Monday, September 17, 2007

Ayn Rand

The image “http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/3/32/Ayn_Rand1.jpg” cannot be displayed, because it contains errors.

Nhân tiện, nói về Ayn Rand thì cũng là một hiện tượng thú vị. Với nhiều người tôn sùng bà, Ayn Rand được coi là một nhà triết học, đạo đức học, nhà tư tưởng lớn. Các tác phẩm của bà, nhất là hai cuốn tiểu thuyết Atlas ShruggedThe Fountainhead luôn là các cuốn sách best-seller với các kỷ lục về doanh số bán ra. Trên trang web Amazon vào thời điểm hiện nay, 50 năm sau khi cuốn Atlas Shrrugged ra đời, nó vẫn nằm trong 400 cuốn sách bán chạy. Hai cuốn tiểu thuyết với độ dày mỗi cuốn trên dưới 1000 trang này đã làm thay đổi cuộc đời của không biết bao nhiêu người Mỹ. Một trong số những người đó là Alan Greenspan, thống đốc huyền thoại của kinh tế Mỹ trong hơn hai mươi năm. Năm 1957 Greenspan đang làm công việc dự đoán kinh tế sau khi tốt nghiệp cao học kinh tế trường Đại học Columbia. Cũng như hầu hết các nhà kinh tế thời đó, Greenspan là người tin tưởng vào học thuyết Keynes – học thuyết đề cao vai trò của chính phủ trong nền kinh tế và chiếm địa vị thống trị kinh tế học cả thế giới tư bản kể từ sau thời Đại khủng hoảng (1929-33). Nhưng sau khi đọc xong cuốn sách dày hơn 1200 trang của Ayn Rand thì Greenspan trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành tư tưởng của Rand. Với nhiều người, Ayn Rand được coi như nhà tư tưởng của chủ nghĩa tư bản, là người bảo vệ đanh thép cho các giá trị của chủ nghĩa cá nhân, và biện minh cho tính đạo đức của chủ nghĩa tư bản. Cùng với Ayn Rand, họ đã thoát khỏi cái mặc cảm Thiên chúa giáo đồng nghĩa giàu có với tội lỗi “Người giàu có vào được Thiên đường khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”, cũng không phải mặc cảm với thứ luật rừng “kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại” mà Spencer rao giảng hồi đầu thế kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà Rand lại có ảnh hưởng mạnh như thế, nếu như nhớ lại rằng Spencer cũng từng có ảnh hưởng tương tự ở Mỹ vào đầu thế kỷ cùng với sự phát triển của giai cấp tư sản. Địa vị của Rand chính là sự nối tiếp địa vị của Spencer trong một bối cảnh mới. Trong bài báo mới ra hôm kia trên tờ New York Times, tác giả bài báo gọi tiểu thuyết của Ayn Rand là văn học của chủ nghĩa tư bản.

Trong The Fountainhead, có đoạn một nhân vật chính, khi còn là một cậu bé xuất thân nghèo khổ một lần có dịp may đọc được cuốn sách của Herbert Spencer. Và cuốn sách đó đã thay đổi cả cuộc đời cậu, khiến cậu quyết chí vươn lên trở thành một nhà tư bản giàu có. Nhưng dù thành đạt, nhà tư bản đó vẫn không hạnh phúc với cảm giác mình đã tự phản bội mình. Câu trả lời của Ayn Rand về lý do nỗi bất hạnh đó chính là ở sự khiếm khuyết của thuyết Darwin xã hội mà Spencer truyền bá và được giai cấp tư sản Mỹ ngưỡng mộ. Đó là việc Spencer không tạo ra được một biện minh đạo đức. Vì thế những nhà tư sản Mỹ sẽ suốt đời phải dằn vặt giữa sự mâu thuẫn trong đạo đức Thiên chúa giáo của bản thân (hay/và của xã hội) với lý luận “kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại”. Bằng việc biện minh đạo đức cho chủ nghĩa cá nhân, Ayn Rand đã mang lại sự thanh thản cho họ. Về mặt này, có thể nói Ayn Rand là người kế thừa Nietzsche, nhưng khác với Nietzsche bác bỏ đạo đức Thiên Chúa giáo và tự đặt ra đạo đức cá nhân với mục đích hủy diệt, Aynd Rand đồng nghĩa ý chí cá nhân với tự do, sáng tạo và chủ nghĩa tư bản. Với các tiểu thuyết của mình, Ayn Rand đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều người Mỹ, những người như Alan Greenspan, như trước đó cuốn sách của Spencer từng thay đổi cuộc đời của nhân vật Wynand trong The Fountainhead.

Cho tới tận ngày nay, các tiểu thuyết của Ayn Rand vẫn có ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới việc hình thành nhân cách và nhân sinh quan của nhiều người Mỹ.

Nhưng mặc dù thành công lớn như vậy về mặt ảnh hưởng, đối với giới trí thức học thuật thì Ayn Rand là con số không. Trong các khoa triết ở các trường Đại học, người ta không buồn nhắc tới bà với học thuyết Objectivism của bà. Với các giáo sư văn học và các nhà phê bình thì các tiểu thuyết của bà bị coi là nhạt, ý đồ lộ liễu và ít có giá trị về mặt văn học. Thế nhưng trong một cuộc bình chọn của độc giả Mỹ, Atlas Shrugged của Ayn Rand được bình chọn là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất chỉ sau Kinh Thánh. Năm 1999, nhà xuất bản Modern Library mở cuộc bình chọn 100 tác phẩm văn học tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Trong bình chọn của các nhà phê bình, Ulysses của James Joyce đứng vị trí đầu tiên và trong 100 cuốn đó không hề có bóng dáng cuốn sách nào của Ayn Rand (tình hình cũng tương tự với các bình chọn của giới phê bình như bình chọn của báo Times, báo The Guardian…). Nhưng trong bình chọn của độc giả thì Atlas Shrugged và The Fountainhead của Ayn Rand lại ở vị trí dẫn đầu. Đúng là có quá nhiều khác biệt giữa cuốn sách công chúng yêu thích và các nhà phê bình yêu thích. Bà còn chịu sự phê phán của nhiều người thuộc cả phái hữu và phái tả. Với phái hữu, Ayn Rand là người không tin Chúa, phủ định đạo đức Thiên chúa giáo. Với cánh tả, Ayn Rand bị phê phán vì đề cao tính ích kỷ (selfishness), chủ nghĩa cá nhân và chống đối kịch liệt chủ nghĩa xã hội hay một nhà nước có vai trò lớn.

Đánh giá về mặt giá trị văn học hay tư tưởng của tiểu thuyết Ayn Rand còn là một vấn đề gây tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ là để có thể hiểu được người Mỹ và phần nào cái “suối nguồn” cho sự phát triển kinh tế và xã hội Mỹ trong nửa cuối thế kỷ 20, thì các tiểu thuyết của Ayn Rand là rất đáng đọc. Trong tháng 10 tới, nhà xuất bản Trẻ sẽ phát hành tiểu thuyết “The Fountainhead” của Ayn Rand, tên tiếng Việt là “Suối nguồn”. Hiệu đính và giới thiệu cuốn sách này là Phan Việt, hiện đang làm nghiên cứu sinh Công tác Xã hội ở
Đại học Chicago và cũng là tác giả một tập sách từng được giải thưởng ở trong nước.

Image:Fountainheadcover.gif



26 comments:

  1. Đọc hết cả bài mới phát hiện đoạn cuối anh PR cho cuốn sách. Khẹc khẹc :D

    ReplyDelete
  2. Em không bàn về tác phẩm của bà ấy đâu :) Theo đúng tinh thần của bà ấy, thì việc đánh gía là một hành trình cá nhân, giành cho mỗi người.

    Nhưng có cái này muốn nói: bản thân là người bắt đầu viết - và muốn viết nghiêm túc, em không hoàn toàn tán thành quan điểm của Rand. Rand thì đề cao rational; viết văn hoàn toàn bằng ý thức và tính toán. Kinh nghiệm của em là phải viết bằng vô thức và tiềm thức. Có điều, có thể là có những người như Rand có khả năng nhập ý thức - tiềm thức - vô thức làm một. Và ví thế, có thể những cái thực thể và hiện tượng mà bà ấy gọi tên hay gây tranh cãi; vì bà ấy nói "hoa hồng" người ta cứ nghĩ đến "viên đá". Chỉ là một ý nhỏ của em; vì em cũng tin có những con đường - ví dụ thiền, hoặc khả năng bẩm sinh - làm người ta đồng nhất được ba thứ đã nói.

    Nhận định của anh về chỗ Rand có ảnh hưởng "là con số 0" với giới trí thức là không đúng. Các trường học có học bà ấy đấy chứ. Và cũng có nhiều người không dám công khai thừa nhận bà ấy; hoặc khi đã "lớn vượt" khỏi bà ấy rồi thì quay lại phủ định sạch trơn. Em nghĩ là Rand có nhiều cái dở, nhưng phủ định sạch trơn bà ấy thì không được. Bản thân Rand nói rằng cái thời mà những cuốn sách của bà ấy được tôn trọng và thế giới của bà ấy thành hiện thực còn chưa đến. Vân vân và vân vân.

    Đính chính: Phan Việt chỉ giúp NXB Trẻ tổ chức dịch và hiệu đính. Việc dịch trực tiếp cuốn này do một nhóm, trong đó có chính anh Linh của chúng ta đây :) Công đầu thuộc về anh và các bạn.

    ReplyDelete
  3. Đính chính thêm: Tập sách được giải thì có tên "Phù Phiếm Truyện" và Phan Việt chuẩn bị in sách mới :)

    ReplyDelete
  4. Cụ bà Rand rất giống với Khổng lão tiền bối ở một số điểm:

    Tư tưởng đến từ cảm nhận trực quan chứ không xuất phát từ một nền tảng bản thể học chặt chẽ, không có mục tiêu kế thừa/trả lời một cách chính tắc các tư tưởng triết học cùng thời (chỉ có Lão phê bình Khổng chứ Khổng chẳng bao giờ trả lời Lão cả).

    Tư tưởng mang tham vọng giải quyết những vấn đề có tính thực nghiệm và phổ biến. Cụ thể là chỉ ra những tính chất nhân bản và mối liên quan giữa chúng với trật tự cùng sự phát triển của xã hội.

    Khổng kính trọng Lão, nhưng khí chất mạnh mẽ hơn, điều độ (trung dung) hơn, nên đã xây dựng Nho học theo một đường lối có tính nhập thế khác hẳn với Lão. Tương tự như thế, Rand có sự tôn trọng nhất định với một số triết gia tiền bối, nhưng do khí chất mạnh mẽ trong hành động, ôn hòa trong tình cảm, nên lý tưởng của bà đi theo một đường lối khác.

    Để hiểu Khổng Tử người ta cần tìm hiểu trên cả 3 phương diện: chính trị, tâm lý, triết học. Tương tự như vậy, người có nền tảng triết học muốn hiểu Rand thì nên tìm hiểu trên phương diện tâm lý học. Ngược lại, người nghiên cứu xã hội muốn hiểu Rand thì nên so sánh, đối chiếu trực tiếp các suy nghĩ của Rand với triết học của các vị tiền bối mà Rand chịu ảnh hưởng.

    ReplyDelete
  5. @Hường: Hihi, em nói đúng. Anh viết câu đó là không chính xác. Chính xác thì sách của Rand được đưa vào chương trình đọc cho học sinh trung học, như là một trong những cuốn sách để góp phần hình thành định hướng nhân cách của học sinh (cùng với các cuốn như To Kill the Mocking Bird hay Catcher in the Rye, Of Mice and Men…). Nhưng trong các giáo trình văn học Đại học thì người ta không đánh giá cao Ayn Rand lắm. Về vai trò của Ayn Rand trong triết học cũng vậy. Tư tưởng của bà bị coi là không chính thống, là triết học cho laymen. Một nguyên nhân là do Rand không thực sự kế thừa một truyền thống triết học nào cả, tuy chịu ảnh hưởng của một số người (như Nietzsche hay Aristotle) nhưng lại không phát triển theo đường của họ. Chính vì thế mà tư tưởng của bà bị coi là blacksheep, bị coi nhẹ trong các trường Đại học, trong khi trong giới học thuật, người ta vẫn nghiên cứu tới tư tưởng của các nhà libertarism như Milton Friedman hay Norzick (các giáo sư Đại học các trường danh tiếng).
    Chính

    ReplyDelete
  6. Chúc mừng các cuốn sắp sắp XB!!! Trông cái ảnh bà Ayn Rand cầm điếu thuốc giống bạn today20 yêu dấu quá ta hi hi. Ôi những ngón tay, những ngón tay cầm điếu thuốc bay bay :D :D :D

    ReplyDelete
  7. Rand không kế thừa một vài lão tiền bối thì đúng rồi, nhưng đó không phải lý do người ta coi nhẹ tư tưởng của bà. Thực ra thì triết học phương Tây tới Nietzsche đã đạt được một chiều sâu nhất định về bản thể học. Nhưng Rand sổ toẹt đi tất cả những thứ mà đối với bà là không xài được. Sổ toẹt mà không hề đưa ra được các luận điểm thách thức chặt chẽ. Nghĩa là Rand không với tới được, và cũng không hề có tham vọng với tới các vấn đề của triết học hiện đại.

    ReplyDelete
  8. Nói thêm về Rand. Tuy là người Nga lưu vong nhưng Rand luôn tự nhận mình là sản phẩm của truyền thống duy lý châu Âu, và không ưa những gì thuộc về Nga (như tớ biết). Điều này khác với hầu hết những người Nga khác, vẫn bị ràng buộc sâu bởi truyền thống Nga. Như Nabokov chẳng hạn, tuy châu Âu hơn cả quý tộc châu Âu, viết văn bằng tiếng Anh, Pháp còn hơn người bản xứ, nhưng vẫn đề cao tính Nga (dịch Pushkin, viết tiểu thuyết bằng tiếng Nga, viết phê bình văn học Nga…). Rand thì khác hẳn. Nhưng việc Rand lựa chọn cách viết những tiểu thuyết dầy cộp để truyền đạt tư tưởng của mình thì hình như lại là sự kế thừa truyền thống của các nhà văn Nga thế kỷ 19, từ Tolstoy, Tourgeniev cho tới Dostoevsky đều làm việc này.

    Lê so sánh Any Rand với Khổng tử có nhiều điểm chưa thỏa đáng. Không nói về khí chất quá khác nhau thì chỉ việc quan điểm cả hai cùng áp dụng thứ triết học thực tế, không quan tâm tới bản thể luận và mang chủ trương nhập thế để nói là họ giống nhau thì e là mới chỉ bề nổi. Thứ nhất Khổng tử luôn nhấn mạnh mình là người đi theo truyền thống, chỉ “thuật” chứ không “tác”, trái với Ayn Rand. Thứ hai, là nền tảng triết học của Khổng tử là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo đức học và mối quan hệ xã hội (có sự liên quan chặt chẽ giữa chữ nhân, chính danh và trung dung và bản thân chữ nhân cũng có sự uyển chuyển tùy tình huống). Triết học của Ayn Rand thì hoàn toàn xây dựng trên cơ sở triết học đạo đức. Việc Khổng tử kính trọng Lão tử hay chỉ có Lão phê bình Khổng chứ không có ngược lại (mà thực ra chuyện này chỉ chép trong Trang tử là sách của bọn Đạo gia) thực ra chỉ phản ánh được phương châm tu thân của Khổng tử (ba người đi đường cũng là thầy ta, đứa trẻ bảy tuổi làm thầy Khổng tử….) chứ không nói lên được là triết học của Lão cao hay sâu hơn Khổng.

    ReplyDelete
  9. À mà Hường có thể bật mí về cuốn sách sắp in của em không? Bao giờ in thế, tên sách là gì, nội dung về gì ;)).

    ReplyDelete
  10. Tôi đã hì hục để đọc bằng hết "The Fountainhead". Ngoài đó ra chỉ biết thông tin về Rand chứ chưa đủ dũng khí để đọc thêm quyển nào khác. Bản tiếng Việt có thể là một cơ hội mới. À, có lẽ từ "Chiến tranh và hòa bình" đến giờ mới thấy có một tiểu thuyết lớn được dịch tập thể nhỉ. Thông tin thêm: bản dịch "Chiến tranh và hòa bình" của Nguyễn Hiến Lê vừa được NXB Văn Học in lại, hai quyển rất to và đẹp. Bác nào cần đề tài cho một luận văn hoặc tiểu luận có thể dựa vào nhận xét trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê chê cách làm của nhóm bốn người dịch miền Bắc quyển kia là không khoa học.

    ReplyDelete
  11. em sẽ đợi mua cuốn sách này :)
    có lẽ ở VN càng ngày càng phải có nhiều sách như thế này hơn nữa, người đọc (including me) có nhiều lựa chọn hơn và sẽ có cơ hội được tiếp xúc và học cách tạo lập chính kiến cho mình hơn, chứ cứ "cho" sách gì đọc sách nấy, thành "ếch ngồi đáy giếng" lúc nào ko hay :)

    ReplyDelete
  12. Công nhận cụ Nguyễn Hiến Lê có khả năng làm việc kinh. Dịch sách từ tiếng Anh, Pháp, Tàu mà tiếng Anh và Tàu hình như đều tự học với một khối lượng sách đồ sộ. Lại còn viết sách, khảo cứu rất cẩn thận chi tiết. Mặc dù đọc văn dịch của cụ không quen lắm do hơi cổ nhưng phải nói là rất phục sự cần cù cho công việc nghiên cứu và phổ biến văn hóa của cụ.

    ReplyDelete
  13. À đấy là có thể bác còn chưa biết một số giai thoại về Nguyễn Hiến Lê. Hôm nào rảnh em kể cho.

    ReplyDelete
  14. Hehe, kể đi chứ, nghe thế tò mò quá.

    ReplyDelete
  15. Sẽ mua sách. Cám ơn Linh nhé. Vì việc đã góp một tay vào việc chia sẻ kiến thức. Hihi.
    Chúc mừng những cuốn sách sắp (và sẽ) xuất bản.

    ReplyDelete
  16. Nhị Linh: Tớ không biết Chiến tranh và Hoà Bình dịch lúc nào; nhưng tớ quyết định tổ chức dịch tập thể là theo gương Những Nguời Khốn Khổ. Cuốn này Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn và Đỗ Đức Hiểu dịch. Dĩ nhiên là nói thế hơi buồn cười vì các cụ kia khác, anh chị em mình bây giờ khác. Nhưng mà cố gắng thì vẫn có thể bon chen phần nào với các cụ. Hihi, không phải là tranh công với anh Linh và các bạn nhưng mà hiệu đính một bản dịch tập thể hơi bị mệt :) Bốn tháng liền làm việc full-time, check từng câu.

    Tớ cũng chỉ định làm mỗi cuốn TF này thôi. Atlas Shrugged tớ không thích. Tuy themes nó to và rộng và là cuốn được coi là tụ tập hết các quan điểm của Rand, lúc đã chín; nhưng về mặt văn chương (tức là structure, plot, voice, characters, etc) thì tớ thấy thủng lỗ chỗ. Chưa kể nó quá dày và sẽ có các vấn đề khác.

    Đọc Rand mà đọc theo kiểu bị ép cung thì rất khó. Nhìn chung, nếu đọc bất cứ tác giả/ tác phẩm nào mà theo kiểu bị ép cung đọc xem thế nào thì đều khó công bằng :) Cho nên cái mà em hy vọng là cuốn TF sẽ được PR theo cách truyền miệng, thay vì quảng bá rầm rộ là nó thế nọ thế kia.

    Anh Linh: Sách của em... nội dung thì em chẳng biết nói thế nào. Em vẫn trung thành với những quan điểm nhân sinh etc của em từ trước đến nay; em chỉ triển khai sâu và cụ thể hơn và giản dị hơn và không mắc vào những mớ bùng nhùng nữa. Cuốn này em có để ở trang bên trong một câu của truyện ngắn Phù Phiếm Truyện: "Những tiếng nói của một con người có thể một đời không bày tỏ hết". Tên sách thì cho đến hôm qua vẫn còn tranh luận với phía xuất bản. Em nghĩ nó là cuốn đầu tiên mà em thấy khá hài lòng khi đem in; và nó sẽ chắc chắn solid hơn Phù Phiếm Truyện nhiều. Khi nào việc in xong xuôi, em sẽ update thêm.

    ReplyDelete
  17. Khổng Tử tự tung tự tác lấy nhân làm gốc chứ trước đó có ai lập thuyết như vậy đâu. Sự khiêm nhường dẫn theo người xưa, đó là thuật đắc nhân tâm. Còn tới Rand thì lịch sử đã sang một trang khác, thuật đắc nhân tâm cũng phải thay đổi về hình thức.

    Lấy Nhân làm gốc chính là lấy đạo đức của cá nhân làm gốc. Do đó Nho học mới xuất phát từ tu thân. Từ Nhân mà phóng chiếu ra các mối quan hệ với xã hội, biểu hiện thông qua Lễ.

    Em không có nói Nho thấp hay cao hơn Lão. Chỉ nói rằng bản chất của Nho là chú trọng vào sự thực hành. Hành thấy được thì hành tiếp. Cứ thế thôi chứ không câu nệ ở sự chặt chẽ của nền tảng bản thể học. Đây cũng là bản chất lý thuyết của Rand.

    ReplyDelete
  18. Hehe! Các giáo sư đại học làm sao mà dám công nhận bà Rand. Vì nếu thế thì hoá ra khuyên sinh viên bỏ học hết à. Vì bà Rand cho trường đại học là chốn đào tạo ra những cỗ máy làm việc thiếu đi cá tính độc lập và sự sáng tạo, là chốn nhồi sọ cho lũ vẹt. Các ngài giáo sư có thích bà ấy thì cũng chỉ giữ trong lòng thôi. HeHe!

    Tuy tư tưởng của bà ấy hơi cực đoan nhưng mà tớ thích. Phải có những người như Roark thì thế giới mới tiến lên được! ... or bị huỷ dịêt cũng nên. KeKe!

    ReplyDelete
  19. Giai thoại là như thế này: Nguyễn Hiến Lê mỗi lần đọc được bài báo gì đó của Tây thấy hay lại cắt ra nhét vào một cái thùng/bồ/hộp. Đến vài năm gì đó được một đống to tướng thì bác bỏ vài tuần khai thác đống đó, và sau vài tuần đó thì có một quyển sách mới.

    ReplyDelete
  20. bạn ơi cho mình hỏi, ở Việt Nam có chỗ nào bán truyện này bằng tiếng Anh không nhỉ? Nếu có bạn chỉ giúp mình với.

    ReplyDelete
  21. Bạn ơi, có E-book tiếng Anh cuốn Fountainhead ko, share cho mình với.

    ReplyDelete
  22. :) em google vu vơ lại vào được đây, chào anh Linh và chị Hương (tại sao avatar của chị Hương lại giống người được phỏng vấn trong báo Sinh viên - Phan Việt vậy?). Em vừa đọc xong cuốn này chiều nay. Điều đầu tiên là việc cuốn sách dày 1200 trang sẽ gạn lọc rất nhiều những người không đủ kiên nhẫn để thưởng thức sách, nhưng hẳn những ai đã đọc sẽ bị cuốn đi không thể dừng. Theo em, người ta sẽ không tò mò về cốt truyện mà tò mò về cái tôi thực sự phía sau mỗi con người được Ayn Rand khám phá, dẫn dắt độc giả. Em đã thua trong tất cả các câu hỏi đoán trước tình huống rồi cuối cùng phải khuất phục tác giả, trừ việc cuối cùng khi người ta kết án Roark vô tội. Mỗi nhân vật không chỉ là đặc trưng cho những tính cách khác nhau nữa, họ đặc trưng cho 1 quan điểm, 1 lý thuyết sống của tác giả, để bà tổng hợp lại và đưa ra chính kiến cuối cùng của mình. Chính vì thế, đôi lúc thấy nó khiên cưỡng, tượng như cuộc sống đang được Ayn Rand bày đặt sắp xếp trên bàn cờ. Có lẽ em thấy thú vị nhất với Peter Keating và Gail Wynand chứ không phải Roark hay Dominique, họ "đời" và "người" hơn, và cái cách đến tận cùng họ vẫn không thể hoàn thiện gần gũi với thế giới này nhất.

    :) vài dòng comment không suy nghĩ thấu đáo, góp vui với topic. Cảm ơn nhóm dịch và chị Phan Việt đã cho mọi người một tác phẩm "cẩn thận" và thể hiện sự nỗ lực tuyệt vời.

    ReplyDelete
  23. Các comment tranh luận trong entry ni đọc thích quá!

    ReplyDelete
  24. Hôm nay vô tình đọc comt của mọi người mới biết anh Linh dịch The Fountainhead. Vũ Hoàng Linh?:)

    ReplyDelete
  25. Ôi anh chị profound quá, đọc hết những tác phẩm này rồi. Em bây h mới ngó + bắt đầu đọc The fountainhead, có lẽ đọc bản tiếng Việt trước rồi đọc bản Eng sau, không thì không hiểu đc hết mất:P. Btw, em search The fountainhead lại ra blog chị, nên để lại cm thôi ạ :P

    ReplyDelete
  26. Mình vô tình đọc cái blog này, và muốn comment. Vì một tý ganh tỵ là sao blog mình lại không có nhiều lượt đọc, còn cái blog này nhiều thế, ví dụ.
    Hoặc là bị thôi thúc bởi cái thắc mắc tại sao cái blog này lại có liên quan gì đến việc dịch Ayn Rand, hay là liên quan gì đến văn học, chứ đừng nói đến Ayn Rand, một người chăm chú đào sâu vào suy nghĩ của con người.
    Bạn toàn viết về thời sự, về chính trị, về Bộ với cả vụ án này nọ. Không hiểu tại sao, nhưng làm cho mình cảm giác về một cái máy phân tích lạnh lùng, một sản phẩm như kiểu kháng thể sinh ra khi virus tệ nạn thời đại sinh ra, có thằng làm quấy thì có thằng ngồi chửi. Lạnh lùng như một quy luật.
    Thú thực, mình không thấy sự liên quan gì giữa những cái này với những suy nghĩ của con người, rất con người mà Ayn Rand viết.
    Chỉ tự dưng muốn nói thôi, về cái sự không liên quan ấy, chứ không có ý định chỉ trích hay bôi bác gì bạn cả. Có biết nhau là ai đâu.
    Không cần trả lời đâu, vì mình lạc vào đây thôi.
    Nhắc lại: là mình chỉ nói về sự không liên quan thôi nhé.

    ReplyDelete