Nguồn: Từ blog của bạn Lilia.
Không có gì hai lần
Bản dịch của Thái Linh
Không có gì xảy ra hai lần
Và sẽ không. Vì thế
Chúng ta sinh ra không theo thông lệ
Và chết đi chẳng có thói quen.
Dù chúng ta là những học viên
Ngu dốt nhất của mái trường thế giới
Thì ta cũng sẽ không nhắc lại
Một mùa đông hay mùa hạ qua rồi.
Không có ngày nào là sẽ tái hồi
Chẳng có hai đêm nào giống nhau đến hết
Không có hai nụ hôn y hệt
Hai cái nhìn vào mắt như nhau.
Ngày hôm qua, ai đó như đâu
Ở gần em, nhắc tên anh thành tiếng
Em thấy như có bông hồng chao liệng
Rơi vào từ ô cửa sổ mở tung.
Ngày hôm nay, khi có anh cùng
Em quay mặt vào tường lặng lẽ
Bông hồng ư? Bông hồng nào thế?
Là hoa ư? Hay là đá, biết đâu chừng?
Vì sao ngươi, giờ khắc, cứ hòa cùng
Với nỗi sợ nỗi bất an vô ích?
Ngươi hiện hữu – nên phải trôi qua, nhất thiết
Ngươi trôi qua – nên điều đó đẹp sao!
Mặt tươi cười, ôm lấy vai nhau
Ta cố gắng kiếm tìm thỏa hiệp
Dù chúng ta thật là khác biệt
Tựa như hai giọt nước trong veo.
(Thái Linh dịch)
Bản dịch của Tạ Minh Châu:
Không có gì xảy ra hai lần
Và sẽ không bao giờ có cả
Vì thế mà chúng ta
Đã sinh ra như những kẻ vụng về
Và sẽ chết như chưa hề nêm trải.
Chúng ta – những cậu học trò của tột cùng ngu dại
Dưới mái trường thế gian
Đành khoanh tay
Chúng ta sẽ không thể làm
Cho một mùa đông, mùa hè lặp lại.
Không có ngày nào lặp lại
Không có hai đêm nào như nhau
Không có hai nụ hôn
Hai ánh mắt nhìn giống hệt.
Hôm qua
Khi rất gần ai đó gọi tên anh
Em thấy mình
Như được một bông hồng rơi vào qua ô cửa mở.
Hôm nay
Khi ở cùng anh đó
Em đã quay mặt vào tường
Hoa hồng ư? Bông hồng ấy ra sao?
Có phải hoa? Hay chỉ là viên đá?
Vì sao hỡi thời gian nghiệt ngã
Ngươi cứ khuyấy đảo lên mọi nỗi âu lo
Ngươi đang tồn tại ư – vậy là ngươi sẽ phải trôi qua
Ngươi đang trôi qua – điều đó là tuyệt diệu.
Chúng ta ôm nhau, miệng cười
Cố tìm điều thân thiện
Dẫu rằng ta biết
Mình khác nhau như hai giọt nước trong veo.
Ở trên có link đến văn bản gốc mà bạn.
ReplyDeleteTheo bạn thì chiều sâu của tác phẩm nằm ở đâu? Sự nhạy cảm đồng điệu giữa người dịch và tác phẩm thể hiện ở đâu?
Hai bản dịch đều có cái hay dẫu có nhiều khác biệt (đây cũng là cảm nhận cá nhân thôi). Bản của Thái Linh nghe có vẻ "ngọt tai" hơn. Nhưng cũng chính vì vậy cảm giác người dịch chưa chạm được tận cùng chiều sâu tác phẩm. Bản dịch của Tạ Minh Châu Lại thấy được caí nhạy cảm đồng điệu giữa người dịch với tác phẩm. Và chính vì thế người đọc có thể bỏ qua cảm giác "hơi khô" của bản chuyển ngữ này. Dẫu sao , khi "gộp" cả hai lại người đọc (chưa biết văn bản gốc) cũng sẽ tiếp cận được vẻ đẹp thi ca của tác phẩm .
ReplyDelete"ko ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông" điều đáng buồn là thế. Bản thứ 2 thiên về dịch nghĩa hơn nhưng tui vẫn thích nó vì nó "nói" nhiều hơn cảm xúc của tác giả. tôi chưa đọc ông này bao giờ nhưng thấy tác giả có vẻ có chất dân gian Đong Âu(sai bỏ wa nhá)
ReplyDeleteCo ban tieng Anh cho trong sang ko anh Linh?
ReplyDeleteTớ có thử tìm bản tiếng Anh để so sánh nhưng không thấy. Hai bản về mặt ngữ nghĩa là hơi khác nhau chút.
ReplyDeleteTớ thích cả hai bản và thấy cả hai đều hay. Bản dịch 1 cảm xúc phụ nữ hơn, cái bâng khuâng, xót xa cũng kín đáo hơn. Bản dịch 2 đọc thấy xót xa hơn, một phần vì dùng cách dịch không mấy chú ý tới vần nhưng lại chú ý tới nhịp điệu. Ví dụ cách tách khổ thơ thành những câu có số chữ rất khác nhau dễ tạo cảm xúc.
Cả hai bản dịch đều từ nguyên bản tiếng Ba Lan, bản dịch 1 là của phụ nữ (bạn Thái Linh- Lilia) và bản dịch 2 của đàn ông: Tạ Minh Châu, hình như trước làm đại sứ ở Ba Lan.