Wednesday, November 14, 2007

Entry for November 14, 2007

Hãy đem di cốt Hồ Nguyên Trừng trở về Việt Nam- bài viết trên blog của bác Trương Thái Du. Theo thông tin trong bài này thì sắp tới, có thể phần mộ của danh nhân Hồ Nguyên Trừng sẽ bị di dời. Hồ Nguyên Trừng là con trai cả Hồ Quý Ly, tả tướng quốc, tổng chỉ huy quân đội Đại Việt dưới thời nhà Hồ, sau khi bị bắt sang Trung Quốc được trọng dụng, làm tới Thị lang (tương đương thứ trưởng bây giờ) và Thượng thư (tương đương bộ trưởng) Bộ Công dưới triều đình nhà Minh. Không biết con cháu của Hồ Nguyên Trừng (được đổi lại sang họ Lê sau khi bị Minh bắt- trước khi lên ngôi, Hồ Quý Ly là con nuôi nhà họ Lê ở Thanh Hóa nên còn gọi là Lê Quý Ly) ở Trung Quốc hiện nay có còn không, hay đã bị thất lạc cùng với mấy trăm năm trôi nổi thời cuộc? Nếu như hương hỏa họ Hồ không còn thì có lẽ chính phủ Việt Nam cũng nên đưa di cốt Hồ Nguyên Trừng trở về cố quốc (mộ phần Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương- hai kẻ bị nhà Minh xem là tội đồ, chúa ngụy- thì e rằng đã không còn dấu vết). Nhưng e rằng chính phủ Việt Nam sẽ không muốn làm việc này vì không muốn nhắc lại một sự xung đột căng thẳng trong quá khứ với nước láng giềng giờ đây được coi là hữu hảo và cùng chí hướng (thất bại của Hồ Quý Ly khiến nước Việt lần đầu tiên bị người Tàu đô hộ kể từ khi độc lập cùng với sự hủy hoại nặng nề các di sản vật chất và tinh thần của người Việt như sự hủy hoại An Nam Tứ Khí, sự thất lạc sách vở của người Việt…. Việc này dẫn tới Lê Lợi đánh đuổi được nhà Minh, văn hóa và cách tổ chức chính quyền Đại Việt càng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Nho giáo).

Đoạn kết tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái là đoạn kể việc Gia Long sau khi lên ngôi đã làm lễ đón di hài của cựu hoàng đế Lê Chiêu Thống về nước. Khi mở quan tài ra thì thịt da nát hết chỉ có trái tim là vẫn còn nguyên dù đã táng mười hai năm. Hoàng phi là Nguyễn Thị Kim tự vẫn sau lễ an táng Lê Chiêu Thống. Cuốn Hoàng Lê Nhất Thống Chí mở đầu bằng mối loạn trong cung họ Trịnh, và kết thúc không phải bằng việc
họ Nguyễn Phúc chiếm được xã tắc mà là việc đưa linh cữu vua Lê về cố quốc chứ có lẽ cũng thể hiện cả cách nghĩ “duy tình” của người Việt.

5 comments:

  1. Cái này... trước khi tính chuyện đưa di cốt danh nhân nước mình ở nước ngoài về có lẽ nên kiểm tra cẩn thận trong lãnh thổ nước ta có di cốt của danh nhân nước khác không, nếu có thì khi người ta yêu cầu chúng ta có vui lòng trả di cốt đó về nước họ bất kể đó là ai không, suy tính cẩn thận trước rồi quyết định. Di cốt danh nhân là một thứ di sản rất đặc biệt, có thể để một chỗ cả nghìn năm không ai biết đến hoặc chỉ có giá trị thuần tinh thần, thế nhưng cũng rất có thể một ngày nào đó bỗng đem lại giàu có cho cả vùng xung quanh. Ví dụ như điện ảnh VN đột nhiên theo gót điện ảnh Hàn Quốc trong mười mấy năm mà nhảy vọt một cái lên, cả thế giới bổ đi xem chẳng hạn (là em cứ ví dụ thế =_=), rồi một đạo diễn nào đó vui tay quay cho cả thế giới xem cụ Hồ Nguyên Trừng ra làm sao chẳng hạn, thế là nấm mộ của cụ sẽ biến ra tiền ngay đấy, mà nếu điện ảnh VN trăm năm nữa cũng không phát triển nổi thì vẫn có thể có việc gì đó còn thần kỳ hơn sẽ xảy ra với cụ, thời đại này chẳng biết đâu mà lần. Với mộ danh nhân nước ngoài ở nước ta cũng thế.

    ReplyDelete
  2. Hôm rồi, ở hội thảo Nho giáo, có một đồng chí còn rất trẻ là Alex Ong của Singapore có đề cập đến vấn đề nhà Minh đốt sách sau khi chiếm được Đại Việt. Vấn đề đồng chí ấy đặt ra là Hồ Quý Ly đã sai diễn nôm các Kinh điển và diễn giải lại tư tưởng của Nho gia. Vì thế khi chiếm được ĐV, Nhà Minh đã đốt toàn bộ sách vở nước ta và coi đó là hành động loại bỏ "tà thư", sau đó nhà Minh đưa sang các sách Nho giáo khác mà trong những sách này tư tưởng Nho gia bị loại bỏ đi phần dân chủ của Nho gia nguyên thủy...

    Về Hồ Quý Ly, các sử gia phong kiến có phần "khắt khe" với ông, nhưng nhân vật lịch sử này còn nhiều điều để ta cần phải bàn cãi lắm... Theo tôi nếu mộ cụ Hồ Nguyên Trừng mà bị di dời thì đây đúng là thời điểm thích hợp để ta đưa cụ về VN. Thời xưa,có cụ đi sứ, mất ở Trung Quốc, trước khi nhắm mắt xuôi tay vẫn còn cố dặn dò rằng "này, nhớ đưa ta về nước nhá, đừng để nắm xương tàn này nát nơi đất khách", huống chi là cụ Hồ Nguyên Trừng....





    ReplyDelete
  3. Về Hồ Nguyên Trừng thì em chỉ biết qua quyển Hồ Quý Ly của bác Nguyễn Xuân Khánh. Đó là một cuốn tiểu thuyết lịch sử rất hay. Chắc anh Linh và các bác ở đây đã đọc rồi.

    Cứ theo cuốn tiểu thuyết đó thì Hồ Nguyên Trừng là một người có tâm hồn nhạy cảm, yêu nghệ thuật... và cũng không có nhiều tham vọng nên Hồ Quý Ly đã đưa con thứ là Hồ Hán Thương lên ngôi vua.

    ReplyDelete
  4. Ồ em cứ tưởng ông Trương Thái Du tầm U60, hoá ra cũng không đến nỗi thế

    ReplyDelete
  5. @Tung: Hồ Quy Ly đưa Hồ Hán Thương lên thay thì lý do quan trọng nhất vì Hán Thương là con công chúa nhà Trần, là cháu ngoại vua Trần nên đưa Hán Thương sẽ hợp lý cả về nội trị (an lòng những người ủng hộ họ Trần) và cả ngoại giao (với Trung Quốc, lấy lý do họ Trần tuyệt tự nên phải đưa cháu ngoại lên).
    À mà anh cũng thích cuốn Hồ Quý Ly, văn hay và đẹp, cách kể chuyện cũng khá mới mẻ, vừa ngôi thứ ba vừa ngôi thứ nhất.

    ReplyDelete