Thursday, March 27, 2008

Ignorance is bliss

Bài này trên blog của bạn The Philosopher (dịch từ tờ Foreign Affairs) hơi buồn cười vì nói những điều ai gọi là đúng cũng đúng mà gọi là sai cũng không sai.

Dân chủ có đem lại Hạnh phúc?
Ở câu mở đầu, tác giả viết

"Trong nhiều thập kỷ qua, các chính khách và nhà khoa học chính trị đều tin vào quan điểm: những quốc gia tự do dân chủ sẽ đem lại hạnh phúc cho nhân dân nước họ. Nhưng giờ đây, một “khoa học mới về hạnh phúc” đã đảo ngược hoàn toàn “công thức” trên".

Thực ra điều này không hẳn đúng, cái niềm tin "dân chủ" đem lại "hạnh phúc" không phải là một niềm tin phổ biến. Dân chủ là một phạm trù liên quan chặt chẽ hơn với "tự do", trong khi "hạnh phúc" có tính chủ quan, trên cơ sở so sánh giữa tôi và thằng hàng xóm (vợ tôi đẹp hơn vợ nó, xe tôi mới hơn xe nó) hay giữa tôi ngày hôm nay (nhà to, sành điệu, đi xe Lexus đen) với tôi ngày hôm qua (đi xe đạp, ăn mỳ ăn liền, ngồi thư viện)... hay thậm chí còn so sánh tôi của ngày hôm nay với tôi của tương lai (những người lạc quan thường hạnh phúc hơn những người bi quan). Cái chìa khóa cho hạnh phúc là cái mà người ta vẫn muôn đời tìm kiếm và không thể tìm ra một công thức nào (nghe nói người phát minh ra dược chất ecstasy từng hãnh diện cho rằng mình đã tìm ra chìa khóa tới công thiên đường, công thức của hạnh phúc, nhưng cho dù thế thì thứ hạnh phúc do ecstasy mang lại cũng chỉ là một kiểu trong vô số kiểu hạnh phúc mà thôi). Các nghiên cứu cho thấy người dân nhiều nước nghèo tự cho mình là hạnh phúc trong khi người dân nhiều nước giàu thì không cho rằng như vậy (Việt Nam hình như đứng đầu bảng trong danh sách các nước có tỷ lệ dân cư tự hài lòng với cuộc sống nhất!). Nhưng cái "hạnh phúc" được survey đó cũng chỉ rất tương đối. Có rất nhiều người ở các nước nghèo "hạnh phúc" vẫn sẵn sàng bằng mọi giá để trở thành công dân các nước giàu "bất hạnh". Đó có phải là nghịch lý không? Hay hoàn toàn là hợp lý?* Việc đó nói lên rằng thước đo hạnh phúc là một thứ rất cảm tính và khó tin.

Trong mối liên quan giữa của cải và hạnh phúc trong một xã hội nhất định, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạnh phúc tỷ lệ thuận với của cải tới một mức độ thu nhập nào đó, rồi sau đó hai đại lượng này trở nên độc lập, và người giàu có không có nghĩa là hạnh phúc hơn người kém giàu. Điều này nói lên rằng có những cái ngưỡng để người dân một xã hội tự cho là mình có đủ điều kiện để hạnh phúc. Một người sống ở Hà Nội với thu nhập 500.000 VND một tháng thì khó lòng hạnh phúc như một người có thu nhập 10 triệu. Nhưng giữa người có thu nhập 10 triệu và người có thu nhập 50 triệu một tháng thì không có gì đảm bảo là người kiếm 50 triệu sẽ hạnh phúc hơn. Trong số những người thành đạt và giàu có thì hạnh phúc có lẽ phụ thuộc vào quan điểm sống của họ, vào thang bậc giá trị của họ. Một người thích làm nghệ thuật nhưng đời xô đẩy vào con đường kinh doanh và trở nên giàu có sẽ khó lòng thỏa mãn với cuộc sống đó như một người có thiên hướng và yêu thích việc kinh doanh làm giàu, ví dụ thế.

Trở lại với bài báo trên, bài báo nêu ra thực tế là có nhiều nước kém hạnh phúc nhất lại là các nước mới có được dân chủ. Cụ thể "28 trong số 30 quốc gia ít hạnh phúc nhất nằm trong số những quốc gia thuộc khối cộng sản cũ." Thực ra kết luận này rất thiếu vững chắc, vì trước hết nó không so sánh giữa việc những người dân các nước này cảm thấy "hạnh phúc" hơn hay "bất hạnh" hơn từ khi có dân chủ, nên không thể kết luận là "dân chủ" không mang lại hạnh phúc được. Biết đâu, dưới thời cộng sản, họ còn cảm thấy bất hạnh hơn? Thứ hai là rất có thể hầu hết các nước này, sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản, lại rơi vào tay các chính thể độc tài và tham nhũng (trường hợp các nước Trung Á) nên thực sự cũng không thể coi là các nhà nước "dân chủ" được.

Thực ra, đặt vấn đề mối quan hệ giữa dân chủ với hạnh phúc đã là một sự sai lầm. Dân chủ liên quan tới việc mở rộng khả năng lựa chọn, sự tự do theo đuổi ý nguyện và tri thức. Những cái đó không nhất thiết có liên quan tới hạnh phúc. Tư duy gắn việc mở rộng quyền lựa chọn với hạnh phúc có thể là tư duy phương Tây phổ biến. Tuy nhiên nếu lần về Kinh Thánh, chúng ta cũng thấy có sự đối nghịch giữa tự do và hạnh phúc. Khi Adam và Eve chưa nếm trái cấm, họ hưởng thụ hạnh phúc trong sự tối tăm. Sau khi họ biết nếm trái cấm, biết tự ý thức về mình, biết ham muốn và hổ thẹn, và thực sự có tự do thì họ cũng bất hạnh. Ở Hy Lạp cổ cũng vậy, Oedipus lẫn Promete đều là các hình tượng hướng tới tự do và đều trở thành những con người bất hạnh nhất. Chẳng thế mà trong các tiểu thuyết viễn tưởng về các xã hội utopia (1984, A Brave New World, The Giver, The Island...), những nhà viết tiểu thuyết đều có một điểm chung: đó là các xã hội hạnh phúc, yên bình nhưng ngu dốt và không có tự do. Ignorence is bliss. Ngu dốt là hạnh phúc.

Tuy vậy, nếu phải lựa chọn giữa Tự do và Hạnh phúc thì người châu Âu vẫn chọn tự do, như Adam và Eve từng chọn, hay gần hơn, như Oreste trong vở kịch Ruồi của Sartre (văn học hiện sinh, ít nhất là của Sartre, có lẽ có thể tóm lại bằng một câu: tôi là con người, và tôi chọn tự do- tự do như một sự đày ải). Trong khi đó ở phương Đông, tư tưởng phổ biến là chọn Hạnh phúc và Tự do chưa bao giờ được đánh giá cao (nếu không có người cổ Hy Lạp với các vị thần xô bồ trác táng của họ- và tất nhiên Socrates và Pericles- thì khéo trên cả thế giới này, chẳng có chỗ nào thực sự đánh giá cao tự do mất). Lão Tử dạy vứt bỏ tri thức, tô
n sùng một xã hội ngu dốt hiền hòa, Khổng Tử ủng hộ chế độ quân chủ cứng nhắc "người nào vật nào chỗ đấy", Hàn Phi Tử- Lý Tư cho rằng phải ngu dân thì xã hội mới yên bình, nhân dân mới hạnh phúc. Chưa bao giờ tự do và dân chủ được đánh giá cao ở phương Đông. Chỉ riêng Phật là hướng tới tự do, và sự tự do ấy hòa quyện không phân biệt cùng hạnh phúc, nhưng tự do đấy là tự do cá nhân, giải phóng thoát khỏi bản ngã. Trong sự lựa chọn, nếu như phương Tây cho rằng "nhiều thì tốt hơn ít", thì điều này không phải luôn đúng với phương Đông. Một số nghiên cứu tâm lý xã hội cho thấy người phương Đông cảm thấy an toàn và thoải mái khi họ có ít lựa chọn hay có ai đó chọn hộ họ, hay ít nhất chịu một phần trách nhiệm cho sự lựa chọn của họ, trái ngược hoàn toàn với người phương Tây, luôn cảm thấy thỏa mãn hơn nếu họ có nhiều lựa chọn và đựa tự do lựa chọn. .

Suy cho cùng, tự do và hạnh phúc là hai phạm trù tuy có liên quan tới nhau nhưng không phải một liên quan tuyến tính, cũng không phải là sự đánh đổi. Cả hai đều là những phạm trù trong khát khao hướng tới của con người và để khẳng định giá trị của họ. Cái mà tự do mang lại cho hạnh phúc là việc nó cho phép người ta có quyền "tự do mưu cầu hạnh phúc" chứ không áp đặt một thứ hạnh phúc dựa trên cơ sở cào bằng hay ngu dân.

Chẳng thế mà khẩu hiệu của cách mạng tháng Tám, và ngày nay vẫn là dòng ghi bắt buộc trên các văn bản giấy tờ ở dưới tên quốc hiệu là ba từ: "Độc lập- Tự do- Hạnh phúc". Đó là ba mục tiêu cần hướng đến của cộng đồng dân tộc, không thể bỏ cái nào, giữ cái nào, không thể coi cái nào là để đánh đổi cho cái nào. Trên phương diện cá nhân, tôi nghĩ những khẩu hiệu đó cũng hoàn toàn giữ nguyên giá trị: độc lập trong tư duy, tự do trong tư tưởng, hành động để hướng tới một cuộc sống và một tâm trí hạnh phúc.

Và nếu không có dân chủ, liệu chúng ta có tự do không? Tôi không muốn nói tới một mô hình dân chủ nhất định nào để có thể "du nhập" vào Việt Nam bất chấp những khác biệt về văn hóa, xã hội cũng như dân trí. Nhưng, ít nhất trên phương diện xã hội, sẽ không bao giờ có "ignorance is bliss". Các cộng đồng từng (có thể) hạnh phúc trong sự kém phát triển, như người thổ dân châu Mỹ, châu Úc... ngày nay đều đã tiêu vong khi va chạm với những nền văn hóa đề cao sự chủ động, tự do và tri thức.

*PS: Vừa sang blog bạn Saint, thấy có câu này: " Tuy nhiên, anh vẫn thèm muốn cảm giác giàu nhưng kém hạnh phúc."

9 comments:

  1. nếu phải chọn giữa tự do và hạnh phúc, tôi vẫn chọn tự do :D

    ReplyDelete
  2. Cái khẩu hiệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” vốn là của bọn phản động Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tôn Trung Sơn đưa ra năm 1905. Cái gọi là “Chủ nghĩa Tam dân” đầy đủ bao gồm “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc". Chủ nghĩa tam dân hoàn toàn là những nguyên tắc và cương lĩnh dân chủ tư sản sơ khai kiểu Trung Hoa. Năm 1924, chính Tôn Trung Sơn khi bị ảnh hưởng của khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đã thay Chủ nghĩa Tam dân bằng "Liên Nga, liên dung, ủng hộ công nông".

    Nếu tui là Hội đồng lý luận trung ương, sẽ kiến nghị bỏ “Tự do” và chỉ để lại “Độc lập – Hạnh phúc”. Thế là đủ. Thứ nhất là khái niệm “tự do” này dễ bị hiểu sai, bị lợi dụng. Thứ hai là khỏi mang tiếng “theo đuôi” Chủ nghĩa Tam dân của Tàu từ năm 1945. Việt Nam ta có “nhị dân” của riêng mình là được. Thứ ba, đây cũng là một sáng kiến cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm. Vì bỏ cụm “Tự do” sẽ tiết kiệm được lượng mực in khổng lồ cho cả tỷ văn bản hàng năm (pháp quy, công văn giấy tờ, đơn từ kiện tụng…)

    ReplyDelete
  3. Me too. I opt for freedom :D

    ReplyDelete
  4. Lựa chọn của mình là hạnh phúc trong tự do lựa chọn ;))

    Nếu bạn nào có ý kiến là mình nước đôi, xin làm rõ thêm là không có tự do mình hết sức là khó hạnh phúc. Tuy nhiên tự do không hạnh phúc dứt khoát không phải là lựa chọn của mình :-D

    ReplyDelete
  5. Mình nghĩ Linh kô cần viết câu: "Biết đâu, dưới thời cộng sản, họ còn cảm thấy bất hạnh hơn?" vì các paragraph tiếp theo của Linh đã giải thích cho hiện tượng này.

    ReplyDelete
  6. Cho entry này "Chín Phẩy Năm" :D

    ReplyDelete
  7. Anh Linh viet entry nay hay qua, de nghi anh Linh cu dich mot bai tho lai viet mot bai the nay nha.
    Dung la co tu do may ra moi co hanh phuc cac bac a, em xin dong y mot cach tham thia, hihi. Con co tu do roi ma khong co hanh phuc thi rang chiu nha, ngu thi chet chu toi tinh gi.

    ReplyDelete
  8. Tuy nhiên, anh vẫn thèm muốn cảm giác giàu nhưng kém hạnh phúc. bravo câu này nào

    ReplyDelete
  9. Em thấy đoạn nói rằng người châu Á thấy thoải mái khi có ít lựa chọn hoặc có ai đó chọn hộ còn người châu Âu thích có nhiều lựa chọn rất là đúng với em và theo quan sát của em. Làm design mà nó cho mình muốn làm gì thì làm mình càng toát mồ hôi, cảm thấy mệt mỏi nếu phải nghĩ nhiều quá, chọn nhiều quá trong khi các bạn Tây có vẻ rất thích nghĩ, nghĩ rất nhiều, vẽ ra rất nhiều lựa chọn, càng nhiều các bạn càng thích, càng nghĩ ra nhiều thứ các bạn có vẻ càng khỏe càng hứng để rồi đến nửa đêm các bạn vẫn còn nghĩ tiếp không thấy có dấu hiệu sẽ dừng lại gì cả. Mình chỉ biết nhìn mà than: How can they do that? How How How? :((

    ReplyDelete