Wednesday, October 17, 2007

Về sự riêng tư của người nổi tiếng.

Tôi đang trao đổi với bạn Grass (Trần Lệ Thùy) quanh bài viết của bạn và anh Huy Đức trên SGTT ở đây. Vì phạm vi của cuộc trao đổi này đề cập tới vấn đề sự riêng tư của người nổi tiếng nên xin copy lại để ở đây. Nếu bạn nào hiểu biết về luật báo chí tham gia góp ý kiến thì sẽ rất hay.

Trong bài viết của bạn Grass (một bài tôi đánh giá cao), có một ý mà tôi không tán thành. Xin trích ở đây:

"Nếu một người bình thường bị báo chí tòan cầu in cảnh bị tốc váy thì có thể kiện đòi hàng triệu đô la đền bù do bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng nếu người trong ảnh là Britney Spears thì khác. Cô là người nổi tiếng một phần vì những hình ảnh này nên cô khó mà kiện được. Cũng giống như vụ Pamela Anderson bị tung băng sex của cô và chồng. Cô đã kiện ra tòa nhưng không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biểu tượng của sex."

Theo tôi, là Britney Spears hay là người bình thường thì họ cũng đều có quyền tự do cá nhân như nhau. Vấn đề là với người bình thường, thì sẽ không có chuyện "báo chí toàn cầu in ảnh bị tốc váy" trong khi với Britney thì có. Các ngôi sao cũng thường xuyên kiện các tờ báo ra tòa và cũng rất nhiều khi họ thắng kiện hay được đền bù các số tiền rất lớn từ các tờ báo. Tức là ở đây không có sự khác biệt về quyền tự do cá nhân giữa người bình thường và người nổi tiếng, chỉ khác nhau trong cách media khai thác thôi.

Comment trả lời của Grass:

@Linh: Là người nổi tiếng và quan chức dân cử thì phải chấp nhận sự giám sát của công chúng nhưng trong lĩnh vực họ nổi tiếng thôi. Họ vẫn có quyền riêng tư. Ví dụ như một nghệ sĩ dương cầm thì có thể kiện ngăn chặn phát tán băng hình riêng tư cá nhân vì không liên quan đến lĩnh vực nổi tiếng của người này, ngược với Pamela Anderson. Báo chí không thể đăng hình một người bình thường có bồ bịch chẳng hạn, vì vi pham quyền nhân thân, nhưng có thể đăng ảnh con trai một vị quan chức đi xe xịn, du lịch xa xỉ với bồ không rõ nguồn tiền vì vị quan chức chịu sự giám sát của công luận về sự liêm chính.

Comment của tôi:

@grass: tớ nghĩ là bạn nói thế vẫn chưa chính xác. Thế theo bạn Pamela Anderson không có quyền kiện phát tán băng hình sex của cô ta à? Cô ta hoàn toàn có quyền đó như với người bình thường và không có tờ báo nào khi ra tòa lại có thể thản nhiên bảo là vì cô ta là người nổi tiếng nên chúng tôi để băng hình thả nổi cũng chả sao. Thế nhưng nếu tòa báo ấy chứng minh là cô ấy cố ý để băng hình thả nổi thì cô ấy lại có thể thua kiện. Vấn đề ở đây là về mặt pháp luật, người bình thường và người nổi tiếng có quyền về sự riêng tư như nhau, và không có luật nào tước của người nổi tiếng cái quyền đó nhiều hơn người bình thường. Cái khác ở đây chỉ là về cơ chế kinh tế: với người nổi tiếng thì nhu cầu của người tiêu dùng về cuộc sống của họ và cả cái động lực (incentive) để người nổi tiếng tiết lộ đời sống riêng tư của họ cũng lớn hơn. Đó là thị trường chứ không phải là luật pháp. Ví dụ của bạn về vị quan chức để so sánh với Pamela Anderson cũng không chính xác. Quan chức chịu sự giám sát của công chúng vì đơn giản, họ là quan chức, là người sử dụng tiền của nhân dân giao cho để làm các nhiệm vụ của nhân dân. Sự giám sát của báo chí trong trường hợp này là check and balance, một thứ quyền lực để kiềm chế cái quyền lực kia thao túng bất hợp pháp. Đó không phải vì vị quan chức đó là người nổi tiếng, mà là vì ông ta là quan chức (hoặc chủ tịch công ty, phải chịu trách nhiệm với tiền của cổ đông chẳng hạn).

Tớ nghĩ điểm thiếu chính xác nhất trong bài viết này của bạn (và anh Huy Đức) là có phần coi quyền riêng tư của người nổi tiếng là ít hơn người thường. Đó là một cái sai về mặt nguyên tắc, dù trên thực tế, đúng là người nổi tiếng không có nhiều sự riêng tư như người bình thường nhưng như tớ nói, đó là do cơ chế cung cầu. Cái sai này theo tớ là khá nghiêm trọng vì nó sẽ dẫn tới ngộ nhận.


Và của Grass:

@Linh: Vụ Pamela Anderson và kết luận của tòa về việc cô ấy không chặn được sự phát tán băng sex do cô ấy nổi tiếng như một quả bom sex có trong giáo trình luật báo chí ở Mỹ. Còn về quan chức thì đúng như bạn nói. Trong bài có thể mình viết không rõ gây hiểu lầm. Nhưng ý của mình là người nổi tiếng và quan chức dân cử, chứ không phải quan chức là người nổi tiếng. Có thể mình sẽ viết thêm về vấn đề này ở SGTT. Đang nhận được đặt bài nhưng bận quá, chưa lục lại được sách về luật báo chí.


Tôi:

@grass: tớ không học báo chí nên tất nhiên không biết gì về luật báo chí. Nếu có thể thì lúc nào bạn nói rõ hơn thì sẽ rất tốt.
Btw, tớ vào entry về cô Pamela trên Wikipedia thì thấy có dòng này:

“A pornographic home video of Anderson and Tommy Lee on their honeymoon was stolen from their home, and made a huge stir on the Internet. Anderson sued the Internet Entertainment Group, the company that was distributing the video. Ultimately the courts awarded Anderson and Lee $1.5 million plus attorney fees for their share of the profits. After this, the company sold copies of the stolen honeymoon tape across the country. It was very popular”

Ngoài ra, cũng cần phân biệt giữa những hiện tượng như Pamela Anderson, những người hoạt động trong ngành giải trí với biểu tượng như là quả bom sex, với các hiện
tượng tuy là celebrity nhưng không hề muốn nổi tiếng như là bom sex (Thùy Linh chẳng hạn). Nói chung những vấn đề này khá phức tạp và thực tế không phải bao giờ cũng như nguyên tắc nhưng cần làm rõ mọi vấn đề.

22 comments:

  1. Em đồng ý với anh Linh, đứng trước pháp luật thì mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ như nhau, chưa thấy bộ Luật của nước nào chia ra Luật áp dụng cho người nổi tiếng và người thường :-"

    Cái ý của chị Grass đúng trong trường hợp quan chức (và có thể là người nổi tiếng, có ảnh hưởng đến nhiều người) có "phốt" và bị phanh phui, khi đó họ ko có tư cách để làm tròn vai trò của họ và phải rút lui khỏi vai trò đó (VD quan chức mà nhiều tai tiếng thì ko có tiếng nói trước quần chúng và phải tự rút lui khỏi chính trường).

    ReplyDelete
  2. "Nếu một người bình thường bị báo chí tòan cầu in cảnh bị tốc váy thì có thể kiện đòi hàng triệu đô la đền bù do bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng nếu người trong ảnh là Britney Spears thì khác. Cô là người nổi tiếng một phần vì những hình ảnh này nên cô khó mà kiện được. Cũng giống như vụ Pamela Anderson bị tung băng sex của cô và chồng. Cô đã kiện ra tòa nhưng không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biểu tượng của sex." (Grass)

    Nói lan man ngoài lề 1 chút, Pamela Anderson từng bơm ngực và trở nên rất thành công với một bộ ngực (giả) nhiều người thèm muốn (cả nam và nữ). Nhiều người đẹp muốn sửa ngực giống như Pamela, và họ đã sửa, nhưng không thành công bằng, không thành 1 biểu tượng (sex bomb) như Pamela. Nói vậy để làm rõ ra ý này: nếu bạn làm 1 chuyện mà người khác đã làm và đã thành công (thu hút sự chú ý của nhiều người),chưa chắc bạn đã thành công. Cuốn băng sex của Pamela được dân chúng tìm mua xem rộng rãi vì bản thân cô đã quá hot và họ có nhu cầu xem phim hot của Pamela. Một người bình thường, vô danh, muốn được nổi tiếng bằng sex scandal, có muốn làm như vậy cũng chưa chắc được vì không ai quan tâm và có nhu cầu xem họ. Việc cái băng sex đó được phát tán là vì nhu cầu thị trường, có muốn ngăn chặn cũng không thể được.

    "Cô đã kiện ra tòa nhưng không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biểu tượng của sex."

    Câu này đọc dễ gây lẫn lộn.Tô không nói là nó sai, chỉ nói là nó dễ gây lẫn lộn thôi. Pamela kiện ra tòa và chỉ có thể chụp cổ thủ phạm là cái công ty đã phát hành (làm lộ) cuốn băng. Cái công ty đó ít ra là một thủ phạm bằng xương bằng thịt có thể thộp cổ, giày xéo đấm đạp oán trách v.v Còn cái đám giúp "phát tán" cuộn băng thì như ma trơi, tùm lum tá lả trên mạng, biết đâu mà lần (chưa kể là công ty kia sau khi nộp phạt tiền thua kiện đã mua luôn quyền phát tán cuộn băng trên). Cô có thể kết tội công ty này là "xâm phạm quyền riêng tư"(một người bình thường cũng có thể kiện công ty này với lý do y như vậy). Việc cô có lý/ thắng kiện hầu như không liên quan gì tới chuyện "không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biẻu tượng của sex". Thực ra trong thời đại thông tin này, việc "ngăn chặn phát tán" là ngoài tầm tay, không cách nào kiểm soát nổi.

    Cho là có điều luật quy định về việc "không thể ngăn chặn việc phát tán cuốn băng vì cô đã nổi tiếng như 1 biểu tượng của sex" là có thật, thì xem ra vẫn có 1 khoảng cách khá xa giữa luật và thực tế thị trường. Luật cứ quy định thoải mái, còn thực tế việc nó vận hành như thế nào là chuyện của cuộc đời, của thị trường và quy luật cung - cầu. Và tất nhiên, là ở độ hot của cơ thể của bạn và cả "the way you do it" nữa hehehe...



    ReplyDelete
  3. Theo em, khi bị báo chí chụp ảnh phút hớ hênh, người nổi tiếng khó và thường không kiện cáo(vì dường như họ tự hiểu đó là cái giá của sự nổi tiếng, cuộc sống cá nhân sẽ bị xét nét, nhòm ngó - đó chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa người nổi tiếng và người bình thường), trừ khi báo chí gây hậu quả quá lớn (tai nạn, chết người...).
    Ví dụ, nhà báo chụp bức ảnh người bình thường nhảy nhót ngậu xị trong bar, vũ trường (họ không dùng thuốc lắc, chất kích thích, không đủ thứ) để quy kết trên phương tiện thông tin đại chúng là thác loạn, trụy lạc...thì người trong bức ảnh hoàn toàn có thể kiện nhà báo vì tội vu khống; thế nhưng nếu là người nổi tiếng thì chỉ cần bức ảnh thôi cũng đủ gây khốn đốn.
    Người bình thường hay người nổi tiếng đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng trong trường hợp này, sự bất bình đẳng đơn giản chỉ vì họ...nổi tiếng. Họ sẽ chịu sự điều chỉnh của những luật lệ bất thành văn khác của dư luận.

    ReplyDelete
  4. Em nghĩ vụ nào quá nghiêm trọng, ảnh hưởng quá nặng tới thanh danh, sự nghiệp của mình, người nổi tiếng mới kiện cáo, chứ bạ cái gì cũng kiện thì kiện cả ngày và báo chí lá cải chỉ có nước đóng cửa đề hầu kiện.

    ReplyDelete
  5. "Nếu một người bình thường bị báo chí tòan cầu in cảnh bị tốc váy thì có thể kiện đòi hàng triệu đô la đền bù do bị xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, nhưng nếu người trong ảnh là Britney Spears thì khác. Cô là người nổi tiếng một phần vì những hình ảnh này nên cô khó mà kiện được."

    Vụ Pamela Anderson "không thể ngăn chặn vụ phát tán cuộn băng vì cô đã là 1à biểu tượng của sex" thì đúng nhưng hơi thừa (và phi thực tế). Còn vụ "Britney tốc váy" này thì cần nói lại cho rõ 1 chút:

    1. Tốc váy này là tốc váy ở đâu? Nếu bạn - 1 cô gái vô danh, hay Britney Spears, tốc váy - ở một "public place" (như bãi biển, đường phố, khi shopping, sân bay v.v) và thực tế là chuyện tốc váy đó có xảy ra, bị báo chí chụp ảnh, thì bạn không kiện được (đây là nơi công cộng, tốc váy do cố ý hay vô tình chẳng ai biết được, và có gì khác với chuyện tốc váy ngoài bãi biển hay tốc váy trên mặt báo? Đằng nào thì cũng có nhiều người nhhìn thấy). Nếu tụi paparazzi mò vào tận nhà riêng, phòng riêng của bạn kih không được bạn cho phép để chụp ảnh bạn tốc váy, thì khi đó mới có thể kiện đòi đền bù quyền riêng tư bị xâm phạm. Vì tuị nó dám chụp bạn ở một nơi không phải là "public place".

    Ở mục này, bạn và Britney ngang bằng nhau về quyền được (hay bị) tốc váy nơi công cộng và đăng lên báo. Nhưng thường thì mấy tờ báo họ chọn Britney chứ chẳng ai chọn bạn. Vì Britney thì nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, càng tốc váy cao thì doanh thu báo càng cao. Chọn Britney cũng vì yếu tố "culture" nữa: đã là "public image" lại phô ra những gì mình muốn phô (again, vô tình hay cố ý thì chỉ mình người đó biết mà thôi) nơi "public place", thì lên báo là bình thường coi như một "thực tế đương nhiên phải chấp nhận khi đã là người của công chúng". Ít ngôi sao nào kiện cáo kiểu này.

    Có phải vì thế mà đọc câu "nhưng nếu người trong ảnh là Britney Spears thì khác. Cô là người nổi tiếng một phần vì những hình ảnh này nên cô khó mà kiện được" rồi cả câu về Pamela tiếp theo cứ thấy ...bối rối (confused) một chút, thấy một cái gì đó không thuận tai lắm nhưng không hiểu vì sao, phải dừng lại tách bạch.

    Tóm lại, 1 người nổi tiếng hay người thường đều có thể kiện tụng báo chí. Nhưng nếu như chuyện họ làm là CÓ THẬT, LÀ ĐÃ XẢY RA TRÊN THỰC TẾ, TRONG NHỮNG BỐI CẢNH KHÔNG RIÊNG TƯ (như Britney Spears, dạo gần đây liên tục không mặc underwear đi disco hay mua sắm, lên hình đều đều) thì khó có khả năng khởi kiện và thắng kiện.

    Nhưng nào ai có thể trông cậy vào luật pháp để bảo vệ danh tiếng, hình ảnh và reputation của mình? Kiện tụng là chuyện phải làm, kiện có thể thắng, nhưng chờ đợi pháp luật bảo vệ mình thì có lẽ quá muộn màng trong tình hình xã hội công nghệ cao, phức tạp và tinh vi này. Thắng thì có thắng (trường hợp tốt nhất) nhưng thua thì cũng đã thua từ lâu, và bằng nhiều cách, nhiều ý nghĩa khác nhau. Vậy có nên đem luật pháp ra để bàn bạc và áp dụng trong những scandal kiểu kiểu như thế này?

    ReplyDelete
  6. P.S: Tui xin bổ sung thêm tí xíu về ý này:
    "Cũng giống như vụ Pamela Anderson bị tung băng sex của cô và chồng. Cô đã kiện ra tòa nhưng không thể ngăn chặn việc phát tán băng này được vì cô nổi tiếng như là một biểu tượng của sex."

    Nếu là Pamela, tui sẽ dựa vào cụm từ "biểu tượng của sex" (sex symbol) để chống lại lý lẽ trên (mặc dù có chống hay không thì thực tế nó vẫn xảy ra là cái bọn ma trơi âm binh tha hồ phát tán băng sex trên internet). "Sex symbol" là gì? Là một nhãn hiệu mà media hay thiên hạ đặt cho Pamela như một cách "label", như một danh hiệu mà mọi người tự hiểu lấy với nhau. Nó không phải là 1 danh xưng có trên giấy tờ (legal name). Và Pamela không phải là porn star (ngôi sao phim khiêu dâm - cái tên này nó rõ ràng, sòng phẳng và "chính danh" hơn). Nếu Pamela là Porn Star thì là chuyện khác , ở đây cô là Sex Symbol. Chỗ yếu của lý lẽ trên nằm ở danh hiệu Sex Symbol này, vì chẳng có gì chính thức. Và nếu như không phải chính thức thì toàn bộ lý lẽ kia coi như vô nghĩa. Thế thôi.

    ReplyDelete
  7. Grass tên là Trần Lệ Thùy? Một cái tên rất hay và dịu dàng.

    ReplyDelete
  8. Bác Linh có một ý hay khi phân tích chuyện này, là tách riêng ngay từ đầu mặt quyền theo luật định và mặt hậu quả theo thị trường/xã hội. Nếu tách ra, thì rõ rằng người nào cũng (phải) có quyền như nhau, nhưng vì xã hội đối xử với họ khác nhau mà hậu quả (~đền bù) khác nhau, và nguyên nhân, đối tượng có thể khởi kiện cũng khác nhau.

    Nhưng mà không rõ là sự tách biệt này có phải lúc nào cũng dễ dàng không?

    ReplyDelete
  9. Nguyên tắc chung là không được đăng hình ảnh của người ta khi chưa được sự đồng ý của họ.
    Dù là dùng hình ảnh đó để minh họa hay làm bất cứ điều gì.
    Ngay cả bị cáo khi ra toà, khi chưa bị kết án, những bức ảnh mà ta vẫn thấy đầy ắp trên báo chí trước khi bị kết án thực ra là phạm luật.
    Vụ VA cũng vậy, khi đăng báo hình ảnh cuả HTL là báo chí phạm luật hết, vì chắc chắn là Thuỳ Linh chưa đồng ý.
    Nếu Thùy Linh kiện, theo đúng luật bảo vệ quyền thông tin cá nhân và sự xâm phạm của truyền thông đến cuộc sống riêng tư, báo nào cũng sai!

    ReplyDelete
  10. mình kô học luật VN nhưng có học qua một khóa luật cơ bản của truyền thông mỹ nên cung cấp chút tin để tham khảo nhá:

    về libel -a false and malicious publication printed for the purpose of defaming a living person
    wordnet.princeton.edu/perl/webwn - Definition in context

    theo luật mỹ, người làm cho chính quyền chỉ có thể thắng khi kiện báo chí về libel ( tạm dịch hủy hoại nhân phẩm hay nói xấu) khi chứng minh được malice
    public official may not successfully sue for libel unless the official can prove malice. Malice was defined as "with knowledge that it (the material in question) was false or with reckless disregard of whether it was false or not."

    có nghĩa là chứng minh được truyền thông biết là thông tin đó kô đúng, hay vô trách nhiệm vẫn đăng như thường ( rất khó chứng minh)

    376 U.S. 254 - Tòa án liên bang mỹ (Supreme Court)

    về người nỗi tiếng, người nỗi tiếng là người chịu khó chường mặt ra công cộng để mong người ta nhận ra ( tự nguyện): "ồ đó là anh Beo, hơi giống heo nhưng rất đẹp" nhân đây nói luôn, mình là anh Beo nói ở trên đấy!
    private citizen là người kô nổi tiếng, kô muốn chịu sự dòm ngó của truyền thông nên kô thể có chuyện đăng váy, ví dụ cô bán phở xóm mình, lên CNN được.
    418 U.S. 323
    tuy nhiên, có quy định cụ thể về một người nổi tiếng và lãnh vực, địa bàn hoạt động, và vùng kô phủ sóng, cấm xâm nhập
    424 U.S. 448, 418 U.S. 323

    hy vọng là thông qua câu chuyện này mọi người nhận ra là Beo thông minh và gimme an "Ô`, phục quá! Anh ấy thật tài!"

    ReplyDelete
  11. Thấy các bạn tranh luận sôi nổi quá nhưng ít chạm được bản chất của vấn đề.

    Tất cả mọi người đều có quyền privacy được ghi trong hiến pháp và các điều ước quốc tế về nhân quyền (VD: Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước về nhân quyền châu Âu). Trong đó có quyền đối với thông tin cá nhân và hình ảnh của mình. Về nguyên tắc, việc phổ biến các thông tin, hình ảnh này phải được sự đồng ý của người đó. Ở đây không nhất thiết là ảnh bị tốc váy, kể cả ảnh sinh hoạt bình thường ở nơi công cộng nhé. Ví dụ cái cô gì bị/được chụp ảnh rồi đưa lên quảng cáo Việt Nam điểm đến của thiên niên kỷ của ngành du lịch có thể bị kiện vì chưa được sự đồng ý của cô này (một tay nhiếp ảnh chộp được trên đường du lịch).

    Tuy nhiên, các bạn thường quyên mất quyền tự do báo chí cũng được quy định rất thiêng liêng trong hiến pháp và các điều ước quốc tế. Đối với các public figure, công chúng có quyền được biết về đời sống cá nhân của họ. Tại sao? Vì public figure có tác động, ảnh hưởng đến đời sống công chúng. Đối với chính khách chẳng hạn, công chúng có quyền biết thông tin cá nhân của người này, cử xử của họ ở nơi công cộng để đánh giá đạo đức của người đó và quyết định có bỏ phiếu cho người đó hay không. Ở Pháp có vụ bác sĩ riêng viết hồi ký nói về tình trạng sức khỏe của cố Tổng thống Miterrand, vụ này đưa ra Tòa án châu Âu về nhân quyền và bác sĩ thắng kiện. Đối với các public figure khác như diễn viên, người mẫu, họ có thể là thần tượng đối với nhóm người nhât định. Ứng xử của họ có thể tạo thành trào lưu hoặc phản trào lưu, tựu trung là có ảnh hưởng với cộng đồng. Ví dụ việc Britney ăn mặc cẩu thả có tác động nhất định tới giới trẻ, nên công chúng có quyền được biết cô ăn mặc thế nào tại public place.

    Báo chí đóng vai trò watchdog kiểm soát hành vi của các public figure và góp phần tạo thành dư luận trong công chúng. Đây cũng là chức năng của báo chí, bảo đảm transparancy và demcratic control. Ví dụ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Rudolf Scharping, Chủ tịch Đảng SPD, ứng cử viên Thủ tướng Đức phải từ chức do bị đăng ảnh du hí với bồ ở bể bơi trong khi quân đội Đức chuẩn bị tham chiến ở Macedonia.

    Vì vậy, có thể nói ranh giới privacy của public figure hẹp hơn người bình thường. Việc cân đối giữa đời sống cá nhân và quyền tự do báo chí thay đổi theo pháp luật từng nước, chặt chẽ ở Pháp, thoáng dần lên ở Đức, Anh và Mỹ. Sau vụ Diana, châu Âu cũng thắt chặt hơn việc chụp ảnh của các paparazzi.

    Lĩnh vực mà public figure và người bình thường hoàn toàn bình đẳng với nhau là trong private place. Các sinh hoạt trong gia đình, đặc biệt trong phòng ngủ được bảo vệ tuyệt đối, không thể nhân danh press freedom để xâm phạm vào khu vực này. Phim quay intime không được phép phổ biến nếu không có sự đồng ý của người liên quan.

    Ngoại lệ là trường hợp đương sự chủ động thương mại hóa đời sống cá nhân của mình. Ví dụ như Pamela hay trường hợp Britney thua kiện đòi bồi thường các cảnh chụp riêng tư với chồng cũ của mình với lý do bản thân Britney có hẳn một chương trình dài trên TV về đời sống hàng ngày của gia đình cô, trong đó có cả cảnh nude của Britney.

    Ở trường hợp của TL việc đưa tin của các báo VN là hợp lệ vì TL là public figure, thần tượng của một số teen, có tác động đến đám trẻ này. Tuy nhiên việc đưa ảnh là bất hợp pháp vì lấy từ video quay tại private sphere và chưa có sự đồng ý của TL.

    ReplyDelete
  12. Hoá ra Lệ Thuỳ này không phải là Grass ở Làng Ven, thế mà mình cứ tưởng bở :D

    ReplyDelete
  13. Ờ nhưng mà mình lại hiểu đoạn wiki trên kia rằng bạn Pam thắng kiện về bản quyền chứ không phải vì quyền riêng tư bị xâm phạm, tức là người ta xem mà bạn không được đồng nào thì không fair, chứ không phải muốn bảo vệ privacy. Bằng chứng là sau khi trả tiền đầy đủ, thì việc phát tán cuốn video đó trở thành hợp pháp, như là một thương vụ sòng phẳng, thay vì bị thu hồi. Mình không bình luận gì về quan điểm của Linh hay Thuỳ, mình chỉ thấy đoạn wiki trên hình như chưa phải một dẫn chứng thoả đáng và ăn nhập.

    ReplyDelete
  14. @HA: Vấn đề là công ty mà Pamela (và người tình) chọn để kiện là công ty phát hành và công ty này có được DVD này từ nguồn thứ ba. Nếu Pamela chọn kiện công ty này về việc vi phạm quyền riêng tư thì rất dễ thua kiện, vì Pamela sẽ phải chứng mình rằng băng video của cô ấy là băng home video, bị ăn cắp hay là thế nào đó. Cô ta chọn cách kiện vì việc phát hành không được phép thì sẽ dễ thắng kiện hơn nhiều (và có lẽ cũng dễ kiếm được nhiều tiền hơn).

    Để so sánh có thể so sánh với trường hợp Paris Hilton, ví dụ này có lẽ relevant hơn ví dụ của Pamela. Paris Hilton kiện bồ cũ là người đã bán DVD của cô quay với anh ta. Ở đây tuy DVD này là sở hữu của anh ta nhưng nó gắn với privacy của cô ta. Do đó Paris Hilton kiện về việc xâm phạm quyền riêng tư. Sau đó cô ta được bồi thường bên ngòai tòa án $400,000. Tháng 1 vừa rồi, cô này lại kiện 1 trang web vì trang web này cho người đọc biết các thông tin cá nhân của cô ta như nhật ký, passport, địa chỉ email…và điều khoản mà cô dựa vào để kiện là xâm phạm quyền riêng tư, vi phạm bản quyền và vi phạm quyền tới công chúng (right to publicity- không biết dịch chính xác là gì). Không rõ vụ này đã xử chưa.

    Quay lại vụ Thùy Linh. Một việc mà tớ thấy bỉ ổi nhất trong vụ này là một số tờ báo capture hình ảnh từ video của Thùy Linh và thản nhiên đăng. Hành động đó có thể coi là hành vi khiêu dâm và vi phạm thô bạo đạo đức báo chí.

    Nói chung ở đây tớ chỉ có một ý là cách thức đối xử với quyền riêng tư của người nổi tiếng có khác người thường không. Theo tớ là trên phương diện luật pháp, chắc chắn là không (tớ không nghĩ là luật báo chí lại quy định khác về việc này?). Thế nên tớ rất thắc mắc trước việc bạn Thùy nhắc tới vụ việc Pamela trong luật báo chí.
    xem thêm ở đây về vụ Paris
    http://www.eonline.com/news/article/index.jsp?uuid=dd1838b6-5852-4c89-9650-f7cdad9ec5fd

    ReplyDelete
  15. Một vài thông tin nữa: Kid Rock và Colin Farrel đều đã kiện ra tòa để ngừng việc hãng porno (trường hợp Kid Rock) và bạn gái cũ (trường hợp Colin) đưa hình ảnh quay riêng tư của họ ra thị trường. Và trong cả hai trường hợp, họ đều thành công trong việc đạt được quyết định của tòa án chặn việc này lại.
    Trích một đoạn trong lý lẽ của Kid Rock
    “We believe that this tape was a private tape, improperly obtained," said William H. Horton, Kid Rock's lawyer, in an interview. "And we intend to keep it private." He added, "We're not hankering for a license agreement. We don't want any money." “

    Vậy sự khác nhau giữa Kid Rock và Pamela là ở chỗ Kid Rock muốn bảo vệ sự riêng tư, còn Pamela muốn kiếm lợi nhuận từ việc bán băng đĩa. Ví dụ của bạn Thùy do đó trên thực tế là không phù hợp.
    Xem thêm ở đây:

    http://www.nytimes.com/2006/03/19/fashion/sundaystyles/19tapes.html?pagewanted=1&ei=5090&en=fa8b001c1b104856&ex=1300424400&partner=rssuserland&emc=rss

    ReplyDelete
  16. Bạn AHA nói rất đúng :-)

    "Có thể nói ranh giới privacy của public figure hẹp hơn người bình thường", không phải "có thể" mà ranh giới privacy hẹp hơn được quy định trong luật/án lệ của hầu hết các nước phương Tây, chính xác hơn là "người của công chúng có quyền bảo vệ đời sống riêng tư, nhưng việc bảo vệ quyền hình ảnh đối với một người của công chúng dừng lại khi người đó trong môi trường nghề nghiệp hoặc tại một nơi công cộng" (Án lệ của tòa châu Âu)

    Như vậy Britney bị tốc váy ở nơi công cộng KHÔNG THỂ kiện bất cứ tờ báo nào đưa hình ảnh đó, mặc dù nếu tớ bị đưa hình ảnh như vậy, hay thâm chí hình ảnh lịch sự đứng đắn duyên dáng nhưng tớ không đồng ý đưa, thì tớ đều có thể kiện được cả.

    Nhưng khi không còn là nơi công cộng nữa, khi các hình ảnh đưa lên vượt qua hàng rào nhà riêng, thì cả Britney đều có thể kiện được.

    Nghĩa là những hình ảnh cắt ra từ đoạn phim và được đưa lên báo, dù với lý do là khi đó chưa chắc chắn ai ở trong phim nên không dám đưa ảnh Thùy Linh, đều xâm phạm trầm trọng quyền riêng tư về hình ảnh. Nếu đó không phải là Linh, thì còn là xâm phạm quyền riêng tư của 1 người bình thường không phải người của công chúng.

    ReplyDelete
  17. hoàn toàn đồng ý với Aha. đó cũg là những gì tôi đc học về Medienrecht (media-right) tại Đức. Tự do báo chí và quyền riêng tư cá nhân của những người của công chúng luôn luôn có sự va chạm. Và với mỗi trường hợp cụ thể thì phán xét của toà án cũng rất khác nhau.

    ReplyDelete
  18. Vụ Pamela Anderson/Tommy Lee v. IEG (để phân biệt với một vụ khác sau đó IEG phát tán sex tape của Pamela Anderson với Bret Michaels) kết thúc bằng thỏa thuận giữa hai bên chứ không phải do tòa quyết định.

    ReplyDelete
  19. Never mind. My bad. The other way around. Vụ Bret Michaels settled còn vụ Tommy Lee có judgment.

    ReplyDelete
  20. Đồng ý với Aha. Ở Việt Nam chưa có khái niệm public figure trong luật báo chí rõ ràng nên gây tranh cãi không ngã ngũ trong các nhà báo về vụ Thùy Linh và Trà Chanh.

    ReplyDelete
  21. Chúa không cấm chúng ta làm tình.,nhưng phải có trách nhiệm với nó chứ.,dặc biệt là khi có liên quan đến những hiện thực lớn.,

    ReplyDelete
  22. hehe, luật quốc tế đem áp dụng ở VN thì thua hết :D. Em Thuỳ Linh cũng chả có đầu óc nào mà đi kiện (nhiều khi cũng chả biết là kiện được). Tớ cũng mong em Thùy Linh đi kiện các báo, làm một case study tiền lệ cho những chuyện sau này. Nhất là dằn mặt báo chí đừng để vênh váo như bây giờ.

    ReplyDelete