Wednesday, August 8, 2007

Sến

Đọc bài của chị 2 4 6 về chữ sến thấy có nhiều cái hay. Nó cũng gần với lý do tại sao tôi (hay) thích nghe nhạc sến, (đôi khi) thích đọc thơ sến, nhưng lại hay khó chịu khi phải đọc truyện, tiểu thuyết sến hay xem phim sến.

Khi nghe nhạc sến, đọc thơ sến người nghe/người đọc có cảm giác nghỉ ngơi. Đôi khi nó cũng đánh thức những cảm xúc bên trong của con người. Hơn nữa, để viết một bài nhạc sến hay hoặc một bài thơ sến hay cũng không phải là việc dễ dãi.


Ở góc độ nào đó, nhiều bài nhạc Trịnh Công Sơn, và có lẽ là 100% nhạc Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đoàn Chuẩn- Từ Linh đều có thể xếp vào nhạc sến (tất nhiên từ nhạc sến này hiểu theo nghĩa khác với từ nhạc sến người ta hay dùng chỉ nhạc phổ thông ở đồng bằng Nam bộ mà Tuấn Vũ, Chế Linh, Hương Lan hay hát). Gọi sang trọng hơn thì là nhạc tình hay nhạc lãng mạn, nhưng thực ra đó cũng là nhạc sến, với các hòa âm tròn trịa, đơn giản, người nghe biết trước là mình sẽ được nghe gì. Nghe nhạc sến cũng như nghe một bài thơ tình lãng mạn được hòa âm với những giai điệu nhẹ nhàng và thường quen thuộc. Có thể gọi đó là sự dễ dãi nhưng là sự dễ dãi giữa mình với mình, mình biết đó là sự dễ dãi và mình có thể làm chủ được sự dễ dãi đó. (Tuy nhiên cũng không hoàn toàn thế, ví dụ phần lời trong nhiều bài của các tác giả trên rất biểu cảm, phức tạp, và khiến người nghe không thể tiếp nhận một cách thụ động).

Còn về truyện sến? Trích đoạn này trong bài của chị 2 4 6:

“Nhiều tác giả lười biếng, thay vì kể chuyện, họ kể chuyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn.

Viết chuyện ngụ ngôn là đi đường tắt. Chẳng cần phải tả cô gái thích làm diễn viên, chỉ cần gọi cô là cừu non. Chẳng cần phải tả anh đạo điễn Việt kiều, chỉ cần gọi anh là cáo. Thế là mọi người ai cũng biết tất cả về họ.

Có người thẳng thắn nhận là mình đang viết truyện ngụ ngôn hay quasi ngụ ngôn, nhưng lại cũng có vô số người dùng thủ pháp của thể loại này trong văn mình một cách có ý thức hoặc vô thức nhưng lại cho là mình viết truyện hiện thực hay siêu thực. Kết quả là truyện sến. Một định nghĩa của sến là dùng những hình ảnh đã xài nhiều thành mòn và sáo, còn định nghĩa kia đương nhiên phải theo sau là xếp con người, sự việc vào những cái ngăn kéo.”


Tại sao các truyện sến và phim sến lại dễ gợi nên sự phản cảm trong tôi. Có hai lý do. Thứ nhất các truyện/phim sến phản ánh sự lười biếng của tác giả trong việc tìm tòi, đi ra ngoài những công thức đã có sẵn, những kiểu mẫu nhân vật có sẵn. Và vì lười biếng, tác giả đó sẽ trở nên nhạt nhẽo do chấp nhẫn những kiểu công thức có sẵn. Mà một tác giả lười biếng và nhạt nhẽo thì tệ hại hơn bao giờ hết. Kundera đại khái có nói là nếu thế gian này có thêm một anh thợ sửa ống nước nhạt nhẽo thì cũng chẳng sao nhưng một tác giả nhạt nhẽo thì sẽ có thêm một điều tồi tệ. Bởi vì một tác giả nhạt nhẽo sẽ lấy đi thời gian của người đọc- thời gian mà người ta có thể dành cho những cuốn sách có giá trị hơn. Tệ hơn, tôi nghĩ một tác phẩm nhạt nhẽo còn góp phần tạo ra sự tầm thường hóa các giá trị trong cuộc sống, tầm thường hóa nghệ thuật và biến những thứ “kitsch” trở thành một thứ gần như chuẩn mực.


Lý do thứ hai, có thể với một cách nhìn hơi cổ điển, tôi hiểu truyện và phim là các câu chuyện về cuộc sống: về xã hội, về cá nhân, về tương tác giữa các cá nhân với nhau, về các tình huống tồn tại của con người, về những khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống…Khác với thơ và nhạc là sự đánh thức cảm giác và những tưởng tượng thiên về cảm xúc, truyện và phim gợi ra trí tưởng tượng bằng hình ảnh và các tình huống có tính logic qua các câu chuyện được kể. Truyện sến và phim sến như vậy không chỉ là sự lười biếng mà còn là sự giả dối, nó đánh lừa con người rằng cuộc sống là một câu chuyện được biết trước, nó chia tách các nhân vật thành những kiểu mẫu có trước, nó tầm thường hóa tình yêu và tâm lý con người theo những công thức cho trước. Và chính vì thế, truyện và phim sến có thể làm nhạt nhẽo cuộc sống hơn bao giờ hết.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống sến, nhất là trong thơ và nhạc. Thử đọc thơ Việt và nhạc Việt hẳn sẽ thấy nhạc tính đều đều, tròn trịa với những nội dung không ngọt ngào thì cũng đìu hiu của nó. Nhưng dù sao nhạc sến và thơ sến cũng không nguy hiểm (ngoại trừ việc làm cho ai cũng tưởng mình là người yêu âm nhạc/thi ca, hay là những nhà thơ-cũng là vô hại thậm chí còn hơi dễ thương). Nhạc/thơ dù sao cũng là những yếu tố thể hiện âm tính. Trong khi có thể coi văn/phim như những mặt dương tính. Thế nên nếu cả truyện và phim mà cũng sến, nhạt nhẽo, công thức, thiếu trí tưởng tượng và khả năng đặt vấn đề nữa thì nền văn hóa –nghệ thuật của chúng ta sẽ trở nên sến toàn bộ.

Và cái nguy hiểm khi các giá trị sến lên ngôi là gì? Đó là khi tất cả đều trở nên nhạt nhẽo, những lời tán tỉnh trở nên công thức, những lời tỏ tình nhạt nhẽo, những tình cảm lẽ ra chân thực bỗng trở nên sáo rỗng, và đôi khi khiến chúng ta cười nửa miệng tự giễu mình vì nghĩ rằng như thế là “sến”…

9 comments:

  1. "Tại sao các truyện sến và phim sến lại dễ gợi nên sự phản cảm trong tôi... Bởi vì một tác giả nhạt nhẽo sẽ lấy đi thời gian của người đọc"

    Tại sao tìm đọc truyện sến rồi chê sến?
    Người biết đọc không bạ đâu đọc đấy.

    May quá, mình chưa phải đọc 1 chữ Harry Potter,Davinci code. Rừng Na Uy đọc được mấy dòng là xin thua...
    Vậy có "trí tuệ" không :)

    Ca sĩ hay văn sĩ sến, người ta cũng rất hết lòng với chuyện người ta làm.
    Thấy điều đó mới "đạt đạo" ;)
    Chê sến là mình cũng sến, giống như nói chuyện với người ngu thì mình cũng ngu.

    Điều này giải thích vì sao tôi comment ( để được thông minh :) )

    ReplyDelete
  2. "Đoàn Chuẩn- Từ Linh" chỉ sáng tác 10 bài. Được Linh đưa lên hàng ngang với NTM,VTA => Khâm phục!

    ReplyDelete
  3. Nhac sen voi tho sen thi tac hai khac gi truyen sen voi phim sen co chu, tham chi doc bai cua anh Linh xong em con thay no co hai hon vi neu dung that la tho nhac sen con lam cho nguoi ta cam thay minh de thuong (!!!) va khong co gang thoat ra khoi no hay lam khac di thi qua thuc no lam cho tam hon minh sa lay hon nhieu...
    Viet nhac sen voi tho sen sao lai kho hon viet truyen sen va lam phim sen? De hon thi co, quet vai dong tho theo cam xuc voi bat vai phim guitar phai de hon dung mot cau chuyen hay mot bo phim hap dan chu, nen moi co TCS, NTM voi ca cac kieu LQV, Xuan Quynh tuy la sen cung coi nhu la nghe duoc doc duoc. Con ve truyen sen thi so doc duoc em khong biet co ai, phim lai cang khong thay.
    Tu dau co the ket luan truyen voi phim duong tinh nhieu hon tho voi nhac??? Tho voi nhac Viet Nam thi cung co the, nhung noi den Viet Nam thi ke ca van cung uot ruot ay chu duong tinh cho nao hon tho?
    Em bay gio doc tho sen voi nghe nhac sen cung thay kho chiu cha khac gi phim voi truyen sen ca, nhat la doc phai tho sen thi cuc ky kho chiu vi ngoai chuyen sen no con vo nghia nua.

    ReplyDelete
  4. Ở Tây Nam bộ thì nhạc sến nghĩa là các lọai nhạc tiết tấu chậm, không sôi động. Có lần phải trông coi cửa tiệm của gia đình nên mở May It Be của Enya liền bị một bà khách phàn nàn, Tết nhất gì mà mở nhạc sến mậy, mở bài gì xôm chút coi. Chú thích thêm là do thành phố quê tui cũng nhỏ, nên thiên hạ biết nhau hết. Bà khách này là một người có học vấn, có thể coi là trí thức.

    Nhưng xét cho cùng, âm nhạc cũng chỉ là công cụ giải trí của con người, miễn là nó làm cho người nghe thỏai mái là đc rồi.

    ReplyDelete
  5. "nen moi co TCS, NTM voi ca cac kieu LQV, Xuan Quynh tuy la sen cung coi nhu la nghe duoc doc duoc".

    Ngo Thuy Mien thi duong nhien khong thuoc tam co TCS, PD. Nhung minh cung khong dam noi sen.
    LQV,Xuan Quynh ma cung duoc xem la sen, thi co le minh dang comment nha^`m vao cho "sie^u tri' thu*c" cua VN roi.


    ReplyDelete
  6. hmmm, dang noi den chu "sen" theo dinh nghia cua anh Linh co ma.

    ReplyDelete
  7. Nghệ thuật mang tính tương đối cao.

    ReplyDelete
  8. Lúc trước trên Vietnamnet có phong trào bênh nhạc sến, trong đó các đại gia như Ngọc Sơn, Vinh Sữ, rồi cả bác Cao Xuân Hạo lên thi nhau giải thích ý nghỉa từ sến. Người thì cho đó là nhạc bình dân, người thì bảo đó là hồn dân tộc, người thì nói nó xuất phát từ chử "con sen" ... Đến khi bác Hoàng Phủ Ngọc Phan lên nói thì cả bọn im phăng phắc.

    Từ sến là 1 từ xấu. Theo bác Phan giải thích, thì ngày trước ở Sài Gòn du nhập 1 cô đào Tây, tên na na Maria Schell. Phong cách uốn éo hát nhạt èo uột ẻo lả, thế là các giai nhân Sài Gòn khi ấy đua nhau bắt chước phong cách Ma-Ri-A Seo. Và thế là sinh ra một hành động tự vệ, bài sính ngoại của giới trí thực bây giờ, từ Schell hay Seo được gọi trệch sang thành Sến. Maria Sến. Từ Sến lúc này mang một ý nghỉa miệt thị nhiều hơn :). Cho nên, theo em, từ Sến là 1 từ xấu, diển tả 1 trạng thái nghệ thuật dưới trung bình nhiều hơn là 1 thể loại hay phong cách.

    Cá nhân em thấy, nhạc Ngô Thụy Miên, Trịnh Nam Sơn, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9 hay mới hơn sau này chút là Đức Huy không thể gọi là sến. Ca từ và giai điều của nó mang e tây, khá với e ngũ cung của các bác như Hương Lan, Tuấn Vũ hay mấy nhạc sĩ như Vinh Sữ, Thanh Sơn .v.v.,

    Còn thực sự buồn cười khi ai đó bảo rằng không thể so sánh Ngô Thụy Miên với TCS. Mổi người 1 taste. Nhạc TCS xem ra cũng không dành cho người đang yêu đâu :).

    ReplyDelete
  9. Found this entry under the senism tag, just think it's funny :P

    ReplyDelete