Monday, October 8, 2007

Entry for October 08, 2007

Bài này của Vietimes khá tốt, chủ đề cũng hay: về công việc biên tập viên ở các nhà xuất bản. (Tờ Vietimes này có khả năng sẽ hay, biết cách khai thác chủ đề và có nhiều mối quan hệ - phỏng vấn được nhiều nhân vật nổi tiếng, dù vẫn có cái leng keng, khoa trương xì tai NAT ).
Việc các nhà xuất bản lớn như NXB Thanh Niên xuất bản tới 200 cuốn sách dịch mà chỉ có hai biên tập viên thì quả là đáng lo ngại.
Nhưng cuối bài vẫn thể hiện tư duy quen thuộc, nhà nước là mẹ là cha.

“Điều đáng nói, cách làm ăn chụp giật, cẩu thả, vô trách nhiệm này lại không bị xử lý nghiêm khắc từ chính cơ quan quản lý. Ông Lý Bá Toàn, Cục phó Cục Xuất bản, cho biết: Cục Xuất bản chỉ xử lý những cuốn sách có sai phạm về nội dung như tuyên truyền chống phá Nhà nước, truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy… Còn quy chế xử lý những cuốn sách be bét lỗi chính tả, câu cú lủng củng, bản dịch tối nghĩa, sai địa danh, tên riêng… vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, xây dựng(???). Trong điều kiện được “nở bung” phát triển, lại không bị ràng buộc, thúc ép, giám sát bởi những chế tài nghiêm khắc, các nhà xuất bản tha hồ “tự tung tự tác” chà đạp lên quyền được hưởng thụ những sản phẩm tinh thần có chất lượng của độc giả. “

Trong khá nhiều bài báo, chúng ta dễ gặp các câu tương tự, mỗi khi có sự việc gì đó xảy ra là các nhà báo lại nêu câu hỏi: vậy cơ quan quản lý ở đâu, và lại đòi phải có các chế tài nghiêm khắc. Blog đen? Cần có chế tài, cần có quản lý. Thảm họa dịch thuật? Lại cần có chế tài, cần có quản lý….Báo chí cũng nên thay đổi tư duy, không phải nhà nước là vị Chúa toàn năng, việc gì cũng phải có mặt, phải ra tay thưởng phạt. Với những bản dịch lỗi, bản dịch sai, bạn đọc sẽ lên tiếng (với sự ủng hộ của báo chí) và đó sẽ là những tín hiệu yêu cầu các nhà xuất bản phải nghiêm túc hơn. Ví dụ sau vụ Mật mã Da Vinci mà người đầu tiên lên tiếng là Trần Tiễn Cao Đăng thì NXB Văn hóa Thông tin giờ hẳn mất uy tín trầm trọng. Hay ngược lại, gần đây, sách của Nhã Nam nổi lên như tín hiệu tốt trên thị trường, thể hiện sự chuyên nghiệp từ khâu chọn sách cho tới biên tập, in ấn và tiếp thị, những cái đó bản thân người đọc cũng tự nhận ra, đâu cần phải có cơ quan quản lý nào ra tay thưởng phạt?
Nói chung, từ báo chí cho tới mọi người, nên thay đổi cái tư duy con đòi mẹ cho bú ấy đi. Vai trò kiểm duyệt của các nhà quản lý cần bớt đi chứ không phải là tăng lên.

20 comments:

  1. Cách đi của VieTimes có thể nhìn thấy ngay từ loạt bài đầu tiên. Tuy nhiên mình cho rằng nếu không tiết chế liều lượng và phó mặc cho phóng viên trẻ đối phó với những chủ đề gai góc (bài phỏng vấn thiền sư Thích Đạo Hạnh chẳng hạn) thì VietTimes khó bật hẳn lên, bởi sẽ lại rơi vào NAT'Style

    ReplyDelete
  2. uh, phỏng vấn thiền sư Thích Đạo Hạnh thì khó là phải rồi :)).
    Đùa chút, PV và BTV của VieTimes được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, phần lớn là người có nghề và tâm huyết, vấn đề là cái tư tưởng của người dẫn đầu thôi. Chính xác ở đây ko phải là NAT's style mà là NQT's style. Hai phong cách này chưa bao giờ hòa làm một, chỉ có điều, ở thời điểm này, nó dung hòa với nhau vì một cái gì đó lớn hơn mà thôi :P

    ReplyDelete
  3. @NamGiang : Chính xác là sau khi không đạt được cái gì lớn thì VieTimes mới đi theo hướng hiện nay. Dù sao cũng có bài đọc được, mà như thế là tốt quá rồi trong bối cảnh hỗn mang của báo điện lúc này :-D

    ReplyDelete
  4. bởi vì tất cả những bài báo hiện nay đang đọc là nguồn bài lương khô cho báo giấy, nên nó khác "báo điện" hiện nay là phải rồi :P

    ReplyDelete
  5. Phong cách Vietimes hiện nay là có vẻ ổn hơn phiên bản cũ của nó nhiều. Rõ nét, sắc sảo, mạnh bạo, sâu sắc hơn nhiều. Phiên bản cũ không hơn một nồi lẩu thập cẩm của báo giấy là bao.
    Vietimes mang style của Nguyễn Quang Thiều rõ nét hơn là style leng keng của bác NAT. Nói đúng hơn, leng keng là chủ trương chung của bác NAT,còn mỗi tiết mục xào xáo thế nào là trách nhiệm của những người thừa hành.
    Nhưng công bằng mà nói thì "leng keng" cũng là một động lực tốt cho sự phát triển :D. Leng keng mà ra môn ra khoai được thì âu cũng nên thừa nhận cái sự tốt của nó. Hãnh tiến là điều kiện cần để tiến lên một cách kiêu hãnh :D. Tổ quốc ghi công các bác NQT và NAT ! :)))

    ReplyDelete
  6. Úi, anh thấy em Jazzy khen hơi quá đà. Anh chưa thấy Vietimes có cái gì đáng để gọi là “sắc sảo, mạnh bạo, sâu sắc” cả. Anh chỉ công nhận là có sự tìm tòi và làm mới đề tài. Chất lượng phóng viên cũng khá hơn nhiều các báo khác. Còn mạnh bạo và sâu sắc thì chưa hề có. Nhưng cái đó cũng là khách quan thôi, ở Việt Nam anh nghĩ nhưng phóng viên có thể thực sự coi là “sắc sảo, mạnh bạo, sâu sắc” hơi bị hiếm.
    Hướng đi của Vietimes thực sự anh chưa rõ, anh nghĩ ông Thiều có lợi thế một phần là vì quan hệ, cũng như sự khá dồi dào của kinh nghiệm sống, nhưng phong cách của ông Thiều thể hiện qua những gì trên Vietimes thì chưa thực sự chuyên nghiệp và cầu thị. Nếu cứ làm như thế sẽ chẳng bao lâu thành bí đề tài, không chừng Vietimes sẽ trở thành một An ninh thế giới cuối tháng + VNN.
    Sự leng keng chưa bao giờ là động lực tốt cho phát triển cả, nó là một thứ phản thẩm mỹ tệ hại nhất. Cũng như hãnh tiến là một sự kiêu hãnh rởm và không bao giờ có chuyện có thể đi từ một thứ rởm sang thứ thiệt (ngược lại thì lại có thể).
    Về ông NAT, tuy chưa có dịp tiếp xúc nhưng nói chung anh vẫn đánh giá cao ông ấy vì ông ấy có vẻ có một cái vision và khá nhất quán trong việc thực hiện cái vision đó. Sự leng keng của NAT dù sao cũng là một sự leng keng mang tính cầu thị. Sợ nhất là sự leng keng tự mãn mà anh cảm giác đang tồn tại ở Vietimes- sự leng keng tự mãn sẽ là thứ tự giết mòn chính mình, bởi vì nó không có khả năng khám phá, chỉ có thể tự vuốt ve chính bản thân thôi.

    ReplyDelete
  7. Ui, tranh luận cái này hơi bị hay đây :D
    Thế theo anh thế nào mới được gọi là "sắc sảo, mạnh dạn, sâu sắc" ? Và phải chăng chừng nào Việt Nam có được sự tự do ngôn luận như ở phương Tây thì báo chí nước nhà may ra mới có thể gọi là "mạnh bạo" được à ? Theo em sự "mạnh bạo" không nhất thiết cứ phải giống các bạn Tây - các bạn Tây khá thường xuyên lợi dụng lá cờ tự do ngôn luận để đào sâu chọc ngoáy phanh phui, nói vung vít tá lả lên rồi sau đó thoải mái đăng đính chính hoặc nộp tiền phạt khi bị kiện. Theo em sự "mạnh dạn" của người viết thể hiện ngay trong cách chọn đề tài, cách xử lý đề tài và sự dấn thân thật sự để làm triệt để cái mình muốn viết, muốn truyền tải. Không nhất thiết cứ phải lao vào những đề tài cấm kỵ hoặc nhạy cảm chính trị thì mới được coi là "mạnh bạo". Lấy một ví dụ ở Vietimes, em thấy loạt bài về hiện tượng ngoại cảm có thể coi là đủ sâu sắc, đủ mạnh bạo, đủ sắc sảo. Dám nêu chính kiến đối lập của mình trước một hiện tượng đang khiến xã hội như lên cơn sốt, minh chứng đầy đủ bằng những ý kiến, góc nhìn khác nhau và bằng sự xông pha của chính người viết. Mạnh bạo đó chứ.
    Anh bảo "phong cách của ông Thiều thể hiện qua những gì trên Vietimes thì chưa thực sự chuyên nghiệp và cầu thị". Vậy anh phân tích kỹ hơn xem sự chưa chuyên nghiệp và cầu thị của Nguyễn Huy Thiều thể hiện như thế nào ?
    Hihi, anh đánh giá cao bác NAT - nhưng sự leng keng và hãnh tiến mà anh chê đó, có đầy đủ ở bác NAT đấy ;-). Có điều bây giờ sự leng keng và hãnh tiến của bác ấy chắc đã được tiết chế nhiều rồi :D. Bởi bác ấy có nhiều điều kiện để học hỏi và tiến bộ vượt bậc. Đi học Hà vợt này, được tiếp xúc với Michael Porter này ;-), được kết giao với những bác như bác Vũ Minh Khương này, rồi anh em đồng hao với bác Kiên Phạm - giám đốc điều hành VEF này :D v.v. Tất nhiên là nói vui thôi nhưng có lẽ một phần nhờ leng keng và hãnh tiến bác ấy mới có được nhiều cơ hội, và từ đó mới có cái vision tốt. Vậy nên leng keng và hãnh tiến chưa hẳn đã là xấu toàn phần, trừ phi quá giới hạn mà trở nên quá lố hoặc gây tổn hại.
    Ơ mà cụ thể Vietimes leng keng như thế nào, theo anh ?

    ReplyDelete
  8. bạn này hiểu thấu đáo về VieTimes quá nhỉ? :P

    ReplyDelete
  9. Em Jazzy ơi, phải nói là Vũ Minh Khương được kết giao với những bác như NAT mới đúng chứ, ai lại nói ngược thế.
    NAT có leng keng nhưng nếu em đọc kỹ thì không có sự tự mãn và lố bịch như trong mục Người quan sát trên Vietimes. Mục này là editorial của Vietimes nên nếu không phải NQT viết thì cũng thể hiện cách suy nghĩ của ông ta. Mà mục editorial ấy thì phải nói là anh thấy tệ nhất trong các editorial anh từng đọc, thiếu chuyên nghiệp và hợm hĩnh đến khó tin.

    ReplyDelete
  10. Em Nam Giang giờ không còn vướng víu gì nữa, có thể đưa ra cách nhìn của em không? :P

    ReplyDelete
  11. À, về Vietimes thì chắc mình không hiểu thấu đáo nội tình bằng người từng làm Vietimes (phiên bản cũ) rồi ;-).
    Nhưng cái "tổ chuồn chuồn" của VietnamNet cùng lò với Vietimes thì mình có biết "sơ sơ", trước bạn một thời gian đấy bạn Điệp Giang ạ :P

    ReplyDelete
  12. Úi giời, cái bài về sách, dịch sách, biên tập sách, tớ đang đợi hồi 2- hồi 3- xem có khá hơn ko, chứ đọc hồi 1, thấy rõ là ko ổn. Đọc cứ cười thầm hoài à.

    ReplyDelete
  13. Bạn Codet có kinh nghiệm biên tập và xuất bản có thể nói cụ thể hơn được không?

    ReplyDelete
  14. " Phải nói là Vũ Minh Khương được kết giao với những bác như NAT mới đúng chứ, ai lại nói ngược thế.

    Ơ, em thấy bác NAT rất lấy làm vinh dự được kết giao với bác Khương đấy chứ. Cứ ai từ Hà vợt ra là bác ấy ngưỡng mộ lắm :D. Kiểu này ít nữa bạn Đỗ Quốc Anh về nước chắc là cũng sẽ được chèo kéo lên VietnamNet thôi. Bạn Quốc Anh chuẩn bị tinh thần nhé ;-).

    "NAT có leng keng nhưng nếu em đọc kỹ thì không có sự tự mãn và lố bịch như trong mục Người quan sát trên Vietimes. Mục này là editorial của Vietimes nên nếu không phải NQT viết thì cũng thể hiện cách suy nghĩ của ông ta. Mà mục editorial ấy thì phải nói là anh thấy tệ nhất trong các editorial anh từng đọc, thiếu chuyên nghiệp và hợm hĩnh đến khó tin"

    "Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối" mà anh. Báo chí có khi bằng mấy lần nghệ thuật ;-).
    Đùa thôi. Nhưng em đọc một số bài của mục Người quan sát, cũng không đến nỗi lắm. Chắc tại "gout" của mỗi người :) Ơ mà em tưởng viết editorial thì phải ngẫu hứng, phá cách chứ ? Thế hóa ra viết editorial phải chuyên nghiệp à ? Chuyên nghiệp thế nào cơ ?

    ReplyDelete
  15. Nói chung nếu đánh giá một người thì nên căn cứ vào những gì anh ta nói và làm được chứ không phải anh ta học ở đâu ra. Bác Vũ Minh Khương tuy học Harvard nhưng các phát biểu của bác ấy trên báo chí nặng cảm tính và thiếu tính khoa học. Bác ấy cũng gần 50 tuổi mà cả đời vẫn chỉ đi học mà đâu làm được cái gì đáng kể, trong khi NAT dù sao cũng tung hoành giang hồ 10 năm qua, cũng đã làm được một cái gì đó.

    Mà lên VNN thì có gì hay ho đâu, bạn QA nếu muốn thì đã chẳng lên khắp lượt báo chí trong nước từ lâu rồi, chẳng phải chờ tới VNN. Có điều giờ bạn ấy mới cảm thấy mình có chữ "trí" thôi nhưng chưa đủ chữ "thức" nên chưa muốn lên thôi.

    Viết cái gì mà chẳng cần tới chuyên nghiệp (kể cả viết blog :P). Chuyên nghiệp cũng không mâu thuẫn gì với ngẫu hứng và phá cách. Nếu nói như em thì các nghệ sĩ ngẫu hứng và phá cách đều là người không chuyên nghiệp?
    Về định nghĩa thế nào là chuyên nghiệp, đề nghị em sang blog chị 2 4 6 có một entry về vấn đề này.

    ReplyDelete
  16. Ơ, em nghe nói bác Khương cũng giỏi phết mà. Đâu phải cả đời đi học đâu. Trước khi đi học, bác ấy từng làm sếp, vực dậy một doanh nghiệp gì sắp phá sản ở Hải Phòng. Rồi sau đó hình như không hoà thuận lắm với giới chức Hải Phòng nên bác ấy chán đời bỏ đi làm Ph.D. Không biết có đúng thế không ?
    Em nghĩ đi làm Ph.D là sự lựa chọn của bác ấy thôi chứ không phải do bác ấy chả làm được gì cho đời. Làm chủ doanh nghiệp mệt chết đi được, đến một giai đoạn nào đó là quá tải. Làm nghiên cứu giảng dạy chỉ tốn nước bọt thôi :D. Lại còn được cái khâu oai.
    Bác NAT cũng thế đấy, thích đi học, thích nghiên cứu lắm :D. Có điều vướng víu không đi được thì đành chịu. Thế nên lúc nào cũng Hà vợt, Hà vợt. Các bác càng già càng có xu hướng chuyển sang thích ngâm cứu, để còn làm "thầy dùi", viết sách, cải cách xã hội :D. Như bác Nguyễn Quang A chẳng hạn.

    ReplyDelete
  17. Tớ cũng biết nhiều người hay nói về cái quá khứ đã từng ở Vườn-Ao-Sân-Chuồng abcxyz nhiều lắm, nhưng có điều, tớ cũng biết là nhiều kẻ miệng thì cứ chửi và nói xấu sếp ời ời nhưng đố dám bước chân ra khỏi cái chốn vườn ao sân chuồng ấy đấy :P (nhiều khi bị đuổi mà ko chịu đi nữa cơ).
    Về cái mục NQS thì thực ra đầu tiên nó là một cái idea của em, nó có cái tên khác hấp dẫn hơn (giờ không công bố cho khỏi bị mất nữa :P) và cái mục tiêu của nó cũng khác, có điều người thực hiện bây giờ không làm tới hay đẩy bật nó lên được. Cái đề cương của toàn bộ chuyên mục theo bộ mới này cũng là sản phẩm của tập thể anh chị em cũ làm thôi, không có cái gì là kinh khủng cả.
    Còn bạn Jazzy ạ, cái gì được làm ra cũng có mục đích của nó cả, giống như người sản xuất làm theo đơn đặt hàng vậy, nên nếu không rõ tình hình thì đừng nên nói càn, nực cười lắm!

    ReplyDelete
  18. Mình chẳng chê bai ai và chẳng chê cái gì liên quan đến những cái xưa cũ, kể cả mình có gọi nó là Vườn Ao Sân Chuồng thì cũng không có nghĩa là xách mé, chê bai. Đừng hiểu nông cạn thế bạn Nam Giang ạ. Nói như bạn, không biết rõ thì đừng nói càn!
    Bạn nói đến những người "miệng thì cứ chửi và nói xấu sếp ời ời nhưng đố dám bước chân ra khỏi cái chốn vườn ao sân chuồng ấy đấy (nhiều khi bị đuổi mà ko chịu đi nữa cơ)" là nói ai đấy ? ;-) Có vẻ không hợp cảnh, hợp người lắm :p
    Còn liên quan đến Vietimes, cái gì ưu việt hơn thì phải thừa nhận. Nói như bạn thì không lẽ khi bình văn, bình thơ, người đọc phải đi hỏi nhà văn, nhà thơ cặn kẽ xem ông ta/bà ta đã đẻ ra tác phẩm của mình là theo đặt hàng của ai à ? Mình cũng đâu có chê đích danh bạn Điệp Giang làm Vietimes nhỉ ? Sao phải phản ứng thế ? ;-)

    ReplyDelete
  19. He he bọn Tàu nó có một câu em thấy rất hay, đó là "Vẽ hổ không nên lại ra con chó." Thật ra vẽ hổ hay vẽ chó đều chẳng có gì là không được. Em các bác lại yêu súc vật nên ai vẽ con gì em cũng hoan nghênh. Miễn là vẽ con gì ra con đấy.

    Bác VieTimes nhà em quả là có gan chạy vào hang hổ. Từ hồi thành lập bác đã chạy vào mấy cái hang hổ rồi chả hết. Vụ này thì em cũng thấy, và em cũng phục. Nhưng giữa việc bác can đảm chạy vào và toàn vẹn chạy ra với việc bác vẽ lại con hổ có giống không lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Mà những tranh bác VieTimes vẽ theo em thấy thì đa phần là hổ không ra hổ, chó không ra chó. Vụ này làm cho những người yêu động vật và hay quan sát động vật như em rất bất bình.

    Em đơn cử một bài rất gần đây: http://www.vietimes.com.vn/vn/tinhduchiendai/3904/index.viet

    Chuyện escort lady không phải là chuyện mới. Cũng chẳng phải là chuyện chỉ có ở SF, mà là chuyện nhan nhản khắp nơi. Anh, Mỹ, châu Âu, đâu cũng có. Bác VieTimes muốn nói về nó? Tốt thôi. Bài viết của Đoan Trang cô nương cũng không tệ. Nhưng mấy dòng byline lại tệ. Chung quy đều tại cái anh biên tập, người viết byline, là người ít gần gũi với thiên nhiên. Không cần anh phải lên rừng xuống bể, chỉ cần anh ra Thủ Lệ cho em (mà từ Láng Hạ ra Kim Mã thì có xa nhau là mấy?), là anh sẽ biết ngoài hổ còn có báo, có voi, có sư tử. Và nếu anh đã biết, thì anh sẽ vẽ con hổ này khác, chứ không hoành tá tràng như thế, em nhìn cứ tưởng nó là con kỳ lân. Đấy là chưa kể đến bút lực của anh, chỉ trong một đoạn byline mà đã thấy nét thừa nét thiếu, đậm nhạt không đều. Văn phong của bài viết thì đọc như dịch từ tiếng Anh sang – em không trách người viết, vì rất có thể người viết lớn lên ở Mỹ, ai biết được. Nhưng thế thì đẻ ra anh biên tập để làm gì?

    Đấy là chưa kể bác VieTimes còn vơ đại một bức ảnh ở đâu đâu đó vào bài viết. Bác cũng cảnh giác ghi chú là ảnh chỉ mang tính minh họa. Nhưng khốn bác lại không biết, em bên trái là Trương Mẫn, em bên phải là Khưu Thục Trinh, hai diễn viên Hong Kong những năm đầu 90. May là bác viết tiếng Việt. Bác mà viết tiếng Anh thì quả này nó kiện bác sặc gạch ra rồi.

    ReplyDelete