Friday, March 14, 2008

Entry for March 14, 2008

Vài nhận xét về Tiếng người sau khi đọc xong:
- Văn hay, sáng và đẹp, có chất thơ, tuy không đẹp tới nâng niu từng chữ một như văn Đoàn Minh Phượng hay đẹp kiểu huyễn hoặc mông mênh như văn Nguyễn Bình Phương nhưng là một thứ văn chất chứa nhiều cảm xúc.
- Nội dung đơn giản nhưng tâm lý nhân vật tốt. Đọc nhiều lúc không muốn đọc tiếp vì cái cảm xúc đổ vỡ và buồn. Có lẽ bởi vì nhiều lúc người đọc cảm thấy mình có sự gần gũi về tâm trạng.
- Nhân vật nam có một số chỗ hơi gượng, tức là chưa cảm thấy sự phát triển cảm xúc để giải thích cho một số phản xạ của nhân vật này. Tuy thế, đây vẫn là một nhân vật rất hay, rất ấn tượng và không hề nhạt nhòa.
- Nhân vật nữ chưa được xây dựng đầy đủ (có lẽ vì thế tác giả gọi đó là M. thay vì cho một cái tên riêng). M. của Phan Việt khác với T. của Thuận hay xa hơn, với K. của Kafka- T và K có thể là bất cứ ai trong khi M là một nhân vật cụ thể, có cá tính và hành vi riêng.
- Truyện khá phức tạp không chỉ về mặt tâm lý mà cả những khía cạnh có tính xã hội học, có thể gợi mở nhiều suy nghĩ. Nhưng tác giả mới chỉ dừng ở việc gợi thôi chứ chưa đi sâu vào đó. Ví dụ các nhân vật như bố của Duy, như Hoàng là những chân dung không hiếm gặp trong đời sống hàng ngày nhưng trong Tiếng Người, họ mới chỉ dừng lại như những bộ khung để Duy so sánh, phản chiếu mình. Duy căm ghét mình (cũng là căm ghét loài người) bởi vì anh ta căm ghét những thứ giả dối, tầm thường, tự lừa dối trong Hoàng và bố mình- và một phần những thứ đó trong anh ta. Bi kịch của Duy là bi kịch của người đi khắp cả thế giới nhưng chẳng cứu được mình bởi vì nói như lời của ban nhạc Eagles "
Your prison is walking through this world all alone". Cô gái áo đỏ hay cô gái "cái gì cũng tròn" gặp ở cafe Highland Cột cờ như là những biểu tượng để anh ta tìm vào hòng trốn chạy cuộc sống tẻ nhạt quanh mình, nơi tất cả những gì anh căm ghét trở nên hiển hiện rõ nhất, thậm chí được thiên hạ khao khát và ngưỡng mộ.
- M. xuất hiện như một cái phao cứu sinh của Duy, cho dù nếu không có M thì anh vẫn sống perfectly OK với cái studio bé nhỏ của mình ở New York, với những chuyến bay công tác vào sáng sớm và những quán ăn Trung Hoa ở Chinatown- cho dù tất cả những cái đó xa lạ với anh. M. không có gì nổi bật ngoài việc tạo ra cho Duy cảm giác là tự do được chia sẻ khi mà có thể đi xuyên qua thế giới này không phải chỉ một mình. Nhưng cũng chính vì thế mà khi trở lại cái nhà tù bé nhỏ xinh xinh có tên là Hà Nội, Việt Nam thì cái sợi dây nối giữa hai người cũng không còn và trên thực tế, M không còn ý nghĩa gì với Duy (bởi cái ý nghĩa về sự tự do chia sẻ mà M mang lại đã không còn). Do đó Duy lại muốn trở về với một mình, được tự do chống chếnh không ràng buộc và không phải nhìn vào những thứ mà anh vừa khao khát lại vừa căm ghét (cha anh, vợ Hoàng). Khác M, Duy không có được cái nút on/off để tự bảo vệ mình, nên anh chỉ biết trốn chạy. Ám ảnh của anh là một người đàn bà có thể cho anh tự do.
- Phần kết truyện có hơi "tròn trĩnh" quá không nhỉ? Liệu 3 tháng lang thang một mình trên các xa lộ và ga điện ngầm ở Mỹ có giúp gì cho Duy không? Hay chỉ là sự tạm biệt một trạng thái để chuyển sang trạng thái khác, thỏa hiệp hơn với cuộc sống, tự tìm cho mình một cái công tắc on/off để bảo vệ lấy mình (nếu khác đi một chút, Duy cũng có thể chọn một chuyến du hành như trong Sideways- cùng với gái và rượu). Dù sao thì ở tuổi ngoài 30 như Duy có thể cũng đã quá muộn để anh tìm ra cho mình một con đường khác. Và dù sao, M cũng là người yêu anh hơn hết (hay duy nhất- trong truyện không thấy nhắc tới người tình nào khác của Duy). Với lại, những người đàn bà chỉ là những khuôn mặt khác nhau của một người đàn bà duy nhất-(hình như là) Zorba đã nói như thế.


10 comments:

  1. Sự nghiêm túc của chị Phan Việt thật đáng kính trọng. Đa số cuốn tiểu thuyết ngắn này được viết với sự trung thành hướng tới cái chân thật. Nhưng không vì thế mà thiếu đi chút nào sự tinh tế. Cả hai tố chất đều đáng quý. Chúng làm thành sự cao ngạo ngầm ẩn chứa bên trong. Tôi hiểu chúng đến từ đâu, và tôi tôn trọng nó.

    Tác giả hay, văn hay, nhưng tác phẩm thì không thể không chê. Nói luôn là vì tôn trọng tác giả nên mới chê, chứ nếu xem thường nhau thì đã chẳng cần nói gì. Và cũng phải nói rằng công việc sáng tạo chân thật nào cũng khó nhọc và thiêng liêng, chứ đứng ngoài chỉ trỏ thì kẻ bất tài nào cũng có thể làm được.

    Bản chất bi kịch của nhân vật chính là sự trong ngoài bất tương xứng. Anh ta có vẻ bề ngoài của một người đàn ông, nhưng bên trong còn chưa được là đàn ông. Tâm lý của Duy chưa đi xa khỏi tâm lý của một đứa trẻ mới lớn, và mang ít nhiều sắc thái của một phụ nữ. Khắc họa một con người như vậy, quả là rất nhân văn, vì nó chân thật và phổ quát sâu rộng hơn là chúng ta vẫn tưởng. Không ít người che đậy nó bằng vẻ quân tử nhã nhặn. (tất nhiên, nếu ở trong hoàn cảnh phù hợp thì tố chất này vẫn có thể coi là một phần của nam tính).

    Tương phản với Duy là Hoàng, một kẻ cơ hội, nhưng vì thế mà lại mang nhiều sắc thái của đàn ông. Gã thích cái gì thì lấy, thích gặp ai là gặp, thích phù phiếm thì phù phiếm. Tất cả những ấn tượng đó làm cho Duy trở nên khó ở. Chẳng phải vì danh lợi hay quyền lực. Thực ra anh muốn được làm đàn ông đích thực. Nhưng bên trong anh còn chưa là đàn ông, kẻ muốn cái gì thì đường hoàng lấy cái ấy. Tâm lý của Duy vẫn giống như đứa trẻ cần được che chở, người đàn bà cần điểm tựa. Vào lúc này nó không còn là trạng thái bình thường nữa rồi. Nó là bệnh vì khiến nhân vật đau khổ bất hạnh.

    M, là vợ, cũng là điểm tựa tâm lý của Duy. Cô thực hiện thiên chức của người đàn ông trong gia đình. Tức là đem đến cảm giác ổn định và đáng tin. M có thể dám liều chết để cứu Duy. Mỗi buổi sáng cô ve vuốt tâm hồn nhạy cảm của anh. Nói một tiếng "Đi" là có thể cùng nhau đi cùng trời cuối đất. Cái điều Duy luôn muốn nói với M, rằng "em muốn làm gì thì tùy em", là biểu trưng sắc bén cho tâm lý quy phục của anh.

    Sự xuất hiện của người con gái áo đỏ bên cạnh Hoàng gợi lại trong Duy tiềm thức đàn ông đã từ lâu ngủ quên. Hình thể của cô mang sự quyến rũ của một female hoàn hảo. Tinh thần của cô đem lại cho Duy sự an ủi (dù hai người ko nói với nhau một câu), rằng đôi ta khác biệt với chúng nó, rằng chỉ có anh mới đáng kể, còn chúng nó thật tầm thường. Những cảm xúc này đi cùng sự phấn khích được làm đàn ông đích thực. Nó khác hẳn với khi sống cùng M. Cô gái áo đỏ lạnh lùng và không khoan nhượng. Khác hẳn với M, người có thể chấp nhận bao bọc Duy ngay cả khi anh là đứa trẻ yếu đuối.

    Vấn đề Phan Việt đặt ra thật sâu sắc. Nhưng cô giải quyết nó thật khiên cưỡng, đúng ra là không giải quyết được gì. Câu chuyện kết thúc bằng cách tầm thường hóa cô gái áo đỏ. Tầm thường hóa ông bố, hình mẫu "đàn ông" trong một phần tâm tưởng thầm lặng của Duy (cho dù hai cha con vốn rất xung khắc nhau). Rồi cho anh đi du lịch bụi nước Mỹ để thỏa chí tang bồng. Cuối cùng về thề thốt với M sẽ yêu em trọn đời. Cái kết như vậy thật hoang tưởng. Trong hiện thực chỉ có ba cách giải quyết. Thứ nhất Duy có thể thất vọng cùng cực và nhụt chí, thoái hóa đi bản năng đàn ông trong tinh thần mình. Thứ hai, anh ta có thể vượt qua chướng ngại bằng cách nào đó hơn là đi bụi vu vơ. Thứ ba, anh ta tự tìm ra cách thích nghi để chung sống với cả hai đối cực, cả những hạnh phúc và đau khổ mang tính hệ quả. Dù thế nào cũng cần một sự chuyển hóa sắc nét rõ ràng.

    Phan Việt để cho Duy quay về nước Mỹ, giống như một cách về nguồn, sau những bụi bặm tầm thường ở VN. Sự tương phản của hai không gian văn hóa là có thể hiểu được. Nhưng tự nó không trả lời câu hỏi "anh là ai". Cái cách con người phải bươn chải vượt qua chướng ngại, mới thực sự làm thành bản chất.

    ReplyDelete
  2. đọc xong cái entry này toát mồ hôi hột :(

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn anh Linh và Lê. Em định chỉ vào đọc thôi, nhưng rất cảm kích Lê viết một bài dài nên có vài điểm muốn làm rõ:

    1. Cuốn này của em mà đem phân tích nhân vật, nhất là cả 4 nhân vật thì chắc chắn là một cuốn hỏng nặng nề. Thực ra, trong cuốn này, chỉ có Duy là nhân vật - nói nhân vật theo nghĩa có đủ tên tuổi, xuất thân, quá khứ, hành vi, suy nghĩ, "nghiệp", etc... Các nhân vật còn lại đều chỉ là những mặt, những tiếng nói, em cố tình không "dựng"... và vì thế cuốn sách này mới có tên "Tiếng Người" chứ không phải "Bốn người". Từ phía em mà nói thì em cho rằng cả 4 cái người này mới hợp thành 1 người.

    2. Cũng vì lí do như trên, nếu đem phân tích logic chi tiết hoặc tình huống thì cuốn sách của em cũng sẽ bị khiên cưỡng rất nhiều; vì thực ra các tình huống đối xử không hẳn là giữa các nhân vật như những con người thật với nhau. Thực ra chỉ có những tiếng vọng của chính Duy và mọi thứ đều nhìn qua Duy; hành vi của tất cả những người kia đều ở một quãng xa nhất định, chưa chắc là thật. Và mọi thứ logic ở đây đều là logic qua cái nhân vật Duy mà Lê nói rất chính xác là không biết có phải một người đàn ông hay còn là một đứa trẻ hay một người phụ nữ. Vấn đề là chính tác giả cũng không muốn anh ta phải dứt khoát là ai hoặc dứt khoát làm gì, dứt khoát giải quyết vấn đề gì. Không có gì dứt khoát hay chắc chắn chính là cái cảm giác mà em muốn người đọc có được khi đọc đến trang cuối. Em sẽ coi là em thành công nếu như đến cuối, người đọc sẽ có cảm giác giống như một ai hoặc một cái gì đó vừa đi khỏi cuộc sống của anh ta mà không biết rõ là ai hay cái gì - vì bản thân em cũng không biết chắc khi em viết xong (lúc bắt đầu viết thì em tưởng là em biết rõ, well, I was wrong)

    3. Với cá nhân em, cuốn sách này giống như một cố gắng giải đúng một bài toán đã (theo nghĩa như Lê nói là cố gắng chân thật); chưa tiến tới giải hay, giải đẹp. Em học được rất nhiều trong lúc viết nó. Khi em bắt đầu vào 1-2006, em đã đổ một cái móng để xây một cái nhà 2 tầng nho nhỏ, nhằm tập đặt gạch cho thẳng và trát vữa. Nhưng em đã bỏ, khi quay lại vào giữa năm 2007, em muốn xây một cái nhà 4 tầng trên cái móng cũ; cho nên là dù đã cố cắn răng phá gần hết cái móng cũ thì nó vẫn còn rơi rớt. Cái kết là một ví dụ. Em đã có đến 3 cái kết và trong cái kết đầu tiên thì Duy không hề quay lại, anh ta đi luôn. Nhưng em không đủ gan, và em thấy nó cũng không hợp với cuốn này - theo như những gì em đã làm với nó. Và nói thế để thấy là mặc dù có 2 phần trên, thì suy cho cùng em chỉ có thể tự trách bản thân đã viết chưa hay chứ không thể trách người đọc không hiểu :) Em biết là nếu như một vài năm nữa quay lại, với cùng chủ đề này và em giải quyết nó từ đầu, chắc chắn là nó sẽ khác. Em cũng biết nếu em không in nó bây giờ, em không bao giờ có gan đem nó ra in trong những năm tới.

    4. And then, một phút cho quảng cáo: Mọi người chờ đọc tập truyện ngắn "Nước Mỹ, nước Mỹ" em sẽ in trong năm nay. Tập này lột gần như sạch thể loại văn "hay và sáng", chuyển sang thể loại văn "bleeding and burning words" và là cuốn đầu tiên em sẽ không có bất cứ điều gì để giải trình ngoài sự tự hào gần chết :)

    Nói thế xong thì em vẫn phải nói thêm là em welcome mọi bài review cuốn Tiếng Người. Thank you guys.

    ReplyDelete
  4. @ Anh Linh: Về ý này của anh, "M. không có gì nổi bật ngoài việc tạo ra cho Duy cảm giác là tự do được chia sẻ khi mà có thể đi xuyên qua thế giới này không phải chỉ một mình. Nhưng cũng chính vì thế mà khi trở lại cái nhà tù bé nhỏ xinh xinh có tên là Hà Nội, Việt Nam thì cái sợi dây nối giữa hai người cũng không còn và trên thực tế, M không còn ý nghĩa gì với Duy (bởi cái ý nghĩa về sự tự do chia sẻ mà M mang lại đã không còn)"

    Em lại thấy là khi ở Hà Nội, cái sợi dây nối giữa hai người vẫn còn đó. Có điều Duy bị chính những ám ảnh, những tưởng tượng của bản thân mình về Cô gái áo đỏ, về Cô gái cái gì cũng tròn, về N. để rồi có những ngộ nhận hoặc hoang mang về những gì mình đang có trong tay so với những gì mình chưa có trong tay, hoặc đã có rồi mà không còn nữa - dù sự không còn nữa lại do Duy tự chủ động quyết định.

    Cái lý do để Duy yêu M. và để Duy cưới M. chính là vì M. đã đem đến cho Duy sự thanh thản, sự được là chính mình khi Duy ở bên cạnh M. Mà thường thì sự thanh thản, sự bình yên, sự được là chính mình thường bị lu mờ và bị đánh đổi bởi những thứ phù phiếm khác.

    Em cũng hơi hồ nghi về cái kết, về việc người ta có thể một mình lang thang trong ba tháng để đến khi về lại thì cảm giác rằng mọi việc vĩnh viễn ổn rồi. Em thích chữ "Thỏa hiệp" mà anh dùng, vì em cũng nghĩ rằng, yêu thương là thỏa hiệp, sống cũng là thỏa hiệp, với những giằng co và "những cuộc cãi vã ở trong lòng mình".

    ReplyDelete
  5. Hai bài review của Linh và Lê cộng lại có lẽ là khá đủ và chính xác về Tiếng người của Phan Việt. Mình thì vẫn thích PV trong truyện ngắn hơn. Hôm rồi ngồi với chị Vàng, cũng nghe chị khen tập truyện ngắn mới. Đợi cuốn này!

    ReplyDelete
  6. A, đọc lại mới thấy Lê hiểu "sai" cái kết. Nhưng mà mình cũng không thể nào nói gì được về sự "sai" đó :)

    ReplyDelete
  7. Chuc mung Huong ra sach moi. Chac la hay lam. Linh recommend the co ma.
    To Bao anh: hi nguoi quen. Masso va 1 day of Harvard.

    ReplyDelete
  8. "Vấn đề là chính tác giả cũng không muốn anh ta phải dứt khoát là ai hoặc dứt khoát làm gì, dứt khoát giải quyết vấn đề gì. Không có gì dứt khoát hay chắc chắn chính là cái cảm giác mà em muốn người đọc có được khi đọc đến trang cuối."

    Người đàn ông nào cũng cần sự hưng phấn tình dục tới độ mãn nguyện. Đó là cảm giác vượt qua chướng ngại để chiếm đoạt cái làm cho mình cảm thấy trọn vẹn, hoàn thiện. Duy sống không ra đàn ông. Duy như vậy nên M cũng không thực sự là đàn bà của anh. Quan hệ của họ là quan hệ roomate. Mặc dù có những chia sẻ gần gũi, sâu sắc trong tâm hồn, nhưng đời sống tình dục của họ vĩnh viễn không thể trọn vẹn nếu không có sự chuyển hóa trong bản chất. Chuyển hóa cụ thể thế nào, đấy mới thực sự là điều cốt lõi đáng phải khám phá.

    Việc ghi chép chính xác hiện thực dưới các góc nhìn sáng tạo là công việc của những người cầm bút trẻ. Họ chỉ thực sự trưởng thành khi đã có khả năng tiên định quy luật chuyển hóa của tự nhiên. Ngay như Nam Cao lớn hơn hẳn các nhà văn cùng thời của ông, cũng chỉ ở việc tiên định sự thay đổi của con người Chí Phèo trước và sau cái đêm trăng trong vườn chuối.

    ReplyDelete
  9. "Những người đàn bà chỉ là những khuôn mặt khác nhau của một người đàn bà" - Câu này không phải của Zorba mà là Satan nói với Chúa trong The last temptation. Và vì anh Linh chưa đọc quyển này nên suy ra anh đã copy lại từ em - người nói câu này 1 tuần 1 lần :-D (công nhận sự phù phiếm của mình ngày càng lên cao) :-D

    ReplyDelete
  10. tinh than doi dedicate vung len manh me kia :P

    ReplyDelete