Tuesday, November 4, 2008

Entry for November 04, 2008

Quick Note:

+ Hình như vẫn có một số lầm lẫn về khái niệm đại cử tri (electoral college). Ở đây có vài ý:

1. Đại cử tri có phải là người không, hay là một cơ chế? Ở đây cả hai đều đúng: electoral college là cơ chế nhưng elector thì lại là người.

2. Đại cử tri có được vote khác ý nguyện của dân chúng không? Câu trả lời là không. Trước khi đăng ký, đại cử tri phải cam kết sẽ ủng hộ ứng cử viên nào, và phải tuân thủ cam kết đó. Lấy ví dụ, giả sử quận Cam có 1 phiếu đại cử tri, sẽ có 2 người đăng ký làm đại cử tri, một đại diện cho McCain, một cho Obama. Dân chúng sẽ bầu cho Obama hay McCain, nếu số người bầu cho McCain nhiều hơn ở quận Cam thì phiếu đại cử tri của quận này sẽ thuộc về McCain. Như vậy, vai trò của đại cử tri không có tính độc lập, dù đại cử tri đúng là người thật, mà phụ thuộc vào nguyện vọng của cử tri nơi họ sống.

Trên nguyên tắc, thì đại cử tri vẫn có thể "bội tín" bằng cách bầu cho người khác với cam kết của mình. Ví dụ tuy cử tri quận Cam bầu cho McCain, nhưng đại cử tri tuyên thệ bầu cho McCain ở quận này lại quyết định lật kèo bằng cách bầu cho Obama. Tuy nhiên trường hợp này cực kỳ hãn hữu trong lịch sử, mới chỉ có một vài trường hợp trong lịch sử mấy trăm năm bầu cử ở Mỹ, và đều không làm ảnh hưởng kết quả bầu cử. Để chống lại trường hợp này, hầu hết các bang cũng đưa ra luật cấm việc đại cử tri "bội tín" bằng cách bầu cho người khác với cam kết của mình.

Chính cái tính chất đại cử tri vừa là người, vừa không phải là người này khiến cho hệ thống bầu cử của Mỹ có vẻ bề ngoài phức tạp, gây ra nhiều hiểu lầm. Có người thì hiểu rằng đại cử tri có thể bầu khác với cử tri khu vực họ đăng ký, có người lại hiểu rằng không có người nào là đại cử tri mà đó chỉ là một hệ thống. Cả hai cách hiểu đều không chính xác.

3. Tại sao ở nhiều bang có tình trạng người ta cho rằng có đi bầu hay không đi bầu cũng không ảnh hưởng tới kết quả bầu cử? Vì hầu hết các bang đều theo luật người thắng thắng tất. Ví dụ bang California có 57 phiếu đại cử tri, nếu Obama được 35 phiếu, còn McCain được 22 phiếu thì cả 57 phiếu đại cử tri bang này đều sẽ về tay Obama. Do ở một số bang có tỷ lệ nghiêng hẳn về một bên, ví dụ như California là bang có truyền thống bầu cho Dân chủ nên nhiều người ủng hộ McCain sẽ nghĩ là mình có đi bầu cũng chẳng thay đổi được kết quả vì nếu thay vì McCain được 22 phiếu đại cử tri, ông ta có được 25 phiếu đi nữa thì bang này vẫn về tay Obama. Nếu nước Mỹ thay đổi luật bầu cử bằng cách tính số phiếu đại cử tri các ứng cử viên có được từ mỗi bang theo số thực tế được bầu cho họ, thay vì hệ thống người thắng thắng tất, có lẽ sẽ khuyến khích nhiều người tham gia đi bầu hơn, và khuyến khích sự hiện diện của các đảng nhỏ trong các kỳ bầu cử. Quy chế người thắng thắng tất còn gây ra sự mất cân xứng trong các chiến dịch bầu cử, bởi các ứng cử viên sẽ giành nhiều thời gian và tiền bạc cho việc vận động tranh cử ở các bang mấp mé (swing states) thay vì các bang đã rõ ràng là theo Dân chủ hay theo Cộng hòa.


+ Sự nghi ngờ của lịch sử đã được xác nhận: Phân tích mẫu tóc cho thấy Hoàng đế Quang Tự- người cùng Khang-Lương-Đàm thực hiện cuộc cải cách 100 ngày trước khi bị phe bảo thủ của Từ Hy Thái Hậu làm đảo chính lật đổ - bị đầu độc bằng arsenic ngay trước khi Từ Hy qua đời. Số phận bi thảm của một nhà cải cách thất bại.

Chinese emperor was poisoned with arsenic

9 comments:

  1. Cám ơn về sự giải thích ! Tui đang ngóng chờ đây ! Nhưng thấy dân vùng MA nơi tui đang ở có vẻ thờ ơ với chuyện vote này quá ! Vì vậy tui bị hiểu lầm là vì họ (cử tri )không có quyền quyết định mà phụ thuộc vào Đại cử tri !

    ReplyDelete
  2. có vẻ như mấy swing states sôi động hơn, vì vote của họ quan trọng hơn trong 'ván bài lật ngửa', chứ như CA thì quá nghiên về Obama, còn Texas thì đậm mùi John McCain rùi, đâu có cần bàn cãi gì nữa.

    ReplyDelete
  3. Em cũng nghĩ proportional có lẽ là fair hơn. Trong đợt bầu cử bang năm nay Đảng truyền thống tư bản bảo thủ của Bayern là CSU không chiếm được đa số, nên buộc phải liên kết với FDP (có khoảng 10%) là Đảng được coi như liberal và trí thức hơn. Nói chung cho dù FDP không thể nắm quyền nhưng qua liên minh họ sẽ đưa vào được các chính sách của họ, ít nhất là phải có thảo luận. Ở mức liên bang cũng thế, chả Đảng nào chiếm đa số cả mà đều buộc phải liên minh.

    ReplyDelete
  4. Thật đáng tiếc (cho Việt Nam) vậy. Quang Tự là tấm gương hay cái gương? Muốn "vô sự tiểu thần tiên" đâu phải dễ.

    Thanks for the link.

    ReplyDelete
  5. The winner takes it all - The loser standing small - Beside the victory... cũng thường được bọn CH áp dụng tại vòng sơ loại vừa qua. Còn kiểu ăn chia theo tỉ lệ % phiếu phổ thông thì bọn Dân chủ vừa áp dụng tại sơ loại.

    ReplyDelete
  6. Tại sao Việt Nam ta lại cứ luôn bỏ lỡ các cơ hội cách tân thế nhỉ? Cải cách của Vương An Thạch cũng không ảnh hưởng nhiều đến nước ta (ngoại trừ phép Thanh Miêu). Trần Thủ Độ rồi Hồ Quý Ly cũng chẳng làm được gì nhiều. Rồi sang đến đời chúa Nguyễn Phúc Ánh, nếu cách mạng tư sản Pháp không nổ ra vào năm 1789 và Pháp thực hiện đúng cam kết tương trợ quân sự với chúa Nguyễn, lịch sử nước ta có lẽ đã khác. Nếu thực dân Pháp chấp nhận thỉnh cầu của cụ Hồ, nước ta có lẽ sẽ tránh được mấy chục năm binh lửa. Rồi sau đó, chúng ta cũng chẳng đón được “làn gió” đổi mới từ cách mạng mùa xuân của Hung, từ những cách tân mạnh mẽ của Nga một cách hoàn toàn, chỉ toàn học mấy cái dỡ chết người của các đồng chí Tàu Khựa. Tất nhiên, trong lịch sử không nên nói đến chữ “nếu”, nhưng hình như “số phận” nước ta hơi xui xẻo thì phải! Vài lời lạm bàn, mong được thỉnh giáo!

    ReplyDelete
  7. Cám ơn anh thông tin về Quang Tự.Thực ra, kết quả này chỉ là cái đinh được gim vào bức trang vốn đã dính trên tường từ lâu.Ông Quang Tự có số phận "bi thảm" đó vì đen đủi bị (Từ Hy và phe Khang Lương) chọn cho vai diễn này, ai được chọn sẽ có chung số phận thôi.

    ReplyDelete
  8. Anh Linh viết 'Để chống lại trường hợp này, hầu hết các bang cũng đưa ra luật cấm việc đại cử tri "bội tín" bằng cách bầu cho người khác với cam kết của mình.'

    Như vậy cụ thể là vẫn có những bang không ban hành luật này đúng không ạ? Nếu anh có thông tin cụ thể là bang nào không có luật này thì cho em xin nhé. Xin cảm ơn anh.

    ReplyDelete
  9. Vậy tại sao trong trường hợp bầu TT năm 2004, số phiếu phổ thông lại ảnh hưởng đến kết quả bầu cử ạ? Và việc bầu cho các ứng viên tự do thì ntn? Các ứng viên tự do có được bầu phiếu đại cử tri không ạ?
    Thx anh ^^!

    ReplyDelete