Monday, October 20, 2008

Entry for October 20, 2008

Báo chí đang hình thành hai trận tuyến trên blog quanh Hải/Chiến, ai đáng phục/đáng trách hơn ai. Đáng chú ý là phóng viên cả hai tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên đều im lặng, vì là người nhà. Chính xác thì có Nguyễn Thế Thịnh của Thanh Niên lên tiếng có ý chê trách anh Hải. Cùng với đó là một bài viết rất có ảnh hưởng của Nguyễn Quang Vinh (Lao Động), em trai Nguyễn Quang Lập. Đối lại là hai bài của Bố Cu Hưng (Pháp luật TPHCM) có take side khá rõ rệt, và bài Osin (SGTT) khen ngợi cả Hải và Chiến, nhưng vẫn có hàm ý (mà rất nhiều người hiểu rằng (còn hiểu đúng hay hiểu nhầm lại là chuyện khác)) là Hải đáng khen hơn Chiến vì Hải biết nhận lỗi còn Chiến thì không. Và chúng ta cần rút kinh nghiệm tập thể.

Mới nhất thêm bài của Thiềm Thừ, báo Tiền Phong, cho rằng anh Hải dũng cảm, còn anh Chiến...thì "
Thật buồn khi nghe nhà báo Nguyễn Việt Chiến nói những lời này. Nó cho thấy, Trung tá Vinh – cũng như nhiều sĩ quan công an khác - rất thân thiết với anh Chiến, với báo Thanh Niên, đến mức gọi là tới, vừa uống rượu vừa nói chuyện về vụ án. Nhưng… “Ta thà chết chứ nhất định không chịu hy sinh, quyết không khai Năm (địch chỉ tìm ba) đồng chí chính uỷ nằm trong đống rơm".


Vậy là phóng viên các báo lớn đều vào cuộc cả: SGTT, Pháp luật TPHCM, Lao động, Tiền phong. Còn báo nào nữa?

Trận chiến có vẻ căng thẳng nhưng nếu tạm coi là có hai phe thì trong dư luận nhà báo-blogger xem ra bên bênh nhà báo Hải có vẻ mạnh hơn bên bênh nhà báo Chiến. Lý do tại sao không hoàn toàn biết được. Nhưng tất nhiên nếu tôi là nhà báo viết blog có tên tuổi rõ ràng thì chắc hẳn tôi cũng sẽ ngần ngại khi viết bài ca ngợi nhà báo Chiến chẳng hạn, bên cạnh những rủi ro dễ thấy (ví dụ, anh Chiến thực ra không trong sáng đến thế) còn có rủi ro khác- quan trọng hơn- là bị quy vào là "phản kháng tòa án", rồi từ "phản kháng tòa án" tới "chống đối chế độ" là một bước không xa. Thà đấm ngực nhận lỗi chung cho cả làng là an toàn nhất, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm tập thể từ nay sẽ viết bài trung thực, đầy đủ nguồn tin, có sự thẩm tra rõ ràng v.v. và v.v. Nhân dân cũng sẽ hài lòng hơn vì thấy báo chí từ xưa tới nay ăn tục nói phét hơi nhiều, chỉ quen làm nhân dân sợ hết hồn nếu chẳng may có ngày bị lên báo (mà không phải mất tiền), hóa ra cũng có ngày biết sợ nhân dân, biết nhận lỗi trước nhân dân... (nhưng chính xác hơn thì phải gọi là biết lỗi với đày tớ của nhân dân). Từ xưa, có mấy khi nhân dân được xin lỗi đâu. Hình như lần gần nhất là cách đây 50 năm, thời Cải cách ruộng đất. Không sao, ngày xưa Cụ Hồ còn phải khóc nhận lỗi với nhân dân cơ mà.

Đùa chứ, tớ không muốn nói ra, nhưng cái chuyện bảo vệ bí mật nguồn tin như là đạo đức của phóng viên nội chính Việt Nam thì tớ thấy quả là hài hước. Thậm chí cái huyền thoại đang được lan truyền rằng anh Hải giữ khí tiết, nhận hết tội về mình để không ảnh hưởng tới "nguồn tin", tớ nghĩ cũng là một huyền thoại để làm êm tai người nghe, vì nó lãng mạn quá, nghe cứ tưởng anh Hải là phóng viên NY Times thà ngồi tù chứ không khai nguồn tin trong Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ. Còn chuyện bia rượu với công an thì tớ tưởng phóng viên nội chính nào cũng thế chứ không chỉ anh Chiến? Anh Hải chẳng lấy tin từ anh Như Phong, cũng trung tá hay thượng tá gì đó ở báo CAND còn gì.

Nói chung, câu chuyện vụ án báo chí này đã bắt đầu qua giai đoạn đáng buồn, và chuyển sang giai đoạn "buồn cười" rồi. Để xem cánh báo chí tiếp tục chiến nhau ra sao.

PS: + Tôi viết tắt tên, không gọi theo đại từ nhân xưng, hy vọng không bị hiểu nhầm là thiếu tôn trọng người liên quan khi viết như vậy.

+ Tôi không hoàn toàn chắc về nhân thân các nhà báo liên quan, nếu có chi tiết nào không chính xác xin cho biết.

+ Bên tathy ngày trước có mục Đổ lỗi và Rửa tội. Tên mục này chính ra rất hợp với câu chuyện báo chí hiên nay.

+ Btw, nên gạt bỏ các huyền thoại. Tớ không nghĩ anh Chiến hay anh Hải ai là anh hùng ở đây cả. Nhưng tớ nghĩ anh Chiến dũng cảm và có nguyên tắc hơn trong cách xử thế so với anh Hải. Như vậy thôi.

+ Đừng thần thánh hóa con người và sức chịu đựng của con người. Như tôi đã nói, ứng cử viên Tổng thống Mỹ McCain trong nhà giam Bắc Việt từng nói với báo giới rằng ông được đối xử tốt trong tù trong khi sau này, ông ta lại cho biết ông ta từng bị tra tấn. McCain cũng khai nhiều hơn những gì được quân đội Mỹ cho phép, thậm chí còn nói với báo chí rằng nước Mỹ đang bị cô lập theo yêu cầu của những người giam ông ta...Thế nhưng về Mỹ, ông ta vẫn thành anh hùng. Hai điều cơ bản nhất mà ông ta không thỏa hiệp trong tù là:

(1). Không chịu được thả ra tù sớm như là một quân bài của Việt Nam vì như thế là vi phạm quy định của quân đội Mỹ và

(2). Không thừa nhận hay xin lỗi vì "tội lỗi" của mình hay cho rằng những việc làm của quân đội Mỹ trong chiến tranh là "tội ác chiến tranh".

Chỉ không thỏa hiệp hai điều đó, ông ta trở thành anh hùng của người Mỹ, và những sự thỏa hiệp nhất định trong tù của ông ta như khai báo nhiều hơn quy định của quân đội, nói tốt về chế độ nhà tù ở Hanoi Hilton trong khi thực ra bị tra tấn... được coi là thỏa hiệp có thể chấp nhận được. Và cho dù kỳ bầu cử Mỹ có chuyện hai bên móc máy quá khứ nhau đến mấy, đảng Dân Chủ cũng không dám lôi những chuyện "thỏa hiệp" của McCain trong tù ra để nói xấu ông, vì như thế sẽ dễ gây ra phản cảm.

16 comments:

  1. Một trận chiến đáng buồn, vì phần lớn những người tham gia đã quên đi vai trò bịt miêng báo chí của chính quyền: - thông qua vị "quan toà" xử lấy được, bất kể những lý luận bào chữa của các bị can và luật sư của họ (nghe đoạn đối thoại với NV Chiến); - và sâu xa hơn nữa, thông qua một điều khoản mơ hồ cho phép nhà nước dễ dàng kết tội bất kỳ ai công khai lên tiếng phản đối các hành vi của bộ máy, quan chức (tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ").
    Tuy nhiên, dù luật báo chí, luật hình sự có những điểm phản dân chủ thế nào, các nhà báo khi hành sự vẫn phải tôn trọng những chuẩn mực nghề nghiệp của mình, điều tra không thể chỉ là lấy các nguồn tin từ công an, chính quyền, bài viết không thể khẳng định những điều chưa có chứng cớ rõ ràng, càng không thể bịa đặt thông tin v.v.
    Theo tôi, đó mới chính là nội dung bài viết của Osin, mà tiếc rằng nhiều người không đọc thấy.

    ReplyDelete
  2. Xin lỗi, vừa rồi tôi gửi nhầm một comment từ blog một người khác. Xin đính chính : Comment "Một trận chiến đáng buồn..." trên đây là của tôi, ký tên Hà Sơn Tây, chứ không phải của NT Quỳnh Mai.

    ReplyDelete
  3. - HSTS cũng có cùng quan điểm với blog Linh là ủng hộ nhà báo Chiến trong cuộc tranh luận Chiến - Hải này, mà cuộc tranh luận này được châm ngòi từ " con vẹt " BBC với bài " ai đúng ái sai? ", điều này cũng cho thấy BBC đang định hướng được giới viết báo trong nước đồng thời điều này cũng thể hiện một sự thật đau xót báo chí chính thống bị loại hoàn toàn ra khỏi cuộc tranh luận này, mà lẽ ra báo chí phải có vai trò chủ chốt để định hướng trong vấn đề này thì buộc phải im lặng, điều này xin được chia buồn với tất cả các nhà báo và cơ quan báo chí trong nước. Nhưng cũng chính vì thế mà một "cuộc chiến" trên blog lại diễn ra sôi nổi và thu hút được đông đảo đội ngũ những người cầm bút đến thế ( bao gồm cả giới nhà văn, nhà báo trong ngoài nước...)
    - HSTS là người theo dõi sát sao và gắn bó với cộng đồng blog cho nên thông tin của Link về việc đang hình thành 2 trận tuyến Hải/Chiến trên blog là chính xác, Còn có thể viện dẫn nhiều dẫn chứng khác như entry của blog Mr Do (báo TN ), phân tích thái độ im lặng của Bùi Thanh...,hoặc một số quck comment của các blog nhà báo nói chuyện với nhau...
    - Phiên toà về vụ án này blog Linh cũng có entry:" vở kịch hạ màn " để nói lên sự thật về một " Phiên toà ", Như vậy thì bản án dành cho cả 4 người trên có cần bàn đến nhiều như vậy không? Làm thế không khéo bọn tham nhũng ở ngoài nó cuời cho vào mặt những nhà báo ...
    - Còn về nhà báo Hải thì tiếc cho ai vẫn còn ngây thơ cho anh là anh hùng vì bảo vệ nguồn tin, ai dám đảm bảo rằng nguồn tin được anh Hải " giữ kín " trước cơ quan điều tra ? ...

    ReplyDelete
  4. +Khúc trên thấy anh có vẻ nghiêng về anh Hải, nhưng kết bài lại thích anh Chiến hơn. Ở giữa thì thích ngồi ngoài nhìn thiên hạ chiến đấu.
    +"Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên"

    ReplyDelete
  5. Em thấy cũng bắt đầu đến đoạn buồn cười. Có điều anh Hải mới ngoài 30 còn anh Chiến đã sắp lục tuần. Ở cái tuổi của anh Chiến cũng dễ quyết định sống như chính mình hơn là anh Hải.

    ReplyDelete
  6. Tôi nghĩ Anh Linh trong entry trước gọi đây là một vở kịch cũng đúng, hay gọi đây là tấn trò đời cho nó kêu, vì ta thấy rõ là anh Chiến và anh Hải chỉ là diễn viên thôi. Ta chẳng cần sa đà vào chuyện ai đúng ai sai làm gì vì rành rành là cái nhà nước vô cùng powerful của mình thích cho ai vào tù thì cho, thích cho kiểu gì cũng được, oách như Nguyễn Việt Tiến mà còn "oan uổng" thế thì mấy chú nhà báo công cụ tuyên truyền của Đảng sa cơ cũng giống con kiến leo phải cành cụt leo ra leo vào.

    ReplyDelete
  7. Xin bài thơ của anh Chiến trên blog của anh. Cảm ơn anh nhé.
    Xin trước cảm ơn sau. híc.

    ReplyDelete
  8. Lý do đơn giản mà cũng rất ư là mắc cười. Vì hầu hết họ ko ưa gì báo Thanh Niên. Họ dù cảm phục anh Chiến cũng không thể nào ca ngợi, tôn vinh được. Họ xuất thân từ Tuổi Trẻ, làm mọi cách để bênh vực Tuổi Trẻ và anh Hải. Họ không muốn và không bao giờ muốn Thanh Niên chiến thắng TT trong bất kỳ vụ án, sự kiện nào. Ca ngợi anh Chiến có khác gì gián tiếp ca ngợi Thanh Niên.
    Nhiều chuyện xảy ra, họ luôn chĩa mũi dùi và sự lên án tập trung vào TN. Họ thương TT nên vị tha hơn. Nhưng rõ ràng trong vụ này, nhiều blogger nhà báo đã không sòng phẳng. Và họ không muốn qua chuyện này góp phần vào việc gián tiếp ngợi ca TN.
    Có 1 chuyện mắc cười là Minh Luận của TT đã bẫy được Huy Khâm Reuters khi lảng vảng trước tòa án để nhờ Huy Khâm nói hộ ý tưởng anh Hải bảo vệ nguồn tin.
    TT đã không vượt qua cái bóng của chính mình. Và luôn sống trong hào quang.
    Mà lẽ ra, họ cần phải nhìn nhận sự thật, trong vụ này, rõ ràng anh Hải đã không còn là một nhà báo tuyệt vời như cách họ đã tung hô khi anh bị bắt.

    ReplyDelete
  9. Nếu tay Hải mà có viết báo lại, tôi thề không bao giờ đọc hắn. Chính hắn cũng đã tự nhận là viết láo rồi còn gì ?

    ReplyDelete
  10. Nói chung, tui thấy các đại nhà báo của Việt Nam chẳng mấy khi ưa nhau! Đó là sự thật. Ngoại trừ tính bầy đàn, a dua khi chơi cùng hội với nhau thì không kể. Nhưng chỉ riêng cái tính không ưa gì nhau đó cũng đủ để không mấy ai can đảm khen và trân trọng người khác thực lòng.
    Tôi đồng ý với Linh ở ý kiến cho rằng những nhà báo không ca ngợi (khen) Anh Chiến là vì họ có sự sợ hãi riêng của họ. Bản thân tôi, khi đặt phím (hổng phải bút) viết comment và blast không phải là không có sự e ngại nhất định. (Hèn thế đấy). Nhưng thực lòng, không thể không lên tiếng, dù biết cái tiếng của mình là nhỏ nhoi, chẳng ai quan tâm và chẳng thay đổi được gì.
    Tôi không xem Anh Chiến là anh hùng. Tôi cũng không xem anh Hải là một người không tốt khi quyết định nhận mọi thứ. Nhưng tôi thương Anh Chiến và nể trọng anh vì cách anh đã chọn. Ít nhất, dù đúng hay sai thì anh ấy đã tin và đã đi theo sự xác tín của mình!
    Là một người không phải trong cuộc nhưng tin nội bộ, tôi cũng biết ít nhiều.
    Cả hai người đó đều có những nỗi khổ tâm riêng của họ. Họ có những niềm riêng khó tỏ bày và cũng không có cơ hội để bày tỏ hay giải thích với công luận. Làm việc trong một cơ quan (báo chí) nhà nước Việt Nam, có những ràng buộc/ quy định phức tạp mà những người ở ngoài không hiểu, không chia sẻ được.
    Những cay đắng mà cả hai con người đó đã/ phải nếm trải, tất cả những người ngồi ở đây, không đủ tư cách để chê bai họ. Nói như lời một nhà thơ thì nếu bạn chưa đủ khổ đau thì bạn không có quyền để nói về hạnh phúc.
    Quay trở lại trận chiến nhà báo (là blogger), bản thân tôi COI KHINH tất cả những ai nhân danh bất cứ cái gì đó để miệt thị Anh Chiến lẫn coi thường Anh Hải. Tôi cũng KHINH BỈ những người NHÂN CƠ HỘI hai anh như thế này để tỏ ra thông thái, hơn người và dạy dỗ những người làm báo khác.
    Nhớ câu thơ cay đắng của ai đó mà em Nâu trích lại: cùng trong chảo gang nóng, những con sâu cái kiến sẽ bò đi đâu để thoát khỏi chết bây giờ? Thế nên, con chưa chết cười con đang chết, cười con tìm cách bò ra ngoài. Để rồi cả lũ chết cùng nhau.
    Đơn giản có thế thôi.

    ReplyDelete
  11. Nhà báo đang dành phần của giới văn nghệ sĩ trong việc ị vào mồm nhau... hehe...

    ReplyDelete
  12. Toi thay ca 2 nha bao do deu dang thuong! Cai BUON-CUOI o day la nguoi ta van thich phan xet nguoi khac hon la dat chinh ban minh vao hoan canh cua ho de ma xem minh se hanh xu nhu the nao cho giong 1 CON NGUOI dang ton tai trong 1 XA HOI NGUOI.

    ReplyDelete
  13. LuBu nghĩ chuyện ai hơn ai phải còn hạ hồi phân giải. Hai năm nữa, ai nhìn mặt được ai? Ai còn dám cầm bút viết tiếp mới là điều quan trọng.

    Tuy vậy, Lubu cũng không hoàn toàn ủng hộ cách thực hiện của anh Chiến. Tướng ra trận, thắng hay bại thường nằm ở chộ tài hiểu rõ đối phương mà đưa sách lược uyển chuyển. Đôi khi không làm gì cũng là một sách lược khôn ngoan, đôi khi lùi để tiến cũng là một cách. Dành thời gian 2 năm để suy nghĩ về một cái lỗi của cả một tập thể thì hơi đáng tiếc.

    Con sâu nằm trong chảo gang thì tất nhiên phải chit. Con người cũng có những cái chết được báo trước. Khi sự lựa chọn không có nhiều thì làm sao "giảm thiểu rủi ro" là hay nhất. Không phải lúc nào cũng có Bụt hiện ra cứu Tấm.

    ReplyDelete
  14. @ Sài Gò: "Tôi cũng KHINH BỈ những người NHÂN CƠ HỘI hai anh như thế này để tỏ ra thông thái, hơn người và dạy dỗ những người làm báo khác."
    - Tôi cũng thế. Tôi nhớ rằng sau khi hai nhà báo bị bắt, nhiều nguyên đồng nghiệp của họ đã lên tiếng dạy đời: "Từ chuyện 2 ngà báo bị bắt: Bài học nào trong sử dụng nguồn tin?", "Hãy luôn giữ đầu óc tỉnh táo"...
    - Tôi cảm thấy thất vọng khi sau phiên tòa, các nhà báo ta lại phơi bày cái bản chất nhỏ nhen cố hữu của NGƯỜI VIỆT, chúi mũi vào tranh cãi chuyện "phe tao hơn phe mày", trong khi thờ ơ trước những hành động nhạo báng công lý.

    ReplyDelete
  15. nghe đâu bài báo bài thơ nào của anh Chiến đều bị xoá hết rùi

    ReplyDelete
  16. @Phan xi nê: Xóa trên báo ta đăng trên blog! Xóa trong suy nghĩ, trong tâm can người khác là điều chẳng ai làm được!
    Đồng ý với bác Mr. Do: cái chuyện phe tao với phe mày buồn cười và tớ đã chán ngấy điều đó rồi, kể từ ngày đặt chân vào làng báo. Ngoài công việc, tớ đi về nhà với gia đình, hun con cho nó sướng!

    ReplyDelete