Monday, March 30, 2009

Entry for March 30, 2009

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Hàng vạn công nhân Trung Quốc hiện đang có mặt ở Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn đặt câu hỏi: Kích cầu…hàng Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội ước tính sẽ có 300-400 nghìn người trở nên thất nghiệp chính thức do khủng hoảng kinh tế 2009. Theo viện trưởng viện Khoa học lao động-xã hội thì số người mất việc có thể lên tới 500.000, cộng thêm con số 1 triệu người thất nghiệp hiện nay đưa tổng số thất nghiệp lên tới 1,5 triệu người. Con số này hẳn không tính tới hoặc bỏ qua số liệu thất nghiệp phi chính thức, hay bán chính thức. Trong một phóng sự gần đây, VTV đưa tin có thể hàng triệu lao động ở các làng nghề có khả năng mất việc hay thiếu việc làm. Báo Tiền Phong đưa tin hai triệu công nhân ngành may mặc đứng trước nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm nghiêm trọng khi mà tới đầu tháng 3, 70% doanh nghiệp trong ngành chỉ nhận được các đơn đặt hàng cho tới hết tháng ba. Thêm vào đó là hàng ngàn người Việt Nam đi xuất khẩu lao động phải trở về nước.

Trong khi hàng chục vạn lao động Việt Nam đang mất việc thì chúng ta lại nhập khẩu lao động hàng vạn người Trung Quốc sang Việt Nam để khai thác khoáng sản và xây dựng hạ tầng. Trong số các dự án đó có nhiều dự án nhận được hỗ trợ của Nhà nước nhằm kích cầu. Kết quả là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhận được “kích cầu” của cả chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc khi đầu tư ở Việt Nam. Lao động Trung Quốc được mời chào vào Việt Nam trong khi lao động Việt Nam lại đang mất việc làm chính trên nước mình.

Thêm vào đó là tình trạng nhập siêu trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc sẽ càng trở nên trầm trọng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn viết về chính sách của hai chính phủ với một mặt hàng rất quan trọng mà Việt nam nhập siêu từ Trung Quốc:

“kể từ tháng 12-2008, Trung Quốc đã hạ thuế xuất khẩu từ 15% xuống còn 0% đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời với việc nới rộng quản lý bằng giấy phép đối với xuất khẩu thép để thúc đẩy đầu ra được mạnh hơn. Đây là những chi tiết cụ thể trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với chín ngành hàng trọng điểm năm 2009, đã được Trung Quốc công bố. Tất nhiên, thép có mặt trong danh sách.

Thép xây dựng Trung Quốc, qua một vài nhà nhập khẩu Việt Nam, đã đàng hoàng đi bằng cửa chính vào thị trường nội địa với một số lượng đáng kể mà hầu như không vấp phải một hàng rào thuế quan nào, do các nhà xuất và nhập khẩu chọn được một lỗ hổng rất lớn trong chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam.”

Hầu hết các nhà kinh tế trên thế giới đều phản đối việc áp đặt chính sách bảo hộ trong thời khủng hoảng, cho rằng nó lợi bất cập hại, và làm giảm lợi ích tổng thể. Nhưng chính sách thương mại cần đặt trên cơ sở tương hỗ và cùng có lợi. Chỉ trong sự việc nhỏ trên đã cho thấy sự bất cập trong chính sách kích cầu của Việt Nam. Trong khi chính sách kích cầu của Trung Quốc hướng về xuất khẩu, hỗ trợ các ngành công nghiệp có khả năng xuất khẩu thì kích cầu Việt Nam lại có thiên hướng gia tăng tiêu dùng nội địa, điển hình thông qua các công trình xây dựng hạ tầng và công nghiệp đồ sộ dùng vốn ngân sách mà các nhà thầu Trung Quốc thường xuyên thắng thầu do áp dụng mức giá thấp (việc tại sao họ có mức giá thấp cũng là một vấn đề cần nghiên cứu thêm) và rất có thể còn là các khoản lót tay nhẹ nhàng và dễ dàng cho các chủ đầu tư.

Ở đây tôi không muốn nhận xét gì về hiệu quả của chính sách kích cầu của Việt Nam vì không có đủ thông tin và cũng chưa đọc kỹ về nó. Nhưng quan sát trên báo chí có thể thấy rất nhiều sự bất hợp lý, lộn xộn, tùy tiện và mù mờ trong việc áp dụng chính sách này. Lấy ví dụ: căn cứ của việc hỗ trợ lãi suất là gì? Chính phủ kiểm soát nào đối với việc sử dụng tiền ngân sách (tức là tiền thuế của dân) để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn? Tại sao có sự thiếu minh bạch trong việc công khai đối tượng được hưởng trợ cấp lãi suất cũng như những bất cập trong việc sử dụng vốn hỗ trợ này để cho các mục đích khác (như đảo nợ)? Hay các chính sách về giá điện: tăng giá điện bất chấp các phản đối của cả công chúng và nhiều nhà nghiên cứu mà không có lý do gì rõ ràng, thuyết phục.

Và cả những chuyện buồn cười, sặc mùi cơ chế xin-cho như lời ông Thứ trưởng Công thương tuyên bố sau khi tăng giá điện: “nhóm sản phẩm nào quá sức chịu đựng thì sẽ kiến nghị lên Thủ tướng xin gỡ khó". Ở đây có thể đặt ra câu hỏi: liệu doanh nghiệp nào có thể “xin” Thủ tướng gỡ khó cho? Là các tập đoàn Nhà nước hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân? Và khi đi “xin” như thế, họ có tiếp tay cho tham nhũng hay không. Tại sao cái gì cũng cần tới quyết định của Thủ tướng, phải chăng ông có trí thông minh hơn Einstein để có thể quyết định được mọi việc như thế?. Nhưng quan trọng hơn cả chuyện tham nhũng “có thể” là sự rối bung của chính sách khi một chính sách được đưa ra luôn kèm theo các ngoại lệ dành cho những ai khôn ngoan và biết “lách”.

Còn năng lực điều hành của Chính phủ. Tổng kết lại thì đó là các lời hứa thất bại. Thủ tướng từng hứa kinh tế sẽ phục hồi vào giữa năm 2009 nhưng tới tháng 3/2009 đã phải xin rút chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống 5%. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng hứa hẹn kinh tế sẽ hồi phục vào tháng 5/2009, nhưng tới gần đây lại khẳng định kinh tế sẽ hồi phục vào cuối năm chứ không phải tháng 5. Cứ đà này thì rất có thể trong mấy tháng nữa, chúng ta lại được nghe các lời hứa và lời “xin” mới. Việc này có lẽ cũng không khó lắm khi mà ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã “mở đường” bằng nhận định trên Vietnamnet: “Tôi cho có lẽ giữ mức 3,5% đã là cố gắng.”

Nói ngoài lề, tôi thấy cái chỉ tiêu tăng trưởng nghe rất vô duyên. Cái cần là dự đoán tăng trưởng như các tổ chức quốc tế vẫn làm chứ không phải là đặt chỉ tiêu tăng
trưởng rồi sau đó vì lo sốt vó cho việc đạt chỉ tiêu đó mà làm những chuyện thiếu tỉnh táo như tàn phá môi trường, bán tài nguyên với giá rẻ, vay mượn tùm lum hay thậm chí biến báo số liệu…chỉ nhằm sao cho đạt được mục tiêu đó vì cho rằng nó gắn với “uy tín chính trị” của Chính phủ. Cách tư duy “chỉ tiêu tăng trưởng” cũng là sản phẩm của thời bao cấp kế hoạch hóa. Việc này khác với chỉ tiêu lạm phát (inflation targeting) vì chỉ tiêu lạm phát có thể đóng vai trò là một sự tự giới hạn, một thứ kỷ luật cho chính sách tiền tệ của NHTW. Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc thực hiện lạm phát chỉ tiêu có thể có tác dụng kìm hãm lãm phát trong một số nền kinh tế nhất định.

Thursday, March 26, 2009

Entry for March 26, 2009

Không chốn nương thân là tên tiếng Việt của tiểu thuyết No Country for Old Men của nhà văn Mỹ Cormac McCarthy, người dịch Diệp Minh Tâm, sách do Vinabooks xuất bản. Tiểu thuyết này được anh em nhà Coel dựng thành phim và thành công vang dội trong giải Oscar năm 2007. Cormac McCarthy là một tác giả được đánh giá cực cao ở Mỹ. Ông đã giành được hết những giải thưởng danh giá nhất của văn học Mỹ như Pulitzer, National Book Awards, National Book Critics Circle Awards...Nhà phê bình Harold Bloom coi ông là một trong bốn nhà văn lớn nhất của Mỹ hiện còn sống (ba người kia là Don DeLillo, Philip Roth và Thomas Pinchon- trong số này hình như mới chỉ có Cormac McCarthy được chính thức xuất bản ở Việt Nam, với hai tiểu thuyết The Road (dịch ra tiếng Việt là Cha và con) và No Country for Old Men (Không chốn nương thân)).

Đáng tiếc là tiểu thuyết No Country for Old Men được dịch ra bằng một tiếng Việt không ai hiểu được, đọc hết sức khó chịu. Nghe nói cuốn The Road cũng chịu số phận tương tự (?). Thật sự là một điều đáng nản với cách người ta đối xử với tác phẩm của một nhà văn lớn.



Sunday, March 22, 2009

Entry for March 22, 2009

Moon Palace của Paul Auster (Cao Việt Dũng dịch) là những chuyến du hành kỳ lạ, nơi những khối cô đơn chạm vào nhau trên con đường hành trình của chúng để rồi lại tách ra. Paul Auster là nhà văn có biệt tài kể chuyện và năng khiếu đó của ông được thể hiện rất thành công trong Moon Palace. Người đọc bị cuốn vào những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của một chàng trai trẻ có cái tên kỳ quặc M.S. Fogg, cử nhân Đại học Columbia, người quyết định tách rời thế giới và sống vật vờ giữa một ngàn bốn trăm chín mươi hai cuốn sách cho tới chết, và anh ta chắc hẳn đã chết nếu như không được một cô gái dịu dàng khả ái cứu sống. Cuốn hút không kém những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Fogg, nếu không nói là còn kỳ lạ và cuốn hút hơn, là cuộc phiêu lưu giữa hoang mạc Utah của Thomas Effing, một người đã chết và tái sinh vào một cuộc đời khác. Paul Auster không chỉ thể hiện tài năng trong việc dựng lên khung cảnh và cảm giác của thành phố New York những năm 68 biến động, ông còn tỏ ra dễ dàng khi dựng lên một câu chuyện kỳ thú như trong những bộ phim cao bồi: những kỵ sĩ trên lưng ngựa vượt qua sa mạc, cảnh đấu súng trong hang đá, lòng tham và những túi tiền...

Đọng lại từ Moon Palace còn là những cảm giác buồn bã, như một ngày kia trên đường du hành, bạn nhìn ánh trăng trải rộng trên đồng trống và cảm thấy hơn lúc nào hết, sự ngắn ngủi của cuộc đời, sự vô nghĩa của những khát khao và nỗi cô đơn của mỗi con người. Như ánh trăng có thể chạm vào cánh đồng, ve vuốt nó, tạo ra cho nó màu trinh bạch và sự bí ẩn nhưng chúng không thuộc về nhau, dẫu có đến với nhau hàng đêm.

Hẳn có không ít người so sánh Paul Auster với Haruki Murakami. Ở hai tác giả này có không ít tương đồng: nghệ thuật kể chuyện, không khí siêu thực, kỹ thuật truyện trong truyện, những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của các nhân vật, các nhân vật thường xưng tôi và có dấu ấn của tác giả, ảnh hưởng của các tác phẩm noir...Nếu như Murakami tạo ra một nước Nhật kỳ lạ, vừa quen vừa không quen với các độc giả phương Tây và cả Nhật Bản thì Paul Auster tạo ra một khung cảnh New York lạ lùng, nơi màn đêm luôn hứa hẹn những gì kỳ quặc nhất và mỗi con người trong khung cảnh đó đều có thể là cả một kho chuyện hấp dẫn, cuốn hút, ám ảnh hay buồn bã tới kinh người. Không có ai tẻ nhạt ở trên đời, như thi sĩ người Nga Yevtushenko nói.

Nhưng hình như Paul Auster có phần buồn bã và nhiều ám ảnh hơn Murakami.

Tuesday, March 17, 2009

Entry for March 17, 2009

Như vậy là bất chấp ý kiến phản đối của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh- cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, của các nhà trí thức và nhà chuyên môn, việc biến Tây Nguyên thành công trường khai thác khoáng sản của nước ngoài tiếp tục được Đảng và Chính phủ triển khai.

Đầu xuân 2009, Thủ tướng Dũng lên tiếng cho biết sẽ tiếp tục triển khai dự án bauxite Tây Nguyên vì đây là "chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ". Để trấn an dư luận, ông cũng sẽ hứa hẹn tổ chức một "hội thảo" do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì để bàn về việc khai thác như thế nào để không gây tổn hại về môi trường.

Đến ngày 17.3 vừa qua thì ngay cả lời hứa hẹn một cuộc "hội thảo" hình như cũng bị Chính phủ bỏ quên. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu TKV tiếp tục chỉ đạo đầu tư các dự án bauxite để đảm bảo tiến độ. Không thấy ông Hải nhắc tới cuộc hội thảo nào. Không rõ lý do vì ông không thể tìm được đủ số các nhà khoa học ủng hộ ông tại hội thảo nên chưa tổ chức, hay vì ông cảm thấy sốt ruột trong việc bán tài nguyên cho nước ngoài nhằm thu được chút tiền còm trong thời kinh tế suy thoái. Hay vì sức ép hoặc đe dọa gì của nước "bạn" đang hung hăng khẳng định chủ quyền của họ ngoài biển Đông.

Biển Đông sắp thành cái ao của riêng người Trung Quốc. Còn Tây Nguyên, liệu có thành một xứ "hoàng triều cương thổ" của người Trung Quốc trong tương lai? Thử nghĩ về một kịch bản, có thể là xấu nhất nhưng không phải không khả thi, khi các phong trào của người Chàm, người Thượng sẽ bùng nổ trong tương lai và nhận được sự ủng hộ (công khai hoặc ngấm ngầm) của Trung Quốc. Cách đây không lâu, người Nga từng tấn công Georgia, tàn phá nước này với lý do bảo vệ những người ly khai Ossetia là đồng minh của họ. Cách đây 30 năm, người Trung Quốc từng tấn công Việt Nam để trừng phạt việc Việt Nam tấn công đồng minh Cambodia của họ và "ngược đãi" người Hoa. Lấy gì để có thể khẳng định là 10-20 năm nữa, họ không tấn công và tiến chiếm một phần lãnh thổ hay lãnh hải của Việt Nam khi có căng thẳng xảy ra ở Tây Nguyên với những lý do như chính quyền Việt Nam ngược đãi người Thượng và ...người Hoa kiều sinh sống ở Tây Nguyên? Nhất là khi đó, rất có thể họ đã có được những thỏa thuận chính trị-kinh tế-quân sự với các nước Lào, Cambodia, và đã hoàn toàn làm bá chủ biển Đông. Ngay cả giờ đây, tàu tuần dương của họ đã nghênh ngang khắp biển Đông, sẵn sàng bắn chết ngư dân trên tàu đánh cá Việt Nam, gây hấn với tàu do thám Mỹ...mà không phải nể nang gì người láng giềng, người đồng chí phương Nam cùng chung vận mệnh 16 chữ vàng với họ.

Rước hổ vào nhà liệu có dễ đuổi ra?

Chính phủ yêu cầu tiếp tục dự án bô-xít Tây Nguyên


Entry for March 16, 2009

Forugh Farrokhzād, nhà thơ nữ Iran (1935-1967).


Gift

I speak out of the deep of night
out of the deep of darkness
and out of the deep of night I speak.

if you come to my house, friend
bring me a lamp and a window I can look through
at the crowd in the happy alley.


Quà tặng

Tôi nói ra từ đêm sâu tận cùng

Từ bóng tối tận cùng

Từ đêm sâu tận cùng, tôi nói.


Nếu anh đến nhà tôi, bạn hỡi

Hãy mang theo chiếc đèn lồng

Từ cửa sổ tôi có thể trông

Đám đông kia hân hoan trong ngõ hẻm



The Wind Will Take Us

In my small night, ah
the wind has a date with the leaves of the trees
in my small night there is agony of destruction
listen
do you hear the darkness blowing?
I look upon this bliss as a stranger
I am addicted to my despair.

listen do you hear the darkness blowing?
something is passing in the night
the moon is restless and red
and over this rooftop
where crumbling is a constant fear
clouds, like a procession of mourners
seem to be waiting for the moment of rain.
a moment
and then nothing
night shudders beyond this window
and the earth winds to a halt
beyond this window
something unknown is watching you and me.


O green from head to foot
place your hands like a burning memory
in my loving hands
give your lips to the caresses
of my loving lips
like the warm perception of being
the wind will take us
the wind will take us.


Gió sẽ đưa chúng tôi đi

Trong đêm nhỏ bé của tôi,

gió hẹn hò với những chiếc lá

trong đêm nhỏ bé của tôi

có nỗi đau tàn phá

hãy lắng tai

anh có nghe tiếng bóng đêm đang thổi?

tôi nhìn niềm hạnh phúc như một kẻ lạ đời

tôi nghiện ngập nỗi tuyệt vọng của riêng tôi


anh có nghe tiếng bóng đêm đang thổi?

có thứ gì đang đi giữa đêm

mặt trăng đỏ quạch bồn chồn

trên mái nhà

nơi luôn có nguy cơ đổ sụp,

những đám mây chờ đợi cơn mưa

như đoàn người đưa tang kẻ chết.

một khoảnh khắc

rồi hư vô

đêm run rẩy bên ngoài cửa sổ

và trái đất ngừng quay

có thứ gì không biết

đang nhìn anh, nhìn tôi.


anh, xanh mướt toàn thân

đôi tay anh như ký ức cháy bừng

đăt trên tay tôi, dịu dàng tha thiết

đôi môi anh ve vuốt môi tôi

như nhận ra ý nghĩa cuộc đời

rồi gió sẽ đưa chúng tôi đi

gió sẽ đưa chúng tôi đi


Wednesday, March 4, 2009

Entry for March 04, 2009

Ở Việt Nam, một trong những thứ sợ nhất có lẽ là tiếng ồn. Ở nhà cũng ồn, đi ra ngoài đường cũng ồn, vào quán cafe cũng ồn ào (thật hiếm có quán nào thật sự yên tĩnh).

Hình như nhạc sĩ Vũ Nhật Tân có nói trên SGTT là người VN nghiện tiếng ồn. Nghiện thì không dám chắc, nhưng đúng là người Việt có một độ khoan dung rất cao đối với tiếng ồn, quen với nó tới mức nhiều khi không thể chịu được nếu thiếu vắng nó.

Làm thế nào để chống tiếng ồn. Giải pháp có lẽ chỉ có cách lúc nào cũng cắm ipod vào tai, coi như lấy tiếng nhạc (cũng là một loại tiếng ồn) để chống với những tiếng ồn khác. Nhưng giờ hậu quả của việc sợ tiếng ồn và tiếng người là rất khó nghe được các thể loại nhạc có lời, càng khó nghe được rock. Giờ nghe nhạc cứ toàn nhạc cổ điển, nhạc acoustic, nếu có lời thì cũng chỉ loại thủ thỉ bên tai như Secret Garden hay Enya.

Hà Nội những ngày nồm, mưa xuân rả rích suốt cả ngày, khí trời lành lạnh, đường phố ướt át và ủ rũ. Nhưng những hàng cây lại xanh mơn mởn, lấp lánh ánh nước.

"Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày"

sao lại nhớ thành "Có đường phố nào vui cho ta qua mỗi ngày"