Monday, February 4, 2008

Entry for February 04, 2008

1. Tết sắp đến rồi. Hôm nay, tuyết rơi trắng xóa, bông tuyết bay lả tả. Hình như ở Việt Nam cũng nhiều người đang “chờ tuyết rơi” ở Sapa. Đọc trên các blog thấy không khí Tết có vẻ tưng bừng ra phết.

2. Các phim mới xem gần đây, đều đáng xem cả.

Gone baby gone: Rất thông minh, và bất ngờ. Phim này làm mình trở nên thiện cảm với anh Ben Affleck hơn hẳn, anh này từ nay nên tập trung viết kịch bản và đạo diễn phim thay vào đóng phim.

4 months, 3 weeks and 2 days: Quá hay, rất đáng xem. Xem phim này và so sánh với hai phim của Mỹ cũng đề cập tới việc có thai ngoài ý muốn là Knocked Up và Juno thì có thể thấy sự khác biệt giữa cách giải quyết và đối mặt với thực tế của các nhà làm phim ở Romania và Mỹ. Ở hai phim kia của Mỹ, giải pháp đều là cho nhân vật chính sinh con (kể cả khi người mang thai còn là trẻ vị thành niên như trong Juno), một giải pháp có lẽ là dễ chịu với người Mỹ vốn có xu thế bảo thủ trong vấn đề phá thai, có thể nói là crowd-pleasing. Còn trong 4 tháng, 3 tuần và 2 ngày là một bức tranh cực kỳ chân thực về việc nạo phá thai bất hợp pháp của sinh viên ở Romania thời còn cộng sản (khi phá thai là tội hình sự). Mấy năm gần đây, Romania có khá nhiều phim đoạt giải quốc tế, có lẽ cũng nên xem thêm.

Atonement: Phim khá hay và rất đẹp, nhiều cảnh quay quá ấn tượng nhất là cảnh trên bãi biển khi quân Anh-Pháp thua chạy, âm nhạc trong phim cũng hay, các diễn viên đều đóng rất tốt, nhất là cô bé con. Câu chuyện khá thú vị nhưng không hiểu sao, tôi không thấy cảm động lắm (đoạn làm tôi cảm động nhất lại là đoạn người lính Pháp sắp chết nói chuyện với cô y tá Briony). Một tác phẩm cổ điển xuất sắc, và có gì đó như gần gũi với một bi kịch Hy Lạp cổ, khi sự hiểu lầm và định mệnh nối tiếp nhau dẫn tới bi kịch. Phim cũng có nhiều ý nghĩa, như đặt ra câu hỏi: Có thật chúng ta muốn biết sự thực không, hay chúng ta chỉ muốn sự thật là những gì như chúng ta muốn thấy. Briony “muốn” thấy Robbie là thủ phạm khi còn nhỏ, sau này lại “muốn” một kết thúc đẹp và chấp nhận được để trốn chạy tội lỗi của mình. Sự ăn năn (atonement) thực sự của bà không phải là cuốn tiểu thuyết mà bà coi như là lời ăn năn của mình, mà là lời thú nhận cuối đời của bà rằng có những lỗi lầm không thể cứu chuộc. Và sự thật, dù trần trụi và đáng sợ, mới chính là sự cứu chuộc duy nhất có thể. Tuy nhiên, có cảm giác bộ phim vẫn hơi “nuột” quá.

Eastern Promises: Thú vị, chân thực, và nhiều cảm hứng. Nhiều đoạn trong phim xem rất ấn tượng như đoạn đánh nhau trong nhà tắm.

Notes on a scandal: Cate Blanchett thật sexy trong phim này. Cả hai vai nữ chính (Judi Dench) và phụ (Cate Blanchett) đều đóng rất hay.

Warlords: Phim khá hay, tuy plot không thực sự thuyết phục lắm, và vẫn mắc vào nhiều cái cliché quen thuộc của phim Trung Quốc, dù cũng có cố gắng thoát ra. Lý Liên Kiệt đóng phim này khá tốt. Cảnh phim đẹp một cách dữ dội và hoang hủy.

11 comments:

  1. chưa xem hết 4 months, mới xem một đoạn mà bản phim xấu quá nên buồn ngủ...
    Atonement có vẻ quá đẹp đẽ và dễ chịu, xem thấy hay nhưng lại vuột mất, không để lại quá nhiều ấn tượng mạnh mẽ như các phim khác
    Notes on a scandal thì diễn xuất rất hay, nhưng âm nhạc over the top làm hư hết cả phim

    ReplyDelete
  2. Anh Linh coi film Đông Âu thì phải coi Emir Kusturica http://us.imdb.com/name/nm0001437/. Nói chung là 1 cái nhìn hoàn toàn khác với Holywood. Cũng hay. Bắt đầu từ film Underground chẳng hạn.

    ReplyDelete
  3. Atonement là phim cần theo dõi kỹ tâm lý nhân vật. Nếu theo dõi kỹ tâm lý nhân vật thì sẽ mở ra những trường liên tưởng phong phú. Còn nếu không thật chú ý thì sẽ để vuột qua.

    Ví dụ như đối với nhân vật cần chú ý về tâm lý nhất trong phim, cô bé Briony. Đầu phim ta thấy các biểu đạt đầy sắc cạnh, mà không thực sự hiểu vì sao lại như vậy. Phải tới cảnh anh lính Robbie đối diện với cảnh xác các bé gái một trường dòng ở Pháp bị giết nằm ngổn ngang. Từ ấn tượng buồn bã đó Robbie nhớ về quá khứ. Khung cảnh anh giận dữ bỏ đi sau khi cứu sống Briony (do cô cố tình nhảy xuống suối để thử xem mình có được anh cứu ko), còn cô bé thì chạy tung tăng, hạnh phúc reo lên phía sau "I love you, I love you". Sự mất mát trong tâm hồn thơ trẻ của Briony khi đó chính là khởi đầu cho số phận ba con người sau này.

    Cuộc sống có vẻ như đầy sự tình cờ vô nghĩa. Nhưng nếu ta thực tâm theo dõi, thì điều gì cũng có duyên do của nó. Và nhờ vậy mà con người nhìn thấy những perspective khác, sống động và chân thật hơn. Đó cũng là một điều mà bộ phim biểu đạt. Vì vậy nên mới có những cảnh trong phim được quay đi quay lại hai lần, dưới các góc nhìn khác nhau.

    ReplyDelete
  4. Doi Cecilia - Robbie khong loi cuon em lam, dang le ra luc biet ho chet thi minh phai thay rat cam dong nhung minh chi thay ... ho hung, kieu nhu "chien tranh ma". Tuy nhien nhan vat Briony thi hay, va cach quay lai mot so canh tu cac perspective khac nhau cung hay.
    Va dung la chien tranh, trong khi mot so nguoi kho so, bi thuong va chet thi mot so khac vao Cambridge, lay chong giau va giau su nho chocolate :)

    ReplyDelete
  5. Emir Kusturica là một lựa chọn đúng

    Ngoài ra gần đây có xem mấy phim Rumani rất ấn tượng, cùng một lối kể chuyện với 4months và có liên quan đến chế độ XHCN : The Paper will be blue , 12:08 East of Bucarest . Một số phim khác về thời hiện đại The death of Mr. Lazarescu và California Dreaming (đạo diễn làm phim xong bị đâm xe chết chung với kỹ sư âm thanh) xem được .

    ReplyDelete
  6. Warlords đúng là surprisingly good dù màu sắc thị trường vẫn còn đậm nét. Mà em có cảm giác vai này của Lý Liên Kiệt bằng gần như tổng cộng các vai cũ của anh ta cộng vào :))

    ReplyDelete
  7. Vì vậy nên mới có những cảnh trong phim được quay đi quay lại hai lần, dưới các góc nhìn khác nhau. (Le)

    Đúng rồi, trong truyện, các đoạn này được mô tả thông qua cái nhìn của Briony, cho thấy sự việc qua mắt người khác và sự việc thật sự xảy ra hoàn toàn khác nhau. Đó chính là sự thách thức của nhà làm phim, vì trên giấy viết ra điều đó rất dễ trong khi lên phim, làm sao cho khán giả cùng có một cảm giác, một suy nghĩ như nhân vật, để rồi sau đó mới biết thật sự điều đó không phải như thế. Atonement có nhiều đoạn đắt giá (đặc biệt là cú máy dài ở bãi biển), nhưng phim vẫn có gì đó nhẹ nhàng... Em Keira Knightley vẫn làm điệu trên màn bạc như mọi khi nên xem phim thấy hơi bực mình. Xem phim, thấy rõ em ấy lo lắng không biết mình có đẹp trên phim không, không biết mình diễn thế này máy quay có bắt được không... Trong khi cô bé đóng vai Briony lúc nhỏ thì quá xuất sắc.

    ReplyDelete
  8. Keira Knightley thì lúc nào cũng một kiểu. Nhưng diễn xuất như vậy của cô ấy thực ra lại phù hợp với vai diễn lần này. Trong khi cảnh sát chờ bắt Robbie ở ngoài thì cô gái vênh mặt châm thuốc hút trong phòng. Vai diễn của Keira là một tiểu thư vừa mới lớn, còn nhẹ dạ và mờ nhạt. Sự nhẹ dạ, nông nổi và mờ nhạt của tuổi trẻ là một phần của bi kịch. Nhưng cô gái trẻ có đáng chịu bi kịch đó không? Đây cũng là câu hỏi mà người xem có thể đặt ra. Nếu thay Keira nhẹ dạ, nhạt nhòa, bằng một Keira sống động mãnh liệt, thì chưa chắc phim đã hay hơn. Mà thực ra thì sự mờ nhạt và nhẹ dạ mà Keira biểu lộ cũng là một phần của vẻ đẹp cuộc sống.

    ReplyDelete
  9. "Cô gái trẻ có đáng chịu bi kịch đó không", nói cho cùng phần lớn chúng ta có đáng được/ đáng chịu rất nhiều thứ hay không? Có phải hầu hết chúng ta đều fooled by randomness trong một thế giới có lẽ nhiều điều ngẫu nhiên hơn chúng ta đã tưởng và cố gắng giải thích? Và hạnh phúc hay bất hạnh rất nhiều khi tùy thuộc vào may mắn hay không may?

    ReplyDelete
  10. Định nghĩa thế nào là may mắn cũng là một vấn đề thú vị. Có phải cái điều nhất thời không nhìn thấy được thì ta gọi nói là điều may mắn/không may mắn? Như thế để cho tiện? Hoặc là để vừa dễ "tư duy", vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm lý nhất thời?

    ReplyDelete
  11. Chính ra cái ý tưởng về everyone is fooled by randomness có lẽ rõ nhất trong phim No country for old men và một số phim khác nữa của Coel brothers.

    ReplyDelete