Wednesday, September 26, 2007

Entry for September 26, 2007

Sáng mở web đọc tin về vụ sập cầu Cần Thơ, thấy buồn thế.

Ở nước mình năm nào cũng xảy ra thiên tai, mỗi năm, thường cũng vào mùa này, đọc báo là lại thấy tin nơi này xảy ra bão, nơi kia lũ lụt, hàng trăm người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị phá hỏng. Những thiên tai lũ lụt đó mảnh đất nghèo có tấm thân mỏng mảnh vắt mình ra biển Đông cứ hàng năm lại phải gánh, một cách cam chịu và chấp nhận. Đến bản thân mình, mỗi lần đọc cũng chỉ biết chặc lưỡi, buồn và hơi xót xa, nhưng cũng chẳng làm gì nhiều hơn thế.

Năm nay có vẻ thời tiết thuận lợi nên chưa thấy sự tàn phá dữ dội của các cơn bão. Nhưng lần này lại là một thảm họa khác, và buồn thay, thảm họa này là do con người. Trên các tờ báo, người ta gọi đó là một tai nạn. Đúng là tai nạn, nhưng với con số tới nay là 52 người chết và gần 200 người bị thương, thì cũng có thể gọi đó là một thảm họa. Thảm họa sập cầu này nằm trong số các thảm họa sập cầu lớn nhất của nhân loại.

Cách đây vài tháng, tại thành phố tôi đang ở cũng xảy ra vụ sập cây cầu dẫn tới sáu người chết. Vụ sập cầu đó khiến cả nước Mỹ chấn động và người ta lên kế hoạch kiểm tra lại tất cả các cây cầu đang hoạt động có cấu trúc tương tự. Tất cả các biện pháp đó được thực hiện nhằm tránh những bi kịch như thế có thể xảy ra trong tương lai.

Còn trong vụ sập cầu Cần Thơ, nguyên nhân từ đâu? Tới giờ hẳn chưa thể biết chính xác nguyên nhân. Cây cầu này sử dụng vốn ODA của Nhật và do đó, gần như là nghiễm nhiên, các nhà thầu Nhật được quyền đứng ra xây dựng và làm nhà thầu chính. Đến lượt mình họ lại thuê lại các nhà thầu phụ Việt Nam. Theo thông tin từ blog của nhà báo Đức Hiển, thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP HCM thì tai họa xảy ra ở phần thi công của nhà thầu phụ Việt Nam. Xin trích lại đoạn này trên blog Đức Hiển:

“Gói thầu chính là cầu vượt qua sông Hậu dài 2.75 km là do phía Nhật Bản đang xây dựng thì đến nay vẫn ổn. Đường dẫn xuống cầu từ bờ Cần Thơ ra quốc lộ 1, dài 7,69km, do Trung Quốc đảm trách vẫn ổn

Còn gói thầu phụ, là đường dẫn lên cầu từ bờ Vĩnh Long dài 5.41km thì do Việt Nam thi công, chia thầu phụ cho các Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty 6, Tổng công ty 8, tất cả đều trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam. Phần thầu này phía Việt Nam vừa bắt tay vào thực hiện đã xảy ra sự cố nghiêm trọng. Đó là lý do mà danh sách những người bị thương và tử nạn vào sáng 26-9 toàn là người Việt Nam, không có một người nước ngoài nào cả.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân sập nhịp cầu dẫn này là do hệ thống dàn giáo yếu.

Tại sao dàn giáo yếu ? Câu trả lời dường như không quá khó! “


Được biết việc thi công cầu Cần Thơ là việc rất khó do địa hình phức tạp, sông rộng và nền đất lại yếu. Trước kia nghe nói chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng từng nghiên cứu việc xây cầu với sự trợ giúp kỹ thuật của Mỹ nhưng cuối cùng đã quyết định không xây (cũng có thể có nguyên nhân do lo ngại về chiến tranh đang diễn ra nữa).

Đến giờ thì chưa thể kết luận rõ ràng về trách nhiệm của ai (sẽ còn có chỗ cho các cuộc đổ lỗi, đấm ngực và xoa lưng trong vài tháng tới). Nhưng ở đây hẳn sẽ là trách nhiệm liên đới của các nhà thầu cả chính và phụ, đặc biệt là trách nhiệm trực tiếp của các nhà thầu phụ Việt Nam- do là phía trực tiếp thi công.

Ở đây còn một vấn đề nữa liên quan tới việc đấu thấu. Đó là khả năng các nhà thầu chính, thường là công ty lớn, sau khi thắng thầu bèn đem ngay công việc bán lại cho các nhà thầu phụ và không có những biện pháp đảm bảo chất lượng công trình cần thiết. Các nhà thầu phụ do không có hy vọng thắng thầu nên phải thầu lại của các nhà thầu chính với giá thấp (do lợi nhuận chính sẽ thuộc về các nhà thầu chính) và đổi lại sẽ phải tìm cách tiết kiệm vật tư, hay nói cách khác là bớt xén công trình. Đó cũng là lý do khiến nhiều công trình ở Việt Nam, khoảng cách từ thiết kế tới thi công, từ hồ sơ dự thầu tới hiện thực thi công là rất xa. Có lẽ cần tới lúc rà soát thật kỹ lượng tất cả những việc này từ quy trình đấu thầu, thắng thầu cho tới việc kiểm tra chất lượng thi công.

Mà thôi, những việc rà soát, tìm trách nhiệm đó rồi sẽ được làm trong các ngày tới. Giờ là lúc chúng ta hãy nghĩ tới số phận của những công nhân đang nằm trong nhà xác, bệnh viện hay dưới những tấm bê tông khổng lồ. Nhiều người trong số đó là những kẻ tha phương, từ miền Bắc, miền Trung xa gia đình, cha mẹ, vợ con để đổi lấy những món tiền còm và một cơ hội tới được những miền đất mới. Rồi đấy cầu Cần Thơ sẽ được dựng lên, sẽ trở thành cây cầu dài rộng nhất nước và niềm tự hào của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ mong máu của những người công nhân đó và nước mắt của những người thân họ sẽ không trở thành những hy sinh vô ích. Và trong tương lai sẽ không có những hy sinh vô ích, những đau xót từ sự ăn cắp, lãng phí và vô trách nhiệm của những người liên quan.


Muốn nghe lại bài “New York Mining Disaster” như là một sự tribute tới những người đã và đang nằm dưới chân cầu.

”I keep straining my ears to hear a sound.
Maybe someone is digging unde
rground,
or have they given up and all gone home to bed,
thinking those who once existed must be dead…

Have you seen my wife, Mr. Jones?
Do you know what it's like on the outside?
Don't go talking too loud, you'll cause a landslide, Mr. Jones.”

28 comments:

  1. Trước mắt, đề nghị bộ trưởng bộ GTVT từ chức.

    ReplyDelete
  2. Bộ trưởng từ chức thì có giải quyết được việc gì đâu? Thứ tiền mà người Nhật cho VN vay là thứ tiền cực tanh tưởi. Thông thường Nhật cho VN vay 100% thì coi như nhà thầu Nhật lấy lại luôn 100% số tiền này. Họ bỏ ra một chút "chi phí bôi trơn" rồi bán công trình lại cho nhà thầu VN khoảng 50-60%. Còn lại bao nhiêu nghiễm nhiên đút tút. Nhà thầu VN có thể bán lại cho các nhà thầu nhỏ hơn nữa. Giá trị công trình cuối cùng rút xuống có thể chỉ tới 40%. Tóm lại, cứ 50 đồng người VN vay từ Nhật thì phải trả 100 đồng + lãi. Chỉ có thời thực dân nước ta mới bị bóc lột thậm tệ thế này (hay là cũng chưa tới mức thế này ?!!)

    ReplyDelete
  3. Kinh tế Nhật trì trệ nên các bạn Nhật rất thích cho VN vay tiền. Thực chất đây là kiểu cho vay nặng lãi vừa béo bở vừa trơ tráo. Người Nhật cười sướng. Các quan VN như Nguyễn Việt Tiến cười sướng. Quần chúng VN được miếng cơm từ đồng tiền vay mượn cũng cười sướng, đâu biết là đang bị ăn tát vẹo cả hàm. Ăn tát xong còn trơ trơ nhe răng ra cười tiếp. Khi tai nạn thảm khốc xảy đến người ta đều biết thương cảm cho nạn nhân. Nhưng điều đáng sợ là với cơ chế kỳ quái hiện nay thì tai nạn nhiều khả năng còn tiếp tục.

    ReplyDelete
  4. Hầm Hải Vân, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, quốc lộ 10, quốc lộ 18, nâng cấp đường sắt Bắc Nam, cầu Cần Thơ, đại lộ Đông Tây, sắp tới là KCN cao Hòa Lạc, đường cao tốc Bắc Nam, đường xe lửa cao tốc Bắc Nam...còn bao công trình nữa Việt Nam sẽ bị ăn tát vẹo cả hàm từ Nhật Bản? Khi Úc cho vay xây cầu Mỹ Thuận, Việt Nam cũng bị ăn tát đó thôi.

    ReplyDelete
  5. Các con số của bạn Le đưa ra có sai số không? Bởi vì trên thực tế luôn tồn tại vấn đề này dù ở đâu, vấn đề chỉ ở chỗ nó là bao nhiêu? Dẫu sao các công trình trọng yếu thì vẫn có thể đo lường được bằng các tiêu chuẩn kinh tế-kỹ thuật và thường nhà thầu chỉ nhắm vào cái sai số của hệ số an toàn mà thôi. Cái khó là ở hệ thống kiểm định, phê duyệt và giám sát từ phía VN-con số % cũng là ở đây.

    ReplyDelete
  6. Chỉ các nhà thầu trực tiếp thi công mới tính đến ăn bớt kiểu cò con trên hệ số an toàn. Ở tầm cao hơn người ta ăn chia theo kiểu khác, trắng trợn và mạch lạc hơn nhiều, miếng nào ra miếng đấy :) Cứ xem cung cách làm ăn của đồng chí Mai Trung Hải (con bác Mai Văn Dâu) thì thấy ngay ví dụ.

    ReplyDelete
  7. Hom qua doc thay loi hoan toan o contractor Nhat Ban em rat ngay nhien vi Nhat ma da xay thi rat kho sap mot phat nhu the duoc, vay loi gio thuoc ve contractor Viet Nam?
    Ngoai chuyen phai di vay nang lai cua tu ban nha giau thi con giai phap nao de cac nuoc the gioi thu 3 nhu chung ta co tien ma xay dung co so ha tang day?

    ReplyDelete
  8. Nhieu thong tin qua em cha biet the nao, nhung nhan thay la xay nhung cong trinh to nhu the nay ma contractor VN van lieu mang qua nhi. Co ve la ho van du chuyen mon de thay van de nhung tinh than trach nhiem thap qua, hau qua that khung khiep :(
    Khong chi la buon ma tuc gian vo cung.


    ReplyDelete
  9. Giam sat phia Nhat ma khong bo mac de phia Viet Nam muon lam gi thi lam thi chac cung khong den noi, it nhat chi can mot tieng Khong, khong cho phep thi cong nhu vay thi da khac.

    ReplyDelete
  10. Đúng là kêu gọi Bộ trưởng từ chức cũng chẳng giải quyết được gì, nhất là chưa biết trách nhiệm thuộc về ai. Năm ngoái Bộ trưởng Bộ giao thông cũng vừa mời mất chức, năm nay ông khác lên thay lại xảy ra vụ này.
    Các vấn đề của vốn ODA, nhất là ODA song phương thì nhiều người cũng rõ. Nói chung nếu ODA đa phương (như của WB, ADB) thì việc đấu thầu sẽ khách quan hơn. Còn ODA song phương, nhất là ODA của Nhật thì luôn luôn là dành cho các nhà thầu của nước viện trợ. DO sức ép phải phát triển cơ sở hạ tầng hết mức nên Việt Nam hiện tận dụng tất cả các nguồn vốn vay này. Tuy nhiên sau sự cố này có lẽ cũng nên thận trọng hơn với các quy trình liên quan tới các gói thầu. Việc các gói thầu bị xé lẻ cũng là nguyên nhân dẫn tới chất lượng thi công không đảm bảo.
    Theo bài báo này: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2007/09/3B9FAA8B/
    thì nguyên nhân có thể là do di chuyển giàn giáo quá sớm sau khi đổ bêtông.

    ReplyDelete
  11. Người Việt thực ra không thiếu vốn để tự xây cơ sở hạ tầng, nếu như công trình đem lại lợi ích rõ ràng và ổn định. Các đại gia hiện nay vốn bề nổi (chứng khoán) đã lên tới vài trăm triệu USD. Nếu bây giờ chưa có thì chỉ vài năm nữa chắc sẽ có người có vốn cỡ bạc tỷ. Công trình như con đường nối từ đất liền vào đảo Tuần Châu cũng là do tư nhân xây đấy thôi. Các công trình cơ sở hạ tầng hoàn toàn có thể cho phép tư nhân tự bỏ tiền ra xây và cho phép tự khai thác trong một thời gian nhất định. Nhà nước chỉ phải lo giám sát chất lượng chặt chẽ. Các nền kinh tế cấp tỉnh ở VN hiện nay vẫn cho tư nhân đấu thầu đất như vậy trong khoảng 50 năm. Nhưng tất nhiên với các công trình hạ tầng lớn cấp quốc gia thì nhà nước sẽ không cho phép làm thế, vì như vậy thì kinh tế chả còn định hướng XHCN ở chỗ nào nữa rồi.

    ReplyDelete
  12. Theo thông tin cập nhật thì đoạn cầu bị đổ là gói thầu của các công ty Nhật nhưng thi công là hai công ty địa phương, hình như tư nhân.
    Trong vụ sập cầu này có thể thấy vai trò quan trọng của các blogger. Tin tức từ các blogger sớm sủa và trực quan hơn hẳn từ các báo chí chính thống. Nhiều blogger đồng thời là nhà báo cũng dành những bài bình luận không thể đưa lên mặt báo lên trang blog của mình.

    Đoạn này về nguyên nhân sập cầu từ blog CLB Nhà báo tự do. Theo đó thì nguyên nhân do phía Việt Nam thi công do chạy theo tiến độ và "tiết kiệm" chi phí nên đã không đảm bảo chất lượng thi công.

    http://blog.360.yahoo.com/blog-FuoEs40yd6RRny_PYSPvm1VnOVpUuw--?cq=1

    "Trụ T14 - T13 - T12 có độ cao từ 35 đến 40m, thường ở độ cao này người ta thi công bằng cốp pha lao như những nhịp ở giữa sông. Làm kiểu này chỉ cho phép đúc mỗi lần một khẩu 6m,sau đó chờ kết cấu bê tông khô, ổn định rồi mới làm khẩu tiếp theo.Cách này an toàn nhưng thời gian thi công lâu hơn và cốp pha đắt hơn.

    Công ty Vĩnh Thịnh thấy nhịp này tuy cao nhưng còn ở trên bờ nên đã sáng tạo ra cách thi công mới rẻ hơn và nhanh hơn là dùng giàn giáo dân dụng chống từ dưới mặt đất lên và đổ luôn một lần mấy chục mét. Theo một công nhân kỹ thuật làm cầu hơn 10 nãm nay thì cách này chỉ dùng được khi độ cao mặt cầu thấp và chống bằng dàn giáo chuyên dụng cho làm cầu vì khối lượng được ước tính lên tới 2000 tấn mà dùng dàn giáo dân dụng lắp ráp lên tới độ cao 40m nên càng yếu và mất ổn định. Bạn thử tưởng tượng phải chồng bao nhiêu bộ dàn giáo để có độ cao 40m, càng chồng cao càng nhiều khớp nối liệu có ổn định không, chưa kể càng cao nó càng yếu chẳng khác gì người ta lấy những cây tãm dài để đỡ tấm thớt nặng trên đó. Cũng theo anh này,một nguyên nhân nữa là tiến độ. Mới ngày hôm qua(24/9) đổ bê tông xong một đoạn, lẽ ra phải chờ đoạn đó ổn định kết cấu theo quy đinh kỹ thuật, nếu được như vậy đoạn này sẽ gánh bớt tải trọng của dàn giáo đến trên 30%. Nhưng sáng nay đã cho công nhân gỡ cốp pha và đổ tiếp. Khi bê tông chưa ổn định đã gỡ cốp pha và có nhiều tác động mạnh trên đó nên gây sập đúng vào đầu giờ làm việc."

    ReplyDelete
  13. Cách giải thích bác Linh vừa post lên nghe hợp lý nhất. Tôi không nghĩ là việc rút ruột công trình ảnh hưởng đến mức sập cầu Cần Thơ. Tôi nghe những người làm trong ngành xây dựng (cả cao cấp lẫn hạ cấp) nói bình thường tiêu chuẩn chất lượng xây dựng ở Việt Nam chặt hơn kha khá so với tiêu chuẩn thế giới chấp nhận. Lý do là kỹ thuật thế giới tiến nhanh, công ty Việt Nam sử dụng kỹ thuật tốt hơn nhưng vẫn phải theo tiêu chuẩn cũ, chứ không phải người đặt ra tiêu chuẩn cẩn thận gì. Vì thế tất cả các công trình đều rút ruột, mà phần lớn là không có vấn đề gì - chỉ những nơi tham quá mức mới dẫn đến hậu quả. Cũng vì thế mà những công trình (chắc chắn đã bị rút ruột) của PMU18 vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng khi các đoàn kiểm tra của Nhật, World Bank sang kiểm tra lại, và vụ BTD-NVT là một vụ chính trị nội bộ chứ không phải là chuyện sai trái về thi công như báo chí đã làm động trời. Đấy là suy luận của tôi.

    Có lẽ bác Lê cũng hơi nâng cao các con số khi nói về ODA, theo tôi hiểu thì không nhiều đến mức đấy. Hơn nữa, mặc dù lợi ích của các công trình này là một chuyện đáng bàn (VD: Đường Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất, sân bay siêu cấp Long Thành vv.), nhưng theo tôi nếu thực sự cần làm (như đối với cầu Cần Thơ) thì nó nằm ngoài khả năng tính toán của tư nhân hiện thời: ví dụ về Tuần Châu của bác chính là một ví dụ rõ ràng đầu tư tư nhân không có lợi nhuận như thế nào (nhiều ví dụ khác: Cà phê Trung Nguyên, VinPearl vv.). Có thể tư nhân vẫn huy động được vốn (dù là không phải từ Thị trường chứng khoán đâu), nhưng rủi ro quá lớn, vì phần "moral hazard" thuộc về Nhà nước.

    Riêng về cầu Cần Thơ, tôi nghĩ cho dù phải trả lãi 20% thì vẫn là một sự đầu tư có lợi ích xã hội lớn, nếu đi kèm với nó là việc mở rộng đường Sàigòn-Cần Thơ thành 6-8 làn xe. Hệ thống giao thông yếu kém ở miền Tây, cộng với việc thiếu cảng biển, là nguyên nhân kìm hãm phát triển (chuyển cơ cấu, công nghiệp hóa, đô thị hóa), kéo giãn khoảng cách giầu nghèo, gây sức ép di dân ra thành phố lớn, và cũng tạo ra hệ thống điều hành trì trệ ở đây.

    ReplyDelete
  14. Rủi ro tài chính của một dự án nhiều khi phụ thuộc hoàn toàn vào cung cách khai thác dự án ấy. Tuần Châu là một chiếc bánh tiềm năng ngon lành nhưng khách hàng chỉ mua nếu nó là một cái bánh hoàn chỉnh. Trong khi đó cá nhân nhà thầu chỉ đủ lực để chế tạo từng lát bánh nhỏ. Như thế thì không tránh khỏi thất bại. Tất nhiên là họ hi vọng các đối tác khác sẽ cùng vào để chung sức hoàn thành cả chiếc bánh lớn, nhưng điều này đã không xảy ra. Đây là một sai lầm trong tính toán chiến lược, không thể coi là rủi ro ngẫu nhiên được. Cà phê Trung Nguyên là một thất bại kiểu khác. Thất bại trong việc lựa chọn loại hàng hóa. Mỗi loại hàng hóa đòi hỏi những điều kiện nhất định để thành công. Khi Lioa chế tạo ổn áp thì họ thắng lớn, nhưng lúc chuyển sang mặt hàng khác thì thất bại. Tất cả đều là những sai lầm trong tính toán cụ thể. Người ngoài có thể gọi đó là rủi ro, vì họ không có đủ thông tin để đánh giá. Còn những người trong cuộc thì tự hiểu là mình đã screw up. Đơn giản vậy thôi.

    ReplyDelete
  15. Trời đất, để tìm ra nguyên nhân thì cần vào hiện trường nắm trong tay hồ sơ thi công. Chứ ngồi nghe nhạc hiệu đóan chương trình thì chỉ là võ đoán mà thôi. Giống như Thanh niên phỏng vấn chuyên gia, kêu là do trụ tạm, chuyên gia ơi thi công cầu Cần Thơ làm gì có trụ tạm. Vậy nên, ta k phải chuyên gia càng k nên đi sâu tìm hiểu cái này. Dăm ba ngày nữa khi công tác cứu hộ tạm ổn, chắc chắn mọi chuyện sẽ rõ.
    Còn chuyện bạn Le nói ta nên cho tư nhân đầu tư vào xây dựng cơ bản. Xin thưa là ta không cấm, nhưng những dự án có tính rủi ro cao và hoàn vốn lâu như vậy ,có bói trong cả đám đại gia cỡ bạc tỷ đô mà bạn nói ra cũng chả ai dám đầu tư vào. Với số tiền đó, các đại gia dại gì đầu tư vào đây, trong khi Việt Nam có bao nhiêu cơ hội thổi ra tiền trong lĩnh vực khác. Ngay cả ở Mỹ, Anh chuyện bán quyền thu phí, hay kêu gọi đầu tư đường sắt cao tốc... cũng trầy trật hàng chục năm nay. Và nhà nước đều bị thiệt hại rất lớn về tài chính.

    ReplyDelete
  16. Các công ty tư nhân xây đường sắt ngày xưa của Mỹ xây tới đâu được độc quyền khai thác 50% đất công tới đó. Tương tự như vậy, các công ty xây sân golf đâu phải để kinh doanh golf, họ xây để bán biệt thự cao cấp xung quanh đấy chứ. Nấu một bữa cơm đâu phải chỉ có cơm, còn có cá có thịt nữa mà! Mỗi hoàn cảnh, mỗi thời điểm, đều có cách để tính hợp lý của nó. Ông Trần Bình vì có tài chia thịt mà làm đến chức tể tướng đấy thôi :)

    ReplyDelete
  17. keke, đúng đấy, nhưng chắc ta chưa có ai tính được thế nên chưa thấy ai đủ can đảm đầu tư vào lĩnh vực này. hehe. Tớ vừa thấy mấy bài trên mạng viết về kinh nghiệm xây dựng và khai thác đường cao tốc và đường sắt ở Anh, Mỹ. Rất nhiều dự án mà chỉ có vài dự án thành công thôi. Tùy thời điểm bàn vấn đề mà. Doanh nghiệp của ta cũng khôn chán. Đâm đầu chỗ khó làm gì.Bao nhiêu đời mới có ông Trần Bình, chờ được vài ông Trần Bình biết chia thịt thì chả có đường để đi rùi, khich khich

    ReplyDelete
  18. Ban Linh cho minh xin mot doan cop ve blog minh nhe. Tks.

    ReplyDelete
  19. @ linh: các bài bình luận trên blog nếu hay đã đăng được báo rồi, tớ thấy chủ yếu mang tính cảm thán và võ đoán nhiều thôi, ít mang tính báo chí. Pviên các báo nóng tin quá, cũng phỏng vấn, đưa tin sai một ít rồi. Nhưng có rút k nghiệm PMU 18, lần này đều cẩn thận hơn. Chưa có nguồn tin từ phía công an nên chưa sốt sột lên. Cứ chờ đấy... Khi nào có nguồn tin đặc biệt chắc gay cấn hơn nhiều.

    ReplyDelete
  20. Bạn Nga là người trong ngành thì chắc là có nhiều thông tin chính xác hơn người bên ngoài rồi. Thế theo nhà báo Nga thì nguyên nhân là từ đâu?
    @chuyen: bạn cứ tự nhiên.
    @Lê: nói chung để tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng là khó. Cái này là do tính chất public good của cơ sở hạ tầng

    ReplyDelete
  21. Vâng, bác Lê nhận xét được "Đơn giản vậy thôi", vì có cái "benefit of hindsight". Trước khi làm, thì không có nhiều insight để nhìn xa trông rộng được đâu. Chỉ biết là screw up khi thấy kết quả không ra gì thôi.

    ReplyDelete
  22. @Linh: Khụ khụ, tớ không phải bác Đức hiển hay bác Huy Đức, nên tớ k có tham vọng tham gia vào những vụ như thế này trên blog., Nếu có, mách nhỏ cho ai đó thôi. Đùa chút, thấy mọi người commần dài quá tớ k chịu được nên lao vào. Linh thân mến ơi, tớ chuồn đây. Tớ chờ entry tình iu tình báo thì tớ m ới vào commần tiếp. Chát đê

    ReplyDelete
  23. Các bạn học kinh tế (hay lý thuyết gì cũng vậy) thì luôn tìm cách chỉ ra những quy luật chung của sự vật. Điều ấy chắc chắn là hữu ích. Tuy nhiên, nếu chỉ dán cho một số sự vật những cái nhãn hiệu "puplic good", "rủi ro cao", và coi như mình xong việc, mãn nguyện đứng bên ngoài chúng thì hóa ra tự mình tự trói buộc mình. Có khi chỉ cần thêm vào một vài thông tin nhỏ là đủ thay đổi giả thiết, và thấy sự vật hoàn toàn khác rồi.

    Về vụ việc cầu Cần Thơ thì tôi hi vọng báo chí chỉ ra được cơ chế đấu thầu và bán thầu bất hợp lý hiện nay. Tuy rằng chưa chắc nó đã liên quan tới nguyên nhân gây tai nạn. Nhưng trách nhiệm pháp lý của vụ việc được quy định qua các bản hợp đồng giữa các bên. Mà khi nhìn vào các bản hợp đồng này thì chắc chắn là lộ ra nhiều điều đáng bàn lắm.

    ReplyDelete
  24. Hic, tớ không sa đà vào tranh luận ở đây đâu. Đọc thấy tưng tức, thinh thích thì tớ nhảy ùm vào một cái rồi lại "mãn nguyện đứng bên ngoài chúng" vậy. Các bác không mãn nguyện ơi, bằng kiến thức và hiểu biết truyền miệng của mình ra tay đê, làm cho mọi việc tốt hơn đê. Thôi lần này thì tớ thề, tớ ra hẳn đây. bb

    ReplyDelete
  25. Nói tới chuyện đô thị, vừa rồi bác Võ Văn Kiệt có bài trên Tuổi Trẻ đề nghị xem xét lại đề án xây thành phố ở phía bên kia sông Hồng, hình như với số vốn là 16 tỷ USD. Nhưng với tình trạng giao thông đô thị ở Hà Nội như hiện nay thì xem ra việc mở rộng thành phố là điều không thể tránh khỏi. Nếu không mở rộng Hà Nội thì chỉ có cách đầu tư vào một thành phố hạng hai nào ở phía Bắc để nó thu hút bớt dân cư.

    ReplyDelete
  26. Bạn Nga thân mến không tranh luận trên blog thì tớ chờ đọc các bài phóng sự trên báo bạn đấy :P
    Lê: đúng là thủa Viễn Tây thì các công ty đường sắt đều là tư nhân và họ tự bỏ vốn đầu tư.Ở Việt Nam cũng có thể làm thế với những tuyến đường cấp tỉnh, huyện. Nhưng với các công trình trọng điểm quốc gia thì tư nhân khó đủ cả năng lực tài chính lẫn chuyên môn để đáp ứng. Tớ nghĩ vấn đề chủ yếu vẫn chỉ là quy chế đấu thầu và giám thầu thật chặt chẽ, tránh tình trạng vì là ODA của Nhật nên kệ thây chúng nó, muốn làm gì thì làm.

    ReplyDelete
  27. Theo bài này thì giá thầu cầu Cần Thơ quá thấp.Hơn nữa khi đấu thầu, theo luật mới thì hồ sơ đấu thầu chỉ cần làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật chứ chưa cần nêu giải pháp thi công?
    http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=97115&ChannelID=2

    "Theo quy định, nhà thầu chính có quyền chọn nhà thầu phụ. Nhưng cũng liên quan đến “bán thầu”, như ở cầu Thanh Trì, khoan cọc nhồi mấy chục mét nhưng “bán” thầu lung tung nên làm hỏng bao nhiêu cọc nhồi...

    Cầu Cần Thơ có một nhược điểm là đấu thầu giá quá thấp. Trong nhiều cuộc hội thảo về cầu đường, anh em người ta kêu giá đấu thầu ở cầu Cần Thơ thấp quá, một số nhà thầu phải chịu áp lực này nên thuê nhân công giá thấp để đỡ chi phí.

    Ngay như Trung Quốc từ những năm 90, người ta phát giá theo giá nhà nước, nếu thấp hơn mức giá nhà nước 10% thì sẽ bị loại ngay. Ở Việt Nam thì ngược lại, nhà thầu nào bỏ giá thấp sẽ trúng thầu. Lâu nay chúng tôi cũng đã có kiến nghị về vấn đề này nhưng chưa được."

    ReplyDelete
  28. Nói về cứu hộ, không biết mọi người có biết ở Việt Nam có những đơn vị cứu hộ chuyên nghiệp, có tổ chức không? Ở một đất nước thường xuyên gặp thiên tai và các loại tai nạn như ở Việt Nam thì cần phải thành lập những đơn vị cứu hộ chuyên nghiệp, có khả năng phản ứng nhanh làm nòng cốt trong các chiến dịch cứu hộ. Có thể đặt các đầu mối ở trung tâm ba miền đất nước và khi có vụ việc xảy ra sẽ dùng trực thăng hay các phương tiện khác để đưa họ tới nơi xảy ra tai nạn ngay lập tức.

    ReplyDelete