Thursday, May 8, 2008

Entry for May 08, 2008


Tự khiển

Lý Bạch

Đối tửu bất giác minh,
Lạc hoa doanh ngã y.
Tuý khởi bộ khê nguyệt,
Điểu hoàn nhân diệc hy.

Bản dịch nghĩa của
Nguyễn Hà trong tập Đường thi tứ tuyệt của Nhà xuất bản văn hoá thông tin năm 1996.

Tự khuây khỏa

Trước cuộc rượu bất ngờ trời tối
Hoa rụng đầy trên áo ta
Tỉnh dậy bước theo trăng dọc khe suối
Chim và người đều vắng như nhau.

(Mặc dù tớ không biết tiếng Hán nhưng hơi lạ sao câu cuối lại dịch nghĩa như vậy: Điểu hoàn nhân diệc hy tớ tưởng dịch đúng phải là chim về tổ, người vắng bóng. Có đúng không nhỉ? Câu đầu đối tửu dịch thành "trước cuộc rượu" cũng không ổn?)

Bản dịch của Nguyệt Ánh:

"
Cuộc rượu vừa tàn, trời chợt tối
Áo mình xác hoa rụng vương đầy
Tỉnh rượu theo trăng bước dọc suối
Không tiếng chim kêu, chẳng tiếng người."


Thử dịch theo

Tự tiêu khiển

Uống rượu, trời sập tối
Áo mình hoa rắc rơi
Tỉnh, cùng trăng dạo suối
Chim bay, vắng bóng người

10 comments:

  1. Nguyễn Hà dịch vậy là do đã bắt được mạch. Còn dịch như bác em thì chưa bắt trúng mạch đâu.

    ReplyDelete
  2. Em thấy bản dịch của anh Linh sát với bản gốc của Lý Bạch mà vẫn có chất thơ đấy chứ ( em cũng không rành tiếng Hán lắm :D ).

    ReplyDelete
  3. Em nghĩ " Trước cuộc rịu" của bác Hà là ổn, vì từ Đối trong " Đối tửu bất giác minh " là "Đối" trong từ "Đối diện" , và theo em hiểu thì từ Trước của bác Hà không phải ám chỉ thời gian trước sau mà đây là biểu hiện về bối cảnh, giống như từ trước trong " trước mặt, trước mắt, ..."

    ReplyDelete
  4. Bài thơ hay là do chữ Đối mà ra. Dịch mà không làm nổi ý của chữ Đối này lên thì giống như pha thêm nước lã vào rượu ^^

    ReplyDelete
  5. Bác Lê em thật đúng là giỏi nói những lời thâm trầm bí hiểm, khiến bọn phàm nhân chúng em nghe như sấm động bên tai, mồ hôi toát ra như tắm, đánh rơi cả đôi đũa đang cầm trên tay, lòng kinh hãi không bút nào tả xiết. Hỡi ơi, đến câu "Thiên hạ chỉ có ta với sứ quân là anh hùng" của Tào Mạnh Đức năm xưa cũng chẳng bằng.

    Nhưng bác em ạ, thơ là ngôn ngữ, là văn bản, mà phân tích văn bản nó cần logic hơn là sấm động ầm ì. Hồi bé em nghe sấm thì em sợ chứ bây giờ em nhớn rồi em thấy bình thường.

    Thơ ngũ ngôn Đường luật bao giờ cũng ngắt nhịp 2/3, khi phân tích cấu trúc cũng phải bám theo cách ngắt nhịp này mà hiểu ý. Bác Hà dịch như vậy em nghĩ có hai khả năng. Khả năng thứ nhất, đó là bác Hà dịch (sai) thành "Chim cùng người đều thưa" là vì bác ấy ngắt nhịp 3/2: Điểu hoàn nhân/diệc hy và hiểu chữ hoàn theo nghĩa là rồi, lại (Lạc diệp tụ hoàn tán – lá rơi hợp rồi tan). Khả năng thứ hai, bác Hà hiểu đúng như bác Linh em: chim đã về tổ, người cũng vắng, nhưng cố tình ghép hai ý lại làm một. Nghe tưởng hay, nhưng lại phạm sai lầm cơ bản khi phá bỏ tiểu đối ở nội bộ câu thứ tư: điểu hoàn vs nhân diệc hy. Bắt trúng mạch và không tôn trọng cấu trúc nguyên tác là hai chuyện khác nhau lắm đấy bác Lê ạ. Đấy là chưa kể câu một bác Hà dịch nghĩa rất ẩu. Bất giác là không biết (not aware of), với ý nhấn mạnh vào chủ thể. Còn bất ngờ (suddenly) là miêu tả hiện thực khách quan. Câu này phải hiểu là Rượu trước mặt không hay trời tối.

    Còn chữ "đối" mà, chắc bác thấy lạ tai nên cữ ngỡ là nó độc. Chứ thật ra "đối tửu" với "tôn tiền" là hai hình ảnh hết sức quen thuộc trong cổ thi, chẳng có gì to tát đâu bác ạ. Trước Lý Bạch năm trăm năm Tào Tháo đã viết "đối tửu đương ca, nhân sinh kỷ hà." Và Lý Bạch cũng không chỉ một lần nhắc lại ý ấy. "Duy nguyện đương ca đối tửu thì." Bài này nếu có chữ nào hiểm thì thiết tưởng phải là chữ "doanh." Hoa rơi đong đầy vạt áo, nghĩa là thi nhân đã ngồi đó từ rất lâu rồi, cái trầm mặc trong tâm tưởng, cái hờ hững với ngoại vật thật là ghê gớm lắm. Cái ấy gọi là tả mà không dùng lời, không dùng lời mà còn hơn thiên ngôn vạn ngữ. Các bác thấy em đã bí hiểm chửa?

    ReplyDelete
  6. "Còn chữ "đối" mà, chắc bác thấy lạ tai nên cữ ngỡ là nó độc. Chứ thật ra "đối tửu" với "tôn tiền" là hai hình ảnh hết sức quen thuộc trong cổ thi, chẳng có gì to tát đâu bác ạ."

    Cũng chả dám gọi là độc đáo, vì thơ cổ tớ ko mấy khi đọc nên càng ko biết ngày xưa dùng nhiều hay ít thế nào. Cơ mà hình như từ đồng âm đồng nghĩa dùng vào mỗi văn cảnh nó có thể lại ra một sắc thái nghĩa khác, có phải không ạ?

    Chữ đối hay vì nó là đầu mối để nhận ra một chỉnh thể các ý liên kết nhau trong bài thơ. Bình một tác phẩm mà ko nhìn vào chỉnh thể, lại cắt ra từng câu mà soi, mà tán thì ngẫn rồi (tất nhiên sau khi nhận ra ấn tượng tổng thể thì khi bình vẫn phải dựa vào câu, từ). Tớ thấy bản dịch của bác Hà ít nhiều truyền đạt được cái chỉnh thể nên khen là bắt được mạch. Cái đấy đối với tớ là quan trọng, vì thấy rằng mạch chỉnh thể của bài này rất hay. Còn những cái mà bác chỉ ra, bảo là đúng thì chắc là đúng, nhưng tớ cũng chả hiểu chúng có quan trọng lắm hay ko.

    ReplyDelete
  7. Em thật lỗi quá, thơ cổ bác không đọc mấy mà em lại trích cả Hán Ngụy Lục triều ra thế thì quá bằng đánh đố bác. Nói gì thì nói, bác em tuy đọc ít cổ thi, chữ Hán không thông nhưng vẫn dũng cảm bình luận về độ chính xác của bản dịch nghĩa của bác Hà, cái hào khí ấy em thật là muôn phần bội phục.

    Bác ạ, vì bác ít đọc thơ cổ, nên bác cứ ngỡ một bài Tự khiển đã gọi là chỉnh thể. Em may mắn được đọc nhiều hơn bác tí chút, nên em buộc lòng phải nhìn vào cái chỉnh thể lớn hơn cơ. Ấy là cái tư tưởng sáng tác xuyên suốt cuộc đời Lý Bạch, là ảnh hưởng của văn học Kiến An lên tác phẩm của ông, thậm chí là tư tưởng chung của thi ca Thịnh Đường. Em dẫn Tào Tháo và một tác phẩm khác của Lý Bạch ra là vì thế, chứ em chẳng phải thằng hay đi dọa ma thiên hạ bằng mấy lời đao to búa lớn đâu bác ạ. So sánh các version khác nhau của văn bản để tìm ra ý nghĩa đích thực của nó, như anh Claude Levi-Strauss nói, mới thực sự là nhìn văn bản trong chỉnh thể, bác thân mến của em ạ.

    Làm thơ viết văn cũng như xây nhà, trong đó mỗi câu chữ cũng như từng bức tường viên gạch, là đơn vị cấu thành văn bản. Muốn thưởng thức văn bản thì phải biết phân tích nó, dò theo bước đi của tác giả, từ chỗ xây tường trát vữa cho đến khi tác phẩm thành hình. Cũng như muốn trân trọng một công trình kiến trúc thì phải hiểu được cái đẹp trong từng hàng cột, bậc thềm, ô cửa, rồi mới quay về cái chỉnh thể. Còn khéo đứng chống nạnh rồi ngoẹo đầu phán rằng hợp long mạch thì là việc của mấy anh thầy phong thủy dởm thôi bác ạ.

    ReplyDelete
  8. Nếu nhà chú hiểu cái chỉnh thể mà tớ nhắc tới là như thế nào thì cứ chỉ thẳng ra chỗ đúng chỗ sai, tớ nghiêm cẩn lắng nghe. Còn nếu chưa hiểu thì nên hỏi kỹ lại cho chắc chắn rồi hẵng nhận xét, thế cho gọn nhé! Chính nhà chú mới đao to búa lớn, chỉ Đông chỉ Tây, tỉ mẩn không đâu, chứ có nói được cái gì ra hồn cho bài thơ đang bàn đâu? Cái câu hoa rơi trên áo có tính gợi mở, tác giả cố tình làm cho ý lộ rõ nhất thì chú túm ngay lấy tâm đắc, tự cho thế là sâu sắc lắm. Nhưng như thế cũng ko có gì lạ. Bình thơ mà chỉ rờ rẫm những cái lông lá vành ngoài thì cũng chỉ đến được mức đấy thôi ^^

    ReplyDelete
  9. Em xin tóm tắt quá trình tranh luận của topic này như sau:

    Bác Linh: Dư lào lại dư lày? Dư lày là dư lào?
    Bác Lê: Chỉnh thể!
    Bác Lê (một lúc sau): Chỉnh thể!
    Em: Dịch nghĩa sai vì @#$%, khái niệm "đối tửu" $%@^, tiểu đối trong câu *&^%.
    Bác Lê: Chỉnh thể!
    Em: Lý Bạch kế thừa tư tưởng Tào Tháo *&%$!@, phân tích cấu trúc !#&^@
    Bác Lê: Lại chỉnh thể!

    Thật bác em đố khó quá cơ. Từ đầu đến giờ bác em năm lần bảy lượt tụng đi tụng lại hai chữ chỉnh thể, chẳng khác gì "Vừng ơi mở ra." Còn cái chỉnh thể ấy là gì, hình thù nó ra răng thì em nỏ thấy bác bàn đến nửa chữ. Giờ em mới biết là có phương pháp cảm thụ văn học thần diệu đến thế. Chẳng cần tiếp cận văn bản, chẳng cần phân tích cấu trúc, chỉ cần thành tâm tụng niệm hai chữ "chỉnh thể" là sẽ hốt nhiên đại ngộ. Thật là Phựt pháp vô bin bác ạ.

    P.S: Bác ạ, thật ra em thấy bác đã chả biết gì mà lại hay ra vẻ thâm trầm bí hiểm dọa ma người khác thì em bỉ bác cho sướng mồm thế thôi. Chứ còn đi sâu vào vấn đề thì em biết thừa bác chỉ mỗi có bài tụng "Chỉnh thể" đấy là hết nước. Em vì thịnh tình chủ nhà mà nói vài nhời gan ruột, chứ cỡ bác chả bõ để em đem sở học ra đè đâu bác ạ.

    ReplyDelete
  10. Một nick comment là được rồi mà, làm gì mà nóng vội hấp tấp thế, hehe. Nếu nói chuyện văn chương thật thì tớ không ngại. Quan trọng là cái thực chất, như cái bài Fifth Element gì đấy, nhở! ;) Còn tranh nhau xem thằng nào mồm mép đanh đá hơn thì tớ xin thua trước, nhá!

    Tớ không tranh công gì ở đây nên không việc gì phải trình bày cặn kẽ, kẻo người biết rồi lại cười cho là vô duyên. Cho nên cứ thuận theo người ta hỏi cái gì thì đáp đúng cái nấy. Nhà bác Linh thắc mắc hình như người ta dịch nghĩa sai thì tớ đáp rằng người ta dịch như thế là đúng mạch. Nhà chú cắt riêng từng câu ra mà phê rằng dịch thế là sai nghĩa, lại không chuẩn cả về tinh thần, thì tớ giải thích rằng mạch đang nói ở đây là mạch chỉnh thể. Nếu chú có lòng muốn tiếp tục hỏi tường tận hơn thì tớ không hẹp hòi gì mà chẳng trả lời trực tiếp thẳng vào cốt lõi vấn đề. Nhưng bụng dạ chú chỉ nhộn nhạo, muốn phỉ báng hơn là thật lòng muốn tìm hiểu. Thế thì không nói chuyện văn chương được rồi. Chả hóa ra tớ dùng cái hay của ông Lý Bạch để ăn thua với cái tức khí của chú à? Mà chắc gì đã ăn thua lại chứ!!

    Bao giờ chú tỏ ra hết tức tối, lòng dạ bình thường thì tớ sẽ tử tế đáp lại. Công bằng và đơn giản, nhở!

    ReplyDelete