Sunday, March 9, 2008

Giới thiệu sách Ác quỷ Nam Kinh



Trong những năm gần đây, thể loại tiểu thuyết hình sự ngày càng có những thay đổi, không còn giới hạn trong các câu chuyện whodunit, với những vai thám tử chuyên nghiệp hay nghiệp dư lần mò theo dấu vết tội phạm. Tiếng Anh gọi thể loại này là mystery & thriller (bí ẩn & hồi hộp) và hình như từ tiếng Việt gọi tiểu thuyết trinh thám hay tiểu thuyết hình sự không còn phản ánh đúng nội dung những cuốn sách này. Ngày càng có sự giao thoa giữa loại hình tiểu thuyết mystery & thriller vốn được coi là á văn học (subliterature) với loại hình sách văn học. Tác phẩm của các tác giả như Paul Auster hay Umberto Eco vừa có thể xếp vào thể loại mystery vừa có thể coi là những tác phẩm văn học đỉnh cao.

Cuốn Ác quỷ Nam Kinh (The Devil of Nanking theo bản ở Mỹ, Tokyo theo bản ở Anh) không hoàn toàn là một tiểu thuyết mystery thuần túy. Có thể coi tác phẩm này là sự kết hợp giữa tiểu thuyết mystery và lịch sử. Cuốn sách như một sợi dây nối giữa hai bối cảnh khác nhau về thời gian, không gian : Tokyo những năm cuối thế kỷ 20 hiện đại, hào nhoáng nhưng bí ẩn và kỳ quặc và Nam Kinh, Trung Quốc năm 1937, nơi xảy ra một trong những thảm họa chết chóc kinh khủng nhất của nhân loại: chỉ trong vòng vài tuần, có từ 200 tới 300.000 người Trung Quốc, hầu hết là dân thường, bị quân đội Nhật giết chết. Và đó còn là một thảm họa câm, bởi lẽ ở Nhật, người ta không nhắc tới hoặc chối bỏ nó -trong khi ở Đức, học sinh phải học, đọc rất kỹ về diệt chủng Holocaust trong nhà trường, và ở Áo, chối bỏ Holocaust là tội hình sự. Chính vì thế, trong khi có vô số phim ảnh, tác phẩm nói về Holocaust thì có rất ít tác phẩm nhắc tới thảm sát Nam Kinh. Phải mãi tới khi cuốn sách viết về thảm hỏa này The Rape of Nanking của Iris Chang được xuất bản và trở thành một trong những cuốn sách lịch sử bán chạy nhất trên thế giới thì thảm sát Nam Kinh mới nhận được sự chú ý nhất định.

Ác quỷ Nam Kinh đề cập tới vụ thảm sát đầy qua số phận của gia đình Shi Chongming, một giáo viên đại học, người chứng kiến những gì người Nhật làm ở Nam Kinh. Nhiều năm sau, Shi Chongming là giáo sư xã hội học ở Bắc Kinh và dường như những ký ức kinh khủng của Nam Kinh đã bị chôn vùi. Nhưng một ngày kia, có một cô gái trẻ người Anh tên là Grey đến gặp Chongming, và muốn lật lại những trang ký ức ấy trong đời Chongming. Bản thân Grey cũng bị ám ảnh bởi những điều gì chính cô cũng không hoàn toàn rõ, nó thôi thúc cô lật lại các vết thương trong quá khứ. Ở Tokyo, Grey cảm thấy lạc lọng trong thân phận người phương Tây sống trong một xã hội có tính thuần chất cao- cô cảm thấy “lost in translation”. Grey làm việc trong một quán bar như một geisha tóc vàng, tiếp rượu cho các ông chủ Nhật, và từ công việc này, cô bắt đầu thâm nhập thế giới ngầm Tokyo, và khám phá một bí mật khủng khiếp.

Câu chuyện trong Ác quỷ Nam Kinh lôi cuốn, kịch tính nhưng khá rùng rợn, hoàn toàn không phải một tiểu thuyết trinh thám trơn tru và sạch sẽ. Cuốn tiểu thuyết có bề sâu và sự phức tạp không thường thấy trong các sách trinh thám khác. Cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao, và được short-list cho một trong các giải thưởng quan trọng nhất của tiểu thuyết hình sự là giải Gold Dagger (dao găm vàng) của Hiệp hội tiểu thuyết gia hình sự Anh. Sách do Nhã Nam mới phát hành trong loạt tiểu thuyết hình sự, dịch giả Quỳnh Lê.

Giới thiệu sách trên Nhã Nam.

No comments:

Post a Comment