Friday, November 23, 2007

Entry for November 23, 2007

Tia sáng có một loạt bài mới, để từ từ đọc.
Bài này có cách hiểu không chính xác:

Một mệnh lệnh tai quái

"Nông thôn, nông dân vẫn đang là vấn đề “nóng” tại Quốc hội. “Tốc độ tăng của nông nghiệp thời gian qua chỉ 3,5%, nhưng đây lại là khu vực có dân số rất lớn và thu nhập rất nhỏ, trong khi giá tiêu dùng lên 8% thì rõ ràng đời sống của họ thấp đi”


Tăng trưởng 3,5% trong khu vực nông nghiệp là tăng trưởng thực tế, tức là đã tính cả mức tăng của lạm phát rồi, chứ không phải tăng trưởng danh nghĩa. Do đó với tăng trưởng 3,5% thì có thể nói một cách trung bình là thu nhập người dân nông dân vẫn tăng lên chứ không thấp đi như bài báo viết. Tuy nhiên, nếu tính cả tốc độ tăng dân số thì tính ra thu nhập trung bình của người dân nông thôn sẽ tăng không đáng kể, và nếu tính theo cơ cấu thu nhập thì rất có thể việc lạm phát tăng sẽ làm cho số hộ nghèo tăng lên: như bài báo của TS Vũ Thành Tự Anh trên TBKTSG thì tháng 10/2007 so với 10/2006, số hộ thiếu đói ở nông thôn đã tăng khoảng 40% trong đó có phần đóng góp của lạm phát (bên cạnh thiên tai, dịch bệnh...)- nhất là vì cơ cấu tiêu dùng của nhóm nghèo lại có tỷ trọng chi tiêu lương thực thực phẩm cao trong khi lương thực thực phẩm lại là các mặt hàng có tốc độ tăng giá cao nhất (chừng hơn 12%).

Đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong bài nhưng tôi nghĩ là ở Việt Nam nhiều người vẫn nghĩ như vậy tức là nếu tăng trưởng GDP 8% trong khi lạm phát cũng tăng 8% thì có nghĩa là thu nhập chẳng cải thiện gì (nếu không lầm thì chính TS Nguyễn Quang A cũng nhầm lẫn điểm này). Tư duy đó có thể cũng lý giải cho việc nhiều người muốn lạm phát thấp hơn tăng trưởng là mục tiêu (vì như thế mới là tăng trưởng thực dương!) trong khi thực ra ngay cả khi lạm phát lớn hơn tăng trưởng thì vẫn là sự cải thiện về thu nhập. Tôi nghĩ có thể không ít đại biểu Quốc hội cũng có cách nghĩ tương tự. Btw, lúc nào rảnh để thử tìm hiểu thêm về hoạt đông của Quốc hội, chứ hiện nay tôi thấy Quốc hội chẳng khác gì kiểu thi vấn đáp trong đó các thầy có thể quay thí sinh nhưng kiểu gì cũng phải cho thí sinh qua sau khi thí sinh đã nhún nhường e thẹn nhận lỗi nào đó (thí sinh nào càng nhún nhường e thẹn thì lại càng được khen). Thành ra cái ấn tượng về sự dân chủ của Quốc hội nó hơi nhiều hơn mức thực tế (khi người dân chứng kiến tường thuật tranh luận trong Quốc hội và thấy một số đại biểu hùng hồn chất vấn các Bộ trưởng tái mặt tái mày và nghĩ Quốc hội thế là thực sự dân chủ và có tiếng nói quan trọng).

Đọc bài này thì cũng chẳng biết nói gì: Đó là câu chuyện về chính quyền xã, huyện ở Quảng Bình bắt dân phải giữ bom trong nhà để "
bảo vệ hiện trường... chờ cấp trên về khám nghiệm và xử lý"!
Đúng là tính mạng người dân bị coi chả ra gì :(

Viết thêm để trả lời câu hỏi của chị sonata. Chỉ số tăng trưởng kinh tế được tính là chỉ số tăng trưởng kinh tế thực tế nghĩa là nó căn cứ vào một mức gía cố định để loại trừ tác động của việc tăng giá. Chẳng hạn lấy năm 2000 làm năm tính giá thì GDP năm 2006 sẽ được tính theo giá năm 2006 (là GDP danh nghĩa) sau đó sẽ được quy đổi căn cứ vào độ trượt giá để tính GDP năm 2006 theo giá của năm 2000 (gọi là GDP thực tế). Cũng tương tự, ta sẽ tính được GDP thực tế năm 2007. Sau đó tính được tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2007 từ hai con số GDP 2006 và GDP 2007.

Như vậy yếu tố lạm phát đã được tính đến khi tính toán tăng trưởng GDP rồi. Nếu không mọi người có thể thấy ngay sự vô lý, ví dụ lấy tăng trưởng trung bình là 7% trong 10 năm gần đây (giả dụ thôi nhưng cũng gần với con số thực) và lạm phát là 6% nếu tăng trưởng này là tăng trưởng trước khi tính tới lạm phát thì tăng trưởng thực tế sẽ chỉ xấp xỉ 1%, nếu lại tính tăng dân số nữa thì GDP đầu người sẽ còn giảm đi chứ chẳng tăng lên như tất cả chúng ta đều thấy.
Chính vì đa số nhân dân không hiểu điều này (trong đó có cả nhiều nhà báo, nhà khoa học và kể cả đại biểu quốc hội) nên tôi nghĩ mục tiêu tăng trưởng cao hơn lạm phát phần náo có cả tính dân túy (populist) và chính trị trong đó. Đó cũng có thể là lý do tại sao 90% đại biểu Quốc hội bỏ phiếu cho mục tiêu này (tôi nghĩ là có không ít người trong số đó cũng nghĩ giống chị sonata hay nhà báo trên báo Tia Sáng rằng tăng trưởng mà thấp hơn lạm phát thì đời sống nhân dân sẽ bị giảm sút). Đây cũng chính là điểm hạn chế của việc để Quốc hội không chuyên quyết định các chính sách kinh tế quốc gia.

2. Bài này yêu cầu cải cách tòa án theo hướng tăng quyền độc lập cho tòa




Tòa án phải độc lập xét xử



Nếu thay đổi những điều này thì có lẽ sẽ phải thay đổi triệt để pháp luật thậm chí kể cả chỉnh sửa lại Hiến pháp theo hướng Tam quyền phân lập.

"Phải thừa nhận rằng hiện nay chúng ta vẫn coi Tòa án như một cơ quan hành chính và người thẩm phán như là một công chức trong hệ thống hành chính. Phải thay đổi nhận thức theo hướng thừa nhận vị trí đặc biệt của Tòa án và của người thẩm phán...."

Hóa ra là có quy định dưới đây à? Theo tôi, quy định này không hợp lý.
"Việc quy định trách nhiệm bồi hoàn về vật chất của thẩm phán khi xét xử oan sai cho dù nhằm tăng cường trách nhiệm của thẩm phán, nhưng điều đó hoàn toàn có khả năng dẫn đến việc người thẩm phán sẽ ‘san sẻ’ trách nhiệm với tập thể thông qua việc duyệt án, thỉnh thị án, hoặc việc Tòa án cấp trên ngại ngần khi cải sửa án của Tòa án cấp dưới."

3. Tia Sáng vẫn là tờ báo tiến bộ nhất ở Việt Nam, cho dù chắc cũng chả mấy ai đọc. Chỉ ri
êng tờ này dám đăng các ý kiến đòi hỏi cải cách hẳn nhiều nguyên tắc của thể chế. Đó là nhìn một cách tích cực, còn nếu nhìn một cách tiêu cực thì có thể Đảng và Nhà nước xem đây như một thứ van xả cho dân trí thức bí hơi trong nước khỏi ngột ngạt quá, một thứ diễn đàn của các vị với nhau, còn ngoài ra chẳng ai quan tâm.

Tranh luận dựa trên lý lẽ
Bài này của Phạm Duy Nghĩa vạch ra những điểm bất cập cơ bản nhất của Quốc hội, trong cái chuyện cứ xuân thị nhị kỳ, gần 500 đại biểu từ khắp cả nước lại tụ họp ở Hội trường Ba Đình (sắp bị đập) để thông qua các quyết nghị quan trọng của quốc gia, nhưng họ lại thiếu cả năng lực lẫn sự hỗ trợ về mặt thế chế để có thể làm tốt công việc này. Thành ra kết cục là họ cũng chẳng có được lý lẽ để có thể tranh luận.

Một nguyên nhân như ông Nghĩa nêu ra đó là việc chúng ta chưa có xã hội dân sự, để có thể đóng vai trò phản biện (gọi theo kiểu Tây là checks and balances- kiểm soát và cân bằng- có lẽ đúng hơn) đối với Nhà nước. Ông Nghĩa cũng đề xuất tới khía cạnh ngân sách cho đại biểu Quốc hội và việc các vị này chỉ đóng vai trò kiêm nhiệm mà không thực sự là nghị viên chuyên nghiệp (không có văn phòng riêng, không có tiền lương đại biểu Quốc hội). Tuy nhiên để thay đổi điều này thật sự khó, trừ khi phải thay đổi Hiến pháp hay Đảng phải tự nguyện đồng ý nâng cao vai trò Quốc hội cho đúng với vai trò người đại diện cao nhất cho công dân.

"Đối mặt với hàng trăm chuyên gia của từng bộ, các ủy ban của Quốc hội có vẻ như rất nghiệp dư, muốn bác bỏ một lập luận do các bộ chuyển sang chẳng thể dễ dàng. Chừng nào chưa có nghiệp đoàn và các nhóm lợi ích phát triển (xã hội dân sự), chừng đó chưa có nhu cầu cho phản biện xã hội, các ủy ban của Quốc hội chưa thể tổ chức các phiên điều trần để tranh luận công khai về những điều được mất của từng chính sách.
Đã sáng suốt lựa chọn, song cử tri nước ta chưa thể tạo sức ép cải thiện môi trường cho các đại biểu Quốc hội chuyên tâm hoạt động trên hết là vì lợi ích của cử tri. Các đại biểu chưa có văn phòng riêng, không có chuyên gia giúp việc, lại càng không có ngân sách riêng để hoạt động đại diện. Thời buổi thị trường, chúng ta có thể kỳ vọng quá cao không, nếu đại biểu chỉ được hưởng một khoản trợ cấp lưu trú rất khiêm tốn, không thể bù đắp những thiệt thòi khi phải xa gia đình hằng tháng trời đối với những đại biểu từ các tỉnh tới Thủ đô."


4. Tuyển sẽ thành thi biến tướng?
Bài này của ông Trần Ngọc Vượng phản đối việc nhập kỳ thi tốt nghiệp và thi Đại học vào làm một. Nói về vấn đề này thì hơi sớm vì còn phải xem đề án của Bộ Giáo dục thế nào nhưng tớ cũng cảm thấy hơi nghi ngờ nếu bỏ kỳ thi ĐH.



8 comments:

  1. Bạn Linh giải thích rất rõ ràng về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, tuy nhiên nhiều người, kể cả các nhà khoa học như TS Nguyễn Quang A đều hiểu nhầm bởi vì họ nhìn vào thực tế thấy thu nhập (lương)danh nghĩa của họ không tăng trong khi giá cả tăng cao thì thu nhập thực tế của họ giảm đi. Vậy thì cái phần tăng trưởng đó "biến đi đâu" ?
    Đọc bài của TS Phạm Duy Nghĩa thấy rõ tính chất nghiệp dư của QH Việt Nam, cơ quan quyền lực hoàn toàn thụ động trước cơ quan thừa hành. Khi nào QH hay các vị Đại Biểu QH còn chưa tự xây dựng được Luật thì QH vẫn còn thụ động, QH khóa 12 chỉ có 1 điểm mới (không biết là tốt hay xấu) là có nhiều UV.TW Đảng hơn các khóa trước.

    ReplyDelete
  2. "thực ra ngay cả khi lạm phát lớn hơn tăng trưởng thì vẫn là sự cải thiện về thu nhập" bạn có thể nói rõ hơn về ý này được không? Tôi (và rất nhiều người) đúng là vẫn hiểu rằng tăng trưởng GDP là dương và lạm phát là âm.

    ReplyDelete
  3. Danh da the! May minh khong phai dai bieu quoc hoi, neu khong chac khoc nhe!

    ReplyDelete
  4. Tôi có thể trả lời cho bạn Sonata vì sao nói "ngay cả khi lạm phát lớn hơn tăng trưởng thì vẫn là sự cải thiện về thu nhập".

    Thực tế và cũng là nguyên tắc khi nhà nước (đúng hơn là Tổng cục Thống kê) đưa ra con số tăng trưởng GDP thì đó là tốc độ tăng trưởng của GDP thực tế (tức là đã được quy về một mức giá so sánh chuẩn), điều đó có nghĩa là yếu tố lạm phát đã được loại trừ ra khỏi rồi. Khi nói tốc độ GDP tăng lên 3,5% thì phải hiểu là của cải vật chất thực được sản xuất ra ở năm nay đã tăng thêm 3,5% so với năm trước ==> Tức là thu nhập của người dân được cải thiện (Tất nhiên phải giả định không có sự tăng mạnh về dân số). Rõ ràng và tất nhiên yếu ố lạm phát không còn được nhìn thấy ở đây.

    Các đại biểu QH, báo chí, đa số người dân đang có một cách nhìn rất lệch lạc về mối quan hệ giữa lạm phát, tăng trưởng và mức sống của dân cư. Cái mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đang theo đuổi là lạm phát có thể cao nhưng không nên vượt qua tốc độ tăng trưởng là một mục tiêu phí kinh tế học, tôi chưa thấy có một lý thuyết kinh tế vững chắc nào bình luận môi quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng như thể này. Nhưng thấy còn buồn cười hơn là cái mục tiêu này nghe đâu đã được nâng lên thành một tầm cao mới đó là được đưa vào "nghị quyết".

    Các bài viết của anh Linh trong blog rất hay, hôm nay vô tình lại vào được blog của anh :)

    ReplyDelete
  5. Bác Linh, hỏng thật nếu như bác Quang A cũng nhầm thì tai hại thật. Tôi vừa lấy một ví dụ thật đơn giản để giải thích 2 khái niệm này.

    ReplyDelete
  6. Cám ơn bác greaday0401, tôi hơi tối dạ, tức là nếu lạm phát quá lớn thì GDP cũng sẽ có khả năng âm ? Còn như đã có GDP dương thì không đề cập đến lạm phát nữa ? phải không ạ

    ReplyDelete
  7. Đọc comment của bạn greatday rồi mới lại đọc entry đã có bổ sung !!!!so hiểu rồi, gớm tóat mồ hôi hột. Cám ơn Linh nhé

    ReplyDelete
  8. http://sgtt.com.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=599&news_id=29359#content

    về hành pháp và tư pháp.

    vẫn rất hâm mộ anh Lê Công Định.

    ReplyDelete