Saturday, September 20, 2008

Entry for September 20, 2008

What an irony!.
Công ty Vedan Vietnam sẽ phải đứng trước mức phạt kỷ lục 91 tỷ đồng.
Chi phí để làm sạch sông Thị Vải được ước tính khoảng 1000 tỷ đồng, theo Cục Hàng Hải.

Như vậy, kể cả việc thu hồi số tiền kỷ lục 91 tỷ đồng kia cũng chưa khắc phục được 1/10 những tổn thất với dòng sông này, chưa kể những tổn hại sức khỏe của người dân trong suốt 15 năm qua sẽ không được tính tới.

Và đó chỉ là một Vedan, một Thị Vải, còn có bao nhiêu Vedan khác, bao nhiêu con sông Thị Vải khác đang ô nhiễm với những chi phí và tổn thất không thể tính hết. Nhưng những con số đó không được tính vào GDP hay tốc độ tăng trưởng. Những tổn thất vô hình như sự suy giảm sức khỏe, môi trường sống của người dân, sự suy kiệt tài nguyên thiên nhiên... đều không được tính trong những số liệu mà người ta thống kê về GDP.

Nếu tính tới những tổn thất đó, giả sử cộng thêm 1000 tỷ cho chi phí khôi phục sông Thị Vải, và vài trăm tỷ cho tổn hại sức khỏe của người dân sống bên bờ sông 15 năm qua thì giá trị đóng góp GDP của Vedan Vietnam và của rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh khác sẽ là bao nhiêu? Và tăng trưởng thực tế sau khi trừ đi những tổn thất đó sẽ là bao nhiêu?

Để so sánh, lấy trường hợp Trung Quốc.
Theo cơ quan môi trường của chính phủ Trung Quốc (mới được nâng lên cấp Bộ), chi phí do ô nhiễm môi trường gây ra hàng năm lên tới 10% GDP của nước này (tức là tương đương khoảng 340 tỷ đô-la mỗi năm). Như vậy, nếu sau khi trừ đi tổn thất về môi trường thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể còn âm.

Không rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam có ước tính nào về chi phí do ô nhiễm môi trường gây ra hàng năm ở Việt Nam không? Chắc là không.

Và chúng ta lại tiếp tục đeo khẩu trang ra đường, có thể đôi khi tặc lưỡi tiếc những dòng sông đã chết trong những bữa nhậu thịt thú rừng và mừng vì kinh tế năm nay có thể tăng trưởng 7%. Dầu gì đi nữa, nếu bạn đọc blog này thì bạn không nằm trong số bị thiệt hại nhất về các ảnh hưởng của môi trường. Nhiều khả năng là bạn không nằm trong số những người nghèo sống bên dòng sông Thị Vải, Tô Lịch hay Sài Gòn, cũng không phải sống ở những vùng dân cư cạnh các nhà máy hóa chất hay các "bãi rác" của Hyundai-Vinashin và nhiều công ty khác. Bạn vẫn có thể tự chúc mừng mình vì đã may mắn.

12 comments:

  1. "Dù thế nào đi nữa, Việt Nam chúng tôi cũng vấn phải phát triển trước"!!!

    Đây là trích dịch nguyên văn 1 phiếu đánh giá trong khóa học Phát triển bền vững tháng trước của 1 cán bộ trẻ Bộ ngoại giao đó anh! Và em nghĩ đó vẫn là tâm lý của rất nhiều, nhiều đám đông hay decision-makers ở VN hiện nay.

    Về lượng hóa tác động, em nghĩ nhiều báo cáo đã nói, nhiều nghiên cứu đã viết... vấn đề là những ai nghe, và làm theo các khuyến nghị đó!

    ReplyDelete
  2. Đọc trên x-cà có hẳn 1 bài về việc "Ai tiếp tay cho Vedan giết sông Thị Vải", trong đó hay nhất là đoạn trích từ báo này nhằm tâng bốc Vedan, hehe:

    Đứng trên cảng Phước Thái lộng gió, tôi nhìn xuống dòng sông Thị Vải, nước trong vắt, từng đàn cá bơi bơi, phía ngoài xa, những chiếc thuyền câu đang quăng lưới” (thuyền câu mà lại quăng lưới! Vì tưởng tượng nên lòi đuôi dối trá!). Lạ thay, cả khu công nghiệp quy mô này không hề ngửi thấy một mùi lạ, nếu không nói là chỉ có mùi thơm của gió từ đại ngàn thổi tới… một công nhân của công ty bắt được con trăn gấm rất to trong lúc anh ta rẫy cỏ. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị đã ra lệnh cho anh thả con trăn về rừng (Thời báo Tài chính Việt Nam số 50 (120) ngày 14.12.1995).

    ReplyDelete
  3. Bác Hiếu à, ở năm 1995 thì bài báo có thể vẫn nói sự thực. Vì khi đó Vedan mới hoạt động được chưa đầy một năm mà.

    ReplyDelete
  4. Hôm nay e mới đọc các entry của a. Kinh ngạc vì hay quá. A có gửi đăng báo nào ko vậy. Nếu chưa thì để e gửi hộ a có đc ko?

    ReplyDelete
  5. kinh tế đi trước môi trường, bây giờ môi trường chết rồi thì không ai đuổi kịp kinh tế nữa...

    người đọc blog này có thể không sống gần Vedan nhưng ba mẹ anh chị em cô chú bạn dì thậm chí người không quen vẫn sống gần đấy chứ, đâu thể thấy mình may mắn thì người khác bị thiệt thòi

    cần đưa bài học về "ăn không rửng mỡ lo chuyện bao đồng" vào sách giáo khoa

    ReplyDelete
  6. 91 tỷ là lớn hay nhỏ cũng khó nói. Nó nhỏ so với 1000 tỷ khắc phục, nhưng Vedan có phải là công ty duy nhất phải chịu trách nhiệm trong việc giết chết sông Thị Vải hay không. Ít ra với 91 tỷ, đây là mức xử phạt có tính răn đe cao nhất cho đến giờ ở VN.

    Ở đây không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường. Trước, họ bỏ qua, làm ngơ trước sự hủy hoại môi trường rành rành này trong nhiều năm, thậm chí còn cấp bằng khen cho Vedan. Hành vi dung túng cho Vedan bao nhiêu năm. Bây giờ quay ngoắt lại, "bắt quả tang" Vedan làm ô nhiễm môi trường và hồi tố lại những thiệt hại mà Vedan gây ra duới sự chấp thuận ngầm của họ. Về nguyên tắc, tớ đồng ý với chuyện xử phạt này, nhưng đứng về phía doanh nghiệp, cái này kô được công bằng đối với họ. Phải chi họ có thể kiện lại các cơ quan nhà nước đã đánh giá, thẩm định, kiểm tra, duyệt những tác động môi trường hàng năm của họ để đòi bồi thường thiệt hại.

    ReplyDelete
  7. Thông tin cụ thể thì mình ko biết, chỉ là copy & paste lại, nhưng dù cho sự thực mà đọc giọng văn kiss-ass như thế ko thấy buồn cười mới lạ :))

    Cũng trong bài viết kia có đoạn:

    "Cuộc chiến môi trường Vedan nổ ra ngay từ cuối năm đầu tiên Vedan đi vào hoạt động khi tháng 10. 1994 người dân chài lưới trên sông Thị Vải ở huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai và huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đồng loạt thất thanh lên tiếng về cuộc sống khốn khổ của họ vì cá lớn, cá nhỏ, tôm, cua chết nổi lềnh phềng trên sông Thị Vải, cá sống không còn để đánh bắt! Sản lượng tôm cá thất thu tới 90%! Tháng 12 năm đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đồng Nai điều tra, xử lí việc sản xuất gây ô nhiễm nước sông Thị Vải của công ty Vedan."

    Link nguồn ở đây:

    http://www.vanchinh.net/

    ReplyDelete
  8. Vấn đề xử lý nước thải, hoá chất thải của các nhà máy Đài Loan -Tàu khựa rất kém. Ngay cả như các khu công nghiệp của các nhà máy Nhật đặt tại VN cũng chưa chắc khá khẩm gì hơn. Cần gì nói đên sông Thị Vải, em thấy ngay như sông Hồng bây giờ cũng thành trục chính đối trọng của 2 khu công nghiệp Thăng Long I (Đông Anh) và Thăng Long II (phố Nối Hưng Yên) cộng thêm cả mười mấy khu công nghiệp vệ tinh san sát nhau quanh bán kính 30km lấy tâm tính từ sông Hồng thì một ngày nào đó dân cư Hà nội cũns sẽlãnh đủ.

    Để so sánh, tại Trung Quốc, các khu công nghiệp ở Quảng Châu phải nằm cách xa khu dân cư từ 100 đến 300km chứ không như Việt Nam mình. VN tỉnh tỉnh thi nhau lấy đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, khu đô thị mới, dâp theo mô hình "thủ đô công nghiệp hại điện" để tăng GDP nhằm nâng cấp thị xã lên thành phố, sau đó nông dân chuyển sang hút sách cờ bạc, đi bán xích chó thuốc diệt chuột dạo hoặc đi làm công nhân lương tháng còm cõi 500-800ngàn/tháng.

    Trung Quốc đã từng đánh đổi những thứ như VN đang trải qua, nhưng cái Trung QUốc làm được là hoàn thành mục tiêu ăn cắp công nghệ, phát triển kinh tế cá thể (dạng HTX gia đình sản xuất đồ công nghiệp), sau đó nâng thuế rồi gây khó khăn về hành chính, đẩy mạnh mâu thuẫn chính trị (tẩy chay người Nhật) để tống cổ bớt các nhà máy của Nhật Bản-Hàn Quốc. Trong các năm 2005-2007, nhờ vậy số các nhà máy Nhật Bản chuyển dịch từ TQ sang VN gia tăng đáng kể. Một trong những yếu tố người Nhật cho là có thể tin tưởng mở rộng thật nhiều khu công nghiệp tại VN đó là" công nhân Việt Nam dễ đào tạo, hiền lành và không có tinh thần đoàn kết dân tộc cao" - dễ cai trị, giảm thiểu nguy cơ bị ăn cắp công nghệ. Chính Phủ Việt Nam tham nhũng ác liệt từ nguôn ODA của Nhật cũng là một lý do tốt để điều khiển đánh đổi buộc VN nới lỏng luật đầu tư, tăng ưu đãi chính sách thuế, dễ "xin" đất "trung tâm" để làm khu công nghiệp (sửa đổi luật đầu tư năm 2006 theo yêu cầu của Nhật Bản). Thêm vào đó các nhà máy FDI thường dựa vào việc điều chỉnh đơn giá gốc giữa công ty mẹ và công ty con tại VN để không tạo ra lợi nhuận nhằm trốn thuế sau khi hưởng đủ chính sách miễn trù thuế doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong 5 năm đầu tiên. 10 năm qua thuế không thu được mấy cắc, dân thì nai lưng đi làm công nhân rẻ mạt, đất ruộng mất, môi trường ô nhiễm, không học tập hay thậm chí ăn cắp lỏm được một công nghệ tiên tiến nào. Khu trọng điểm của thủ đô hay các thành phố lớn đề ngay sát một khu công nghiệp to đùng (kể cả Láng Hoà lạc giờ cũng có khu CN Láng Hoà Lạc áng ngữ liền kề). Đến đời con cháu mình sẽ lãnh đủ.

    ReplyDelete
  9. @Phat: Ý tớ không phải bảo số tiền phạt 91 tỷ là nhỏ.
    Về chuyện cơ quan môi trường, tớ không rõ nội tình cụ thể ra sao nhưng đọc vài bài báo thấy bảo công ty này xây dựng hệ thống thải ngầm, bên cạnh hệ thống công khai để cơ quan môi trường kiểm tra. Có sự thông đồng của cơ quan môi trường trong vụ này hay không (ví dụ như biết hệ thống thải ngầm kia vẫn hoạt động nhưng làm ngơ) thì tớ chưa được rõ.

    ReplyDelete
  10. Mình đang đọc blog này, mình không ở gần sông Thị Vải, Vedan, cũng xa Vinashin, nhưng mình có bạn bè mà quê quán họ ở đó, cha mẹ anh chị em họ sống ở đó, mình thấy đau lòng. Mình không thấy mình may mắn.

    ReplyDelete
  11. Quan làm ngơ thì thôi, dân tốt nhất là cứ tẩy chay hàng Vedan

    ReplyDelete