Sunday, September 9, 2007

Entry for September 09, 2007

Bài của Hoàng Hưng trên talawas.

Hoàng Hưng

Áo nào cho Tuổi Trẻ, áo nào cho báo chí Việt Nam?

Cả tuần nay dư luận Việt Nam xôn xao vì cái tin hai phó tổng biên tập phụ trách nội dung của báo Tuổi Trẻ bị thay thế. Lý do thực của việc này được đoán cũng có khác nhau. Phần lớn cho đó vẫn là “bổn cũ” xài lại sau vụ thay hai đời tổng biên tập Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi - biện pháp tiện lợi nhất để uốn nắn tờ báo có nhiều gai này (tuy rằng thực tế số gai của nó đã bị tỉa và mài bớt nhiều trong mấy năm gần đây). Và đó chỉ là tiếp tục thực thi chủ trương kiểm soát chặt chẽ trở lại ngôn luận để đối trọng với việc mở rộng hơn nữa về kinh tế và giao lưu quốc tế, như đã thấy qua không ít vụ việc từ sau cuộc thử nghiệm lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Đại hội X bị coi là “một trò chơi dân chủ” không an toàn. Ngay chính ông TBT Lê Hoàng của Tuổi Trẻ cũng nêu thẳng băn khoăn của dư luận về khả năng làm giảm “tính chiến đấu” của tờ báo từ quyết định thay thế nhân sự [1] . Cũng có người cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ về tài chính, báo Tuổi Trẻ đã trở thành một tập đoàn kinh doanh có lợi nhuận cao khiến cơ quan chủ quản là Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh và có thể cả cấp trên của nó không thể bình tâm đứng ngó “xuống”.

Song điều đáng suy nghĩ nhất trong việc này lại chính là phản ứng của dư luận trước vụ thay người của một tờ báo - điều chưa xảy ra khi Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi (cũng của báo Tuổi Trẻ) phải ra đi, tuy những lúc đó bạn đọc cũng đã thể hiện “lòng xót thương đối với một tờ báo vốn có số phận gian truân với nhiều thử thách” (Huỳnh Sơn Phước, Phó TBT Tuổi Trẻ trả lời phỏng vấn, Vietnam Journalism 12/05/2005).

Vì sao như vậy? Vì hôm nay, báo Tuổi Trẻ đã trở thành tờ báo lớn nhất Việt Nam với số lượng 450.000 bản phát hành mỗi ngày. Nó được người dân mọi tầng lớp mọi địa phương chọn là tờ báo tương đối đáng tin cậy, nói tương đối trúng bụng dân trong hoàn cảnh báo chí bị kiểm soát. Nó không thể cam tâm chấp nhận thân phận một tờ “nội san” của Thành đoàn như lúc còn trứng nước (theo phát biểu của chính TBT Lê Hoàng trên Tuổi Trẻ ngày 22/8/2007) là vì bạn đọc của nó không chấp nhận điều đó.

Không chỉ Tuổi Trẻ, mà sự bứt ra khỏi khuôn khổ một tờ báo ngành để trở thành tờ báo chuyên nghiệp của toàn xã hội, cùng lúc bứt khỏi vòng kim cô bao cấp tư tưởng, đã khởi động từ khi Đổi mới, mà Tuổi Trẻ mở đầu, tiếp đến Lao Động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thanh Niên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… Và đối phó với sự “phá rào” này, món võ “thay thế nhân sự” đã luôn luôn được sử dụng, có trường hợp hoàn toàn hiệu quả như với báo Lao ĐộngLao Động Chủ Nhật với TBT Tống Văn Công và TKTS Chánh Trinh, đến nay nó được nhiều người gọi đùa là tờ “Nhân Dân có màu” và bạn đọc đã thực sự quay lưng với nó), hay báo Văn Nghệ (sau thời Nguyên Ngọc)… Tuy nhiên sự “phá rào” của báo chí Việt Nam đã trở thành phổ biến đến mức ngày nay trên thực tế các nhà quản lý phải nhắm mắt làm ngơ trước việc đa số tờ báo chỉ còn mang cái nhãn hiệu cơ quan chủ quản như một thứ “da hàng thịt” để chở cái “hồn Trương Ba” (nhiều báo muốn bán được thì phải cố tình in cái tên cơ quan chủ quản bé xíu cho có lệ).

Và hôm nay, phản ứng sôi nổi trước việc thay thế nhân sự báo Tuổi Trẻ cho thấy nhận thức của xã hội đối với vai trò trọng đại của báo chí trong sự nghiệp đưa đất nước tiến lên “giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” đã có sự thay đổi căn bản. Điều đáng ghi nhận là ngay người đảng viên cộng sản cao cấp, Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng đã công khai phát biểu: “Một tờ báo lớn nhất của cả nước không còn mặc được cái áo của Thành đoàn trước đây, Tuổi Trẻ không chỉ viết về đối tượng tuổi trẻ, thanh niên, mà là tất cả đối tượng khác; không chỉ xã hội, đời sống mà là những vấn đề chính trị nữa. Nó vượt quá tầm của địa phương rồi.” (Tuổi Trẻ 22/8/2007).

Ý kiến trên của ông Kiệt chỉ là cụ thể hoá những vấn đề khá căn bản của báo chí Việt Nam mà ông đã vạch ra trên báo Tuổi Trẻ nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam. [2] Cùng với cung cách “chỉ đạo thông tin”, “cái áo” cơ quan chủ quản trói buộc báo chí trong tầm kiểm soát nhỏ hẹp manh mún đã đến lúc thể hiện rất rõ sự bất lực và cản trở không thể chấp nhận, chẳng khác những chiếc barrier ngăn sông cấm chợ đêm trước Đổi mới. Thay nó bằng “cái áo” nào đây quả là việc không đơn giản trong toàn bộ thể chế quá nhiều bất cập, khi ba quyền cơ bản lập pháp, hành pháp, tư pháp còn chưa phân lập, nói chi đến báo chí là “đệ tứ quyền”? Tuy nhiên như người ta nói, lịch sử chỉ đặt ra câu hỏi khi nó có khả năng trả lời. Nếu người quản lý có được nhận thức ngang với quần chúng hôm nay về tầm quan trọng của thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đối với sự nghiệp xây dựng đất nước thì sẽ có câu trả lời thoả đáng. Trong khi chờ đợi thì mọi kế sách đối phó luẩn quẩn chỉ làm rối thêm chuyện, không đáng, vì bất quá cũng chỉ có thể làm chậm một thời gian sự phát triển theo đúng quy luật của sự sống (dẫu thế, xin đừng quên rằng một thời gian ngắn cũng đủ làm khoảng cách tụt hậu của đất nước so với thiên hạ dài ra thêm rất nhiều). Và sẽ đế
n một ngày người ta ôn lại với sự “tiếc rẻ”: “Giá như ngày ấy ta đừng chần chờ đổi mới căn bản cả tư duy về báo chí truyền thông…”

© 2007 talawas

(sau một thời kỳ huy hoàng của


[1]Đề cập đến vấn đề dư luận đang bàn tán về tổ chức nhân sự của Tuổi Trẻ, tổng biên tập Lê Hoàng nói: “BBC đã đưa tin, các blog đưa nhiều ý kiến. Họ nêu: đây có phải là việc làm giảm đi tính chiến đấu của tờ báo?”. Ông Lê Hoàng cho rằng báo Tuổi Trẻ đến nay tiếp tục khẳng định tính dấn thân của tờ báo. Nếu báo Đoàn mất đi tính dấn thân thì không còn tham gia sự phát triển, đấu tranh góp phần phản biện cho các vấn đề dân chủ, minh bạch, công khai. Và tính dấn thân đó cũng chính là chất đoàn. (Tuổi Trẻ 22/8/2007)
[2]“Sự phát triển đó của báo chí cũng đang làm xuất hiện không ít điểm bất cập trong mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan chủ quản. Rất nhiều cơ quan chủ quản vốn dĩ là một tổ chức hành chính nhà nước. Nhiều cơ quan chủ quản khác là đoàn thể chính trị nhưng lại đang có khuynh hướng hành chính hóa những hoạt động của mình.
Trong khi báo chí càng ngày càng năng nổ, bám sát đời sống để cố gắng nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân thì có không ít cơ quan chủ quản, bởi khuynh hướng hành chính hóa đó, đang xa cách dần với quần chúng và trở thành “chiếc áo chật chội” cho những “cơ thể” đã trưởng thành.
Chúng ta có hàng chục nghìn nhà báo đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước, am hiểu thực tế và có thể nắm bắt kịp thời mọi diễn biến xã hội. Nếu chỉ sử dụng báo chí nói một chiều theo ý mình sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo đông đảo đó.
Báo chí “một chiều” chỉ có thể trở thành những công cụ dễ dàng làm vừa lòng mình nhưng không thật sự giúp được gì cho mình. Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, báo chí càng cần phải trở thành một kênh thông tin từ nhân dân, một công cụ giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân; vừa phát hiện và vừa đóng vai trò phản biện.
Nếu báo chí thụ động, các nhà báo cứ quen chờ đợi sự chỉ đạo, chúng ta sẽ thường xuyên bị động trên mặt trận thông tin.”


4 comments:

  1. Ngay cả bài của Cựu Thủ tướng Kiệt trong ngày Nhà báo VN vừa rồi cũng chỉ rất rất ít báo khác dám trích dẫn lại. Từ trước tới nay, bài toán của nhiều tờ báo trong miền Nam vẫn khó tìm lời giải đều nằm ở chỗ, họ không thể thoát khỏi sự kiểm soát của cơ quan chủ quản, trong khi việc này đối với các tờ báo miền Bắc lại không phải là "ưu tiên hàng đầu". Phải chăng báo MB "hiền", "nghe lời" hơn? :P

    ReplyDelete
  2. :) Hôm trước trao giải báo chí quốc gia thấy bác Huỳnh Sơn Phước lên VTV1 vẫn chức danh Phó TBT hoành tráng TT, tưởng vụ này êm rồi?
    anw, em nghĩ mọi cái vẫn chỉ là lời đồn đại chưa chắc chắn điều gì cả. Ví như em vẫn nghe đồn rằng bác Lê Hoàng chủ mấy cái nhà hàng Karaoke Nice gì đó ở TP, làm ăn dữ lắm nên TT viết gì cũng phải nới tay kẻo bị dập...
    hôm trước em có tóm được cái này trong blog của Việt Đông báo ANTG, về nghi án này, em quẳng vào đây cho "rộng đường dư luận" này (CBN, ghét nhất cụm từ "rộng đường dư luận" đang bị PV đi phỏng vấn lạm dụng" tràn trề"
    Ending leaders replacing chaos in Tuoi Tre newspaper!

    Kết thúc nghi án thay 2 phó tổng biên tập Tuổi Trẻ!

    Bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí:
    Phải hoạt động báo chí ít nhất ba năm

    TT (Hà Nội) - Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí phải đảm bảo các tiêu chuẩn: tốt nghiệp đại học; đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và chương trình quản lý nhà nước về báo chí; có trình độ lý luận chính trị cao cấp; có thời gian hoạt động trong lĩnh vực báo chí ít nhất ba năm.

    Người được bổ nhiệm cũng phải có đạo đức nghề nghiệp, có năng lực quản lý và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, được tín nhiệm của cán bộ, phóng viên, đảng viên trong cơ quan báo chí.

    Đó là nội dung qui chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí vừa được Ban bí thư ban hành và đã có hiệu lực kể từ ngày ký (21-8). Đối tượng điều chỉnh bao gồm tổng biên tập, phó tổng biên tập, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc cơ quan báo chí là đảng viên.

    Trong qui trình bổ nhiệm cán bộ, cơ quan chỉ đạo và cơ quan quản lý báo chí sẽ tham gia giám sát, thẩm định. Cơ quan chủ quản báo chí trước khi ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí theo thẩm quyền phải trao đổi ý kiến bằng văn bản với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về báo chí. Trong thời hạn 30 ngày, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí phải trả lời bằng văn bản đối với cơ quan chủ quản.

    Cũng theo qui chế này, cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí bị miễn nhiệm chức vụ khi báo chí hoặc cá nhân cán bộ lãnh đạo bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận xử lý một trong hai hình thức: cơ quan báo chí bị cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý kiến nghị cơ quan chủ quản kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; cán bộ lãnh đạo bị tổ chức Đảng thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách lần thứ hai trong thời gian một năm của thời hạn giữ chức vụ hoặc bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí có sai phạm chưa đến mức phải kỷ luật cách chức nhưng không đủ uy tín, điều kiện giữ chức vụ cũng sẽ bị miễn nhiệm.


    Có thể các bác ấy mơí chỉ bị black mail thôi. Chưa gì gì đâu!

    ReplyDelete
  3. Ông Kiệt về hưu rồi nói mạnh mồm thật. Khi không còn phải băn khoăn với nồi cơm, chiếc ghế của mình, hình như ai cũng tràn đầy dũng khí. Dưới thời ông Kiệt cũng có vài vị tổng biên tập Tuổi trẻ bay chức.

    Điều khá thú vị là báo chí thực sự là doanh nghiệp, tất nhiên phải nấp bóng một cơ quan chủ quản của nhà nước để hoạt động. Vấn đề đặt ra là khi báo chí mạnh lên, lợi nhuận thu được to dần thì các bên lại sinh ra lắm chuyện.

    Kể từ thời thuộc Pháp rồi VNCH, có lẽ thời kỳ báo chí miền Nam ít được tự do nhất là giai đoạn sau 1975 cho đến giờ.

    Báo chí, truyền hình và phát thanh là những mảnh đất rất màu mỡ để mang lại lợi nhuận cho các cá nhân và góp phần vào sự phồn vinh của xã hội - các nước Đông Âu XHCN cũ sau 1990 là những ví dụ rất thuyết phục. Việt Nam hiện nay chưa có các đài truyền hình thương mại, các kênh phát thanh thương mại và báo chí tư nhân, nhà xuất bản tư nhân - một sự lãng phí rất lớn cho sự phát triển bắt nguồn từ thái độ và chính sách sợ sệt thông tin, lo ngại không kiểm soát được thông tin - vốn là những thái độ và chính sách rất đặc trưng XHCN ở VN, TQ và các nước cộng sản cũ. Những nguồn nội lực lồ lộ ra đó thì không chịu khai thác, chẳng lẽ cứ mãi trông chờ vào lúa, vào dầu thô, vào tôm cá, rừng gỗ?

    ReplyDelete
  4. Suy nghĩ cho cùng thì những người lãnh đạo cũng thừa thông minh để hiểu điều này. Có tài đấy, một vài người cũng thấy có tâm đấy, nhưng chắc chắn là trái tim không đủ lớn. Không biết bao giờ thì CNN mới được phát sóng ở vn.

    ReplyDelete