Friday, August 10, 2007

Lịch sử phán xét?

Bài này chỉnh sửa từ một comment trả lời trên blog bác 5xu. Dạo này mình hay đạo ý tưởng và lấy cảm hứng từ entry ở các blog khác để viết blog mình (thật ra là vì comment dài quá nên tiếc công type mới bê về blog mình :D)

.

1. Dương Vân Nga

Sử chỉ ghi thái hậu họ Dương còn chữ Dương Vân Nga sau này người ta cho thêm vào chứ không có trong Đại Việt sử ký toàn thư. Thời đó, việc các vua lấy vợ là vợ của các vua trước là bình thường, chỉ là củng cố liên minh chính trị giữa các dòng tộc lớn. Ảnh hưởng của Nho giáo không đáng kể thời này. Khác với các vua thời sau này hay khác với Trung Quốc (nhưng lại giống với Chiêm Thành trong việc có thể có nhiều hoàng hậu), các vua thời Đinh- Tiền Lê đều lập tới 5 hoàng hậu, và lấy các hoàng hậu thuộc các dòng tộc có thế lực.

2. Đinh Toàn

Về số phận của Đinh Toàn thực ra sử ghi lại cũng rất mập mờ, Tớ nhớ là chính sử không ghi gì tới số phận của Đinh Toàn sau khi bị cướp ngôi. Nhưng dù có làm gì thì Đinh Toàn lúc đó cũng như con gà trong chuồng, Lê Hoàn muốn bảo gì, làm gì chẳng được, thậm chí ngay cả cái chết trên chiến trường (nếu quả thực như vậy theo một số tài liệu phái sinh sau này) cũng là đáng nghi- trong lịch sử rất nhiều trường hợp những kẻ truất phế bị giết khi tới tuổi trưởng thành. Mà tướng Trịnh Minh Thế của Cao Đài cũng từng chết trên chiến trường!

3. Có phải Lê Hoàn giết Đinh Bộ Lĩnh

Nếu quả thực Lê Hoàn giết Đinh Bộ Lĩnh, tại sao Nguyễn Bặc, Đinh Điền không hỏi tội Lê Hoàn ngay sau sự biến cung đình? Có thể giải thích như sau. Thứ nhất họ chưa có cơ sở ngay để kết tội Lê Hoàn giết vua (có thể do Đỗ Thích không khai?). Thứ hai, quân ở kinh đô đều do Lê Hoàn nắm, Nguyễn Bặc- Đinh Điền tuy là trọng thần nhưng không trực tiếp nắm quân đội (Lê Hoàn là tổng chỉ huy quân đội và quân cấm vệ- sau này Lý Công Uẩn lấy được ngôi vua cũng nhờ là chỉ huy quân cấm vệ, Triệu Khuông Dẫn ở Tàu cũng thế). Và đây cũng là lý do hai trọng thần bậc nhất này lại nhanh chóng bị thua Lê Hoàn. Việc Lê Hoàn là tướng của Đinh Liễn mà lại có thể giết hai cha con Tiên Hoàng thì chẳng có gì là lạ, trong lịch sử thiếu gì trường hợp như thế, nhất là ở Trung Quốc. Lê Hoàn lại là một kẻ hùng tài, thao lược, không ngán cả Tống- Chiêm thì có ngại gì mấy vị chủ cũ giờ suốt ngày hoan hỉ yến tiệc rượu chè.

4. Tại sao Đinh Liễn giết em mà Tiên Hoàng không trừng trị.


Cuối cùng việc Đinh Liễn giết em trai mà vẫn làm đại quan thì cũng dễ hiểu. Đinh Liễn không phải là kẻ tầm thường, thế lực rất mạnh trong triều lại giết đi kẻ có thể tranh chấp với mình thì còn ai dám làm gì (trừ khi ám sát như đã làm). Như khi Lý Thế Dân giết Kiến Thành, Nguyên Cát xong thì Lý Uyên cũng chỉ tần ngần khóc chứ đâu dám làm gì Thế Dân nữa. Đinh Liễn giết Hạng Lang cũng là học tập Thế Dân thôi (hình như Lý Thế Dân cũng sùng đạo Phật còn tài giỏi với công lao thì khỏi phải nói rồi). Ngoài ra còn một ý nữa là trên phương diện ngoại giao mà nói thì Đinh Liễn chứ không phải Tiên Hoàng mới đang là người cai trị ở Việt Nam- Đinh Liễn được nhà Tống phong là Giao Chỉ quận vương, là người cai trị An Nam trong con mắt của nhà Tống. Chính vì cái chết của cha con họ Đinh nên nhà Tống mới có cớ để đánh Việt Nam.

5. Về niên hiệu Đại Hành.


ĐVSKTT ghi:

Mùa xuân, tháng 3, vua băng ở điện Truường Xuân, gọi là Đại Hành Hoàng Đế, sau nhân đó dùng làm miếu hiệu mà không đổi, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên

Lê Văn Hưu nói: Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là [25a] Đại Hành Hoàng Đế333 . Đại Hành Hoàng Hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay hay dỡ để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất tiếu334 , lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế.

(Đại Hành: khi vua mới mất chưa đặt thụy hiệu thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế. Có sách giải thích "đại hành" là đi xa hẳn không trở lại. Có sách giải thích "đại hành" là đức hạnh lớn (hành và hạnh viết cùng một chữ, âm cổ đọc như nhau).

Một số sử gia sau này vin vào nghĩa thứ hai và cho rằng Đại Hành là vua được dân chúng yêu quý nên mới đặt tên thụy là “Đức lớn” như thế. Trong khi thực ra là Đại Hành không có tên thụy do sau khi chết, các con ông nội chiến, đánh giết nhau hàng mấy tháng trời, chẳng thèm bận tâm tới việc chính thức đặt tên thụy cho ông.

6. Quan điểm hai sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về Lê Đại Hành

Nhận định của hai sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sỹ Liên về Lê Đại Hành đập nhau chan chát. Lê Văn Hưu có lẽ ở vào thời Nho giáo chưa thịnh lắm, đứng trên tinh thần dân tộc nên ca ngợi Lê Đại Hành do ông này dẹp yên nội loạn và nguy cơ nội chiến, phá Tống thành công. Ngược lại Ngô Sĩ Liên chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nhiều hơn, nên đứng trên lập trường Nho giáo phê phán việc Đại Hành cướp ngôi, cũng như phạm vào cương thường đạo Nho (lấy 5 vợ, lấy vợ của chủ cũ…). Ngô Sĩ Liên cũng tỏ ra thương tâm cho số phận của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, những người bị thua trận và không thể thanh minh trước lịch sử thuộc về phe thắng trận. Ông còn trách móc sử gia cũ như Lê Văn Hưu chỉ ghi lại lời Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc mà không ghi lại lời Nguyễn Bặc (có thể) mắng Lê Hoàn. “Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.”.

Lê Văn Hưu nói: Lê Đại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện [14b], Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được.Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư ? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họLý.

Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày [15a] rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn ? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lái đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chu Công là người vương thất rất thân, giúp vua nhỏ tuổi còn không tránh khỏi những lời gièm pha phao truyền. Lê Hoàn là đại thần khác họ, nắm giữ binh quyền, làm công việc như Chu Công, thường tình còn ngờ vực, huống là Nguyễn Bặc ở chức thủ tướng và Đinh Điền là đại thần cùng họ hay sao? Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình. Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.

Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chổ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, [16a] con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đàu mối họa đó sau ?

7. Nhận định của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên về Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng:

Đọc các nhận định của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên có thể thấy quan điểm hai người tương đối khác nhau. Lê Văn Hưu có tinh thần dân tộc rất mạnh, hẳn là vì sinh ra vào thời nhà Trần đang trong giai đoạn chống Nguyên với hào khí Đông A. Ngô Sĩ Liên thì đánh giá thiên về quan điểm đạo đức Nho giáo, về khả năng tạo ra sự ổn định của triều đại, và cả theo quan điểm lịch sự thăng trầm theo “vận trời đất, bĩ rồi ắt thái”, ít đánh giá công trạng cá nhân hơn so với Lê Văn Hưu.

Nhận định về Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng: Lê Văn Hưu ca ngợi quân công lấy lại đất nước của Ngô Quyền “làm cho người phương Bắc không dám sang lại nữa” nhưng lại ngầm chê “Ngô Quyền” chưa hoàn toàn độc lập và ngang hàng với phương Bắc vì mới chỉ xưng vương chứ chưa xưng đế. Do đó, Lê Văn Hưu có phần đánh giá cao Đinh Tiên Hoàng hơn Ngô Quyền do ông này đã xưng đế, ngang hàng với Trung Quốc, nối được cơ nghiệp của Triệu Vương.

Ngô Sĩ Liên thì lại bàn trên khía cạnh trị nước của Ngô Quyền, ông cho rằng Ngô Quyền đã có công lập ra một triều đại độc lập. Trong khi ông coi nhẹ vai trò của Đinh Tiên Hoàng, cho rằng đó là do yếu tố thời cuộc, hết loạn rồi trị thôi, không có một Đinh Bộ Lĩnh này thì sẽ có một Đinh Bộ Lĩnh khác.

Các sử gia sau này thiên về quan điểm của Ngô Sĩ Liên, cho rằng thời độc lập của Việt Nam được bắt đầu từ khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam Hán (938) chứ không phải khi Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước và xưng Đế.

Lê Văn Hưu nói: Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của nước Việt ta mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đến, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Tiền Ngô [Vương] nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương. Nhưng hưởng [21b] nước không được lâu, chưa thấy hiệu quả trị bình, đáng tiếc thay !

Lê Văn Hưu nói: Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu [3a] quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu Vương chăng

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vận trời đất, bĩ rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều [Trung Quốc] suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều [nước ta], 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy?


8. Những kẻ thua cuộc không có tiếng nói trong lịch sử?

Giả sử Lê Hoàn thua quân Tống, Việt Nam mất nước thì sau này chắc hậu thế sẽ tha hồ rủa Lê Hoàn như một Hậu Lý Nam đế từng cướp ngôi, ám sát Triệu Quang Phục rồi để mất nước. May mắn (và tất nhiên là nhờ tài năng của Lê Hoàn) mà Lê Hoàn đã thắng trận và thế là lại có câu chuyện Dương Vân Nga mặc hoàng bào để tiễn chàng ra trận cứu nguy cho sơn hà trong các vở kịch, truyện lịch sử sau này. Còn cái chết của cha con họ Đinh, cũng vì thế mãi mãi sẽ là một nghi án không thể làm rõ.

Ngô Sĩ Liên từng trách sao sử gia đời trước sao chỉ biết ghi Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc mà không biết lời Nguyễn Bặc đối đáp ra sao. Lịch sử quả không có chỗ cho kẻ thua cuộc. Những vụ án đầy bí hiểm như cái chết của cha con họ Đinh, thực hư chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ, cái chết của Lê Thái Tông và vụ án vườn Lệ Chi… sẽ mãi mãi là những bí ẩn không bao giờ có lời giải. Người ta vẫn hay nói “Lịch sử sẽ phán xét” nhưng phán xét như thế nào thì lại không phải là chuyện dễ biết. Vì sách sử do con người viết, sẽ có những điều không biết hay không thể viết. Sẽ có những người bị hàm oan trong lịch sử, sẽ có những kẻ thủ ác được tôn vinh…cho dù các nhà viết sử có công bình khẳng khái như Đông Hồ viết bốn chữ Triệu Thuẫn giết vua”. Còn những nhà viết sử uốn bút theo lời kẻ mạnh thì không nói làm gì.

Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư.

18 comments:

  1. Doc blog cua anh thay diversity level cao the^' :) E phai bat chuoc moi duoc :)

    ReplyDelete
  2. Hụ hụ ... phức tạp quá, phức tạp quá! ;) Không biết bình luận gì hơn (Icon vỗ tay bồm bộp :p).
    Chợt nghĩ, nghi án này có thể viết thành một kịch bản hay và ăn khách cho phim lịch sử mà Việt Nam còn rất thiếu và rất yếu.

    ReplyDelete
  3. Ngoài lề một tí. Từ lâu em đã ao ước có ngày được thấy cảnh trận chiến Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền được lên màn ảnh lớn của Việt Nam. Tại sao lịch sử Việt Nam có nhiều chất liệu hay đến thế mà chúng ta vẫn chưa khai thác được cho bằng một phần nhỏ điện ảnh của các bạn Trung Quốc nhỉ ?

    ReplyDelete
  4. Bác động đến toàn cái tế nhị của LS.
    Thứ nhất là vụ của cô Dương, cái này là do các nhà chép sử đời sau ghi lại, mà các cụ í nhìn theo nhãn quan Nho giáo, chuẩn mực nho giáo. Cái này khó trách các cụ.
    Thứ hai là em không tin vụ Đỗ Thích nằm mơ rồi bùm phát hành thích cụ Đinh. Diễn biến LS cho thấy cụ Lê Hoàn không phải là tự nhiên vớ bở.
    Nói chung là không có lịch sử công tâm rồi. Các cụ đều phải nhìn theo quan điểm riêng của các cụ, bây giờ cũng rứa thôi. Lịch sử có phán xét mà chính sử không theo thì cũng chỉ là những cuộc chuyện trò lúc trà dư tửu hậu, không hơn./

    ReplyDelete
  5. Jazzycuty: hihi, hồi xưa tui cũng hay nghĩ lịch sử VN hay mà vì thế sẽ làm phim hay, nhưng thật ra lịch sử hay là một việc, phim hay hay không lại không ở chỗ đó. Ví dụ như chuyện mà Linh kể trên đây, người làm phim sẽ giống ông Ngô Sĩ Liên hoặc Lê Văn Hưu, phải chọn một quan điểm và không chỉ vậy, phải chọn một câu chuyện duy nhất chứ không thể đặt ra đủ thứ giả thiết, nếu không phải sẽ lan man, dàn trải và sẽ ...dở! Sách bình sử có thể hấp dẫn hơn sách sử, vì dẫn dắt, lý giải cho người đọc sử.
    Ví dụ trận Bạch Đằng. Trận đó là một cảnh hay, nhưng phim không phải là đánh nhau. Phim Troy sở dĩ thất bại dù đánh rất dữ cũng chỉ vì ko làm theo ý của đa số mọi người (hiện đại hoá chuyện thần thánh), phim Alexander có mấy trận đánh Ba Tư cực kỳ ấn tượng, xem phê cả người nhưng vẫn thất bại vì người xem không chịu nổi chuyện kể lan man cuộc đời của Alexander, lại còn dám để anh hùng đế vương mà lại đồng tính luyến ái. Chuyện đánh trận Bạch Đằng chỉ là một cái cớ để có thể làm ra một phim hoành tráng vô cùng, nhưng sẽ có ai mún đi xem nếu chỉ là một trận đánh mà không thấy được tâm sự của người cầm binh. Mà muốn làm được phim hay về tâm sự người cầm binh, phải thấy dằn vặt của họ, thấy được bản tính thiện ác trong họ. Cái khó chính là không biết làm sao mà làm!!!
    Cũng như phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, chuyện đó rất ly kỳ hấp dẫn, nhưng khi làm phim vì sợ phạm huý nên không dám khai thác, ko dám kể, chả ai biết Nguyễn Ái Quốc làm gì mà bà vợ ông luật sự Luxơbai (hic, tên của ông này viết thiệt làm sao tui ko biết lun vì ở VN phiên dịch ra là Luxơbai) và vợ ông thị trưởng Hương Cảng đều một mực về nhà kêu chồng phải cứu Nguyễn Ái Quốc. Còn trong phim, ngơời ta để cho Nguyễn Ái Quốc nói 'Tôi là một người yêu nước, tôi nguyện xả thân cho đất nước', sau đó thấy hai bà kia thì thầm với nhau 'Thật là một người vĩ đại!'... hic... Làm người vĩ đại dễ tới vậy sao!
    Xin lỗi nói chuyện ngoài lề hen... còn entry này của bạn Linh rất hay, đọc vô hiểu hơn, tại trước giờ tui cũng không biết con ông Đinh Tiên Hoàng ra sao sau khi Lê Hoàn lên nắm quân nữa...

    ReplyDelete
  6. entry hay mà comment cũng hay. Phải ngồi ngoài vỗ tay bẹp bẹp thôi.
    Tớ thấy làm phim giã sử tức là giã vào lịch sử ở nước ta cực khó. Nếu mà làm giống ông TQ, đấy là cứ ví dụ thế chứ làm giống được cũng tướt bơ thì thiên hạ sẽ nhảy xổ vào chê trách phân tích. Sao lại dám bảo "ông ý" như vậy, tích này lấy ở đâu, chính sử hay dã sử, ôi sao vợ vua xấu thế làm hỏng cả hình tượng người phụ nữ VN trong mắt thế hệ trẻ, bộ phim đã xúc phạm những người già, đã nhổ toẹt vào lịch sử v..và v..Tớ thấy một tích, TQ nó có dăm bẩy phim, mỗi phim mổ xẻ một kiểu khác nhau, thậm chí còn khác hẳn nhau, rồi nó cũng chỉ là phim mà thôi. Ai thích hiểu đúng đi mở chính sử ra mà đọc. Hic
    Còn ở ta vài năm mới cómột phim lịch sử. Ai dám đứng ra giữa trận tiền hứng hòn tên mũi đạn đây. Khéo phải chờ ban Phanxine thôi . Hehe

    ReplyDelete
  7. Hehe, đã mượn được đồ của Doreamon rồi, sẽ quay về quá khứ đúng vào cái đêm hôm đấy xem kẻ nào đã giết vua Đinh. Khi nào quay lại sẽ vào blog viết báo cáo.

    ReplyDelete
  8. Tướng Trịnh Minh THế bị ám sát ở Sài Gòn chứ anh

    ReplyDelete
  9. hì Sài Gòn lúc đó là chiến trường mà (quân chính phủ của Thủ tướng Diệm+ quân Cao Đài của Trịnh Minh Thế đánh nhau với liên quân Bình Xuyên). Tướng Thế bị ám sát khi đang chỉ huy quân Cao Đài. Mọi người nếu đọc/xem truyện/phim Người Mỹ trầm lặng hẳn phải nhớ nhân vật tướng Thế này, một warlord được người Pháp cưng không kém gì Bảy Viễn. Về sau người Mỹ lại phải bỏ tiền ra để mua tướng Thế về cho Ngô Đình Diệm nhưng rồi viên tướng trẻ và nhiều tham vọng này cũng bị ông Nhu ám sát chết (trong phim Ván bài lật ngửa cũng có đoạn này).

    Hình như trước đọc blog bạn phanxine thấy bạn có ý tưởng kịch bản gì về lịch sử Việt Nam, hình như là trận Bạch Đằng phải không nhỉ?

    ReplyDelete
  10. Ngành điện ảnh ở Việt Nam hiện nay yếu kém, mà làm phim thì cũng dễ lỗ. Lối thoát có lẽ là phim truyền hình. Các phim về lịch sử của Trung Quốc cũng đa số là phim truyền hình, đầu tư vừa phải, có ngay thị trường sẵn có để thu hồi vốn. Trung Quốc cũng có nhiều phim truyền hình về lịch sử khá hoành tráng như Thái Bình Thiên Quốc, Thủy Hử, Đường Minh Hoàng…Chính quá trình làm phim truyền hình lịch sử ấy mà họ có thêm kinh nghiệm để có thể làm phim nhựa về lịch sử (như phim Xích Bích sắp tới).
    Một cách khai thác về phim lịch sử là làm kiểu như Trương Nghệ Mưu, dựa vào một câu chuyện nhỏ trong lịch sử nhưng có nhiều ý nghĩa. Ví dụ cũng cùng sự tích Kinh Kha mưu sát Tần Vương mà Trương Nghệ Mưu làm một phim (Anh hùng) có message khác hẳn so với phim của Trần Khải Ca (Hoàng đế và thích khách).

    Ví dụ trước đây cũng có phim Đêm hội Long Trì dựa theo tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng. Nếu thay vì phim Đêm hội Long trì mà làm phim dựa theo Hoàng Lê Nhất Thống Trí thì sẽ rất khó khăn (dựa theo cuốn này thì may ra chỉ làm được phim truyền hình mà như thế cũng khó hay vì bố cục và nhân vật dàn trải).

    Làm phim về đề tài Đinh- Lê này cũng có thể hay, có thể khai thác hình tượng Lê Hoàn như là một con người có nội tâm phức tạp và nhiều mâu thuẫn, có cả công và tội, cả sự tàn nhẫn, thủ đoạn và ý chí siêu quần…Hoàn toàn có thể đưa hình tượng Lê Hoàn thành một nhân vật phức tạp và bí ẩn. Hoặc hình tượng Phạm Cự Lượng là đại tướng của Lê Hoàn nhưng lại có anh trai là Phạm Hạp bị Lê Hoàn giết do cùng Nguyễn Bặc nổi loạn. Có thể xây dựng nhân vật này như một người vì nước mà quên thù riêng. Nhưng cũng có thể nhân vật này là một kẻ cơ hội, đê tiện, vì lợi riêng mà quên hết tình huynh đệ, nghĩa trung quân.

    ReplyDelete
  11. @Phanxinê: Tất nhiên rồi. Lịch sử chỉ là chất liệu, đưa chất liệu đó vào điện ảnh như thế nào lại là chuyện khác. Nguyên nhân tại sao ta chưa có những phim lịch sử hay có lẽ từ nhiều phía, nhưng có lẽ chủ yếu nhất vẫn là "Cái khó chính là không biết làm sao mà làm!!!" như bạn nói ;). Chúng ta thiếu kỹ năng, thiếu vốn và thiếu sự mạnh dạn chứ chưa hẳn do công chúng phán xét, so sánh với lịch sử và không đón nhận.
    Những phim dã sử (giã vào lịch sử như bạn nguyenga1976 nói:D)của Trung Quốc có lẽ có một công thức chung : THÂM NHO + HOÀNH TRÁNG + KỸ XẢO ;). Thâm nho = Kịch bản hay, mang nhiều triết lý. Hoành tráng = Đầu tư lớn + Dàn dựng tốt. Kỹ xảo = Công nghệ tiên tiến. Ba yếu tố này quan trọng gần như ngang bằng. Thậm chí hai yếu tố sau có vẻ như ngày càng vượt trội. Càng về sau, các phim dã sử nổi tiếng và được thế giới biết đến có xu hướng "mãn nhãn" người xem là chính chứ về mặt tư tưởng không có gì xuất sắc.
    Dòng phim lịch sử có những đặc thù và vị trí riêng, rất cần đầu tư lớn, và có lẽ không thể thiếu được sự hỗ trợ của Nhà nước bởi những bộ phim này là diện mạo của nước nhà. Tầm vóc của Trung Quốc lớn được như ngày nay có lẽ cũng một phần nhờ những phim lịch sử oai hùng đã tôn vinh và tô điểm lịch sử của họ.
    Nghe nói Việt Nam đang có dự án làm phim Lý Công Uẩn được đầu tư nhiều triệu USD, kịch bản đã có song vẫn còn đang mải cãi nhau xem làm thế nào. Chờ xem tác phẩm lớn này thế nào.
    Đúng là phải chờ bạn Phanxinê và lực lượng trẻ của nền điện ảnh nước nhà thôi :)

    ReplyDelete
  12. Anh Linh đi đăng ký bản quyền ý tưởng kịch bản phim về Lê Hoàn đi thôi. Rồi tổ chức thi viết kịch bản như trên blog của anh 5xu ấy :). Có khi mấy anh em mình góp vốn thành lập hãng phim Việt kiều nhỉ ? :))) Ở đây có rất nhiều Việt kiều nhé :))).

    ReplyDelete
  13. @ Phanxine: Nói thêm một chút về kịch bản phim trận Bạch Đằng-Ngô Quyền (giả thiết là có ;)). Tất nhiên không thể làm một bộ phim chỉ tập trung vào mỗi cảnh trận chiến hào hùng trên sông Bạch Đằng. Đó có thể là cảnh trọng tâm, cao trào nhất, kịch tính nhất của bộ phim. Nhưng còn có thể khai thác được rất nhiều điển tích khác không kém phần hấp dẫn như sự kiện Dương Đình Nghệ (nhạc phụ của Ngô Quyền, Tiết độ sứ và cũng là một tướng tài có công diệt giặt Nam Hán, chiếm thành Đại La) bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền đem quân ra Bắc chiếm thành Đại La và diệt trừ Kiều Công Tiễn. v.v. Tóm lại là có rất nhiều chất liệu lịch sử hay xoay quanh sự kiện Bạch Đằng-Ngô Quyền để làm nên một bộ phim sử thi hoành tráng không kém gì phim của Tàu. Điều mấu chốt ở đây là tái hiện lại được không gian xưa, dàn cảnh ra sao cho hợp lý, thổi hồn vào điển tích cũ và nâng nó lên một tầm vóc lịch sử xứng đáng. Cái này phải học hỏi các bạn Trung Quốc nhiều lắm. Nếu cần thì phải thuê hẳn chuyên gia TQ để họ làm cùng mình.
    Bạn có đề cập đến những trường hợp phim lịch sử thất bại như Troy, Alexandre Đại đế, phim Nguyễn Ái Quốc. Cả ba phim mình chưa xem nên không thể bình luận gì. Nhưng thật ra nhiều khi thất bại của một bộ phim do nhiều yếu tố khác nữa. Chẳng hạn, thời điểm công chiếu, cách thức marketing,tình hình thị trường phim, và đôi khi là những rủi ro hết sức bất ngờ nhiều khi lãng nhách.

    ReplyDelete
  14. Ý tưởng kịch bản phim về Lê Hoàn không khả thi. Ngoài những lý do về trình độ, kỹ thuật, tài chính… khó dựng thành phim mà em không dám qua mặt bác Phanxine để nói nhăng cuội thì còn lý do là ngay cái kịch bản đó sẽ bị các đồng chí cảnh sát văn nghệ tít còi.
    Giả thuyết của bác Lã Duy Lan (đầu tiên công bố trên tờ Thế Giới Mới năm 2000, sau đó bác Lan và bác Đinh Công Vĩ triển khai sâu hơn trong cuốn “Nhìn lại lịch sử”- NXB Văn hóa Thông tin, 2003) về việc Lê Hoàn đứng đằng sau vụ giết vua Đinh là giả thuyết của 1 nhà nghiên cứu sử học (không phải tưởng tượng nghệ thuật hay còn gọi là bịa) song vẫn chỉ dừng ở mức 1 giả thuyết, chưa được hội đồng thẩm định cấp cao phê duyệt. Nó cũng tương tự như giả thuyết Bang Cơ (Lê Nhân Tông) con bà Nguyễn Thị Anh thật ra không phải là con vua Lê Thái Tông, tuy cũng do người trong giới sử đưa ra (có đôi ba chứng cớ) song cũng mới chỉ là giả thuyết, chưa được sự nhất trí của các ban ngành. Có 1 vở kịch nào đó trong Sài Gòn về vụ án Lệ Chi Viên dựa theo giả thuyết này, tức là tham khảo ý kiến sử gia đàng hoàng, song ý kiến đó chưa chính thống nên diễn vài buổi là bị stop lại rất nhiều năm, bây giờ anh đạo diễn Thành Lộc phải bỏ đi thì mới được diễn. Mà đó là bà Nguyễn Thị Anh, người không có cái huân chương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân chống Tống xâm lược như Lê Hoàn. Động đến Lê Hoan trong sách vở ít người đọc thì không sao nhưng động đến Lê Hoàn trong những tác phẩm đưa ra công chúng rộng như phim, kịch… thì không được.
    Vì các tác phẩm văn nghệ nước nhà về đề tài lịch sử bị soi kỹ, không được lệch chuẩn nên nước mình thường đồng nhất những thứ trong các tác phẩm văn nghệ về lịch sử với sự thật lịch sử. Nếu có chi tiết lạ nào lọt lưới được thì đi vào sử mới luôn.
    Cái tên rất hiện đại Dương Vân Nga là 1 ví dụ, chuyện cành đào Thăng Long là 1 ví dụ khác, rồi chuyện thứ 3 thứ 4…, nhiều lắm.
    Còn có chuyện 1 bác nhà văn viết sách về Đào Duy Từ lấy rất nhiều chi tiết hư cấu của 1 bác nhà văn khác đã viết về Đào Duy Từ trước đó (cả 2 cuốn em đều chưa đọc, chỉ hóng hớt được đâu đó), có thể lý do đạo ý tưởng mà cũng có thể lý do là bác sau đọc sách bác trước cứ tưởng những chi tiết hư cấu đó là sự kiện lịch sử có thật không biết chừng.

    ReplyDelete
  15. Bác cavenui nói em mới biết là chuyện vở kịch Vụ án vườn Lệ chi bị ngừng vì thế. Sao lạ thế nhỉ, việc vua Nhân Tông không phải con Thái Tông thì đâu có ảnh hưởng gì tới chính trị hay tư tưởng, hay cả quan điểm chính thống của Đảng ngày nay? Hay là vì nếu Nhân Tông không phải con Thái Tông thì việc Nghi Dân lên làm vua sẽ là hợp lẽ còn Tư Thành (Thánh Tông)- một vị vua được ca ngợi trong sách sử- sẽ không phải một vị vua có chính danh? Nghĩ cũng buồn cười nếu vì một lý do vớ vẩn như thế mà một vở kịch bị ngừng công chiếu.
    Trong lịch sử Việt Nam cũng có những chuyện kiểu như Lã Bất Vi để lại giống trong cung Tần như chuyện Dương Nhật Lễ lên ngôi thời Trần là con của kép hát họ Dương. Ông này dại tính đổi sang họ Dương sau khi lên ngôi nên mới bị lật đổ chứ không thì ngôi vua nhà Trần cũng chuyển sang họ khác rồi.

    ReplyDelete
  16. Haha , ông Thế đang lái xe đi chơi đâu đó (mò gái chăng :P) thì bị bắn chết mà T_T

    ReplyDelete
  17. @Linh: vụ Bí mật vườn Lệ Chi không phải bị ngừng là vì thế. Cái đó chỉ là cớ. Vở này huyển tải thông điệp là trong thời rối ren, nếu vua mà cứ nghe lời mật ngọt của bọn gian thần thì đất nước đại loạn, người trung như Nguyễn Trãi cũng khó mà sống nổi, bọn thái giám tham nhũng lũng đoạn triều chính cả. Có người xem rồi nhột, tưởng nói mình, nên ra lệnh cấm. Ko bít lý do gì cấm, thì nói là ko giống như sử, thế thôi...

    ReplyDelete
  18. thay cho đoạn kết: có câu "Thắng làm vua, thua làm giặc". Lịch sử (có lẽ) chỉ ghi nhận đối với những người chiến thắng. Lý Thế Dân như thế nhưng dân TQ có ai mà kkhông khen, Chu Nguyên Chương đó có ai mà không ca ngợi. Vua Quang Trung của ta dù được lòng dân gian nhưng cũng bị coi là giặc cỏ đấy thôi. Trò chơi chính trị có lẽ không dành cho người có lòng nhân ái bao dung. Nói người làm chính trị (vua + quan + vân vân...) có lòng nhân ái thì đó là do sử gia bịa đặt. Lưu Bị của La Quán Trung chỉ là trò lố bịch. Trong lịch sử chắc chắn có những người viết sử viết đúng với thực tế nhưng có thể bị vua + quan thời đó thủ tiêu. Đâu phải tự nhiên Sử Ký Tư Mã Thiên vĩ đại đến thế. Tóm lại đây là entry hay, giải thích một số vấn đề trước đây tui còn lờ mờ. Thanks. :-)

    ReplyDelete