Friday, February 29, 2008

Tagore và nước Ấn Độ của ông- Amartya Sen

Tiếng nói của Bengal

Rabindranath Tagore, qua đời năm 1941 ở tuổi 80 là gương mặt vĩ đại trong lịch sử văn học ngàn năm của Bengal. Bất cứ ai quen thuộc với truyền thống văn học rộng lớn và giàu có này đều cảm thấy ấn tượng bởi sự hiện diện của Tagore ở Bangladesh và Ấn Độ. Thơ cũng như tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận được đọc ở khắp nơi và những bài hát do ông sáng tác vang vọng khắp miền đông Ấn Độ và trên cả nước Bangladesh.

Ngược lại, ở phần còn lại của thế giới, nhất là tại châu Âu và Mỹ, sự hào hứng bởi những trang viết của Tagore hồi những năm đầu thế kỷ 20 nhìn chung đã không còn nữa. Sự nhiệt tình từng có đối với tác phẩm của ông từng rất đáng kể. Gitanjali (Lời dâng), tập thơ tuyển chọn mà nhờ nó, ông được trao giải Nobel Văn học năm 1913, được xuất bản bằng tiếng Anh tại London vào tháng Ba năm đó và cho tới tháng 11, khi giải thưởng được công bố, thì đã được in lại tới 10 lần. Nhưng giờ đây, người ta không còn đọc nhiều Tagore ở phương Tây, và từ năm 1937, Graham Greene đã có thể phát biểu: “Về Rabindranath Tagore, tôi không thể tin rằng có ai ngoài ông Yeats thực sự đánh giá cao thơ ông ta.”

Nhà thần bí

Sự tương phản giữa vai trò to lớn của Tagore trong văn học và văn hóa Bengali với sự gần như hoàn toàn biến mất ở thế giới bên ngoài có lẽ không lý thú bằng sự khác biệt giữa quan điểm về ông như một nhà tư tưởng đương thời đa diện và rất đáng chú ý ở Bangladesh và Ấn Độ với hình ảnh của ông ở phương Tây như một nhà duy linh xa xôi và hay lặp lại. Trên thực tế, Graham Greene đã giải thích rằng ông đánh đồng Tagore “với cái mà Chesterton gọi là ‘đôi mắt lấp lánh sáng” của những nhà thần trí học (Theosophist).” Rõ ràng, yếu tố thần bí đóng phần nào vai trò trong việc “bán” Rabindranath Tagore cho phương Tây bởi Yeats, Ezra Pound và những người ủng hộ ông lúc đầu. Ngay cả Anna Akhmatova, một trong số ít những người hâm mộ ông giai đoạn sau này (và là người dịch thơ ông sang tiếng Nga vào giữa thập kỷ 1960) cũng nói về “dòng chảy thi ca hùng vĩ lấy sức mạnh từ Ấn Độ Giáo cũng như từ sông Hằng, và tên gọi của nó là Rabindranath Tagore.”

img


Một không khí thần bí

Tranh bởi W. Rothenstein


Hợp lưu của các nền văn hóa

Rabindranath quả thực sinh trưởng trong một gia đình Hindu- một trong các gia đình điền chủ sở hữu đất đai chủ yếu ở Bangladesh ngày nay. Nhưng cho dù chất trí tuệ nào ở trong việc Akhmatova nói về Ấn Độ giáo và sông Hằng thì nó cũng không ngăn cản người dân Bangladesh mà đa số là theo đạo Hồi cảm thấy sự gần gũi sâu sắc với Tagore và với các tư tưởng của ông. Và nó cũng không ngăn cản việc nước Bangladesh sau khi giành được độc lập chọn một trong các bài hát của Tagore- bài “Amar Sonar Bangla” có nghĩa là “Bengal vàng của tôi”- làm quốc ca. Điều này hẳn sẽ gây rất nhiều bối rối cho những ai xem thế giới đương đại như sự “xung đột giữa các nền văn minh”- với việc “văn minh Hồi giáo”, “văn minh Hindu”, và “văn minh phương Tây”, đối địch quyết liệt với nhau. Những người này cũng sẽ bối rối trước việc Rabindranath Tagore tự mô tả gia đình Bengali của mình như sản phẩm có từ “sự hợp lưu của ba nền văn hóa: Hindu, Hồi giáo và Anh”.1

Dwarkanath, ông nội của Rabindranath, có tiếng là người am hiểu cả tiếng Arab và tiếng Ba Tư, và Rabindranath lớn lên trong một môi trường gia đình, tại đó sự am hiểu sâu sắc chữ Phạn (Sanskirit) và các sách vở Hindu cổ được kết hợp với sự am hiểu các truyền thống Hồi giáo cũng như văn chương Ba Tư. Không phải Rabindranath cố gắng tạo ra- hay quan tâm tới việc tạo ra- một “sự kết hợp” các tôn giáo khác nhau (như vị hoàng đế vĩ đại Akbar của vương triều Moghul từng rất cố gắng) mà tầm nhìn của ông luôn luôn là không bè phái, và những tác phẩm của ông- khoảng 200 cuốn sách- cho thấy ảnh hưởng của những phần khác nhau từ văn hóa Ấn Độ cũng như từ thế giới bên ngoài.2

Bình Cư

Hầu hết các tác phẩm của ông đều được viết ở Santiniketan (Bình CÆ°), má»™t thị trấn nhỏ xung quanh ngôi trường ông lập ra ở Bengal năm 1901. Ông không chỉ đặt ra tại nÆ¡i đây má»™t hệ thống giáo dục sáng tạo mà thông qua những tác phẩm cÅ©ng nhÆ° ảnh hưởng của ông tá»›i các sinh viên và giáo viên, ông sá»­ dụng ngôi trường này nhÆ° má»™t cÆ¡ sở để từ đó đóng vai trò quan trọng trong các phong trào xã há»™i, chính trị và văn hóa của á
º¤n Độ.

Một nhà văn có tính sáng tạo sâu sắc, người viết ra những tác phẩm văn chương tinh tế và những bài thơ màu nhiệm mà người đọc Bengali biết rất rõ, không phải là vị guru tâm linh luôn rao giảng, được khâm phục- và sau đó bị chối bỏ- tại London. Tagore không chỉ là một nhà thơ cực kỳ đa tài; ông còn là người viết truyện ngắn, nhà tiểu thuyết, kịch tác gia, nhà viết tiểu luận và soạn giả các bài hát lớn. Ông còn là một họa sĩ tài năng với những bức tranh kết hợp giữa tính đại diện và tính trừu tượng mà chỉ gần đây mới nhận được sự tán thưởng lẽ ra phải từ lâu. Hơn thế, các tiểu luận của ông, đề cập tới hết thảy các mảng từ văn học, chính trị, văn hóa, thay đổi xã hội, niềm tin tôn giáo, phân tích triết học, quan hệ quốc tế, và hơn thế nữa. Sự trùng hợp giữa kỷ niệm năm mươi năm ngày độc lập của Ấn Độ với việc xuất bản tuyển tập các bức thư của Tagore bởi nhà xuất bản Đại học Cambridge đã đưa các ý tưởng và suy nghĩ của Tagore tới với người đọc, và khiến cho việc tìm hiểu những tư tưởng và sự hiểu biết hàng đầu của ông đối với tiểu lục địa Ấn Độ trong nửa thế kỷ qua trở nên hết quan trọng.

Ghandhi và Tagore

Bởi lẽ Rabindranath Tagore và Mohanmas Gandhi là hai nhà tư tưởng hàng đầu của Ấn Độ trong thế kỷ 20, đã có nhiều người tìm cách so sánh tư tưởng của họ với nhau. Khi được tin về cái chết của Rabindranath, Jawaharlal Nehru, lúc đó đang nằm trong nhà tù của Anh ở Ấn Độ, viết trong nhật ký nhà tù của mình vào ngày 7/8/1941:

“Gandhi và Tagore. Hai kiểu người hoàn toàn khác nhau, nhưng cả hai đều đặc trưng cho Ấn Độ, cả hai đều nằm trong truyền thống lâu đời những vĩ nhân của Ấn Độ…Không phải vì một phẩm chất riêng biệt nào mà bởi vì cái toàn thể (tout ensemble) khiến tôi cảm thấy rằng trong số những vĩ nhân của thế giới ngày nay, Gandhi và Tagore là hai con người tuyệt đỉnh. Tôi có may mắn nhường nào khi được trực tiếp gần gũi với họ”.

Romain Rolland rất thích thú trong việc so sánh hai người này với nhau, và khi ông hoàn tất cuốn sách của mình về Gandhi, ông viết cho một học giả người Ấn vào tháng Ba năm 1923: “Tôi vừa hoàn tất cuốn sách Gandhi, trong đó tôi bày tỏ lòng trân trọng tới hai tâm hốn tựa như những dòng sông vĩ đại của đất nước các ông- những dòng sông ào ạt chảy bởi tinh thần thần thánh, Tagore và Gandhi.” Trong tháng sau đó, ông ghi lại trong nhật ký của mình so sánh về sự khác nhau giữa Gandhi và Tagore bởi Đức Giám mục C.F.Andrews, vị linh mục người Anh và nhà hoạt động công chúng là bạn thân của cả hai người (mà vai trò quan trọng trong cuộc đời Gandhi ở Nam Phi cũng như ở Ấn Độ được thể hiện đáng kể trong bộ phim Gandhi [1982] của Richard Attenborough). Andrews mô tả với Roland cuộc đối thoại giữa Tagore và Gandhi mà lúc đó ông có mặt, và về những chủ đề khiến họ khác nhau:

“Chủ đề trao đổi đầu tiên là các sùng tượng; Gandhi bảo vệ chúng, ông tin rằng quần chúng không có khả năng tự nâng mình ngay lập tức tới các tư tưởng trừu tượng. Tagore thì không thể chịu được trước việc người ta mãi mãi đối xử với nhân dân như với một đứa trẻ. Gandhi nhắc tới những điều vĩ đại đã đạt được ở châu Âu bởi ngọn cờ như là một sùng tượng; Tagore phản biện lại dễ dàng, nhưng Gandhi giữ vững lập trường, ông so sánh giữa các lá cờ châu Âu mang hình đại bàng… với lá cờ của ông, trong đó ông đặt vào thiết bị quay sợi bằng tay. Điểm trao đổi thứ hai là chủ nghĩa quốc gia và Gandhi bảo vệ nó. Ông nói rằng người ta phải đi từ chủ nghĩa quốc gia để đến chủ nghĩa quốc tế, tương tự như khi phải đi qua chiến tranh mới đến được hòa bình.” 4

Tagore rất khâm phục Gandhi nhưng ông có nhiều bất đồng với Gandhi về nhiều vấn đề, kể cả chủ nghĩa quốc gia, lòng ái quốc, tầm quan trọng của trao đổi văn hóa, vai trò của suy lý và khoa học, và bản chất của sự phát triển kinh tế và xã hội. Tôi cho rằng những khác biết này có xu hướng rõ ràng và nhất quán, trong đó Tagore đòi hỏi phải tăng cường lý tính, phải có quan điểm ít tính truyền thống hơn, quan tâm nhiều hơn tới thế giới bên ngoài, tôn trọng hơn đối với khoa học và với sự khách quan nói chung.

Rabindranath biết rằng ông không thể trao cho Ấn Độ vai trò lãnh đạo chính trị như Gandhi và ông không bao giờ kiệm lời trong lời khen ngợi với những gì Gandhi làm cho đất nước (trên thực tế, chính Tagore là người phổ biến hóa chữ “Mahatma”- tâm hồn vĩ đại- để mô tả vè Gandhi). Nhưng dù vậy, cả hai người vẫn rất phê phán với nhiều quan điểm của người kia. Việc Mahatma Gandhi nhận được sự quan tâm hơn Tagore nhiều lần ở ngoài Ấn Độ và cả ở hầu hết mọi nơi bên trong Ấn Độ khiến cho việc tìm hiểu “quan điểm của Tagore” trong các cuộc tranh luận Gandhi-Tagore càng trở nên quan trọng.

Trong nhật ký nhà tù của mình, Nehru viết: “Có lẽ cũng tốt rằng [Tagore] giờ đây đã chết và không phải chứng kiến những thảm kịch đang xảy ra ngày càng nhiều trên thế giới và tại Ấn Độ. Ông đã thấy quá nhiều và ông đã quá buồn đau.” Cho tới tận cuối đời mình, Tagore ngày càng trở nên thất vọng về tình hình Ấn Độ, đặc biệt khi các vấn đề thường ngày của nó như nạn đói và nghèo khổ lại được tăng thêm bởi những kích động bạo lực “tập thể” có tổ chức chính trị giữa người theo Ấn Độ giáo và người theo Hồi giáo. Xung đột này sẽ dẫn đến năm 1947, sáu năm sau khi Tagore qua đời, tới cuộc giết chóc lan tràn xảy ra sau ngày Ấn Độ bị chia tách; nhưng
ngay từ những ngày cuối đời của ông, đã có quá nhiều đau khổ. Tháng 12 năm 1939, Tagore viết cho bạn ông Leonard Elmhirst, nhà từ thiện và cải cách xã hội người Anh- người đã cộng tác chặt chẽ với ông trong công việc tái thiết nông thôn ở Ấn Độ (và người sau đó lập nên Quỹ Dartington Hall ở Anh và một trường học tiến bộ tại Dartington vận dụng các ý tượng giáo dục của Rabindranath):5

“Không cần phải là một kẻ chủ bại mới có thể cảm thấy lo lắng sâu sắc bởi tương lai của hàng triệu người- những người với một nền văn hóa nguyên thể và truyền thống hòa bình lại đang phải chịu đựng nạn đói, bệnh dịch, sự bóc lột của cả nước ngoài và nội địa, và mối bất bình sôi sục trong những tư tưởng làng xã.”

Tagore có thể nhìn như thế nào về nước Ấn Độ ngày nay? Liệu ông có thấy tiến bộ, hay sự lãng phí những cơ hội, hay thậm chí cả sự bội phản những hứa hẹn và niềm tin của nó? Và trong một chủ đề lớn hơn, ông sẽ phản ứng thế nào trước sự lan tràn của khuynh hướng chia rẽ văn hóa trong thế giới đương đại?

Đông và Tây

Với sự đa dạng phong phú của những thành công sáng tạo của ông, có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất trong hình ảnh Tagore ở phương Tây là tính chật hẹp của nó; ông thường xuyên được coi là “nhà thần bí học vĩ đại từ phương Đông”, một hình ảnh được dành cho phương Tây, mà một số người sẽ hoan nghênh, số khác khó chịu và những người khác nữa thì thấy hết sức buồn tẻ. Hình ảnh này của Tagore chủ yếu là sáng tạo của chính phương Tây, là một phần trong truyền thống tìm kiếm thông điệp nào đó từ phương Đông, nhất là từ Ấn Độ, nơi mà như lời Hegel “đã tồn tại hàng thiên niên kỷ trong trí tưởng tưởng của người châu Âu.”6 Friedrich Schlegel, Schelling, Herder vaf Schopenhauer nằm trong số những nhà tư tưởng theo đuổi mô thức này. Schopenhauer còn có lúc phát biểu rằng Tân Ước “nhất định phải có nguồn gốc Ấn Độ; bằng chứng là đạo đức trong đó hoàn toàn có tính Ấn Độ, với việc biến đạo đức thành tinh thần khổ hạnh, bi quan và tính biểu tượng,” thể hiện trong “cá nhân Đức Ki Tô”. Nhưng sau đó, chính những tác giả này lại bác bỏ giả thuyết của mình một cách kịch liệt, đôi khi còn đổ lỗi cho Ấn Độ vì đã không giống như kỳ vọng thiếu cơ sở của họ.

Chúng ta có thể tượng tượng ngoại hình của Rabindranath- đẹp đẽ, râu dài, mặc đồ không phải phương Tây- ở mức độ nào đó, cũng khuyến khích việc người ta coi ông như người truyền dưỡng minh triết xa xôi. Yasunari Kawabata, nhà văn Nhật Bản đầu tiên được giải Nobel, gìn giữ ký ức của ông từ những ngày học cấp hai về “nhà thơ hiền triết”:

“Mái tóc trắng của ông chải nhẹ xuống hai bên vầng trán; những búi tóc dưới thái dương ông cũng dài như hai bộ râu, và chúng nối với râu trên má ông, tiếp nối cho tới râu cằm ông, tạo ra cảm tưởng trong cậu bé là tôi khi đó về một vị phù thủy phương Đông cổ xưa.7”

Vẻ ngoài đó hẳn rất phù hợp trong việc bán hình ảnh Tagore ở phương Tây như một nhà thơ thần bí tinh túy, và cũng khiến cho việc xếp ông vào một kiểu nào đó trở nên thuận tiện hơn. Bình luận về ngoại hình của Rabindranath, Frances Cornford nói với William Rothenstein, “Giờ đây, tôi có thể tượng tượng ra một đức Ki Tô uy lực và dịu dàng, điều mà tôi chưa bao giờ làm được trước đây.” Beatrice Webb, người không ưa Tagore và bực bội trước những gì mà bà ta cho rằng “sự khó chịu của ông ta đối với tất cả những gì mà gia đình nhà Webbs đại diện” (trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy Tagore để tâm tới việc này), cũng nói là ông “đẹp đẽ khi nhìn vào” và “lời ông có âm sắc hoàn hảo và bình thản như lời cầu kinh chầm chậm của một vị thánh.” Ezra Pound và W.B. Yeats là những người đầu tiên xướng bài tụng ca Tagore ở phương Tây và nhanh chóng sau đó bỏ rơi ông và thậm chí còn phê phán kịch liệt ông. Sự tương phản giữa lời ca ngợi của Yeats về tác phẩm Tagore năm 1912 (“Những lời thơ này…thể hiện trong tư tưởng một thế giới mà tôi vẫn hằng mơ ước tới suốt cả cuộc đời,” “một tác phẩm văn hóa tuyệt đỉnh”) và lời lên án của ông ta năm 1935 (“Tagore chết tiệt”) xuất phát một phần từ việc không thể đặt những tác phẩm đa chiều của Tagore trong cái hộp hẹp hòi mà Yeats muốn dành cho ông- và muốn giữ ông ở đó. Tất nhiên, Tagore viết rất nhiều và xuất bản liên tục, kể cả trong tiếng Anh (đôi khi trong những bản dịch tiếng Anh thiếu sức sống), nhưng rõ ràng là Yeats cũng khó chịu vì khó lòng đặt các tác phẩm về sau của Tagore vào hình ảnh mà Yeats trình bày cho phương Tây. Yeats từng bảo Tagore là sản phẩm của “cả một dân tộc, cả một nền văn minh hoàn toàn xa lạ với chúng ta,” và dẫu vậy “chúng ta gặp hình ảnh của chính mình,…hoặc nghe thấy, có lẽ là lần đầu tiên trong văn học, giọng nói của chúng ta như ở trong mơ.”8

Yeats không hoàn toàn rũ bỏ sự khâm phục trước kia của ông (như Ezra Pound và vài người khác), và ông vẫn để vài bài thơ giai đoạn đầu của Tagore trong tập The Oxford Book of Modern Verse (Tuyển tập Oxford về Thơ Hiện đại) mà ông biên tập vào năm 1936. Yeats cũng nhắc tới văn xuôi Tagore với ít nhiều thiện cảm. Sự không bằng lòng của ông với các bài thơ sau này của Tagore được củng cố bởi sự khó chịu với bản dịch ra tiếng Anh của chính Tagore (“Tagore không biết tiếng Anh, không có người Ấn Độ nào biết tiếng Anh cả,” Yeats giải thích), không như bản dịch tiếng Anh tập Gitanjali mà chính bản thân Yeats góp phần vào đó. Tất nhiên, thơ luôn luôn là hết sức
khó dịch, và bất cứ ai từng đọc thơ Tagore trong nguyên bản tiếng Bengali đều không cảm thấy hài lòng với bất kỳ bản dịch nào (dù có sự tham gia của Yeats hay không). Ngay cả bản dịch các tác phẩm văn xuôi của Tagore cũng bị biến thái phần nào so với nguyên bản. E.M. Forster từng lưu ý, khi điểm sách về bản dịch một trong những tác phẩm lớn bằng tiếng Bengali của Tagore, Căn nhà và Thế giới, vào năm 1919: “Chủ đề thật đẹp,” nhưng vẻ duyên dáng ấy “biến mất trong bản dịch,” hay có lẽ “trong một thử nghiệm không thành công.” 9

Bản thân Tagore đóng một vai trò đáng ngạc nhiên trong sự bùng nổ và rụi tắt của danh tiếng ông ở Anh. Ông chấp nhận những lời khen ngợi quá đà với nhiều ngạc nhiên hơn là vui thích, và sau đó đón nhận sự lên án với nhiều ngạc nhiên hơn nữa, và cả với nỗi đau không che giấu. Tagore nhạy cảm với những lời chỉ trích và dễ đau đớn bởi những cáo buộc phi lý nhất, chẳng hạn như lời cáo buộc rằng ông đã nhận được thành công nhờ công trình của Yeats, người đã “viết lại” Gitanjali. (Lời buộc tội này của phóng viên tờ The Times, ngài Valentine Chirol, kẻ mà E.M. Forster từng có lần mô tả là “một lão già Anh-Ấn viết thuê phản động”.) Đôi lúc, Tagore lên tiếng phản đối sự thô kệch từ những người ủng hộ nhiệt thành quá mức của ông. Ông viết cho C.F. Andrews năm 1920: “Những người này…giống như những kẻ say luôn sợ hãi mỗi khi họ tỉnh táo.”




Trích dịch từ "Tagore and His India"

1 comment: