350.000 đồng và quyền bày tỏ cảm xúc
Sáng nay đọc ở blog bác Vũ Hạo Nhiên có link sang 1 blog khác (rất tiếc tôi không nhớ link)- chủ nhân của blog này kể chuyện mình bị giấy của công an phường gọi lên nộp phạt 350.000 đồng vì tham gia biểu tình bày tỏ thái độ phản đối hành vi bá quyền của Trung Quốc. Trước đó đã có một số người bị bắt giữ khi tham gia biểu tình như đạo diễn Song Chi, các blogger điếu cày, Uyên Vũ…
Cần thấy rằng trong vụ việc này, những người bị bắt giữ và nực cười thay, bị phạt tiền không phải vì họ là những người bất đồng chính kiến (và ngay cả với những người bất đồng chính kiến thì theo luật pháp và theo trả lời của các quan chức nhà nước thì bất đồng chính kiến cũng không phải là phạm tội). Những người này về cơ bản, có cùng chính kiến với Nhà nước trong vấn đề Trường Sa khi cực lực lên án hành động của Trung Quốc và tin tưởng vào chủ quyền hoàn toàn của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Họ bị bắt không phải vì quan điểm của họ như thế nào, mà là vì họ tự mình thể hiện quan điểm, bày tỏ cảm xúc của mình.
Vậy cái nguyên tắc tiềm ẩn cho lý do bắt giữ họ là gì? Là các cá nhân, các công dân không có quyền tự thể hiện quan điểm của mình ở nơi công cộng. Không những thế, họ còn không được phép thể hiện cảm xúc của riêng mình trước các vấn đề quốc gia đại sự, dù đó là yêu, ghét, ngưỡng mộ, căm phẫn, tán đồng, phản đối…Và tuy quan điểm vẫn được đề cao trong hoạt động Nhà nước vẫn là “dân biết, dân bàn” nhưng trên thực tế việc “dân bàn” đã trở thành gần như phi pháp một khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay Chính phủ đã lên tiếng. Ý kiến của người phát ngôn Bộ ngoại giao cũng nghiễm nhiên được coi là ý kiến của 80 triệu người dân Việt Nam, và tất cả các cảm xúc của quần chúng đều bị triệt tiêu, nhu cầu bày tỏ lòng yêu nước bị coi là bất hợp pháp, là dại dột, ngớ ngẩn.
Nếu phân cấp độ thì ở các nhà nước toàn trị sẽ có hai cấp độ khác nhau trong việc duy trì sự toàn trị của nó. Ở cấp độ thứ nhất, nó triệt tiêu các ý kiến khác biệt của nhân, không cho sự có mặt của các tư tưởng khác, có thể nhân danh quyền lợi dân tộc hay tình thế chiến tranh… để cho sự độc quyền của một hệ tư tưởng duy nhất. Nhưng toàn trị tư tưởng vẫn chưa phải là hòan hảo, nó vẫn chứa đựng mầm mống của sự bất ổn. Mục tiêu cao nhất của toàn trị là không chỉ độc quyền tư tưởng, nó còn độc quyền về mặt cảm xúc. Ở cấp độ này, sự bày tỏ cảm xúc của nhân dân là một điều cấm kỵ, và chính quyền sẽ giữ chiếc chìa khóa duy nhất cho quyền bày tỏ cảm xúc. Một ví dụ là sự độc quyền yêu nước, không cho phép bày tỏ lòng yêu nước theo các cách khác với cách duy nhất mà chính quyền cho phép.
Bình luận về quyền được bày tỏ cảm xúc của nhân dân, luật gia Phạm Duy Nghĩa, trưởng khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội có viết trên viet-studies.info:
QUYỀN ĐƯỢC BÀY TỎ CẢM XÚC CỦA NHÂN DÂN
“Xúc động hình như là cảm giác không chỉ riêng loài người mới có. Khi người Trung Hoa xây sân bay, bán vé du lịch và công khai thu nạp những vùng đất một thời đã của Việt tộc như quận huyện của họ, là con dân nước Việt ai chẳng nghẹn lòng. Quyền phản đối hành vi ngạo mạn ấy không chỉ dành riêng cho riêng người phát ngôn Bộ ngoại giao; một số tờ báo và dân biểu Đà Nẵng đã vang lên phản ứng của lòng dân.
Nhà nước, dù quyền uy đến mấy, cũng không thể thay được tiếng nói của cả một dân tộc khát khao quyền được sống, được tôn trọng và bảo toàn bờ cõi cho con cháu mai sau. Hình như trong cuộc tranh tồn tránh Hán hóa, chính quyền thời nào cũng phải dựa vào lòng dân và tồn tại bởi sức dân.
Giữ lấy quốc gia thời nay không thể chỉ duy nhất trông cậy vào nhà nước, một xã hội dân sự phát triển như trăm ngàn thành lũy mới mong giữ gìn được những gì đã thuộc về người Việt Nam. Anh bộ đội, chị nông dân, cô thợ, người tiêu dùng.. ai cũng yêu nước theo cách riêng của họ. Khi sách giáo khoa của người Nhật mới chớm có dấu hiệu lảng tránh sự thật Nam Kinh, dân Trung Quốc đã ầm ầm tẩy chay hàng Nhật, hà cớ gì không để người dân nước ta tập hợp hằng hà sa số các sức mạnh dân sự để biểu thị mối lo lắng cho không gian sinh tồn cho con cháu sau này.
Quan nhất thời, dân vạn đại, có thời nào một người phát ngôn của Chính phủ lại có quyền vui buồn thay cho hàng triệu nhân dân./.”
Đúng thế, có thời nào mà lời của một người phát ngôn Chính phủ lại thay cho quyền vui buồn hàng triệu dân? Có thời nào mà trong các trường Đại học, nơi lẽ ra cần vun đắp cho tinh thần tự do tư tưởng và khao khát tri thức, lại cấm đoán sinh viên thể hiện lòng yêu nước của mình- thực ra cũng có một thời, đó là vào những năm 20 của thế kỷ 20, khi các trường học của chính quyền thực dân cấm đoán và đuổi học những học sinh tham gia bãi khóa biểu tình để tang cụ Phan Chu Trinh hay đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, nhưng đó là thời cai trị của những kẻ đô hộ khi mà yêu nước cũng là tội lỗi. Chẳng nhẽ bây giờ cũng như thế?
Trong bộ phim Equilibrium, có một thành phố lý tưởng n
ơi người ta sống không hận thù và không có chiến tranh. Sở dĩ như thế là vì tất cả người dân đều phải uống một thứ thuốc khiến cho họ không còn cảm xúc nữa, không yêu, không ghét, không buồn, không vui. Ý tưởng tương tự cũng có trong các tiểu thuyết như The Giver, về một nơi mà người dân bị tước đoạt hết cảm xúc và trí nhớ về quá khứ, và trong Brave New Word, trong một xã hội chia giai cấp, và mỗi người dân đều bị triệt tiêu các cảm xúc con người, và sống như một cái máy phù hợp với chức năng được quy định sẵn cho mình. Những xã hội trong các tác phẩm hư cấu đó, tất nhiên là tưởng tượng. Nhưng cũng có những xã hội trên thực tế không khác xa các xã hội tưởng tượng kia là bao, nơi cảm xúc của cá nhân bị quy định trước bởi các nguyên tắc, và bị trừng phạt nghiêm khắc nếu đi chệch ra khỏi những khung cảm xúc được quy định. Ví dụ, ở Trung Quốc thời Mao, khi tình yêu lớn nhất, cao quý nhất chỉ có thể là tình yêu lãnh tụ, và mối căm thù lớn nhất chỉ có thể là hận thù giai cấp.
Liệu ngày nay còn những người nào muốn sống trong các xã hội “lý tưởng” hay gần lý tưởng ấy?
Chac la blog bac D-ie^'u Ca`y
ReplyDeleteLiệu ngày nay còn những người nào muốn sống trong các xã hội “lý tưởng” hay gần lý tưởng ấy?
ReplyDeletekhong biet
Em gái tớ hiện là giảng viên đại học, đảng viên, không những không khuyên sinh viên ở nhà mà còn tham gia biểu tình chống Tàu (ở SG). Chẳng bị sao cả. Họp hành kiểm điểm trong khoa, người ta chỉ tủm tỉm cười chứ chẳng phê bình kiểm điểm gì, lại còn khen em tớ có cá tính :D
ReplyDeletehồi xưa để trị dân, Tần Thuỷ Hoàng đốt sách giết học trò. Giờ nghĩ lại, thấy lờ mờ đoán ra vì sao nước mình không cải cách giáo dục. Hihi
ReplyDeleteHôm trước xem Thời sự thấy bẩu Nhà nước ta rất dân chủ, không hề có chiện đàn áp hay bắt bớ người bất đồng chính kiến em cũng thấy buồn (cười) :-<
ReplyDeletechẳng thà là đốt sách chôn học trò như Tần Thủy Hoàng, đằng này lại cải cách GD theo "định hướng" thì còn độc hại hơn.
ReplyDelete