Wednesday, August 8, 2007

Kinh không chữ

Ý này viết nhân đọc một entry blog của Phương Tít.

Trong Tây du ký có đoạn thầy trò Đường Tăng khi tới được Tây Trúc bị hai vị tôn giả Anan- Ca Diếp đòi hối lộ. (Anan là học trò cưng nhất của Thích Ca khi còn ở kiếp người và cũng là họ hàng của thái tử Tất Đạt Đa). Họ không chịu hối lộ nên nhận phải kinh không chữ. Thử diễn giải xem (chắc chắn là over-interpretation, nhét giẻ vào miệng tác giả rồi nhưng đôi khi việc diễn giải như thế cũng là một cách để đầu óc đỡ lười).

Chân kinh mà không chữ thì mới đúng theo tinh thần của đạo Phật. Bởi đã là chân lý mà phải nói ra, phải viết ra, sử dụng tới ngôn ngữ để diễn tả thì chân lý đó cũng đã không còn toàn vẹn rồi (Lão Tử nói: Đạo khả đạo phi thường đạo, Phật tổ niêm hoa vi tiếu). Lẽ ra khi nhận được kinh không chữ thầy trò Đường Tăng phải ngộ đạo nhưng họ vẫn không ngộ mà nghi là các vị chân giả tráo đồ. Vì thấy họ vẫn chưa tới tầng giác ngộ hiểu được lẽ diệu huyền của kinh không chữ, Phật mới cho họ kinh có chữ, tức là đã hạ chân lý xuống một mức độ đơn giản dễ hiểu cho phù hợp với chúng sinh còn nhiều u mê.

Đến đoạn chân kinh bị ướt, mất một số trang do Đường Tăng quên hỏi hộ con rùa cũng có ý nghĩa. Thứ nhất, con người sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu biết đầy đủ được lời chỉ dạy của Thích Ca cả. Thứ hai, con người cũng không nên cứ bám vào những lời chỉ dạy đó, coi đó là toàn diện, hoàn hảo. Kinh Phật mất đi vài trang chính là để cho người ta khỏi bị giáo điều, để tự đi tìm chân lý chứ không phải chỉ tụng kinh, đọc sách là có thể nắm bắt được. Thứ ba, phải chăng trong mong ước đắc đạo, thầy trò Đường Tăng (cũng như nhiều người mong đắc đạo khác) đã hơi ích kỷ hoặc vô tình, quên đi những ưu tư khắc khỏai của kẻ khác –mối ưu tư mà đối với Đường Tăng là chuyện vụn vặt, nhưng với con rùa lại là câu hỏi theo đuổi hàng trăm năm. Với sự vô tình với chúng sinh đó, Đường Tăng đã phải trả giá bằng một bộ kinh mất đi vài trang quý.


Thế còn việc đất Phật mà các vị đệ tử Như Lai cũng đòi hối lộ là sao? Ở đây có lẽ tác giả muốn nói tham sân si là thứ ở trong lòng, trừ diệt nó còn khó hơn việc đã tới được cửa Phật. Tham sân si này có thể là từ phía hai vị tôn giả khi họ đòi lễ vật. Nhưng cũng có thể là không, họ chỉ thử lòng thầy trò Đường Tăng thôi. Nhưng chắc chắn là tham sân si vẫn còn nhiều trong lòng thầy trò Đường Tăng nữa. Họ tiếc rẻ cái bát ăn bằng vàng, giận dữ với việc các tôn giả đòi lễ vật, và sau cùng thì hối lộ cho các vị tôn giả trong hậm hực. Tức là họ vẫn còn nhiều tục niệm chưa rửa được dù đã tới được đất của Như Lai- họ mới chỉ qua được chặng đầu trên đường thành Phật, mà cũng không phải là chặng khó nhất. Diệt trừ ma quái, vất vả chịu đựng gian khổ, bất công…tuy có khó khăn nhưng vẫn là con đường có mục đích rõ ràng, có bàn tay Phật chỉ đường và để nương tựa khi gặp tuyệt đường, và đó vẫn là những kẻ thù, tà mà ở ngoại thân. Còn chặng tiếp theo trừ tham sân si thì họ vẫn chưa làm được, và đó mới là khó khăn. Đến được xứ Phật đâu có phải là đã thành Phật?

Đấy cũng chỉ là một cách diễn giải nhưng có lẽ Ngô Thừa Ân thâm thúy và hiểu nhiều về đạo Phật chứ không chỉ viết Tây Du Ký như một câu chuyện dân gian mua vui cho thiên hạ.

16 comments:

  1. Rất đồng ý với Mr.Linh. Hôm nay phải đi học phổ biến luật phòng chống tham nhũng ở công ty ông báo cáo viên cũng lấy chi tiết này trong TDK để nói về việc tham nhũng hối lộ có ở mọi nơi mọi thời đại. Nghe ông ấy lải nhải buồn cười quá!

    ReplyDelete
  2. Bác thử tham khảo cuốn "Giải mã Tây Du Ký" của Lê Anh Dũng xem. Các diễn giải khá thống nhất và sâu sắc!

    ReplyDelete
  3. http://www.thuvienhoasen.org/tayduky-00.htm

    Hoặc ở đây

    ReplyDelete
  4. Không thích cái entry này, tại vì không mới, nhất là câu kết!

    ReplyDelete
  5. em thích bài này, xin phép bác cho em copy được ko ạ?

    ReplyDelete
  6. 1 tac fam hay luc nao cung co nhieu dieu de binh luan. chang han kinh khong chu tai vi co the chan ly khong fai luc nao cung doc hieu duoc ma fai do chinh minh trai nghiem va ... viet ra! tay du ky em doc tu cap 1 roi nen luc do khong fan tich duoc nhieu. :-D nhung de viet 1entry ve cai vu "sen" nay

    ReplyDelete
  7. Còn em thì thấy , anh Linh vừa thâm thuý lại vừa tinh tuý nên mới nhận ra được những điểm như thế này ...
    Nhiều khi lạ cực nhé, có nhiều điều mình biết mà ko diễn đạt được mạch lạc ... anh thì hình như chơi tung hứng được với chữ rồi đấy :))

    Kinh Phật mất đi vài trang chính là để cho người ta khỏi bị giáo điều, để tự đi tìm chân lý chứ không phải chỉ tụng kinh, đọc sách là có thể nắm bắt được ...
    Gật gù suốt từ nãy đến giờ !!!

    ReplyDelete
  8. Có lần em lên chùa Quán Sứ gặp ngay sư thầy đang giảng kinh, thầy giảng rất thú vị , có những phân tích rất xác đáng về TDK, có điều người ngồi nghe ở bên dưới toàn các cụ phụ nữ đang mải mê buôn dưa lê.

    ReplyDelete
  9. nhiều cái cũ lôi ra ngẫm cũng hay chứ sao, nhất là khi ngoài trời đang mưa đi lại lồng lộn trong nhà như bị nhốt trong chuồng thế này... grừư....

    ReplyDelete
  10. Em nghĩ việc thầy trò Đường Tăng tức không phải vì tiếc cái chén mà vì thái độ của hai vị chân giả khi hỏi đưa chén thì đúng hơn (xem phim thấy mặt hai ông í gian lắm.)

    ReplyDelete
  11. Entry này rất hay. Nhất là câu này: "phải chăng trong mong ước đắc đạo, thầy trò Đường Tăng (cũng như nhiều người mong đắc đạo khác) đã hơi ích kỷ hoặc vô tình, quên đi những ưu tư khắc khỏai của kẻ khác –mối ưu tư mà đối với Đường Tăng là chuyện vụn vặt, nhưng với con rùa lại là câu hỏi theo đuổi hàng trăm năm." Sự ích kỷ khi nào cũng có trong tiềm thức, dù lý trí có thể chối bỏ nó. Đây là chỗ khó của việc tu hành. Và trong tiềm thức vẫn còn vị ngã thì dù trí óc suy nghĩ hay đến mấy vẫn không gọi là giác ngộ được.

    ReplyDelete
  12. Ah, cuốn "Giải mã truyện Tây Du" của Lê Anh Dũng hồi lâu rồi được giới thiệu trên báo, ba em có mua về cho đọc.

    Trên net có link để nghe audio:

    http://www.thienlybuutoa.org/Audio/TayDuKy/tayduky.htm

    hoặc đọc bản text ở đây ạ:

    http://www.thienlybuutoa.org/Books/GiaiMaTayDu.htm

    ReplyDelete
  13. Trích đoạn về Kinh Vô Tự trong đó ạ:

    "Kinh vô tự giấy trắng là biểu tượng của tâm pháp, của thiền môn, là nội giáo... Kinh vô tự có trước, về sau mới có kinh hữu tự, hữu vi. Có hữu vi nên mới dựng chùa, đúc chuông, tô tượng Phật, tụng kinh, thắp nhang, đốt sớ, v.v... Con đường truyền giáo này phù hợp cho đại chúng, nó là phổ độ.

    Kinh vô tự bị đem trả lại chùa Lôi âm để đổi lấy kinh hữu tự! Đó là con đường mà tâm pháp bị hữu vi hóa, đạo pháp thất chơn truyền.

    Theo Phật, Lão và Cao đài, chỉ có thực hành thiền (nội tu) mới có thể giải thoát thực sự. Ngoài ra, tu kinh tu kệ thì chỉ là lý thuyết. Giáo lý chỉ có thể giúp con người sáng suốt, trang bị thêm một mớ kiến thức chữ nghĩa chứ không biến được phàm phu ra Phật ra tiên. Nói cách khác, tu bằng kinh hữu tự con người chưa thể đáo bỉ ngạn để qua tới bến bờ giác ngộ. Kinh hữu tự không thể đưa con người đến rốt ráo của giải thoát. Ý chỉ sâu sắc đó được Ngô Thừa Ân diễn tả bằng việc phơi kinh ướt ở bờ sông Thông thiên bị mất hết mấy tờ cuối quyển. Đọc kinh mà không tới chung kết cũng giống như tu hành mà không đạt kết quả (không giải thoát).

    Kinh vô tự của Phật vì vậy không đọc được bằng nhục nhãn (mắt thịt). Nhục nhãn chỉ đọc đưọc kinh hữu tự không toàn vẹn (thiếu trang chót). Kinh vô tự phải đọc bằng tâm, bằng nghị lực tự thắng của hành giả cô đơn. Và như thế, nỗi lòng giấy trắng không phải để san sẻ cho đại chúng bì phu, mà chỉ hiện chữ cảm thông cho riêng ai âm thầm với trăng sao soi cửa động".

    ReplyDelete
  14. Chưa đọc cái link của Oshin nhưng có liếc qua cái link của bác Tung H ở phía dưới có bác hòa thượng gì mắng Ngô Thừa Ân không tiếc lời là phỉ báng đạo Phật…Kể ra người tu hành cũng nhiều khi hẹp hòi, hẹp hòi với người sống còn có thể hiểu được nhưng hẹp hòi với cả người đã chết 500 năm thì hơi bị quá.
    Để tối về anh đọc thử link bài Lê Anh Dũng xem có hay không. Đọc đoạn trích thì cũng không có gì mới cả.

    ReplyDelete
  15. Chắc mọi người để ý đến cái này rồi:hình tượng Tôn Ngộ Không đại diện cho lý trí,thông minh,tỉnh táo,Bát Giới đại diện cho thân xác,nhục dục,Ngộ Tĩnh đại diện cho tình cảm, mềm yếu,dao động,...ai cũng tự mình tìm thấy những nhân vật này trong chính bản thân mình.
    Sư em gặp thì lại ca ngợi TDK -NTA rất nhiều,luôn lấy ra làm dẫn chứng khi nói về sự giải thoát,về bản thể và phi ngã...Theo sư thì TDK hàm chứa tính triết học phật giáo rất sâu sắc.
    Người tu hành thì cũng vẫn là người, người chết 500 năm rồi theo em vẫn nên đối xử với họ như người (cho nó nhân văn chứ sao)

    ReplyDelete