Saturday, May 31, 2008

Entry for May 31, 2008

Trên BBC có ý kiến của ông Vũ Quang Việt, chuyên gia LHQ và ông Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của UNDP Vietnam. Bài báo trên BBC hay. Không biết Nguyễn Hùng có phải là anh Hero ở đây không?. Nghe radio ý kiến của hai ông này ở đây. Tôi nghĩ ý kiến của hai ông Việt và Pincus chính xác và trung tính, và cũng nhất quán với những gì họ đánh giá về kinh tế Việt Nam từ xưa tới nay. Trong khi nếu so sánh thì ý kiến của những người ở World Bank thường có xu hướng lạc quan quá, còn ý kiến của các công ty tài chính như Morgan Stanley, Merrill Lynch... thì thường có xu hướng đón lõng thị trường, đón ý các nhà đầu tư. Do đó nếu kinh tế đang phát triển tốt, các công ty này sẽ ca ngợi hết lời, nhưng nếu có khó khăn thì họ cũng thúc giục rút chạy trước tiên. Dù vậy, những ý kiến của họ lại có tầm quan trọng lớn, vì khả năng ảnh hưởng tới các nhà đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài, có thể làm tăng đáng kể giá vốn vay thương mại của Việt Nam hay làm đảo ngược dòng vốn ngắn hạn chảy vào Việt Nam. Chỉ sau khi Merrill Lynch, Morgan Stanley... đưa ra các nhận định tiêu cực về thị trường Việt Nam, các tin này đã được đưa lại ở các hãng thông tấn và các tờ báo lớn trên thế giới như ước đoán về khủng hoảng tài chính ở Việt Nam: Bloomberg, Business Week, Wall Street Journal, Reuteurs...hẳn gây khó khăn không ít cho lòng tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam.

Tuổi Trẻ đăng tin:
Hoãn, giãn tiến độ 716 dự án có số vốn gần 4.000 tỉ đồng, hẳn cũng trong chương trình giảm đầu tư công để chống lạm phát.

Nói chung thời gian tới sẽ là thời gian điều chỉnh khó khăn của kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng là làm sao tránh để khủng hoảng xảy ra, và chấp nhận hy sinh tăng trưởng trong năm nay để chống lạm phát và điều chỉnh tỷ giá một cách chủ động. Tôi nghĩ hệ thống ngân hàng Việt Nam rất chập chững và yếu kém, không có khả năng chống chọi hiệu quả nếu xảy ra khủng hoảng tài chính. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Chính phủ cần có một thông điệp rõ ràng trong năm tới, tăng tính minh bạch thông tin và tránh các động thái bất ngờ, gây shock trong nền kinh tế.

Trong bài Pincus nói đồng Việt Nam không bị định giá quá cao so với đồng USD- không rõ là căn cứ vào đâu- nhưng tôi vẫn nghĩ đồng Việt Nam vẫn sẽ trượt giá so với đồng USD trong thời gian tới, dù không nhiều như Morgan Stanley dự đoán (trừ khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ thực sự và Chính phủ không kiểm soát được, nhưng khả năng này tôi nghĩ khá thấp).

VietnamNet đăng toàn văn Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội (chưa kịp đọc). VietnamNet có lẽ là tờ báo về chính trị- kinh tế tốt nhất hiện nay, và là một trong những tờ ít ỏi dám đăng các ý kiến trái chiều. Chẳng hạn, chỉ một ngày sau khi Quốc hội bỏ phiếu với 92% số phiếu bầu đồng ý mở rộng Hà Nội, tờ tuanvietnam đăng bài "
Năm điều ước cho tương lai của Hà Nội mở rộng", đáng chú ý là có đoạn sau (của TS Diệp Văn Sơn), ngầm ám chỉ sự thiếu trách nhiệm của các ĐBQH đối với lịch sử, với tương lai:

"
ĐBQH, những người bấm nút cho nghị quyết mở rộng thủ đô sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử, nhưng lịch sử thì vô hình, có ai đưa ra xét xử ở tòa án lịch sử. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai nếu vẫn giữ tư duy nhiệm kỳ hiện nay?".




Kinh tế VN có khủng hoảng hay không?



Update:
Viễn cảnh về đầu tư tại Việt Nam

"Tương tự, ông Tô Hải - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt - cho rằng, trong hai năm 2006 - 2007 đã có khoảng 10 tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. 90% trong số đó thông qua các quỹ đầu tư dạng đóng với thời gian hoạt động 5-10 năm nên số vốn đó vẫn tiếp tục ở lại Việt Nam. Đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, trong khi ở nhiều thị trường tại châu Á, dòng vốn đầu tư nước ngoài đứng hay đi ra thì vẫn có khoảng 600 triệu USD vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù số tiền này không lớn nếu so với năm trước nhưng đó vẫn là bằng chứng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm đến thị trường Việt Nam."

3 comments:

  1. Tớ thấy nhận định của Morgan Stanley la based on "insufficient data", vì không tínhtới khoản tiền khổng lồ người VN ở nước ngoài gửi về nước theo các kênh chính thức và không chính thức:

    "Theo nhiều nguồn thống kê không chính thức, năm 2007 Việt Nam nhận 5 tỷ vốn FDI thực hiện trên thực tế, 10 tỷ kiều hối chuyển về thực tế, 3 tỷ ODA thực hiện thực tế. "
    Trong 17 năm qua, lượng kiều hối được gửi về Việt Nam qua kênh chính thức đến nay đã lên tới 29,4 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ năm 1988 và cao gấp rưỡi lượng vốn ODA được giải ngân từ năm 1993. Trong khi con số thực cao hơn rất nhiều. Riêng năm 2006, theo số liệu điều tra của tờ New York Times (Mỹ), tổng số tiền Việt kiều gửi về nước là 6,82 tỷ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ tư châu Á.

    ReplyDelete
  2. Nếu coi số tiền này thu được là do "xuất khẩu lao động" thì cán cân xuất khẩu-nhập khẩu cũng đâu có chênh mấy đâu.

    ReplyDelete
  3. Confirm anh Hero ở link blog anh Linh nói là anh Nguyễn Hùng phóng viên BBC. Biết vì anh là con rể cô trưởng phòng em.

    ReplyDelete