Monday, September 24, 2007

Entry for September 24, 2007


Bài này có một số ý đáng chú ý. Chuyện thứ nhất là việc ông Phan Đình Diệu gửi thư tới Thủ tướng Phan Văn Khải phản đối đề án 112 và không được hồi âm. Một nhà trí thức cỡ Phan Đình Diệu và từng là Phó Chủ tịch chương trình Công nghệ thông tin còn bị đối xử như thế. Nhưng mình cũng hơi băn khoăn tại sao vào thời điểm đó, ông Diệu không viết báo nêu lên một số điểm bất hợp lý của chương trình này. Cũng có thể báo sẽ không đăng nhưng đăng hay không thì cũng là những việc làm cần thiết. Không chỉ ông Diệu mà ông Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch Hội tin học cũng gửi thư và cũng không nhận được hồi âm. Việc không nhận được hồi âm này kể ra cũng dễ hiểu. Cái đề án 112 ấy là mối làm ăn béo bở của các vị trong Văn phòng Chính phủ vậy mà thư phản đối đề án này đều được gửi cho Thủ tướng, tức là phải qua tay của Văn phòng Chính phủ, thế thì liệu chúng có đến được tay người được gửi hay không?

Chuyện thứ hai là một chi tiết quan trọng mà ông Quốc khéo léo gài vào: “năm 1919, các nước thắng trận trong cuộc Thế chiến Một họp nhau ở Vec-xay của nước Pháp để bàn chuyện tương lai của thế giới. Tổng thống của Hoa Kỳ lúc đó mang đến hoà hội một chính sách trong đó hứa hẹn quan tâm đến lợi ích của các nước nhược tiểu. Nước ta lúc đó là thuộc địa của Pháp cũng nằm trong số các nước nhược tiểu. Do vậy một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh và trẻ tuổi là Nguyễn Tất Thành cùng viết một văn bản gửi Hoà hội Vec-xay đưa ra “những yêu sách của người An Nam” và được ký bằng cái tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”.”


Trong chính sử ở Việt Nam, việc Nguyễn Ái Quốc gửi thư tới hội nghĩ Vec-xay được quy về một người duy nhất là Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Nhưng thực ra Nguyễn Ái Quốc ban đầu là bút danh chung của một số người yêu nước Việt Nam nổi bật ở Paris thời đó, cụ thể là năm con rồng (Ngũ Long): Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền. Năm người này có liên kết chặt chẽ và ảnh hưởng tới lẫn nhau nhưng có những khuynh hướng chính trị không giống nhau. Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường có tư tưởng cách tân, đổi mới chính trị trong nước qua con đường hòa bình, dân chủ nghị viện- họ cũng là hai người nhiều tuổi nhất nhóm. Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền chịu ảnh hưởng của tư tưởng xã hội và cộng sản, nhưng về sau Nguyễn Thế Truyền thoái chí, bỏ tư tưởng cộng sản và cũng không hoạt động chính trị chống đối sau khi về nước (sau năm 1954, ông Truyền từng ra ứng cử Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa trong một liên danh đối lập dưới thời Ngô Đình Diệm). Tư tưởng của Nguyễn An Ninh thì rất phức tạp, ảnh hưởng từ Tagore, Gide, cho tới Marx, Nietzsche, Bakunin, Tôn Trung Sơn, Trosky... Sau này ông là gương mặt nổi bật nhất của phong trào phản kháng ở Nam kỳ trong suốt giai đoạn 1920-1940.

Bài này của ông Quốc có lẽ là bài đầu tiên trên báo chí trong nước của một sử gia “nội địa” công nhận cái tên Nguyễn Ái Quốc ký trong b
ức thư gửi các cường quốc ở hội nghị Vec-xay là chữ ký chung của nhóm Nguyễn Ái Quốc. Sau này, khi Nguyễn Tất Thành đứng ra làm chủ báo Le Paria, ông mới dùng luôn bút danh chung này khi viết bài và dần dần bút danh đó trở thành tên gọi riêng của ông.

4 comments:

  1. Người đầu tiên khẳng định bút danh "Nguyễn Ái Quốc" là của chung, là sử gia Daniel Hémery, trong “Ho Chi Minh, de l’Indochine au Vietnam.” Trong danh sách của Hémery thì không có Nguyễn An Ninh.

    ReplyDelete
  2. :)) bác Dương hay như thế này, mà lại hay bị các bác (cả lớn tuổi lẫn nhỏ tuổi) chê.

    ReplyDelete
  3. Tiện thể bác Linh đăng luôn cái kiến nghị đó lên cho đầy đủ chứ :D

    ReplyDelete
  4. Thanks bác Linh, trước giờ tớ vẫn tưởng kiến nghị về Vietnam tại hội nghị Versaille chỉ là của mình Bác Hồ, mà không biết công sức của những người khác và nguồn gốc của bút danh "Nguyen Ai Quoc". Mà tại sao hình như cũng ko có sách nào trong nước đính chính lại thông tin này nhỉ!

    ReplyDelete