Bài này là comment trả lời comment của phuongkiet nhưng để ở post bài hát của Roger Waters không phù hợp nên tớ tách riêng ra ở đây.
Phuongkiet:
Nhân bác nói đến Kundera, lại đọc được bài viết của bác trên Talawas về cuốn “Bức màn”, em muốn trao đổi với bác một chút: Bác nhận xét rất đúng trong bài viết là cuốn “Bức màn” không có nhiều điểm mới so với hai cuốn tiểu luận trước của Kundera về văn học là “Những di chúc bị phản bội” và “Nghệ thuật của tiểu thuyết”. Vẫn là những tuyên bố dứt khoát và quan điểm mạnh mẽ về văn chương, vẫn thái độ cực đoan và sự tôn sùng tuyệt đối với thể loại tiểu thuyết, vẫn là tham vọng vén lộ diện mạo tiểu thuyết thế giới với hệ quy chiếu dọc từ Cervantes đến Rushdie. Và đúng là Kundera rất hay nhấn mạnh tính kế tục trong tiểu thuyết, Dostoevsky là đệ tử của Balzac, Tonxtoi là đệ tử của Flaubert, cũng như ông vẫn hay nhận mình là học trò của Kafka, Musil, Broch. Bác cũng có nói rằng, những ý tưởng và lập luận của Kundera có những chỗ chưa hợp lý, khi ông khẳng định rằng ngày nay chúng ta không cần đến một Balzac. Em thì nghĩ rằng, đó là một nhận xét cực kỳ tinh tế của Kundera, bởi thời hiện đại quả thật không còn chỗ cho những nhà tiểu thuyết viết theo kiểu Balzac, Hugo nữa. Như Kundera viết, tiểu thuyết phải là “một tấm màn ma thuật, được dệt nên từ các huyền thoại… được ngụy trang, che đậy và giải thích lại… Nó bị xé tan khi Cervantes mở lối cho thứ nghệ thuật mới; hành động phá hủy của ông vang vọng và mở rộng đến mọi tiểu thuyết tương xứng với cái tên này; nó là dấu hiệu xác định về nghệ thuật của tiểu thuyết”. Sau đó, Kundera nói, ông thấy Cervantes hiện diện trong Fielding nhiều hơn là Balzac, trong Tolstoy nhiều hơn là Dostoevsky. Đó mới là điểm bất hợp lý! Bởi vì dung mạo của tiểu thuyết hiện đại ngày một hiển hiện rõ nét hơn qua sự kế thừa tinh thần tiểu thuyết của Cervantes và Dostoevky chứ không phải Fielding, Balzac hay Tonxtoi. Sự kế thừa này theo những mức độ đậm nhạt khác nhau có thể thấy ở những người mà Kundera tôn sùng gọi là “Hội tao đàn - Pléiades” của ông - Kafka, Musil, Broch và Gombrowicz - và gần hơn là trong các tác phẩm của Grass, Fuentes, García Márquez và Rushdie. Cho đến tận ngày hôm nay…
My comment:
Tớ nghĩ quan điểm của Kundera là thời nay không cần Banzac nữa hơi hạn hẹp quá. Nó chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về tiểu thuyết của Kundera là tiểu thuyết cần hé lộ các tình thế mới của nhân sinh và theo ông thì thời nay, những tiểu thuyết theo phong cách của Banzac hay Hugo không có khả năng này. Nhưng nếu theo cách hiểu đó thì ngay cả trong thế kỷ 19, các tiểu thuyết của Banzac hay Hugo cũng không có những ý nghĩa hé lộ tình thế mới của nhân sinh như cách mà Kundera hiểu. Kundera có thể chấp nhận Banzac và Hugo ở thế kỷ 19 nhưng lại không chấp nhận được ở thế kỷ 20 là vì sao, bản thân ông cũng không thực sự làm rõ được. Còn về quan niệm tiểu thuyết và phong cách viết, Kundera chịu ảnh hưởng của nhiều tác giả Đông Âu, và ông cũng gần gũi với các tác giả hậu hiện đại như Marquez, Grass hay Rushdie. Ông đánh giá cao tính thử nghiệm của tiểu thuyết, gắn chức năng tiểu thuyết với việc cung cấp cho người đọc những kinh nghiệm mới, cách nhìn mới về cuộc sống, và khiến người đọc không chỉ là khán giả theo dõi mà đóng vai trò tích cực hơn với tiểu thuyết (các quan điểm sáng tác này của Kundera thể hiện rõ nhất trong hai cuốn Đời nhẹ khôn kham và Sự bất tử). Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những yếu tố như trên thì tớ nghĩ tiểu thuyết sẽ tự nhiên nghèo nàn đi, các nhà văn sẽ cứ phải vắt óc ra nghĩ xem mình dùng kỹ thuật gì mới khiến nhiều khi tiểu thuyết sẽ chỉ thành các trò chơi chữ (các trò chơi chữ không có gì là không hay nếu người chơi chữ là người sành, còn nếu người đọc phải đọc những trò chơi chữ bởi những người kém cỏi thì quá là bắt tội họ).
Vai trò tiểu thuyết kiểu kể chuyện như của Banzac, Dickens hay Tolstoy có thể giảm dần đi do những kinh nghiệm sống của con người ngày nay ngày càng khác nhau. Nhưng không có nghĩa là nó mất đi. Những phân tích về tâm lý nhân vật, về các cách hành xử của các nhân vật trong các tình huống…đều là những yếu tố rất quan trọng để cho tiểu thuyết thực sự là tiểu thuyết, dù là trong thời của Cervantez hay là trong thế kỷ 21. Thế nên tớ vẫn nghĩ các tiểu thuyết viết theo cách truyền thống và cổ điển vẫn là cần thiết. (Một ví dụ là cuốn tiểu thuyết Người đua diều - The Kite Runner gần đây là một tiểu thuyết có chất Dickens khá đậm nét).
Nói thêm về ý này “Bởi vì dung mạo của tiểu thuyết hiện đại ngày một hiển hiện rõ nét hơn qua sự kế thừa tinh thần tiểu thuyết của Cervantes và Dostoevky chứ không phải Fielding, Balzac hay Tonxtoi”. Fielding thì tớ chưa đọc nên không rõ, Cervantes thì là ông tổ của tiểu thuyết rồi. Nhưng kế thừa Cervantes thì Tolstoy và Dostoevsky đều là những người trung thành, theo những cách khác nhau. Và tiểu thuyết thế kỷ 20 là di sản của Dostoevsky và của Tolstoy? Tớ nghĩ là của cả hai. Kafka có thể ảnh hưởng từ Dostoevsky nhiều hơn, nhưng nhiều tác giả khác, Virginia Woolf chẳng hạn, lại coi Tolstoy là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất. Tớ nghĩ nếu có một cuộc bình chọn tiểu thuyết gia vĩ đại nhất, thì hầu hết các nhà văn sẽ chọn giữa Cervantes và Tolstoy, chứ không phải Dostoevsky. Tiểu thuyết của Tolstoy không hẳn chỉ là đại tự sự, ví dụ tác phẩm Cái chết của Ivan Ilích đó, là một tác phẩm mô tả cái chết một cách cực kỳ hoàn hảo, với những phân tích tâm lý siêu việt. Tớ nghĩ Hóa thân của Kafka chính là sự tiếp nối hợp lý tác phẩm Cái chết của Ivan Ilích của Tolstoy. Tolstoy miêu tả sự chuyển biến tâm lý ở trạng thái động trong cái metamorphosis của nhân sinh trong khi với Dostoevsky, các nhân vật ở trạng thái tĩnh, với các tính cách được định hình rõ nét.
Ngay như đại tự sự Chiến tranh và hòa bình, thật ra nó l
à một từ điển bách khoa, một tấm mosaic với các chi tiết kỹ lưỡng, tinh tế nhất, tức là vô số các tiểu tự sự lồng trong đó. Nếu so sánh với Dostoevsky thì Dostoevsky không mạnh lắm về chi tiết và phân tích tâm lý ở ngôi thứ ba, nhưng lại xuất sắc trong lời thoại nhân vật, kể cả độc thoại nội tâm. Ngay cả Kundera, tớ nghĩ cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi Tolstoy hơn là bởi Dostoevsky. Trong cuốn Bức màn, Kundera từng nói tới sự phân tích tâm lý của Anna Karenina trước khi chết như là những gì tiên báo trước cho khunh hướng gợi mở của tiểu thuyết trong thế kỷ 20. Cái chết của Anna Karenina là tự tử hay tai nạn, cũng tương tự cái chết của Hamlet là có chủ đích hay là một tai nạn, phải tới Tolstoy mới tiếp nối được Shakespeare (Mà tớ nghi là cái chết của hai nhân vật chính trong truyện Đời nhẹ khôn kham cũng chịu ảnh hưởng bởi cái chết của Anna Karenina).
À mà xếp chung Tolstoy với Balzac là không hợp lý lắm. Nếu có xếp thì Tolstoy nên được xếp chung với Flaubert, đều là những người tiên phong cho tiểu thuyết hiện đại, nghiêng về phân tích tâm lý nhân vật.
Đóng góp của Dostoevsky cho tiểu thuyết thế kỷ 20 là gì? Tớ nghĩ có một số yếu tố. Thứ nhất là sự tập trung trong phân tích tâm lý nhân vật. Thứ hai là sự tiên cảm về vai trò của chính trị, tôn giáo và sự hủy diệt của con người, những cái đó tạo ra rất nhiều đề tài cho thế kỷ 20 đầy biến động. Thứ ba, là đóng góp về mặt hình thức trong cách ông không chỉ xây dựng đa tuyến nhân vật mà còn để các nhân vật tự do phát huy vai trò của mình (nhất là trong Anh em nhà Kazamarov, chúng ta thấy cả ba anh em đều tự do thể hiện quan điểm đối nghịch của mình, đều tác động mạnh tới người đọc theo các cách khác nhau và chúng ta không rõ vai trò của tác giả là ở phía nào). Hình thức này sau này hẳn có ảnh hưởng nhiều tới các tác giả hiện đại, như Virginia Woolf, James Joyce, Thomas Mann hay cả Kundera (ghi chú thêm là tớ chưa đọc Ulyssey của James Joyce với Magic Mountain của Thomas Mann chỉ nghe hơi nồi chõ thôi, mặc dù đã mua cả hai cuốn này để trưng bày giá sách). Anyway, các bạn học văn chắc sẽ biết nhiều về Dostoevsky với Tolstoy hơn, hình như còn có nhiều cuốn sách chỉ để so sánh hai ông này với nhau.
Bạn phuongkiet có vẻ hâm mộ Dostoevsky, theo bạn thì trong thế kỷ 20, tác giả nào có phong cách giống Dostoevsky nhất. Tớ cũng không rõ lắm nhưng nghĩ có lẽ là Mishima. Mishima và Kawabata của Nhật cũng hơi giống như Dostoevsky và Tolstoy chỉ có khác là Kawabata vẽ tranh thủy mặc, chấm phá còn Tolstoy thì vẽ tranh theo trường phái hội họa cổ điển của phương Tây.
Nếu mà có thầy thợ thật thì Dostoievski rất xứng đáng với Balzac, Tolstoi với Flaubert (Flaubert có vị trí quá kém cỏi không tương xứng ở Việt Nam, một thất bát lớn của ngành dịch thuật liên quan đến các tác phẩm kinh điển). Kundera thì còn lâu mới có thể là học trò xứng tầm các ông thầy của mình. Có lẽ chính là cái tình thế hiện đại mà Kundera nói tới đã không cho phép Kundera vươn lên thêm một mức độ nữa - mức độ quyết định để một nhà văn lớn khác biệt với một nhà văn giỏi. Rất có thể Kundera quá thông minh và sáng suốt để có thể trở thành một điên rồ kiểu thiên tài. Thiên tài thường xuyên không sáng suốt - họ chỉ sáng suốt khi họ muốn, mà họ luôn không muốn :))
ReplyDeleteNhiều người thích "Kite Runner" nhỉ, tôi thì thấy nó giống như củ khoai môn luộc kỹ, ăn vào bở ra từng đám. Tôi chỉ đọc được đến đoạn cả nhà nó sang Mỹ và nó đi cua cô gái con ông tướng.
"Tom Jones" của Fielding mà bác Ling chưa đọc à? Khiếm khuyết, khiếm khuyết :)) Cũng trong dòng đó nữa thì "Tristram Shandy" của Laurence Sterne cũng là must to read (mà Kundera cũng hay nói về đồng chí này lắm).
Tớ thích Đốt hơn. Tonstoi cứ như một con mèo lười ngồi ngắm thiên hạ ý! HeHe!
ReplyDeleteMèo này chán đến mức chuột chạy qua cũng chả thèm bắt! HeHe!
ReplyDelete