Thursday, November 1, 2007

Và khi tro bụi

Đọc trên mạng, đã thấy có một số ý kiến bàn thảo khác nhau về cuốn Và khi tro bụi. Để lúc nào rảnh (và có hứng) mình thử viết về cuốn này xem sao. Nhưng muốn viết nghiêm túc thì phải đọc lại vì đọc từ lâu lắm rồi, mà giờ thì không có hứng đọc lại lắm.

Dù sao, cũng có vài nhận xét ngắn gọn sau:

- Người đọc cuốn này thông thường sẽ có một trong hai cảm giác: hoặc thích, hoặc ghét nó. Người thích cuốn này thường vì thích cái không khí mà cuốn sách tạo nên được, cùng với giọng văn bàng bạc, đầy chất thơ của nó. Người không thích thì sẽ khó chịu vì kết cấu tưởng như lỏng lẻo, giọng văn hơi Tây quá, lý tính, dài dòng quá và cốt truyện hình như chẳng có gì.

- Phụ nữ có thể có xu hướng thích cuốn này hơn đàn ông. Cái này là suy đoán thôi. Nhưng giọng văn hướng nội và tâm trạng nữ tính của tiểu thuyết cũng sẽ hợp với phụ nữ hơn.

- Tôi thử nghĩ tới một tiểu thuyết Việt Nam nào có thể có liên tưởng tới cuốn này, nhưng không nghĩ ra. Về tiểu thuyết nước ngoài, tôi nghĩ tới Linh Sơn của Cao Hành Kiện, và (không hiểu sao) tới Mrs Dalloway của Virginia Woolf. Và một chút Rashomon.

- Đánh giá cá nhân thì cuốn này cùng với T mất tích của Thuận và Ngồi của Nguyễn Bình Phương là các tiểu thuyết Việt Nam đáng chú ý nhất trong vài năm qua. Cả ba cuốn đều có những đặc sắc về bút pháp, có những tìm tòi và sự lựa chọn con đường riêng của các tác giả. Trong ba tác giả này thì hai người sống ở nước ngoài đã lâu, và ảnh hưởng khá nhiều từ văn học phương Tây. Nguyễn Bình Phương thì sống trong nước nhưng có vẻ như anh có cá tính khá độc lập, chịu khó tìm tòi và ít chịu ảnh hưởng từ các nhà văn khác.

- Tại sao tôi thích và đánh giá cao “Và khi tro bụi”? Thứ nhất là tính thơ của tiểu thuyết- điều mà hiếm khi tôi thấy được ở các tiểu thuyết tiếng Việt. Ví dụ, như trong các tiểu thuyết bằng tiếng Việt tôi đọc trong năm 2007 (không nhiều, chắc trên 10 cuốn một chút thôi- kể cả sách dịch) thì tôi chỉ thực sự cảm thấy tính thơ ấy trong “Và khi tro bụi” và Linh Sơn. Tất nhiên, “Và khi tro bụi” không thể so sánh được với Linh Sơn, một tác phẩm đồ sộ và gần như hoàn hảo. Nhưng tính thơ của ngôn ngữ trong Và khi tro bụi thì là điều thực sự hiện hữu. Thứ hai, song song với tính thơ và cảm xúc thấm đượm trong cuốn sách lại là sự tồn tại của lý tính và sự tự kiềm chế. Đọc cuốn này có thể thấy Đoàn Minh Phượng rất thận trọng với chữ của mình. Tuy nhiên, cũng có thể đó sẽ lại là một hạn chế của tác giả, sự thận trọng, và kiềm chế của chị đôi khi khiến cho tác phẩm hơi bị gò bó, cũng như các nhân vật chịu dấu ấn của tác giả quá nhiều. Có một số người chê giọng văn chị Phượng trong cuốn này hơi “Tây” nhưng chính ra tôi lại thích cái giọng văn (cứ cho là) hơi “Tây” ấy, nó gợi ra một cách nhìn khác về tác phẩm, đặt người đọc vào một vị trí khác (một tình huống hơi lost in translation). Murakami ở Nhật cũng hay bị các bạn đồng nghiệp chê là có giọng văn Tây. Nhưng thật ra, tôi không nghĩ là giọng văn chị Phượng “tây” mà nghĩ là chị trau chuốt từ ngữ theo cách mà chị thấy hợp lý, nhằm tạo ra hiệu quả tác phẩm.

- Về mặt cấu trúc, tác phẩm khá hấp dẫn khi bắt đầu đọc, nhưng tới chừng 1/3 thì đọc bắt đầu không dễ vào. Lúc này, người đọc phải kiên nhẫn, đọc từ từ để thưởng thức thì mới có thể đi tiếp, nếu chỉ quan tâm tới nội dung và tình tiết thì sẽ rất chán và muốn bỏ cuộc. Đó là chưa kể bầu không khí khá u ám và nặng nề trong cuộc hành trình tìm kiếm một cái gì đó tưởng như hữu hình, mà thật ra là vô hình của nhân vật An Mi. Có thể nói là tác phẩm này khá kén độc giả là vì thế. Nhưng điều này cũng không có gì lạ. Ngay cả giới nhà văn Việt Nam, nhiều người cũng không thể đọc hết các cuốn như Linh Sơn hay Cái trống thiếc. Còn trên thế giới, nhiều nhà văn chuyên nghiệp cũng bỏ dở, chẳng đọc được hết Ulyssey. Có những cuốn sách được viết ra không phải để cho người đọc có thể enjoy một cách vô điều kiện. Đúng hơn, các cuốn sách đó là các chặng đường mà các nhà văn tự đi, tự khám phá bản thân, và khi người đọc có thể đi cùng được (ở một mức độ nào đó) thì họ mới có thể enjoy được (ở một mức độ nào đó).

- Về tình tiết và cốt truyện, tôi thấy câu chuyện hay nhưng vẫn có gì đó hơi cụt ở đoạn cuối, hơi gường gượng trong cái kết, mặc dù ý tưởng ở cái kết thì hay.

- Sự thật: đó là cái tồn tại hay cái mà chúng ta (muốn) tin là nó tồn tại?

- Các cuộc hành trình là để đi tìm cái ở trong mình hay để trốn chạy cái vẫn ở trong mình?

- Cuối cùng thì các nhận xét của mình cũng chẳng ngắn gọn cho lắm.

16 comments:

  1. Tớ phục bạn Linh viết cái gì cũng dài :p (ah tất nhiên là cả hay nữa hihi)

    ReplyDelete
  2. hihi, bài này hay nè
    Ở VN, người ta thích cái gì có vẻ khó nhưng mà thiệt ra dễ thưởng thức, hơn là những thứ khó thật sự. Vì sao? Vì dễ thưởng thức thì họ có thể (may ra) hiểu được, thưởng thức được, nhưng có vẻ khó để không bị mang tiếng là chỉ toàn đọc những thứ dễ dãi, để khẳng định đẳng cấp của mình. Đó là bệnh chung của nhiều người. Vì thế, truyện khó đọc, phim khó xem, nhạc khó nghe đều khó lòng mà đến được đông người và dễ bị chê bai, hoặc được khen sáo rỗng.

    Tui không thấy Và khi tro bụi lỏng lẻo về cấu trúc, vì nó là một cấu trúc dạng khác, nhưng tui đồng ý là nó lan man ở nhiều chỗ, nhưng cái lan man đó là cần thiết (theo tui nghĩ).

    Tui cũng không thấy giọng văn này là Tây, vì tui không biết giọng văn Tây là thế nào. Với lại, tui thấy ở VN, phim tình cảm mà hay thì bị gọi là giống phim Hàn, phim hành động mà hay thì bị gọi là giống phim Hồng Kông, còn cái gì dở dở thì đích thị bị gọi là Việt Nam. Bởi vậy và khi tro bụi bị gọi là giọng văn tây có lẽ vì nó không có dở như mấy truyện văn học VN bấy lâu.

    ReplyDelete
  3. em thì ko nghĩ là Nguyễn Bình Phương ko bị ảnh hưởng của ai, đọc văn NBP thấy chân dung Faulkner hiện ra rõ mồn một. Đọc Và khi tro bụi của chị ĐMP không hiểu sao em thấy lặp lại trong mình cảm giác khi đọc truyện ngắn Đỉnh tuyết của Phạm Hải Anh.
    Nói thêm một chút về truyện trao giải vừa rồi, thực ra cả bên khen lẫn bên chê VKTB đều gặp nhau ở một điểm là quá cảm tính, vấn đề cần tìm hiểu là tác phẩm này được trao giải khi nó được đặt cạnh để so sánh với những tác phẩm nào. Khi chưa biết đối thủ của nó là ai thì khó kết luận được tại sao nó lại vượt trội, xứng đáng hay không xứng đáng.
    Anh Linh nói đúng, cuốn này giàu chất thơ nhưng vẫn cực kỳ lý tính.

    ReplyDelete
  4. Không đồng ý với suy luận phụ nữ thích Và khi tro bụi hơn đàn ông. Mấy người bạn trai của bạn vịt rất thích cuốn này. Đoạn giữa công nhận là bắt mình phải kiên nhẫn, vì đoạn đầu quá hay rồi.
    Bạn vịt đã ngồi hàng giờ mỗi nhiều ngày, đọc cuốn sách này, ghi âm và gửi cho một người bạn trai đọc tiếng Việt chậm để anh nghe khi đi xa.
    Thấy mình cũng ám ảnh luôn, rất vô thức, đoạn đầu đọc rất chậm, có lúc cảm giác nghẹn ngào nữa, đoạn giữa đọc lúc nhanh, lúc uể oải, đoạn cuối lại đọc chậm hơn.
    Nhớ có một nhà báo vô cùng thông minh :) hôm ngồi cafe có nói với bạn vịt, khi anh đọc cuốn sách này, 1/3 nó, anh không chịu được, đã text cho bạn rằng, cuốn sách đã chạm đến Nobel văn học.
    Nhân đây, ai muốn đọc mà không mua được Và khi tro bụi:
    http://talachu.org/tacphamdich.php?bai=140#story

    ReplyDelete
  5. Bác Linh thử chịu khó đọc lại "Và khi tro bụi" lần thứ hai xem sao. Nó thuộc category đọc lần đầu thấy thích, lần hai là bắt đầu negative. Còn nếu mà muốn giữ ấn tượng tốt thì không nên đọc lại. "T mất tích" thì ngược lại.

    Các bác cũng không nên nói là cái này khó đọc nên nhiều người không hiểu được etc. Egocentrism rồi. Vả lại "Và khi tro bụi" thậm chí còn tạo ra một cốt truyện hấp dẫn dễ đọc đấy chứ.

    Và không phải là hành văn Tây đâu, mà nhiều chỗ sai tiếng Việt hẳn hoi. Cái này là lỗi của biên tập.

    ReplyDelete
  6. Tôi nằm trong nhóm những người chê VKTB không có bố cục/kết cấu. Nhưng phải nói rõ để bác Linh khỏi hiểu lầm, bố cục mà tôi nói tới ở đây là bố cục ngôn ngữ, chứ không phải bố cục nội dung. Tôi hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề nội dung của nó có lỏng lẻo hay không và thực tế là tôi không biết nội dung vì tôi chưa đọc hết.

    Theo quan niệm của tôi, bố cục ngôn ngữ là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với thể loại tiểu thuyết. Đối với thơ thì không cần, đối với truyện ngắn (một thể loại gần với thơ) thì đôi khi cũng không cần. Nhưng với tiểu thuyết thì bố cục ngôn ngữ là thứ mà nhà văn phải nghĩ tới đầu tiên khi bắt đầu viết. Bố cục ngôn ngữ đại thể theo tôi hình dung là cách nhà văn viết đoạn nào trước, đoạn nào sau, đoạn nào cần phải kết nối với đoạn nào, kết nối ra làm sao, câu nào là câu chốt của đoạn, những khoảng trống mà nhà văn tính toán để tạo ra hiệu ứng đối với độc giả... Với những nhà văn lớn, bố cục ngôn ngữ sẽ làm cho người đọc tiểu thuyết của họ có cảm giác như thể có một dòng ngôn ngữ cuồn cuộn chảy bên trong tác phẩm, đẩy tác phẩm đi theo cách mà tác giả muốn.

    Một ví dụ khá sinh động cho khái niệm bố cục ngôn ngữ là tác phẩm "Đồ Vật" của Perec (có thể tìm đọc trên talawas). Tác phẩm này nội dung của nó hầu như chẳng có gì nhưng kết cấu ngôn ngữ của nó thì cực kỳ chặt chẽ, được tính toán vô cùng thận trọng trong từng câu văn. Người đọc sẽ có cảm giác rất rõ là tác giả dùng ngôn ngữ để đẩy câu chuyện đi chứ không phải nội dung đẩy câu chuyện đi.

    Và Khi Tro Bụi theo tôi là một tác phẩm hỏng hoàn toàn vì tác giả của nó ngay từ đầu đã không xác định được một bố cục ngôn ngữ cần thiết cho tác phẩm. Kết quả là đang đọc được dăm câu văn tương đối mạch lạc thì bỗng đâu có nảy một câu "từ trên giời rơi xuống" phá hỏng hoàn toàn cả một đoạn văn.

    ReplyDelete
  7. tớ thì tớ chỉ muốn gặp nhà báo vô cùng thông minh nào đó mới đọc 1/3 VKTB đã không chịu được và cho rằng "cuốn sách đã chạm đến Nobel văn học". Muốn lắm í, :))

    ReplyDelete
  8. Hihi, nhà báo đó có trong friend list của Linh đó

    ReplyDelete
  9. Anh ơi, em đã khóc khi mới đọc hết vài trang đầu của quyển sách này.

    ReplyDelete
  10. thật ra là đọc hết chương 1 rồi, em ko đọc tiếp nữa, mà chỉ đọc đi đọc lại chương 1 mà khóc thôi.
    Tác giả này viết powerful quá.

    ReplyDelete
  11. Hôm nay tớ vừa mua cuốn này để tặng sinh nhật, tranh thủ đọc hết chương đầu.

    Nói chung cách hành văn đúng là ko thuần Việt lắm, gặp ai khó tính dễ bị ... "loại ngay từ vòng gửi xe". Vậy mà được trao giải thưởng hội nhà văn thì chứng tỏ các bác trong hội đồng có tư duy thoáng lên rất nhiều rồi. Viết khá compact và giàu cảm xúc. Tuy nhiên, có lẽ cũng tại vì ko thuần Việt lắm, nên giống như bác ba chấm viết, đôi lúc văn bị đứt mạch, ko có được cái liên tục, miên man cần thiết.

    Chỉ ba hoa vậy thôi, mới đọc chương 1 nên cũng ko dám kết luận gì nhiều :)

    ReplyDelete
  12. @Cát Khuê: Bạn Vịt còn làm audio book à :D. Hay gửi cho tớ đi để tớ nghe với.

    Đã nghe ý kiến của bác ..., đang chờ bạn Nhị Linh với bạn Hollyaput viết kỹ hơn về cuốn này.

    ReplyDelete
  13. À, nhân thể vào đây để thông báo mấy bạn nào tìm ko thấy VKTB thì nay sẽ thấy rất nhiều. Đã thấy in tiếp lần thứ hai và có cả cái "băng rôn" chạy ngang giới thiệu đây là cuốn TT đoạt giải thưởng HNV.
    Chắc lần này VKTB sẽ tới dc tay nhiều độc giả hơn nữa, và chắc tiếp là nó sẽ ko còn quá im lìm ít ng biết tới.

    ReplyDelete
  14. @Holly: Hì hì. Tớ thì hồi đầu tiên đọc, cũng tự nhủ, sao nó ko đoạt giải của... Hội nhà văn nhỉ? hihi.

    ReplyDelete
  15. Nhị Linh: Công nhận em thích đọc T mất tích, em đã đọc lại nó 2 lần chỉ trong vòng 2 tháng.

    ReplyDelete
  16. Chắc tớ sao ấy, tớ chịu không đọc được quá chương một của Và khi tro bụi. Giải thưởng thì tớ thấy hề hề thế nào ấy, tặng giải cho một cuốn sách chả mấy người Việt đọc và cũng chả nói được vấn đề gì của tâm hồn Việt. Nói chung không nên vào HNV, hỏng người.

    ReplyDelete