Monday, May 12, 2008

Đi tìm cái tôi đã mất

Trích tùy bút chính trị "Đi tìm cái tôi đã mất" của cố nhà văn, đại tá quân đội, cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Khải. Nguyễn Khải tới cuối đời mình, sau biết bao thăng trầm, cay đắng, thành công, lỗi lầm mới nhận ra là ông đã đánh mất "cái tôi" trong hành trình đời mình, như ông tự bạch "Tôi là một đứa trẻ khi bước vào đời có nhiều điều thua thiệt nhưng tôi đã biết níu chặt lấy thời thế mà leo dần lên". Để rồi ông mải miết tìm trở lại.
Đọc toàn văn ở đây


Các đoạn trích copy từ blog Cỏ Nâu.

"…Không có một chế độ cộng hoà nào ở thế kỷ 20 lại dám coi thường quần chúng như tại các nước xã hội chủ nghĩa. Sống trong thể chế này suốt mấy mươi năm không có một cuộc biểu tình nào được tổ chức để phản đối một chính sách nào đó của nhà nước. Như thời làm cải cách ruộng đất hay thời huy động nông dân vào các hợp tác xã nông nghiệp. Giám đốc xí nghiệp nhà nước tham ô, mức sống của công nhân giảm sút cũng không có đình công. Nông dân bị kẻ cường quyền đàn áp, làm nhiều việc trái pháp luật, vừa mới nhen nhóm bày tỏ sự bất bình liền bị giập tắt ngay. Vì người lãnh đạo đã nhận định rất đúng rằng, nhân dân ta rất tốt, rất dễ bảo, bỗng dưng họ dám nói xược, dám đòi hỏi này nọ là do có mấy thằng cán bộ về hưu bất mãn cầm đầu. Cứ nhắm mấy thằng đó mà đe, nếu cần thì bắt là đâu vào đấy ngay.

Quả nhiên thế thật. Tức là người cầm quyền chả coi dân chúng vào đâu. Họ chỉ sợ các cá nhân hiểu nhiều biết rộng, rất khó bắt nạt, là hay bày trò xúi giục thôi. Giống hệt cái thời còn vua còn Tây, kẻ cai trị rất sợ người cộng sản vì họ là kẻ hay gây rối. Đã là người cầm quyền với nước ta thì xưa là thế nay vẫn là thế, người dân vẫn sống dưới chế độ chuyên chế chứ chưa bao giờ được biết chế độ dân chủ là gì, đâu là dân chủ tư sản. Đã chuyên chế là chuyên chế làm gì có sự phân biệt chuyên chế tư bản với chuyên chế vô sản...

… Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hoặc tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế. Vì trong hàng triệu công dân sẽ có nhiều nhóm người không cùng lòng tin, không cùng tín ngưỡng với nhà cầm quyền. Họ trở thành những cộng đồng đáng ngờ, sẽ bị phân biệt đối xử, trước hết là mất quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản. Đó là nói về tầng lớp trí thức. Còn những người làm các nghề khác, chả dính dáng gì đến sách vở cũng sẽ cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền tự do, như quyền tự do lựa chọn cách sống của riêng mình chẳng hạn. Đã độc quyền về tư tưởng tất nhiên sẽ độc quyền cả về cách sống, vì mỗi học thuyết đều có phần đạo lý của nó, nó cần tiêu chuẩn làm người đã được lý tưởng hoá của nó để làm khuôn mẫu cho tu sĩ và tín đồ…

… Một nền văn nghệ phải phục vụ chính trị (mà chính trị thì sớm nắng chiều mưa) là đã mất một nửa tự do rồi, lại phải phục chính trị theo nghĩa các chủ trương, chính sách của từng thời kỳ thì còn gì là tự do nữa.

…Một xã hội mà công dân không được quyền sống thật, nói thật, nhà văn cũng không được quyền bộc bạch tâm sự riêng tư của mình trên trang giấy là một xã hội không có chân móng...

…Đã từng có những quốc gia từng nghĩ từng viết rất tự hào, rất kiêu hãnh rằng dân tộc họ đã sải bước trước nhân loại cả trăm năm, sắp chạm tay vào cánh cửa thiên đàng rồi! Mà rồi sao nhỉ? Là như mỗi chúng (ta) đều đã được chứng kiến trong suốt mấy chục năm nay đấy!

…Các nhà cách mạng thường chỉ nghĩ tới mục tiêu và những con đường ngắn nhất nhanh nhất để đạt được mục tiêu, bất chấp các công dân của họ bằng lòng hay không bằng lòng. Và họ lại tin một cách ngây thơ, một cách tệ hại rằng cứ ép là được, cứ đẩy tới bằng các phong trào cách mạng của quần chúng là được, trước lạ sau sẽ quen dần. Nhưng các cá nhân cũng là lòng người không thuận thì mọi chủ trương dẫu hay đến mấy sớm muộn cũng bị đào thải, chả để lại một dấu vết tích cực nào. Và càng lạ hơn là những tổ chức kinh tế được xem là lạc hậu, là phản động của một thời vẫn có muôn vàn cơ hội để tái sinh và xem ra còn tồn tại rất lâu dài…

… Các cuộc cách mạng xã hội ở nước ta trong suốt ba chục năm đều hỏng cả, đều phải làm lại từ đầu, tất nhiên là theo hướng khác, mà kết quả vẫn vừa chậm vừa dây dưa. Nguyên do là các nhà lãnh đạo muốn rút gọn những công việc của trăm năm thành chuyện chỉ làm trong mấy năm. Vì họ chưa hiểu đầy đủ con người Việt Nam trong cuộc sống đời thường, cái cuộc sống không có chiến tranh, không có cách mạng xen vô, cái cuộc sống trôi đi lặng lẽ của muôn đời. Nghĩ rằng người Việt Nam của hôm nay đã khác nhiều với người Việt Nam trước năm 1945 là một cách nghĩ rất thiển cận, tự gây cho mình nhiều ảo tưởng trong việc trù liệu những việc phải làm để kiến tạo một xã hội dân chủ và văn minh. Mọi phong trào thi đua chả có ích lợi gì trong những việc cần nhiều chăm sóc nhẫn nại, bền bỉ, bắt đầu từ các cá nhân chứ không phải từ các đám đông với những khẩu hiệu, cờ quạt, kèn trống, diễn văn và đáp từ, vỗ tay và tặng hoa. Đám đông không thể đứng mãi dưới nắng để nghe lãnh tụ diễn thuyết. Họ luôn mong đợi được giải tán để về nhà...

… Người dân ở đâu cÅ©ng thế, đều muốn có má»™t cuá»™c sống bình yên, Ä‘Æ°á
»£c tính việc cá nhân và gia đình trong má»™t khoảng thời gian dài, má»™t trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lá»›n trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những há»™i nghị toàn quốc và địa phÆ°Æ¡ng nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường nhÆ° má»™t lÅ© hoá rồ, các quan hệ xã há»™i và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống.

Vả lại các cuộc cách mạng ấy chả đem lại bất cứ lợi lộc nào, cho bất cứ giai cấp nào. Chỉ có những mất mát thôi, người giàu thì mất cơ nghiệp được kiến tạo từ nhiều đời, người nghèo thì mất những chỗ dựa cạy, có thể mất cả công việc kiếm sống mỗi ngày để được làm chủ một cái rỗng không. Có thực mới vực được đạo, đã đói ăn thì ngay đến cái tư cách làm người cũng không thế có nói gì đến đạo. Thành thử cái chủ trương rất quyến rũ, rất “văn nghệ”, nhất là với giới tri thức, của chủ nghĩa Mác “cải tạo thế giới, cải tạo con người” hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui, bây giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học thuyết xã hội chứa đầy những hoang tưởng...

…Người cộng sản rất kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng lại chính từ các nước xã hội chủ nghĩa mà cái tệ sùng bái cá nhân đã nảy sinh. Vì lãnh tụ của học thuyết cũng là lãnh tụ của quốc gia...

…Một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được được hoàn toàn thoả mãn trong mọi nhu cầu là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loài tương lai ư?! Nói miệng mấy chuyện kỳ cục này đã khó nghe, lại còn viết thành văn mà các nhà văn không thấy ngượng sao?...

…Tôi còn sợ rồi sẽ có ngày lịch sử sẽ trừng phạt mình vì cái tội muốn khôn hơn lịch sử, muốn đánh lừa lịch sử!

… Các đảng cộng sản đều coi phê bình và tự phê bình là cách giải quyết mâu thuẫn nội bộ hữu hiệu nhất. Sự vật vận động sẽ sinh mâu thuẫn, giải quyết được mâu thuẫn sự vật mới có cơ hội phát triển, tiến lên. Phủ định và phủ định của phủ định, nghe vừa khoa học vừa huyền bí, như câu thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra!”, cứ đọc to lên là cánh cửa vào tương lai sẽ mở toang. Các nước xã hội chủ nghĩa vẫn đọc to câu thần chú ấy trong nửa thế kỷ mà cánh cửa vào tương lai vẫn đóng chặt. Mất thiêng rồi chăng? Quả là đã mất thiêng vì người hô không hề tin một chút nào vào cái khả năng kỳ diệu của nó. Nếu tin vào phê bình và tự phê bình thì Stalin đã không chế ra các vụ án chính trị man rợ để tiêu diệt các đối thủ vốn là tay trái tay phải của mình trong những năm đó. Nếu tin vào câu thần chú ấy thì Mao Trạch Đông đã không bày ra tấn tuồng “cách mạng văn hoá” để tiêu diệt mọi kẻ dám can ngăn những chủ trương đầy tính phiêu lưu của ông.

Ấy là nói về những người nắm quyền lực cao nhất, còn những người nắm những cơ quan quyền lực thấp hơn cũng chả bao giờ họ tin vào cái phương pháp lãng mạn đó cả. Trong các cấp uỷ họ vẫn tự phê bình và phê bình nhau một cách sốt sắng giả dối. Và ai nấy đều tự bằng lòng hơn sau những lễ xưng tội giải tội hết sức vui vẻ này. Và mọi thói xấu, kể cả tội ác nữa, vẫn nghiễm nhiên tồn tại như trước đây, vẫn là những vùng cấm chỉ những kẻ quá chán đời mới dám đơn độc xông vào. … Rút cuộc kẻ có tội vẫn ngày càng hung hãn, càng tự tin, còn người tố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ. Kỳ quái nhỉ?

…Các tín đồ của học thuyết Mác đều rất tin môi trường xã hội và hoàn cảnh cá nhân có ý nghĩa quyết định tới sự hình thành tính cách con người. Một địa phương có nhiều phong trào cách mạng tích cực ắt phải sản sinh ra nhiều tập thể tốt, một tập thể tốt sẽ sinh ra nhiều cá nhân tốt. Con người là một thực thể vật chất nên không thể thoát ly những điều kiện vật chất đã cho phép nó tồn tại. Nhưng nó còn là một thực thể sinh học, một thực thể tinh thần, tâm linh, văn hoá bao gồm lịch sử cá nhân và dòng họ ở trong nó. Nó cũng không thể biết hết nó, không thể biết hết những phản ứng bất thần trong chính nó khi vấp phải những đối nghịch trong cuộc sống. Nên cái thế giới tinh thần, tâm lý của con người là rất đa dạng, phức tạp, có muôn vàn lối đi ngoắt ngoéo.

Từ thời con người có ngôn ngữ để giao tiếp, có chữ viết để lưu lại, có văn chương để bày tỏ những bí mật của riêng rình, nó vẫn không ngớt than thở là chả biết được bao nhiêu về mình và đồng loại. Con người vẫn nguyên vẹn là một bí mật mênh mông, sâu thẳm như từ thủa nguyên sơ vậy. Người cộng sản phải kiêu ngạo lắm mới dám bày cái trò chỉnh huấn phê bình để lãnh đạo một cách chuẩn xác cái phần khó nắm bắt nhất trong con người. Vì nó biến hoá, nó phù du như mây như gió vậy...

(Trích Tùy bút chính trị của Nguyễn Khải, 2006)




1 comment:

  1. Rút cuộc kẻ có tội vẫn ngày càng hung hãn, càng tự tin, còn người tố tội càng lúc càng dè dặt, hãi sợ. Kỳ quái nhỉ?

    ReplyDelete