Monday, September 24, 2007

Entry for September 24, 2007

Hai bài mới trên blog của nhà báo Huy Đức đều rất quan trọng, đáng đọc và bình luận.

Bài gần nhất đưa tin và bình luận quanh “phủ dụ” của Chủ tịch nước nhân ngày Trung thu.

Đáng chú ý là đoạn sau “Trung Thu trăng sáng, Cụ Chủ tịch thân ái gửi thư thăm. Các báo, không thể lơ tơ mơ, đồng loạt đăng ngay đầu trang nhất. Chứng tỏ, các ban biên tập, giờ đây đã biết! Hôm 4-9, có ít nhất 3 tờ báo nhận được lệnh “tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đồng thời có hình thức xử lý” vì đã không đăng lên trang nhất bức thư, mà Cụ Chủ tịch gửi học trò, nhân ngày khai giảng. Những báo chỉ chạy một cái tít ngoài trang nhất, rồi đưa thư của Cụ vào trang trong, cũng phải kiểm điểm, vì đã “không thấy hết tầm quan trọng của sự kiện”.

Những tờ báo bị kỷ luật lần trước là do không biết được làn đường bên phải, hay nói theo ngôn ngữ Newspeak (Orwell) thì là ““không thấy hết tầm quan trọng của sự kiện” nên bị xử phạt. Sau đó các báo đều đã rút kinh nghiệm để lần này chạy đúng tít tắp làn đường dành cho mình: thư Cụ được đưa lên trang Nhất, còn các tin nóng bỏng kiểu như Nguyễn Thị Huyền lấy chồng thì phải tít tắp lặn vào trong.
Trong bài còn có đoạn sau “Nếu những tờ báo đoàn thể hay địa phương, đôi khi vẫn đăng một vài ý kiến của nhân dân, thì anh Bush mà nói linh tinh, báo ta “mắng”, ngoại giao vẫn không gặp gì rắc rối. Đồ ăn Trung Quốc không sạch, tất nhiên phải khuyến cáo đồng bào ta. Để bên ngoài họ nghĩ, báo chí- Chính phủ chỉ là “trên bảo, dưới nghe”, thì khi báo chí nói tiếng nói nhân dân, người ta dựng đại sứ mình dậy lúc nửa đêm, người ta mắng, mình cũng phải bồ hòn làm ngọt.”

Tuy chỉ là tình huống nhưng hoàn toàn có thể hiểu rằng đó là một tình huống không xa sự thực lắm: đại sứ Việt Nam chính phủ Trung Quốc “mắng” do báo chí Việt Nam đưa tin về đồ ăn Trung Quốc không sạch. Đến lượt mình, chắc chắn các nhà báo và tờ báo đưa tin đó cũng sẽ lại bị “mắng”-không cần biết là tin đó đúng hay không đúng? Nếu những sự việc đó xảy ra trên thực tế thì có phải là sự kiểm soát, thao túng báo chí không chỉ dừng lại trong biên giới quốc gia?

Trong bài của bác Huy Đức còn nêu ý về việc ông Nguyễn Minh Triết xưng Bác với các cháu- chú ý là chữ Bác viết hoa chứ không phải viết thường.


Bài thứ hai của Huy Đức là phỏng vấn cựu Bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc về Hiến pháp Việt Nam.

Theo ông Lộc, nội dung “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” hoàn toàn dựa trên quan điểm của Tổng Bí thư Lê Duẩn và khác với ý kiến ban đầu của ban soạn thảo Hiến pháp. Ông Lộc cũng nói “Phải thừa nhận, những khủng hoảng xuất hiện sau Hiến pháp 80 [Hiến pháp thông qua dưới thời quyền lực tuyệt đối của Lê Duẩn] là rất to lớn và cho đến nay vẫn chưa thể nào khắc phục hết được.

Một ý nữa là việc thông qua Hiến pháp 1959 trên thực tế là vi hiến, vì không tuân thủ theo nội dung quy định trong Hiến pháp 1946 là “sửa đổi Hiến pháp phải do 2/3 tổng số nghị viên yêu cầu; những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Hay Hiến pháp 1980 quy định “Nhà nước độc quyền về ngoại thương” nhưng tới khi Đổi mới vẫn mở cửa thị trường mà không thay đổi Hiến pháp, tức là cũng là những hành vi Vi hiến.

Vài ý quan trọng khác:

“Khuynh hướng người cầm quyền, lạm dụng quyền trở nên phổ biến. “An ninh Quốc gia” thường được sử dụng để biện minh cho sự lạm quyền và xã hội lại dường như có khuynh hướng chấp nhận nó. …Tôi nghĩ là chúng ta vẫn rất cần phải nhận thức lại về các quyền tự do mà Hiến pháp đã trao cho người dân.”

“Tuy nhiên, tôi nói không đơn giản là bởi để có toà án hiến pháp, chúng ta không chỉ sửa Hiến pháp mà trước hết, phải sửa phương thức lãnh đạo của Đảng. Nói thì nghe to tát, nhưng chỉ đơn giản là Đảng phải tuyệt đối tuân thủ điều 4 Hiến pháp, tức là, không để tổ chức nào đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Muốn như vậy, phải nhận thức lại từ đầu.”

3 comments:

  1. Đọc bài phỏng vấn ông Lộc thấy nói hay quá, nhìn kỹ lại thì mới thấy ông Lộc là "nguyên" Bộ trưởng Bộ tư pháp. Về hưu rồi, nói cái gì cũng hay, cũng cấp tiến. Chưa về hưu, nói gì cũng phải nhìn nồi cơm.

    ReplyDelete
  2. Chuyện ông Triết xưng Bác/bác đều buồn cười về cả chuyện viết thường lẫn viết hoa. Viết thường, xưng "bác" với các cháu nhi đồng là không hợp, vì tuổi ông Triết chí ít cũng bằng ông bà của bố mẹ các cháu nhi đồng (thường là U30-U40), xưng là "ông" gọi "cháu" may ra còn có lý. Ông Triết năm nay 65 tuổi rồi, chã nhẽ vẫn cậy mình trẻ khoẻ, đòi bố mẹ các cháu nhi đồng gọi là anh? Viết hoa lại càng buồn cười hơn, "Bác" - có một Bác rồi, chã lẽ lại thêm "Bác" nữa. Thế thì dễ nhầm lẫn. Các chủ tịch nước đời sau noi gương, cứ viết hoa Bác ầm ầm, e rằng lộn xộn, các cháu nhi đồng và bố mẹ ông bà các cháu chẳng còn biết Bác nào với lại Bác nào mà noi theo 5 điều Bác dạy.


    ReplyDelete
  3. "Muốn như vậy, phải nhận thức lại từ đầu" <-- em thích nhất câu này ^^

    Cứ tưởng tượng là đem hết các máy 256 đi format lại, nhưng cũng lại không thể cài WinXP :-"

    ReplyDelete