Thursday, July 24, 2008

Entry for July 24, 2008

Sách đọc gần đây.

1. Đọc Mở rộng phạm vi đấu tranh của bác Houlebecq (chắc chắn viết sai, không bao giờ nhớ được tên bác này) do Thuận dịch, cứ hình dung ra Thuận. Hoặc cũng có thể giọng văn bác H. cuốn này cũng tưng tửng như giọng văn Thuận. Cuốn này có thể đổi tên là Nhật ký một ca trầm cảm.
Nghi bác H. viết cuốn này theo lời khuyên bác sĩ tâm lý để chữa bệnh trầm cảm lắm. Hình như cuốn Zeno's Conscience của bác Italo Sveno cũng được viết theo cách đó. Cuốn Mở rộng phạm vi đấu tranh này mỏng, đọc vèo một buổi chiều là hết. Nội dung là nhật ký của một anh trầm cảm, một công chức chán chường, chẳng có gì nổi bật, và hai năm không có sex. Và cái đau lòng của anh ta, nói theo cách của tác giả, là cái đau lòng một con đực tầm thường và bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh tình dục là nhìn cảnh các con đức hấp dẫn khác roạp hết các con cái ngon lành. Nhưng anh ta còn chưa đến nỗi bĩ cực như gã bạn đồng hành, xấu giai khủng khiếp, đến nỗi gái nhìn vào là kinh tởm và đến 28 tuổi vẫn còn tân vì anh ta không muốn sex phải trả tiền (khi đọc đoạn này tự nhiên nhớ tới một vài cô gái xấu kinh khủng mà mình từng gặp và nghĩ đời thật bất công với một số người). Cuốn này khá hay nhưng không sâu lắm, chỉ như bản phác các ý tưởng của tác giả.

2. Tập truyện ngắn Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước. Tôi thích cuốn này hơn tập truyện ngắn trước của Phước, thấy cuốn này viết chặt chẽ và gọn gàng hơn, nhiều truyện hay (nhưng cũng có nhiều truyện đọc lên chả hiểu gì). Truyện của Phước cũng có thể gọi là Những câu chuyện về những ca trầm cảm- có thật và tưởng tượng. Trong tập truyện này có sự ám ảnh của cái chết. Cái chết có mặt ở hầu hết các truyện: cái chết của người thân (nhiều nhất), của người lạ hay người không thân nhưng không lạ, và cả cái chết tưởng tượng của mình- hay là sự đánh mất bản thể, ví dụ như trong một truyện cực ngắn, nhân vật tôi mơ thấy mình có quyền năng siêu phàm trong giấc mơ, muốn làm gì cũng được nhưng chỉ với điều kiện, đó là không thể ra khỏi giấc mơ- chi tiết này làm tôi nhớ tới phim Waking Life, một bộ phim về những giấc mơ bất tận (hoặc là về cái chết). Chẳng phải Hamlet cũng từng bảo cái chết chỉ là ngủ thôi, chỉ có điều mình sẽ không biết có giấc mơ không, và không thể thoát khỏi giấc mơ ấy (đoạn này Shakespeare nếu thức khỏi giấc mơ có lẽ sẽ mắng mình vì nhét lời vào miệng ông ấy, hay miệng Hamlet qua miệng ông ấy. Hay thực ra là Hamlet đã nhét lời vào miệng Shakespeare chứ không phải ngược lại?).

Quay lại tập truyện của Nguyên Phước thì như đã nói, cái chết là một nhân vật trong tập truyện này (hình như tôi có đọc thấy ý như vậy ở blog bạn Nhị Linh). Cùng với cái chết là ám ảnh về sự đánh mất ký ức. Những điều nhàn nhạt trong cuộc sống trong truyện của Phước cũng trở thành những ám ảnh mệt mỏi, chỉ như sự chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của cái chết. Nhân vật chính trong truyện Hội thảo ở đảo... đối mặt với cái chết, và tỉnh dậy với quyết tâm mạnh mẽ để sống cho ra sống, nhưng rồi lại tiếp tục trôi theo sự nhàn nhạt của cuộc sống, như thể không còn khả năng sống thực sự. Truyện ngắn của Phước cũng có thể gọi là vật vã tuổi 30, nhất là tuổi 30 cô độc- sự cô độc phần nhiều do bản tính, như là một sự tự kết án. Phước viết về cuộc sống nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng rất hay, từ truyện ngắn đầu tiên "Tâm trạng khi điên" cho tới truyện "Hội nghị ở đảo...." này.

Truyện ngắn được lấy tên làm tên chung cho cả tập- Lần đầu tiên- kể về lần đầu tiên làm tình của một nhân vật với một cô gái điếm. Mọi sự không có gì đặc biệt, đúng như cái thông lệ trong văn học về lần làm tình đầu tiên: cô gái nhàu nhĩ, bụng dưới hơi xệ, phòng trọ tối tăm bẩn thỉu, lần đầu tiên xuất tinh rất nhanh....Cái khác biệt là sau đó anh chàng khóc, khi cô gái hỏi tại sao thì anh nói "Bố tôi mới mất". Đó là chi tiết khiến cho lần đầu tiên ấy khác với rất nhiều lần đầu tiên khác, và tạo ra một ấn tượng khó quên với người đọc.

3. Tập truyện ngắn của 4 cây bút nữ: Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ. Nói thật là tuy nghe danh các cây bút này từ lâu nhưng mình gần như chưa đọc tác phẩm của họ bao giờ, ngoài vài truyện ngắn của Vàng Anh đọc từ lâu lâu. Giờ mới đọc tuy sách có trong nhà từ lâu rồi. Đọc truyện ngắn của Vàng Anh thấy thật sự thán phục chị này, cảm giác là một người rất thông minh, tinh tế, sắc sảo nhưng cũng rất nữ tính. Tiếc là Vàng Anh giờ không còn viết truyện ngắn nữa mà chuyển sang viết tản văn và thơ. Nói thực đọc tản văn của Thảo Hảo, tuy vẫn thấy tác giả thông minh, sắc sảo nhưng vẫn cảm thấy nó thiếu hơi, vẫn những chuyện ai cũng biết và cách kể kiểu ngụ ngôn của chị có thể khiến nó hấp dẫn và được nhiều người ưa chuộng nhưng chẳng mới mẻ gì về nội dung và sức khơi gợi cả. Ví dụ cái tản văn Thỏ Bông Thỏ Biếc gì của Vàng Anh cứ 8/3 nào là thấy được post đầy chỗ nhưng đọc mãi mình vẫn chẳng hiểu bài đấy có gì hay ho cả.
Ba chị kia thì chưa đọc đến phần truyện của họ nên miễn bàn.

4. How Fiction Works, tập tiểu luận (chính xác hơn thì là 1 tiểu luận chia thành nhiều đoản văn) của James Wood, nhà phê bình văn học phụ trách mục Sách trên tờ New Yorker (trước đó ở New Republic). Cuốn này rất đáng đọc, nếu được dịch ra ở VN thì cũng rất hay. James Wood viết cô đọng, dễ hiểu nhưng vẫn rất sắc sảo. Bạn nào quan tâm có thể đọc các bài điểm cuốn này (bằng tiếng Anh) trên rất nhiều báo chí nước ngoài. James Wood cho rằng văn học hư cấu hiện đại được bắt đầu từ Flaubert (so sánh với Kundera: Kundera cho rằng bắt đầu tất tần tật là ở Cervantez), và tất cả những người khổng lồ khác từ cuối thế kỷ 19 tới nay đều đứng trên vai Flaubert hết, kể cả Tolstoy, Dostoevsky... James Wood cũ
ng tỏ ra không mấy ưa văn học hậu hiện đại, cho rằng nó chẳng có gì mới mẻ, những ý tưởng tương tự đã có trong văn học thế kỷ 17-18, và ít tác giả hậu hiện đại thực sự viết hay. Nói chung James Wood có phần ưa thích văn học hiện đại hơn là hậu hiện đại. Trong các tác giả gần đây, ông ca tụng Saul Bellow nhất, Philip Roth, Cornac McCarthy và Ian McEwan cũng được khen ngợi, còn các bác như John Updike (là đồng nghiệp điểm sách trên New Yorker, hehe) thì còn được lấy ra để làm ví dụ cho việc viết văn tồi.

45 comments:

  1. anh, em có thể kiếm quyển "mở rộng phạm vi đấu tranh" ở đâu hả anh?

    ReplyDelete
  2. 1. Thấy các bạn Nhã Nam có vẻ kêu ca quyển này bán ko đắt hàng lắm. Em đọc thấy ngán đến tận cổ luôn, văn phong bí bách, nội dung nhạt nhẽo
    2 Ko nhớ cuốn nào của Kafka cũng nói về giấc mơ, nhưng hình như ông nhấn mạnh đến sự tỉnh giấc.
    Theo anh, cái chết trong tác phẩm của Marukami (đầy rẫy) có phải là 1 nhân vật ko
    3 Bác đang đề cập đến tập nào thế ạ. Mà thú thật em đọc Thỏ bông thỏ biếc cũng chả hiểu hay cái gì :D
    4 Các cụ Pháp học nhà mình cũng ủng hộ vai trò "mở đường" của Flaubert lắm (về thơ thì là Baudelaire), nhưng em thấy tầm của Cervantes vẫn hơn hẳn.
    Đồng ý là văn học hậu hiện đại ko nhiều tác phẩm tử tế lắm

    ReplyDelete
  3. Michel Houellebecq, Italo Svevo và Cormac McCarthy hehe.

    Bác cũng đọc "Zeno's Conscience" à? Nó không được viết theo cách đó, mà là vờ như viết theo cách đó. Cũng không liên quan gì đến trầm cảm, mà là vụ bỏ thuốc lá (ngày nào Zeno cũng bỏ thuốc lá etc.)

    Thiên Minh: các bác nhà mình mà nói được thế về Flaubert thì đã phúc... ờ... cho sinh viên văn khoa :)

    Các bác có gu lạ nhỉ :)) tôi thấy "Mở rộng phạm vi đấu tranh" mới là hay nhất của Houellebecq, cả về ý tưởng lẫn văn chương. Mấy quyển sau thì khác quái gì thuốc xổ hẹ hẹ.

    ReplyDelete
  4. Em vao` đá một tí. Em đọc tuyển tập truyện ngắn của 4 nhà văn kia một lần hồi năm 1 ĐH ở Việt Nam, đọc xong em sợ lắm, thấy cuộc đời mới cạm bẫy và ghê tởm làm sao.

    ReplyDelete
  5. @Ống kính cuộc sống: Anh nghĩ các hiệu sách lớn đều có. Nếu không thấy thì em thử hỏi bạn Nhị Linh xem.
    @Nhị Linh: Ừ, toàn viết sai, hehe. Tớ chưa đọc cuốn đó nhưng đọc phê bình thấy người ta hay nhắc đến nên biết thôi.

    Tớ cũng thấy cuốn Mở rộng hay đấy chứ, nhưng có thể vì cái mệnh đề chính cuốn đó thì đọc Hạt Cơ Bản cũng nói rồi. Đọc cuốn này mình thích cái đoạn khi chú này đi điều trị trầm cảm, kêu 2 năm chưa sex, cô bác sĩ mừng rõ bảo ngay đấy, vấn đề là ở chỗ đấy. Tâm lý học đúng là giản dị, nhất là kể từ ngày có Freud (thảo nào chú nhân vật chính căm ghét phân tâm học và Freud thế).
    Đọc cuốn này cứ cảm giác đó là văn của Thuận, không biết như thế là dịch giả rất tốt hay là không tốt?.

    @Thiên Minh: Anh không nhớ Kafka nói gì về mơ cả. Cái chết trong Murakami thì anh cảm giác đó là một phần của cuộc sống, các nhân vật trong đó chết cũng dễ như khi hút một điếu thuốc, uống một ly rượu, anh không nghĩ nó là một ám ảnh trong tác phẩm của ông ta. Ám ảnh thường trực trong tác phẩm của Murakami có lẽ là tình dục như một phương tiện để giải tỏa, giao tiếp và tìm kiếm nhận thức. Cũng buồn cười các bài tranh luận về truyện của Murakami sex hay không sex trên các báo văn nghệ Việt Nam.
    3. Tập truyện anh đang đọc tên là Truyện ngắn Bốn cây Bút nữ.
    Anh cảm thấy Flaubert được đánh giá hơi thấp ở Việt Nam, trong khi Việt Nam rất ca tụng Hugo, Balzac thì lại có phần coi thường Flaubert và Stendhal. Bọn Tây thì ngược lại, coi Flaubert và Stendhal là vĩ đại, Balzac thì còn được đánh giá cao chứ Hugo thì bọn nó có vẻ không đánh giá cao lắm.

    @atesca: Hihi, thế giờ em còn thấy cuộc đời như thế không :P. Btw, sao anh đọc mà không thấy thế nhỉ, nhất là trong truyện của Phan Thị Vàng Anh, thấy cảm xúc về những cái đẹp giản dị, trong sáng vẫn có nhiều trong truyện chị ấy dù truyện đa phần là buồn, các nhân vật bế tắc và không có động lực để làm gì hết.

    ReplyDelete
  6. Anh có đọc Những giấc mơ của Einstein của Alan Lightman và Tuyết của Maxence Fermine chưa ạ ...

    ReplyDelete
  7. Xét về mặt trí thức, Houellebecq khinh bỉ nhất hai loại: các nhà khoa học nhân văn (Foucault, Deleuze, Derrida...) và tâm phân học, nhất là tâm phân học như là một cách thức trị liệu. Về lịch sử, lão ấy khinh bỉ nhất là phong trào 68, sau đó đến phong trào nữ quyền.

    Đúng rồi đó, lẽ ra đọc "Mở rộng phạm vi đấu tranh" trước "Hạt cơ bản" thì tốt hơn.

    Dịch giả Thuận thì cũng chẳng biết là rất tốt hay rất dở, nhưng nên được xếp vào dạng dịch giả-nhà văn.

    Flaubert ở Việt Nam: không phải đánh giá hơi thấp, mà là cực thấp hehe, thậm chí còn thấp hơn cả Zola hay Maupassant, thậm chí là "các nhà văn Công xã". Đúng là chỉ muốn đập đầu vào tường :))

    ReplyDelete
  8. à, cái vụ tên riêng: đúng là quả photographic memory đấy :))

    ReplyDelete
  9. @A_jazzy: Anh đọc Những giấc mơ rồi. Tuyết thì chưa.

    ReplyDelete
  10. mình cũng thích Flaubert và Stendhal hơn Hugo, đọc Hugo cũng kiểu như đọc Suối nguồn, như sân khấu hơn là văn học

    ReplyDelete
  11. Quote from a Linh : « Ví dụ cái tản văn Thỏ Bông Thỏ Biếc gì của Vàng Anh cứ 8/3 nào là thấy được post đầy chỗ nhưng đọc mãi mình vẫn chẳng hiểu bài đấy có gì hay ho cả »
    Phan Thị Vàng Anh lừng danh, từng được ví là « Nguyễn Huy Thiệp mặc váy » mà anh dám chê thế à ? :p
    Nhưng đúng là em cũng thắc mắc không hiểu sao chị Phan Thị Vàng Anh lại nổi tiếng tới mức đó ? Sắc sảo thông minh thì quả là có sắc sảo thông minh thật, nhưng cái tầm tư tưởng thì vẫn cứ … là là mặt đất thế nào ấy, chả bay cao bay xa hơn được mấy tác phẩm Tuổi Xanh là bao. Hay tại mình mắt quáng nên chưa thấy mặt trời nhỉ ? Bạn nào am hiểu chị Vàng Anh thì giảng hộ tớ cái. Hihi.
    Tản văn « Nhân trường hợp chị Thỏ Bông » nổi tiếng của chị Vàng Anh thật ra là tản văn dành cho … gái :D. Giai đọc làm sao mà thấy hay được. Hê hê.

    @ Nhị Linh : Vậy thử làm người tiên phong khôi phục vị trí của Flobert tại VN đi bạn. Chỉ cần một, hai người lên tiếng mạnh mẽ một chút là sẽ có tác động tích cực, có lẽ thế nhỉ ? Mình cũng kết bác Flobert hơn các bác French writers nức tiếng ở VN.

    ReplyDelete
  12. Quote from a Linh : "Bọn Tây thì ngược lại, coi Flaubert và Stendhal là vĩ đại, Balzac thì còn được đánh giá cao chứ Hugo thì bọn nó có vẻ không đánh giá cao lắm."

    Cái này thì em nghĩ là không sure lắm anh Linh ạ. Victor Hugo là một cái bóng rất kỳ vĩ ở Pháp. Không biết bạn Nhị Linh thấy sao chứ mình thấy vị trí của Victor Hugo trong văn học Pháp và trong lòng người Pháp được suy tôn có lẽ là ở đỉnh cao nhất của mọi bậc thang xếp hạng, trên Balzac, trên Stendhal (không biết có trên Flobert không). Bởi tác phẩm của Victor Hugo là kinh điển xét về tính nhân văn, lòng bác ái – những đặc trưng lớn nhất của người Pháp. Tóm lại, có lẽ Hugo « Pháp » nhất trong tất các các nhà văn Pháp. Mấy bác kia cũng là những cái bóng kỳ vĩ, nhưng tác phẩm đặc trưng bởi hiện thực sống sượng (he he), trần trụi và dữ dội hơn nên vị trí của họ dù lớn nhưng cũng không giống với vị trí Victor Hugo trong lòng người Pháp (nhấn mạnh là không giống chứ không phải không bằng. Hehe)

    Btw, em ở ngay đại lộ Victor Hugo, cạnh quảng trường Victor Hugo và metro Victor Hugo đấy :D. Ngày nào đi ra metro cũng được ngắm tượng Victor Hugo và đọc một bài thơ của ông ấy khắc chữ vàng lồng trong khung kính rất trang trọng, hoành tráng nhé.

    ReplyDelete
  13. Đại lộ Victor Hugo à? Ở Paris cứ một tí lại rơi vào một cái đại lộ Victor Hugo nào đó :))

    Biết nói thế nào nhỉ? Hugo là tác giả chiếm vị trí nòng cốt trong giáo dục phổ thông ở Pháp, dễ đọc, dễ hiểu, lại còn nhiều khi vui nhộn :)) Tớ thì không thấy "hiện thực sống sướng" gì đó lắm ở cả Flaubert và nhất là Stendhal, ông ấy chủ yếu miêu tả tâm lý là chính, và chủ yếu lấy bối cảnh nước Ý. Flaubert thì thích đưa con người nói chung và những người nói riêng ra mà mỉa mai châm biếm.

    Phổ thông thì là như vậy, lên đến đại học, chưa bao giờ tớ thấy sinh viên khoa văn học văn xuôi Hugo cả, thơ thì nhiều, chủ yếu là trong "Contemplations", và luận văn luận án viết về Stendhal và Flaubert thì nhiều vô kể. Có lần một bạn sinh viên khoa văn (cũng phải cuối đại học) mắt tròn mắt dẹt vì tớ tuyên bố đã đọc hết "Les Misérables", vì quả thực các bạn ấy ai cũng biết LM cả nhưng toàn đọc mấy đoạn trích. Chắc là vì cái tính chất bình dân đó mà có các nhạc kịch "Les Misérables" và "Notre-Dame de Paris" ai cũng thích :)) có anh Garou gào lên "Où es-tu mon Esméralda" phải nói là lay động lòng người :))

    Balzac thì hơi khác. Đợt trước có một bác nhà văn nói với tớ: viết tiểu thuyết mà không đọc đi đọc lại Balzac thì đúng là vứt. Tớ thấy đúng là bác ấy nói đúng hì hì.

    ReplyDelete
  14. Chà, các anh tòan tranh luận những cái vấn đề em nghe nhức hết cả đầu. @anh Linh: em không, em vứt quyến sách đấy đi và tự thuyết phục mình rằng đời đứa nào khốn nạn chứ đời em có khi không, hopefully. Phải AQ thế thôi em ạ.

    ReplyDelete
  15. Hì hì, đúng là không dám múa rìu qua mắt thợ. Vẫn phải tham vấn ý kiến của chuyên gia văn học Pháp Nhị Linh đó thôi :D.

    Đấy là cảm nhận của tớ về tình yêu của người Pháp nói chung dành cho Victor Hugo :- ), chứ chưa dám đụng đến vấn đề đẳng cấp « bình dân » hay « quý phái » của các tác phẩm/tác giả dưới góc độ của người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp. Xời ơi, mỗi lần kỷ niệm ngày sinh, ngày chết của bác Hugo là lại thấy ngợi ca, tự hào, kiêu hãnh : )). Người Pháp có vẻ như xếp Victor Hugo vào hàng « đặc sản » quốc gia để tự hào với thế giới. Dù thế nào đi nữa, « Những người khốn khổ » vẫn có vẻ là một trong số những tác phẩm được thế giới biết đến nhiều nhất. Tớ sure là nó nổi tiếng hơn Bà Bovary của Flaubert (mình toàn quen tay viết thành Flobert, hihi) hay Đỏ và Đen của Stendhal (ví dụ thế). Có lẽ cũng bởi tính chất bình dân, đại chúng của nó chăng ? Có thể không phải là tác phẩm xuất sắc nhất, nhưng không thể phủ nhận được sức sống lâu dài, tính điển hình và đặc trưng Pháp của các nhân vật trong Les Misérables của Hugo … Tớ không dám múa rìu qua mắt bạn Nhị Linh :D nhưng tớ cho rằng số lần được dịch và xuất bản ra thế giới, số lượng các tác phẩm nghệ thuật ăn theo (ca kịch, phim …), thậm chí số con đường mang tên tác giả (hehe) cũng nói lên điều gì đó chứ bạn Nhị Linh ? :D

    À còn vụ hiện thực « sống sượng » thì chắc tùy « gout » đọc của mỗi người. Chắc hiện thực sống sượng với bạn Nhị Linh phải là cái gì ghê gớm lắm chăng ? Còn tớ thấy Flaubert, Stendhal là rất điển hình nhá :D. Gì chứ bà Bovary ngoại tình như chảo chớp ,với anh Julien vừa si tình, vừa gàn dở, tớ thấy cái cách mấy bác ấy phơi trần bi kịch của con người trần trụi, sống sượng phết đấy chứ : )). He he. Còn Balzac thì đương nhiên là tầm cỡ khỏi bàn rồi.

    ReplyDelete
  16. Ý mình nói hiện thực trong Flaubert với Stendhal « sống sượng » là nói trong tương quan so sánh với tác phẩm của Hugo (cụ thể là trong Les Misérables). Bi kịch trong Les Misérables mang dáng dấp những bi kịch ở tầm vĩ mô hơn (kiểu như mâu thuẫn giữa những kẻ nắm quyền lực và những người bình thường, giữa cái thiện và cái ác, giữa cao thượng và hèn nhát …) . Còn những bi kịch như đã thấy trong tác phẩm của Flaubert, Stendhal, Guy de Maupassant tất nhiên vẫn mang tính thời đại, song điểm nổi bật trước tiên là những bi kịch cá nhân (ý thức về bản thể, sự sa đọa, suy đồi đạo đức, sự bế tắc của cá nhân … ). Các bi kịch cá nhân dù sao cũng ít nhiều trần trụi, thô lậu hơn so với các bi kịch thời đại :D.

    ReplyDelete
  17. Bà Thuận bả chịu ảnh hưởng của ông Michel Houellebecq hay sao đó mà anh. Bà ấy còn dịch luôn cả quyển đó luôn nữa, nên em đọc Mở rộng pvi đấu tranh mà cứ nhớ đến T mất tích. :D

    ReplyDelete
  18. Ô, hình như có một vài hiểu lầm nào đó giữa những người đối thoại. Khá nhiều câu có dụng ý đùa của mình mà người khác không hiểu ý hoặc take seriously ;-) Đáng tiếc.

    ReplyDelete
  19. Anh Linh viết: "Anh cảm thấy Flaubert được đánh giá hơi thấp ở Việt Nam, trong khi Việt Nam rất ca tụng Hugo, Balzac thì lại có phần coi thường Flaubert và Stendhal. Bọn Tây thì ngược lại, coi Flaubert và Stendhal là vĩ đại, Balzac thì còn được đánh giá cao chứ Hugo thì bọn nó có vẻ không đánh giá cao lắm."

    Nhận định này của anh quá rộng và unfair. Có một số lí do thế này:

    Thứ nhất là anh không làm rõ "Việt Nam" là ai và "bọn Tây" là ai. Nếu "Việt Nam" là “người đọc VN” thì khác với các nhà phê bình VN, khác với nhà văn VN... Và "Tây" cũng cần phân biệt rõ Tây này là Mỹ hay châu Âu; nếu là Mỹ thì cũng cần phân biệt rõ Mỹ này là người đọc Mỹ hay giới phê bình Mỹ hay là giới nhà văn (thậm chí trong nhà văn, có sự khác biệt rất rõ nét giữa nhà văn viết dòng hàn lâm và dòng genre fiction); nếu là giới phê bình thì anh đang ám chỉ những người như Harold Bloom hay là ai khác; anh dùng New York Times hay một tờ báo hoặc hệ thống review nào khác (ví dụ như tạp chí academic của ngành văn học ngôn ngữ chẳng hạn)? Vì sao em nói điều này? Bởi vì là bản thân em nhận thấy, mình đọc sách văn học như một người đọc thì khác hẳn với việc mình đọc sách như một nhà văn; và khi mình đã viết rồi, mình đánh giá “tài” của những nhà văn khác cũng sẽ khác đi. Cụ thể hơn, khi anh chỉ chú ý đến nội dung (tình tiết, nhân vật, để câu chuyện lôi đi, vv…) thì anh sẽ đánh giá một nhà văn rất khác với khi anh chú ý đến nghệ thuật viết. Em thích Hugo lúc nhỏ; bây giờ quay lại đọc Hugo vẫn phải học ông ấy ở quy mô tác phẩm, nhưng còn về hành văn thì Hugo bắt đầu làm em bực mình vì sự dài dòng và chủ quan.

    (chiều về em viết tiếp)

    ReplyDelete
  20. tản văn "Thỏ Bông" của chị Vàng Anh đọc hay, cách lí luận rất chặt chẽ, nhưng mà nó...đanh đá quá. Có nhiều chỗ nó ko còn là tranh luận, lí luận mà thành ra chửi xéo... :( Em thích, nhưng ko thích cái "thâm" đó, nó làm tính chất bình luận bị mờ, cá nhân hóa quá cao.

    ReplyDelete
  21. @Huong: anh là người ngoài cuộc nên ý kiến chắc sẽ hạn chế. Ở đây có nhà văn Huong và phê bình gia/dịch giả Nhị Linh nên anh sợ nói sai lắm, hehe.
    Nhận định đấy của anh là nhận định trà lá thôi, không có gì serious cả. Nhưng em hỏi thì anh cũng trả lời, đó là cảm giác của anh khi đọc một số phê bình của Harold Bloom, Susan Sontag, James Wood, Kundera và những bài tản mát khác-thực tình anh cũng không đọc phê bình/điểm sách nhiều nên nói chắc sẽ nhiều chỗ chưa chính xác. Nhưng anh nghĩ mấy người kia cũng có thể coi là một sample nào đó cho quan điểm phê bình "Tây", ít nhất là trong khối Anh-Mỹ. Còn "Tây" Phú Lãng Sa thì là chuyên môn của bạn Nhị Linh.

    Anh cũng không đọc tạp chí academic ngành văn học bao giờ, cùng lắm chỉ đọc các tạp chí văn nghệ kiểu New Yorker hay Atlantic thôi. Ý em nói về cách đọc thì anh ko có gì phản đối cả. Thực chất các sách kiểu phê bình đại chúng cũng "dạy" người đọc là nên đọc như thế, hiện nay ít nhất có hai quyển đang bán khá chạy ở Mỹ dạy về cách đọc mà anh biết là "Reading as a writer" và "Reading as a professor" :D. (Bọn Mỹ cũng là dân tộc rất thích những sách dạy gì đó..).

    Về Hugo, anh khá thích ông ấy tuy thấy ông ấy dài dòng hoa lá cành nhưng nhiều đoạn đọc cũng thích. Có điều anh nghĩ Hugo không có ảnh hưởng nhiều tới các nhà văn thế hệ sau, có thể vì cách viết của ông ấy cổ điển quá, các nhân vật gần giống với symbol hay các nhân vật trong truyện ngụ ngôn hơn là nhân vật thật. Ví dụ đọc Hugo người ta sẽ biết các điển hình Giăng Văn Giăng (viết thế này cho chắc ăn) là người thế nào, Gavroso ra làm sao, thằng gù thế nào, thằng cười ra sao...Cách xây dựng nhân vật đó sẽ dễ đại chúng hóa, dễ thi triển thành kịch, phim...nhưng bản thân các nhân vật gần giống với các hình tượng, hơn là các con người thật. Trong khi văn học thế kỷ 20 thì lại thiên về việc khám phá con người- các chiều sâu của nó (chủ nghĩa hiện thực thực ra cũng chỉ là tham vọng tìm hiểu con người, ngay cả hậu hiện đại cũng vậy), và trong tác phẩm của Hugo, người ta sẽ thấy các nhân vật của ông là những gì con người nên/không nên là chứ không phải là những chân dung thực sự có sức sống. Nếu em nghĩ là Hugo có ảnh hưởng sâu đậm tới những người viết văn thì có thể kể tên những tác giả quan trọng nào chịu ảnh hưởng sâu của Hugo (trừ Ayn Rand, và với Rand thì người ta cũng đánh giá bà chủ yếu về mặt ý tưởng)?

    À mà ở trên chị Sonata cũng bảo đọc Hugo giống đọc Suối nguồn, có thể chị không biết nhưng đúng là Hugo là tác giả ưa thích của Ayn Rand.

    Em viết tiếp nhé. Để tối anh đọc :D

    ReplyDelete
  22. Xin lỗi anh Linh, hihi, sáng nay chạy vào hùng hục viết một đoạn xong đến chiều về lại thấy mất hứng tại vì em thấy là để giải trình những thứ này một cách rõ ràng thì rất nhiều thứ phải là người trong cuộc và làm việc với chữ nghĩa đủ để thấy thực sự là có lớp lang hẳn hoi trong nghệ thuật chữ và nghệ thuật tiểu thuyết... thì mới có thể thống nhất mà bàn được.

    Tuy thế, em sẽ bỏ qua tất cả các luận điểm về mặt kỹ thuật viết bởi vì Hugo và Flaubert thuộc hai tạng khác nhau về tư duy ngôn ngữ và tư duy bố cục – khi anh xem xét hai nhà văn này tách rời thời cuộc. Em sẽ nói đến một vài lý do khách quan hơn:

    Thứ nhất là mặc dù Hugo với Flaubert chỉ cách nhau có mấy chục năm nhưng anh chắc biết rõ hơn em, giai đoạn mấy chục năm này ở Pháp là giai đoạn nhiều biến động lớn. Nó là giai đoạn chuyển từ xã hội quý tộc và gentleman cũ sang xã hội thị dân, hiện đại, cá nhân. Cho nên mặc dù cách nhau mấy chục năm, 2 người này không thể xét là đương thời với nhau, nhất là vì Hugo còn có 20 năm lưu đày ngoài Pháp. Hugo thuộc hẳn về thế giới cũ, có thể nói là đỉnh lớn cuối cùng của thế giới cũ, cái thế giới có code of conduct khá rõ ràng; trong khi Flaubert là một trong những đỉnh lớn đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực (trước Flaubert có Stendal và Balzac nhưng hai cụ này hơi khác một tí, cứ để đó) - một kiểu thế giới có rất nhiều ambiguity, các khoảng xám. So sánh 2 người này cũng giống như so sánh nhạc tiền chiến và nhạc cách mạng, rất là khó – là em nói thô thiển như thế.

    Thứ hai, như em cũng nói ở trên, Hugo thuộc về dòng lãng mạn, còn Flaubert thuộc về dòng hiện thực và cho đến thời điểm này, thì CN lãng mạn đã chết lâu, còn CN hiện thực thì vẫn đang sống nên đang được nói đến nhiều (hậu duệ của Flaubert, giả sử anh theo dõi có hệ thống về truyện ngắn thôi, thì có thể thấy ở James Joyce, ở Hemingway, ở Eudora Welty, ở Raymond Carver; nhưng cũng phải nói thêm cuốn Những ngày cuối cùng của người tử tù của Hugo là cuốn ảnh hưởng lớn đến những người như Camus, và Dostoievski). Nhưng đây có phải lỗi của Hugo hay là vì Hugo kém tài hơn Flaubert? Em không nghĩ thế. Đây là vấn đề tư duy của thời đại, mà văn học chỉ là một biểu hiện của tư duy đấy thông qua ngôn ngữ. Hugo là người của thời đại trọng form, trọng expressions, trọng the grandeur; còn xã hội bây giờ lại trọng point, details, preciseness. Vì sao có điều này thì em nghĩ là nó còn tuỳ thuộc vào hình thức sản xuất, kinh tế, công nghệ, etc. Thậm chí là nó còn tuỳ vào mood của mỗi thời đại – mood của thời hiện đại u ám hơn nhiều so với mood của thời trước; em theo dõi văn học thì em thấy cái pattern này khá rõ. Flaubert có thể coi là người mở đầu cho một kiểu sáng tác khá phổ biến trong các nhà văn hiện thực sau này: tác phẩm nặng tính tự truyện và cynnisim, thậm chí self-destruction. Kỹ thuật về ngôn ngữ thì cực tốt nhưng tác phẩm ít tính “dựng”, nhiều tính “kể”, bố cục tương đối đơn giản. Nó hợp với thời này, nhưng như thế có đồng nghĩa là nó "giỏi hơn" không thì chưa chắc.

    Thứ ba, nếu như anh nói “bọn Tây” ở đây là Mỹ, thì em thấy cần phải tỉnh táo nhận ra là ngay cả giới trí thức Mỹ cũng luôn nghi ngờ những tư tưởng dân chủ và tự do có màu sắc socialism pha utopia kiểu Hugo (đọc diễn văn trên chiến luỹ của Elronras thì thấy). Đây là vấn đề không hoàn toàn thuộc về văn học mà thuộc về đặc tính của một dân tộc. Ở thời hiện tại, chúng ta nghiễm nhiên thừa hưởng những tư tưởng này và thấy nó là common sense nhưng ở thời của Hugo thì phải thấy ông ấy có công lớn trong việc đưa nó đến với the mass thông qua văn, thay vì để nó ngất ngưởng với Voltaire hay Rút-xô. Đối với công chúng bình dân, thì phải tính đến một điều là nước Mỹ gần như miễn dịch với thứ lãng mạn kiểu châu Âu cổ điển. Về điểm này thì rõ ràng không chỉ Hugo mà cả Flaubert cũng thua Jane Austen về ảnh hưởng. Nếu buộc phải so sánh giữa 2 người thì rõ ràng Hugo vẫn nổi hơn Flaubert nhiều; em nghĩ là bà Bovary sang đến Mỹ có khi còn không nổi bằng Mrs. Robinson, chứ “the hunchback of Notre Dame” thì người ta đều biết.

    ReplyDelete
  23. Ờ ko ngờ comment entry này lại xôm thế
    Chả biết bọn Tây bọn ta đánh giá Hugo đến cỡ nào nhưng thấy chương trình văn của nước nào mà chẳng có Những người khốn khổ. Chia ra như bác Nhị Linh lại đúng, "bình dân" đánh giá cao Hugo, còn "quý tộc" (hehe) khoái Flaubert hơn.
    Cái mạnh của Những người khốn khổ (và văn Pháp cổ điển nói chung) là tính toàn nhân loại, nói về người Pháp nhưng lúc nào cũng có tham vọng giải quyết chân lí cho toàn bộ loài người cho nên nó rất phổ biến, và là đặc sản của dân Pháp đi khoe với thế giới là đúng thôi. Cũng chính đặc điểm này mà văn Hugo tạo cảm giác "sân khấu" cũng không lạ
    @ anh Linh: văn Pháp nói chung là dài dòng (hồi trước đọc xong một đoạn tả cái bát của Banzac mà cũng toát mồ hôi) nên ta cũng ko trách cụ Hugo hoa lá cành dc :P Còn Suối nguồn dài lại vì nó mô tả một hiện thực hoành tráng (chứ không phải hiện thực symbol). Lời khuyên cho những ai chưa đọc "Những người khốn khổ" là đọc trích đoạn (do bác Linh giới thiệu) hoặc đọc tóm tắt =))
    @Linh và Nhị Linh ờ theo em được biết thì cụ Đỗ Đức Hiểu và Lê Hồng Sâm ra sức cổ vũ cho Flaubert ấy chứ. Còn sinh văn khoa ấy ah, nhắc đến mà hãi, các bạn ấy cho là Kafka viết tiếng Anh, còn Stendhal là nhà văn Đức, Baudelaire là nhà thơ lãng mạn =)). Mà sao bọn Pháp nó hết tên để đặt rồi hay sao mà lắm đại lộ Hugo thế :))
    @ Jazzy khiếp, bạn khó tính thế, Flaubert hay Stendhal đã cho là "sống sượng" rùi ah, ko biết bạn xếp Zola hay Sade vào thể loại nào :))
    @ Huong theo ngu ý của mình, dù đọc ở bất kì vị tri nào (nhà văn, ng` đọc etc) thì cũng tùy thuộc vào phông văn hóa và kiến thức của mình thôi

    ReplyDelete
  24. Văn học, ở một khía cạnh nào đó, cũng giống mốt… có điều sự lên ngôi hay lỗi mốt dài hơn, có khi kéo dài hàng thế kỷ… có lẽ bởi vì nó là thứ thuộc về tinh thần của cả một thời đại; mà cái đó thì khó đổi hơn là thay quần áo.

    Cá nhân em mà nói thì em thấy mỗi người mạnh một thứ. Nếu vẫn bắt buộc phải so sánh ai lớn hơn, em nghĩ là Hugo lớn hơn – căn cứ trên the quality of the mind. Em nghĩ là Hugo chắc chắn có thể viết được thể loại tác phẩm như của Flaubert chứ Flaubert chưa chắc viết được sách của Hugo. Nhận định này của em dĩ nhiên là hoàn toàn personal and not subject to discussion :).

    Nhân nói về Ayn Rand; em phải nói lại rằng Ayn Rand không thể xếp vào hàng các nhà văn hàn lâm được; sách của bà ấy có thể coi là dòng cross-over. Đưa bà ấy vào chung với Hugo và Flaubert là một điều vô cùng khổ cho cả hai bên.

    Nói rõ hơn một tí về chuyện thế nào là dòng cross-over. Đây là những tác phẩm mà về cơ bản thì nó có xuất phát điểm giống như thể loại genre, nhưng vì tác giả "có tài" và làm việc nghiêm chỉnh, cho nên nó vượt khỏi khuôn khổ thể loại xuất phát của nó để có thể được đọc bởi đông đảo bạn đọc. Ví dụ là như thế nào? Có thể lấy những ví dụ kinh điển như cuốn Jane Eyre chẳng hạn. Về cơ bản, nó có thể được coi là "mẹ đẻ" của các tác phẩm tuổi mới lớn bây giờ. Nhưng vì nó được viết tốt nên nó vượt quá khuôn khổ đó. Hay hiện đại hơn thì có The catcher in the rye, nó cũng là tác phẩm vượt khỏi dòng tác phẩm mới lớn. Hoặc Bá tước Mông tơ Cristo, về cơ bản anh có thể coi là "truyện chưởng phương Tây" cao cấp.

    Cái đám sách cross-over này (đôi khi gọi là mainstream) bản thân nó lại là một khoảng xám rất khó định dạng. Có cuốn thoát khỏi cái bóng genre của nó nhưng vẫn còn nhúng một chân; có cuốn thì thoát hẳn ra. Cái gì quyết định điều này thì đây là một câu chuyện dài. Như Haruki Murakami chẳng hạn. Murakami là một ca mà em nghĩ là những người khó tính về mặt văn học sẽ xếp ông này vào hàng cross-over/mainstream, hoặc là hàn lâm nhưng không lớn - he is fine, but not great. Còn dĩ nhiên là những người có quan điểm nghệ thuật khác thì có thể cho rằng Murakami chắc chắn là dòng hàn lâm.

    Suy cho cùng thì việc xếp vào box này hay box kia không quan trọng; với người đọc bình thường thì chỉ có thích hoặc không thích mà thôi. Có điều là khi làm công tác phê bình chẳng hạn, thì những cái này có thể giúp ích một tí; đỡ gây khổ cho cả độc giả lẫn các nhà văn. Em nghĩ là với các nhà văn nghiêm túc thì bị khen sai cũng khổ như bị chê một cách độc ác (và họ thường là đủ khách quan để biết sách của mình hay hay dở). Như em có lần nói, có rất ít nhà phê bình biết về quy trình viết của nhà văn cho nên kết quả là hình như là nhà văn lớn nào cũng dị ứng với giới phê bình cả; nếu anh muốn biết thêm về chuyện này, anh có thể đọc hai cuốn The Paris Review Interviews. Hai cuốn này rất hay.

    Nói nốt: hồi lâu lâu rồi, em thấy anh có phàn nàn gì đó về John Steinbeck viết chán. Em nghĩ là anh nên thử đọc cuốn Tortilla Flat của ông này. It's a wonderful, wonderful little novella.

    ReplyDelete
  25. @Huong cái hình ảnh so sánh của bạn (nhạc tiền chiến nhạc cách mạng) hay ghê =))
    Đồng ý với bạn Hugo và Flaubert thuộc 2 thời đại khác nhau, nên tạo ra 2 thứ văn chương khác hẳn nhau, đáng nói là Hugo là đỉnh cao của cổ điển, còn Flaubert là mở đường cho "tính hiện đại" của tiểu thuyết (rất nổi tiếng với câu "bà bovary chính là tôi") nhưng gọi Jame Joyce là hậu duệ của thì không ổn, vì chỉ đến Joyce "dòng ý thức" mới trở thành kỹ thuật viết và được sử dụng bài bản (còn Flaubert chỉ là "phiêu lưu cái viết" mà thôi), còn hemingway thì khác hẳn, văn phong điện tín của ông tạo ra cái khoảng trống vang ngân, những đứt đoạn tự nhiên, nhiều khi tạo ra cảm giác hoang mang chứ không hề dài dòng lần lượt như cụ Flauert.
    Ờ theo mình Flaubert xếp vào văn học hiện thực là ổn, nhưng có ng` lại bảo là tự nhiên chủ nghĩa với lại lãng mạn chủ nghĩa (???)
    Còn bọn Mĩ chỉ thích cái gì thực dụng xơi dc ăn được thôi, Hugo chúng nó đọc để giải trí là chính ấy mà. Công nhận Hugo nhiều chỗ cải lương lắm cơ, hay gọi cho vui là lạc quan kiểu đàn bà :D) hehe xúc phạm cụ quá

    ReplyDelete
  26. Ở góc độ người đọc thuần túy mình cũng không định xếp Ayn Rand vào với cụ Hugo mà chỉ phát biểu về sự giông gống về cảm giác khi đọc thôi. Mình cũng thấy Suối nguồn giống giống Ruồi Trâu, Jane Eyre.
    Đọc Hugo có những cảm giác về nghệ thuật tạo hình, màu sắc ...
    Nhưng vở opera Thằng Gù nhà thờ Đức bà đang phát trên HTV7 (SG) thì chẳng giống Hugo, nó đơn điệu quá mà Hugo thì đầy màu sắc.

    ReplyDelete
  27. Phải ngả mũ kính phục văn hóa đọc của bạn Hương. Vững chãi, mạch lạc, món nào ra món đấy.

    Những bác chê Hugo là chê về tư duy, tức là tư tưởng và kỹ thuật viết, những thứ không khó cầm nắm. Còn nếu khen Hugo thì người ta khen về khía cạnh văn hóa, và thường là chỉ mon men một chút gọi là. Ta có thể nói đọc Hugo thì mình cảm thấy thế này thế kia. Đó gọi là mô tả cảm giác bản năng của mình. Còn muốn đứng lên phê bình cho ra ngô ra khoai thì khó à. Vì sao vậy? Thứ nhất, không dễ để tái tạo bố cục ấn tượng tổng thể từng tác phẩm của Hugo. Thứ hai, dù tái tạo được thì cũng không dễ gì đủ văn hóa để thẩm định về nó.

    Tư duy con người thì luôn thay đổi theo quan niệm từng thời thế. Nó dễ lan truyền theo kiểu bắt chước, khi mà con người bản chất là một loại động vật bầy đàn. Còn khái niệm văn hóa có sức bao trùm lớn hơn, ẩn những tầng lớp sâu hơn. Chê tư duy của Hugo thực ra là đối chiếu sự khác nhau giữa tư duy thời này với thời khác, ai tạm gọi là có đầu óc cũng có thể làm được. Còn để khen văn hóa của Hugo thế nào cho xác đáng là điều vô cùng khó. Công việc này đòi hỏi tìm tòi, so sánh, đối chiếu vào sâu hơn trong cốt lõi mỹ học, cũng là đi sâu hơn vào bản chất của người.

    Ở Việt Nam xưa nay, người duy nhất có khả năng thẩm định mỹ học ở những lớp sâu như vậy là Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng thì sẽ thấy khả năng càn quét kinh khủng như thế nào. Bắt đúng mạch tâm lý người sáng tạo, nhìn ra các mạch ấn tượng tương phản, song song, chồng chéo của các không gian văn hóa liên quan tới tác phẩm. Một mặt sống trọn vẹn hết mình trong ấn tượng ập đến trong nhất thời, mặt khác chẳng hề bỏ sót tổng thể. Tiếc là Bùi Giáng chỉ viết cho vui (cũng có thể ông cũng chỉ có khả năng viết cho vui), thỏa mãn cơn khát nhất thời chứ ko chú trọng tính sư phạm. Cho nên hầu như ko để lại đầu mối gì để người khác có thể dễ dàng cầm nắm lấy.

    ReplyDelete
  28. @Hường: Anh đâu có so văn tài hai người, anh chỉ nói về mức độ ảnh hưởng tới các nhà văn thế hệ sau.
    Còn cái đoạn này: "Nếu buộc phải so sánh giữa 2 người thì rõ ràng Hugo vẫn nổi hơn Flaubert nhiều; em nghĩ là bà Bovary sang đến Mỹ có khi còn không nổi bằng Mrs. Robinson, chứ “the hunchback of Notre Dame” thì người ta đều biết." thì em lại lẫn giữa đối tượng công chúng thông thường và đối tượng chuyên môn (như em hay bạn Nhị Linh) ở Mỹ. Thêm nữa, tất nhiên là bà Bovary ko thể nổi bằng thằng gù rồi, nhưng trên thực tế anh nghĩ có khi số người đọc Bà Bovary ở Mỹ vẫn nhiều hơn số người đọc thằng gù hay NNKK. Công chúng biết đến tên có thể do rất nhiều nguyên nhân (xem phim, xem nhạc kịch...) chứ không hẳn là đọc tác phẩm. Ở đây anh cũng thú thật là anh đã xem vài lần phim Thằng Gù nhà thờ Đức Bà, xem cả nhạc kịch thằng Gù nhưng mà chưa đọc Thằng Gù. Công chúng thì anh nghĩ cũng nhiều người như anh, tức là nói đến anh Gù hay Esmeralda hay Gavroso, hay Jean Valjean thì ai cũng biết nhưng có khi chưa từng trực tiếp đọc tác phẩm văn học nguyên tác.

    Vậy tại sao giới academic ở Anh Mỹ, như anh hiểu, lại coi Flaubert là tác giả quan trọng hơn Hugo (cái này nếu sai thì em làm rõ là không phải vậy nhé)? Là vì chính cái em nói, Flaubert là người mở đường cho một hướng đi mới, một cách nhìn mới, cách viết mới và vì thế ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ sau. Còn Hugo, anh không nghĩ ông có ảnh hưởng nhiều tới các nhà văn như Flaubert. Ảnh hưởng của Hugo thiên về ảnh hưởng của một trí thức, những lý tưởng trong tác phẩm của ông tác động mạnh tới dư luận xã hội, và góp phần định hình tới bộ mặt văn hóa-chính trị-xã hội của Pháp. Ảnh hưởng trực tiếp của ông tới các nhà văn sau này, anh nghĩ không nhiều bằng.

    Với lại ngay cả việc so sánh giữa người khổng lồ cuối cùng của trào lưu X với người khổng lồ đầu tiên của trào lưu Y thì anh thấy đã có một sự khác biệt trong tính originality rồi. Nói như thế không phải là anh nghĩ văn tài Hugo thua Flaubert. Nói thật anh thấy đọc Flaubert rất buồn ngủ, mặc dù đọc thì phục khả năng ông này nhưng cốt truyện thì không có gì trong khi đọc Hugo không những văn hay mà cốt truyện cũng hoành tráng.

    Hihi, về cái cross-over thì anh không có ý kiến gì. Anh chỉ ngạc nhiên khi em coi tác phẩm của Rand là cross-over, không rõ em căn cứ vào tiêu chí gì? Anh nghĩ sách của Rand hoàn toàn là tiểu thuyết chính ngạch, chỉ có điều nó thường mang trong mình một mệnh đề, tuyên ngôn gì đó nhưng cái này thì tiểu thuyết của Camus chẳng hạn cũng vậy. Còn việc phân biệt giữa cross-over với genre novels hay mainstream novels anh thấy rất khó.
    À về Steinbeck thì chắc hồi đó anh bảo cuốn The Pearl đọc thường. Chứ anh vẫn rất thích cuốn Of Mice and Men, một trong những truyện gây ấn tượng nhất anh từng đọc.

    ReplyDelete
  29. Quên, kể thêm là xem cả phim hoạt hình Thằng Gù nữa, với nghe CD nhạc Thằng Gù, hehe.

    Với lại anh nghĩ em hơi chủ quan khi xếp nhà phê bình riêng biệt với nhà văn. Anh thấy rất nhiều nhà văn giỏi viết phê bình như Coetzee, Kundera, Naipaul, John Updike... đều viết phê bình khá thường xuyên. Ngay cả nhà phê bình như Susan Sontag cũng từng viết tiểu thuyết và được giải National Book Award (tất nhiên anh chưa đọc tiểu thuyết đó). Thế nên cái ranh giới rạch ròi giữa nhà văn và nhà phê bình thời nay cũng không còn thực sự rõ ràng.
    Ở đây, anh chỉ nói tới phê bình đại chúng thôi, kiểu tán phét điểm sách với chân dung nhà văn thôi, chứ còn phê bình học thuật thì tất nhiên anh không biết gì (có lần thử đọc cái tiểu luận Độ không độ một gì đó của anh Barthes viết văn chứ không bắt bóng mà chịu chả hiểu anh ấy viết gì).
    Khi đọc các bài phê bình của các ông này, anh cũng thấy ngạc nhiên là nhà văn Tây chịu khó đọc thế, trong khi nhà văn Việt Nam hình như lười đọc hơn rất nhiều.

    ReplyDelete
  30. Các comment của bạn Huong (PV) rất hay. Đúng là người viết chuyên nghiệp có khác. Giá Yahoo Blog cho phép chèn icon thì tặng bạn PV một đám icon hoa hồng nhé :)

    @ Thiên Minh : Hiện thực “sống sượng” chỉ là một cách nói hơi phóng đại với dụng ý hài hước thôi. Hẳn là cách diễn đạt của mình đã khiến một số người hơi sốc và có phản ứng khiến tớ khá ngạc nhiên bởi trước nay vẫn nghĩ đó là những người học cao hiểu rộng, open-minded và tương đối “nice” cơ đấy. Hóa ra là không phải vậy ! Chắc cũng tại mình hay đùa quá. Đôi khi vẫn bị hiểu lầm vì tính hay đùa của mình ;-)

    Hiện thực “sống sượng” chỉ là cách diễn đạt nhằm mục đích nhấn mạnh sự đối lập giữa chủ nghĩa lãng mạn, chất anh hùng ca và sự lý tưởng của các nhân vật trong Les Miserables của Hugo với chủ nghĩa hiện thực của Flaubert, Stendhal. Nhưng cũng có một phần cảm nhận thật sự của tớ. Tớ đọc Những người khốn khổ, Bà Bovary, Đỏ và Đen, truyện của Guy de Maupassant v.v từ cách đây rất lâu, từ hồi 13-14 tuổi thì phải. Đến giờ cũng chưa có thời gian để nghiền ngẫm lại. Vậy nên trong cảm nhận về tác phẩm vẫn giữ lại những ấn tượng của cái thời 13-14 tuổi ấy. Quả thật là cái thời còn thơ dại non nớt ấy, tớ khá “choáng” với nhiều đoạn tả thực của Flaubert, Stendhal, Guy de Maupassant, nhất là sau khi đã bay bổng, mơ mộng với những hình tượng đẹp đẽ lung linh như Codet, Mariuyt, Giăng Van Giăng của Hugo :D. Chẳng hạn có những đoạn Flaubert tả bà Bovary hay Maupassant trong Anh bạn điển trai (Bel Ami) tả nhân vật chính của mình làm tình, sống trụy lạc và suy đồi được viết một cách khá sống sượng, thô thiển (một cách có dụng ý). Mức độ trần trụi, nghiệt ngã của hiện thực trong Flaubert, Stendhal hay Maupassant so với các tác phẩm thời bây giờ thì tất nhiên có khi chưa thấm vào đâu, song thời đó còn bé nên với tớ đã là cái gì đó khá sốc. Đơn giản vậy thôi.

    Mọi so sánh có lẽ chỉ mang tính tương đối bởi mỗi tác phẩm mang dấu ấn của thời đại gắn với nó. Dù thế nào đi nữa, mình nghĩ rằng trong lòng người Pháp, Hugo có một vị trí riêng không thể bàn cãi. Bởi trong tác phẩm của Hugo, người ta thấy rõ hình ảnh của nước Pháp, tâm hồn Pháp với những giá trị căn bản mà họ luôn tôn vinh, hướng tới – tự do, bình đẳng, bác ái - được thể hiện một cách hào hùng, bi tráng. Điều này, trong Flaubert, Stendhal hay các tác giả hiện thực khác, ta không tìm thấy. Vì thế dễ hiểu vì sao Hugo được đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông tại Pháp (như bạn Nhị Linh nói). Những năm đầu tiên ở bậc phổ thông là những năm quan trọng để hình thành nhân cách con người. Tác phẩm của Hugo có đầy đủ chất nhân văn và mỹ cảm để có ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm sống của một con người. Và vì thế, chả lẽ không thể dành cho nó một vị trí xứng đáng ít ra là ngang bằng với các tác phẩm hiện thực kia, dù không thuộc cùng thể loại ???

    ReplyDelete
  31. À còn chuyện tại sao ở Paris lại có nhiều tên đường phố được đặt là Victor Hugo thì chả phải do họ thiếu tên đâu bạn Thiên Minh. Chắc là do cái “gì gì đó” mà chỉ có người Pháp mới hiểu được ;-). Có lẽ vậy chăng ?
    Anw, mình kể chuyện sống ở đại lộ Victor Hugo, cạnh quảng trường Victor Hugo và ngày ngày ngắm tượng, đọc thơ Victor Hugo ở bến metro cũng mang tên Victor Hugo chỉ là chuyện tầm phào bên lề cho vui, chả phải để khoe khoang hay minh chứng điều gì đâu nhé. Phải nói rõ vậy bởi có vẻ như có một số người hiểu lầm thì phải ;-). Đôi khi đùa vui dễ bị hiểu lầm thế đấy !

    ReplyDelete
  32. Trước tiên nói về cá nhân: chẳng hạn như với tớ, tập interview của Paris Review công nhận là rất hay, nhưng tớ chỉ thấy có nhu cầu đọc duy nhất hai bài về Nabokov và Pasternak, những bài khác cứ để đó lúc nào thích thì đọc. Hugo gắn liền với tuổi nhỏ của tớ (và của rất rất nhiều người), tình cảm dành cho nó rất là nhiều, nhưng nếu mà gọi về đánh giá chất lượng văn chương thì quả thực tớ thấy Hugo thuộc dạng nhà văn bình dân, hạng hai, đọc thì thích nhưng là vì nó đơn giản dễ hiểu và có vai trò của media - trong khi hoàn toàn không phủ nhận chút nào tài thơ ca cũng như vai trò quan trọng trong lịch sử cộng hòa của ông ấy. Cả thế giới có thể thích ông ấy như là cả thế giới thích "Harry Potter" hiện nay thì Hugo vẫn không bao giờ là một nhà văn giỏi cả.

    Ngoài cá nhân :)): tớ thấy các bạn có một kiểu hình dung quá đơn giản về lịch sử văn học. Cái này rất dễ hiểu với những người chỉ nghe giảng về văn học ở Việt Nam, vì từ bé đến lớn chúng ta được dạy như vậy: nội dung và nghệ thuật, và nhất là lãng mạn và hiện thực. Tớ không hiểu tại sao lại có thể xếp Hugo cổ điển và lãng mạn còn Flaubert là hiện thực. Cổ điển và lãng mạn theo tớ chẳng có gì liên quan đến nhau cả, và nếu các bạn giở các sách về lịch sử lãng mạn thì Balzac Hugo Stendhal Flaubert đều là nhà văn thuộc chủ nghĩa lãng mạn cả, nó bắt đầu từ thời cả những Chateaubriand và Vigny, kéo dài mãi đến sau này, thậm chí phải đến hết thế kỷ XIX. Thậm chí có thể nó còn vẫn còn tồn tại :))

    Càng ngày tớ càng nghĩ "chủ nghĩa hiện thực" là một cái gì đó được phát minh một cách vô lối nhằm tạo một cái gì đó tương xứng với chủ nghĩa lãng mạn (và nhất là để vùi dập chủ nghĩa lãng mạn như cách giảng dạy văn học về văn học 30-45 ở VN: ai hiện thực thì là tiến bộ, nhảm nhí hết chỗ nói). Tớ cũng chỉ thấy có mỗi ở Việt Nam người ta sử dụng chủ nghĩa hiện thực như một cái gì đó hiển nhiên. Quan điểm của tớ về vấn đề này là chỉ chủ nghĩa lãng mạn mới có thể gọi là một chủ nghĩa đúng nghĩa với lịch sử đặc điểm thấy rõ, chủ nghĩa hiện thực còn xa mới có được những cái đó. Lúc nào văn học chẳng có ít nhiều cái mong muốn hiện thực, kể từ Aristote, và tác phẩm văn học nào chẳng có một ít hay rất nhiều hiện thực. Thành ra danh hiệu đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Chắc là nói "chủ nghĩa hiện thực" không cũng thấy chối nên chủ yếu từ này được nằm trong các dạng từ ghép: chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa etc.

    ReplyDelete
  33. Anh Linh: Thực ra em so sánh cụ nào "giỏi hơn" là em nói kiểu củ chuối, "tao xí Hugo, mày xí Flaubert" thôi; chứ em đã khẳng định là không so sánh được. Còn về ảnh hưởng, thì cái lập luận chính của em là, rất dễ nhầm ảnh hưởng thật do merits của người đó với ảnh hưởng do những yếu tố thời cuộc. Em biết là Flaubert có ảnh hưởng rất lớn ở thời điểm hiện tại; nhưng em cũng khẳng định là vì hiện nay CN hiện thực đang là "major event trong văn học" (Saul Bellow). Có thể, trong tương lai gần thôi, khi mà chúng ta phát chán với tư duy lý tính và nhận ra rằng khoa học chính xác cũng không giải quyết được nỗi khổ của con người - như bây giờ chúng ta đã nhận ra phần nào; thì người ta sẽ quay sang tâm linh hoặc một trạng thái tinh thần khác... và rất có thể khi đó văn học sẽ chuyển sang một dạng khác; nó sẽ đạp đổ sự chính xác, đạp đổ cynnicisim, đạp đổ cái không khí ảm đạm, thậm chí đầy tính destruction như bây giờ. Ngay trong hiện tại, văn học hầu như đã bội thực với những thứ bắt chước Satre hay là Henry Miller... vv... em thì thấy rõ là đang có sự vận động chuyển sang các thể loại khác...

    Em không hề nói rằng Ayn Rand không phải tiểu thuyết chính ngạch. Bà ấy viết tiểu thuyết chính ngạch; nhưng tiểu thuyết của bà ấy không thể được xếp vào hàng hàn lâm. Còn thế nào là chính ngạch (mainstream)? Định nghĩa cái này khó vì nó đứng giữa dòng hàn lâm chính thức và dòng genre. Làm thế nào để phân biệt hàn lâm chính thức và dòng genre; cũng khó giải thích; nhưng người viết nhìn thì biết. Về cơ bản nhất, nó là mức độ anh chú ý đến nghệ thuật ngôn ngữ bên cạnh chú ý đến câu chuyện. Một người viết genre fiction thì chỉ chú ý đến câu chuyện hấp dẫn và chấp nhận những thứ "gần đúng" cũng như chỉ coi ngôn ngữ là công cụ chuyển tải; còn người viết dòng hàn lâm biết rõ bản thân ngôn ngữ, dấu, paragraphing, movements, structure, vv... là câu chuyện rồi. Người viết genre không cần style và nói chung là có mặc định khá thấp về trí thông minh của đọc giả; họ bày hết cả ra đấy... còn người viết hàn lâm thì chỉ tạo ra khoảng trống và câu hỏi. Trình bày cụ thể những cái này rất khó, lúc khác em sẽ trở lại.

    Vậy thì vì sao Rand không phải là người viết hàn lâm. Vì tiểu thuyết của bà ấy ít chú ý đến ngôn ngữ. Bà ấy rất giỏi diễn đạt; nhưng diễn đạt chính xác chỉ là bước đầu. Em không hề nói Rand không giỏi. Vấn đề là bà ấy thực ra cũng không hề định viết thể loại văn hàn lâm. Bà ấy viết vì ý tưởng và nội dung triết học của bà ấy. Bà ấy thành công ở chỗ đó; nhưng rõ ràng khi xét về plot, về structure, thì bà ấy yếu. Atlas Shrugged thể hiện rất rõ điều này. Có điều, câu chuyện của bà ấy vẫn đủ mạnh để đi xuyên qua được những chỗ hổng plot. Một người đọc sách vì câu chuyện hoàn toàn có thể hài lòng với Rand; nhưng nếu đọc sách vì cái thích thú với chữ nghĩa nữa thì sẽ không hài lòng.

    Nhị Linh: thực ra 2 cuốn Paris Review Interviews chỉ có lợi cho những người viết văn như tớ. Trong cái tập đấy, thực ra tớ thấy Nabokov là người trả lời rất defensive. Trả lời hay nhất có lẽ là bác Faulkner.

    Tớ không nghĩ CN hiện thực là cái được dựng lên để đối lập với CN lãng mạn đâu mặc dù rõ ràng là có nhiều sự lạm dụng và, đúng như ấy nói, nó phức tạp hơn nhiều chuyện tên gọi. Thực ra sự rối rắm là kết quả của các nhà phê bình và nghiên cứu; còn nhìn từ góc độ nhà văn thì tớ thấy là có những trường phái sáng tác khác hẳn nhau thật - và đây là nói trên vấn đề philosophy và technique. Cái này có thể lí luận là do bản thân các nhà văn có lẽ thường rơi vào hai loại mindset chính: một loại bẩm sinh rất mạnh về trực giác (những người này có thể gần với lãng mạn hoặc có thể bị gọi là naturalists, ví dụ như bác Dreiser hay những bác ít nhiều chịu ảnh huởng của transcendentialist movements ở Mỹ) và loại kia thì nặng về lý tính hơn. Thậm chí một nhà văn cũng thường phát triển qua nhiều giai đoạn viết: anh ta thường bắt đầu bằng sự dễ dãi, dài dòng, say sưa diễn đạt, để ý nhiều đến các sắc thái khác nhau trong cảm giác và suy nghĩ của bản thân, dùng 10 từ thay vì 5 từ (còn tiếp)

    ReplyDelete
  34. Bác nào rành tiếng Anh dịch sát nghĩa từ Chủ Nghĩa sang tiếng Anh giúp được ko? Cái từ này có vẻ nghiêm trọng hóa ko cần thiết. Lãng Mạn thì cứ giản dị là Lãng Mạn thôi. Và Hiện Thực đơn giản là sự lấp chỗ trống. Nó giãi bày những cái mà trong một thời kỳ cụ thể người ta thấy là Lãng Mạn chưa giãi bày.

    Vì sao lại xếp Hugo vào Lãng Mạn thì có lẽ bởi vì tính kiến thiết lộ liễu trong bố cục tác phẩm. Hiện Thực là sự cố gắng tái tạo dòng chảy các ấn tượng một cách tự nhiên, về gần với trải nghiệm thường nhật của con người. Lãng Mạn thì ko như vậy. Các cụm ấn tượng được bố trí, dàn xếp lộ liễu, tùy theo các theme lớn mà người viết muốn biểu đạt. Tính trang trí của Lãng Mạn vì vậy cũng cao hơn.

    ReplyDelete
  35. nhưng nếu mà anh ta nghiêm túc viết và thực sự là có cái calling với văn chương thì dần dần anh ta sẽ phát khiếp với sự dài dòng của mình. It's such a terrible crime. Và dần dần anh ta sẽ chuyển sang ngắn gọn hơn. Đây cũng có phần là do sự trưởng thành trong con mắt quan sát của anh ta, cách anh ta "bắt" các chi tiết và biết cái nào quan trọng, cái nào là nhiễu, cái nào cute but not revealing, cái nào sentimental but not truthful. Cái này thì theo dõi sự nghiệp của một tác giả nghiêm túc nào đấy, có thể nhận thấy rõ; nhất là theo dõi các tác giả truyện ngắn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nhà văn dạng nào thì đều phải có một số thứ bất đi bất dịch - cái mà Saul Bellow gọi là có một "primitive commentator" còn Hemingway gọi là "shit detector"... về cơ bản là anh ta phải có con mắt nội tâm. Còn viết theo style nào là vấn đề vỏ mặc dù nó không tách rời ruột.

    Tớ thấy cũng cần nói thêm là cần phân biệt CN hiện thực trong văn chương với chủ nghĩa hiện thực trong giảng dạy văn học ở nhà trường VN (cái gì mà sáng tác văn học hiện thực XHCN). Cái chủ nghĩa phía sau là một thứ sáng tạo chỉ có ở VN và do các yếu tố chính trị.

    Gọi chủ nghĩa này hay chủ nghĩa kia, như tớ nói, chủ yếu là cho người ngoài và là sản phẩm của các nhà phê bình. Nếu như bỏ qua các loại title này mà chỉ đọc tác phẩm của những người đi trước thì thấy thực ra tình hình rất là giản dị. Chung quy, nó chỉ là những người viết, viết về thế giới như anh ta thấy... bằng công cụ ngôn ngữ. Mỗi người đấy đều thường không thoát khỏi thời cuộc anh ta sinh sống và không thoát khỏi những đặc điểm riêng trong cái temperament, personality, và background của anh ta. Nếu như mình biết đọc thì mình có thể đọc tác phẩm mà đọc ra được cả quy trình sáng tác của anh ta và technique của anh ta nữa. Nhưng học được những cái này rồi thì không có nghĩa là viết được. Bởi vì mỗi một tác phẩm là một bài toán mới và không bao giờ giống cái cũ cả. Một nhà văn hầu như luôn luôn phải tự sáng tạo công cụ mới để giải quyết cái tác phẩm mà anh ta đang viết. Ở chỗ này thì việc biết về những người đi trước chủ yếu có tác dụng động viên tinh thần là đấy, đã, đang, và sẽ có nhiều người cũng khổ nhục như mình và họ đã không đầu hàng. Thế thôi. Chứ đọc các nhà văn đi trước và biết về các chủ nghĩa rất giống con dao 2 lưỡi, không tỉnh táo là đánh mất mình. Mà không đọc thì cũng thiệt vì họ giống như là thày giáo dạy không công cho mình. And such good (dead) teachers they are!

    Le, Thiên Minh, Sonata, Jazzy: cảm ơn bạn/anh/chị, xin lỗi nếu mình không nói chuyện trực tiếp được nhé.

    ReplyDelete
  36. Nhị Linh: à quên, nói thêm một ý. Tớ thấy ấy nói cũng đúng là chỉ có chủ nghĩa lãng mạn vì nhà văn nào về cơ bản cũng đều helplessly romantic. Không romantic, không tin vào một cái gì đấy lớn hơn the mundane life, và không tin vào con người thì nói chung không viết được - hoặc không viết được lâu. Ngay cả những người viết u ám nhất thì về cơ bản họ đều giữ bên trong niềm tin này.

    ReplyDelete
  37. Le: nó gọi là romanticism và realism.

    ReplyDelete
  38. "nó gọi là romanticism và realism"

    Vầng, thế thì lật ngược lại vậy, sao lại dịch ra tiếng Việt thành Chủ Nghĩa này kia?

    ReplyDelete
  39. Tớ thấy hình như bạn Lê đang có xu hướng dẫn đến những đoạn tư duy thuộc vào bất khả tư nghị :))

    Trong phê bình, cái mà Lê nói, "bắt trúng mạch" hoặc như Huong nói, nhà phê bình phải biết tác phẩm được viết ra như thế nào... tớ nghĩ là chỉ mới thuộc một phần công việc của nhà phê bình. Cái đó chắc tiếng Tây gọi là sympathy :)), thật ra là trung tâm của cả một trường phái phê bình hồi đầu thế kỷ XX. Tớ thì nghĩ sympathy là cần thiết, nhưng khi viết phê bình không nhất thiết phải trưng bày cái đó ra. Có hiểu người viết làm gì thì mới phê bình được chứ, nhưng đối tượng của phê bình không phải là cái quá trình viết kia, mà là tác phẩm ở dạng thành phẩm. Phê bình chỉ chăm chăm đi tìm nhà văn muốn nói gì là một loại phê bình rất lệ thuộc, và nếu duy lý mà nói thì sẽ không có lý do để tồn tại với những trường hợp nhà văn cứ nói toẹt hết cả ra mình làm gì làm gì.

    ReplyDelete
  40. Nhà phê bình viết gì, viết thế nào, là tùy vào ý đồ sáng tạo của cá nhân. Phê bình hiển nhiên cũng là công việc sáng tạo. Tuy nhiên, người tự cho mình là nhà phê bình thì cần có nền tảng văn hóa tối thiểu làm công việc này. Nền tảng tối thiểu đó là khả năng quán chiếu toàn cục.

    Tớ rất dị ứng với những bác thấy người khác trích dẫn và tán tụng chi tiết nhỏ thì cũng bắt chước trích dẫn, tán tụng chi tiết nhỏ, coi đó là một biểu hiện phong lưu nhã nhặn. Nếu không có khả năng quán chiếu toàn cục thì thật sự đó chỉ là thày bói xem voi. Tất nhiên, việc quán chiếu toàn cục của người này không nhất thiết giống người kia. Vì mỗi cá thể có một vốn văn hóa riêng, một thiên hướng nhạy cảm riêng. Nhưng lật lại, cũng phải thấy rằng để có ý thức quán chiếu toàn cục và thực thi nó thì cũng đòi hỏi một nền tảng văn hóa tối thiểu nào đó, một mức độ nhạy cảm tối thiểu nào đó.

    Đi sâu hơn vào bản chất của việc quán chiếu toàn cục thì thấy rằng nó thuộc về bản chất của người. Bản năng của người, ít ra là trong sâu kín, luôn hướng tới tính tổng thể. Chẳng hạn như việc con người cứ xây lên rồi lại tự mình đạp đổ đi (các trào lưu nghệ thuật nối tiếp nhau từ đây). Đó là một biểu hiện của bản năng hướng tới tính tổng thể. Công việc phê bình, đối với tớ suy cho cùng là để làm sáng tỏ hơn bản chất của người. Còn tán tụng các ấn tượng bề mặt theo kiểu trăm hoa đua nở thì là một dạng sáng tạo khác.

    ReplyDelete
  41. Nói chung Les Misérables hay Notre Dame de Paris của Hugo là những cuốn truyện đáng nhớ lúc còn nhỏ của nhiều người. Khi lớn lên, đọc nhiều, và nhất là lại làm nghiên cứu văn học thì cái « gout » thay đổi cũng là điều dễ hiểu. Không còn thích những thứ mang màu sắc utopia như thế mà chuyển sang những thứ trúc trắc, khó đọc, thực tế, « phũ phàng » hơn. Những món « hậu hiện đại », « hiện sinh » đang rất là hợp « gout » những kẻ « vật vã tuổi 30 » như mình ;-).

    Có điều là tớ thấy cái chất utopia cố hữu đậm đặc trong các tác phẩm của Hugo vẫn còn hiện diện rất rõ và chưa bao giờ mai một ở người Pháp, dù cho giờ đã là thế kỷ 21, kinh tế đang khó khăn và vị thế của nước Pháp đã kém đi nhiều.Bởi thế cho nên, nếu các nhà phê bình và nghiên cứu VH chuyên nghiệp có đánh giá Hugo không cao lắm thì tinh thần của Hugo có lẽ vẫn bất diệt trong mỗi người Pháp, hàng ngày, hàng giờ. Dù có nhiều lúc hoài nghi, băn khoăn, vật vã nhưng vẫn rất trong sáng, thánh thiện. Vẫn nhiều lạc quan, mơ mộng. Vẫn rất nhiều khát vọng lớn lao. Vẫn luôn lơ lửng trên mây mà không chịu hạ cánh xuống đất ;-). Người Pháp vẫn chưa nguôi quên, chưa thôi sống bằng quá khứ vàng son của họ. Đôi khi những khó khăn, bế tắc, trì trệ của thực tại thường khiến người Pháp quay lại, bám víu vào những giá trị cũ, những thành tựu cũ, những biểu tượng cũ đã một thời khiến văn hóa lịch sử của họ lừng danh … Để tiếc nuối, nhớ thương và chắc cũng để tự động viên, lên dây cót cho chính họ. Bởi thế cho nên tớ thấy với người Pháp nói chung, Hugo, cũng như nhiều tác giả cổ điển khác, dường như vẫn là những cái bóng có ảnh hưởng sâu đậm tới tinh thần của họ.

    Vậy nên tớ nghĩ Hugo vẫn sẽ luôn là một tác gia kinh điển với những nhân vật có lẽ sẽ sống mãi với thời gian. Nó ru ngủ, nó nhiều utopia thật đấy nhưng đó là chức năng chung của văn học, nhất là văn học lãng mạn. Ngoài ra, làm gì có nhiều cuốn sách tạo ra được những nhân vật, những biểu tượng « trường thọ » và nổi tiếng đến thế (nàng Esméralda, chàng gù Quasimodo, bác Jean Valjean), khiến cho ngành giải trí đến nay vẫn còn khai thác được dài dài tiềm năng ăn theo, dù cho đó là những tác phẩm mang nhiều chất media như bạn Nhị Linh nhận xét ? … Nói chung tớ vẫn nghĩ đó là những cuốn sách thuộc loại « must read » mà khi nào con cái mình đủ lớn thì cho nó đọc, để bồi bổ « chân thiện mỹ », khai sáng cho bọn nó cái gọi là « nhân văn », « lý tưởng cao đẹp », « cổ điển », « lãng mạn » trước khi chúng nó bước vào cuộc đời đầy thực dụng, u tối, cạm bẫy như hiện giờ ;-). Một loại sách gối đầu giường, một loại « chicken soup for soul » cao cấp :D. Vậy thôi.

    ReplyDelete
  42. Phải nói là đọc các comment của các bạn có phông văn hóa cao rất thích, bình dân như mình học hỏi được nhiều điều, nhất là những ý kiến mạch lạc dứt khóat như bạn Nhị Linh, Jazzy ... Khi đọc nhiều mình dần dần chán những truyện có nhân vật đơn giản, những nhân vật phi thường, bóng lọng kiểu như Giăng Van Giăng hay là hai bạn gì trong truyện Cô đơn trên mạng, hay là hai mẫu kiến trúc sư đối nhau chan chát trong Suối nguồn ... khi đọc lọai truyện này mình thấy giống xem tranh, xem tượng, cái tài của tác giả giống cái tài của họa sĩ, điêu khắc gia (khắc họa tính cách vv). Cũng thích song là khác cái thích những nhân vật kiểu như ông Bôvary hay Emma, hay cái bạn gì trong Những kẻ thiện tâm ... có lẽ việc đào sâu vào phân tích, mô tả những người bình thường (cái phi thường trong con người bình thường ...) luôn gợi cảm hơn, hấp dẫn hơn, làm người ta nghĩ ngợi nhiều hơn ???? Mình nghĩ văn học có thành phẩm của văn học, càng khác biệt thành phẩm của các môn khác (không thể thay thế được) thì càng hấp dẫn !!!

    ReplyDelete
  43. Nói leo vì lòng yêu mến Bà Bô. Thực ra không thể xếp Bà Bô vào chủ nghĩa hiện thực (Dịch là CN cũng là cần thiết để dễ phân biệt nó với các khái niệm HT/LM nói chung, tạo cảm giác “ổn thỏa” về mặt thuật ngữ, đặt trong bối cảnh ra đời khi nó tạo thành những "vùng tràn" các quốc gia). (Trừ CN Hiện thực XHCN:)).
    Theo những gì tôi đọc được về lịch sử văn học và quan sát tác phẩm thì, mặc dù xuất phát điểm là CNLM(với cả những đại biểu như Balzac...) thì sau này, chắc chắn nó phát triển thành hai nhánh có những đặc điểm riêng mà sự phân biệt gốc rễ không phải ở chỗ, Balzac thì sẽ dựng được bức tranh hiện thực hoành hơn,v.v. Cả hai loại LM và HT đều là từ “thế giới tinh thần “– tức “chủ quan” của cá nhân người nghệ sĩ (trong bối cảnh đó). Về thực chất, cùng một bối cảnh ra đời, nhưng những ý hướng nhận thức của họ, từ chỗ cùng xuất phát có thể tách nhau ra (Ở VN, Nam Cao đã bắt đầu bằng những bài thơ và truyện chẳng khác gì Thạch Lam, ex: Những cánh hoa tàn). Họ khác nhau về xu hướng nhận thức và lý tưởng thẩm mĩ nghiêng hơn về cái đẹp hay xấu (Hugo viết để ngợi ca và Balzac để phê phán chẳng hạn. Ở VN, Tự lực nghiêng về ngợi ca và họ Vũ thì phản lại). Không thể xác quyết một phương pháp nào có thể “nhận thức” được hiện thực chính xác hơn dù nó mang danh Hiện Thực hay Lãng Mạn. Những đặc điểm về bố cục, kết cấu cũng bị quy định một phần bởi ý hướng đó. Chẳng hạn, Tương Phản là một thế mạnh bút pháp của Lãng Mạn, bởi càng đối lập càng làm nổi bật được lý tưởng thẩm mĩ khẳng định cái này/phủ định cái kia trong khi đó Hiện Thực, khi muốn phô bày ra cái – vốn – có _ dù cái ước muốn này cũng là một dạng ảo tưởng, nỗ lực của nó lại tạo được những bức tranh xã hội rộng lớn hơn, có tổ chức tác phẩm đồ sộ và khi nó đến cực đoan, nó sẽ thành “tự nhiên chủ nghĩa” như có thời người ta phê phán.
    Nhà văn hiện thực, ở một khía cạnh, đã chối bỏ niềm tin vào chính thế giới tinh thần và sự sáng tạo lại thế giới của cá nhân mình. Nối tiếp ý này, tôi nghĩ rằng sức sống của CNLM do đó sẽ lớn hơn ở chỗ: nó đề cao sự sáng tạo lại thế giới và đặc biệt, thế giới đó là thế giới tinh thần (dù nhiều khi nó không “chân thực” đi nữa). Lãng Mạn tồn tại cho đến ngày nay không có nghĩa là nó lạc hậu, chỉ có điều, quá nhiều những tác phẩm hôm nay nhầm tưởng về một thứ lãng mạn rẻ tiền, chẳng hạn, nghĩ rằng yêu đương lãng mạn là phải đến quán cf ngồi chứ không làm tình hùng hục.v.v. - và từ đó đẻ ra vô số những mô hình chẳng lãng mạn cái khỉ gì nữa cả. Flaubert chắc chắn không phải từng có vị trí quang vinh hơn Hugo. Cái này do tâm lý đọc của từng thời đại, như nhiều người chỉ ra. (So sánh thô thiển: Xuân Diệu sẽ được tụng ca nhiều hơn ở thời đại đó, nhưng ngôn ngữ ở lại thì là Hàn Mặc Tử, và do đó, ngày nay người ta sẽ phân tích HMT nhiều hơn). Có lẽ đến thời hiện đại, người/ ta mới dành nhiều quan tâm (lại) đến F. Tôi không đọc nhiều về các phê bình về F. nhưng một câu này của Kundera là đáng để suy nghĩ: ( Không nhớ chính xác nên trích dẫn có thể sai, in trong Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch ) “Lịch sử tiểu thuyết hiện đại là lịch sử tiểu thuyết trở thành thơ, bắt đầu từ Bà Bô.”, đại ý vậy. Nhiều người đã nói về sự khai mở một lối viết mới, với ngôn ngữ, cấu trúc …từ bà Bô. Đó, theo tôi chính là điểm chốt. Tôi không nghĩ rằng giá trị của bà Bô là ở sự dữ dội của hiện thực trong đó, và gần như đây là một tác phẩm Lãng Mạn trong ý hướng sáng tạo bị hiện thực xô dạt trong quá trình sáng tác. (hic, diễn đạt). Sự còn lại ở Bà B, và khả năng ảnh hưởng của nó tới các thế hệ sau (đặc biệt là ở Pháp, đến thế kỉ 20, tiểu thuyết chống đối hiện thực cuộc sống để hướng tới bản thể văn học – mà sự đam mê với hình thức, ngôn ngữ, cấu trúc ..là thấy rõ; dù sau đó, chính sự đam mê đó cũng bộc lộ cái trơ cạn của Hình Thức) chính là ở chỗ nó đề cao Sáng tạo ngôn từ. Cái nỗ lực đó đồng thời tự làm khó Flaubert vì chắc chắn nó khó đọc hơn so với Hugo chẳng hạn. Nhưng cũng vì thế mà kích thích hơn. Bởi vì nó mờ nhòe hơn.
    Mạo muội tỏ bày trước các đại gia tri thức:)

    ReplyDelete
  44. @ Nhị Linh: J tôn trọng quan điểm riêng của bác nhưng quả thật là nếu đánh giá Victor Hugo là nhà văn hạng hai thì quá đáng quá.
    Người Pháp khá khó tính và tinh tế. Không phải tự nhiên mà VH lại có vị trí đặc biệt như vậy trong nền văn học Pháp. Tôi nghĩ Những người khốn khổ nổi tiếng không phải bởi phong cách bình dân mà bởi tính nhân văn bác ái toát lên từ tác phẩm.

    ReplyDelete
  45. Công nhận, cứ entry nào mà có sự xuất hiện các comment cùng một lúc của các Anh/Chị Nhị Linh + Lê + Phan Việt + Linh là y như rằng rất xôm tụ, đọc rất thích. :)

    ReplyDelete