Saturday, October 27, 2007

Entry for October 27, 2007

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy tin giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam được trao cho Đoàn Minh Phượng với tiểu thuyết “Và khi tro bụi” và Hữu Việt với tập thơ dịch “Khúc hát trái tim” hầu như bị bỏ qua trên báo chí. Báo Tuổi Trẻ đưa tin với năm sáu dòng ngắn ngủi. Báo Thanh Niên và Lao Động thậm chí còn chưa đưa tin trong mục Văn hóa. Vnexpress đưa tin dài hơn Tuổi Trẻ nhưng cũng không bình luận gì. Chỉ duy nhất có VNN là có bài phỏng vấn Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn và Thể thao văn hóa có bài bình luận về sự kiện này (đăng lại trên phongdiep.net).

Ấy thế mà như tôi hiểu, giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam là giải quan trọng nhất về văn học. Trước kia, giải này từng được trao cho các tác phẩm đánh dấu những biến chuyển của văn học Việt Nam như Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma…Nếu so với sự kiện ầm ĩ xung quanh giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội mà các báo cũng tốn không ít giấy mực thì giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam lần này yên ắng tới không ngờ. Chẳng nhẽ phải có scandal, có dè bỉu và và cạnh khóe (như Lê Thiếu Nhơn với Vàng Anh) thì báo chí mới “hăng say” vào cuộc? Khai thác tối đa các mâu thuẫn vẫn là thế mạnh của báo chí và của cách mạng, và do đó, tất nhiên là của báo chí cách mạng. Trong khi đó, các sự kiện văn hóa như hoa hậu thể thao 2007, hoa hậu châu Á 2008, hoa hậu Trái đất 2007 hay tin bài về Britney Spears trả tiền để không phải ra toà, Natalie Portman và cảnh quay nóng, Orlando Bloom và Miranda Kerr: Cặp đôi mới? thì báo nào cũng đưa trong mục “Văn hóa” của mình.

Ở các nước phát triển, các giải thưởng văn học quốc gia như National Book Award của Mỹ, Booker của Anh…nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Báo chí liên tục đưa tin, bài, bình luận, điểm sách… về các cuốn sách được vào sơ khảo, chung khảo các giải thưởng này trong suốt cả quá trình. Đó là các sự kiện văn hóa quan trọng, đánh giá những thành tựu đạt được trong nền văn học đương đại của đất nước đó. Ngay từ một cuốn sách được công bố đoạt giải, số lượng phát hành cuốn sách đó lập tức tăng vọt (tất nhiên là vẫn không so sánh được với các cuốn best-seller như tiểu thuyết mới của Stephen King nhưng sẽ là best-seller của dòng sách văn học). Ngay ở Trung Quốc, bên cạnh các giải thưởng văn học quốc gia thì gần đây cũng có cuộc bình chọn trên mạng các nhà văn Trung Quốc đương đại với rất nhiều người tham gia. Còn ở Việt Nam? Các phóng viên, biên tập viên văn hóa còn bận rộn đưa tin về hoa hậu Thể thao, hay dịch tin về vụ scandal mới nhất của Britney Spears. (Nói thế thì cũng không công bằng lắm, có một số tờ báo chuyên về văn hóa cũng chịu khó đưa tin về các giải thưởng văn học ở nước ngoài lắm, vả cả các giai thoại về đời tư của nhiều nhà văn mà tác phẩm chưa bao giờ được dịch ra tiếng Việt).

Thế còn các nhà phê bình văn học? Tại sao chúng ta không mấy khi thấy họ lên tiếng về các cuốn sách được giải thưởng văn học, hay các cuốn sách được dư luận quan tâm trong thời gian qua? Có thể do họ còn bận rộn điểm sách theo đơn đặt hàng của các công ty sách (nói cách khác là làm công việc của nhân viên marketing), như có lần họ tâm sự trên báo. Hoặc cũng có thể, như một nhà “phê bình văn học của tôi” từng nói (ngụ ý) họ không mấy quan tâm tới các nhà văn nội địa. Dù gì thì gì, phê bình (một cách thực sự) về Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Ngọc Tư hay Thuận cũng không “sang trọng” và an toàn như khi viết về Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn hay Quách Kính Minh (và Dan Brown!).

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc được trên báo các bài ca thán về “văn hóa đọc” của người trẻ. Rằng thanh thiếu niên bây giờ lười đọc quá, hay nếu đọc thì chỉ đọc truyện tranh: theo một khảo sát của báo Lao động thì một người Việt trung bình đọc 2,8 cuốn sách mỗi năm trong đó 60% là truyện tranh, nhưng tôi nghĩ có khi con số này cũng là cao quá. Nhiều người lên tiếng báo động quá đến nỗi các bạn Hội đồng Anh phải tổ chức hội thảo, mời cả chuyên gia về văn hóa đọc sang để giới thiệu điểm cơ bản nhất về đọc sách và phê bình sách cho độc giả và nhà phê bình Việt Nam. Nhưng cũng chỉ được vài bữa thì bị các cơ quan hữu trách về văn hóa cho dừng lại, chắc vì sợ văn hóa đọc người Việt phát triển lệch lạc theo kinh tế thị trường không định hướng (XHCN)?

Văn hóa đọc của người Việt Nam cũng có thể có những vấn đề. Nhưng tôi nghĩ nếu như chính các nhà phê bình văn học, các biên tập viên- phóng viên văn hóa của các tờ báo lớn mà cũng lười đọc hoặc/và lười viết nữa thì việc trách nhân dân lười đọc, hay không có văn hóa đọc có phải là công bằng không?

PS: Nhưng lại nghĩ lại, có khi không phải các nhà phê bình hay các nhà văn thờ ơ với các tác phẩm đoạt giải thưởng, mà là họ không tin tưởng vào các giải thưởng với rất nhiều bê bối trong quá khứ này, cũng không tin tưởng vào cái hội nhà văn hơi giống cái hội ngồi chiếu trên, sắn thủ lợn trong sân đình chứ không phải một hội nghề nghiệp đúng nghĩa. Dù thế nào, sự thờ ơ (một cách ảm đạm) này cũng phản ánh sự thiếu lành mạnh (và một cái gì đó cynical) trong đời sống văn học Việt Nam.

31 comments:

  1. anh Linh dao de qua, hihihi :P:P:P

    ReplyDelete
  2. more like inferior complex comparing to other press... like they cant trust themselves to write and print than to translate something that have been printed even tho rubbish somewhere.

    ReplyDelete
  3. Báo chí VN bây giờ đã chuyển từ "controversal" sang "commercial" và "scandalous" rồi. Thời buổi kinh tế ăn no phè phỡn xong rồi người ta có nhu cầu giải trí. Vì thế, khủng hoảng kinh tế xong thì sang khủng hoảng văn hóa :-)

    Tuy vậy, tớ thấy những cuốn như Mùi hương, Biên niên ký chim vặn dây cót ... vẫn bán chạy - bán hết, mặc dù báo chí chỉ thường lăng xê những cuốn "dễ đọc" hơn như Rừng Na Uy, chicklist... Cũng im lặng như văn học, lượng người đọc trung thành họ vẫn âm thầm mua các tác phẩm có giá trị mà không cần báp chí giới thiệu.

    ReplyDelete
  4. anh ui thậm chí vnexpress còn đăng những bài dịch từ blog lá cải nữa anh (chẳng hạn blog về đời tư các ngôi sao hàn quốc). dịch blog lá cải chứ không được "báo" nữa. nhưng những bài như vậy thì "có giá trị" và đáng post lên vnexpress hơn những bài viết về tình hình trong nước. ặc ặc.

    ReplyDelete
  5. Bạn Linh bây giờ say mê mắng nhiếc báo chí ghê :)
    Cảm giác bạn Linh chỉ nhăm nhăm đọc báo để điểm tin, soi xét xem bỏ quên cái gì, làm quá cái gì, đưa sai cái gì....
    Giống ngươì phụ trách mục dọn vườn trên báo Thế giới mới à, hay Kiến thức ngày nay gì đó màbạn vịt từng rất thích đọc.
    anw, nhờ đọc bạn Linh mỗi ngày mà thú thật gần như lâu nay tớ không đọc báo mạng vẫn update ngon lành mọi thông tin từ TBT đến Vàng Anh mấy nhát ;)
    Những người viết như bạn Linh giống tấm gương không nịnh mặt cho nhà báo soi vào mà sửa mình mỗi ngày.
    Cảm ơn bạn Linh.

    P/S: Chỉ mong bạn Linh về già không lẩn thẩn ngồi trên giường bó gối cãi nhau với đài, bạn vịt mừng!
    Và nhân tiện, tớ đã viết về chị Phượng 1 lần, http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2007/9/16/208926.tno
    Chị Phượng không phải là người muốn gặp báo chí, thường tránh là khác, có lẽ đó là duyên do báo chí ít viết được về chị.

    ReplyDelete
  6. có mấy ngx: 1, khi hỏi các pviên Văn hóa, và cả trưởng ban bt ở 1 tờ báo lớn em đangthực tập về việc viết gì, ntn...thì đều được nói: viết gì thì viết, các chị/anh bây giờ đều lười.Như thể lười là một bệnh sang mà ai mắc phải đều sống dai hơn, (có lẽ vậy), thú vị hơn....
    2. Bản thân những giải của HNV mấy năm nay hình như không quá đáng quan tâm nữa. Ý kiến của anh về các nhà phê bình là từ cách nhìn của một người đọc. Những nhà phê bình chính danh hiện nay ở VN có thể mải làm việc kiếm sống nhưng cũng cần thấy thêm phê bình ko phải là việc "thấy đối tượng" rồi "phải viết về nó". Mà nó là một sự nhận ra ko dễ dàng.
    Còn điều anh nói thì báo chí và văn chương ở VN đã vậy, kô biết tương lai ra sao

    ReplyDelete
  7. Còn mấy người đọc sách văn học??? Tôi thích đọc, truyện gỉ truyện gì cũng thích, ngắn cũng thích, dài đọc càng say mê. Nhưng hỏi tôi tác phẩm nào hay, tác phẩm nào nổi tiếng gần đây thì tôi chịu. Không phải tôi lười đọc, mà là nó không làm tôi say mê chút nào. Đi vào nhà sách với hàng kệ sách dài, tôi chẳng muốn mua cuốn nào, vì lật ra đọc thấy nó nhàm nhàm nhảm nhảm như nhau.
    Tôi nhớ lúc còn đi học, những nhận định trong phê bình văn học thường xuyên được đưa ra để thấy cái hay trong tác phẩm, nghĩa là phê bình có một vị trí rất quan trọng. Nhưng bây giờ, tôi chẳng thấy nó có tí ti quan trọng nào với văn chương cả, toàn thấy các bác khen chê nhau - một cách không khách quan , nhiều khi vì ghét ngoài đời nên chê nhau đến gớm.
    Có thể văn hóa đọc của Vn có vấn đề thật, vì tổng số bà con họ hàng nhà tôi đến trăm người, chẳng có người nào quan tâm gì đến văn chương, đọc sách văn học. Toàn là kinh doanh, phim ảnh, ca nhạc, thời trang. Bạn bè tôi cũng vậy. Lúc học ĐH còn có thời gian mà nghiền ngẫm mấy cuốn truyện nổi tiếng, đi làm rồi thì chỉ kịp coi hết mục tin tức trên báo là giỏi chứ nói gì đến văn chương thơ phú.
    Nhưng yên tâm, mạch nước ngầm dù không hiện diện, nó vẫn chảy. Văn học không có điểm dừng, chỉ có chảy mạnh mẽ hay âm thầm thôi.

    ReplyDelete
  8. Tôi không đọc (chính xác hơn là chưa đọc) "Và khi tro bụi" vì có một lý do rất đơn giản: run rủi thế nào tôi nhìn thấy chữ "hồ cầm" và giở ngay đến trang có chữ "hồ cầm" để xem, và tôi phát hiện ra "hồ cầm" không phải là hồ cầm trong vốn từ vựng của tôi, mà là cello. Hồ cầm mà tôi có thể hiểu được chỉ có thể là cái đàn giống như đàn nhị như Mạc Đại tiên sinh trong Tiếu ngạo giang hồ dùng. Trong ngôn ngữ của tôi, hồ cầm là hồ cầm, cello là cello. Như vậy tôi nhận ra rằng tôi sử dụng một thứ tiếng Việt khác với thứ tiếng Việt mà tác giả sử dụng. Thành ra có lẽ tôi nên đợi có bản dịch tiếng Anh để đọc để có thể hiểu chính xác tác giả nói đến cái gì.

    ReplyDelete
  9. @Dong A: vậy bạn Đông Anh phải vô wikipedi sửa lại định nghĩa Hồ Cầm giúp, kẻo người Việt Nam nói sai tiếng Việt hết. trong Wikipedia định nghĩa Hồ Cầm là cello.

    ReplyDelete
  10. Đồng ý với Đông A là ngôn ngữ cần chính xác. Nhưng thế nào là chính xác? Ngôn ngữ là những qui ước, ý nghĩa của nó là do người dùng đồng ý với nhau. Đồng ý thế nào cũng còn lệ thuộc vào thời đại và nơi chốn. Tôi đã lớn lên và hiện sống ở một nơi, vào một thời khi mà dương cầm là piano, vĩ cầm là violin, hồ cầm là violoncello, đại hồ cầm là contrabass. Cũng như ở nơi và thời tôi ở, người ta qui ước rằng cộng hòa là republic, tuy nguồn gốc hai chữ này không liên quan gì với nhau.

    Nếu muốn chính xác thì phải dùng chữ republic, để người ta nhớ người Pháp đã ráp hai tiếng La tinh lại thành một tiếng Pháp mới để có mà dùng trong một hoàn cảnh lịch sử như thế như thế, chữ cộng hòa không chuyển tải được.

    Nhưng chính xác như vậy để làm gì, nếu cái giá phải trả là sự ngừng lại của ngôn ngữ? Tất cả những gì chuyển động đều khó chính xác, nhưng ngôn ngữ giống như giòng sông, không chảy thì nó không còn là nó nữa.

    ReplyDelete
  11. Chị 2 4 6 cứ yên tâm, chị sẽ còn bị ném đá nhìu :D.

    ReplyDelete
  12. Dan Saigon truoc 75 van dung Ho Cam de chi Cello...Bac Dong A kho tinh that....Tieng Viet trong "Va khi tro bui" co phai la thu tieng Viet xa la , khac biet gi dau nhi ma phai doi ban tieng Anh de hieu ????? ....Anyway tuy hoi so so bac kho tinh nhung doc Blog cua bac Dong A thi cung rat thich.

    ReplyDelete
  13. ối giời cả nền học thuật có vấn đề thì cái gọi là "văn hóa đọc" xem ra hơi xa xỉ > đọc ở VN có lẽ chỉ dành cho những người muốn tự đào tạo bản thân những người muốn thoát ra khỏi hệ thống mà thôi >>> PS của đồng chí Linh rất đúng!!!

    ReplyDelete
  14. Comment của 2 4 6 rấy hay. Speaking of "ngôn ngữ giống như giòng sông", lúc tui ở VN 75-81, mở miệng nói những "Tiếu ngạo giang hồ" có thể ngồi tù vì tội đồi trụy đấy. Interesting, ain't it, not only how language changes but also the politics of language.

    ReplyDelete
  15. chào anh (chắc thế!!!), em chỉ tình cờ ghé qua blog thôi, nhưng thấy anh viết entry hay và quan tâm đến nhiều vấn đề "đáng" quan tâm nên cho em add blog được k, để còn có dịp đọc entry của anh thường xuyên

    ReplyDelete
  16. Nói chung, giải thưởng của HNV hay các hội này hội nọ khác ở VN ngày càng được ít quan tâm (báo chí và công chúng). Một cuốn sách như "Và khi tro bụi" in 1000 cuốn (chắc bán chưa hết), bản dịch "Khúc hát trái tim" của một cậu bé thần đông thơ thiếu nhi yểu mệnh, in màu khổ lớn (đáng ra được giải cho Văn học thiếu nhi thì đúng hơn trong khi nhiều bản dịch tốt khác xứng đáng hơn cho giải này), 2 cuốn sách nhỏ bé xinh xẻo của một giải thưởng Văn chương mang tầm quốc gia, thì lọt thỏm hay chìm đi giữa biển thông tin ngổn ngang hiện tại cũng khó trách báo chí lắm (mà bạn Linh cũng đừng nóng ruột, nên đợi loạt bài trên tờ... Văn nghệ). Tôi thì không quan tâm giải thưởng của HNV từ lâu, vì thấy tiêu chí cũ, trì trệ từ BGK. Liếc qua cái giải thưởng (hẻo)trên, thấy nguội lạnh!
    Tôi cũng từng làm phóng viên văn nghệ khoảng 5 năm, cũng từng đưa ra một vài đề nghị cho các nhà phê bình, nhà văn kiểu "tìm 5 cuốn sách đáng đọc để xếp lên giá sách văn chương trong vòng 10 năm", mà thấy các bác ấy còn tìm không đủ! Tương tự thế, thử chọn ra 10 bộ phim xuất sắc của VN trong khoảng 10, 15 năm qua cũng khó khăn lắm (cho nên bạn Linh làm ơn đừng so sánh với National Book award với cả Pulitzer nhé :D).
    Đời sống văn nghệ văn gừng (chính thống)tội nghiệp thế, thì các bạn phóng viên văn nghệ nhà ta chạy theo scandal và mấy chuyện hậu trường, ngoài lề đôi của đám sao thượng vàng hạ cám để kiếm sống qua ngày thôi, một số bạn khá hơn thì lên giọng đe nẹt chủ quan hoặc ve vuốt cảm tính (rất hãi). Các bác phê bình thì "ngủ đông" mãi không chịu dậy. Đôi khi cần nghe một tiếng nói có chính kiến cũng khó lắm, nên thi thoảng vào blog của bạn Linh để đọc vậy.:)

    ReplyDelete
  17. Mới lướt qua cái tiểu thuyết Và Khi Tro Bụi ở talawas rồi. Đọc cái lời giới thiệu của talawas về cuốn này xong đã nản, ko muốn đọc. Giới thiệu tiểu thuyết mà như là HP giới thiệu máy in all-in-one với đủ các lọai công nghệ, người dùng mua về vừa scan, vừa in vừa photopcopy.

    Đọc xuống dưới, thấy tỷ lệ câu có chữ TÔI, nhất là bắt đầu bằng chữ TÔI, nhiều kinh khủng. Đọc xong chắc não lổn nhổn chữ TÔI mất.

    ReplyDelete
  18. Quote from Hollyaput: "Tôi cũng từng làm phóng viên văn nghệ khoảng 5 năm, cũng từng đưa ra một vài đề nghị cho các nhà phê bình, nhà văn kiểu "tìm 5 cuốn sách đáng đọc để xếp lên giá sách văn chương trong vòng 10 năm", mà thấy các bác ấy còn tìm không đủ! Tương tự thế, thử chọn ra 10 bộ phim xuất sắc của VN trong khoảng 10, 15 năm qua cũng khó khăn lắm (cho nên bạn Linh làm ơn đừng so sánh với National Book award với cả Pulitzer nhé :D)"

    Làm gì mà đến nỗi bi quan thế ??? 5 cuốn sách xếp lên giá sách văn chương và 10 bộ phim xuất sắc chả lẽ khó tìm đến thế ??? Vấn đề là chúng ta nhìn nhận thế nào mới được coi là xứng đáng, xứng tầm. Cá nhân tôi thì thấy dư luận, trong đó có cánh báo chí và các nhà phê bình, rất hay xét nét, đòi hỏi phải thế này, phải thế kia. Hình như chúng ta cứ ngỏng cổ lên nhìn những Men Booker, Pulitzer, suýt xoa ngưỡng mộ rồi quay ra dè bỉu những đỉnh núi be bé, xinh xinh của nhà mình. Kêu ca, đòi hỏi dường như đã trở thành cái bệnh của một số không ít người. Như thế là khập khiễng, và ở một góc độ nào đó phản ánh sự thiếu hiểu biết và thiếu cái tâm. Phải nhìn vào thực lực, điều kiện, hoàn cảnh của chúng ta mà nhìn nhận, đánh giá chứ. Làm sao so sánh được với những nước mà văn hóa đọc và ngành xuất bản đã đi trước ta có lẽ đến cả vài thế kỷ. Mọi thứ đều cần có thời gian, có điều kiện, có quá trình phát triển cúa chúng.

    Về điểm này, tôi rất đồng ý với chị 2 4 6 rằng nền văn học của chúng ta rất cần có những cú hích để những con rùa đi ra được biển lớn, mà cụ thể là những giải thưởng để động viên những người sáng tác. Và như thế, cũng cần cái tâm và cái đầu biết nghĩ của những người làm nghề viết như các nhà phê bình, các nhà báo trực tiếp xắn tay áo vào góp phần cải thiện tình hình chứ không phải cứ lớn tiếng chê bai, đòi hỏi phải thế này, phải thế kia, hoặc là cắm đầu chạy theo những đề tài viết lách rẻ tiền. Một đứa trẻ còn đang chập chững biết đi cần những bàn tay nâng đỡ chứ không phải roi vọt và miệt thị.

    ReplyDelete
  19. Chập chững biết đi ư? Hehe. Phe "nâng đỡ", "roi vọt" vs "miệt thị", phe "vuốt ve", "tâng bốc" vs "đánh hội đồng"... đều là mhững nguyên nhân khiến cho cái làng văn nghệ xứ ta nó cứ làng nhàng mãi.
    Đây là những ý kiến của bài đối thoại thực hiện 4 năm trước, so với hiện tại, tôi thấy vẫn chưa cũ. Bạn Jazzy lạc quan hơn, bạn thử list đi!
    http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=402&rb=0102
    http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=417&rb=0102.

    Thực ra, mấy năm qua cũng có nhiều cái đáng đọc, đáng xem. Mấy hiện tượng của Tư, của Diệu, 3 cuốn tiểu thuyết của Thuận, "Và khi tro bụi" của Đoàn Minh Phượng (cuốn thứ 2 thì chán, còn "Hạt mưa rơi bao lâu" với tôi là một phim bài tập vụng về)...

    ReplyDelete
  20. Hì hì thấy các bạn đọc chắc cũng cỡ elite mà người thì thấy cello = hồ cầm là không đọc, người thấy lắm "tôi" thì không đọc (thế chắc phải xưng là tao?), thì em hỏi các bác tình hình chung còn đến thế nào? Cái đó, người ta gọi là định kiến.

    "Mưa ở kiếp sau" chán hơn hẳn so với "Và khi tro bụi". Cái hay là nó ra cùng truyện của Nguyễn Thị Minh Ngọc dạng hồi ký một người đàn bà bị chồng bỏ. Làm so sánh hai cái đó với nhau nhiều chỗ hay phết.

    ReplyDelete
  21. @ Hollyaput : Vậy thì câu phát biểu ở trên của bạn về chuyện lựa chọn 5 cuốn sách và 10 bộ phim là nằm trong bối cảnh văn chương, nghệ thuật của cách đây 3 năm rồi. Nó có lẽ ít còn phù hợp tại thời điểm bây giờ. Đời sống văn chương nước nhà đã xuất hiện những thay đổi dù chưa phải là nổi bật song có lẽ đủ để kỳ vọng sẽ có những hiện tượng trong tương lai gần.

    Trong cái list của bạn đưa ra là có 3 tác giả (Nguyễn Ngọc Tư, Thuận, Đoàn Minh Phượng với "Và khi tro bụi"), để đủ cái list 5 thì mình thêm Nguyễn Ngọc Hà (Cơ hội của Chúa) và gần đây là Nguyễn Nguyên Phước (Thượng đế và đất sét). Còn kể đủ 10 bộ phim thì có vẻ dễ hơn là chọn 5 cuốn sách ;-). Thế nên nếu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn cứ phát biểu rằng đồt đuốc chả tìm thấy tác phẩm hay thì e rằng là đòi hỏi cao quá và không có lợi cho việc kích thích văn hóa đọc của quần chúng vốn đã lười đọc sách. Nếu cứ giữ những định kiến như thế thì e rằng không hợp thời.

    ReplyDelete
  22. Oh, sorry, type nhầm. Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa) chứ không phải Nguyễn Ngọc Hà ^^

    ReplyDelete
  23. Tui cũng nghĩ hồ cầm không phải cello. Đúng là hồ cầm giống như đàn nhị của Mại Đại tiên sinh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (nghe mà nhớ đoạn ổng tấu khúc Tiêu Tương Dạ Vũ đi trong mưa). Người TQ gọi là hồ cầm vì đây là đàn của người du mục phương Bắc hay dùng (Hồ cầm = đàn của người Hồ). Trong Wikipedia.org đúng là ghi hồ cầm = cello nhưng trong Wiktionary tiếng Việt thì hồ cầm = đàn của người Hồ (chỉ nói thế chứ không giải thích gì thêm :D). Trong Truyện Kiều cũng có câu nói về Hồ cầm ==> Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương. Chắc thời đó Thúy Kiều không xài Cello rồi. Link : http://vi.wiktionary.org/wiki/h%E1%BB%93_c%E1%BA%A7m.

    Mà tui thấy chỉ vì một từ "hồ cầm" chuyển ngữ sai mà không đọc tác phẩm thì cũng hơi quá khó tính rồi :D.

    ReplyDelete
  24. Bổ sung list của bác Hollyaput thêm Ngồi của Nguyễn Bình Phương và truyện ngắn của Nguyễn Nguyên Phước nữa.
    @Jazzy: Cơ hội của Chúa cũng lâu rồi mà, à còn tiểu thuyết mới của anh Hà thì mình chưa đọc.

    ReplyDelete
  25. @ aLinh: Hình như "Cơ hội của Chúa" xuất bản năm 1999, vậy là được 8 năm. Vẫn hợp lệ bởi bạn Hollyaput bảo là lấy list 5 cuốn sách trong vòng 10 năm mà anh :D.

    ReplyDelete
  26. trọng tâm của báo chí phải đặt nền tảng của "tự do ngôn luận" và phản ánh chân thực thông tin, tuy nhiên dù ở vị trí nào, báo chí vẫn là kênh truyền thông không những cung cấp tin, phản ánh tình hình xã hội mà còn là "công cụ", dựa vào sức mạnh dư luận, để điều chỉnh hành vi xã hội, định hướng phát triển thông qua khuyến khích, trừng phạt theo tinh thần chung của đường lối kinh tế, chính trị của đảng cầm quyền hoặc bản sắc văn hóa dân tộc.

    Như vậy cho thấy không có báo chí nào không có mục đích chủ quan khi biên soạn và đưa thông tin khách quan. Đặc tính "quan điểm" tấ yếu phải xảy ra với những mục đích rất thiết thực cả về phương diện quảng cáo truyền thông để nhằm mục đích kinh doanh hay xa hơn là định hướng theo một "tầm nhìn cố định" mang sắc thái chính trị. Điểm đặc thù này này tạo cho tờ báo sự khác biệt về giá trị riêng trên phương diện thu thập các thể loại tin, xử lý biên tập và bình luận. Vì vậy, nếu đề cập đến "diễn đàn", một loại hình thông tin cho cộng đồng trên phương diện "tự do ngôn luận" mà lại được dựng trên nền tảng của báo chí thì chắc rằng nó không còn giữa được sắc thái "tự do" nữa mà phải mang theo cái "tinh thần" của báo chí như là cơ quan ngôn luận đại diện cho một thể chế địn hình & hiện phía sau. Điều này dễ minh chứng và có rất nhiều minh chứng để xác nhận không những trên các loại truyền thông báo chí mà ở cả những cộng đồng diễn đàn mang tính tập thể, nhóm hoặc "cá nhân". Họ có quyền bảo vệ nội dung, luận điểm & định hướng truyền thông trong khuôn khổ qui định chung của tập thể lập ra và so với báo chí, sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ lớn hay nhỏ, cá nhân hay thiểu số hoặc cộng đồng hay toàn thể xã hội.

    Với quan điểm này, báo chí, về cơ bản, phải thể hiện "ý chí" chủ quan đặc thù của nó và mức độ "cơ bản" của "ý chí" này so với tính chân thực của thông tin phản ánh mức độ sai lệch theo tất cả các chiều hướng tốt, xấu hoặc trung dung so với các định chế đã và đang tồn tại của chính trị & xã hội. Theo đánh giá riêng, báo chí VN đang dần có lại được vai trò, tinh thần chính yếu của nó là "chân thực" và "tự do". Nhờ vậy mà chúng ta, thay vì mãi xem các báo hải ngoại như trước đây đã quay về nhiều hơn với các trang tin ViệtNam dù biết đích xác rằng đằng sau nó là cơ quan ngôn luận của các cơ quan thuộc khối Đảng. Nhưng dù sao, với bản sắc chính thống nằm trong GEN, báo chí vẫn "tự do" trong khuôn khổ của nó.

    Với tư cách là con người và là công dân, "tự do" là điều cần thiết mà chíh cái "cầu" về sự tư do này là đất sống cho các kênh truyền thông, các cơ quan ngôn luận khác nhau. Họ có thể "luận xuôi", cũng có thể "luận ngược", luận ra ngoài lề hay luận vô tội vạ...và cho dù luận theo kiểu nào đi nữa thì mỗi cơ quan này đều có tiếng nói riêng tuân thủ theo cộng đồng mà nó phục vụ. Và như vậy, trong thời đại CNTT này, chúng ta "tự do" thì sự tự do đó bao gồm cả việc tư do tìm thông tin, dự do tiếp nhận, tự do suy luận và tự do hình thành quan điểm riêng. Hay nói cụ thể hơn, nếu chúng ta không đọc Tuổi Trẻ thì vẫn có rất nhiều lựa chọn khác vì nó, theo quan điểm riêng của chúng ta, phản ánh chân thực sự kiện.

    tôi có một nhận định riêng về tự do. Khái niệm về "tự do", nếu đúng một mình, là bất định nên mỗi khi muốn đề cập đến nó thì nên đặt nó trên quan điểm "tự do" và điều thiết yếu là "sự hiểu biết". Hãy khoan định nghĩa về "tự do" nếu bản thân chủ thể đang tư duy thiếu tự do hoặc đang đặt mình trong tình trạng không tự do. Nếu không nằm trong trường hợp này, tốt nhất nên định nghĩa "tự do" trong ngữ cảnh hiện tại hơn là một "tự do" bao đồng bao quát & bất định.

    xin chia sẽ vài dòng.

    ReplyDelete
  27. @ thấy cãi nhau vui quá, xin cũng góp mấy ý.
    Hồi tui học đạo diễn, cô giáo bắt phải có nhật ký đạo diễn hay nhật ký diễn viên trong đó là những ghi chép về những cuốn sách mình đọc, bản nhạc mình nghe và những sự kiện nào ngoài đời sống mà mình quan sát được. Ðến khi tui đi dạy, bắt chước làm theo, về nhà hốt sách nhà (đó là những cuốn tha vào Sài Gòn kịp, còn khá nhiều ở Phan Thiết đã bị tịch thu và thân nhân có ra toà án nhân dân vì chứa sách in trước 75, trong đó có khá nhiều tự diển và những cuốn bây giờ in lại gần hết) cho sinh viên đọc và cưỡng bức các bạn ấy nhận xét nhưng vất vả lắm mới có bạn chịu đọc. Khi làm bài tập chuyển từ văn học sang sân khấu cũng gần như là mình đọc giùm rồi giới thiệu cho. Khi đi dạy cải lương còn đưa chuyển cả Lã Sanh Môn thành kịch bản để dựng và diễn vì bản chất loại hình nầy dung chứa hết.
    @Khoá gần đây nhất, ép các bạn đọc cuốn được giải thưởng của Hội Nhà Văn bấy giờ là “Hồ Quý Ly” của bác Khánh mới biết các em không biết ông Ly ý là ông nào. Bèn phải ôn cả sử việt, và lại phải ôn luôn môn địa khi các bạn ấy quên luôn sông Bến Hải ở tỉnh nào. Nói chung kiểu dạy lạc hậu thua thế giới cách đây 50 năm (một thứ trưởng giáo dục xác nhận điều nầy với tui) của mình khiến các em đối phó bằng cách xóa hết trong đầu khi bước ra khỏi cửa lớp.
    @ nói túm lại, nhà văn + nhà giáo + đạo diễn lúc nầy muốn làm đúng chuyện của mình thì khá gần với một sinh vật có tên dã tràng.
    @ NhiLinh: Rất muốn nghe bạn nói về cuốn Ký Sự Người Ðàn Bà Bị Chồng Bỏ. Nhưng nếu xếp đó là Hồi Ký thì hơi bị oan. Ở nơi xa xôi, ngoài mấy bài phỏng vấn(có bài đăng được, có bài không đăng được) mình rất muốn nghe lời bình phẩm dù khen, dù chê nhưng chỉ thấy bạn bè được tặng sách im re như đó là một thứ gì không phải là tác phẩm.
    @ Phải nói thên một chuyện nữa, theo mình biết, có những người viết về sân khấu( hy vọng là số ít) có ăn lương của các nhà hát (khi văn hóa trở thành hàng hoá, phải vậy thôi) . Không biết bên sách có vậy không?
    @ Tự nhiên nhớ một câu thơ của Alexandre Blok “Ngọn lửa cách mạng đẹp lắm,
    Nhưng nó cũng đã thiêu rụi tủ sách của tôi!”

    ReplyDelete
  28. Vầng chào chị Minh Ngọc. Đấy là vì tôi nói tắt quá, tại ngại gõ tên sách đầy đủ, chứ còn đúng ra là tiểu thuyết mang tên "Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ". Lúc nào có thể được sẽ cố gắng viết gì đó về quyển sách.

    Bên sách không hẳn là người viết về sách "ăn lương" của các nhà sách, công ty sách như người ta vẫn hay nói. Chủ yếu là được chăm sóc đặc biệt hơn kiểu tặng sách mới etc.

    Anyway, nhân tiện có chị ở đây, xin ngả mũ ngưỡng mộ truyện ngắn "Trăng huyết".

    ReplyDelete
  29. :)
    chỗ nào nhiều dân văn, chỗ ấy ắt rộn ràng...
    :)

    ReplyDelete
  30. dương cầm là đúng rồi vì còn một cái "âm cầm " nữa tề! rương cầm chắc là chỗ để cất cái "dương câm", mà cu Thọ thi/u nhơn còn hay nói ngược là "cầm dương ...nữa tề!

    ReplyDelete
  31. Hồ cầm có vài nghĩa.
    Nghĩa thứ 1 chỉ những cây đàn dây có nguồn gốc của “rợ Hồ”, được phát triển, cải tiến ở TQ qua nhiều thế kỷ, đến nay vẫn được sử dụng, tiếng Anh Cát Lợi gọi là huquin. Có thể search trên google để xem mặt.
    Nghĩa thứ 2 là gọi tắt của “trung hồ cầm” chỉ cây đàn violoncello (cello) du nhập vào VN trong thời Pháp thuộc. Sở dĩ có chữ hồ cầm, vì cũng là đàn dây như hồ cầm Tàu, có chữ trung để phân biệt với đại hồ cầm chỉ cây contrebass to vật. Trong ngôn ngữ thông thường, người ta lược bớt chữ trung đi cho tiện.
    Giai đoạn 54-75, cây đàn cello ở miền Bắc thường gọi theo tiếng Pháp là vi-ô-lông-xen (viloncelle), còn ở miền Nam vẫn hay gọi là trung hồ cầm. Sau 75, từ trung hồ cầm tiếp tục được cộng đồng Việt kiều hải ngoại sử dụng.
    Chẳng hạn ông Trần Quang Hải, 1 nhà nghiên cứu âm nhạc có uy tín cũng gọi cello là trung hồ cầm trong 1 bài viết của ông. Trần Quang Hải tuy không phải là người trong giới ngôn ngữ, nhưng ông biết rõ cái đàn gì gọi tên là gì thì chuẩn xác.
    http://www.tranquanghai.info/index.php?p=47

    ReplyDelete