Thursday, February 21, 2008

cây bàng, buổi chiều

dạ thảo phương

cây bàng, buổi chiều


cây chì đen tưởng mất ở căn gác thuê hai năm trước
lại vừa thấy tỉnh bơ trên bàn
nhưng chiếc trâm đỏ chạm ba con cá thì biến mất
cả chiếc giày màu bạc
y như bao nhiêu đồ vật khác
thỉnh thoảng, căn nhà ngăn nắp lại xảy ra một vụ mất tích
hay sự trở về
đột ngột, ngớ ngẩn, không hiểu nổi


3 giờ chiều nay mở mắt
phát hiện con chim chích vẫn hót trên cây khế mấy hôm rồi bặt hơi
và cây bàng đã trổ lá
mình thì đang nằm trên giường

nằm đến tắt nắng, chợt nghĩ
không lẽ cây bút chì, cái trâm, tiếng chim quen thuộc…
tất cả chỉ là mơ


là mơ, chiếc giày chân trái không sao tìm thấy
và, chiếc giày chân phải một mình lấp lánh mãi trên ngăn giá tre
là một giấc mơ khác
cũng mảnh mai, màu bạc


chớp mắt. mọi gương mặt hoá hão huyền
là mơ, 8 năm không giọng nói con người
là mơ, buổi sáng mùa đông tê dại ấy
đã tưởng máu ngây thơ không thể ngừng chảy…


tất cả
chỉ còn một nét cười nhẹ
không phân biệt nổi là sự khinh bỉ
hay tha thứ, và
tự tha thứ
hay thoáng mơ vô ngữ nghĩa


đồ bàng già đãng trí
cứ qua một đợt giá rét, cành khô lại trổ lá
xanh
xanh như lần trổ lá đầu tiên
xanh như một kiểu vỡ máu đột ngột
mơn mởn
tươi buốt


12.2007

19 comments:

  1. Uhm, hôm qua vừa thấy chị DTP này diễn thơ cùng bác Dương Tường.

    ReplyDelete
  2. em rất thích những bài thơ anh nhặt đem về đây!

    ReplyDelete
  3. Từ cuối cùng "tươi buốt" mình mới nghe lần đầu, đọc lên cảm giác nhói một cái.

    ReplyDelete
  4. "Xanh như một kiểu vỡ máu đột ngột" thì lại viết quá đà.

    ReplyDelete
  5. Quá đà gì đâu. Xanh thế là kiểu xanh mơn mởn một cách đột ngột, xuất thần,xanh bứt phá, khác hẳn với cái rờn "xanh như ngọc" nhé! Nhưng nó lại là điềm báo của một cơn mơ khác :D. Theo diễn tiến tâm lý, tôi đưa giả thiết thế này:

    Nắng đổ về
    ÀO ẠT
    Bông hoa bỗng nở
    CHÓI LÒA
    còn tôi vẫn còn trên giường
    ngắm một con thằn lằn già
    đi vào đi ra
    thi thoảng bên nhà hàng xóm
    vang lên tiếng búng móng tay
    tanh tách...
    là mơ, cái trâm cái lược đâu rồi?

    ngoài ô cửa sổ cũ kỹ
    một đám mây bay
    ơ hờ.

    ReplyDelete
  6. và hình như sau "chớp mắt" là dấu phẩy, hay dấu chấm hả anh?

    ReplyDelete
  7. không quá đà đâu chị HY ạ. Đọc lại thật kỹ để hiểu, vì sao sẽ có một câu thơ như thế, nhất định là như thế

    ReplyDelete
  8. Ơ bài này miềng được tác giả cho đọc cách đây 1 tuần. Công nhận hay!

    ReplyDelete
  9. Thế chắc tại cảm nhận của tớ có vấn đề, khi đọc đến "vỡ máu đột ngột" tớ nghĩ đến màu đỏ máu tung tóe sau đấy là cái chết...
    Vậy nên mình so sánh với "Xanh" thì...
    Tớ buột miệng về chi tiết thế thôi. Bài này tớ thấy khá hay.

    ReplyDelete
  10. Uh, máu của người màu đỏ, máu của cây màu xanh :)

    ReplyDelete
  11. @Nguyet: tán thêm với bạn tí cho vui :)
    1. Máu của cây (nhựa cây) ko phải màu xanh.
    2. Máu của tất cả các loài đều được bao bọc che giấu cẩn thận trong cơ thể của chúng dể làm nhiệm vụ nuôi dưỡng cơ thể nên khi bạn đã thấy máu đổ thì đó là sự đau đớn đấy.
    3. Trong khi đó thì màu Xanh của cây là màu sinh sôi.

    Bạn đồng ý ko nào?

    Tuy vậy, nếu tác giả đã so sánh như thế một cách có mục đích thì chắc người đọc sẽ phải tìm hiểu cái mục đích ấy để hiểu rõ hơn về bài thơ.

    ReplyDelete
  12. @HY: em thì hình dung đoạn đó như một cái chồi non mọc trong vết thương bị vỡ ra của một cái cây già, chính vì thế mới mơn mởn nhưng tươi buốt.
    Như trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, một đứa trẻ sinh ra cũng là lúc một người già chết đi :D

    ReplyDelete
  13. @Tung: anh nghĩ là dấu chấm. bạn dạ thảo phương viết bài này theo cách ông e.e. cummings, không có viết hoa.

    ReplyDelete
  14. vâng.

    thế anh cho em hỏi dụng ý nghệ thuật của việc không viết hoa là gì ạ?

    ReplyDelete
  15. Tớ nghĩ thế lày: quy tắc chính tả phân biệt viết thường và viết hoa, nghĩa là phân biệt cái quan trọng hơn, đáng chú ý hơn với những cái khác, kiểu như buổi nói chiện của thích nhất hạnh lần đầu tiên ở viện goethe có tới 3 màu vé, phân biệt đẳng cấp 3 loại người nghe(chủ yếu là dựa vào số tiền họ cúng dường, hehe). khi bạn thấy mọi thứ đều bình thường và đều trân trọng ngang nhau, thì tự bạn sẽ không thấy cần phải viết hoa hay viết thường làm rì nữa. mới cả, viết hoa phải thêm 1 ngón ấn shift, mà tớ thì lười lém.

    ReplyDelete
  16. Có lẽ cụ Nguyễn Du ngày xưa cũng có đọc được sự tình này ở đâu đó nên mới viết:

    Sen tàn cúc lại nở hoa
    Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

    Trăm năm trong cõi người ta bằng một cái chớp mắt thản nhiên. Trong cái thấy hôm nay có dư ảnh không trọn vẹn của hôm qua. Trong dư ảnh là vết thương ngày xưa tưởng không thể liền. Thế mà nó cứ liền, cứ lên sẹo, lành lặn và sinh sôi. Như thể đã sẵn sàng cho một vết thương khác.

    ReplyDelete
  17. Đúng rồi đó anh Lê, mơ hay thực, buồn hay vui là ở lòng người.
    "ngàn năm mây trắng trên lầu còn bay" thôi!

    ReplyDelete