Có vẻ như dân tình ở nhà đang chán nản và lo âu về khả năng kinh tế suy thoái. Từ đầu năm tới giờ chưa có tin gì tốt đẹp cả: lạm phát tháng 2 vừa qua lên tới 15% cao nhất trong 15 năm qua, thị trường chứng khoán tụt dốc thảm hại, lại thêm báo cáo của chương trình Việt Nam, Harvard đầy bi quan về tương lai tăng trưởng của Việt Nam, đồng đôla mà Việt Nam neo vào bấy lâu nay tiếp tục mất giá và kinh tế nước Mỹ cũng nhiều dấu hiệu suy thoái (nếu như không phải là đang suy thoái). Hơn nữa, góp phần vào tâm lý đó còn là sự mất lòng tin vào khả năng điều hành kinh tế của Chính phủ khi bất chấp mọi lời hứa hẹn của Chính phủ, giá cả vẫn tiếp tục leo thang và trong khi đó, Chính phủ lại để giá xăng tăng, cũng như lúng túng trong điều hành chính sách tỷ giá, tiền tệ và lãi suất thời gian qua.
Có lẽ ở thời điểm này, Chính phủ nên đặt chống lạm phát là quyết tâm hàng đầu, và sẵn sàng chấp nhận một sự đánh đổi nào đó về tăng trưởng. Chống được lạm phát cũng sẽ khôi phục được phần nào lòng tin của nhân dân. Điều này rất quan trọng bởi khi dân chúng cũng như doanh nghiệp mất lòng tin và bi quan, lo lắng về nền kinh tế thì sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu và cái khả năng kinh tế sẽ rơi vào vòng xoáy suy thoái là rất đáng kể.
Khi mà bạn nghe thấy người ta than phiền về lạm phát ở xung quanh bạn, và không phải là lời than phiền của những người nghèo mà là than phiền thực sự của cả giới trung lưu thu nhập khá ở thành phố thì có nghĩa là lạm phát đang rất tồi tệ, nó không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập người dân mà còn gây bối rối trong các dự định, kỳ vọng tương lai về thu nhập, tiêu dùng, đầu tư của nhân dân.
Lại mới nghe tin các công ty xe bus ở Sài Gòn đang dọa đình công. Nếu điều này xảy ra thì thật là đáng lo ngại.
Bài báo này có khá nhiều vấn đề, không phải ở người trả lời mà là người hỏi, và cả đoạn box ở dưới. Báo Tuổi Trẻ nên tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế trước khi viết những bài như thế này vì là một tờ báo lớn nhất nước, các ý kiến của báo sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới người dân.
Vì sao tỉ giá cứ tuột dần?
Câu hỏi phóng viên là thế này:
"*Trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng VND được định giá quá cao so với USD, nhưng nay đang diễn ra ngược lại. Vì sao?"
Không rõ phóng viên muốn nói gì khi cho rằng trước đây VND được định giá quá cao so với USD trong khi thực ra thời gian qua đồng USD bị mất giá liên tục với các đồng tiền khác và theo nhiều chuyên gia thì chính phủ Việt Nam đã tránh không để đồng VND lên giá so với đồng USD để hỗ trợ xuất khẩu, nhưng như thế thành ra lại chịu lạm phát vì vì phải tung ra một lượng VND nhằm mua lại lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam với tỷ giá VND/USD cao.
Câu ở dưới box cũng sai khi bài báo ngụ ý rằng nên duy trì tỷ giá VND/USD ở mức cao.
"Nhưng vốn ngoại đang làm VND tăng giá, tỉ giá VND/USD giảm đang gây khó cho nhà xuất khẩu và những người nắm giữ USD, đồng thời gây sức ép lên lạm phát."
Việc giảm tỷ giá VND/USD sẽ giúp giảm sức ép lạm phát chứ không phải tăng sức ép như tác giả bài báo viết. Vì trước kia ví dụ phải tung ra lượng cung tiền 15.000 tỷ VND để mua 1 tỷ USD thì giờ chỉ cần bỏ ra 13.000 tỷ VND để mua 1 tỷ USD. Thêm vào đó nó còn làm giảm giá nhập khẩu và do đó cũng giảm bớt sức ép tới lạm phát, nhất là khi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu khá lớn.
Việc Trung Quốc gần đây cũng để nhân dân tệ lên giá so với USD nhằm chống lạm phát lại càng gây ra sức ép với lạm phát của Việt Nam nếu không để VND lên cao so với USD và nhân dân tệ (vì nếu không, Việt Nam sẽ nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc do nhập siêu rất nhiều từ Trung Quốc).
Còn việc tác giả cho rằng tỷ giá giảm sẽ khuyến khích thêm lượng ngoại tệ đổ vào Việt Nam và do đó tăng áp lực lạm phát thì không lấy gì làm chắc cả (ví dụ để minh họa quan điểm mình thì tác giả ít ra cũng phải nêu ra số liệu là đã có bao nhiêu ngoại tệ đổ vào VN để mua trái phiếu Chính phủ và nó tăng như thế nào trong thời gian qua khi tỷ giá VND/USD tăng), nhất là khi Việt Nam vẫn chưa quản lý các luồng tiền vào ra khá chặt chẽ. Các nhà đầu tư nước ngoài không phải lúc nào cũng dễ dàng trong việc chuyển từ tiền đô sang tiền Việt và ngược lại. Không có số liệu về thành phần của dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng tôi nghĩ tỷ lệ vốn ngoại tệ đổ vào thị trường trái phiếu nhỏ bé của Việt Nam chẳng nhiều nhặn gì.
Có bài này của bạn Quốc Hùng, NCS Đại học British Columbia về việc chống lạm phát bằng chính sách tỷ giá, các bạn tham khảo.
Chống lạm phát bằng chính sách tỷ giá: Một công cụ mạnh cần được phát huy hiệu quả hơn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Bác Linh:cộng thêm vào đó bác PGS.TS nói nhiều theo sách quá và số liệu hơn cũ. Tính đến giờ đồng Nhân dân tệ Yuan đã là 7.1 ăn một USD rồi chứ không là 7.7 như bác PGS nói...
ReplyDeleteBắt giò bác Linh tí tẹo: Blog của bác cũng nhiều độc giả và có ảnh hưởng, bác nói rõ chỉ số lạm phát 15% là so với cùng kì năm ngoái (YoY rate) chứ không phải so với tháng trước (MoM rate) (chính xác theo số liệu của Bloomberg là 15.57% YoY rate và 3.56% MoM rate) chứ không có người ít hiểu về số liệu hay kinh tế lại tá hỏa lên mất, rồi nó lại biến tấu thành tin ko hay.
Chúc bác một tuần mới vui vẻ.
Chính phủ mình hứa xuông là giỏi, yên tâm là lạm phát trước mắt chỉ có tăng thui, ai ít tiền ráng mà chịu vậy
ReplyDelete