Wednesday, July 30, 2008

Entry for July 30, 2008

Bài của Nguyễn Vĩnh Nguyên về "nhà văn mạng" ở Việt Nam.
Trong bài, tác giả nói ra rất nhiều điều, nhưng toàn chung chung, không chỉ ra được một ví dụ nào cả (không rõ có phải ngại các bạn "nhà văn mạng" phản đối khi bị nêu tên ra?) .

Thực ra hiểu thế nào là nhà văn mạng cũng không đơn giản. Nếu bám vào ý trong bài viết của Vĩnh Nguyên thì nhà văn mạng có thể được hiểu như những người viết hoàn thành và công bố tác phẩm mình trên mạng trước khi trên sách in. Trong trường hợp này, thì có hai dạng. Thứ nhất là các nhà văn công bố tác phẩm trên blog hay forum trước khi in. Có thể kể: Trần Thu Trang, Trang Hạ, Ha Kin, Cấn Vân Khánh, Đặng Thiều Quang, Di Li, Doãn Dũng..., gần hơn có thể kể Nguyễn Quang Lập với cả ghi chép nửa truyện, nửa chuyện. Khái niệm "nhà văn mạng" mà Vĩnh Nguyên dùng chắc để chỉ những tác giả thuộc dạng này.

Dạng thứ hai là các nhà văn công bố tác phẩm mình trên các trang web văn nghệ như Tiền Vệ, Talawas, Da Màu, Văn Nghệ Đồng Bằng Sông Cửu Long..., ví dụ như Nguyễn Viện, Như Huy, Thận Nhiên, Trấn Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thanh Phượng....Tôi không rõ những nhà văn này có được Nguyễn Vĩnh Nguyên coi là "nhà văn mạng" không?

Bài viết của Vĩnh Nguyên hơi dễ dãi, thiếu chặt chẽ và không đi vào vấn đề cụ thể, lại có quá nhiều các khái quát khó biết đúng sai. Vĩnh Nguyên cũng hơi chủ quan khi cho rằng để trở thành nhà văn mạng best-seller hay thành hot blogger là một việc dễ dàng.

Thực ra, các "nhà văn mạng" chỉ khác các nhà văn "không mạng" hay "ít mạng" (như Nguyễn Vĩnh Nguyên, hình như cũng có blog nhưng không chăm post bằng các nhà văn mạng) ở phương tiện họ sử dụng để tiếp thị tác phẩm và tiếp cận bạn đọc. Không thể quy những thuộc tính như "lảm nhảm về tình yêu" "gay, lesbian" "tự do tình dục"... như là những thuộc tính riêng của văn học mạng, bởi vì nếu đọc một số truyện ngắn 8x hay của một số tác giả văn học thị trường nhưng không phải nhà văn mạng (ví dụ Dương Thụy), cũng hoàn toàn thấy sự tương đồng về mặt chủ đề và nội dung. Nó thuộc về dòng chảy văn học thị trường hiện nay, vừa là sự đáp ứng thị hiếu người đọc (những cái nửa mới nửa cũ, những cái vừa có thể diễn ra lại vừa có hơi hướng fantasy như chuyện tình công sở, chuyện tình du học...) đồng thời cũng là một sự phản ứng, một kiểu đi ngược lại của các cây bút trẻ, khi họ muốn nói tới những vấn đề mà các thế hệ nhà văn trước họ không dám nói. Một phần đáng kể tác phẩm của các cây bút trẻ này, đúng là không có mấy giá trị văn học, chỉ đọc để giải trí theo kiểu đọc mục Tâm Sự trên Vnexpress hay diễn đàn Webtretho. Nhưng nếu phân tích thì vấn đề là vấn đề chung của văn học trẻ, chứ không phải là sự đối nghịch giữa văn học mạng với văn học không mạng, văn học ít mạng.

Khi văn mạng “đo” thị trường đọc?


" “Nhà văn mạng” đang là thứ mốt lấp lánh giữa thời blog đang ảnh hưởng nhiều đến không gian đọc của người trẻ và sách tri thức, văn chương cao cấp chỉ là thứ hình dung xa vời đối với họ; trong thời đại mà cả thứ chân, nguỵ khó lường trước đời sống thông tin bủa vây? Trở thành nhà văn mạng có dễ hay không?

Xin trả lời: quá dễ. Và đây là công thức đúc kết được từ những hiện tượng văn học mạng trong thời gian gần đây mà chúng tôi quan sát được: Chỉ cần vốn liếng là chiếc máy tính nối mạng và khả năng siêng blogging, chịu khó kể những câu chuyện lảm nhảm về tình yêu, công việc, nhớ pha thêm một số cảnh sex nóng bỏng, lãnh cảm hay bất lực; thủ dâm hay cuồng loạn vũ trường quán xá; gay, lesbian hay ngoại tình; phơi bày bản thân; phản ánh những mốt chơi thời thượng như vespa, chụp ảnh hay ngồi nhìn mưa và nói chuyện đi du học… Tất cả cứ trắng phớ ở tầng nghĩa thứ nhất để đỡ mất công suy nghĩ hay thao thức. Chẳng cần bút pháp thủ pháp gì mất công, chỉ cần đừng quên chua vào một số câu cảm thán triết lý về sự đời bế tắc, cô đơn, tuyên bố tự do tình dục, tỏ vẻ sâu sắc và to tiếng phản kháng... Chắc chắn những entry ấy sẽ đắt comment và bạn sẽ trở thành một hot blogger."

13 comments:

  1. Theo như ý NVN nói với em mấy hôm trc, thì bài này ko dẫn chứng các tác phẩm vì thấy chúng ko có giá trị văn học nên ko đáng được nhắc tới. (N còn bonus thêm rằng : bài viết sau khi gặp 1 em gì viết cuốn Dị Bản, em ấy đọc xong còn hỏi N là viết về em í sao không nhắc tên em í trong bài để em í còn post lên blog). Em thấy bài viết không có ý so sánh văn mạng với văn không mạng, hơn nữa từ đây mọi ng có thể nhìn thấy việc báo chí tung hô những tác phẩm không giá trị và cho đó là văn học có thể làm lệch lạc nhận thức của công chúng.

    ReplyDelete
  2. @Khương Hà: Anh nghĩ vai trò của người phê bình là chỉ ra cái gì mà anh ta cho rằng có giá trị và không có giá trị. Nếu một bài viết không nêu được cụ thể việc này, mà chỉ cho rằng "văn học mạng là vô giá trị" thì cần gì phải viết một bài dài như thế, chỉ cần ghi nguyên cái câu đấy là thành một bài báo rồi.
    Nếu Vĩnh Nguyên cho rằng các tác phẩm đó không có giá trị văn học nên không đáng được nhắc tới thì anh ấy viết bài phê bình về những thứ "không đáng được nhắc tới" đó làm gì? Nếu đã viết thì nên diễn giải, chứng minh rằng ai, cái gì là vô giá trị, vô giá trị như thế nào, tại sao vô giá trị...

    ReplyDelete
  3. Có lẽ N vẫn còn đặt cảm xúc quá nhiều vào đó nên đi đến cực đoan là "ko muốn tạo cơ hội cho những cuốn sách này thêm tần suất xuất hiện". Dù sao thì em cũng chỉ nhìn vào 1 điểm mà bài viết khiến em phải suy nghĩ : thái độ vô trách nhiệm của báo chí VN ngày càng trở nên quá quắt.

    ReplyDelete
  4. hơn nữa từ đây mọi ng có thể nhìn thấy việc báo chí tung hô những tác phẩm không giá trị và cho đó là văn học có thể làm lệch lạc nhận thức của công chúng. --> đúng, nhưng nếu vậy thì bài viết cần lên tiếngvề việc các nhà báo tung hô cái gọi là 'văn học mạng' của họ, chứ không thể nói văn học mạng là vô giá trị, rằng trở thành nhà văn mạng là quá dễ. So với trở thành nhà báo ở VN thì trở thành nhà văn mạng có phần khó hơn.

    Đơn cử một ví dụ: bạn Giao Chi nói về việc bạn sợ bị gọi là 'tập tành làm nhà văn' khi bạn viết truyện Tuyết Đen. http://blog.360.yahoo.com/blog-9aSqqjEyeqiwy24XQMz0DcLkJ2ru?p=996. Tự các bạn nhà báo gọi người ta là nhà văn, xong rồi các bạn mắng nhiếc người ta là viết thứ văn đó mà cũng gọi là nhà văn, dù người viết chẳng hề có ý định thành nhà văn, quả nực cười.

    ReplyDelete
  5. (N còn bonus thêm rằng: bài viết sau khi gặp 1 em gì viết cuốn Dị Bản, em ấy đọc xong còn hỏi N là viết về em í sao không nhắc tên em í trong bài để em í còn post lên blog).
    + À, thì ra đây là chuyện trà dư tửu hậu :) --> Biết thêm người ta nói gì sau lưng mình!
    Dạ! Đây là nguyên văn ạ! Chứ em không có nói kiểu: "Anh Nguyên ới ời! Sao anh viết về em mà không nhắc tên em để em còn post lên blog chứ?"

    o0Keng0o (7/21/2008 10:15:44 AM): Anh ui!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:21:43 AM): Biết nói sao bi giờ? Em rất thích bài viết của anh trên SGTT, nó hay ho làm sao á! Giống như kiểu tả một căn phòng nhưng thực chất lại đang viết về cái ghế!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:23:55 AM): Vì thế em đã đem lên blog của mình, cho mọi người cùng đọc để biết cách trở thành một hiện tượng nhờ internet là thế nào. Những blogger như em ý, biết ơn anh nhiều lắm vì đã chỉ cho bọn em phương pháp trở thành star chỉ bằng cách lảm nhảm giật gân!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:24:20 AM): http://blog.360.yahoo.com/blog-e_8NbaQ6fqhuRJNAdwoZ?p=1942#comments << em mời anh ghé thăm cái entry này!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:26:01 AM): em rất mong những cao nhân như anh dùng tu vị thâm trầm của mình vào góp ý cho các bạn của em biết cách hoàn thiện con đường trở thành hiện tượng sau 1 đêm thức giấc!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:26:58 AM): Có lẽ rất nhiều blogger chưa hiểu cặn kẽ phương thức mà anh đề cập một cách qua loa đại khái như thế!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:28:20 AM): nên em hy vọng lần sau anh tả luôn cái ghế
    Nguyen Vinh Nguyen (7/21/2008 10:28:30 AM): hãy học cách bình tĩnh và đọc nhiều hơn nữa để biết mình đang ở đâu.
    Nguyen Vinh Nguyen (7/21/2008 10:28:35 AM): anh ko muốn PR cho cái ghế
    Nguyen Vinh Nguyen (7/21/2008 10:28:53 AM): vì dù khen hay chê đều là 1 vinh dự cho cái ghế
    o0Keng0o (7/21/2008 10:28:53 AM): đừng viết về diện mạo bên ngoài của căn phòng như zị
    o0Keng0o (7/21/2008 10:29:00 AM): <<< cái ghế nó buồn!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:29:19 AM): vâng! Em hiểu mà! Nên em mới đội ơn anh nhiều lắm
    o0Keng0o (7/21/2008 10:29:31 AM): <<< chỉ là cái ghế cho người ta ngồi thui hà!
    Nguyen Vinh Nguyen (7/21/2008 10:29:36 AM): cuối cùng thì hãy đọc để biết mình đang ở đâu. vậy thôi.
    o0Keng0o (7/21/2008 10:31:24 AM): em còn trẻ con, nông nổi, bồng bột, 4 năm nữa em mới bằng anh bi giờ. Nên em biết em đứng ở đâu lắm chứ! Vì ở chỗ thấp, em mới phải đội ơn anh! Nếu ở chỗ cao hơn, chắc em nhìn anh, như kiểu anh đang nghía em bi giờ!
    o0Keng0o (7/21/2008 10:40:29 AM): Vì anh đã nói lời cuối cùng rùi! nên em chào anh ạ! Chúc anh tuần mới nhiều niềm vui, đọc được nhiều sách! Em sẽ học cách bình tĩnh và cố gắng đọc nhiều hơn để biết mình nên đứng ở chỗ nào để cao hơn sau 4 năm nữa. Hy vọng lúc đó em đứng gần được bằng anh héng! Bibi anh!
    Nguyen Vinh Nguyen (7/21/2008 10:45:40 AM): hãy đọc những comment trên blog của em để thấy văn hóa của bạn đọc loại sách của em lùn thế nào. rất tiếc, họ là những người quá trẻ .
    o0Keng0o (7/21/2008 10:49:36 AM): Ai rồi cũng phải lớn lên. Chưa bao giờ em thấy trên đời người ta chê trẻ con lùn, thấp, bé hơn người lớn cả! Hị hị... câu chê của anh cũng giống cái từ "netizen" mới sáng chế ra quá! Phải chép lại và bổ sung vào từ điển và ý thức của xã hội mí được!

    + Khá nhiều người trách em đã chơi không công bằng với anh ý, sau khi post mỗi 5 câu chat của anh ý lên blog của mình. Nên em xin phép trả lại công bằng cho anh NVN ở đây! Và nếu anh NVN có đọc được thì "Em chân thành xin lỗi anh NVN ạ!", hy vọng hôm nào em sẽ mời anh đến cafe Nếp để tạ lỗi! Mong anh đại lượng thứ lỗi cho tội trẻ người non dạ của em!

    @Linh: Xin lỗi anh vì Keng đã post một chuyện riêng tư hoặc "ít public" lên đây! Ngôn ngữ của em hơi leng keng nên mong mọi người không khó chịu!

    SGTT mới đăng bài "Khi truyền thông lập lờ văn học mạng" cũng hay lắm ạ!
    http://www.baosgtt.com/Detail46.aspx?ColumnId=46&newsid=38123&fld=HTMG/2008/0730/38123

    ReplyDelete
  6. Với anh chàng NVN này thì mọi người đều lùn và ngắn hơn ảnh hết! Cái tôi đầy mình và đu lên cột điện để phán xét người khác chắc?

    Sao Keng lại phải xin lỗi nhỉ?

    ReplyDelete
  7. Nói như Khương Hà và Phan Xi Ne thì hóa ra các bác nhà báo lợi dụng "văn học mạng" để chửi các bác nhà báo khác à?

    Cùng trong nghề với nhau làm thế chỉ thể hiện sự ghen ăn tức ở, còn suy nghĩ có trách nhiệm thì chẳng thấy đâu. Nghề văn, nghề báo nhiều chữ nghĩa, tưởng tượng nên không thích nói thẳng cứ vòng vo chơi trò rung cây dọa khỉ nhỉ?

    Một xã hội mà không bác nào dám thẳng thắn thì đòi hỏi suy nghĩ có trách nghiệm ở đâu?

    Cha NVN vớ vẩn hết cỡ!

    ReplyDelete
  8. “. . .hơn nữa từ đây mọi ng có thể nhìn thấy việc báo chí tung hô những tác phẩm không giá trị và cho đó là văn học có thể làm lệch lạc nhận thức của công chúng.”
    Các bạn nghĩ công chúng là cái gì mà chỉ mấy bài báo tung hô của các báo mà có thể làm lệch lạc nhận thức của họ. Văn mạng hay văn không mạng cũng chỉ là một trong các kiểu ghế như salông, gỗ, sắt, nhựa, đá, vv mà tác giả bày ra, ai có thể bảo ghế nhựa vô giá trị còn ghế sắt ghế đá mới giá trị? Ai thích thì ngồi lâu, ai không thích thì ra đi, có gì mà lăn tăn giá trị với vô giá trị.
    Tôi thích câu này” hãy tôn trọng sự khác biệt và cổ vũ cho sự đa dạng” đó là diều kiện tốt để thế giới phát triển.

    ReplyDelete
  9. lại hứng thú lại với blog ah...

    ReplyDelete
  10. ối giời, sao chat chit với nhau lại đưa lên public thế kia, hỡi nhà văn trẻ!

    ReplyDelete
  11. hi hi, vấn đề là ở tác phẩm có hay/đáng quan tâm ko mà thôi. "Không mạng" cũng nhiều cái trí trá không kém. Có thể đọc bài đầy đủ trên phongdiep.net (mà thực chất là viết tiếp một số ý - nhu cầu trao đổi - bài phân tích về các dạng vhmạng ở VN theo quan sát của tôi (bài trên tạp chí văn hóa nghệ thuật số tháng 5/2008- không có trang online).

    ReplyDelete
  12. quên, bài đầy đủ ở đây là đầy đủ so với văn bản trên "Sài gòn tiếp thị" "Khi truyền thông lập lờ văn học mạng"- NT

    ReplyDelete
  13. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng là một người theo nghề viết, dù chưa có gì là xuất sắc nhưng dẫu sao cũng đã kiếm cơm bằng nghề viết. Vậy thì tại sao lại đưa ra một luận điệu rất hời hợt trong bài "Khi văn mạng đo thì trường đọc" đăng trên SGTT. Có thể nói rằng đại đa số các blogger hay bất kể một người nào hay viết đều có thể viết được một bài hay hơn, rõ ràng hơn, cụ thể hơn bài viết đó. Đọc bài viết chúng ta cảm giác được rằng tác giả đang chửi đổng tất cả cá blogger hay tất cả những người dùng blog (trong đó có chính tác giả) thoe lối ĐÁNH ĐỒNG, QUY CHỤP giống như kiểu CHÍ PHÈO chửi LÀNG VŨ ĐẠI hay AQ tự sướng.

    Vậy thì có hai khả năng xảy ra:
    - Một là NVN không thể viết được một bài viết có chất lượng hơn, nhìn nhận vấn đề một cách công tâm hơn.
    - Hai là NVN cố tình dùng một bài viết lệch lạc để tạo nên một sự phản ứng của cộng đồng mạng nhằm đánh bóng tên tuổi của mình giống như kiểu "TUNG ẢNH SEX HAY FILM SEX LÊN MẠNG" mà một số người đã làm. Thực chất là sau bài virts đó thì nhiều người biết rằng trong làng viết co một người mang tên NVN và trong làng báo có một tờ báo mang tên SGTT.

    Một cuốn sách, một tác phẩm nên để công chúng (đặc biệt là những người ko theo nghề văn) đánh giá và nhìn nhận, không thể dựa vào mấy người trong làng văn để kết luận vấn đề vì những người trong làng văn thường chịu yếu tố chủ quan về nghề nghiệp khi nhìn nhận vấn đề. Công chúng là những người có kiến thức rộng và sâu xa, khi nhìn nhận vấn đề sẽ ko chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan của nghề nghiệp.

    ReplyDelete