Thursday, November 8, 2007

Lại lạm phát

Trên TBKTSG có hai bài về lạm phát của TS Vũ Thành Tự Anh và của TS Trần Ngọc Thơ

Bài của bác Tự Anh nêu ra 6 yếu tố đáng lo ngại của lạm phát.

Đáng lưu ý một số yếu tố sau:

Thứ nhất là tính phân phối của lạm phát. Theo bác Tự Anh, lạm phát hiện nay gây thiệt hại cho người nghèo hơn là người giàu (cái này trái với ý của Quốc Anh hôm trước). Đáng chú ý là số liệu của bác đưa ra cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của tỷ lệ nghèo đói trong năm qua:
“Theo số liệu của TCTK thì ở khu vực nông thôn, so với thời điểm cuối tháng 10-2006, số hộ thiếu đói tăng 44% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 47%. Mặc dù giá tăng không phải là nguyên nhân duy nhất (bên cạnh thiên tai, dịch bệnh...) của tình trạng thiếu đói tăng nhanh, nhưng nó chắc chắn là một nhân tố làm trầm trọng thêm tình trạng này vì từ đầu năm tới nay, giá của những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm và lương thực đều tăng cao hơn CPI, lần lượt là 13,52% và 9,15%”.

Thứ hai là bác Tự Anh nêu ra rủi ro của việc theo đuổi mục tiêu “lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng”. Lo ngại này của bác Tự Anh là hoàn toàn có lý, nhất là trong tình trạng Việt Nam, thói quen “phấn đấu” theo chỉ tiêu là thói quen phổ biến trong xã hội. Việc ràng buộc lạm phát với tăng trưởng là không nên, chỉ nên xác định mục tiêu lạm phát và mục tiêu tăng trưởng một cách cụ thể.

Thứ ba, bác Tự Anh cho rằng lạm phát thực tế hiện nay cao hơn so với con số 8-9%. Bác Tự Anh đưa ra ước lượng dựa trên chênh lệch giữa tăng trưởng tổng cầu danh nghĩa với tăng trưởng tổng cung thực tế của nền kinh tế.

“Sự chênh lệch giữa tốc độ tăng tổng chi tiêu danh nghĩa và tăng trưởng GDP thực chính là tỷ lệ lạm phát, và vì vậy có lý do để lo ngại rằng lạm phát thực tế còn cao hơn mức công bố chính thức.

Cách tính lạm phát của bác Tự Anh như thế là chỉ tiêu GDP deflator chứ không phải CPI, và do đó nó sẽ không có tác dụng so sánh bởi chỉ số lạm phát mà người ta quan tâm và so sánh cao hay thấp như hiện nay là CPI. Nếu muốn so sánh thì bác Tự Anh cần phải so sánh với chỉ số GDP deflator của các năm trước thì còn hợp lý, chứ không thể so với chỉ số tăng CPI.

Bài của TS Trần Ngọc Thơ tập trung vào khía cạnh phân phối thu nhập của lạm phát, và phản bác ý kiến của một chuyên gia tài chính Tây cho rằng lạm phát hiện nay ảnh hưởng xấu tới người giàu hơn người nghèo, và không phải quá lo ngại về nó.

Theo bác Thơ, lạm phát gây hại nhiều hơn cho người nghèo vì họ phải đối phó với giá lương thực leo thang, trong khi không có nhiều lựa chọn tiêu dùng như người giàu. Bác Thơ cũng có ý rằng chính sách hạn chế lạm phát bằng cách giảm thuế nhập khẩu như hiện nay chỉ giúp cho người giàu chứ không giúp cho người nghèo.

3 comments:

  1. "Cách tính lạm phát của bác Tự Anh như thế là chỉ tiêu GDP deflator chứ không phải CPI, và do đó nó sẽ không có tác dụng so sánh bởi chỉ số lạm phát mà người ta quan tâm và so sánh cao hay thấp như hiện nay là CPI"

    CPI được tính một cách hoàn toàn độc lập, nhưng chẳng phải là GDP thực vốn cũng phụ thuộc vào CPI hay sao?

    ReplyDelete
  2. CPI với GDP deflator tất nhiên là có liên quan với nhau, nhưng vấn đề ở đây là bác Tự Anh phê phán chỉ số CPI theo số liệu thống kê 8-9% bằng cách dùng chỉ số khác, như thế là không chặt chẽ về mặt phương pháp luận.
    Ví dụ căn cứ vào đây
    http://www.econstats.com/weo/C177.htm
    có thể tính GDP deflator và inflation tính theo CPI cho Việt Nam (:

    2001 2002 2003 2004 2005 2006
    GDP deflator 1.95 3.96 6.67 7.94 5.26 2.67
    Inflation -0.4 4 3.2 7.7 5.5 4

    ReplyDelete
  3. ơ hay nhỉ, blog cũng có mục điểm báo. :))

    ReplyDelete