Saturday, November 10, 2007

Doris Lessing và Nobel văn học

Trên talawas mới đăng bản dịch một bài của bà Doris Lessing, người mới đoạt giải Nobel văn học năm 2007, trong đó bà Lessing lên án thói “political correct” và những di hại mà CNCS để lại cho ngôn ngữ. Nghịch lý là ở chỗ khi bà Lessing được trao giải Nobel, nhà phê bình Harold Bloom đã cho rằng giải Nobel trao cho bà mang tính chất “political correct” mà không dựa trên các đóng góp về văn học. Cũng nghịch lý là các tác phẩm của bà được lấy làm cơ sở để trao giải Nobel là những tác phẩm được viết trong giai đoạn những năm 60-70, khi bà còn là một đảng viên Cộng sản nhiệt thành và một nhà nữ quyền quyết liệt. Sau này bà phủ nhận CNCS, phê phán cách tiếp cận văn học theo quan điểm nữ quyền, giai cấp hay chủng tộc, phê phán tính “political correct”. Và bà được trao giải Nobel cho những tác phẩm mang đậm dấu ấn của các tư tưởng mà sau này bà cho là sai lầm!

Về bài viết của bà Lessing thì có thể nói là hời hợt và không công bằng khi bà quy tất cả sự rắc rối, trong ngôn ngữ văn học, khoa học xã hội, báo chí… về chủ nghĩa cộng sản. Trong khi theo tôi, các rối rắm về ngôn ngữ, các câu văn đọc lên chẳng ai hiểu gì có hai nguồn gốc: nguồn gốc cổ điển là từ các nhà kinh điển Đức như Hegel, và nguồn gốc hiện đại là từ những người viết theo trường phái hậu hiện đại. Tác động của CNCS tới ngôn ngữ là ở một khía cạnh khác, đó là sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng như là một ngôn ngữ chính thức, mà Orwell gọi đó là Newspeak. Ngôn ngữ này thế nào thì có thể đọc ở văn kiện Đảng, báo Nhân dân hay các bài phê bình văn học trong sách giáo khoa.

Đúng là giải Nobel mấy năm gần đây đều được trao cho các tác giả có những khuynh hướng chính trị rõ ràng và thường là dissident trong xã hội (hoặc đã từng là dissident như bà Lessing). Tác phẩm của họ thường hướng vào các đề tài có tính xã hội, giai cấp hay hậu thuộc địa. Một nhà văn có tư tưởng chính trị rõ ràng, thường phát biểu về chính trị, đến từ một nước thế giới thứ ba hay thuộc về phái tả ở các nước phát triển sẽ có xác suất được giải cao hơn một nhà văn viết văn thuần túy và ít quan tâm tới các tranh luận về chính trị, xã hội.

Lấy ví dụ 10 năm gần đây nhé:

· 2007 - Doris Lessing : cựu Đảng viên Cộng sản, hoạt động nữ quyền.

· 2006 - Orhan Pamuk : phê phán chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

· 2005 - Harold Pinter : cánh tả cực đoan, phê phán mạnh mẽ Bush và chiến tranh Iraq.

· 2004 - Elfriede Jelinek : nữ quyền.

· 2003 - J. M. Coetzee : các vấn đề xã hội, chủng tộc trong một xã hội hậu thuộc địa

· 2002 - Imre Kertész : dòng văn học Holocaust, bi kịch cá nhân trong xã hội toàn trị (từng sống dưới hai chế độ toàn trị khác nhau).

· 2001 - V. S. Naipaul : hậu thuộc địa, bị nhiều nhà văn ở thế giới thứ Ba coi là kẻ phản bội.

· 2000 - Gao Xingjian : tị nạn chính trị ở Pháp, viết về bi kịch của con người cá nhân trong xã hội toàn trị.

· 1999 - Günter Grass : cánh tả ở Đức.

· 1998 - José Saramago: đảng viên cộng sản Bồ Đào Nha, theo chủ nghĩa vô thần.


Trong số này có Saramago, Grass, Cao Hành Kiện, Jelinek và Pamuk là có nhiều cách tân về mặt ngôn ngữ và cách kể chuyện, chịu ảnh hưởng của hậu hiện đại. Những người còn lại viết văn tương đối chính thống về mặt phong cách.

21 comments:

  1. Hôm qua đọc lại 1 quyển của Orwell, cứ cười hoài về cách dùng từ (giễu nhại, châm biếm) của ông này. Bài của bà Lessing đọc khô khan và tẻ nhạt quá. Bỏ qua cách nhìn phiến diện và phần "what you say" (quy sự rắc rối trong ngôn ngữ ... về chủ nghĩa cộng sản), thì ở phần "how you say it" bà Lessing đã thua xa Orwell rồi :))

    ReplyDelete
  2. Chính trị hóa giải Nobel hay Oscar không biết có phải là một việc cần thiết phải làm không ta? Mình vẫn nhớ mãi một tác phẩm phản chiến của Alberto Moravia (1958, bản dịch Trần Văn Điền tựa đề "Thảm cảnh chiến tranh") là Two Women, chẳng được Nobel gì cả, phong cách viết nhẹ nhàng, mỉa mai trong một nỗi buồn và niềm phẫn nộ trầm ngâm, xót xa. Vậy mà nó lại tạo được mối liên hệ bền chặt trong mình, không dễ gì thay thế được. Bộ phim dựng từ tiểu thuyết này vào năm 1960 đã mang lại cho Sophia Loren giải Oscar Best Actress.


    Cesira, a widowed shopkeeper, and Rosetta, her beautiful young daughter, flee south from Rome to escape the German occupation, hoping to wait out the war in Cesira's native province. But the Allied liberation brings tragedy that changes the women's lives forever. Out of print for 30 years, this moving portrayal of the anguish and horror of war was the inspiration for the 1960 film for which Sophia Loren won the Oscar for best actress.

    ReplyDelete
  3. Trong các bác Nobel văn học mà bác Linh kể trên thì tớ thích nhất Kertész Imre (hoàn toàn không vì cảm tính liên quan đến chuyện ông ấy là nhà văn Hungary còn mình thì có thể đọc được tiếng Hungary). Đọc Kertész Imre, người ta không thấy những quy kết hay tố cáo chế độ hoặc chính trị, mà chỉ thấy mênh mông những cảm thông và thương yêu đối với những kiếp người - bên thiện cũng như bên ác. Đọc xong "Không số phận" của Kertész, trong lòng trào dâng những cảm xúc về số phận, về những tháng ngày quá khứ không bao giờ trở lại cũng như ngày mai không thể đoán định. Văn chương thật đáng quý, nếu nó không là phương tiện cho huyễn ngã thị dục, mà là tiếng nói của những phận người. Những phận người cũng thật đáng quý, bởi ai trong đời này cũng có những nỗi khổ riêng. Có thể khi ta ngồi đây vui vẻ thì ở đâu đó vẫn có những tiếng khóc thầm của thiếu nữ bởi phải chịu nhục hình và khinh rẻ.

    ReplyDelete
  4. Sắp có một số bản dịch Kertész sang tiếng Việt, các bác đón đọc. Người dịch cũng có vẻ tốt, dịch thẳng từ tiếng Hung.

    ReplyDelete
  5. Dịch tiếng Hung hiện nay có khá nhiều người dịch rất tốt và làm việc tử tế nghiêm túc như Hoàng Linh (không phải Vũ Hoàng Linh :D), Giáp Văn Chung, Trần Lê. Trước đây tớ cũng định dịch tác phẩm đoạt Nobel 2002 của Kertész sang tiếng Việt, nhưng nghe bảo mấy bác trên đã dịch gần xong và tự thấy trình mình cũng phò phạch nếu so với họ, nên tự trọng mà thôi ý định :D

    ReplyDelete
  6. Hoàng Linh nhịp cầu cầu gì đó à?

    ReplyDelete
  7. Giải Nobel văn học về hình thức thì trao nhà văn gắn với một tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên chỉ với một tác phẩm hay thì chưa đủ, vì người ta còn tính đến độ dày sự nghiệp tác phẩm của nhà văn và ảnh hưởng của ông/bà ta - chí ít với văn chương trong nước và khu vực. Nhà văn VN mình viết thì ít mà chửi nhau với lại bi bô thì nhiều, không biết 300 năm nữa có anh/chị An Nam mít nào được giải Lô ben văn học hay không.

    ReplyDelete
  8. "Về bài viết của bà Lessing thì có thể nói là hời hợt và không công bằng khi bà quy tất cả sự rắc rối, trong ngôn ngữ văn học, khoa học xã hội, báo chí… về chủ nghĩa cộng sản."

    Câu này của bác mới thực là hời hợt và không chính xác. Toàn bộ bài viết của bà Lessing chỉ có một câu này là có tính quy chụp. "Trong phê bình văn học, có một cách nghĩ rất phổ biến không bị xem là hậu quả của chủ nghĩa cộng sản, nhưng thực ra nó đúng là như vậy." Các câu khác đều đơn thuần đi theo tư duy chỉ ra tác hại của political correctness, mà không hề quy kết rằng nó là toàn bộ nguyên nhân. Lưu ý rằng người ta có thể nói rất nhiều về sự việc A gây ra B, nhưng không có nghĩa như vậy là khẳng định B chỉ có thể gây ra bởi A. Thêm nữa, đối tượng mà Lessing chỉ trích trong bài viết không phải là chủ nghĩa cộng sản, mà là trào lưu văn hóa phổ biến đi cùng thời với nó.

    Thực ra thì sáng tạo nghệ thuật không thể bị ép buộc vào một khuôn khổ định trước nào. Tất cả mọi nghệ sĩ sáng tạo đều biết như thế và điều ấy họ đã nói đi nói lại nhiều lần ở dạng này hay dạng khác. Nhưng điều này thì những kẻ quê mùa không phải khi nào cũng hiểu. Đa số các nhà phê bình đều là sản phẩm của thời cuộc, của định kiến nhất thời. Bảo rằng phải vứt bỏ các khuôn khổ đi thì làm sao mà họ chịu được. Không những họ chả còn vốn gì khác mà nói, lâm vào cảnh thất nghiệp, mà bi kịch lớn hơn là sự hoàn toàn mất đi khả năng tự định dạng, định hướng cho mình. Điều đó là tất nhiên, vì sự tái định dạng, tái định hướng, là công việc của nghệ thuật mất rồi, đâu phải thiên chức của bọn phê bình tầm thường khốn khổ.

    ReplyDelete
  9. @Le: "Thêm nữa, đối tượng mà Lessing chỉ trích trong bài viết không phải là chủ nghĩa cộng sản, mà là trào lưu văn hóa phổ biến đi cùng thời với nó."
    Không phải đi cùng thời mà theo Lessing là do ảnh hưởng của CNCS. Bài này ngay từ đầu bài viết đã cho rằng CNCS là nguồn gốc hay là nguyên nhân chính trong các rắc rối ngôn ngữ hay "sự đúng đắn chính trị":

    "Trong khi chúng ta chứng kiến cái chết hiển nhiên của chủ nghĩa cộng sản thì những cách suy nghĩ hoặc sinh ra từ chủ nghĩa cộng sản, hoặc được củng cố bởi chủ nghĩa cộng sản, vẫn tiếp tục chi phối đời sống của chúng ta. Nhưng không phải toàn bộ những cách suy nghĩ đó đều bộc lộ rõ di sản của chủ nghĩa cộng sản như trong “đúng đắn chính trị.”

    Ðiểm đầu tiên: ngôn ngữ. Việc chủ nghĩa cộng sản hạ thấp ngôn ngữ, và cùng với ngôn ngữ, (hạ thấp) tư tưởng, không phải là một ý tưởng mới."

    Còn cái đoạn dài dài mang tính cao luận khoát đàm của Le ở phía dưới như nhà phê bình thì thế này, nghệ sĩ sáng tạo thì thế kia, nhà phê bình tầm thường khốn khổ, sản phẩm của thời cuộc, định kiến nhất thời, thất nghiệp, chả còn vốn gì khác để nói không thể tự định hướng cho mình... thì không những chẳng ăn nhập gì mà tớ thấy còn rất hời hợt và đầy định kiến.

    ReplyDelete
  10. @ Duc Hanh: Vậy chắc cũng khó tìm phải không? Bản dịch của mình là bản dịch trước 1975, rất hay, sau này mình có dịp đọc Two Women nhưng bản dịch cũ vẫn có hồn riêng của nó :)

    Alberto Moravia cũng trầy vị tróc vảy vì sự kiểm duyệt và kiềm chế của chính quyền đương thời. Tiểu thuyết thứ 2 của ông là "Mistaken Ambitions" (tựa tiếng Anh), xuất bản năm 1935 nhưng chính phủ Italy đề nghị các tờ báo không được review nó. Năm 1941, tiểu thuyết The Fancy Dress Party, một tác phẩm mà người ta có thể dễ dàng nhận ra sự châm biếm chế độ độc tài/nền chuyên chính Italy, đã bị các nhà kiểm duyệt chăm sóc rất kỹ lưỡng và rốt cuộc họ yêu cầu ông không nên viết gì nữa hết, ngay cả viết báo cũng không được.

    Tuy nhiên, The Fancy Dress Party đã được xuất bản vào năm 1968.

    ReplyDelete
  11. Tôi đi bằng nhịp điệu
    Một hai ba bốn năm

    Em đi bằng nhịp điệu
    Sáu bảy tám chín mười

    Ta đi bằng nhịp điệu
    nhịp điệu không giống nhau,
    ta đi bằng nhịp điệu
    nhịp điệu sao khác màu

    ReplyDelete
  12. Bác Lê nói quá hay!

    Trước giờ em chỉ thấy nhà phê bình phê bình nghệ thuật. Chỉ có bác là nhà phê bình phê bình nhà phê bình phê bình nghệ thuật. Những điều bác nói bọn phê bình quê mùa làm sao mà hiểu được, vì đấy là công việc của nghệ thuật mất rồi, đâu phải thiên chức của bọn phê bình tầm thường khốn khổ.

    ReplyDelete
  13. Một điều có thể quan sát được ở các xã hội cộng sản cũ nếu như ngày xưa, người ta làm gì nói gì cũng đụng đến hai chữ 'tư tưởng', thì giờ đây, nếu ai đó nói đến những chuyện 'tư tưởng' thì anh/chị ta có thể bị coi là lố bịch :D. Trong xã hội mà chỉ có một tư tưởng (Mác-Lê chẳng hạn) thống trị, thì chuyện 'tư tưởng' là thứ trầm trọng, ghê gớm lắm. Nhưng trong xã hội tự do về tư tưởng, thì người ta quan tâm nhiều hơn đến những quyền lợi thiết thưc như công ăn việc làm giải trí, chuyện thảo luận tư tưởng này kia chỉ còn giới hạn ở một số ít người thuần tuý chuyên môn hoặc nghiên cứu.

    Trong xã hội cộng sản cũ (LX, Đông Âu), các tác phẩm được phê bình đương nhiên là các tác phẩm đã qua kiểm duyệt cắt xén và được chấp nhận về mặt tư tưởng nội dung. Bởi vậy, có thể nói đối tượng, môi trường của giới phê bình đã bị cắt xén đi nhiều trước khi họ hạ bút. Đó là chưa kể khi hạ bút rồi thì cũng còn phải nhìn sắc mặt quan trên mà viết, mà dùng câu dùng từ. Tóm lại, cả người sáng tác lẫn người phê bình phải luôn tự kiểm duyệt trước khi bị kiểm duyệt. Cho nên tớ thấy nhận xét cùa bà Lessing tuy có thể gây ngỡ ngàng cho nhiều người nhưng vẫn là thứ có lý, cũng có thể nhận xét trên đơn thuần là kinh nghiệm cá nhân của bản thân Lessing thời kỳ bà viết trong xã hội cộng sản.

    ReplyDelete
  14. @Linh: Logic của bài viết muốn nói rằng A gây ra B. Nhưng bác lại hiểu lời người ta thành: A là toàn bộ nguyên nhân gây ra B. Hai logic hoàn toàn khác nhau.

    Còn đoạn viết bên dưới thì ăn nhập đấy chứ. Luận điểm của Lessing là muốn chỉ ra rằng con người/đời sống chưa hẳn đã chỉ nằm gọn trong khuôn khổ của một số hệ quả từ một vài quy luật đã biết (context cụ thể ở đây là ngôn ngữ và tư duy của triết học CNCS), cho dù có khi chúng đã được số đông coi là bất di bất dịch. Sự trói buộc nghệ thuật trong những khuôn khổ tưởng như đã chắc chắn đinh ninh này sẽ dẫn tới làm sơ sài hóa tầm vóc con người. Như đã nói, điều mà Lessing muốn biểu đạt vốn đã từng được giới nghệ sĩ đề cập trong các context khác. Bài của Cao Hành Kiện trong entry trước là một ví dụ.

    @Nghe Chửa: sự thấy/không thấy của bác không liên quan gì tới sự hay/không hay kia.

    ReplyDelete
  15. @ Bác Pink Martini:"Mình vẫn nhớ mãi một tác phẩm phản chiến của Alberto Moravia (1958, bản dịch Trần Văn Điền tựa đề "Thảm cảnh chiến tranh") là Two Women..."
    Nguyên tác tiếng Ý của nó là LA CIOCIARA. Nhà xb Lao động đã in năm 1989, tái bản 1995 với cái tên Hai Người Đàn Bà, do Xuân Du dịch, cũng qua bản tiếng Anh TWO WOMEN, A Signet Book, New York, 1959

    ReplyDelete
  16. Bài hay! Xem các comment còn thấy hay hơn. Em rất tán đồng quan điểm của Minh Minh ạ!

    ReplyDelete
  17. @Le: Câu này sai, tớ không hề nói với ý như thế "Nhưng bác lại hiểu lời người ta thành: A là toàn bộ nguyên nhân gây ra B."
    Hai ý này: "Về bài viết của bà Lessing thì có thể nói là hời hợt và không công bằng khi bà quy tất cả sự rắc rối, trong ngôn ngữ văn học, khoa học xã hội, báo chí… về chủ nghĩa cộng sản."
    và " A là toàn bộ nguyên nhân gây ra B." là không giống nhau về mặt logic, Le nên xem lại logic của mình.

    ReplyDelete
  18. A ở đây là chủ nghĩa cộng sản. B là sự rắc rối trong ngôn ngữ văn học, khoa học xã hội, ... Quan hệ giữa A và B theo logic chỉ có 3 cách: 1) A là toàn bộ nguyên nhân gây ra B; 2) A là một yếu tố trong nguyên nhân gây ra B; 3) A chẳng liên quan gì tới B cả. Bác Linh có thể hiểu bà Lessing theo cách nào nếu không theo cách 1? Logic thứ 3 rõ ràng là không đúng ở đây rồi. Còn với logic thứ 2 thì rất khó để phê phán là hời hợt và không công bằng.

    ReplyDelete
  19. @Le: còn một quan hệ: A là nguồn gốc dẫn tới B. Nên nhớ là nguồn gốc không có nghĩa là toàn bộ, mà ở đây ý bác Lessing (theo tớ hiểu) cho rằng có thể tìm những “di sản”của CNCS vẫn còn hiện diện trong ngôn ngữ và trong các khái niệm đương thời. Chữ “di sản” ấy thể hiện quan điểm nguồn gốc, bà Lessing không nhắc tới việc CNCS có là toàn bộ hay là một bộ phận nguyên nhân mà muốn nói là các hiện tượng XYZ trên đều có thể quy như là những di chứng của CNCS. Và đây chính là điều tớ không đồng tính và theo tớ đó là sự đơn giản hóa, hời hợt của Lessing. Cách hiểu của Le là mặc nhiên coi việc “có nguồn gốc” với “toàn bộ nguyên nhân” là hai khái niệm tương đương nhau, đây rõ ràng là một sai lầm logic. Mà thế nào là toàn bộ? Có những nguyên nhân sâu xa, có những nguyên nhân trực tiếp… làm sao đồng nhất tất cả các nguyên nhân đó được? Cách hiểu của Le hoàn toàn theo cách cắt mặt phẳng thời gian, coi các nguyên nhân là tương đương và có tính tĩnh chứ không phải là có tính động.
    Hai câu này rất khác nhau:
    “A là toàn bộ các nguyên nhân gây ra các hiện tượng B, C, D, E, F, G”
    và “A là nguyên nhân của tất cả các hiện tượng B, C, D, E, F, G”.
    Btw, tớ cũng không hứng thú tiếp tục nói về việc này nữa.

    Còn về quan điểm về nhà phê bình của Le thì nói thật, tớ thấy nó không nghiêm túc, nó hạ thấp nghề phê bình một cách hoàn toàn cảm tính. Khi phê bình nhà phê bình là định kiến với hạn hẹp, bản thân Le có nghĩ rằng Le cũng đã định kiến sẵn theo cái motif “nghệ sĩ thì sáng tạo, nhà phê bình thì định kiến, gò bò bởi khuôn khổ đương thời”…Có thể có những hạt nhân hợp lý trong cái câu rất cũ đó nhưng tuyệt đối hóa nó thì chẳng khác như một nhà phê bình nhà phê bình nghệ thuật định kiến và khuôn sáo. Nó cũng gần gũi với những câu như cảnh sát thì ăn hối lộ, giáo viên Việt Nam thì dốt, người Việt Nam thì thông minh, người Mỹ thì thực dụng...tức là những câu mà hình như ở Việt Nam bây giờ bọn trẻ con hay nói “nói cứ như đúng rồi ấy”.

    ReplyDelete
  20. Tính động/tĩnh của thời gian không hề ảnh hưởng tới logic đang bàn ở đây. A là nguồn gốc của B thì mặc nhiên vẫn chỉ có thể hiểu theo 2 cách: 1) A là toàn bộ nguyên nhân gây ra B; 2) A là một trong các yếu tố gây ra B. Logic 1 đã bị loại trừ thì chỉ còn lại logic 2. Lưu ý rằng từ "nguồn gốc" dễ gây ra sự hiểu nhầm rằng Lessing muốn nói CNCS là yếu tố khởi đầu trong chuỗi các yếu tố làm nên nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu đọc lại toàn bộ bài viết thì không có chỗ nào nói như vậy. CNCS chỉ là một yếu tố mà Lessing chú trọng nhắc tới. Như vậy, Lessing không nói rằng CNCS là toàn bộ nguyên nhân, cũng không nói rằng CNCS là điểm khởi đầu.

    Ngoài ra, nói thêm một chút về công việc của một nhà phê bình. Công việc phê bình là cảm thụ, so sánh, đối chiếu, dựa trên những gì đã biết. Phục vụ cho những nhu cầu cảm/biết trong một bối cảnh hữu hạn nhất định. Từ đó làm thành cuộc kết nối với độc giả, dựa trên những điều mà họ nghĩ là độc giả đương thời có thể cảm thụ/cần thiết phải cảm thụ được. Về bản chất thì đó là quá trình dựa vào định kiến để kết nối với định kiến, và phục vụ cho những mục tiêu định kiến. Ai đó có thể muốn vượt ra khỏi vòng định kiến trùng điệp này, nhưng muốn và làm được là hai sự việc khác nhau.

    Việc thoát ra khỏi vòng định kiến là điều rất khó khăn, cho dù có lúc có người vẫn làm được. Vì vậy nên nói rằng "đa số nhà phê bình là sản phẩm của thời cuộc, của định kiến nhất thời". Muốn vượt ra ngoài vòng định kiến thì nhà phê bình phải có sự sáng tạo vượt bậc. Nghệ sĩ được lưu danh đã khó. Nhà phê bình được lưu danh còn khó hơn nhiều. Nhìn lại lịch sử văn học VN tới giờ thì thấy rằng chỉ có hai nhà phê bình thực sự lớn là Hoài Thanh và Bùi Giáng. Cả hai đều có sự sáng tạo phi thường trong công việc của họ.

    ReplyDelete
  21. @ Nhị Linh: Ai dịch Kertész thế nhỉ?

    ReplyDelete