Tuesday, November 11, 2008

Entry for November 11, 2008

Một trong những vấn đề lớn nhất của quản lý kinh tế ở Việt Nam là quá xem trọng công tác "dự báo". Khi phê bình, người ta phê bình Chính phủ hay các bộ ngành "dự báo sai". Khi nhận khuyết điểm, các quan chức sẽ nhận sai trong việc "dự báo". Khi đổ lỗi, các quan chức cũng đổ lỗi cho việc "dự báo sai".

Ví dụ 1: Chính quyền Hà Nội đổ cho dự báo thời tiết sai, cơ quan dự báo thời tiết thì cho rằng không thể dự báo chính xác và cả thế giới đều thế.

Ví dụ 2: Quốc hội và các bộ ngành đổ lỗi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì Bộ này dự báo sai tình hình kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đổ lỗi rằng suy thoái năm nay cả thế giới đều dự báo sai, chứ chẳng phải mình ông.

Ví dụ 3: Chủ tịch Quốc hội chê trách Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp vì công tác dự báo sai, dẫn tới việc Việt Nam cấm bán gạo ra nước ngoài khi giá gạo cao và giờ khi giá rớt thì bán chẳng ai mua, khiến nhiều nông dân khốn đốn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng thẳng thắn xin nhận mọi hình thức kỷ luật do "dự báo sai".

Tóm lại là chính phủ nên tuyển mộ các thầy bói, thầy chiêm tinh để bổ sung cho đội ngũ công chức, nhằm nâng cao hiệu quả công tác "dự báo". Nếu xảy ra sự cố gì, ví dụ kinh tế tăng trưởng thấp hơn kế hoạch, lạm phát cao hơn kế hoạch, chết người vì thiên tai nhiều hơn "kế hoạch", thì cứ quy trách nhiệm cho các công chức thầy bói kia đã sai sót cho việc dự báo là yên hơn cả. Giống như thời phong kiến, triều đình có quan chuyên coi thiên văn vậy.
Nếu lỡ xảy ra gì thì cứ lôi thằng trông thiên văn ra trảm là xong.

Nghiêm túc hơn, tôi chẳng thấy nước nào trên thế giới mà người ta coi trọng việc dự báo trong điều hành kinh tế và lấy "dự báo sai" làm nguồn gốc cho tất cả mọi quyết định sai lầm như ở nước mình. Ai từng học kinh tế hẳn phải biết rằng dự báo kinh tế là điều cực kỳ ít chính xác, hơn nữa các mô hình kinh tế có tính dự báo đều cần phải tính đến phản ứng
của các đối tượng liên quan trong xây dựng mô hình. Hãy coi việc "dự báo" chỉ là một yếu tố phụ, mang tính định hướng trong điều hành chứ không nên quy tất cả mọi sai lầm vào việc dự báo.

Dù sao, trong các bộ trưởng, tôi cũng đánh giá khá cao ông Bộ trưởng Môi trường Phạm Khôi Nguyên và ông Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát. Tôi nghĩ họ là những người có năng lực và có lẽ là có tâm, họ cũng là những người dám chịu trách nhiệm cá nhân. Tất nhiên, đó chỉ là những quan sát bề nổi dựa vào những gì họ nói, họ làm trên báo chí và rất có thể không chính xác.

5 comments:

  1. lỗi hệ thống. Do cơ chế cs đẻ ra mà thôi.

    ReplyDelete
  2. Chứng tỏ kinh tế-chính trị Việt Nam đang hội nhập "tốt" với thế giới. Bất cứ sai lầm nào cũng đều đổ lỗi đc "cả thế giới đều thế". Nhưng không biết phải nên vui, buồn hay giận về sự "hội nhập nội tại" này!

    ReplyDelete
  3. Bác Linh ơi, nhiều nước phát triển làm chính sách kinh tế ngắn và dài hạn dựa rất nhiều vào dự báo đấy chứ. Ví dụ tôi biết: Vụ Dự báo là vụ quan trọng và to nhất trong siêu bộ Kinh tế-Tài chính-Công nghiệp của Pháp. Làm dự báo theo tuần, theo tháng, theo năm, và hơn nữa. Không có dự báo, làm sao có chính sách được. Dù là chuyện đổ tội vô tội vạ cho dự báo ở Việt Nam thì có lẽ là đặc trưng của các nước đang phát triển.

    Một cách giải quyết, cũng như giải quyết về dự báo thời tiết, là dự báo phải đi kèm với biên độ dao động. Người dự báo chỉ chịu trách nhiệm nếu dự đoán biên độ dao động thấp, trong khi kết quả lại sai lệch nhiều. À, nhưng như thế lại khuyến khích dự đoán biên độ dao động càng lớn (để càng ít trách nhiệm). Có thể khuyến khích thêm chuyện dự báo chính xác, nhưng thường là trong công việc nhà nước thì thưởng nhỏ hơn nhiều so với phạt. Có lẽ thích hợp nhất đúng là ý bác Linh nói, tức là tách trách nhiệm của người dự báo ra khỏi cơ chế hoạt động; hoặc là gộp trách nhiệm ấy với trách nhiệm bảo đảm xử lý tình huống khi có đột biến (như là giá gạo cao, lũ lụt vv.) Hê hê, viết một hồi linh tinh quá.

    ReplyDelete
  4. Không rõ Quốc hội có những hình thức kỷ luật nào đối với các đại biểu của mình nhỉ? Đại biểu là do dân bầu, khi Quốc hội muốn kỷ luật họ thì có phải xin ý kiến dân không? Những đại biểu như ông Phát đồng thời còn giữ trọng trách lớn bên bộ máy hành pháp. Vậy khi Quốc hội thi hành kỷ luật ông Phát thì có phải hỏi bên Chính phủ tí không nhỉ (không lại bảo vuốt mặt không nể mũi)? Tại từ trước đến nay chưa thấy ai bị quốc hội kỷ luật nên em thắc mắc thế. Bác nào biết giải đáp giúp em cái.

    ReplyDelete
  5. Nếu đã coi dự báo là công tác định hướng trong điều hành thì sao có thể coi nó là yếu tố phụ được anh :)
    Em thấy nhiều cái mình hoàn toàn có thể dự báo được, nhưng có thể do cơ chế điều hành chậm chạp, lúng túng nên thành ra doanh nghiệp và người dân phải chịu thiệt thòi.

    ReplyDelete