Wednesday, November 26, 2008

Entry for November 26, 2008

Bài này viết cho báo từ đầu tháng 9 nhưng xem ra tới giờ tình hình ở Thái Lan vẫn chưa có gì biến chuyển. Tháng 9, PAD biểu tình đòi hạ bệ Samak, tháng 11 đối tượng của họ là Somchai.


Sóng gió Thái Lan

Trong hai tuần qua, chính trị Thái Lan trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới.

Nếu ai từng đến Thái Lan hẳn có cảm giác đây là một đất nước hiền hòa, nơi có những người dân luôn thân thiện và có nụ cười dễ mến, với những ngôi chùa cổ kính tỏa ánh sáng màu vàng giữa nền trời trong xanh. Thái Lan cũng nổi tiếng là đất nước có nền chính trị và ngoại giao khôn ngoan. Trong thời kỳ xâm chiếm thuộc địa của thực dân phương Tây, ngoài Nhật Bản và Trung Quốc thì Thái Lan là nước duy nhất giữ được độc lập ở châu Á-Thái Bình Dương, nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo ở giữa Pháp, Anh và Nhật. Trong suốt ba thập niên từ 1950 tới 1970, trong khi cả khu vực Đông Nam Á sôi sục với những cuộc chiến tranh khốc liệt ở Đông Dương, nội chiến và bạo động ở Malaysia, ở Philippines, ở Indonesia… thì nền chính trị Thái Lan vẫn khá phẳng lặng, dưới nền quân trị lập hiến mà người đứng đầu về mặt hình thức là quốc vương Bhumibol Adulyadej. Từ năm 1932 tới năm 1973, nước này nằm dưới sự cai trị của các tướng lĩnh. Cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên năm 1973 tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đã khiến chế độ độc tài quân sự ở nước này bị sụp đổ và mở đường cho việc Thái Lan bước vào nền dân chủ. Nhưng dù tương đối hòa bình so với các nước khác cùng khu vực nhưng nền chính trị Thái Lan lại mắc một căn bệnh trầm trọng: đó là bệnh đảo chính của giới quân sự. Nếu tính từ năm 1932 tới nay thì đã có 18 cuộc đảo chính do giới quân sự Thái Lan tiến hành.

Trong khi đó, những mâu thuẫn trong lòng đất nước này ngày càng trở nên gay gắt. Ở miền Nam Thái Lan, nơi giáp biên giới Malaysia và có tỷ lệ dân số theo Hồi giáo cao, xảy ra nhiều cuộc nổi dậy và khủng bố của người Hồi giáo. Từ năm 2004 tới nay, ước tính đã có 2700 người thiệt mạng do xung đột giữa chính quyền Thái Lan và lực lượng ly khai Hồi giáo ở miền Nam nước này. Chính quyền Thái Lan cáo buộc hệ thống các nhà hàng bán mỳ Tom yum ở Malaysia (mà chủ nhân đa phần là người Thái theo đạo Hồi) đứng đằng sau tài trợ cho lực lượng chống đối, nhưng phía Malaysia phủ nhận cáo buộc này của Thái Lan.

Thực ra mâu thuẫn khiến bạo lực xảy ra ở miền Nam Thái Lan không đơn thuần là lý do tôn giáo mà còn cả lý do kinh tế. Ba tỉnh miền Nam Thái Lan nơi hay xảy ra bạo động cũng là những tỉnh nghèo nhất nước này. Trên một góc độ khác, mâu thuẫn kinh tế giữa thành thị và nông thôn Thái Lan là nguồn gốc chủ yếu của những bất ổn trong nội bộ nước này thời gian gần đây. Khoảng 50% dân số Thái Lan sống bằng nông nghiệp, thế nhưng nông nghiệp Thái Lan chỉ đóng góp khoảng 11% GDP. Trong thập niên 1990, trước khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ 1997, Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ 9-10% mỗi năm, nhưng hầu hết tăng trưởng xảy ra tại các khu vực chế biến, du lịch và bất động sản, và nhờ vào đầu tư nước ngoài.

Kết quả là những thành tích tăng trưởng kinh tế của Thái Lan hầu hết đều rơi vào tay cư dân đô thị. Theo Báo cáo Phát triển Thế giới 2008 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo đói ở đô thị tại Thái Lan giảm nhanh hơn ở nông thôn tới 3,7 lần từ năm 1970 tới năm 1999. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao, khiến Thái Lan trở thành một trong những nước có chênh lệch thu nhập thành thị-nông thôn cao nhất châu Á. Cứ 10 người nghèo ở Thái Lan thì có tới 9 người sống ở nông thôn. Trong khi 1/10 dân số giàu nhất Thái Lan- và hầu hết ở thành thị- có thu nhập bằng 1/3 tổng thu nhập toàn quốc thì 1/10 dân số nghèo nhất Thái Lan (hầu hết đều ở nông thôn) chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu nhập. Bất bình đẳng lại càng trở nên gay gắt trong vài năm gần đây. Trong hai năm 2005 và 2006, sản lượng nông nghiệp nước này giảm 10%, khiến đời sống người dân nông thôn ngày càng khốn đốn hơn. Sự bất bình đẳng đó là nguyên nhân những bất mãn âm ĩ trong dân cư nông thôn, dự báo những đám cháy có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

Thế nhưng quyền lực chính trị ở Thái Lan hầu hết đều nằm trong tay cư dân đô thị. Năm 2001, nhà tỷ phú viễn thông Thaksin Shinawatra, lãnh tụ đảng Người Thái yêu người Thái (Thai Rak Thai), tranh cử với những hứa hẹn ưu tiên phát triển nông thôn và hỗ trợ người nghèo như hoãn nợ ba năm cho nông dân, hỗ trợ tín dụng 1 triệu Bạt Thái (gần 30.000 USD) cho tất cả các làng và đảm bảo y tế toàn diện cho người dân. Nhờ những chương trình này, ông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành ở các vùng nông thôn, và thắng cử năm 2001. Năm 2005, ông Thaksin lại tái đắc cử lần nữa vẫn nhờ sự ủng hộ của người dân nông thôn.

Tuy nhiên, chính phủ của ông Thaksin không nhận được sự ủng hộ của giới trung lưu, thượng lưu và công nhân ở đô thị, và cũng không được quân đội- lực lượng vốn có truyền thống ảnh hưởng sâu sắc tới chính trị Thái Lan- ủng hộ. Ông Thaksin cũng bị các đảng đối lập tố cáo là tham nhũng, lạm quyền, mua phiếu bầu và vi phạm nhân quyền. Tháng 9/2006, một nhóm các tướng lĩnh tiến hành đảo chính đối với chính phủ của Tổng thống Thaksin, giải tán đảng Người Thái yêu người Thái và thông qua Hiến pháp mới vào năm 2007.

Sau khi đảng Người Thái yêu người Thái bị giải tán, nhiều người ủng hộ ông Thaksin thành lập đảng mới, lấy tên Đảng Quyền lực Nhân dân do ông Samak Sundaravej lãnh đạo. Trong cuộc bầu cử tháng 12/2007, đảng Quyền lực Nhân dân trúng cử và ông Samak trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan. Và một lần nữa, chính trường Thái Lan lại náo động.

Ngày 26/8/2008, hàng ngàn người ủng hộ đảng đối lập, Liên minh Dân chủ Nhân dân (PAD) biểu tình và chiếm giữ Dinh Chính phủ Thái Lan tại Bangkok, đòi chính phủ của ông Samak Sundravej phải từ chức. Ngày 2/9, một nhóm ủng hộ chính phủ, trong đó có nhiều người từ các vùng nông thôn kéo ra thủ đô, đã xung đột với những người ủng hộ PAD trong một trận chiến trên đường phố khiến ít nhất một người thiệt mạng. Lực lượng PAD cáo buộc chính phủ của ông Samak chỉ là bình phong cho cựu T
hủ tướng Thaksin và đòi cấm đảng của ông Samak hoạt động. Thậm chí PAD còn đòi sửa đổi luật bầu cử, để 70% các đại biểu quốc hội sẽ do chỉ định chứ không phải được bầu, viện lý lẽ rằng dân cư nông thôn nhiều nơi còn tăm tối, không đủ trình độ để đi bầu! Hầu hết những người ủng hộ PAD đều thuộc giới trung lưu hay thượng lưu ở đô thị.

Mặc dù tên của PAD là Liên minh Dân chủ Nhân dân nhưng không phải họ ủng hộ nền dân chủ thực sự. Lãnh tụ PAD Sondhi Limthongkul phát biểu với báo Time (Mỹ): “Ở phương Tây, dân chủ được coi là hệ thống tốt nhất. Nhưng ở Thái Lan, chúng tôi chỉ có cái vòng luẩn quẩn những nhà lãnh đạo tham nhũng, ham quyền cố vị. Hệ thống này không hữu hiệu ở đây.” Hay như lời một người ủng hộ PAD nói với báo Time “Nếu dân chủ đưa lại Samak, tôi không cần dân chủ. Chúng tôi sẽ tìm ra cách khác”.

Có một “cách khác” từng được đưa ra năm 2006, khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Thaksin và cấm đảng của ông này hoạt động. Nhưng trong năm 2008, quân đội tuyên bố sẽ không đảo chính. Thật may mắn, phe đối lập đã tìm ra một điểm yếu của ông Samak, đó là sở thích nấu ăn của ông. Ông Samak từng nhiều năm tham gia dạy nấu ăn trên truyền hình, bên cạnh việc làm chính trị gia. Khi lên làm Thủ tướng, ông vẫn tham gia dạy nấu ăn trong bốn buổi diễn và nhận số tiền thù lao 2400 đô-la Mỹ, mà không hay biết (hay không quan tâm) rằng theo Hiến pháp mới được chính phủ quân sự đưa ra năm 2007, Thủ tướng bị nghiêm cấm làm thuê cho các tổ chức, cá nhân khác. Và ngày 9/9 vừa qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã buộc ông Samak Sundaravej phải từ chức Thủ tướng, viện lẽ rằng việc dạy nấu ăn của ông trên truyền hình là vi hiến.

Dù chính phủ của ông Samak sụp đổ nhưng tới thời điểm này, PAD vẫn chưa muốn ngừng các hoạt động biểu tình của họ, cho tới khi có vị Thủ tướng mới “hợp nhãn” họ. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan hiện tạm dịu xuống nhưng những mâu thuẫn nội tại trong nền chính trị nước này vẫn hết sức gay gắt. Tiềm ẩn trong đấy là sự xung khắc giữa tầng lớp trung lưu-thượng lưu ở đô thị với dân nghèo ở nông thôn. Chừng nào Thái Lan còn chưa giải quyết được thích đáng, hài hòa sự phát triển giữa đô thị với nông thôn, giữa đời sống của nông dân và giới trung lưu ở thành phố thì những bất ổn của nước này, dẫu có tạm lắng xuống, vẫn luôn sẵn sàng trào lên bất cứ lúc nào và nghiến ngấu hết những thành quả kinh tế-xã hội mà nước này từng có được.

10 comments:

  1. bai nay deep day

    va free

    how can it be?

    ReplyDelete
  2. Đây là kinh nghiệm tuyệt vời cho người VN, nếu trí thức VN biết quan sát và rút ra những bài học không cần học phí!

    ReplyDelete
  3. tôi thấy đây là bài học CP chứ, nhưng ở VN đâu có đa đảng :)

    ReplyDelete
  4. Bài viết của bác Linh tốt thật. Và đáng buồn là đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự :D.

    Xem tình hình Thái Lan, đầu tiên, tôi lại nghĩ đến mô hình Lưỡng Viện hôm trước có bàn qua. Nếu Thái Lan có hai Viện, với Thượng Viện bảo vệ quyền lợi của thiểu số (ở đây là dân cư thành thị giầu có) thì những người biểu tình sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên một diễn đàn dân chủ và văn minh, chứ không phải ra đường dùng bạo lực để ủng hộ những yêu sách lạc hậu. Tất nhiên, đối thoại chỉ có thể thực thi được khi có một giải pháp dung hòa về chuyện lấy tiền người thành thị để phân phát cho nông thôn, theo hướng Thak Sin đã làm nhưng không cấp tiến bằng, và cũng không bị bòn rút nhiều nữa. Còn nếu những người biểu tình thực sự muốn giữ mãi vị thế kinh tế của họ so với phần đông dân cư nông thôn, thì đúng là không có giải pháp nào khác ngoài một cuộc xung đột bạo lực.

    Thứ hai, tôi nghĩ đến chuyện hoàng gia Thái Lan nên thoái vị, hoặc chí ít cũng rút lui hoàn toàn khỏi chính trường. Không thể có dân chủ theo bất cứ kiểu gì, nếu như hoàng gia vẫn còn dính dáng đến chính trị. Ví dụ, quân đội thường là đứng ra bảo vệ chế độ (bất cứ chế độ gì), nhưng ở Thái thì quân đội nếu không đảo chính cũng khoanh tay nhìn, vì phe đối lập có sự hậu thuẫn của hoàng gia. Nếu như hoàng gia dũng cảm rút hoàn toàn khỏi môi trường chính trị, như ở Anh hay Nhật, thì hệ thống dân chủ hiện nay, cho dù lập bập, trục trặc, rối rắm, vẫn còn có khả năng dần tự sửa để hoạt động được.

    ReplyDelete
  5. Mình thấy việc Vua Thái Lan thoái vị không giải quyết được gì cả. Không những thế nó còn có thể gây ra khủng hoảng niềm tin đối với cả dân tộc Thái. Người Thái rất tôn sùng đức vua và nghe theo đức vua, từ người nghèo đến người giàu, không kể đảng phái (hoặc ít ra trên public tất cả các thành phần chính trị đều tỏ ra như vậy). Chính vì thế đức vua cũng không đứng hẳn về phe nào, miễn là không có bạo lực đẫm máu.

    Mình vẫn nghiêng về việc Thaksin quay về, tình hình hiện nay chỉ có ông ta mới có thể giải quyết được.

    ReplyDelete
  6. @Tề Phi: Ơ, check lại thì Thái Lan thực ra có lưỡng viện, trong đó Thượng viện có 76 người là được bầu (mỗi tỉnh một người), 74 là do Thượng viện đề cử và thông qua, chủ yếu từ tầng lớp trí thức, chuyên gia. Như vậy rõ ràng Thượng viện Thái Lan nằm trong tay giới trung lưu đô thị rồi.

    Nhưng dù có Thượng viện nghiêng về mình (và cả Tòa án) nhưng giới trung lưu đô thị vẫn xuống đường lật đổ chính phủ, có lẽ vì lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, họ bị mất quyền lực dưới tay Thủ tướng Thaksin bằng con đường dân cử. Nhưng qua các sự kiện ở Thái Lan có thể thấy giới trung lưu nước này-là giới lẽ ra coi trọng dân chủ hơn cả- hoàn toàn không tôn trọng dân chủ như là một nguyên tắc tổ chức chính quyền, bất chấp việc nền dân chủ Thái Lan đã tồn tại hơn 60 năm (ít nhất là về mặt hình thức) và được xây dựng theo mô hình Anh-Mỹ là những mô hình coi trong dân chủ và pháp quyền ở mức độ cao nhất có thể.

    Cũng có thể vì ảnh hưởng của nhà vua quá lớn, và người dân Thailand có truyền thống coi trong đức Vua, coi Hoàng gia-chứ không phải là nguyên tắc dân chủ- là nhân tố có tác dụng ổn định chính trị. Một lý do cho việc này là tuy Thailand mang tiếng là dân chủ nhưng thực chất các chế độ junta (độc tài quân sự) thay nhau nắm quyền ở nước này và đảo chính liên miên khiến cho Hoàng gia trở thành nhân tố duy nhất có tính bền vững trong nền chính trị nước này. Nhưng nhà vua Thailand hiện giờ, dù rất được kính trọng thì cũng chỉ là nhân tố hàn gắn hời hợt tạm thời. Như ở Cambodia khi xưa, tại sao Khmer Đỏ từ một lưc lượng yếu ớt phải nhờ vào Bắc Việt là chủ yếu, lại trở thành lực lượng mạnh mẽ sau một thời gian ngắn từ khi Lonnon đảo chính?. Đó là vì những hố sâu ngăn cách ở Cambodia giữa dân thành thị và dân nông thôn rất lớn, và dân nông thôn trước đó sở dĩ chịu đựng, không ủng hộ Khmer Đỏ nhiệt tình là vì họ vẫn kính trọng nhà vua Sihanoux với tư cách cá nhân, và tôn trọng Vương quyền như là một truyền thống. Nhưng khi Sihanoux bị lật đổ thì tác nhân trung gian ấy mất đi, và Cambodia chìm đắm trong cuộc nội chiến khốc liệt. Ở Thailand, tình hình cũng có phần giống, nếu vị vua hiện nay 0đã già yếu- chết đi, không lấy gì làm chắc rằng bạo lực sẽ không xảy ra trên diện rộng ở nước này, khi người dân nông thôn thấy rằng lá phiếu của họ (cho các chính trị gia dân túy Thaksin, Samak, Sonchai) không có giá trị gì trong một nền dân chủ.

    Giải pháp có lẽ phải là từ sự nhượng bộ của PAD. Hiện nay PAD đang rất kiêu ngạo vì họ có lực lượng mạnh, có tổ chức, có tài chính, có Hoàng gia ngấm ngầm hỗ trợ, có quân đội thẳng thừng lên tiếng không ra tay. Chỉ có ở Thailand mới có chuyện Thủ tướng phải trốn ra sân bay vì văn phòng Chính phủ bị người biểu tình chiếm giữ mà không dám có biện pháp cứng rắn với họ. Trong khi đó, nếu nhìn vào cách thức quân đội, cảnh sát Thailand đối xử với người dân các tỉnh miền Nam, nơi chủ yếu là nông dân nghèo và tỷ lệ Hồi giáo tương đối cao, có thể thấy đó là một bức tranh hoàn toàn khác biệt. Cách đây vài năm có sự kiện cảnh sát Thái nhốt hàng chục người biểu tình ở các tỉnh phía Nam vào xe và sau đó những người này đều bị chết ngạt do quá chật chội thiếu dưỡng khí.

    ReplyDelete
  7. Anh viết thật là hay.

    Toà Án Hiến Pháp Thái Lan nghiêm quá, ổng dạy nấu ăn mà cũng bắt ổng từ chức. Ở VN nhiều ông to có làm j đi nữa cũng chả ai bắt mấy ổng từ chức. :I

    ReplyDelete
  8. Bài này anh viết hay, súc tích :) Cho điểm 10 nhé !

    Mình rất yêu Thái Lan, nhưng các bạn ấy cứ đảo chính hoài thế này thì không biết đến lúc nào mới có cơ hội quay trở lại thăm TL được ? :(

    Nói đến Thái Lan là thèm canh tôm chua với xoài xanh giòn chấm muối ớt ... Mình rất chi là tệ, chỉ nhớ miếng ngon chứ chả quan tâm đến chính trị gì cả. Hì hì.

    ReplyDelete
  9. Là một fan của cựu thủ tướng Thái Lan, ông Thaksin, Vỹ có đọc một số tác phẩm nghiên cứu về nền chính trị Thái và ông Thaksin. Trong đó, Vỹ vẫn nhớ rất rõ 1 nhận định về giai đoạn ông Thaksin tham gia chính trường và thiết lập ảnh hưởng của mình tới nền chính trị và xã hội Thái. Đó là, "nền chính trị được tạo dựng bằng tiền bạc, hay còn gọi là nền chính trị dân tuý".

    Sau khi ông Thaksin tham gia chính trường nhiều nhóm - phái - đảng chính trị ở Thái đã mất khả năng cạnh tranh qua con đường bầu cử. Vì nhiều ý tưởng hoặc chương trình được ông Thaksin và đảng người Thái yêu người Thái thực hiện trước đó đã dành được "trái tim" của dân nghèo, nông dân, lực lượng cử tri chiếm đa số trong mọi cuộc bầu cử sau đó ở Thái Lan.

    Ví dụ như ý tưởng hay mục tiêu của ông Thaksin là đưa Thái từ thế giới thứ 3 lên thế giới thứ nhất, theo nguyên tắc Quản trị quốc gia như quản trị một doanh nghiệp.

    Đặc biệt là chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 1 triệu bạt cho mỗi làng - xã, để phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Hay, để thực hiện mục tiêu mỗi địa phương có một sản phẩm cạnh tranh toàn cầu, ông Thaksin đã sử dụng nhiều doanh nhân thành đạt làm Tỉnh trưởng...

    Ngoài ảnh hưởng chi phối nền chính trị Thái, thì "nút thắt" dẫn đến việc quân đội đảo chính và Thái bước vào giai đoạn khá bất ổn về chính trị . Là ý định chi phối quân đội Thái của ông Thaksin, cũng như "bê bôi" chuyển nhượng tập đoàn ShinCorp, của gia đình ông Thaksin, do vợ ông điều hành sau khi ông tham chính, cho tập đoàn Temasek của chính phủ Singapo.

    ReplyDelete