Tuesday, August 28, 2007

Entry for August 28, 2007

Rút cục chỉ nhà xuất bản CAND và dịch giả Trần Đình Hiến là cười sướng khi sách càng có dịp được bán chạy.

Ý kiến Trần Ngọc Hiến lạc đề khi ông tán sang hình tượng anh hùng trong văn học cổ điển Trung Quốc. Đọc thêm bài chê bai Thủy Hử, Tam Quốc của Trần Ngọc Hiến ở đây. Xem Trần Ngọc Hiến phê phán tư tưởng của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc là macho với ít quan tâm tới phụ nữ thì chẳng khác gì giờ phê phán văn hóa Trung Hoa cổ không bình đẳng nam nữ. Mà ông Hiến cũng quên là tiểu thuyết Totem Sói của ông dịch cũng đậm đặc tính macho và không hề có bóng một nhân vật nữ là trung tâm, các nhân vật chính cũng chẳng yêu iếc gì cả. Ý kiến của bà Nguyễn Thị Bình về hình mẫu nhà khoa học viết văn thì hơi ngô nghê khi bà lấy ví dụ là Dan Brown (nhà khoa học?) với Wisniewski và các tiểu thuyết giải trí của họ, cho rằng đó là mới. Nếu nói tới nhà khoa học viết văn thì gần đây có cuốn Những giấc mơ của Einstein do một nhà vật lý khá danh tiếng viết, và được đánh giá cao về mặt văn học. Các bài viết gần đây của các nhà văn hay nhà nghiên cứu như bài của Phạm Lưu Vũ và của Châu Diên trên talawas đều có vấn đề khi chỉ nhìn vào chiều này hay chiều kia, và đều có khá nhiều ngụy biện. Gần đây có bài của Nguyễn Văn Dân trên evan bảo là “Totem Sói- Chuyện không đến gì phải ầm ĩ”có thể coi là tương đối công bằng.

Có một vấn đề mà gây tranh cãi là tư tưởng của Totem Sói có phải tư tưởng phát xít không. Ở đây nó liên quan tới cách hiểu thế nào là tư tưởng phát xít. Trần Đình Hiến nói “lời kêu gọi của tác giả Khương Nhung “phấn đấu vươn lên” là để tránh thảm họa bị hủy diệt, đâu phải hiếu chiến, đâu phải phát-xít! Với lại thời nay, định trở thành phát-xít đâu có dễ!” Hay Nguyễn Văn Dân “Tác giả chỉ muốn tung hô tinh thần sói để phát triển đất nước chứ không muốn cổ xuý cho chủ nghĩa phát xít.” Như thế có vẻ như họ hiểu chủ nghĩa phát xít theo nghĩa gốc của từ này là chủ nghĩa do Mussolini đưa ra và Hitler bổ sung. Nếu hiểu như thế thì Totem Sói không phải tư tưởng phát xít. Nhưng hiểu một cách rộng hơn, tư tưởng phát xít là tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan, và sẵn sàng dùng bạo lực để trở thành siêu cường, đặt các dân tộc khác ở dưới mình thì Totem Sói với lời kêu gọi tăng sói tính cho dân tộc Trung Hoa hoàn toàn có những dấu hiệu của tư tưởng Đại Bá, và Đại Hán trong thế kỷ 21. Trong tư tưởng cuốn này còn thấy được sự miệt thị với các nền văn minh nông nghiệp với “tính cừu”. Đó chẳng phải là tư tưởng cực đoan Đại Hán thì là gì?. Những luận điểm giả khoa học tính sói- tính cừu hời hợt đến mức khó chịu thế mà vẫn được ca tụng ầm ĩ. Tóm lại là một cuốn sách phổ biến tư tưởng Đại Hán trong thời đại mình khi khái niệm Hán được mở rộng không chỉ là dân tộc Hán mà còn các dân tộc du mục đã bị người Hán đồng hóa về văn hóa trong mấy nghìn năm qua. Thật nực cười là nó lại gây xôn xao và còn được ca ngợi tới thế ở một đất nước luôn trong tình trạng đối địch với các âm mưu thôn tính của tư tưởng Đại Hán. Người Việt có lẽ nên nhìn sang phương Tây, thay vì cứ chăm chăm nhìn vào Trung Quốc để học đòi nó, nó “đại bá” thì mình cũng “tiểu bá”, nó tăng “sói tính” thì mình cũng miệt thị văn hóa nông nghiệp theo (mà Việt Nam thì chẳng có sói mà tăng sói tính cho được). Nếu quan điểm của Khương Nhung là đúng, các dân tộc nông nghiệp “cừu tính” ngoan ngoãn để các dân tộc “sói tính” đô hộ và cai trị thì chẳng bao lâu nữa khi nước Tàu tăng “sói tính” lên, nhất là trở nên “sói biển” thì tương lai của dân tộc Việt sẽ là gì nếu không phải là ngoan ngoãn trở thành cừu cho bọn nó?



Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ- talawas
Trước các luồng ý kiến đa dạng về cuốn tiểu thuyết Totem sói hiện nay, tối 8/8/2007 Trung tâm Văn hoá-Ngôn ngữ Đông Tây kết hợp với báo Người Hà Nội đã tổ chức buổi trao đổi về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của dịch phẩm này với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học, các dịch giả, văn nghệ sĩ có tiếng tại Hà Nội.

Tiểu thuyết Tôtem sói của tác giả Khương Nhung được Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành quý I năm 2007, đến nay đã hơn nửa năm mà dư luận vẫn chưa hết xôn xao. Người khen thì khen hết lời, cho rằng đó là bộ kỳ thư với những trang huyền bí đầy mê hoặc; rằng nó đã lý giải những câu hỏi còn bỏ ngỏ của lịch sử; rằng nó khơi gợi bất tận những xúc cảm mạnh mẽ; rằng nó cho thấy tâm huyết, lòng dũng cảm của tác giả đến nhường nào. Nhưng kẻ chê, chê cũng hết mức. Họ cho rằng Khương Nhung đầy nhầm lẫn về lịch sử và nhân chủng học; Khương Nhung té ra cũng chẳng có gì mới mẻ, chỉ là rao giảng lại thuyết “đấu tranh sinh tồn” và “chọn lọc tự nhiên” của Darwin; rằng Khương Nhung là kẻ đầu cơ tư tưởng sô-vanh sói, cổ vụ phát-xít, khuyến khích tội ác, sự bạo tàn… Có người còn tị: tác giả tả sói hay, tả chó hay, tả cừu và dê hay, tả muỗi cũng rất hay, chỉ có tả người là dở ẹc! Có người nặng lời đến độ cho tác giả là loạn ngôn, quái đản và bệnh hoạn. Có người cà khịa luôn cả dịch giả Trần Đình Hiến và Nhà xuất bản Công an Nhân dân. Ở Trung Quốc, và ở những nơi cuốn sách này có mặt, có lẽ người ta
cũng đang tranh luận với nhau gay gắt như thế. Chỉ có một điểm chung mà người khen kẻ chê đều đồng tình, đó là tiểu thuyết thực sự có những trang sống động, hoành tráng và mê hoặc về sói và cuộc sống thảo nguyên.

Trên tất cả những điều đó, Tôtem sói vẫn là cuốn sách được đọc nhiều nhất ở Trung Quốc hiện nay. Các nhà xuất bản nước ngoài ráo riết đấu thầu mua bản quyền dịch nó. Một nhà xuất bản ở Tokyo đưa ra con số 300.000 USD riêng cho bản quyền đưa sách này lên phim hoạt hình. Nhà Penguin Books ở Anh đã lập kỷ lục khi ứng trước 100.000 USD mua quyền phát hành cuốn sách này bằng tiếng Anh trên toàn thế giới. Và Nhà xuất bản Bertelsmann đặt 20.000 Euro cho bản quyền bản tiếng Đức.

Trước các luồng ý kiến đa dạng về cuốn tiểu thuyết này, tối ngày 8/8/2007, tại Thư viện - Café Đông Tây (nhà 11A, phố Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội), Trung tâm Văn hoá-Ngôn ngữ Đông Tây kết hợp với báo Người Hà Nội đã tổ chức buổi hội đàm về Tôtem sói với các nội dung chính: giới thiệu bản dịch Tôtem sói của dịch giả Trần Đình Hiến và những dư luận xung quanh tác phẩm ở Việt Nam và trên thế giới; trao đổi về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật tiểu thuyết; trao đổi về chất lượng bản dịch và về xu hướng chọn tác phẩm văn học nước ngoài để dịch sang tiếng Việt trong điều kiện xã hội-văn hoá Việt Nam hiện nay.

Đúng như dự đoán, cuộc trao đổi diễn ra sôi nổi và đầy hứng thú. Đã lâu rồi giới văn chương mới có dịp luận bàn về một tác phẩm rất độc đáo, lý thú, và không hề đơn giản như vậy. Các ý kiến thì nhiều, tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng rốt lại xoay quanh vấn đề: Văn chương hay chính trị, phát-xít hay không phát-xít.

PGS, TS Trần Ngọc Vương là người đầu tiên trình bày quan điểm của mình. Trước hết ông khẳng định rằng đây là một cuốn sách đáng dịch và đáng in. Việc Nhà xuất bản Công an Nhân dân nhanh tay mua bản quyền dịch Tôtem sói thể hiện tính năng động của xuất bản Việt Nam hiện nay - một xu hướng rất tích cực. Theo ông, bên trong cuốn tiểu thuyết rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài nội dung của nó. Cuốn sách có hình hài một khảo luận khoa học, có tính chất dân tộc học, địa-văn hoá, lịch sử… Tóm lại nó hết sức phong phú và sống động. Dựa vào nó người ta có thể dựng những chương trình “thế giới động vật” hoặc một chương trình “discovery” hoành tráng và trung thực về cuộc sống thảo nguyên. Nhưng vấn đề tư tưởng trong cuốn tiểu thuyết cũng rất đáng bàn. Người Hoa Hạ vốn luôn cho mình là trung tâm của văn minh, văn hoá, cực kỳ coi thường “tứ di” (Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch). Thế nhưng trong lịch sử phát triển của mình, Trung Nguyên của người Hoa Hạ luôn bị các tộc du mục thiểu số miền Bắc tấn công, nhiều triều đại hùng mạnh của người Hoa Hạ bị lật đổ, lịch sử Trung Quốc bị đảo lộn. Triều Nguyên do đế quốc Mông Cổ dựng nên, nhà Thanh là triều đại của người Mãn, là những minh chứng rành rành. Và mỗi lần dân du mục “ghé thăm” Trung Nguyên là mỗi lần đất nước Trung Quốc được hà hơi tiếp sức, đất đai được mở rộng và bản đồ hành chính lại có một diện mạo mới. Hiện nay nhiều nhà văn hoá và trí thức Trung Quốc tin là có những cuộc tiếp sức ấy, nó là những đóng góp làm cho Trung Quốc phát triển như ngày hôm nay. Và xét ở góc độ này, Tôtem sói rất đáng suy ngẫm.

Nhưng ý kiến cho rằng cuốn sách có tư tưởng phát-xít, theo ông Trần Ngọc Vương, không phải là ý kiến của một người, nó không chỉ được sự đồng tình của nhiều độc giả trong nước mà còn có sự cộng hưởng quốc tế nữa. Bản thân ông cũng cho là cuốn sách không tránh khỏi màu sắc ấy. Cuốn tiểu thuyết rõ ràng cho thấy tư tưởng bá quyền của người Trung Quốc, và ý đồ của Khương Nhung còn là gì đó nữa chứ không đơn thuần là sáng tác văn chương. Không thể tiếp nhận nó đơn giản được. Đọc xong cuốn tiểu thuyết, ông cảm thấy băn khoăn thực sự.

Dịch giả Trần Đình Hiến - một dịch giả đã thành danh với nhiều dịch phẩm văn học Trung Quốc, đặc biệt là Mạc Ngôn - cũng chính là người đã chuyển ngữ tác phẩm Tôtem sói sang tiếng Việt. Ông cho biết, ông dịch Mạc Ngôn và Khương Nhung là mong muốn độc giả Việt Nam hiểu chính xác hơn về văn học Trung Quốc nhìn từ góc độ văn hóa, hoặc ngược lại, qua hình tượng nhân vật trong các tác phẩm văn học mà tìm hiểu và có sự nhìn nhận cho đúng về văn hóa Trung Quốc. Theo ông, người Trung Quốc xây dựng nhiều mẫu người lý tưởng nhưng những mẫu người đó rất không ổn. Ví dụ, các nhân vật chính diện trong Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử… được xây dựng như những người hùng của dân tộc Trung Hoa, nhưng gần như tất cả đều có lệch lạc nghiêm trọng về tính cách. Ở họ không có tình yêu nam nữ, không có tình cảm vợ chồng, không có sự ngưỡng mộ cái đẹp. Bởi vì họ bị chi phối bởi cách nhìn của Nho giáo về tình yêu, về cuộc sống gia đình và hạnh phúc cá nhân, rằng: thật sự anh hùng thì không được háo sắc, đã háo sắc thì không thể là anh hùng. Thế nên anh hùng phải là Triệu Tử Long chứ không phải Chu Du hay Lã Bố. Quá nửa trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc không lấy vợ, hoặc có lấy cũng như không, coi sắc đẹp như kẻ thù. Họ làm như vậy để được tiếng “anh hùng”! Hoặc mẫu hình những anh thư sinh ẻo lả, nhu nhược kiểu Trương Thuỵ Quân (Dưới mái Tây hiên), chẳng làm được trò trống gì. Hoặc mẫu “trung thần, hiếu tử” luôn là những người có biệt tài khóc lóc, khóc giả mà như thật. Đọc văn học Trung Quốc cổ điển sẽ bắt gặp thường xuyên hình ảnh một đấng mày râu nào đó “đập đầu khóc mà rằng…”. Những mô hình phiến diện và giả dối ấy là một phần của văn hóa Nho giáo, và nó đã biến người Trung Quốc thành những con cừu yếu hèn. Sự “cừu hóa” bắt đầu từ khi Hán Vũ đế chấp thuận kiến nghị của Đổng Trọng Thư: “Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” (Gạt bỏ tất cả các nhà tư tưởng khác, chỉ dùng tư tưởng Nho giáo), tự bó chặt trong “tam cương”, “ngũ thường”, không cần cải cách, không cần phát triển. Kết quả là Trung Quốc kể từ triều Tống trở đi thua trận triền miên, phải cắt đất cầu hòa, bồi thường chiến tranh cho kẻ thắng trận…, và đến thời cận hiện đại, Trung Quốc bị bè lũ đế quốc “bổ như bổ dưa”. Từ góc độ này mà xét, lời kêu gọi của tác giả
Khương Nhung “phấn đấu vươn lên” là để tránh thảm họa bị hủy diệt, đâu phải hiếu chiến, đâu phải phát-xít! Với lại thời nay, định trở thành phát-xít đâu có dễ!

Trình bày quan điểm của mình, nhà văn Châu Diên nhắc đi nhắc lại: Phải xem Tôtem sói là một tiểu thuyết để đọc, ai không biết hay không coi nó là tiểu thuyết thì đừng đọc làm gì. Với cuốn tiểu thuyết này, ông quan tâm đến vấn đề thảo nguyên bị tàn phá, ông coi đó như là một ẩn dụ về những phong trào quái đản đã từng diễn ra trên đất nước Trung Quốc như diệt chim sẻ, diệt sói, khai hoang bừa bãi, chính sách đại nhảy vọt, chính sách gió Đông thổi bạt gió Tây… Kết cục của những phong trào ấy thế nào ai cũng biết, nó cũng như thảo nguyên tơ tướp sau sự càn quét của đám người từ Bắc Kinh về. Câu hỏi đặt ra là: đó là công lao hay tội ác của những người cầm quyền?

Nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Trung cũng không giấu giếm suy nghĩ thực của mình về cuốn tiểu thuyết, ông nói ngắn gọn và chính xác: “Nói thật là tôi cảm thấy sợ. Tôi thừa nhận Tôtem sói
mang lại nhiều điều mới lạ, hấp dẫn, nhưng nếu kêu gọi khuyến khích sói tính như vậy thì tôi thấy rất sợ”.


Sau Nguyễn Trung, nhà thơ Hoàng Hưng trình bày khá thuyết phục quan điểm của mình, cử tọa nhiều người gật gù, có vẻ như ông đã nói trúng cái điều một số người đang nghĩ, và giải đáp được nỗi băn khoăn trong lòng một số người. “Không nên tiếp cận cuốn tiểu thuyết như là một quan điểm chính trị, cụ thể ở đây là tư tưởng bá quyền. Nếu muốn đọc về chính trị Trung Quốc thì sách vở hiện nay không thiếu, cần gì phải đọc cuốn tiểu thuyết này để tìm xem nó ám chỉ bá quyền hay không. Với lại Khương Nhung có giấu giếm “tư tưởng sói” đâu mà phải tìm kiếm, trong mỗi đoạn truyện, ông luôn cài những “lời bình” với chủ ý rõ rệt, đến cuối truyện thì có cả một chương nói trắng ra rồi. Mà tư tưởng bá quyền của Trung Hoa thì xưa nay ai còn lạ. Thế nên theo tôi, chẳng cần vì nói mỗi cái điều đã cũ này mà mất công viết cả một cuốn tiểu thuyết 700 trang làm gì. Tôi thì thấy rất thú vị ở chỗ: Khương Nhung có thành kiến rõ rệt với tâm lý tiểu nông hèn yếu, bạc nhược. Nó cản trở sự phát triển nên cần phải thanh toán nó đi. Trung Quốc phát triển như ngày nay là một biểu hiện của tinh thần sói, tinh thần sói để phát triển là hoàn toàn tích cực. Việt Nam ta không phải tâm lý tiểu nông cũng rất nặng nề hay sao? Tôi rất mê cuộc sống phóng khoáng, mạnh mẽ của thảo nguyên mà Khương Nhung miêu tả. Có thể tiểu thuyết có những vấn đề chính trị, nhưng cảm xúc, rung động của nhà văn trước sói, trước thảo nguyên đã át đi tất cả. Lâu lắm tôi mới được đọc những trang bát ngát và khiến tôi cảm thấy hứng khởi như thế, vì gần đây tôi phải đọc rất nhiều thứ về cuộc sống hiện đại, chật chội, xô bồ khiến đầu óc cực kỳ mệt mỏi, bí bách”.

Xoáy vào vấn đề bá quyền, nhà giáo Vũ Thế Khôi đặt tiếp câu hỏi: Ta lên án “đại bá” thì thử nhìn lại mình xem mình có tư tưởng “tiểu bá” hay không? (Câu hỏi chắc sẽ làm cho nhiều người chột dạ!). Ông Vũ Thế Khôi cho rằng nếu viết tiểu thuyết chỉ là để cài vào một luận đề, một quan điểm chính trị nào đó thì nó chỉ còn là một cuốn sách minh hoạ tầm thường, và nó sẽ không được yêu mến, không được coi là tác phẩm văn học. Nói rằng cuốn tiểu thuyết này tuyên truyền cho tư tưởng bá quyền thì chẳng cần đọc Tôtem sói, ai cũng biết. Quan trọng là cuốn tiểu thuyết đã đem đến một thế giới mới với những góc nhìn mới về văn hoá Trung Hoa. Nó ca ngợi tinh thần sói như một động lực của sự phát triển, và như thế nó là một sự thức tỉnh cho chúng ta. Ông hoan nghênh Nhà xuất bản Công an Nhân dân đã tạo điều kiện cho độc giả Việt Nam được tiếp cận một hiện tượng văn học mới, cho dù có những người “la làng” rằng nó tuyên truyền chủ nghĩa phát-xít.

Tiếp tục câu chuyện chính trị hay là văn học, PGS, TS Nguyễn Thị Bình - giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội nói: “Theo tôi, tôi thấy những mối quan tâm của nhà văn khác với mối quan tâm của người làm chính trị. Tôi không tin người làm chính trị lại có thể tả tiếng sói tru mãnh liệt và cảm động như Khương Nhung, lại có thể tả một thảo nguyên sống động, huyền bí nhưng cũng khốc liệt đến nhường ấy”. Đồng thời bà đưa ra một khái quát về mô hình nhà văn mới trong đời sống đương đại: “Điểm hấp dẫn tôi nhất là ở chỗ: Tôi đọc Khương Nhung và thấy ông là một nhà khoa học viết văn, ông là nhà dân tộc học, môi trường học, hay một nhà nghiên cứu văn hoá cầm bút viết văn. Mô hình nhà khoa học viết văn - ta đã từng biết Dan Brown với Mật mã Da Vinci, Pháo đài số, nhà văn tiến sĩ Janusz Leon Wisniewski với Cô đơn trên mạng… - là một mô hình mới đầy hấp dẫn. Đương nhiên vẫn có nhiều nhà văn kiểu truyền thống tài năng, như Mạc Ngôn, nhưng khi so sánh hai mô hình thì tôi chợt cảm thấy Mạc Ngôn đã già và cũ. Tôi cũng cảm thấy độc giả ngày nay bắt đầu cần nhiều thứ ở nhà văn hơn, đòi hỏi của họ cao hơn và thị hiếu cũng khác”.

TS. Đào Duy Hiệp, Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã há»™i & Nhân văn - Hà Ná»™i là người duy nhất không bàn đến chuyện bá quyền hay không bá quyền, mà mổ xẻ Tôtem sói bằng con dao lý luận của má»™t nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học để chỉ ra ná»™i dung tÆ° tưởng và nghệ thuật của nó. Theo ông, người ta có thể đọc cuốn tiểu thuyết này từ góc Ä‘á»™ văn hoá, lịch sá»­, dân tá»™c, nhân chủng học, hay chỉ đọc về thế giá»›i loài sói, tuỳ ý. Má»™t cuốn tiểu thuyết mà người ta đọc từ góc Ä‘á»™ nào cÅ©ng thu được má»™t Ä‘iều gì đó thì nhất định nó không tầm thường. Nhà tiểu thuyết cần phải đồng thời là má»™t nhà văn hóa, nhà triết học, nhà tÆ° tưởng thì tác phẩm má»›i vÄ© đại được. Ông tán thành ý kiến về tiểu thuyết của Mạc Ngôn đã được dịch trên báo Văn nghệ cách đây má»™t, hai năm, đại ý: tiểu thuyết phải nhÆ° hổ, báo, voi, phải là khu rừng rậm rạp, cây to, biển lá»›n chứ không phải nhím, thỏ, suối, lạch róc rách... Nó khác vá»›i truyện ngắn. “Má»
™t nhà văn mà Ä‘Æ°a được vào tiểu thuyết của mình nhiều vấn đề để suy tÆ°, chiêm nghiệm đằng sau các hình tượng là đã thành công rồi”.

“Tuy nhiên, đứng về nghệ thuật tự sự hiện đại, trong cả dãy tác phẩm Trung Quốc đã được dịch ra ở Việt Nam như Linh sơn, Phong nhũ phì đồn hoặc các tác phẩm của Giả Bình Ao, thì nghệ thuật tự sự trong Tôtem sói không hấp dẫn bằng các tác phẩm trên. Nó chỉ kể thuần sự kiện theo niên biểu ở ngôi thứ ba về: sói, tuyết, băng, những cuộc đi săn, sự học hỏi của nhân vật Trần Trận, ông già Pilich khôn ngoan,... mà thiếu những quãng ngưng trữ tình hoặc triết lí. Chính vì vậy, cuốn tiểu thuyết không khỏi rơi vào kể lể, đơn điệu. Nhưng sự thực thì tiểu thuyết hiện đại không vụ vào sự việc, mà nó hướng tới cái gì đó sâu xa bên kia sự việc, rộng lớn hơn bản thân sự việc. Trong tác phẩm, mỗi ngày mới, mỗi bước chân của nhân vật Trần Trận là một ngày anh ta “vỡ lẽ” ra nhiều điều về lịch sử, phong tục, dân tộc, thiên nhiên hoang dã qua việc tìm hiểu về sói. Có lẽ đó là ý đồ tự sự của tác giả để qua đó ông trình bày quan điểm của mình. Ta cũng cần tôn trọng”.

Buổi toạ đàm kết thúc với các vấn đề còn bỏ ngỏ, bởi vì với một tác phẩm hoành tráng như Tôtem sói, việc hiểu, cắt nghĩa, lý giải nó không đơn giản chút nào. Chỉ biết rằng đến hôm nay, người ta vẫn đổ xô đi tìm đọc nó. Và người ta tự hỏi, bao giờ Việt Nam có được những tác phẩm như thế, và bao giờ chúng ta có những nhà khoa học viết văn như thế.

13 comments:

  1. Người nước khác, nhất là nước lớn ngay cạnh ta, có tư tưởng bá quyền thì ta không thích. Nhưng nước ta nếu có tư tưởng và khả năng bá quyền thì không phải không ai thích.

    ReplyDelete
  2. bác cho thêm cái link bài gốc của Trần Ngọc Hiến chê bai Tam Quốc và bài nêu ý kiến của ông ta cái nhỉ.

    ReplyDelete
  3. Ôi anh ơi, nhưng mà Khương Nhung cũng chỉ là alias ... và ông ta mặc dù cổ suý cho tinh thần sói, nhưng lại ko dám mạnh mẽ để đi đến cùng của con đường đó.
    Hiện tại có ai biết mặt ông ta đâu, thử search trên bất cứ công cụ tìm kiếm nào cũng ko thể thấy được tấm hình nào cả. Ông này còn bị chính quyền TQ giam lỏng vì cuốn sách này, mọi liên lạc với bên ngoài đều do bà vợ đảm nhận, TQ còn cấm không cho xuất ngoại cơ mà.
    Ông ta cũng chỉ là con cừu trong lốt sói thôi X-(
    Minh chứng rõ nhất là đoạn cuối của cuốn truyện , phần đầu hào hùng hay ho bao nhiêu thì phần cuối em đọc thấy hẫng quá ...

    ReplyDelete
  4. Nhưng mà phải công nhận mấy đoạn đặc tả cảnh trí của thảo nguyên thì đọc thấy sướng thật ... nhất là cái đoạn hồ nước của thiên nga ấy .... em thích mê đi được ...

    ... Cách đặt vấn đề của Khương Nhung thì khá ổn, nhưng rốt cuộc vẫn bị get stuck trong đấy ko thể nào thoát ra được .......

    ReplyDelete
  5. Em thấy có bác bảo Tô tem sói là Tên phát-xít mới, ghê quá!

    ReplyDelete
  6. cong nhan den doan Hoang Hung noi thi minh cung hoi gat gu dong tinh :)

    ReplyDelete
  7. Fasciste, fascio, fascination. Nếu muốn làm phát xít thì viết Mein Kampf, viết tiểu thuyết làm gì?

    ReplyDelete
  8. Bác không nên nhìn nhận sự việc như vậy, người này và người kia được sung sướng vì cái này cái kia etc. Ít nhất thì đã có bàn luận, mỗi người đưa ra được ý kiến của mình và tất nhiên là chịu trách nhiệm về nó. Không thể đòi hỏi mọi thứ phát triển mà không có các loại side effect, những cái mà mình không thích, không ưa được. Đã có tranh luận thì tất nhiên là ồn ào, không thể nào vì những ồn ào và những thứ đi kèm mà khẳng định được ngay là mọi chuyện là có một dụng ý thương mại (và nếu có thì có thực sự là sao không?) "Totem Sói" là một quyển sách quá hay, bản dịch đó là một bản dịch quá tốt, và làm cho người ta phải nói nhiều về nó, thế là quá được. Tôi vẫn được dạy rằng phê bình, kể cả là phê bình dở, cũng có ý nghĩa. Mỗi khi bác có entry mang ý phê bình, thì page view blog của bác cũng tăng vọt hihi.

    ReplyDelete
  9. TBM: - Giới hạn 15 từ, xin anh tóm tắt những tư tưởng cao cả vĩ đại của anh trong tiểu thuyết khét danh "Tôtem Sói", phát xít, quân phiệt hay Mao-ít?

    Khương Nhung: - Vâng, thưa anh. Chúng nó cứ vu thế cho em chứ em lấy đéo đâu ra tư mí lại tưởng! Em chỉ là thằng nhà văn tay chân trói gà không chặt [và bả thân em cũng đang bị chính quyền TQ trói]. Về ba cái sự bá quyền này nọ, xin anh hãy hỏi trực tiếp chủ tịt Hồ Cầm Đào và Bộ 9 Trị nước Cộng hoà nhân dân Trung Huê!

    TBM: - Nói thế chả khác nào anh bảo tiểu thuyết của anh phát biểu hú hoạ, trúng hay không trúng cũng không ảnh hưởng đến hoà bình thế giới?

    Khương Nhung: - Em chả biết. Thiên hạ có lẽ hay suy diễn.

    TBM: - Ngoài lề, gần đây có một số nhà văn Trung Huê "xét lại" các tác phẩm văn học cổ như Tam quốc, Đông Chu Liệt Quốc, Thuỷ hử... Bên An Nam tôi cũng có một số giáo sư phò đả kích rất gay gắt các tác phẩm ấy. Anh nghĩ thế nào về điều đó.

    Khương Nhung: - Hmm, chả biết đúng sai thế nào nhưng theo tôi thì các giáo sư An Nam nhà các anh chỉ ăn theo nói leo, phát biểu vuốt đuôi là chủ yếu.

    ReplyDelete
  10. hì hì, đúng đúng, ở nhà có tới 2 quyển này, 1 do bẹn Vạn tặng, 1 do anh trai tha về, mà thú thực mới đọc lướt qua vài chục trang nhưng em thấy ko thích nên ko đọc tiếp. Làm nghề phê bình phê nhỉ NL, kiểu gì cũng được phê và phê thế nào cũng được :P

    ReplyDelete
  11. Ừa, giống như nhà văn ấy, phần lớn đều nghĩ là viết gì cũng được, và viết thế nào cũng được.

    ReplyDelete
  12. Phần lớn người đọc không phân tích và suy ngẫm sâu xa như anh Linh đâu. Tất nhiên là một tác phẩm luôn cần những người đọc như anh.

    Đối với em thì đây là một quyển sách OK, sống động phong phú. Bằng chứng là em đọc một lèo không chán nửa chừng. Tuy nhiên nó cũng không quá hấp dẫn đến mức làm em phải suy ngẫm về tư tửơng của quyển sách. Đọc một quyển sách cũng như nghe một bài nhạc, mỗi người nên có một cảm nhận riêng về tác phẩm dưới góc nhìn của chính mình. Em ít khi đọc phê bình sách trước khi đọc quyển đó mà chỉ sau khi đã đọc tác phẩm vì không muốn mình bị ảnh hưởng bởi quan điểm của người khác.

    ReplyDelete
  13. Có khi người Việt mình cũng phải chọn lấy một tôtem cho mình chứ nhỉ ? Các bạn Ấn Độ lấy bò làm tôtem, các bạn Pháp lấy gà trống làm tôtem, các bạn Trung Hoa giờ lấy sói làm tôtem mất rồi :D. Còn con nào chưa bị xí phần không ?
    Hình như còn con Cún chưa có bạn nào chọn làm tôtem thì phải :D. Có lẽ chúng ta nên viết tiểu thuyết Tôtem Cún để đua với các bạn Tàu. Cún tuy chỉ biết sống nhờ, quẩn chân chủ, cậy gần nhà,nhiều khi hay sủa nhặng xị vu vơ nhưng được cái hiền lành, trung thành. Và ... thịt thì rất ngon :)).

    ReplyDelete