Sunday, August 19, 2007

Sex and death in Japanese culture

Tại sao văn hóa Nhật lại ám ảnh nhiều với sex, nhất là các hình thức sex kỳ quặc nhất có thể? Tại sao các sách văn học Nhật, từ các tác giả kinh điển cho tới các tác giả nhằm tới người đọc teen lại hay có ám ảnh về hai thứ: tình dục và cái chết?

Tại sao người Nhật là dân tộc ít làm tình nhất trên thế giới (theo điều tra về hành vi sex toàn cầu của Durex)?

Tại sao các ấn phẩm khiêu dâm của Nhật Bản lại nhiều nhất trên Internet. Các trang web về khiêu dâm trẻ em hầu hết đều xuất phát từ Nhật?

Khác với các nước phương Đông khác như Trung Hoa hay Ấn Độ, nơi nghệ thuật tình dục được trau chuốt nhằm tăng sự khoái lạc và thỏa mãn (trong các cuốn sách như Tố Nữ Kinh hay Kamasutra), ở Nhật sự trau dồi nghệ thuật tình dục được hướng theo các khía cạnh mỹ cảm. Người Nhật tìm kiếm cái đẹp, cái khác lạ, khai thác cảm xúc theo những hướng cực đoan nhất chứ không phải đi tìm sự thỏa mãn và hài hòa trong tình dục. Họ cũng có một thái độ thẩm mỹ tương tự với cái chết.

Susan Sontag viết “What pornography is really about, ultimately, isn't sex but death.”

Có lẽ là thế, thái độ với sex trong văn hóa Nhật không phải là tìm kiếm ở nó ý nghĩa trong việc tận hưởng cuộc sống mà là đặt nó trong mối tương quan giữa sống và chết, ứng xử với nó như cách người ta ứng xử với cái chết.

Thái độ đó không có ở các nước phương Tây theo đạo Thiên Chúa, nơi người ta tìm được sự yên ổn với cái chết trong mối quan hệ cá nhân giữa con người và Thượng đế. Cũng không có ở các nước phương Đông vô thần như Trung Hoa hay Việt Nam, nơi đa phần người ta vẫn tin vào cõi âm, và có một thái độ thực dụng trong việc hưởng thụ cuộc sống trước khi chết. Văn hóa Khổng giáo ở các nước này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi lời của Khổng tử: Việc của quỷ thần là việc của quỷ thần, ta chưa biết hết việc của ta sao bàn tới việc của quỷ thần? (trích dẫn theo ý, không chính xác nguyên văn).

Người Nhật là dân tộc vô tín ngưỡng nhất, trên thực tế, họ không có lòng tin với cả Thiên Chúa hay cõi bên kia. Thần thánh với người Nhật là hiện hữu trong chính con người ở cuộc sống này. Cũng như các pharaon Ai Cập, vua Nhật cũng là hiện thân của thánh thần. Nhưng cũng chính bởi sự không có lòng tin vào một sự tồn tại sau khi chết, cũng không thể gác nó sang một bên như văn hóa Nho giáo, mà văn hóa Nhật bị ám ảnh sâu sắc bởi sự chết. Một cái chết danh dự, một cái chết đẹp là những hình ảnh có sức sống và được kính trọng sâu sắc trong văn hóa Nhật. Tại sao câu chuyện về 47 Ronin lại được hâm mộ thế (trong khi xem sử Tàu, mấy người còn nhớ các chuyện như Điền Hoành cùng 300 tráng sĩ đâm cổ tự vẫn)? Phải, nó nói tới lòng trung thành, nhưng một yếu tố mạnh hơn, nó nói tới thái độ với cái chết. Những năm lưu lạc của các Ronin trước khi họ có hành động cuối cùng chỉ là khoảng thời gian chuẩn bị cho cái chết của chính họ.

Và cùng với ám ảnh về cái chết là các ám ảnh về tình dục như là một thử nghiệm về cái chết (và sự đau đớn). Chẳng phải trong tình dục là khi người ta cảm thấy gần gũi với cái chết nhiều hơn cả- một trạng thái khác của being, một hành trình đơn độc?.

Cốt lõi của văn hóa Nhật, do đó nằm ở ám ảnh với cái chết và chủ nghĩa duy mỹ cực đoan của họ. Và những thứ này lại gắn với yếu tố tôn giáo, niềm tin vào sự cô độc của con người trong một thế giới duy nhất, một cuộc sống duy nhất mà con người được biết. Ở đây, tôi không nói là người Nhật hoàn toàn không tin vào ma quỷ, thần thánh, Thượng đế hay cõi bên kia. Nhưng tôi nghĩ sâu thẳm bên trong, họ là dân tộc ít đức tin nhất vào những gì tồn tại bên ngoài thế giới mà họ đang sống. Và đó cũng là lý do trí tưởng tượng của họ phát huy cao độ nhất. Một khi bạn không bị ràng buộc bởi một niềm tin cố định thì bạn có thể tưởng tượng (và tin vào) tất cả mọi thứ như là một sự lựa chọn cho mình. Không có niềm tin sẵn có, bạn sẽ phải lựa chọn niềm tin (hoặc lựa chọn việc không tin).

(inspired by FR's blog).

13 comments:

  1. Bài này khá hay. Theo quan sát của tớ thì người Nhật xem con người là trung tâm, đề cao thiên nhiên. Thiên nhiên hay con người đều là những thứ hiện hữu. Không chỉ đề cao vai trò của con người, người Nhật- nhất là với sự tự tin đến kiêu ngạo của tư tưởng quân phiệt trước đây-, thường nói rằng :"Gặp thần diệt thần, gặp quỷ diệt quỷ". Trong khi đó, người Trung Hoa nói chung quá đề cao "mệnh trời", thành ra thường sa vào tâm lý phó mặc, phó thác nhu nhược. Sự tự tin Nhật Bản nhổ toẹt vào bạc nhược Trung Hoa khi từng xem Trung Quốc là Đông Á bệnh phu. Có một điều khá thú vị là Nhật Bản xưa chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa qua cầu nối Triều Tiên, nhưng sau đó Nhật lại tỏ ra xem thường Triều Tiên và phỉ nhổ Trung Quốc, nhất là giai đoạn trước thế chiến, khi Nhật Bản tỏ ra vượt trội hai anh bạn láng giềng về mặt quân sự và kỹ thuật.

    Chính quan niệm "gặp thần diệt thần gặp quỷ diệt quỷ" đã khiến người Nhật rất thực dụng và mạnh mẽ, đề cao vai trò của con người, xem con người là trung tâm của vũ trụ, có thể xoay chuyển và tạo ra tất cả.

    ReplyDelete
  2. Trên talawas cũng có một số bài viết về văn hóa 'tình dục và cái chết' này của người Nhật. Thanks for the essay.

    ReplyDelete
  3. Ừa, phim Sex Nhật thiên về các kiểu bệnh hoạn như hiếp học sinh, bạo dâm ... Sao vậy nhỉ ??? Nhìn con gái Nhật đoan trang thế , không ngờ ...

    ReplyDelete
  4. 1 vote 5* for the post. Em cho là em hiểu post này. Có phải vì vậy mà thích nó? :)

    ReplyDelete
  5. Xét về văn hoá nói chung, bao quát lại thì có 2 nền văn hoá lớn là văn hoá du mục và văn hoá canh nông.
    Có lẽ người Nhật khác biệt so với phần lớn những dân châu Á khác là vì ở họ có bề dày của văn hoá canh nông nhưng lại tiếp thu và chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hoá du mục trong vài thế kỉ trở lại đây ..
    Nhiều khi em thấy mọi crisis của họ đều bắt nguồn từ việc loay hoay giữa truyền thống và hiện đại ... nhất là lớp trung niên và lớp trẻ ...
    Nói về sex, em vẫn nhớ có bức tranh nổi tiếng của Katsushika Hokusai năm 1820 là bức " Giấc mơ của vợ ngư phủ " ...
    Thời kỳ Edo là lúc bắt đầu cho mọi cội nguồn căn bản của rất nhiều lĩnh vực văn hoá khác nhau của Nhật bản ... Không ai phủ nhận nền văn hoá của Nhật, nhưng khi mà văn hoá không theo kịp đựơc với sự phát triển của xã hội thì đó là lúc có nhiều sự khủng hoảng về mặt tinh thần diễn ra ...
    Hôm trước đọc trên VNexpress, thấy mấy chú Nhật còn chế ra mấy em doll như người thật để hook up X-( chỉ vì ngại giao tiếp và làm quen với phụ nữ ... gosh X-(
    Riêng về quan điểm của em thì con người sống không có một đức tin nhất định thì có xác suất bị rơi vào trạng thái " lửng lơ " nhiều hơn ... Mọi thứ ở Nhật đều được phát triển tinh tuý đến mức thành đạo, ví dụ như uống trà hay cắm hoa ... và có cả đạo Shinto nữa ... nhưng nói cho cùng, chính cái vô thần làm cho người ta dễ bị nhìn nhận là bệnh hoạn trong nhận thức. Đàn ông Nhật , bây giờ bị cả thế giới nhìn nhận như những V.I.P ( very ill-personality ) Phụ nữ Nhật thì vẫn kiểu là " một ngọn lửa đỏ rực bị che sau một miếng vải mỏng " ...
    Cái gì có đỉnh cao thì cũng có thoái trào ... quy luật này chả bao giờ sai cả ...

    ReplyDelete
  6. "Có lẽ là thế, thái độ với sex trong văn hóa Nhật không phải là tìm kiếm ở nó ý nghĩa trong việc tận hưởng cuộc sống mà là đặt nó trong mối tương quan giữa sống và chết, ứng xử với nó như cách người ta ứng xử với cái chết. "
    Em không hiểu biết nhiều lắm về văn hóa Nhật và nước Nhật. Song em không hoàn toàn đồng ý với cách anh lý giải những quan niệm về sex và cái chết của người Nhật theo quan điểm tôn giáo và đặc thù tinh thần của người Nhật.
    Em cho rằng nên nên tìm câu trả lời cho hai vấn đề này theo quan điểm lịch sử-xã hội. Tại sao văn học hiện đại của Nhật tràn ngập sex và những ám ảnh về cái chết? Nước Nhật đi tiên phong trong mọi lĩnh vực và là nước tư bản nhất ở châu Á. Những thành tựu kinh tế vượt bậc của Nhật đã đạt được trong một thời gian rất ngắn nhờ những nỗ lực điên cuồng, phi thường, nhờ kỷ luật sắt và tính cộng đồng. Vì thế, con người cá nhân như một thực thể cần được tôn trọng như nó vốn là đã không được đề cao trong một thời gian dài. Họ chỉ như những robot phục vụ cho cỗ máy lớn và những mệnh lệnh tối cao, làm việc đến kiệt quệ và sống hà khắc. Bởi vậy, đến một lúc nào đó con người cá nhân rơi vào trạng thái khủng hoảng, đòi hỏi được giải thoát, được tự do thể hiện mình, được là mình. Sex và những ám ảnh về cái chết trong văn học Nhật có lẽ là sự phản ánh của hiện tượng này. Về mặt nào đó, sự bùng nổ sex trong văn học Nhật không khác gì cuộc cách mạng tình dục tại châu Âu trong những năm 70. Và những ám ảnh về cái chết hẳn mang mối liên hệ nào đó với trào lưu văn học hiện sinh tại châu Âu cùng thời kỳ đó.

    ReplyDelete
  7. Nói thêm một chút. Đồng ý là cái chết trong truyền thống của người Nhật gần như là một thứ đạo được tôn sùng và lý tưởng hóa. Song em thấy những nỗi ám ảnh về cái chết của người Nhật hiện đại mang nhiều ý nghĩa của sự bế tắc, cô đơn không tìm thấy ý nghĩa sống của đời mình chứ không còn mang ý nghĩa danh dự như xưa kia nữa.

    ReplyDelete
  8. Bởi thế nên e rằng khó có thể lấy những giá trị/truyền thống tôn giáo xưa kia để lý giải cho những hiện tượng của xã hội Nhật hiện đại.

    ReplyDelete
  9. @Jazzy: Văn hóa Nhật ám ảnh với chết và sex từ thời Trung cổ chứ không phải là trong vài chục năm gần đây đâu.
    Em đọc sách của các nhà văn đầu thế kỷ, tức là những người tiên phong trong tiểu thuyết như Tanizaki hay Akugutawa (ông này hình như mình không bao giờ viết đúng tên) có thể thấy nhiều ám ảnh về sex hay chết.

    ReplyDelete
  10. Quên, Akugatawa thì đúng ra là truyện ngắn.
    Tất nhiên, cách mạng tình dục cũng có ảnh hưởng sâu sắc tới quan niệm về sex trong văn hóa Nhật Bản. Nhưng những gì thể hiện trong văn hóa về sex ở Nhật rất khác các nước phương Tây, (em xem phim/truyện Nhật đề cập tới sex, hay xem porno, manga, anime Nhật Bản thì sẽ thấy). Sự khác biệt ở đây bắt nguồn từ khác biệt về đặc thù của người Nhật Bản, trong văn hóa của họ, trong tư duy và quan niệm sống của họ. Nếu chỉ nói là ảnh hưởng của cách mạng tình dục ở phương Tây thì sẽ rất hời hợt. Bởi vì cuộc cách mạng đó xảy ra cách đây 40 năm rồi, mà tại sao tới giờ văn hóa Nhật Bản vẫn đề cập tới sex ở các khía cạnh kinky nhất như thế (bạo dâm, khổ dâm, tình dục trẻ em, loạn luân, trói dây…đầy rẫy trong văn học/điện ảnh Nhật Bản đương đại).
    Để lúc nào rảnh viết thêm về những cái này.

    ReplyDelete
  11. Ý em ở đây không phải là cách mạng tình dục ở phương Tây có ảnh hưởng đến quan niệm về sex trong văn hóa Nhật Bản, mà là xuất phát điểm của chúng giống nhau,đều có nguồn gốc từ những yếu tố mang tính xã hội (ví dụ: sự khủng hoảng của con người cá nhân). Chứ cách mạng sex của Nhật thì hình như xảy ra muộn hơn nhiều so với cách mạng tình dục phương Tây. Phương Tây bây giờ thì "hết cơn" rồi chứ Nhật thì vẫn còn đang sục sôi với sex lắm :D. Em nghĩ cái xu hướng "Người Nhật tìm kiếm cái đẹp, cái khác lạ, khai thác cảm xúc theo những hướng cực đoan nhất chứ không phải đi tìm sự thỏa mãn và hài hòa trong tình dục" thông qua "bạo dâm, khổ dâm, tình dục trẻ em, loạn luân, trói dây" phải chăng là biểu hiện của một cuộc cách mạng tình dục vẫn còn đang ở cao trào. Và bởi vì văn hóa Nhật đang khủng hoảng sâu sắc trên nhiều phương diện. Rồi sẽ đến lúc nó cũng sẽ lắng lại như cách mạng tình dục ở phương Tây chăng ? Mà tại sao người Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về mặt văn hóa với Nhật Bản, lại ít có những xu hướng cực đoan như thế ?
    Nói chung em hầu như không đọc truyện Nhật nên không rõ lắm về các trào lưu, khuynh hướng "sex & death" (gọi tắt thế cho nó gọn) và phong cách đặc thù của người Nhật trong mấy vụ này. Chờ các bài phân tích tiếp theo của anh để hiểu thêm.

    ReplyDelete
  12. Cách mạng tình dục Nhật những năm 60 đã sôi sục lắm, em đọc Rừng Nauy của Murakami sẽ thấy hồi đó thanh niên Nhật thế nào, chẳng khác gì thanh niên Pháp đâu.
    Ngay cả ở giai đoạn đỉnh cao, cách mạng tình dục ở châu Âu cũng không khai thác những cực đoan của tình dục. Cách mạng tình dục của châu Âu gắn với hai yếu tố: một là giải phóng phụ nữ và hai là đưa con người gần với thiên nhiên, phản đối xã hội tiêu thụ.
    Cách mạng tình dục giờ sôi sục là ở các nước Khổng giáo, điển hình là hiện tượng văn học ling-lei ở Trung Quốc, và ảnh hưởng của nó tới văn học Việt Nam thời gian qua, chứ ở Nhật thì cao trào đó qua lâu rồi.
    Hàn Quốc ảnh hưởng của Khổng giáo mạnh hơn Nhật nhiều. Với lại tiếp cận văn hóa Hàn Quốc hơi khó vì ngoài phim ảnh HQ ra anh chẳng biết gì về văn hóa HQ (cũng đang đọc một quyển về lịch sử HQ). Văn học HQ thì hình như là con số không, gần đây hình như có một số cuốn cũng được dịch ra tiếng Việt nhưng có vẻ không gây ra dư luận gì.

    À mà tớ cũng đang đọc Native Speaker của một cây bút người Mỹ gốc Hàn, rất ấn tượng, văn đẹp, giàu cảm xúc. Cuốn này nói về sự alienation của người Mỹ gốc Á trong xã hội Mỹ, đọc thấy văn hóa HQ với văn hóa Việt Nam khá gần gũi nhau.

    ReplyDelete
  13. Em thấy bài viết này khá hay, cho phép lý giải về mặt lịch sử & xã hội tại sao nước Nhật cuồng lên vì sex :
    http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/thegioi/151954/
    Do chính phủ chủ trương bật đèn xanh cho mại dâm trong chiến tranh, do áp lực làm việc nặng nề.
    Ngoài ra còn có bài viết khác lý giải những đối lập và xu hướng cực đoan trong văn hóa Nhật (cụ thể là về sex & death) còn là do điều kiện địa lý khắc nghiệt của nước này. Ở một nơi mà khi nào cũng sẵn sàng chết vì núi lửa động đất thì chả ai tội gì mà kiêng khem, cứ sống bung ra hết cho thoải mái :D.

    ReplyDelete