Saturday, October 13, 2007

Sách


Đường về lòng người tha phuơng nhớ
Chiều dần dần mờ cô thôn vắng
Người yêu dấu ngàn đời thấu chăng
Ta nén đau thương gắng bước hoài
Thuyền chèo tới đâu chưa ngừng bến

Chiều thứ 7 nghe Chiều vàng của Nguyễn Văn Khánh, Ngọc Bảo hát. Giọng Ngọc Bảo có lúc nghe rất thích, có lúc cảm thấy khó chịu và sốt ruột. Chắc hẳn phải do tâm trạng phù hợp, cũng như nghe jazz không phải lúc nào nghe cũng được. Hôm nay thì nghe thấy thích.

Trên blog của Hiếu đang nói chuyện về sách. Hồi nhỏ tôi cũng rất thích sách. Nhà tôi vốn không có nhiều sách và mọi người trong nhà cũng không phải hay đọc. Trong 3 anh em trai thì tôi là người chịu khó đọc sách nhất. Trẻ con hồi đó nghèo và không có đồ chơi, nếu có thì toàn là những đồ chơi tự tạo không mất tiền mua (đồ chơi duy nhất mất tiền mua có lẽ là súng phun nước vào dịp Trung thu). Thế nên suốt hồi cấp 1 và cấp 2, tất cả tiền mừng tuổi của tôi là đều để vào việc mua sách. Gần như tất cả các cuốn sách truyện trong nhà đều từ những khoản tiền mừng tuổi và tiền ăn sáng (nếu có) đó. Nhưng khoảng cách giữa sách và văn học thực sự còn xa lắm- các sách tôi mua hồi đó là truyện cổ tích, rồi truyện phiêu lưu, truyện tình báo, truyện trinh thám này nọ, chứ hầu như không có các tác phẩm văn học lớn (lý do là chúng thường dầy và đắt, vượt quá khả năng mua sắm của tôi) mặc dù thỉnh thoảng cũng mượn được quyển này quyển kia từ các nhà hàng xóm.

Nhớ hồi cấp 2, bác hàng xóm nhà tôi có khá nhiều sách hay như của Dumas, Victor Hugo…Nhà bác có hai cô con gái trong đó có một cô bằng tuổi tôi nhưng vì học sớm một năm thành ra hơn tôi 2 lớp (vì không phải học lớp 9) thành ra nghiễm nhiên xưng chị với tôi. Với bản chất nhút nhát cộng thêm không chịu nhận người bằng tuổi là chị nên tôi thường tránh không nói chuyện với cô. Nhưng nhà cô lại có nhiều sách hay, thế là tôi thường cứ phải xúi thằng em trai đi mượn sách hộ. Em trai tôi thì lười đọc sách, mặc dù hồi nhỏ hai anh em vẫn thường rủ nhau đi bộ ra Hiệu sách nhân dân Từ Liêm, Hiệu sách nhân dân Giảng Võ để xem sách. Hồi đó sách chỉ được bày bán ở các hiệu sách nhân dân, mỗi phường hay vài phường có một hiệu sách. Đó là một thú vui khi đọc tên các cuốn sách, các tác giả, đôi khi hỏi cô bán sách cho xem lướt nội dung cuốn sách, đọc tóm tắt nội dung hay lướt qua lời giới thiệu cuốn sách (sách ngày xưa bao giờ cũng có lời giới thiệu, khác với bây giờ có cuốn có, có cuốn không). Nhưng hầu hết thời gian chỉ là để ngắm nghía, chọn lựa trước và tưởng tượng tới lúc mình có đủ tiền để quay trở lại mua những cuốn sách đó. Các bộ sách Tam Quốc, Đông chu liệt quốc, Tây du ký, Thủy Hử, Phong thần diễn nghĩa tôi đều mua vào những năm cuối cấp 2 ở hiệu sách Giảng Võ. Và thường để mua hết các bộ sách đó có khi mất cả năm, mỗi lần mua chỉ có đủ tiền mua 1 tập, 2 tập.

Đến khi cuối cấp 2 và đầu cấp 3 và đi xe đạp thường xuyên thì một địa chỉ mà tôi thường đến nữa (bên cạnh Hiệu sách Giảng Võ) là phố Nguyễn Xí- Tràng Tiền. Hiệu sách Quốc văn Tràng Tiền là một địa chỉ lớn lúc đó nhưng thường chỉ lúc nào có nhiều tiền rủng rỉnh thì mới vào đó chọn sách. Bình thường tôi hay lang thang ở Hiệu sách phố Nguyễn Xí- chỗ bây giờ là một Hiệu sách rất to mà tôi không nhớ tên- ở đó có quầy hàng sách giảm giá, và thỉnh thoảng có nhiều sách hay được bán với giá rẻ. Ví dụ tôi mua được hai bộ sách của Dumas là Bá tước Monte Christo và Hoàng hậu Mác-gô ở đây với giá rẻ bất ngờ chỉ bằng chừng 50% giá bìa.

Nhưng hồi học cấp 3 thì tôi cũng không còn đọc truyện mấy- hay đúng hơn là chuyển sang đọc truyện chưởng thuê ở ngoài hàng. Những bộ truyện chưởng đầu tiên đọc còn là sách photo từ hồi miền Nam cũ, đọc nhiều khi rất bực mình vì bị mất đi một số trang. Thực ra tôi bắt đầu đọc truyện chưởng từ hồi cấp 2 nhưng đó là các truyện chưởng nhái đội tên sửa chữa do các nhà xuất bản Tiền Giang, Hậu Giang gì gì đó in ra. Nhưng những cuốn truyện chưởng đó chỉ hấp dẫn ban đầu rồi sau đó chán dần và tôi không còn muốn đọc nữa. Nhưng khi bắt đầu đọc Kim Dung hồi cấp 3 thì lại khác. Truyện Kim Dung đưa tôi vào một thế giới, một không gian tưởng tượng mới kỳ bí và hấp dẫn. Tôi vẫn nhớ cảm giác đọc liền mấy tập Tiếu ngạo giang hồ trong một dịp cuối năm để kịp trả sách trước khi Tết đến cho khỏi “dông”. Những cảm giác dồn nén, hồi hộp, vui sướng và buồn bã cùng nhân vật, để đến khi đọc xong là một cảm giác vừa thỏa mãn, vừa bâng khuâng và hối tiếc khi sẽ không còn gặp lại, không còn tiếp tục hành trình cùng các nhân vật trong truyện nữa.
Đến khi lên Đại học thì tôi ít đọc truyện hẳn, mặc dù hồi đó có tiền học bổng khoảng 50.000 đồng một tháng. Có thể do tác động của môi trường xung quanh, khi quanh tôi gần như chẳng có ai đọc sách. Và cũng còn do những mối quan tâm khác nữa trong cuộc đời, khiến sách trở nên có một vị trí thứ yếu. Tiền học bổng lúc đó được dành để mua băng nhạc, để ngồi quán xá trong trường, và đôi khi là để uống bia. Mãi tới chừng năm thứ 3 Đại học, khi tôi bắt đầu làm thẻ thư viện Hà Nội thì tôi mới bắt đầu đọc sách trở lại, ban đầu là đọc sách kinh tế nhưng về sau chủ yếu là mượn truyện về để đọc. Sau này tới khi đi làm tôi vẫn có thẻ ở thư viện Hà Nội để thỉnh thoảng mượn sách. Nhưng rồi bận bịu việc nọ việc kia nên thường là tôi bị quá hạn trả sách nên cũng không mượn sách ở đó nữa. Lúc này có tiền hơn nên tôi cũng chịu khó mua sách hơn, mặc dù đã bắt đầu rơi vào tình trạng không đọc hết những gì mình mua.

Tới bây giờ thì tình trạng đó lại càng rõ. Sách mua nhiều khi chỉ vì thích mua chứ không phải vì cần, mà cũng biết trước rằng khi mua về mình sẽ không có thời gian để đọc nó.
Trong nhà tôi giờ nhiều sách, mà tới khi về Việt Nam chắc chắn sẽ phải gửi đường biển, nhưng số sách mà thực sự đã đọc chỉ là thiểu số. Sách thư viện cũng vậy, mỗi lần đi thư viện là tha về một đống sách đủ thể loại nhưng nhiều cuốn không kịp đọc trước khi đem trả. Đôi khi lại chặ
c lưỡi bảo bao giờ về hưu sẽ đọc tiếp Joyce, Faulkner, Pynchon vậy. Khổng tử ngày xưa cũng 50 tuổi mới bắt đầu đọc Kinh Dịch mà.

Nhưng nhiều lúc vẫn thấy nhớ cái cảm giác háo hức hồi xưa khi mua được một cuốn sách mới, cảm giác đằm chìm trong cuốn sách như một sự khám phá. Và cả cái cảm giác khi một buổi chiều ảm đạm nào đó, nằm trên giường và lật trang sách mà không phải đắn đo hay nghĩ ngợi về một điều gì khác. Sự đủ đầy nhất của cuộc đời, phải chăng lại chính là ở tuổi thơ, ngay cả ở những tuổi thơ thiếu hụt. Liệu có phải khi người ta trưởng thành thì cuộc sống sẽ luôn mất đi một điều gì đấy không thể nào lấy lại được?.

23 comments:

  1. Vậy anh Linh có lãnh hậu quả của việc mê đọc sách hồi thuở thiếu thời ko?
    Từ hồi còn rất nhỏ em đã rất mê đọc sách, bắt bố mẹ mua & đọc ngấu nghiến rất nhiều thứ truyện, sách, rất nhiều lần đọc trong góc tối nữa (vì cúp điện mà vẫn ko chịu rời bỏ cuốn sách)
    Hậu quả là 2 cái đít chai 2 độ rưỡi khi mới học lớp 3 thôi T_T

    Anh bảo "Liệu có phải khi người ta trưởng thành thì cuộc sống sẽ luôn mất đi một điều gì đấy không thể nào lấy lại được?" Anh làm em thấy buồn ghê. Em cũng cảm thấy như thế. Anh ơi, hay chắc có lẽ vì mình quá fixated on những gì mình mất đi mà quên mất những gì mình nhận được từ cuộc sống trưởng thành?

    ReplyDelete
  2. bạn Linh không thích xưng chị với cả ng hơn tuổi nữa cơ hihi

    ReplyDelete
  3. Tại bạn Hana không gặp tớ khi tớ còn bé. Hồi bé thì chị nào hơn tuổi tớ gọi là chị hết. Giờ thì có lựa chọn, có thể gọi chị là bạn hoặc là em, hehe :D

    ReplyDelete
  4. Sách mua nhiều quá thì tự an ủi là sau cho con nó đọc bác ạ. (Nhưng mà phải nhớ phân loại và cất đi 1 số thứ khi cháu nó biết đọc hehe :)

    Có bao giờ bác Linh từng trải qua tâm trạng anti với sách không? Em có thời kỳ đã cho đi gần hết tất cả sách vở của mình và không đọc gì nữa cho lành. Hứng thú cũng thay đổi theo thời gian. Ngày xưa thì bạ gì đọc đấy, bây giờ rất ít đọc văn học nhưng những lúc ốm yếu nằm rên hừ hừ thì lại thèm giá mà trong nhà có bộ chưởng mà đọc :(

    ReplyDelete
  5. Hồi tớ còn bé cơ quan bố tớ ở ngay bên cạnh hiệu sách Tràng Tiền. Đi học về tớ thường lên cơ quan bố, nên hầu như ngày nào cũng mò ra hiệu sách TT chơi, vì ở đấy rất mát :) Hồi đấy hiệu sách rộng thênh thang, sách thì ko nhiều lắm, có quyển sách nào mới là biết ngay.
    Tớ thì hồi bé lại đọc nhiều, bé tí mà đã đọc sách kiểu "Những người khốn khổ", "Đồi gió hú", "Chiến tranh và hòa bình", "Trà hoa nữ" v.v. (vì chẳng có thú giải trí gì khác, mà sách thì sẵn ngay trên giá, có quyển nào là đọc quyển ấy). Nhưng chưởng thì tớ chưa hề đọc 1 quyển nào, thỉnh thoảng có xem phim thôi :)
    Bây giờ thì tớ cũng lâm vào tình trạng của Linh, đọc ko hết những gì mình mua về.

    ReplyDelete
  6. bài "chiều vàng" ni ca sỹ Thùy Dương thể hiện, là bản có hòa âm rất hay! trên mạng có, Linh nghe thử nhé!

    ReplyDelete
  7. "đã bắt đầu rơi vào tình trạng không đọc hết những gì mình mua"_tình trạng này thật đáng sợ.., mình cũng đã bắt đầu như thế. Còn nữa, cách đọc bây giờ cũng khác khi xưa. Khi xưa đọc mang lại nhiều cảm xúc hơn, đọc hồn nhiên hơn..., bây giờ chai lỳ, đọc để "săm soi" là chính. Chán thật

    ReplyDelete
  8. "đã bắt đầu rơi vào tình trạng không đọc hết những gì mình mua"_..............> Ặc ặc ặc...Tôi cũng rứa...

    ReplyDelete
  9. trời sao bạn giống tui vậy. Đành để dành Gide, vian, duras, saze,... về già đọc thui, bây giờ thời gian đâu nữa. sao thèm cái ảm giác khốn khó ngày xưa wá. thề đấy lúc nào chúng ta cũng khao lhát cái mình ko có, có rùi thì lại chán. sao đời buồn thế nhỉ

    ReplyDelete
  10. So với đa số các bạn cùng tuổi thì em cũng chăm đọc sách, nhưng chỉ chăm đọc sách văn học thôi. :D Sách giáo trình giáo khoa, sách kinh tế chính trị...em chẳng mấy khi đọc.

    ReplyDelete
  11. đồng cảm..Nhưng em không khốn khó..Em đọc nhiều nhất là cấp 1,2..Hầu như chỉ có thú vui là đọc truyện....May mắn hơn anh là nhà em cả nhà đều đọc nhiều nên chưa bao giờ em đọc hết sách có ở trong nhà (tất nhiên không phải bỏ tiền mua)...Nhưng sau đó chuyển nhà thì số sách cũ đã tẩu tán hết vì có những quyển giấy xấu, cũ và quá nhiều không thể mang theo.

    Cuối cấp 2, đầu cấp 3 là luyện Kim Dung rồi..((: xem phim chưởng HK nữa..Cũng may hơn anh là ông bà già em cũng là dân nghiện KD từ nhỏ...hehe nên cũng chẳng phải bỏ tiền mua...Lên DH chả đọc bao giờ..toàn lê la quán xá, vũ trường, kiếm sống...Bây giờ là bị bệnh hình thức ..thích sách đẹp, tác phẩm nổi tiếng, tác giả hòanh tráng haha cũng sợ bị tụt hậu nữa.

    ReplyDelete
  12. 1. giống anh, em không thích gọi con trai bằng tuổi là anh :P

    2. sách và đời tổng kết rồi: grow-up = give-up :(

    ReplyDelete
  13. Khổ thân anh Linh, ông cụ nhà em thích mua sách (cũng trong tình trạng của anh là đọc ko hết sách mua) từ khi em còn bé, cho nên từ khi em biết đọc thì tủ sách ở nhà đã có những "Người giàu người nghèo", "Bức họa Maja khỏa thân", "Tiếng chim hót.." đặc biệt là truyện Tàu thì đầy đủ hết những bộ nổi tiếng, kể cả Tiết Nhân Quý chinh Đông với Tiết Đinh San chinh Tây ^^ Bây giờ em vẫn giữ thói quen mua sách và đọc sách nhưng không đọc nhiều sách mang tính trí tuệ cao như anh Linh, em coi đọc sách như thú vui giải trí thôi nên thường mua sách dễ đọc, có nội dung cuốn hút thôi ^^

    P.S: À mà tiện đây nhiều người đọc sách, hồi nhỏ em đọc cuốn "Ca-dăng" viết về chú chó lai sói mà về sau sống lẫn cùng bầy sói và trở thành đầu đàn. Vì đọc từ khi còn bé tí nên em chả rõ nó có phải là "Nanh Trắng" hay ko nữa, cứ băn khoăn mãi mà bây giờ ra hiệu sách ko còn cuốn nào tên "Ca-dăng" nữa. Em chỉ mong đi mua lại cuốn đó (như một sự lưu giữ kí ức tuổi thơ thôi :"> ) mong bạn bè anh chị giải đáp giùm cái thắc mắc của em :D Xin chân thành cảm ơn!

    ReplyDelete
  14. "Liệu có phải khi người ta trưởng thành thì cuộc sống sẽ luôn mất đi một điều gì đấy không thể nào lấy lại được"

    Trong một comment khác em có nói tại sao một số người nghiện đọc sách. Sách đáp ứng một số nhu cầu tâm lý căn bản. Nhất là khi ta còn trẻ. Nhưng khi con người phải đối diện với cuộc sống lúc trưởng thành thì sẽ nhận ra có những vấn đề mình cần giải quyết. Sự ổn định về tài chính, gia đình, sự nghiệp là một ví dụ. Khi chưa có sự ổn định này thì nảy sinh tâm lý bất an. Khi bất an như thế, người ta có thể ôm lấy cuốn sách vì biết như thế sẽ giúp mình tạm thấy yên ổn trong tức thời. Tuy nhiên, nguồn gốc mối bất an không vì thế mà được giải quyết.

    ReplyDelete
  15. hihihi. vơi tớ bi giờ cũng vậy, bi giờ có khi những người con trai nhỏ tuổi hơn tớ cũng phải bằng anh cơ đây hêhhêh

    ReplyDelete
  16. "đã bắt đầu rơi vào tình trạng không đọc hết những gì mình mua"_..............> Tôi thì khác, tôi không phung phí tiền như thế!tôi khao khát những cuốn sách muốn đọc mà không có tiền để mua!!

    ReplyDelete
  17. "Sự ổn định về tài chính, gia đình, sự nghiệp là một ví dụ. Khi chưa có sự ổn định này thì nảy sinh tâm lý bất an. Khi bất an như thế, người ta có thể ôm lấy cuốn sách vì biết như thế sẽ giúp mình tạm thấy yên ổn trong tức thời. Tuy nhiên, nguồn gốc mối bất an không vì thế mà được giải quyết." (Lê)

    Khi có được sự ổn định rồi thì chúng ta lại bất an kiểu khác ;-). Tóm lại là đời người lúc nào cũng bất an, và khi nào cũng cần đến sách để lãng quên, giải toả phần nào.
    Ngoài ra, đọc sách là một nhu cầu tự thân chứ không phải chỉ là phương tiện để giải sầu, tìm quên. Nỗi vui sướng khi được đọc một cuốn sách hay là không gì sánh được. Đôi khi gặp những cuốn sách có sức lay động lớn, có cảm giác như là được ... sinh ra lần nữa, mới mẻ hoàn toàn :)

    "Sự đủ đầy nhất của cuộc đời, phải chăng lại chính là ở tuổi thơ, ngay cả ở những tuổi thơ thiếu hụt. Liệu có phải khi người ta trưởng thành thì cuộc sống sẽ luôn mất đi một điều gì đấy không thể nào lấy lại được?"
    Câu này của anh Linh nghe hoài niệm quá. Chắc là mid-life crisis rồi đây ;-)

    ReplyDelete
  18. Nhieu khi mua sach chi vi thay do la tac pham noi tieng, co the vi no' co bia` dep, co the la do ban be gioi thieu.... co rat nhieu li do de mua 1 cuon sach moi, nhung quan trong la minh co chiu doc no hay khong??? Toi cung co rat nhieu sach chua doc den 1 lan du` da mua tu rat lau. Doi khi tu hua' voi lo`ng rang den 1 ngay nao do se doc het chung'... Nhung co phai cuoc song qua' bon chen, qua kho khan ma doi khi minh khong con muon danh thoi gian de lam nhung viec co the coi la vo bo do'???

    ReplyDelete
  19. "Khi có được sự ổn định rồi thì chúng ta lại bất an kiểu khác". Khi ổn định rồi người ta sẽ muốn khám phá cái mới lạ. Nhưng khi đã khám phá cái mới lạ rồi con người lại nhận ra mình có những nhu cầu tiếp nối khác. Càng đi tiếp càng phong phú, thú vị, và càng nhận ra bản chất. Không phải cứ Tóm Lại một nhát mà xong chuyện đâu ;)

    "Ngoài ra, đọc sách là một nhu cầu tự thân chứ không phải chỉ là phương tiện để giải sầu, tìm quên." Điều này đúng với tùy người, tùy hoàn cảnh. Có người đọc sách một cách chủ động quyết đoán. Cũng có người cứ mãi trôi dạt vô thức theo bản năng.

    ReplyDelete
  20. @ Lê : Cái gì mà chả Tóm Lại được hả bạn Lê ? ;-) Muốn Tóm lại là Tóm lại được thôi. Để cuộc sống không quá phức tạp thì chúng ta cần biết đơn giản hóa nó, tức là phải biết Tóm nó Lại :P.

    Về chuyện đọc sách, thì mình Tóm Lại thế này ;-). Tình yêu có thể là hữu hạn, nhưng ham muốn và khát khao khám phá của con người là vĩnh cửu. Tìm đến sách cũng giống như xem truyền hình hay đi du lịch, đều xuất phát từ nhu cầu (vô thức hoặc có ý thức) tìm đến một thế giới khác với cuộc sống thường ngày đều đều tẻ nhạt. Nhu cầu này có trong bất kỳ một ai, dù đọc ít hay đọc nhiều, dù hoàn cảnh thế nào đi nữa. Bởi thế nên nó là một nhu cầu tự thân :) Khi nào bế tắc, ta coi sách là nơi để chạy trốn thực tại, một cách tạm thời. Còn khi nào đã đạt được sự ổn định, sách sẽ trở về nhu cầu tự thân bởi cái ham muốn khám phá, hiểu biết không còn bị bó buộc bởi cơm áo gạo tiền nữa mà có điều kiện để biến thành hiện thực, sẽ trỗi dậy.

    Vài năm nữa, bạn Lê ổn định sự nghiệp, tài chính, gia đình rồi, có khi bạn lại giống các bác già già như bác Nguyễn Quang A, đắm mình trong tháp ngà của sách để chiêm nghiệm, suy tưởng cho mà xem :D.

    ReplyDelete
  21. Ngoài tam thập thì buông sách ra được rồi. Chỉ có Kinh Dịch tới ngũ thập mới nên đọc. Khổng Tử đã dạy ^^

    ReplyDelete
  22. đoạn kết của anh Linh đằm thắm quá.

    ReplyDelete
  23. Từ bé đến giờ tớ đọc tất cả những gì là chữ rơi vào tay tớ, nhưng thực ra chả đi mua sách bao giờ, toàn mượn truyện thư viện đọc thôi.

    ReplyDelete