Wednesday, September 12, 2007

Entry for September 12, 2007

Bài này có vẻ thú vị. Chưa đọc nhưng cứ để link ở đây đã.

Trí thức trẻ nghĩ về trí thức

Bài báo này lẽ ra nên giới thiệu hai người đối thoại vì người đọc cũng cần biết tổng quan họ là ai. Đỗ Quốc Anh đang làm T.S. về Kinh tế ở Harvard, hình như cũng sắp tốt nghiệp, chắc sẽ là T.S. Kinh tế người Việt đầu tiên ở Harvard sau năm 1975 (còn có bác Vũ Minh Khương nhưng bác Khương làm Ph.D. ở trường Kennedy School of Government, chứ không hẳn là Economics). Vũ Thành Tự Anh tốt nghiệp T.S. Kinh tế ở Boston College, hiện đang làm Giám đốc nghiên cứu cho chương trình Fullbright ở Việt Nam.

Sau khi đọc xong: Bài mạn đàm này cũng không có gì đặc biệt, mang tính chất phiến đàm, và cũng loanh quanh về những cái gì người ta đã nói nhiều. Thử nhặt nhạnh xem hai tác giả có ý gì kín đáo trong đó không nhưng cũng không tìm thấy...Tất nhiên cũng hiểu đây chỉ là phiến đàm nhưng cuộc phiến đàm này không có chủ đề và câu hỏi rõ ràng cho lắm. Bây giờ thử đặt vấn đề xem tri thức trong xã hội Việt Nam hiện nay cần làm gì, nên làm gì. Hoặc thử trả lời nhận định của Phạm Thị Hoài hồi trước rằng tư tưởng của trí thức Việt Nam là phò chính thống có đúng không? Và nếu đúng thì có thể và có nên thay đổi hay không? Trong các tấm gương trí thức mà hai tác giả nêu ra hầu hết đều là các nhà kỹ trị và những người du học nước ngoài, trong khi thực ra nhiều trí thức có tiếng nói ảnh hưởng nhất và có tầm nhìn ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 lại không phải là các nhà kỹ trị hay được du học. Có thể kể tên Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Chu Trinh, Phan Khôi….


Một vấn đề nữa của trí thức là các phát biểu của trí thức với tư cách nhà trí thức và với tư cách nhà khoa học. Ví dụ nếu Noam Chomsky phát biểu về ngôn ngữ hay triết học thì đó là phát biểu với tư cách nhà khoa học, khi ông ta phát biểu về chiến tranh Iraq và sự thống trị ngành truyền thông ở Mỹ thì đó là phát biểu với tư cách một nhà trí thức công cộng (từ chữ public intellectual). Người đọc và người viết cần phân biệt rõ hai vấn đề này với nhau.

2. Đọc bình luận này của ông Trần Hữu Dũng buồn cười.

"OSS và Hồ Chí Minh..." (VNN 3-9-07) -- Ông Dương Trung Quốc khiêm tốn tiết lộ: "Năm 1997. Tôi lại may mắn".. "hai năm 1995 và 1997, tôi lại may mắn.." ... "Năm 1998. Tôi lại may mắn.." .. "Năm 2005. Tôi lại may mắn..." ... "Năm 2006. Tôi lại có may mắn..." Quả ông Quốc là một người nhiều may mắn. (Về phần nhà văn Võ Thị Hảo, bà bộc bạch: NXB Thế Giới đã cấp giấy phép xuất bản sau khi một số cơ quan chức năng và đích thân Tổng Biên tập NXB Thế Giới thẩm định về mặt chính trị cũng như chất lượng bản dịch” Vậy là độc giả Việt Nam an lòng! Người sống ở nước ngoài như tôi quả bất hạnh, phải đọc nguyên bản cuốn này mà không biết chỗ nào đúng, sai! )


Ông Quốc rõ là nhiều may mắn mới làm nghị sĩ được chứ nhỉ.


34 comments:

  1. cái link trong bài chính là link của blog bác

    ReplyDelete
  2. cam ơn anh Linh đã giới thiệu cuộc trò chuyện hấp dẫn này! :-)

    ReplyDelete
  3. http://www.sgtt.com.vn/web/tintuc/default.aspx?cat_id=518&news_id=2916
    Bác Linh post nhầm thôi, link có ở phần đuôi của link trên entry đó.

    ReplyDelete
  4. Hé hé, bác ấy sửa nhanh thế không biết. Sorry.

    ReplyDelete
  5. Đọc bài trong link này thấy ý đồ quá, chắc bị biên tập, cắt xén, thêm bớt cả rồi. Không biết hai nhân vật đối thoại này có blog và đưa lên bản raw, unsensored không nhỉ?

    ReplyDelete
  6. Trí thức trong thời đại này nên tích cực rèn luyện để thành người có ... nghề nghiệp tử tế! :)

    Ai có thiên hướng chính trị thì nên rèn luyện để thành nhà chính trị giỏi. Có thiên hướng kinh doanh thì nên rèn luyện để thành nhà kinh doanh giỏi. Có thiên hướng khoa học thì nên rèn luyện chuyên tâm thành nhà khoa học giổi.

    Ai chỉ quen ăn tục nói phét thì cũng nên chăm chỉ tích cóp văn hóa để bớt nói những điều vô nghĩa, trở thành những nhà nói phét ra trò!

    Còn lại là đám nghệ sĩ, mà đa số không phải thiên tài. Những người này nếu gặp được các chuyên gia tâm lý giỏi thì sau vài ngày có thể chữa lành các vết thương tâm lý kinh niên. Nhưng tất nhiên là họ không muốn thế, vì không có những vết thương tâm lý này thì họ sẽ không còn động cơ để sáng tác. Tức là sẽ phải đi tìm nghề nghiệp khác tử tế hơn, nếu không muốn biến thành thất nghiệp!

    ReplyDelete
  7. Đồng ý với anh Linh và bạn Lê. Mình đọc cuộc luận bàn cũng không thấy có gì mới mẻ. Giống như một cuộc tung hứng được làm duyên làm dáng cẩn thận nhưng chẳng có mấy chiều sâu.Chắc cuộc mạn đàm đầu tiên phải tiết chế, chỉ nói khơi khơi mỗi thứ một tí để thăm dò dư luận chăng ? Hay đó là phong cách của người trí thức, nói ít nhưng người đọc phải tự suy ra nhiều ? :p

    ReplyDelete
  8. Quốc Anh là người giỏi đấy. Bác Tự Anh thì chưa được gặp nên chưa biết. Còn Quốc Anh thì qua đôi lần gặp ngắn ngủi ở Boston thì thấy bác ấy cao thâm khó dò. Người như bác này vào thời thịnh trị có thể làm quân tử phò chính thống tốt, mà nếu gặp thời loạn bác ấy cũng có thể chuyển thành quân tử 'lải nhải' được! Ngay như trong cuộc nói chuyện vừa rồi thì bác ý ngắt nhịp, điều phối, và chốt những ý quan trọng. Chẳng hạn như 'cải cách chỉ nên định ra các quy tắc chứ không đưa ra mục tiêu cứng nhắc'. Tức là đề cao tới thể chế pháp trị. Cần liên tục tích cực xây dựng luật pháp và các cơ cấu tiến bộ thay vì chạy theo những mục tiêu bề nổi vô nghĩa.

    ReplyDelete
  9. Quốc Anh giỏi thì ai cũng công nhận rồi, một trong các niềm hy vọng của trí thức trẻ Việt Nam mà, nằm trong một số ít ỏi tớ thấy vừa rộng vừa sâu. Nhưng bài mạn đàm này thì tớ thấy hơi lan man, không chốt lại được cái gì cả.

    ReplyDelete
  10. Bạn Lê ơi, mình có bảo các bạn ấy không giỏi đâu. Có điều những cái các bạn ấy nói hầu như không có gì mới. Chỉ điểm lại lịch sử là chính. Còn bàn về tương lai thì mượn lời bác Vũ Minh Khương. Rồi chuyện huy động trí thức Việt kiều thì trong nước làm lâu rồi. Vietnamnet với Vinh danh nước Việt chẳng hạn. Chuyện làm giáo dục (mở trường ĐH xịn) thì đâu phải bây giờ mới nghĩ đến. Để thuyết phục hơn thì cần bàn những điều cụ thể và mới mẻ, như anh Linh nói ấy.
    Hay là hôm nào anh Linh với bạn Lê cũng làm một cuộc mạn đàm kiểu thế này đi cho vui trên blog :D. Bàn tiếp những cái mà hai bạn kia chưa đề cập đến hoặc chỉ nói sơ sơ ấy. Hơi bị hay đấy :)). Bọn mình sẽ ở ngoài vỗ tay vào ;).

    ReplyDelete
  11. Cái căn bản của trí thức chính là thông tin. Người trí thức là người dám nói sự thật về những thông tin - và do đó có thể động chạm đến chính quyền, nếu như chính quyền muốn bưng bít thông tin hoặc đưa thông tin kiểu mờ ám, sai lệch, vu khống ... để mị dân, để "định hướng" xã hội theo ý định của mình. Điều kiện cần của trí thức ở VN là phải nếm mùi sợ, phải cảm nhận được nỗi sợ hãi vô hình, còn vượt qua được nó hay không, hay phải đắn đo, lưỡng lự rồi bó tay ngưng viết ngưng nói câm lặng ... lại là chuyện khác.

    Ông Dương Trung Quốc thật thức thời. Mà hình như những kẻ thức thời thì thường vừa viết vừa nhìn sắc mặt quan trên. Thành ra nếu ông Quốc có thành nghị sĩ lần 3 hay lần 4 thì có gì là lạ, có gì là may mắn. Là nhà sử học mà không dám viết về những chuyện khuất tất của lịch sử VN, ngay thời cận đại thôi, chỉ gà què ăn quẩn cối xay ba cái chuyện vô thưởng vô phạt OSS với Hồ Chí Minh như thế - e rằng chỉ loè được một số quý bà sồn sồn.

    ReplyDelete
  12. Ồ, mình thấy bài mạn đàm này sâu sắc và mạch lạc rõ ràng đấy chứ! :)

    Này nhé, khởi đầu bằng định nghĩa về trí thức, tuy bề ngoài là khảo cứu tầm chương chích cú chi ly, nhưng thật ra rất thiết thực và căn bản. Thức không chỉ là thấy, mà là thấy xa. Trí không chỉ là biết, mà là biết sự thật, nói ra cái xuất phát từ sự chân thật.

    Vì trí thức xuất phát từ sự hiểu cái thật, nói cái thật, cho nên người trí thức trở thành tai mắt của nhân dân. Nghĩa là người trí thức phải có nhân cách. Điều này rất đúng đắn và hợp thời thế. Thời thế này đang có vấn đề nghiêm trọng về nhân cách con người. Nếu người ngay cả kẻ trí thức mà nhân cách còn nghèo thì không mong gì xã hội tiến bộ được. Nhân cách đương nhiên phải là trọng tâm số 1! Không có gì là bất thường khi cuộc đàm đạo đưa ra dẫn chứng liên tiếp về các tấm gương phẩm cách con người trí thức trong lịch sử.

    Nhân cách là điều kiện cần, chưa phải đủ. Người trí thức trong mọi thời đại phải luôn tích cực tự vấn, tự tích lũy kiến thức, tự rèn luyện ý chí. Và chính điều này cũng là hệ quả của nhân cách trí thức. Điều này được phản ánh qua ví dụ về các trí thức phục vụ cho chính quyền lâm thời. Cái gì biết thì bảo là biết, cái gì không biết thì bảo là không biết, thế mới là biết thật. Không vì cái lợi nhất thời trong chính trường mà tham quyền cố vị, thoái hóa đi phẩm cách con người trí thức.

    Người trí thức có phẩm cách như vậy nhưng vẫn không dễ mà đóng góp cho đời. Xã hội luôn ngả theo hiểu biết nông cạn của số đông. Vì vậy phải có thể chế chính trị phù hợp để cho phép người trí thức đóng góp hiểu biết "chân thật" và "thấy xa" của mình.

    Ngược lại, sự hiểu biết này của người trí thức không có giá trị tuyệt đối trong việc tiên đoán các kết quả mang tính ứng dụn cụ thể. Do đó cơ chế phải được xây dựng theo xu hướng tránh tình trạng trung ương tập quyền tuyệt đối; đảm bảo quá trình liên tục rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh.

    Những cải tổ nói trên là cần thiết khi mà tiến trình phát triển đất nước đang đứng trước các thách thức lớn. Những dẫn chứng lịch sử cho thấy các khó khăn có thể vượt qua như thế nào, khi mà người có nhân cách, có hiểu biết, được dùng vào đúng vị trí. Đó là quy luật bất biến mà người làm chính trị phải tôn trọng (dĩ bất biến ứng vạn biến).

    Việc tôn trọng trí thức, biết khai thác chất xám của trí thức không chỉ là khẩu hiệu bề nổi. Chúng chỉ phát huy tác dụng thực chất khi được áp dụng vào chính cơ chế làm việc hằng ngày. Đồng thời chỉ có thể mời gọi nguồn lực bên ngoài khi đã tỏ ra biết đãi ngộ xứng đáng nguồn lực trong nước.

    ReplyDelete
  13. Các bác cứ chê những kiến thức này cũ kỹ, không có gì mới, vậy thực ra các bác được đọc bài viết ở đâu tổng quan và hợp lý như vậy? Chỉ ra các mối liên quan tất yếu như vậy? Chỉ ra cái chính, cái phụ, cái trước, cái sau rõ ràng như vậy? Vả lại, nếu đặt mình vào vị trí người đàm đạo, liệu các bác có thể thêm được ý gì thiết thực và căn bản hay không?

    Chân lý thì lúc nào cũng đơn giản, nhưng không phải ai cũng nghĩ và nói được một cách mạch lạc. Chỉ có rất nhiều người "cảm thấy" rằng mình nghĩ được, nói được mà thôi!

    ReplyDelete
  14. Hai ban do' thi` gio?i hay kho^ng thi` kho^ng bie^'t, nhu*ng ba`i vie^'t o? da^u da^u, thie^'t nghi~ ve^` Viet Nam lo co*m a'o ga.o tie^`n xong, thi` muo^'n ba`n lua^.n gi` ve^` Tri' Thu'c thi` ti'nh sau

    ReplyDelete
  15. Quốc Anh là trí thức không trẻ lắm (vì 27 tuổi rồi mà vẫn cofn đi học) nhưng rất giỏi, tâm huyết và yêu nước. Hehe. Các bạn vào blog của QA, đang có series bài về cử nhân tài năng. Tranh thủ đọc truyện của QA phóng tác.

    ReplyDelete
  16. Bác Lê. Cái định nghĩa triết tự từ Hán tự đúng là mạch lạc rồi, nhưng đưa xong cái định nghĩa đó mà bên dưới chẳng dám nói hết để thể hiện cái thức, chẳng phải thể hiện 'cái ngụy trí thức' hay sao? Giả như đừng có phiến đàm mà chỉ đưa ra định nghĩa và phân tích về trí thức còn hơn. Còn cái phiến đàm này là phiến đàm có mục đích đăng báo, lại báo VN, ắt hẳn khi trao đổi, hoặc khi đưa lên mặt báo, sẽ không dám 'thức' hẳn, mà chỉ dám nửa thức nửa ngủ, nửa tỉnh nửa mê thôi. Em thì em vẫn cho rằng, và hy vọng khi phiến đàm miệng giữa hai người với nhau, họ nói được những gì đó khác hẳn trên cơ sở hiểu biết rộng của mình.

    ReplyDelete
  17. Đối tượng độc giả chủ yếu của bài báo nhắm tới có lẽ là giới trí thức. Bài báo nhắc nhở người trí thức phải có ý thức không ngừng tu dưỡng cả nhân cách lẫn kiến thức. Cả hai điều này là điều kiện tiên quyết biểu hiện cho một xã hội công bằng và tiến bộ. Ngoài kia có vô số bài báo có vẻ như nói thẳng, nói thật, chỉ ra vô số những sâu mọt tham nhũng trong xã hội. Lại cũng có không ít người đấu tranh hô khẩu hiệu cho dân chủ. Nhưng phơi bày ra tất cả những hiện tượng bề nổi ấy sẽ không làm cho xã hội tiến bộ vững chắc và thực chất. Chừng nào xã hội còn quá ít những người có nhân cách và tri thức thì sự công bằng và dân chủ chỉ là không tưởng. Ngay cả nền kinh tế cũng sẽ không khá lên nổi, vì làm ăn đã ít chất xám, lại còn thiếu đạo đức thì làm ăn nổi với ai?

    ReplyDelete
  18. Các bác chắc không phải lo cho cơm áo gạo tiền của lứa trí thức mới.

    Bài trao đổi giữa Đỗ Quốc Anh và Vũ Thành Tự Anh đặt ra một số vấn đề, trong đó có lẽ quan trọng nhất là quan niệm về trí thức của các trí thức mới, điều đó cả hai đều làm tốt, tròn phận sự rồi, còn nói làm gì? Tôi chỉ thấy cách quan niệm như thế có một phần conflict với quan niệm của cá nhân tôi: vì tôi thấy có một ít tính chất démagogique trong đó, và về cơ bản tôi không nghĩ là người trí thức đảm nhiệm được việc nghe và nói hộ cho những người khác. Tính chất đại diện đã được thiết chế nhà nước lo, cái cần thiết nhất của những người trí thức tốt hơn hết là chỉ nhân danh chính mình, có như vậy tư cách phản biện mới được toàn vẹn. Nhưng tôi rất hiểu là các nhà kinh tế trẻ tuổi Việt Nam không thể đứng ở vị trí nhà trí thức kiểu cô lập được. Họ sẽ là những người có tác động trực tiếp vào hệ thống. Sự cẩn trọng là cần thiết. Cá nhân mà nói thì tôi thấy nếu hệ thống nhất định cần được tác động vào thì rất là đáng mừng vì những người tác động đó là những người như ĐQA, VTTA và các nhà kinh tế trẻ mới xuất hiện. Chỉ một tương lai gần là họ sẽ trở thành nhóm quan trọng nhất của giai đoạn kỹ trị cần thiết, gạt bỏ những actor quá kém cỏi như là Nguyễn Quang A (%$^#*!^#*@).

    Bác Linh nói không đúng: nếu xét về việc nâng cao nền học vấn Việt Nam thì các trí thức Tây học (kể cả không sang Tây nhưng được giáo dục theo hệ thống thuộc địa) có vai trò lớn nhất. Nếu không có Nhất Linh và Phạm Quỳnh và những tờ báo của họ thì chắc chắn bây giờ các bác không có khả năng lĩnh hội được các kiến thức được dạy đâu. Chỉ có điều họ đều có kết thúc bi thảm, với dấu ấn quá lớn của chính trị - đó lại là một chuyện khác nữa.

    ReplyDelete
  19. Trên blog bác Dong A, bác ấy đang có ý kiến là hai bạn QA và TA chiết tự chữ "trí thức" sai.

    ReplyDelete
  20. Ồ, cảm ơn các anh chị bình luận về bài viết của tôi - có rất nhiều ý hay để tôi học hỏi trong thảo luận này. Tôi muốn đưa thêm 2 tiểu tiết. Thứ nhất, bản gốc được đặt tên là "Trí thức và thời cuộc" (tôi đã kiểm tra lại trong máy tính), nghĩa là có cả "trí thức" và "thời cuộc", đăng trên báo Khám phá hai năm trước đây (không nhớ là dưới tiêu đề gì). Lúc đó không mấy ai để ý (ngoại trừ 5xu, Nhị Lang vv.), nay lại được anh bạn Nhị Lang của tôi đem ra để phiếm đàm.

    Thứ hai, "trí thức trẻ" thì cũng phải là trí thức trước đã. Tiêu đề này làm cho người đọc có cảm tưởng tác giả cũng là trí thức; còn cá nhân tôi không nhận mình là trí thức. Chỉ cần so sánh nội dung bài viết với nội dung cuộc sống của tôi là thấy rõ. Tôi mong muốn sau này trở thành trí thức, còn bây giờ thì chưa muốn, và cũng chưa có khả năng để cố gắng. Người trí thức trẻ, theo tôi, có thể là như thế này:

    http://360.yahoo.com/profile-qafManE_fLPctJpGQ_ZAMan8shCZTg--?cq=1.

    ReplyDelete
  21. Này Bác! Ngài Quốc là tượng thần của em đấy. Bác có thể cho em biết cái link này:"Đọc bình luận này của ông Trần Hữu Dũng buồn cười" được không ?

    ReplyDelete
  22. @Othenllo: http://www.viet-studies.info/kinhte/kinhte.htm

    ReplyDelete
  23. Cảm ơn Quốc Anh đã tham gia để 'make it clear'. Không thì em cứ tưởng bác nhận là trí thức mà nói không hết cái 'thức' của bác. Thất lễ.

    ReplyDelete
  24. Có chút thắc mắc muốn hỏi Quốc Anh. Quốc Anh không tự coi mình là trí thức (trẻ). Cũng hiểu ý của Quốc Anh muốn đề cập tới vai trò của trí thức đối với xã hội nhiều hơn là việc chỉ là “người có học”. Nhưng nếu theo cách hiểu như thế thì trí thức ở Việt Nam sẽ là quá ít ỏi, trí thức trẻ lại càng ít ỏi hơn nữa. Có thể kể tên Nguyễn Quang A, Nguyên Ngọc, Phan Đình Diệu, Cao Xuân Hạo…như là những trí thức theo cách hiểu này cho dù bản thân những người này có lẽ cũng có không ít hạn chế. Trong khái niệm trí thức trẻ, Quốc Anh lấy ví dụ là Nguyễn An Nguyên, chắc căn cứ vào những thảo luận kinh tế- xã hội mà An Nguyên từng đưa ra trên BBC và trên báo Tuổi trẻ? Nhưng liệu cách hiểu trí thức như thế có phải là hơi hạn chế, với một cái nhìn hơi lý tưởng hóa về vai trò của trí thức? Bởi vì nếu hiểu như thế thì chắc cả nước mình hiện nay chắc không có quá 10 trí thức, là những người vừa có “trí” lại vừa đang đóng vai trò “thức” công chúng. Một định nghĩa có nội hàm quá hẹp như thế sẽ tự nhiên khiến vai trò của trí thức trở nên hạn hẹp biết chừng nào.

    ReplyDelete
  25. Đúng như bác Linh nói! Trí thức ở Việt Nam, theo tôi, chỉ có một số rất ít, dù hơn 10 nhiều (hì, bác thử vào xem báo Tia Sáng và lần từ đấy ra chẳng hạn) nhưng nó không phải là một lớp người, một "giới" như phương tiện đại chúng vẫn hay nói, mà chỉ là tập hợp những nhóm đơn lẻ thôi. Hạn chế về hiểu biết không "binding" bằng hạn chế về hành động, mà tôi cho là chịu ảnh hưởng chính của môi trường quá khắt khe. Những điều này có được nói ít nhiều trong bài viết 2 năm trước.

    Cũng như investor thì không phải là entrepreneur, hay phụ nữ phần lớn không phải là prostitute, người có hiểu biết ở Việt Nam phần lớn không phải trí thức. Tôi nghĩ là cách hiểu của mình và của anh Nhị Lăn đều dẫn đến kết luận này, cho dù xuất phát điểm khác nhau. (Sẽ có bài bàn bạc với anh Nhị Nút thêm về quan niệm nhà khoa học và nhà trí thức, nhưng tạm thời xin khất anh Hai Nút.)

    Xét về ví dụ, về kinh tế học, tôi cũng có thể kể tên Nguyễn Đình Công, Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên (càng ngày càng ít đi, bây giờ có lẽ đã hết - ba người này cũng có thể tạm gọi là đảm trách vị trí nhà khoa học nữa), Phạm Chi Lan, hay Lê Đăng Doanh - cho dù tôi nghĩ nhiều quan điểm kinh tế của ông có thiếu sót, hoặc trong lớp trẻ thì có Vũ Thành Tự Anh (một chút) hay Nguyễn An Nguyên. Xuất thân từ toán học cũng có những người như Hoàng Tụy, Văn Như Cương, Phan Đình Diệu, vv. Luật học (vd Nguyễn Sĩ Dũng?), văn học (vd nhiều), lịch sử (vd Trần Quốc Vượng), âm nhạc (vd Dương Thụ), nghệ thuật (nhiều vd), tôi nghĩ đều có những nhà trí thức cả.

    Vì theo ý tôi, sự dấn thân không nhất thiết có nghĩa là dấn thân vào mọi lĩnh vực, và cũng không thể tham gia vào mọi cuộc tranh luận xã hội. Việc đó, ở Việt Nam có lẽ là từ giữa thế kỷ 20 đã không còn khả thi nữa. Nhưng việc dấn thân tích cực vẫn khác nhiều với việc làm khoa học, giống như kết luận của anh Nhị Lang.

    Tôi không muốn gọi đây là "định nghĩa" của mình, mà chỉ đơn giản là quan đểm về cách hiểu và xác định những nhà trí thức trong hoàn cảnh hiện tại thôi. Cách hiểu này tuy hẹp, nhưng hoàn toàn operational, non-trivial, outcome-relevant và theo tôi là cách categorization tốt hơn nhiều so với cách hiểu về vốn trí tuệ. Hơn nữa, quan niệm dựa một phần vào choice thì cũng nhấn mạnh tính dân chủ và free will nữa. (Tiếng Việt kém, các bác thông cảm.) Một điểm nữa, tôi nghĩ quan điểm này dễ dàng communicate với thế giới ngoài Việt Nam hơn: họ không đơn giản gọi một giáo sư Đại học là nhà trí thức chỉ vì anh ấy dậy phương trình đạo hàm riêng. Nói chung lại, tôi cũng không lo ngại là quan điểm này không có tính thực tế. Mà chỉ là quan điểm (quan điểm của tôi), thì càng không ảnh hưởng đến vai trò của trí thức trong xã hội thực tại được.

    Có lẽ sẽ phải viết lại thêm sau, bây gờ viết tạm ở đây trả lời bác Linh đã.

    ReplyDelete
  26. Nguyễn Đình Công là bác nào nhỉ, Quốc Anh cho biết thêm thông tin được không?

    ReplyDelete
  27. Nhầm mất ạ, đấy là bác Nguyễn Đình Cung chứ không phải Công: http://www.fetp.edu.vn/inthenews/tto_260506_1.htm. Kể ra tôi có thể hơi thiên vị ngành kinh tế học khi đưa ra tên 3 người đầu tiên.

    ReplyDelete
  28. Èo, một cái post mà đồng chí Quốc Anh gọi nhiều thể loại tên tôi thế. Nghe mà cứ giật mình thon thót.

    Tôi nghĩ là đồng chí chưa suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này rồi. Nếu phải kể thêm yếu tố xã hội (ở đây cái này lại có ý nghĩa cực kỳ lớn) thì tất cả những gì đồng chí tự nghĩ về mình đều có thể vứt đi được ngay thôi. Đỗ Quốc Anh cứ tự nghĩ mình là một nhà kinh tế học, mà xã hội và báo chí cứ gọi đồng chí là nhà tài phiệt, hoặc là cựu học sinh giỏi toàn diện (thằng bạn học cấp hai của đồng chí có lần tôi tình cờ gặp còn nói đồng chí được 10 phẩy môn Văn hehe), hoặc là, tệ hại nữa, trí thức trẻ, thì biết làm gì nhau đây? Một khi đồng chí đã có một profile, một experience, một sự xuất hiện, một engagement nào đó, thì sẽ phải chịu đi kèm một lô xích xông những bình luận và danh hiệu thôi, dù cho có muốn hay không đi nữa. Cái đó giống như là một hệ quả tất yếu của sự can thiệp của xã hội vào cá nhân, tuy rằng ở chiều ngược lại cá nhân đồng chí cũng có can thiệp vào xã hội, thậm chí là can thiệp rất mạnh.

    Đến một lúc nào đó, người ta nhớ Einstein là tác giả của "The World as I See" chứ không phải là của thuyết tương đối rộng và hẹp. Noam Chomsky là tác giả của các bình luận chính trị chứ không phải của ngữ pháp phổ quát... biết bao nhiêu ví dụ như vậy nữa.

    Hay đồng chí viết một chương trình toán học biểu thị những quan hệ này đi, với các lập luận mang tính kinh tế lượng chẳng hạn?

    ReplyDelete
  29. Trí và thức không đứng cạnh nhau thì trí thức nỗi gì? Bác Linh đã biết thế mà còn lăn tăn quá :)

    Nước mình lúc giao thời với văn minh phương Tây đã có được một lớp trí thức mang bản sắc phương Đông rất hay. Khái niệm trí thức của QA có lẽ mang sự hoài cổ về lớp người này. Ngày xưa người ta đi học vì công danh. Nhưng sự học như thế cũng đòi hỏi phải trực tiếp rèn luyện để biết xử thế cho phù hợp (Lễ). Ngày nay không như vậy nữa.

    Kẻ đi học ngày nay thấy cái gì hợp với mình thì học. Những đức tính như lưu manh, du côn toe toét lại càng dễ học, vì nó dễ vuốt ve thỏa mãn tâm lý tự ái của con người. Không những thế mà trong vài thập kỷ, VN từng có cả một chương trình giáo dục từ cấp tiểu học trong đó đề cao sự nghi kỵ, hằn học với những người giàu có và thành đạt. Có nghĩa là chúng ta ngay từ nhỏ đã được khích lệ để có thói quen tự cố định mình trong một không gian văn hóa nhỏ hẹp, thậm chí còn ghen ghét, đố kỵ những giá trị văn hóa mà mình thấy xa lạ, không quen thuộc.

    ReplyDelete
  30. @ bạn Lê :
    Bạn viết :"Không những thế mà trong vài thập kỷ, VN từng có cả một chương trình giáo dục từ cấp tiểu học trong đó đề cao sự nghi kỵ, hằn học với những người giàu có và thành đạt. Có nghĩa là chúng ta ngay từ nhỏ đã được khích lệ để có thói quen tự cố định mình trong một không gian văn hóa nhỏ hẹp, thậm chí còn ghen ghét, đố kỵ những giá trị văn hóa mà mình thấy xa lạ, không quen thuộc."
    Cái này ở đâu thế nhỉ ? Mình không nhớ là đã được dạy dỗ như thế lúc nhỏ. Hay do mình quên nhỉ ? Bạn lấy vài ví dụ xem nào.

    ReplyDelete
  31. Ví dụ thì nhiều và rất có hệ thống.

    Thời tiểu học chúng ta được học các truyện ngụ ngôn, cổ tích trong đó người giàu chủ yếu được hình dung qua hình ảnh những tên địa chủ, lái buôn tham lam, gian ác, chuyên lừa gạt người nghèo thấp cổ bé họng. Chẳng có truyện nào người giàu có mà lại tốt bụng cả. Đồng thời ngay từ nhỏ chúng ta đã được giáo dục để nghi kỵ và thù hằn các nước đế quốc. Hình ảnh các nước này gắn liền vào đầu óc trẻ thơ, nhanh chóng được xếp chung một loại với những gã giàu có, tham lam, chuyên bóc lột, xâm lược. Không có quốc gia phát triển nào dạy trẻ con về lòng căm thù cả, nhưng nước ta thì có đấy!

    Lên tới cấp II, cấp III, kho tàng văn học VN vô cùng phong phú, nhưng người soạn chương trình nhất quyết tìm cách đưa vào những tác phẩm có tính xung đột giai cấp, châm biếm đả kích người giàu có. Ví dụ điển hình là thơ Tú Xương. Những bài có giá trị thi ca nhất của ông (Đêm Buồn, Sông Lấp) thì người ta xếp vào phần đọc thêm. Những bài có tính đả kích xã hội thì được xếp vào phần học chính (Chúc Tết, Đất Vị Hoàng). À, mà bạn nào thích học văn, xem các tài liệu ngoài chương trình bàn về thơ văn thời cận đại của Nguyễn Khuyến, Tú Xương thì thể loại này còn nối dài. Nhan nhản những bài có nội dung nặng mùi vị hiềm khích, đả kích ông huyện nọ, ông huyện kia, nhằm làm cho sự nghiệp văn chương của các nhà thơ này thêm phần đầy đặn.

    Bên cạnh nền tảng giáo dục này là hệ thống loa phát thanh, đài phát thanh. Các bạn 7X, 8X chắc là cùng lớn lên với những câu chuyện cảnh giác cùng tiếng nhạc kỳ bí rùng rợn mỗi đêm khuya chứ nhỉ. Rồi tivi cùng báo chí. Có ai nhớ được chính xác năm nào là năm cuối cùng người ta thấy hình ảnh người giàu có không còn là những tay buôn lậu, "con phe" gian giảo, táng tận lương tâm? Tôi còn nhớ cuối thập kỷ 80 là thời gian đất nước chuyển mình để thoát khỏi cơn cùng quẫn. Lúc đó có một bộ phim khắc họa cảnh đứa con quá khốn khổ trước thành kiến tiêu cực của người cha về sự chịu khó "làm giàu" của anh ta, tới mức thốt lên: "ông giết tôi đi". Thành kiến xã hội nặng nề như vậy là do đâu? Do công tác tuyên truyền quá tinh vi và toàn diện, len sâu tới mọi tế bào trong xã hội, từ cấp cao tới cấp cơ sở nhất.

    ReplyDelete
  32. @ bạn Lê : Có lý đấy nhỉ ? :)
    Văn học Việt Nam được dạy thời đi học, mình "cảm" được rất ít bài. Rất chán và rất ngán. Vậy nên gần như chả còn nhớ gì mấy, và có lẽ may là vì thế mà không bị ảnh hưởng bởi tư tuởng bần cố nông tự hào đánh thắng mấy đế quốc ;).
    Lịch sử dường như lúc nào cũng đầy "tội lỗi" :p. Nhưng xét lại thì cũng phải xét đi. Cái gì cũng có giá trị trong thời đại của nó. Con người tạo nên thời đại, nhưng đồng thời cũng chỉ là sản phẩm của thời đại mà thôi. Đúng-sai chỉ là tương đối.Hôm nay nhìn lại hôm trước đã khác nhiều rồi. Nhìn nhận lại lịch sử là cả một vấn đề lớn, trong đó cái nhìn sáng suốt bao dung có lẽ là cần hơn cả.
    Cái mình luôn quan tâm là nên LÀM thế nào để thay đổi mọi thứ, một cách cụ thể. Người trí thức không chỉ dừng ở vai trò của nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà phải thật sự dấn thân với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Điều này trí thức Việt Nam có lẽ còn khá yếu.

    ReplyDelete
  33. Hì, anh Nhị Lang, vẫn biết là xã hội Việt Nam đã có một khung ngữ nghĩa sẵn cho những từ như "trí thức", "học sinh giỏi toàn diện", "ăn tục nói phét" vv., nhưng nếu thấy những cách phân loại ngữ nghĩa đấy, kết hợp với những từ như vậy, không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, thì vẫn có thể đề xuất cách phân loại khác, ở vào vị trí "phản đề" phải không? Như anh nói, "thậm chí can thiệp rất mạnh".

    Nếu xã hội đang dùng từ "học sinh giỏi" đối lập với "học sinh không giỏi", thì nay cũng có thể đề xuất việc nên nhìn và ngắm "học sinh giỏi mà lại vẽ bậy" như là cách phân loại thực sự tốt. Ví dụ thế. Nếu đã chọn cách ấy, thì cũng phải tự mình áp dụng nó chứ nhỉ?

    ReplyDelete