Monday, November 12, 2007

Entry for November 12, 2007

- Đang đọc hồi ký của Alan Greenspan. Cuốn này viết hấp dẫn hơn mình tưởng, đọc trôi và thú vị. Các bạn nào làm chính sách (mà không phả là chính trị) ở Việt Nam có lẽ cũng nên đọc tham khảo xem bọn kỹ trị bên Tây nó làm chính sách như thế nào (nói thế thôi chứ bác Greenspan này cũng dính líu chính trị nhiều trước khi được ngồi vào ghế của FED).

- Norman Mailer nhà văn nổi tiếng và cũng tai tiếng với nhiều phát biểu đao to búa lớn qua đời. Cuốn tiểu thuyết The Naked and the Dead của ông này được mệnh danh là tiểu thuyết hay nhất về chiến tranh thế giới thứ Hai, thậm chí còn có người coi là tiểu thuyết hay nhất có thể có về mọi cuộc chiến tranh. Mailer viết cuốn này (được giải Pulitzer) khi 25 tuổi, cái tuổi mà nếu ở Việt Nam hẳn sẽ được vỗ đầu khen là nhà văn trẻ, tác giả tác phẩm tuổi xanh. Chưa đọc cuốn này cũng như cuốn nào của Mailer (toàn cuốn dầy cộp 7-800 trang lại toàn về chiến tranh với chết chóc, trên giá sách cũng có một cuốn mỏng mỏng hơn 100 trang của ông này có tên là Why are we in Vietnam? nhưng cũng chưa đọc). Ông này được coi là một trong các cha đẻ của thể loại tiểu thuyết- báo chí, kết hợp giữa báo chí và tiểu thuyết (một thể loại khá thịnh hành của Beat generation).

- Trên NY Times có bài review cuốn “Làm thế nào để nói về những cuốn sách mà bạn chưa đọc”. Nghe nói cuốn này là best-seller ở Pháp trước khi được dịch ra tiếng Anh. Tiêu đề này khá thích hợp cho đoạn về Normal Mailer ở trên của mình. Nhớ trên blog bác 5xu có bài điểm phim Match Point, bác 5xu có nhắc tới cảnh chú nhân vật chính trong phim này mở cuốn “Tội ác và hình phạt” của Dostoevsky ra đọc một đoạn rồi ngán quá, gấp lại, lật luôn sang cuốn viết về Dostoevsky và tác phẩm. Kể ra có wikipedia thì chắc chú ấy còn tiết kiệm được thời giờ hơn :D. Ích lợi của việc đọc mà không đọc ấy là rút cục, chú ấy đã lấy được vợ giàu do biết cách tán chuyện cùng bố vợ về các vấn đề có tính trí tuệ.

- Trong bài điểm sách trên có câu này của Oscar Wilde (ông này hơi bị hay, rất điển hình cho óc hài hước kiểu Ăng lê): “I never read a book I must review; it prejudices you so.”

9 comments:

  1. Quyển hồi ký của Alan Greenspan tên gì vậy bạn ơi, muốn kiếm thì tìm ở đâu? Thanks!

    ReplyDelete
  2. Thật ra đọc loại sách tóm tắt,thu gọn chỉ để dành cho những người thích "kể lể" với mọi người là mình hiểu biết thôi. Muốn cảm nhận hết cái hay của sách phải đọc hết cơ, có khi còn đọc lại vài lần. Nếu không tác giả viết thu gon luôn cho xong.

    ReplyDelete
  3. Bệnh "name - dropping" hay "giả vờ nghe - xem - đọc" cũng có tác động ích lợi/ thiết thực của nó, ít ra nó cũng gây được "tiếng đồn" hay phổ biến thông tin.

    Bài review trên NY Times đọc rất hấp dẫn và hài hước, câu kết thúc thật sự nghiêm túc (may mà tớ không skip lẹ tới phần này). Tớ rất ghét loại sách rút gọn, vì 1 tác phẩm đâu chỉ có "tóm tắt nội dung" - việc này cũng giống như bạn cầm 1 cuốn sách lên rồi lật đật mở ra trang cuối cùng xem thử ai sẽ chết hay có câu triết lý đúc kết gì cỡ như "Xét cho cùng,ngày mai là ngày khác" hay không. Cái thú của người đọc sách không chỉ dừng ở chỗ rờ rẫm tháo mở các twist, mà trải dài ra khi bạn "gặm nhấm" lần mò đi theo cách dẫn dắt, chi tiết, phong cách và cấu trúc của câu chuyện. Và khi đọc xong 1 cuốn sách, nếu nó ở lại lâu trong đầu/tim bạn thì bạn đã giàu có hơn rất nhiều.

    Hehe, tản mạn vậy thôi. Mình cũng không phải là người đọc nhiều.Ai muốn đọc kiểu gì cũng được, điều đáng kể có lẽ là bạn thực sự nhận được gì vào bên trong bạn, hơn là để từ bên ngoài người khác nhận ra sự đọc rộng hiểu nhiều sâu thăm thẳm của mình. Cảm giác của chính mình dù sao cũng "ép phê" cảm giác của người khác :)))

    ReplyDelete
  4. đó cũng là lý do mà rất nhiều cuốn sách tóm tắt lại/viết rút gọn lại từ các cuốn tiểu thuyết, sách nổi tiếng TG giờ được tiêu thụ rất nhiều. Nói chung các bạn nào thích đọc truyện có tình tiết và cấu trúc thì nên đọc thể loại này :P

    ReplyDelete
  5. Bác đọc quyển "Pourquoi lit-on des classiques" của Italo Calvino ấy.

    ReplyDelete
  6. Hihi, bệnh này nhiều người mắc.
    Bạn vịt từng gặp một người nói phim nào cũng biết, nói cuốn sách nào cũng gần như biết. Có hôm kể về 1 phim với mấy nhân vật say sưa hay quá, về đi kiếm DVD coi, thấy nội dung khác hẳn luôn. Chỉ đúng lời bạn kia kể mỗi tên đạo diễn và diễn viên chính!

    ReplyDelete
  7. chị Vịt ơi, thế là người đó thông minh đấy, chứ như em đọc nhẵn sách rồi mà chả bao giờ nhớ tên tác giả :P

    ReplyDelete
  8. Oscar Wilde's quotes are my fav. Dot vua roi di Paris cung co chui vao Pere Lachaise de ngo' xem mo cua ong nay duoc chi em hun hit nhieu ntn :-D

    ReplyDelete
  9. @Nhị Linh: Nội dung cuốn của Calvino thế nào? Giải thích lý do đọc văn học cổ điển?
    @Chú Cuội: Cuốn đó tên là The Age of Turbelence. Có thể mua ở Amazon.com và các hiệu sách ở nước ngoài. Còn nếu ở Việt Nam thì chắc phải chờ xem có bác nào có ý định dịch không.

    ReplyDelete