Tuesday, September 25, 2007

Lạm phát

Có vẻ lạm phát đang là vấn đề gây nhiều lo ngại ở Việt Nam. Để tạm các link ở đây.

Nguyên nhân tiền tệ của lạm phát - Nguyễn Đức Thành (hình như giờ làm ở Bộ Tài chính?)


Thông điệp của lạm phát - Nguyễn Văn Minh (trường KTQD?)

Kiềm chế lạm phát: Liệu có thất bại?- Báo Lao Động

“Rút tiền khỏi lưu thông là thuốc đặc trị chữa lạm phát”- Nguyễn Đại Lai, Ngân hàng Nhà nước

Lạm phát cao chủ yếu do tăng tiền- Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước



Tôi đánh cược với những ai nói lạm phát sẽ 2 con số!- Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN



Đối phó với lạm phát? Giảm tăng cung tiền và tín dụng- David Dapice, chương trình Fullbright.



Lạm phát - chống như thế nào?- Trần Xuân Giá

Lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát - Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế học)

Bổ sung thêm hai bài của Vũ Quang Việt (Mục Kinh tế của báo Lao động dạo này có vẻ khá).

.Chống lạm phát - phải thay đổi từ quan điểm

Lạm phát và nợ nước ngoài: Cách nào để không phải trả giá?

Update tiếp: Bổ sung bài của Võ Trí Thành

Chống lạm phát: Chính sách tiền tệ bị can thiệp quá mức



22 comments:

  1. Chỉ có bài của ông Giá là có giá trị. Các bài khác hoặc là sai, hoặc là lý thuyết xuông. Bài của anh Thiên lần này ngớ ngẩn quá, không xứng với một người có chiều sâu như anh. Bài của Thành chắc bị sửa nhiều (do được góp ý nhiều) nên mất đi sự sắc xảo và trực giác, vốn là thế mạnh của Đức Thành.

    Nói chung là các vị lên media chính thống nói phét y như mình viết blog, chả có giá trị mẹ gì cho tổ quốc.

    ReplyDelete
  2. Bài của Dapice cũng không hay. Biện pháp giảm thuế nhập khẩu không giải quyết được lạm phát (mặc dù có vẻ như push là một trong những nguyên nhân chính). Giảm cung tiền và tín dụng là cái ai chả biết. Nhưng giảm bằng công cụ gì thì cụ Dapice lại cũng chả nói gì. Cụ Giá thì nói tọet ra là giảm chi tiêu chính phủ, tăng cường hiệu quả đầu tư bằng tiền ngân sách (chính là thắt chặt giải ngân). Nói chung cái người đi làm thật thì nói về việc thật bao giờ cũng chuẩn hơn các vị đọc sách rồi tán phét.

    ReplyDelete
  3. David Dapice thì chỉ nói lý thuyết chung chung, bài không có đáng nói.
    Bài của Thành, em thấy được đắy chứ, nhất là đoạn trên. Đoạn dưới so sánh với Trung Quốc hơi mù mờ, không làm rõ ý. Ý của Thành không mới, thực ra bài của ông Vũ Quang Việt và ông Lê Xuân Nghĩa cũng nói tương tự từ trước nhưng Thành cũng có những điểm nhấn cần thiết. Ví dụ về tỷ giá hối đoái.
    Bài bác Thiên thì chung chung, cái này gọi là nhà kinh tế học hai tay "On one hand...On the other hand...".
    Bài Trần Xuân Giá sắc và rõ ràng về mặt chính sách.
    Bài của các vị NHNN trừ của ông Nghĩa hơi có tính bao biện và cục bộ.
    Em nghĩ hai bài có tác dụng thay đổi triệt để tư duy nhất là bài của ông Nghĩa và ông Việt, nhấn mạnh lạm phát như một hiện tượng tiền tệ và vai trò chính là thuộc về NHTW.
    QUa việc này cho thấy NHTW vẫn khá bối rối trong việc xử lý mâu thuẫn giữa chính sách tỷ giá và lạm phát.
    À mà chính sách lạm phát ở Việt Nam tuy đặt ra tỷ lệ lạm phát mục tiêu nhưng có phải là Inflation targeting không nhỉ? Có vẻ như không.

    ReplyDelete
  4. Anh Nguyễn Đức Thành không làm ở bộ tài chính thì phải anh ạ, chắc chưa đến 30, làm ở Viện nghiên cứu Chính sách phát triển ở Nhật Bản thì phải, blog đây anh ạ:

    http://blog.360.yahoo.com/profile-zftZ6jg_fLODv.szzuP4bnN72utbKeNFzQ--?cq=1

    ReplyDelete
  5. Bác Linh tổng hợp tốt quá, để khi có thời gian tôi sẽ đọc từng bài.

    Nhận xét về bài bác Thành (Tổ nghiên cứu của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì nhìn chung có nhiều ý, giống nhiều bác khác, nhưng chưa có nhiều cái nhìn bằng kinh tế vĩ mô mở, tức là kết hợp để nói cả về tỷ giá hối đoái (vĩ mô đối ngoại) lẫn về lãi suất (vĩ mô đối nội). Tôi nghĩ hiện giờ những phân tích về lạm phát phần lớn chỉ ra được những ý "first order", không chỉ ra được những ý "second order", ví dụ như phải cân bằng sức ép giữ tỷ giá thấp với sức ép giữ lạm phát thấp. Nếu không rõ, thì cũng khó chỉ thêm đường cho chính sách ngoài những tuyên bố cơ bản. Tôi vẫn chờ bác Lê Hồng Giang viết bài xem sao, nhưng chưa thấy. Sẽ đọc các bài bác Linh trích xem có ai giải thích thêm về vấn đề đó không. Về background các bác viết bài, theo tôi biết không có ai làm nghiên cứu về kinh tế vĩ mô mở.

    Mới đọc qua bài bác Giá, tôi nghĩ bác rất dám nói thật, và cũng hiếm có người dám nói thẳng vào những chi tiêu chính phủ không hiệu quả. Nhưng đây là lái câu chuyện sang nhiều hướng khác, quan trọng về việc phát triển lâu dài là chính. Giải quyết lạm phát ngắn hạn thì cách đấy sẽ không hiệu quả. Có thể hiệu quả 15 năm trước đây, khi mà chi tiêu chính phủ còn là phần rất lớn trong lưu thông tiền, nhưng bây giờ tôi nghĩ là không. Vf thế, đấy là bài viết hay về phát triển kinh tế, mượn sự kiện lạm phát, chứ chưa phải bài viết tốt về lạm phát.

    Trong khi chờ đợi bác Lê Hồng Giang :D, tôi vẫn nghĩ là lạm phát chưa đến mức phải đắn đo. Hiện giờ lạm phát cao làm giảm bớt giá trị của cổ phiếu đi, hy vọng cũng làm thị trường chứng khoán tử tế, sát thực hơn một chút. Quan trọng hơn, tôi nghĩ lạm phát hiện thời vẫn có tác động tái phân bổ là chính, mà tác động này hiện giờ đang có lợi cho nông dân (các bà nội trợ là người kêu la đầu tiên về lạm phát), cho dù là hơi thiệt đối với những người ăn lương cố định (thường thu nhập trên trung bình). Còn tác động về mặt phúc lợi của việc giá cả cùng leo thang (đối với cả người mua lẫn người bán) có lẽ không lớn như nhiều người tưởng. Bác Linh tìm 1 bài của Bob Lucas (Econometrica 1985 thì phải) đánh giá thấy ảnh hưởng phúc lợi của 4-5% lạm phát khá là thấp đấy. Tất nhiên, nếu kéo dài ra thì không tốt tí nào.

    ReplyDelete
  6. Hôm qua vô tình lại thấy một bài phỏng vấn bác Lê Đăng Doanh trên VieTime (báo mới của VNN) về vấn đề nhập siêu. Bác Doanh trả lời có chừng mực, còn phóng viên thì muốn chạy theo một tít giật gân nên toàn hỏi câu hỏi lớn (mà chưa biết câu hỏi của phóng viên hay của bác Doanh). Nhưng nhìn chung sự phân tích nhập siêu cũng không có gì đặc biệt về mặt vĩ mô, chỉ là chỗ để bác Doanh nhận xét thêm về thuế nhập khẩu, doanh nghiệp và tính cạnh tranh. Nói đến nhập siêu, đáng ra, có thể nói thêm đến tác hại của kiều hối, ảnh hưởng tương hỗ với lạm phát và cầu tiền trong nước vv. Mỗi bài phân tích vĩ mô nếu chỉ nhìn vào một góc của nền kinh tế (partial equilibrium) thì sẽ dẫn đến hiện tượng ai cũng phỏng đoán, ai cũng "có chỗ đúng, chỗ sai" như hiện nay.

    ReplyDelete
  7. Hôm nay tôi đọc được thêm bài phỏng vấn ông Đại Lai, cũng vì bên blog chị Cavenui chỉ trích. Tôi thích một ý rất hay:
    - Luồng tiền VND ban đầu đổ vào thị trường chứng khoán (khi ngoại tệ được nội tệ hóa), nên chưa gây ra lạm phát. Đến khi thị trường chứng khoán sụt giảm, luồng tiền này đổ ra ngoài (ngoài các phương tiện tiết kiệm khác thì đổ vào tiêu dùng cũng nhiều), tăng sức ép lạm phát. Nói cách khác là ảnh hưởng của một phương tiện tiết kiệm (TTCK) lên lạm phát là không nhỏ.

    Tôi nghĩ đây là ý rất hay, "thinking out of the box" so với những mô hình vĩ mô thông thường vẫn được dùng. Ông Đại Lai có được suy nghĩ như vậy có lẽ là nhờ kinh nghiệm first-hand với các vấn đề tiền tệ (Tôi vẫn nghĩ những người trong cuộc thì bao giờ cũng có hiểu biết đặc biệt). Có một ông Phạm Minh Ngọc nào đó chỉ trích về cách suy luận này, thực ra ông Ngọc không có cơ sở gì cả.

    Ở trang 2 bài phỏng vấn ông Đại Lai lại có 1 đoạn bình luận về trái phiếu bằng ngoại tệ rất linh tinh, tôi cho là người phỏng vấn không hiểu (đọc cách viết bài thì cũng đoán thế). Mà cũng có thể là lỗ hổng của chính ông Lai, không có gì chắc.

    Ông Đại Lai cũng ám chỉ đến tỷ giá hối đoái, tiếc là không đi xa, nên không biết ông ấy có cái nhìn toàn cục được không.

    Chắc viết cái comment này có mỗi bác Linh đọc được thôi nhì :D.

    ReplyDelete
  8. Bác Tề Phi cho em hỏi là chính phủ VN có đủ các công cụ để thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát không?

    Theo em hiểu thì cho dù có biết nguyên nhân lạm phát nhưng không có các công cụ tài khóa và tiền tệ thì cũng không thể kiềm chế được lạm phát.

    ReplyDelete
  9. @Quốc Anh: Đúng là cái ý thị trường chứng khoán khá hay vì nó liên quan tới tiêu dùng. Tuy nhiên tớ nghĩ chưa chắc đã đúng vì tớ nghĩ tỷ lệ tiết kiệm là một thứ tương đối ổn định và tiền từ thị trường chứng khoán do đó sẽ nhiều khả năng chuyển sang các dạng tiết kiệm/đầu tư khác, ví dụ như vào thị trường bất động sản chẳng hạn. Mà nếu chuyển vào bất động sản thì sẽ không làm tăng lạm phát.
    Đoạn trái phiếu tớ đọc chẳng hiểu gì. Tại sao trái phiếu Chính phủ mà lại bằng ngoại tệ à?
    Còn ý về tỷ giá hối đoái thực ra cũng khá nhiều bài nói tới. Nói chung sự thụ động trong chính sách tiền tệ của NHNN cũng là do bám chặt vào tỷ giá hối đoái cố định trong thời gian qua. Hai cái này liên quan chặt chẽ tới nhau nhưng các bài báo thường chỉ nói lớt phớt qua.
    Có bài mới của Võ Trí Thành tớ mới update. Để đọc xem ông Thành nói gì.

    ReplyDelete
  10. Oh, bài ông Thành hóa ra rất ngắn trong đó có 2 ý chính: một là phải thay đổi chính sách tỷ giá và hai là tăng cường sự độc lập của Ngân hàng TW. Tuy nhiên, tớ chưa hiểu hiện nay việc chưa độc lập của NHTW đang ảnh hưởng như thế nào tới lạm phát. Vì cả chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ đều thuộc phạm vi của NHTW. Có phải vì chính sách tỷ giá bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố khác, khiến NHTW phải "chiều" theo yêu cầu giữ tỷ giá VND/USD ở mức thấp.

    ReplyDelete
  11. Bác Bạch: Tôi mới đọc đoạn đầu bài của bác (hay Hoàng Xuân Ba?) viết về lạm phát ảnh hưởng xấu đến nông thôn, và không đồng ý với đoạn này. Lạm phát gian đoạn này có phần nhiều (lớn nhất thì phải) xuất phát từ giá nông sản, và nông dân chính là những người được lợi chứ không thiệt. Điều này thực ra không liên quan nhiều đến chính sách tiền tệ, mà chủ yếu là hệ quả của phát triển. Tôi có lo rằng chênh lệch giá nông sản rơi vào túi tư thương là chính, và đã hỏi rất nhiều người biết rõ về thị trường nông phẩm ở Việt Nam: câu trả lời thống nhất là thị trường này hiện hoạt động tốt, và nông dân thu lợi là chính. Mới đây vnexpress đăng 1 bài về các tỷ phú nuôi cá ba sa ở Miền Tây, cũng không ngoài xu hướng này.

    Người chịu thiệt không phải là nông dân, mà là những người ăn lương cố định, vì lương thay đổi chậm hơn giá. Điều này chính thực ra hạn chế việc lạm phát quay vòng lại: vì việc thỏa thuận lại lương ở Việt Nam rất chậm, nên tôi vẫn nghĩ lạm phát hiện nay chủ yếu là cơ cấu lại giá, không đáng lo, và chưa đến mức tự nó đi vào guồng quay tăng giá không ngừng.

    Từ việc này tôi nghĩ thêm đến mâu thuẫn chính trị giữa nông dân và công nhân, vốn là một hiện tượng được chủ nghĩa Xã hội Khoa học nói nhiều đến (đặc biệt là Marx), trong khi hầu như không có ý nghĩa ở Việt Nam trong suốt cả thế kỷ, vì kinh tế Việt Nam còn quá xa giai đoạn đó. Khi nào có dịp sẽ suy nghĩ và viết thêm về câu chuyện này.

    ReplyDelete
  12. Quên mất, câu hỏi chính của bác Bạch thì tôi lại chưa trả lời :-). Tôi thực cũng không biết rõ: tôi nghĩ công cụ thì có, vấn đề là có nhiều hạn chế về mặt chính trị khiến người ta không thể sử dụng công cụ này một cách thỏa đáng được. Ví dụ như việc tăng dự trữ bắt buộc từ 5% đến 10%: ở các nước, nói chung việc tăng nhiều thế này là một thay đổi mạnh khủng khiếp, và có thể bóp chết tăng trưởng ngay lập tức, nói chi đến lạm phát. Vấn đề là ở Việt Nam thì công cụ này cũng có nhiều kẽ hở (ông Đại Lai có nhắc đến một kẽ hở với Ngân hàng Phát triển - càng ngày càng thấy ông Lai này hay!) - tôi có người bạn trong ngành ngân hàng cũng nhắc đến những kẽ hở khác nữa, khiến cái tỷ lệ dự trữ thực tế và lãi suất thực có lẽ không cao đến như thế.

    Bác Linh: Tỷ lệ tiết kiệm sẽ khác nhiều chứ bác. Bác lấy một mô hình kinh tế có lựa chọn inter-temporal, hay lựa chọn giữa tiêu dùng với tiết kiệm phức tạp hơn Cobb-Douglas một chút thôi là sẽ thấy tỷ lệ tiết kiệm biến đổi phức tạp ngay. Thực tế cũng vây: thu nhập 50 triệu 1 năm thì tỷ lệ tiết kiệm khác nhiều với thu nhập 500 triệu một năm chứ bác? Hơn nữa, tôi nghĩ thêm thì ngay cả chuyển tiền sang tiết kiệm bằng thị trường bất động sản cũng sẽ tạo ra lạm phát, dù sức ép ít hơn, theo đường đầu từ và xây mới bất động sản. Chỉ có tiết kiệm bằng ngân hàng, tiền Đồng, vàng hay dollars thì mới không có ảnh hưởng gì.

    Cái đoạn trái phiếu ngoại tệ thì tệ :). Trái phiếu ngoại tệ có thể kể đến lần bán trái phiếu ở New York để đầu tư vào Vinashin, nhưng tôi nghĩ đều là những chuyện hại hơn lợi.

    Hê hê bác Linh còn nhắc đến nhiều thứ quá, thôi để lúc khác vào bàn tiếp vậy.

    ReplyDelete
  13. Tất nhiên về lý thuyết thì cũng có thể thấy khi thu nhập tăng saving rate cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, tớ cho là saving rate là yếu tố thuộc về behavior, phản ánh mức độ risk-averse của người dân, mà behavior là yếu tố không dễ thay đổi một sớm một chiều. Người ta sẽ thay đổi saving rates khi cảm thấy sự thay đổi thu nhập có yếu tố lâu dài trong khi thu nhập từ chứng khoán không phải là thu nhập lâu dài. Nhưng cái này không nói suông được, nếu có số liệu về saving rates trung bình của dân cư thì có thể rõ hơn. Nhưng có thể thấy là ví dụ như kinh tế Nhật, tỷ lệ tiết kiệm của cư dân nước này rất ổn định cho dù kinh tế tăng trưởng hay suy thoái trong suốt một thời gian dài.

    Bất động sản cũng vậy, đầu tư bất động sản có thể làm tăng lạm phát do gia tăng nhu cầu xây dựng. Nhưng tớ cũng cho là yếu tố này cần có một khoảng thời gian hợp lý để có thể thể hiện. Thường người ta sẽ mua đất và găm ở đó như một hình thức đầu tư lâu dài và do có sẵn tiền, chứ chưa quyết định xây dựng ngay. Nhịp độ xây dựng nếu có tăng thì sẽ vào dịp cuối năm.

    Cái thị trường chứng khoán ảnh hưởng tới lạm phát, chủ yếu là do thu hút một luồng ngoại tệ không nhỏ, ngay ví dụ sinh viên du học tớ thấy cũng khá nhiều người chuyển tiền về mua chứng khoán. Luồng tiền này cùng với luồng kiều hồi sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Mà trong khi đó thì NHTW vẫn duy trì chế độ tỷ giá như cũ..

    ReplyDelete
  14. Quốc Anh có nói tới lạm phát hiện nay tăng có phần chủ yếu do giá nông sản không biết là từ đâu? Kể ra thông tin này rất quan trọng mà không thấy các bài phân tích ở trên đề cập tới. Không rõ trong cơ cấu CPI bây giờ thì nông sản chiếm tỷ trọng bao nhiêu.
    Ở Việt Nam, mâu thuẫn giữa nông dân và cư dân đô thị chưa thực sự gay gắt là vì thị trường nông sản tự do và chính phủ không có các biện pháp ghìm giá nông sản xuống để khu vực đô thị có lợi. Nếu về mặt lịch sử thì mâu thuẫn này thường xảy ra dưới các chế độ trong đó nhà nước đóng vai trò nhà đầu tư lớn, theo đuổi các chương trình phát triển công nghiệp, ví dụ Liên Xô thời Stalin hay các nước Mỹ Latin những năm 70-80.

    ReplyDelete
  15. Bác Linh xem trong bài viết của bác Thành (bài dài gửi lên VES, không phải bài trên Tia Sáng :D) có lẽ có thông tin về giá lương thực thực phẩm. Hiện giờ trong CPI tôi nhớ nó vẫn còn chiếm đến hơn 40%. (Hợp lý vì phần đông dân cư vẫn còn phải lo cái ăn là chủ yếu.)

    Về saving rate, lý thuyết để mở kết luận mà bác: tùy vào intertemporal substitution, và tùy xem income shock là permanent hay transitory. Nếu coi là behavior khó thay đổi, thì cũng không rõ là saving rate khó thay đổi, hay là amount of saving khó thay đổi, hay amoung of consumption khó thay đổi vv. Như bác bảo, khó nói suông được.

    Bất động sản tăng lạm phát chậm là vì lag của investment thôi bác, chứ người xây nhà thấy được giá là họ xây ngay, vì thế đã có sức ép lên giá nguyên vật liệu rồi. Cái này cũng check được xem có đúng không.

    Chuyện công-nông bác kể đúng mấy ví dụ chính sách phản nông :). Nhưng ngay cả trong thị trường tự do thì cũng có mâu thuẫn chính trị, first order hẳn hoi chứ không phải chỉ khi lạm phát mới có. Vấn đề này Marx nắm rõ, nên nhấn mạnh rằng giai cấp cách mạng phải là giai cấp công nhân. Returns của nông dân phụ thuộc nhiều vào return của đất, (không nhớ David Ricardo đã nói chưa) nó sẽ tăng lên theo chiều hướng công nghiệp hóa (lao động nhiều, đất ít), không thể vận động làm cách mạng được. Thậm chí còn phản cách mạng ấy chứ (nông dân nhận trợ cấp ở phương Tây bây giờ chẳng hạn). Vấn đề này ở các nước chưa có công nghiệp thì chưa rõ ràng gì cả, vì dân nghèo ở nông thôn rất nhiều, và họ có rất ít đất. Nhưng một khi công nghiệp hóa, hình thành giai cấp công nhân, nông dân dần đồng nghĩa với "địa chủ", thì sẽ rõ.

    ReplyDelete
  16. Hê hê hay quá, bác Linh cho cái này lên hot list rồi, đỡ phải giở cả chục trang mới tới :)). Thế này thì thỉnh thoảng còn qua đọc và viết comment dài dài :).

    ReplyDelete
  17. Quốc Anh: Tớ thấy có bài này trên BBC:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/07/070725_disease_inflation.shtml
    "Các con số thống kê cho thấy giá hàng hóa cho đến nay tăng 6,2%, trong đó giá thực phẩm - chiếm gần phân nửa (42,8%) tổng số rổ giá cả các mặt hàng tiêu dùng - tăng đến 15%."

    Như vậy đúng là giá cả nông sản tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng dẫn tới lạm phát tăng. Tuy nhiên, cũng nên chú ý là giá cả nông sản tăng ở đây chủ yếu là do dịch bệnh gia súc và như thế thì nông dân cũng không được lợi gì, trong khi người tiêu dùng bị thiệt hại.
    Nếu giá nông sản là nguyên nhân chính của lạm phát thì thị trường chứng khoán sẽ có ảnh hưởng không đáng kể. Trúng chứng khoán cũng chẳng khiến người ta mua nhiều thực phẩm lên mấy.

    À còn thảo luận trên VES thì cái email cũ của tớ đăng ký trong list mà tớ cũng ít vào đó nên không theo dõi thường xuyên. Mà tớ thấy thảo luận trên email có cái hay là có tính cập nhật ngay nhưng dở là người không tham gia khó theo dõi, và cũng khó tìm lại các ý kiến để so sánh. Ngày xưa thì có cái forum VES nhưng cũng chẳng mấy người vào. Chính ra có thể làm một cái blog group cho VES để thảo luận và post bài trên đó, như kiểu blo Minh Biện (ở bên trái blogroll của tớ có link). Trên blog Minh Biện cũng có nhiều bác trong VES (An Nguyên, Vinh Dự…) nhưng có vẻ cũng ít cập nhật và không nhiều bài về kinh tế.

    ReplyDelete
  18. Về mâu thuẫn công nông đúng là ở kinh tế tự do cũng có nhưng sở dĩ nó tồn tại chính là bởi tính không tự do trong các nền kinh tế tự do đó. Do đó mới có bảo hộ nông nghiệp mặc dù nông nghiệp các nước phát triển không có hiệu quả. Mâu thuẫn gay gắt giữa nông dân và công nhân xảy ra là trong quá trình công nghiệp hóa, ở giai đoạn tích lũy công nghiệp và thường có sự tham gia của nhà nước khi thực thi các industry policies. Còn khi nền công nghiệp đã qua được cái giai đoạn tạo lực đẩy thì mâu thuẫn này sẽ ít gay gắt hơn và quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ diễn ra tự nhiên hơn. Với trường hợp Việt Nam thì trong các năm sắp tới, tớ nghĩ mâu thuẫn này sẽ ngày càng gay gắt, điển hình là các vụ biểu tình gần đây đều liên quan tới việc nông dân bị mất đất cho các khu công nghiệp.
    Mà tớ nhớ David Ricardo nói ngược lại chứ nhỉ, là returns của nông dân phụ thuộc returns của đất nhưng đất đai thì hữu hạn nên returns càng ngày sẽ càng thấp và do đó returns của nông dân sẽ ngày càng thấp đi.
    Theo Marx, giai cấp nông dân không làm được cách mạng không phải bởi vì returns của họ sẽ tăng lên cùng với công nghiệp hóa mà là họ vẫn có returns, dù ít ỏi, trong khi chỉ có công nhân thì mới thực sự là vô sản.

    ReplyDelete
  19. Lâu mới vào đây. Ở site của FETP có 1 bài viết về cách tính CPI trong đó có nói đến 1 ý là nên dùng core CPI để điều chỉnh chính sách. Cái này gần với cái ý của QA về 40% của nông sản trong cách tính CPI.

    Return của đất phụ thuộc vào technology (vì đất là hữu hạn). Ví dụ ai áp dụng thủy lợi sớm sẽ có lợi hơn người áp dụng thủy lợi muộn. Nhưng về lâu về dài khi được áp dụng phổ biến thì technology như thủy lợi, công nghệ nuôi thủy sản sẽ là có lợi cho end-user hơn là maker (bác nào học rural development hẳn nắm rõ mấy cái lằng nhằng này ở VN). Nôm na là năm nào cũng được mùa thì nông dân thiệt.

    Năm nay lạm phát + dollar mất giá nên giá nông sản thì cao mà đầu vào (thuốc trừ sâu, phân bón) lại thấp nên nông dân chắc là vui.

    Những người khổ nhất là những người làm ở các khu công nghiệp. Tức là những người công nhân vô sản đúng nghĩa đen. Lĩnh lương tuần (fix) và phải trả tất cả các thứ liên quan đến living do họ sống độc thân và xa nhà.

    Quay lại đọan đầu, anh vẫn nghĩ là core CPI mới là cái mà làm chính sách cần nhìn vào. Còn CPI như hiện nay thì cũng nên nhìn để điều chỉnh tâm lý xã hội. (Cái này nói với QA nên xưng anh cho ngầu)

    ReplyDelete
  20. Em quan sát thấy nông nghiệp VN hiện nay rất manh mún, nhỏ lẻ. Bà con mình chạy theo phong trào thấy cây trồng nào có giá thì chạy theo trồng cây đó nhưng không hiểu rằng khi cung nhiều lên thì giá ắt giảm xuống. Một cái vòng lẩn quẫn giữa cung - cầu và giá.

    Em không rõ tại sao nhà nước lại không nhúng tay vào thị trường nông sản để bình ổn giá cả. Trước mắt sẽ giúp nông dân không chạy loanh quanh trồng hết cây này đến cây khác. Sau đó là tạo điều kiện cho các trang trại cỡ lớn phát triển.

    ReplyDelete
  21. Về nông dân, đúng là có một số người bị thiệt vì dịch bệnh, nhưng tôi nghĩ tính tổng lại thì họ lợi hơn là thiệt. Chẳng hạn, gà vịt chết dịch thì người bán cá được lợi rất lớn. Hơn nữa, nếu chỉ là dịch bệnh thì giá nông sản không tăng nhiều được như vậy - bác xem con gà con vịt có được bao nhiêu phần trong bữa cơm hàng ngày. Tôi nghĩ phần chủ yếu là lương thực thôi (hình như CPI thiên khá nhiều về lương thực). Mà nói chung giá lên được nhờ mở rộng xuất khẩu (tăng cầu từ bên ngoài), cộng với hiệu ứng thay thế giữa các sản phẩm nông nghiệp. Như bác Xu nói nữa, đồng VN tăng giá thì thuốc trừ sâu, phân bón giảm giá (phần lớn phải nhập), nông dân mừng húm. Vì thế những bài báo than phiền lạm phát, có thấy ông nông dân nào mở miệng đâu. Toàn thấy bài báo viết về nông dân mua xe máy, ôtô :).

    Về bình ổn giá cả nông nghiệp, tôi nghĩ có chút khác với bạn Bạch. Nhà nước mình can thiệp quá nhiều vào giá, là cái mà nhà nước nắm ít thông tin nhất, mà thị trường thì nắm nhiều thông tin nhất. Còn về sản lượng, thực ra việc sản lượng dao động quá cao phần lớn phụ thuộc vào cái gọi là "phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế [gì đó]", "nuôi con gì, trồng cây gì": cái này do các cơ quan khuyến nông ở cấp địa phương phụ trách. Người ta cứ nghĩ một nhà nuôi lợn được là cả xã nên nuôi lợn. Thứ nhất là ảnh hưởng cung, giảm giá, nhất là những nơi xa xôi chi phí đi lại cao, tư thương có thế độc quyền mua hàng. Thứ hai là cùng sản xuất một mặt hàng thì tính rủi ro cực lớn, nếu có chuyện gì thì cả xã không có ai tương trợ bảo hiểm cho nhau được. Mà ngành nông nghiệp thì vốn dĩ đã nổi tiếng rủi ro rồi (trông trời, trông đất trông mây vv.) Tôi nghĩ những trường hợp dao động giá vì người dân tự chạy theo phong trào kiểu café độ 5 năm trước là không nhiều; hơn nữa người dân rút kinh nghiệm rất nhanh, vì đấy là tiền túi của họ, không như mấy ông khuyến nông nhiều khi nói rất bừa.

    Đi nông thôn thấy họ cho dân vay từng đợt toàn để làm cùng một thứ kiểu nuôi lợn, mua bò; tư thương tha hồ ép giá vì cả xã cùng bán lợn, cùng mua thức ăn, mà đến lúc có bệnh thì nhà nào cũng khóc, nhiều khi bại sản mà không vay mượn được ai vì hàng xóm ai cũng chết vì lợn cả. Khổ cái là thỉnh thoảng có chỗ vô tình thắng to, thì cả xã thắng, thành ra người ta cứ tưởng lợn là thần. Lợn cũng như trứng, mỗi con một giỏ thôi.

    ReplyDelete
  22. Bên blog chị Cá Về Núi cũng đang bầy trận lạm phát để câu pageview kìa các bác :P.

    Về Marx và Ricardo, tôi cũng không dám nói quá, sợ là "nhét lời vào miệng người sang", mà tôi cũng chưa đọc các tác phẩm của các cụ bao giờ (ngoại trừ tiểu luận của Marx), mà chỉ biết qua 2nd-source thôi. Nhưng chắc là có 2 cách hiểu, một là hiểu đúng ví dụ của các cụ, hai là hiểu ý thêm của các cụ nữa. Đúng như bác Linh nói, David Ricardo chỉ nhắc đến đất đai và diminishing marginal return trong ví dụ; nhưng theo tôi hiểu thì cụ cũng nói rất nhiều đến mặt political economics nhân chuyện repeal of the corn law, tức là còn nói đến political economics trước cả Marx. Trong đấy cũng nhiều chỗ có thể hiểu là cụ đã nhắc đến mâu thuẫn cơ bản giữa những người sở hữu factors khác nhau, khi mà phát triển (hay mở cửa thương mại) làm thay đổi giá factor. Tức là không khác gì chuyện nông dân và công nhân rồi.

    Cụ Marx, tôi nghĩ là đi sâu về vấn đề này hơn rất nhiều, vì nếu như cụ Ricardo chú ý phần lớn đến one-factor economy (land hay là capital) thì cụ Marx có lẽ là cụ đầu tiên chú ý đến 2 factors trong cùng một production function; và không kể đến cái lý thuyết giá trị lằng nhằng tôi không hiểu thì những gì cụ phân tích về marginal returns to factors là rất đẹp và classical rồi. Từ đấy, chuyện mâu thuẫn công nhân-nông dân là hệ quả rõ ràng nhất, nhất là đối với một người mà cả sự nghiệp nghiên cứu kinh tế chú tâm nhất vào ngành mà bây giờ ta gọi là political economics. Vì thế tôi nghĩ Marx không chỉ biết đến sự ngần ngại của nông dân đối với cách mạng, mà còn biết rõ sự đối nghịch của họ. Hì, còn dẫn chứng thì mở Das Capital ra chắc có thôi, trong đấy cái gì chẳng có. Cũng như trong Wealth of Nations hay General Theory, cái gì chẳng có :).

    ReplyDelete