Saturday, October 6, 2007

Từ chức

Bài viết của Huy Đức trên blog Osin: Thủ Tướng


Trong bài viết này, Huy Đức cho rằng Thủ tướng nên yêu cầu ông Hồ Nghĩa Dũng từ chức. Việc yêu cầu ông Dũng từ chức cũng được sự hưởng ứng khá đông đảo của nhân dân, mà có thể thấy qua việc đọc một số blog. Nguyên nhân là sự sốt ruột và bực tức của mọi người khi hiếm khi thấy có ai đó thực sự phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong ngành của mình phụ trách. Gần đây có nhiều người đã nói tới văn hóa từ chức, và cho rằng trong các trường hợp tương tự, những người có trách nhiệm ở các nước khác sẽ từ chức.

Nhưng có thực vậy không? Liệu ở nước ngoài có đúng là khi xảy ra bê bối gì, các quan chức sẵn sàng từ chức ngay lập tức, trước khi có kết quả điều tra? Tớ không nghĩ như vậy. Còn nếu quả thực có thì việc đó dễ xảy ra ở một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hơn là ở các nước phương Tây.
Ví dụ ở Mỹ ít khi thấy có ai đó từ chức bởi các lý do tương tự. Có những ai từ chức sau vụ khủng bố 11/9 hay thảm họa cứu trợ cơn bão Katrina ? Donald Rumfeld cuối cũng cũng từ chức nhưng là sau một chuỗi những thất bại và các phê phán cùng tổn thất chính trị nặng nề. Cựu chủ tịch World Bank Wolfowitz cũng chỉ từ chức sau khi trách nhiệm cá nhân của ông bị làm rõ. Có ai từ chức ngay lập tức sau khi thảm họa hay bê bối xảy ra ngay cả khi họ không có hay có rất ít trách nhiệm liên quan? Tớ không muốn nói là ông Dũng không có trách nhiệm mà là hiện tại, trách nhiệm của ông chưa được làm rõ.

Việc dư luận đòi ông Hồ Nghĩa Dũng từ chức ngay lập tức, tớ cảm thấy mang nặng tính cảm tính, mà hình như ông Dũng cũng chỉ nhận chức giữa năm 2006. Cái đó là gì nếu không phải là việc chúng ta muốn tìm ai đó để trút trách nhiệm, để hứng chịu. Miễn là ai đó có chức to. Việc này là hậu quả của sự bất công kéo dài và là sự phản ứng trước bộ máy quan liêu nặng nề, tham nhũng và kém hiệu quả. Nhưng đó không phải là một yêu cầu khách quan, tỉnh táo và công bằng.

Trong bài của mình, anh Huy Đức có nhắc tới trường hợp Tào Tháo chém đầu quan coi lương Vương Hậu. Huy Đức cũng cho rằng Thủ tướng nên yêu cầu Hồ Nghĩa Dũng từ chức với mục đích tương tự. Theo tớ,
việc Tào Tháo chém Vương Hậu có thể có hiệu quả trong nền chính trị chuyên chế, nhưng không phải một thủ đoạn chính trị đáng để người đời sau khâm phục và học tập. Nói theo ngôn ngữ của Thương Ưởng thì đó là hành vi bá đạo chứ không phải vương đạo. Trong lịch sử chúng ta đã có quá nhiều thủ đoạn bá đạo trong chính trị của các nhà phong kiến và tân-phong kiến rồi, việc tiếp tục một hành vi bá đạo, thí tướng để yên lòng quân dân, bất chấp có tội hay không có tội ấy có lẽ là không nên. Tại sao lại không tiến tới xây dựng một nền chính trị trên cơ sở dân chủ và công bằng, thay vì tiếp tục truyền thống Khổng giáo, khi dân bất an thì vua chém đầu tướng để yên dân?

(Có lẽ cũng vì truyền thống Khổng giáo này mà ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc mới hay có chuyện các Bộ trưởng chịu hy sinh để cứu lấy Thủ tướng, hay Đảng của mình khi bê bối xảy ra. Và cái văn hóa từ chức vẫn hay được một số báo ca ngợi ấy, liệu đằng sau nó còn là cái gì, có phải là một sự thí tướng, một sự thỏa hiệp hay một nguyên tắc bất thành văn trong các thể chế mang nặng tính Khổng giáo hay không?. Và rất có thể những hành vi từ chức đó còn để che khuất các ung nhọt nặng nề hơn trong hệ thống)

Tớ thấy việc Thủ tướng xử lý thế là hợp lý. Nếu kết quả điều tra cho thấy ông Dũng có trách nhiệm thì Thủ tướng có thể yêu cầu ông từ chức hay chịu trách nhiệm hơn nữa về mặt hành chính hay hình sự. Còn giờ chỉ để yên lòng dân mà bắt ông Dũng từ chức thì không hay gì, không những là thiếu tín nghĩa với người dưới quyền mà còn có bóng dáng của sự mị dân và thỏa mãn những yêu cầu nặng tính cảm tính của quần chúng. Mà lúc đó có khi nhiều người sẽ lại tiếp tục mỉa mai là ông Dũng 1 thí ông Dũng 2 như người ta thỉnh thoảng vẫn nhắc tới vụ đường dây 500 kv và bộ trưởng Hải trước kia.


Nhân tiện làm một cái poll cho vui, xem dư luận bloggers thế nào?
Theo bạn, ông Hồ Nghĩa Dũng nên làm gì?
1. Nên từ chức ngay
6
2. Nên đợi kết quả điều tra và từ chức nếu có nhiều trách nhiệm liên quan.
21
3. Đợi kết quả điều tra và từ chức ngay sau đó dù kết quả điều tra là gì
1
4. Không việc gì phải từ chức
11
5. Làm ngay một cái blog, viết blog giải thích cho nhân dân về công việc và trách nhiệm của mình.
4
6. Ý kiến khác
1

17 comments:

  1. Tớ vote cho số 1.
    Từ chức ngay, để làm gì à? Cho vui thôi. Đời buồn qúa!

    ReplyDelete
  2. tớ chọn số 2. Không việc gì phải từ chức, đúng là phải xem trách nhiệm đến đâu thì mới từ chức. Nhiều khi ngồi tại chức cộng với tâm lý lập công chuộc tội (nếu có) thì sẽ giải quyết được khối việc (nếu ông Dũng BT không nghĩ thế thì ko bàn nữa). Nói chung là bộ sậu ở trong thì rõ ràng hơn, mình người ngoài khó mà biết hết mọi chuyện đúng sai thế nào mà việc đó có điều tra ra được thì cũng khó minh bạch hoàn toàn cho dân biết. :D

    ReplyDelete
  3. Tôi chọn số 4. Khi đọc blog anh Huy Đức, tôi cũng có những suy nghĩ rất giống anh Linh. Thực ra có thể chọn số 2 nữa, nhưng theo tôi là 2 số này tương đường. Vì suy đoán hiện thời của tôi là ông Bộ trưởng Dũng không có trách nhiệm trong việc sập cầu (có thể gọi là gián tiếp, nhưng cũng rất xa). Trách nhiệm này xa xôi hơn nhiều so với việc ông cựu Bộ trưởng Đào Đình Bình từ chức, một việc nếu xét lại cũng không được minh bạch và thỏa đáng.

    Một Bộ trưởng từ chức sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều công việc hiện tại. Theo tôi, trừ lý do bê bối cá nhân, hoặc bê bối diện rộng trong bộ, Bộ trưởng không nên từ chức.

    ReplyDelete
  4. Xứ người ta hay có vụ từ chức.
    Còn xứ mình thì không có quen với cái vụ này đâu! Vì khi 1 người từ chức rồi, người kế nhiệm biết sẽ làm gì với cái mớ hỗn độn còn sót lại? Sẽ không ai dám nhận " quyền thừa kế" hết.
    Loay hoay.
    Vì thế, không ai chịu từ chức . Thông cảm !

    ReplyDelete
  5. 1 ông bộ trưởng từ chức khi nào?
    1- Khi ông ta bất đồng với người đứng đầu nội các;
    2- Khi đảng của ông ta rút khỏi chính phủ liên hiệp;
    3- Khi sự rút lui của ông ta gỡ cho CP khỏi 1 làn sóng công kích có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động bình thường của nội các.
    Trong mọi trường hợp, từ chức là 1 hành động chính trị, nó không phải là bị trừng phạt vì phạm lỗi. Phạm lỗi thì bị kỷ luật, bị cách chức chứ không phải là tự nguyện từ chức.
    Cho nên ông Dũng con (BT) từ chức dù không có lỗi gì thì vẫn là chuyện có thể xảy ra. Đó chính là kịch bản mà Huy Đức gợi ý.
    Gọi là bá đạo cũng đúng. Nhưng nền chính trị đông tây kim cổ đều bá đạo cả.

    ReplyDelete
  6. Có ai thay ông ấy ko?
    Ở VN nếu cứ có bê bối mà từ chức thì lấy dek đâu lắm ng để làm bộ trưởng thế. Mới cả tiền sắm con dấu chưa kịp thu hồi vốn thì ai bù cho ông ấy đây :D

    ReplyDelete
  7. Bộ câu hỏi của bác Linh chặt chẽ nhưng lại chưa rõ ý: bạn muốn (đòi hỏi) ông Dũng con làm gì, hay nếu bạn là ông Dũng con thì bạn làm gì.
    Em chẳng muốn (đòi hỏi) ông Dũng con làm gì cả: từ chức cũng được, không từ chức cũng được, ai thay ông ấy cũng đều được cả.
    Còn nếu em là ông Dũng con thì em làm gì, câu trả lời phụ thuộc vào một số dữ liệu mà em chưa có, đại loại, sức ép chống lại ông Dũng con đến từ đâu (đừng nói đám báo chí kiểu Huy Đức hay các bloggers nhé!- nền chính trị Đại Cồ Việt không ở đây!) và mạnh thế nào?

    ReplyDelete
  8. Em chọn số 4, cũng nghĩ như anh Linh và bạn Tề Phi.

    ReplyDelete
  9. Sức mạnh quần chúng là không thể phủ nhận, nhưng nếu đi liền với tâm lý đám đông mù quáng, thiếu suy xét thì sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc. Ví von một cách dân dã thì quần chúng như những con cừu cần một người chăn dắt giỏi để không chạy quẩn. Không có người chăn cừu giỏi thì những con cừu bị kích động cũng chả biết làm gì hơn là rống lên be be cùng nhau mà chả giải quyết được vấn đê gì.
    Việc các nhà báo kêu gọi và cổ súy áp dụng văn hóa từ chức giống như các nước khác là rất máy móc, dập khuôn. Và mù quáng, thiếu suy xét. Như thế không khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Trong những thời điểm nhạy cảm như thế này, việc từ chức nếu chỉ là để mị dân và bá đạo thì thật là non nớt và là một sự hy sinh vô ích không đáng có. Theo logic thông thường nhất thì Bộ trưởng chẳng mang trách nhiệm nào trực tiếp đối với tai nạn đã xảy ra để phải gánh chịu hậu quả, dù là hy sinh cho sự nghiệp chung đi nữa. Cái cần hơn là cách xử lý khủng hoảng thế nào cho hợp lý chứ không phải đem tốt ra để thí. Bộ trường Hồ Nghĩa Dũng đã nhận lỗi trước công luận và đã tất cả những gì có thể. Vậy là tròn trách nhiệm rồi. Ông ấy chả việc gì phải nhường ghế của mình cho ai cả. Những người biết suy xét cũng chẳng cần ông ấy phải ra đi để làm gì.
    Thiết nghĩ nhà báo nào đòi Bộ trưởng từ chức cần suy xét thông minh hơn chút nữa trước khi phát ngôn, dù là trên blog đi nữa.

    ReplyDelete
  10. hmm...hom no doc Huy Duc cung nghi giong anh..Lau lau chi lon moi gap duoc nhau heheeh

    ReplyDelete
  11. Số 4. Không việc gì phải từ chức. Mỗi lần có thảm họa tiên tai hay 1 cái gì đó chưa rõ nguyên nhân mà đã đứng ra từ chức à? Nếu chịu trách nhiệm đồng nghĩa với từ chức thì vị trí nào cũng phải từ chức. Nói cho nhanh.

    ReplyDelete
  12. À bác, hôm qua vừa giở Tam Quốc ra xem, anh quan coi lương của anh Tào Tháo tên là Vương Hậu, còn anh Vương Lũy là anh treo ngược trên cổng thành can Lưu Chương đừng tin Lưu Bị.

    ReplyDelete
  13. Oh đúng rồi, để tớ sửa lại. Thanks QA.

    ReplyDelete
  14. Tui thì chỉ có ý kiến. Việc sập cầu được vào sách kỷ lục Guiness vì chưa có nước nào trên thế giới mà cầu chưa xây xong đã sập.

    ReplyDelete
  15. VN mình có nhiều Tháp nghiêng Pisa nhất thế giới !!!

    ReplyDelete
  16. thanh nien chung ta co dieu kien tiep thu cai moi...nhay cam voi cai moi de dung nap..nhung !hay the hien ban linh cua minh ko nen bo vao mieng tat ca moi thu...hay nhin nhan van de kach quan toan dien ,dat no trong su van dong,phat trien.

    ReplyDelete
  17. quan diem chung ta la nha nuoc phap quyen..don gian neu ong dung hay bat ky ai vi pham phap luat hinh su deu co the bi truy to..neuvi pham trach nhiem hanh chinh co the bi kien trach,canh cao hoac buoc thoi viec...dieu quan trong ta xem lai xem ong dung co lam day du trach nhiem duoc giao ko...co vi pham..quyen..nghiea vu cu the nao ko...sai den dau su ly den do...lam gi cung phai co can cu ..ban co quyen khuyeu nai to cao theo luat dinh ..ko nem lay ve dep cua thuy kieu lam chuan muc cho tat ca nguoi phu nu viet nam..

    ReplyDelete