cuba, khi ông không phải là người lãnh đạo thực sự). Nếu đúng thế thì phải chăng, Che là một người hư vô chủ nghĩa khoác áo cộng sản và giải phóng?

Hoặc cũng có thể tinh thần không mệt mỏi của Che là một tinh thần chung của các vị anh hùng (hay ác quỷ- hai vai trò này nhiều khi hoán đổi cho nhau ở cùng một người) Mỹ Latin. Giống như đại tá Aureliano trong Trăm năm cô đơn từng mười mấy lần (sic) phát động các cuộc cách mạng khác nhau mà chẳng vì cái gì cả- ngoài cái động cơ tự thân là làm cách mạng, là chiến đấu (lúc nào phải đọc lại truyện này mới được, quên gần hết nội dung rồi). Những viên tướng, những nhà chính trị và cai trị Mỹ Latin luôn là những người điên rồ nhất như Marquez từng mô tả trong diễn từ giải Nobel của mình

“Tướng Antonio López de Santana, ba lần là độc tài Mexico, làm một đám tang rầm rộ để đưa ma cái chân trái của y mà y bị mất trong cái gọi là Chiến tranh Bánh ngọt. Tướng Gabriel García Moreno cai trị Ecuador trong mười sáu năm như một vị vua có uy quyền tuyệt đối; khi ông ta chết, thi hài ông ta được đặt ngồi trên ghế tổng thống, diện đồng phục tinh tươm và đeo dày đặc huân chương, sau đó mới đem chôn. Tướng Maximiliano Hernández Martíne
z, kẻ chuyên quyền theo thuyết thần trí của xứ El Salvador đã hạ lệnh giết sạch ba mươi ngàn nông dân trong một cuộc thảm sát man rợ, phát minh ra một quả lắc để dò tìm thuốc độc trong thức ăn của ông ta, và cho phủ đèn đường bằng giấy đỏ để tránh dịch tinh hồng nhiệt.”

Dù cánh tả hay cánh hữu, họ giống nhau nhiều hơn là khác nhau.

Thực ra, trước Che, người Mỹ Latin đã có một viên tướng có vai trò huyền thoại tương tự. Đó là Pancho Villa, một nhà cách mạng Mexico hồi đầu thế kỷ 20, người cũng được giới báo chí và nhiều người hâm mộ coi như thần tượng của tư tưởng tự do và giải phóng. Pancho Villa có lẽ là viên tướng Mỹ Latin duy nhất từng đem quân tấn công vào lãnh thổ Mỹ, khiến người Mỹ trả đũa bằng một cuộc hành quân sang Mexico lùng và diệt Pancho Villa nhưng vẫn không thể bắt được ông. Sau này, ông bị ám sát trong nội chiến ở Mexico. Pancho Villa cũng từng là chủ đề ăn khách của điện ảnh Holywood trong nửa đầu thế kỷ 20, với vài chục bộ phim về ông (trong đó có vài phim do chính ông ta đóng vai chính)

.Villa at Battle of Ojinaga

Pancho Villa- hiệp sĩ của dân nghèo hay gã cướp đường?


Nhưng dù sao Pancho Villa vẫn là hiện tượng gần với folk-lore, gắn liền với một vùng đất và một giai đoạn lịch sử nào đó, tương tự như Billy the Kid chẳng hạn. Còn với Che trong thời hiện đại, vai trò của Che đã từ một folk-lore trở thành một huyền thoại có tính quốc tế với sự đóng góp quan trọng của truyền thông (ví dụ như bức ảnh huyền thoại). Nhiều người tìm tới Che Guevara, nhất là khi còn trẻ, như là sự phản ứng trước xã hội tư bản ngột ngạt, phi cá nhân, lũng đoạn và đôi khi là đạo đức giả.

Nhưng khác với Don Quixote là một nhân vật hư cấu và do đó không thể có tì vết (tất nhiên rất có thể sẽ có những "phát hiện" hay "tiết lộ" kiểu như Don là người đồng tính, chỉ yêu mỗi Sancho Pansa nhưng các tiết lộ đó sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới hình tượng Don cả). Che Guevara vẫn là người có thực và hẳn sẽ có không ít tì vết. Huyền thoại của ông rồi sẽ dần dần mờ đi, trong chừng 30 năm nữa, có lẽ sẽ không có nhiều người biết được ông là ai. Che có thể sẽ vẫn tồn tại như một cult hero, một folklore nhưng sẽ không còn là một giải pháp hay một niềm cảm hứng.

Link bài tớ review phim Nhật ký xe máy trên blog cũ.

(Các ảnh đều từ Wikipedia)

2 comments:

  1. Đồng chí Che mới chính là hình mẫu của lãng mạn cách mạng. Cứ làm cách mạng nhưng cách mạng chẳng để làm gì cả. May cho Che là Che chết sớm, chứ mà vẫn sống, thì không khéo lại hoá ra độc tài hơn cả Fidel.

    ReplyDelete
  2. Cái entry hay thế này sao ít người comment thế nhỉ.

    Bạn Minh Minh nói nếu Che sống lâu thì trở thành độc tài là không đúng, Che từng nắm những chức vụ quan trọng trong chính phủ Fidel nhưng vẫn bỏ để đi làm cách mạng tiếp. Có thế hình ảnh của Che mới trở nên lãng mạn và bất tử. Ông ta không phải là người tham quyền cố vị.

    ReplyDelete