Wednesday, December 5, 2007

Entry for December 05, 2007

Đọc trên Thi Viện một số bài thơ bác Phạm Tiến Duật, thấy thơ bác hay, sáng tạo, mạch lạc, bên cạnh những cảm xúc lãng mạn và sôi nổi của một thời. Chỉ tiếc là không hiểu sao, không thấy có mấy bài được bác Duật viết vào thời bình được nhiều người biết?

Post ở đây một bài của bác (các bài như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và Tiểu đội xe không kính thì nhiều người biết rồi). Bài này đọc mấy câu đầu thấy bình bình, nhưng đến khổ thứ ba đọc hai câu “Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay. Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá” thì chợt giật mình.


Cô bộ đội ấy đã đi rồi img


Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau

Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua

Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn

Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo
Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè

Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay

Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.


Gần ngày bác Phạm Tiến Duật ra đi còn có sự ra đi của các bác Chính Hữu và bác Vũ Cao, hai nhà thơ thời chống Pháp. Bác Chính Hữu có bài Đồng chí hồi trước học trong sách giáo khoa lớp 9 nhưng bài đó thì mình không thích lắm, mặc dù giờ nghĩ lại thì đó cũng là một bài thơ hay. Bác Vũ Cao có bài Núi đôi “Núi vẫn đôi mà anh mất em”, có lẽ là một trong những bài sớm nhất (và hay) về mất mát trong chiến tranh của người Việt (cùng với bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan).

Hồi xưa mình đọc bài này và bài “Quê hương” của Giang Nam in kế tiếp nhau trong một quyển sách giáo khoa môn văn của anh trai. Hai bài có chủ đề tương tự nhau, lúc đó cứ nghĩ xem bài nào trong hai bài cảm động hơn.

13 comments:

  1. Về bài thơ:

    Cả một thời chiến đấu gian khổ lạc quan cách mạng, hy sinh hết tuổi thanh xuân và cuộc sống/nhu cầu riêng tư - yêu không dám yêu, buồn tiểu tư sản không dám buồn, đói khát không dám than... để đổi lấy hiện thực hôm nay. Món nợ thật là quá lớn :(

    Sao thơ thời ấy khẩu khí và tinh thần giống nhau vậy nhỉ? Đọc thấy tồi tội, xót xa ... Thấy như có nhiều người bị lừa ...

    ReplyDelete
  2. Trong mấy ngày mà các nhà thơ Vũ Cao, Phạm Tiến Duật và đạo diễn Khánh Dư đi.

    nếu mỗi người là một ngôi sao thì mình có nhìn thấy ngôi sao nào rơi xuống không nhỉ?

    em tự nhiên nghĩ lẩn thẩn, rằng một thế hệ của văn đàn VN cứ dần mất đi, sau 30 năm nữa, hoặc 40 năm nữa, sẽ là ai được nhắc đến khi từ trần nhỉ?

    bác CVD hay VHL?

    em thấy nhiều người giỏi, nhưng thiếu đam mê và sống chết vì đam mê quá.

    Nên cứ hay buồn khi nghe tin một ai đó lấy vợ hoặc chồng, hoặc làm gì đó vì tiền nhiều hơn là nuôi năng lực sáng tạo của họ...

    Có phải vì no đủ và nhiều cám dỗ cùng các cơ hội dễ dàng quá không?

    ReplyDelete
  3. Nghe cô giáo và một vài tiền bối bảo: bác Duật thời bình có khá nhiều rắc rối mang màu sắc chính trị.

    ReplyDelete
  4. Cái bài thơ ni được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20 (một cuộc bình chọn rất eo xèo, và chính bác P.T.D cũng không hài lòng lắm về sự bình chọn đó và cả bài thơ đó nữa - vì theo bác Duật thì có một số bài thơ khác của bác hay hơn Cô bộ đội ấy đã đi rồi). Nhưng đọc đến hai câu “Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay. Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá" thì đúng là "giật mình" :)

    ReplyDelete
  5. Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
    Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ...

    2 câu này nghe thương nhỉ :(

    ReplyDelete
  6. Vòng trắng

    Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
    Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
    Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
    Cái im lặng bình thường đêm sau chiến tranh.

    Có mất mát nào lớn bằng cái chết
    Khăn tang vòng tròn như một số không
    Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
    Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.

    1-1974

    ReplyDelete
  7. NHỚ

    Cái vết thương xoàng mà đi viện
    Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
    Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến
    Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

    ReplyDelete
  8. @Cát Khuê: Bạn Cát Khuê này hay buồn ghê. Người ta lấy vợ lấy chồng bạn cũng buồn là sao nhỉ? Vẫn có nhiều người giỏi, thừa đam mê, sống chết vì đam mê mà

    ReplyDelete
  9. Tất nhiên các bác ấy ra đi thì mình không vì thế mà lấy đó làm vui. Nhưng mình thấy các bác ấy cũng thường, với lại tài năng đến đâu thì lúc trẻ đã tuôn ra đến đấy rồi, tới lúc già thì cạn vốn, không hợp hoàn cảnh thời đại, lại đã thấm nhiều đòn, đã biết sợ là gì - nên nếu có sống thêm 80 năm nữa các bác ấy cũng sẽ chẳng mần được cái chi chi.

    Với lại, người ta sống cực khổ hàng chục năm, chẳng ai quan tâm đoái hoài, đến khi gần chết, mê man chẳng còn biết gì thì thiên hạ bắt đầu thương cảm, hoài niệm, tặng thưởng huân chương. Tấn trò đời muôn đời vẫn thế.



    ReplyDelete
  10. @Minh Minh: Hihi, hình như chưa thấy bạn Minh Minh khen thơ/văn của ai thì phải :)). Tớ thấy thơ Phạm Tiến Duật có một số bài thực sự hay đấy chứ.
    @Cát Khuê: Lấy vợ lấy chồng với lại có nhiều tiền thì càng tốt chứ. Có phải nghệ sĩ chỉ sáng tạo được khi cô đơn và khi nghèo khổ đâu?

    ReplyDelete
  11. Tớ khen nhiều chứ, nhưng hễ chê là bác Linh lại đọc thấy :D Ở trên tớ nói bác Duật cũng thường là bảo bác ấy là nhà thơ cũng thường chứ không có ý chê mấy bài trên là dở. Chính ra bác Duật chết lại là hay cho bác ấy, chứ không, lại tỉnh dậy, lại sống như thường, thì mọi sự lại hoá ra hài kịch. Kiểu như Kinh Kha tối hôm trước còn từ biệt tất tần tật cảm động vô cùng để sang sông giết Tần vương, hôm sau lại ngủ quên, nên trễ đò.

    ReplyDelete
  12. Điều nữa là các nhà thơ VN thời chiến thì tầm như bác Duật chưa sánh nổi Nguyễn Bắc Sơn. Tuy nhiên Nguyễn Bắc Sơn lại ít được người đọc thơ VN biết.

    ReplyDelete
  13. @ Minh Minh: Nguyễn Bắc Sơn ít được người... Bắc biết thôi. Chứ người Nam vẫn biết, và nhớ, nhiều phết, ít ra là lớp người có tuổi...

    ReplyDelete