Wednesday, October 15, 2008

Vở kịch hạ màn


Phiên tòa hai nhà báo (gọi tắt) này là một phiên tòa rất đặc biệt. Khác với vụ án Điều Cày cách đây vài tháng được xử dấm dúi và người ta không thể biết những gì diễn ra tại phiên tòa đó (dù tất nhiên là biết, đó chỉ là một trò hề và chánh án sẽ chỉ đọc những gì đã được viết sẵn), phiên tòa này diễn ra công khai và lần đầu tiên công chúng trong và ngoài nước có thể theo dõi chặt chẽ phiên tòa qua những tường thuật, và cả băng ghi âm một số diễn biến của phiên tòa được đưa lên mạng. Thực tình, tôi chưa đọc/nghe hết những gì liên quan nên chỉ nói trên cơ sở những gì mình đọc hay nghe qua.

Phiên tòa này còn đặc biệt ở thái độ ứng xử khác nhau của hai nhà báo và phán quyết rất khác nhau đối với hai người cho cùng một tội danh. Anh Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi Trẻ, được tha ngay tại tòa và được khôi phục quyền công dân, trong khi anh Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên, bị xử 2 năm tù. Tại sao lại có sự khác biệt này?

Sự trớ trêu lại ở chỗ, anh Chiến bị xử nặng hơn chính vì anh thực hiện đúng theo pháp luật. Theo luật pháp, nếu có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát hay Chánh án tòa án cấp tỉnh thì phóng viên sẽ phải tiết lộ bí mật nguồn tin. Chắc chắn trong vụ này đã có yêu cầu tương tự và phóng viên Chiến đã cung cấp hàng loạt băng ghi âm cho cơ quan điều tra để chứng minh rằng mình vô tội và quả thực đã có những nguồn tin từ cấp tá tới cấp tướng trong cơ quan điều tra cung cấp cho anh. Ngay trong đoạn băng ghi âm trước tòa, anh Chiến cũng nhắc tới một trung tá công an tên Vinh và người này không hề xuất hiện trong cáo trạng. Anh cũng nhắc tới Trung tướng Ngọ, Trung tướng Oánh, vài vị tướng công an khác…và những người này thậm chí không được mời ra tòa làm nhân chứng. Còn nhớ sau khi anh Chiến bị bắt, báo Thanh Niên đã viết bài khẳng định còn giữ bản ghi âm cuộc nói chuyện với Trung tướng Ngọ trong đó ông Ngọ thừa nhận thông tin về 40 quan chức.

Tại phiên tòa, anh Chiến đề nghị tòa án công khai những đoạn băng ghi âm anh cung cấp cho cơ quan điều tra. Tòa án không trả lời gì cho yêu cầu này của anh. Và anh trở thành người bị xử nặng nhất, nặng hơn cả công an Huynh, người cung cấp tin tức cho báo chí, chỉ vì anh thực sự tin tưởng là bằng cách tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, anh có thể chứng minh rằng mình vô tội, không bịa đặt tin tức như cáo trạng nêu ra- điều này có thể thấy trong phát biểu cuối cùng của anh trước tòa.

Đáng tiếc thay , anh Chiến không hiểu rằng phiên tòa này chỉ là vở kịch và anh là diễn viên đã được đạo diễn sắm cho vai “chết”, nhưng chết đau thương hay chết nhẹ nhàng là tùy thuộc vào thái độ “diễn” của anh. Dù anh có cung cấp bao nhiêu băng ghi âm đi nữa thì anh cũng sẽ bị xử như con dê tế thần thôi. Thậm chí chính việc anh hợp tác với cơ quan điều tra, lôi ra một loạt tên tuổi trong ngành công an và những dấu hiệu về sự đấu đá nội bộ của họ lại càng là yếu tố khiến anh bị xử nặng hơn. Bởi vì người ta không thể để động xuồng rồi cả lũ cùng chết chìm trên xuồng đó. Họ cần phải dập thế nào càng im càng tốt, cảnh cáo một viên tướng công an thất thế và tống vào tù 1 năm cho viên thượng tá, thế là đủ rồi. Không nên tiếp tục lôi tên của những Oánh, những Ngọ…ra trước tòa án làm gì.

Vậy là người thực sự tin rằng tòa án không phải vở tuồng phải chịu cái án nặng nhất, 2 năm tù. Cái án này dù sao cũng hợp với bản chất thi sĩ lãng mạn của anh, với niềm tin rằng nếu tôi vô tội, tôi sẽ không nhận tội. Nhiều người có thể cho rằng anh thiếu khôn ngoan, khi không chịu đóng vai tuồng người ta sắm cho anh, là ngoan ngoãn cúi đầu nhận tội, thành khẩn trước bình minh, để có thể nhận được án nhẹ hơn. Nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người đều cảm phục anh. Tất nhiên, ở đây còn một vấn đề hơi tinh tế hơn: đó là anh Chiến có thể không ý thức được rằng có vở tuồng như thế. Người ta không thể đến nhà giam mà đặt vấn đề thẳng với anh, rằng nếu anh nhận là mình bịa đặt tin tức và chỉ lấy tin bịa đặt từ ông Quắc, ông Huynh thì họ sẽ xử nhẹ cho anh.

Anh Chiến rơi vào tình thế chọn hai phương án: một là đấu tranh, tung hê tất cả lên và hy vọng họ sẽ xử anh trắng án vì quả thực thấy anh vô tội hay vì muốn êm xuồng; hai là ngoan ngoãn hợp tác bằng cách nhận tội, không lôi thêm ông Vinh, ông Ngọ… vào nữa. Anh Chiến chọn cách thứ nhất, có lẽ một phần vì vẫn có những ảo tưởng nào đó vào pháp luật, và một phần vì niềm tin chân chính rằng mình vô tội thì không thể dối lòng nhận tội. Nhưng như ai đó (cụ thể: một ông giáo sư Nhật và một ông cựu quan chức Việt Nam) nói, dưới chế độ này thì tất cả đều là các tù nhân dự bị, ai cũng có cái “tội” nào đó, làm sao có thể cãi rằng mình “vô tội” được chứ, như thế khác nào là cười nhạo cả bộ máy điều tra-kiểm sát-tòa án khổng lồ được huy động để xử vụ này. Hai năm tù cho một niềm tin vào sự trung thực và công lý. Thực ra cũng còn là nhẹ so với nhiều người khác.

Về phía anh Hải, anh làm đúng như những gì người ta kỳ vọng từ “vai diễn” của anh: thừa nhận cáo trạng của cơ quan điều tra trong đó khẳng định có sự bịa đặt trong việc đưa tin, và không dây dưa lôi tướng A, tá B…vào cuộc nữa. Anh Hải hiểu rõ mình đang ở trong vở kịch và thái độ ứng xử duy nhất có thể cứu vãn được mình là làm như anh làm. Vì thái độ “thành khẩn” của anh nên người ta xử anh tự do ngay sau phiên tòa. Việc xử hai nhà báo cùng bị kết tội giống nhau nhưng có thái độ “thành khẩn” khác nhau còn có tác dụng mạnh như một tín hiệu tới giới báo chí trong tương lai. Nếu ngoan ngoãn nhận tội sẽ được “khoan hồng”, còn ngoan cố sẽ bị trừng phạt nặng.

Tôi tin rằng hầu hết mọi người (có thể cả tôi) nếu ở trong trường hợp của anh Hải sẽ có sự lựa chọn như anh: giữa tự do trước cửa và nhà tù sau lưng, giữa một bên là vòng tay của những người thân yêu, và bên kia là những bạn tù dữ dằn, xăm trổ đầy người. Anh Hải vẫn là người dũng cảm, trong phạm vi sự dũng cảm thông thường cho phép. Hơn thế, có thể còn bảo vệ được nguồn tin (?). Nhưng không thể nói anh là nhà báo thực sự trung thực bởi kiểu gì anh cũng đã có sự lừa dối: hoặc lừa dối bạn đọc khi bịa đặt tin tức
trên báo, hoặc lừa dối công lý (thứ công lý của lương tâm, chứ không phải công lý tòa án) khi nhận có tội trong khi vô tội. Nhưng nếu cơ quan đại diện cho công lý là tòa án bắt bạn phải lừa dối mới được tự do thì bạn chọn gì, nghe theo thứ công lý nào?

Một điều trớ trêu là tòa án thay đổi tội danh hai nhà báo vào phút chót: sửa từ tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sang lợi dụng quyền tự do, dân chủ. Việc thay đổi tội danh này khiến vụ án thay đổi hẳn sắc thái, từ việc xử lý các nhà báo như những viên chức Nhà nước, sang việc xử lý họ như những công dân. Và tính chất của vụ việc cũng chuyển sắc thái sang một hình thức răn đe đối với “tự do, dân chủ”.

Đối với hai viên chức công an, họ bị xử lý như những người thua cuộc trong những cuộc tranh chấp nội bộ trong ngành. Vị tướng già Phạm Xuân Quắc bị cảnh cáo và thật ra, chưa từng phải ngồi tù một ngày nào. Án cảnh cáo chỉ là việc người ta khắc lên đầu ông cái ấn ghi chữ “kẻ thua cuộc” (loser, loser, cuộc đua kết thúc). Ông Thượng tá Huynh bị xử 1 năm tù, nhẹ hơn mức án đề nghị (tương đương nhà báo Chiến). Nghe nói, cuối phiên xử, ông đã nhận tội và có lẽ vì thế nên tòa đã “khoan hồng” với kẻ “biết điều”. Vậy là vở kịch hạ màn. Người tiết lộ bí mật cho báo chí bị xử 1 năm tù trong khi nhà báo đưa tin trên cơ sở những tin tức của sĩ quan công an cung cấp bị xử 2 năm tù. Đó là công lý made in Viet Nam.

45 comments:

  1. haha haha haha
    ngu ngơ lắm
    chả biết gì
    chỉ biết cười
    nói sợ đi tù thì tội em lắm

    ReplyDelete
  2. Cái này viết kịch bản dựng phim được đây.

    ReplyDelete
  3. Mình ko vào hoàn cảnh 2 bác nên cũng ko biết là sẽ lựa chọn ntn. Nhưng có thể thấy bác Chiến bị tù thật 2 năm chẳng nhằm nhò gì so với bác Hải bị "tù ảo" cả đời. Chỉ hy vọng là 2 năm trong tù không bị làm cho tổn hại đến sức khỏe / tinh thần quá nhiều. Btw, bài này của bác Linh đọc phê!

    ReplyDelete
  4. Bài Linh viết có tầm lắm. Đọc để cảm nhận số phận con người trong xã hội VN ngày nay. Các bạn nào còn trong tâm thế "state of denial", đọc bài này chắc sáng ra thêm một chút.

    ReplyDelete
  5. hahaha (sao tui giờ giống Thằng Hề chỉ có cười hahaha thôi). Hahaha

    ReplyDelete
  6. Cung chua chac ong chien khong biet day la vo Kich

    ReplyDelete
  7. Nền tư pháp nhà mình là nền tư pháp a lô, các bạn ở trên a lô xuống bảo thế nào thì các bạn ở dưới cứ thế mà mần thôi, cãi nhau trước toà kiểu gì cũng vô ích tốn tiền mất thời gian.

    Truyền thông một chiều chính ra lại hại các bạn cầm quyền, vì giờ các bạn không thật sự biết nhân dân đang nghĩ gì. Tuy hệ thống thối nát và đang dần thoái hóa, nhưng chắc nó cũng tồn tại thêm vài chục năm nữa. Hehehe, thôi cố sống nốt để còn thấy tương lai dân tộc có chút le lói hy vọng :D

    ReplyDelete
  8. [Người ta không thể đến nhà giam mà đặt vấn đề thẳng với anh, rằng nếu anh nhận là mình bịa đặt tin tức và chỉ lấy tin bịa đặt từ ông Quắc, ông Huynh thì họ sẽ xử nhẹ cho anh.]

    Em đã đọc bản cáo trạng, phần kết luận về tội danh của 2 nhà báo giống hệt nhau, chỉ khác ở chỗ ông Hải thì được ghi nhận là có hợp tác, thừa nhận sai lầm, còn ông Chiến thì ngược lại. Như vậy hiển nhiên là ông Chiến sẽ thừa hiểu là vì cớ gì mà ông ấy lại nhận một cái án do VKS đề xuất nặng hơn đồng nghiệp.

    Nghe phần đối chất của ông Chiến trước toà thì người nghe có thể nhận thấy, một cách gián tiếp, ông Chiến đã thể hiện việc không tin tưởng vào ngành tư pháp, rồi cả ngành lập pháp của Việt Nam nữa. Cụ thể là ông Chiến một mực cho rằng những thông tin mà mình đưa là không sai sự thật, trong khi ông chủ toạ nói rằng "người ta (cơ quan điều tra, toà xử vụ PMU18) kết luận rồi, không có", đấy là sự ko tin tưởng vào ngành tư pháp. Ông Chiến khi được hỏi là việc đăng những tin như vậy thì có thuộc lộ mật hay ko, ông Chiến trả lời là không, mặc cho mấy ông thẩm phán lôi luật, quy định này kia ra, đấy là thể hiện sự bất đồng, thiếu tin tưởng vào ngành lập pháp.

    Em cho rằng bởi 2 lý do có phần "chống đối chế độ" trên nên ông Chiến mới bị án nặng hơn đồng nghiệp. Cứ nhìn ông Huynh, án phạt tù ban đầu cũng như ông Chiến, nhưng sau 1 đêm suy nghĩ, thừa nhận sai lầm là án nhẹ đi hẳn 1 nửa. Như vậy, thông điệp của chính quyền, đúng như anh nói, là ai ngoan ngoãn thì sẽ được khoan hồng và ngược lại. Nhưng cái sự ngoan ngoãn này cũng phức tạp, ngoan ngoãn mà chính quyền mong muốn là ko thể hiện sự chống đối chế độ, chứ ko hẳn là một sự phục tùng. Đây là một bước lùi của chính quyền so với dưới thời kinh tế kế hoạch hoá, họ đòi hỏi sự phục tùng.

    ReplyDelete
  9. Về phía ông Hải, có một số người cho rằng ông Hải bảo vệ được nguồn tin. Nhưng điều đó là không thể. Một khi ông Hải thừa nhận rằng mình đưa tin sai sự thật, thì hiển nhiên cơ quan điều tra của vụ án này sẽ không bao giờ bỏ qua việc yêu cầu ông Hải phải khai ra người đã cung cấp những cái tin sai sự thật đó. Nếu ông Hải không khai, thì bản cáo trạng sẽ không có những dòng dành cho ông này là "có thái độ hợp tác, thành khẩn...".

    ReplyDelete
  10. Không biết từ giờ đến cuối đời Hải có còn dám nhìn mặt anh Chiến nữa không, dù tất cả mọi người kể cả anh Chiến hiểu và thông cảm cho Hải.

    Về chuyện "nguyên nhà báo" tôi vẫn tin rằng chế độ này sẽ không tồn tại đủ lâu để cấm hai anh Hải/Chiến viết báo suốt đời.

    Mong anh Chiến sẽ viết hồi ký sau khi ra tù.

    ReplyDelete
  11. Đọc cái này thấm thía thật! Ủng hộ cái bạn ở nước tư bản giãy chết ăn gì mà thâm thúy thế chả biết? Hôm qua, Sài Gòn ngóng tin Hà Nội từng giây, dù biết chắc chắn là kết quả như vậy rồi. Xin đừng trách anh Hải, bởi lẽ, nếu tôi là anh ấy, có khi tôi cũng chọn cách đó. Thương anh Chiến vì sự dũng cảm lẫn ngây thơ, lãng mạn (?) lẫn anh Hải (vì bây giờ, trong mắt người đời, anh ấy không còn ngời sáng nữa mà dường như đã ...). Thương cho cả mấy nghìn người im tiếng (dù trong số đó rất hay có những cái miệng ngoác ra chửi mắng một chi tiết nào đó không đúng ý họ trong kịch bản phim hay trong tác phẩm văn học). Một con chim nhại nữa không bị giết (may thế chả biết) mà bị nhốt 2 năm (trừ hơn 4 tháng tạm giam, còn gần 20 tháng tù). Có ai vào tù thăm Mr. Romance, cho tôi gửi lời nhắn: cứ bình thản ở trong tù làm thơ, anh Chiến ạ. Anh ra tù, xuất bản thơ (nếu còn được cấp phép, mà việc quái gì không cấp phép nhỉ?) thì anh hãy ra tập thơ và blogger triệu page views là Linh sẽ PR miễn phí cho anh! Hahaha

    ReplyDelete
  12. "Đáng tiếc thay , anh Chiến không hiểu rằng phiên tòa này chỉ là vở kịch và anh là diễn viên đã được đạo diễn sắm cho vai “chết”, nhưng chết đau thương hay chết nhẹ nhàng là tùy thuộc vào thái độ “diễn” của anh."

    Cái này anh Chiến hiểu rõ lắm bác Linh ạ. Tuy nhiên anh ý cũng hiểu là con người ta còn có cái lương tâm.

    ReplyDelete
  13. Tôi nghĩ là anh Chiến hoàn toàn hiểu phiên tòa là 1 vở kịch (sau cả 1 năm bị thẩm vấn để ép tội). Anh ý cũng đã cân nhắc về cái được cái mất khi chọn giải pháp bảo vệ sự vô tội của anh ý đến cùng. Anh ý có lẽ không muốn đánh đổi cái uy tín nghề nghiệp 20 năm với sự "tha bổng" nếu "ngoan ngoãn đóng vai nhận tội". Anh ý là nhà thơ nên sẽ rất dằn vặn về sự "cúi đầu hèn nhát" nếu nhận tội. Tôi nghĩ anh Hải từ hôm qua đã bắt đầu phải sống với 1 sự dằn vặt bản thân, nó sẽ đeo bám anh ý lâu hơn thời gian mà anh Chiến phải ngồi trong tù.
    Tôi nghĩ nhưng gì anh Chiến nói trước tòa, nhất là những lời sau cùng cũng như là 1 cơ hội để anh "viết" thêm 1 bài báo nữa tố cáo chế độ tham nhũng và lũng đoạn luật pháp. Vở kịch đã không hề tẻ nhạt chính vì có hành động của anh Chiến.
    (Không biết liệu tiếp theo đấy, sau khi anh Hải thừa nhận "sai", thì anh Bùi Thanh có phải viết lại bài đính chính trên báo TT không nhỉ?.)

    ReplyDelete
  14. Quá 50 tuổi, người ta hiểu rõ hơn lẽ đời, cũng đã chọn cái để đi, không còn chập chững như tuổi 30.

    ReplyDelete
  15. Ha ha anh Linh dạo này rất thẳng thắn dũng cảm. Đọc thấy phê. Em hèn thì em khuân về blog làm kỷ niệm một tý vì cái đôi lần uất đến nghẹn cổ :D

    ReplyDelete
  16. Nói chú Chiến không biết đây là một vớ kịch thì e rằng chủ nhà đã nhận định sai. Mình nghĩ chú Chiến thừa hiểu vấn đề nhưng tính cương trực của chú Chiến không cho phép chú ấy sống hèn đi. Chân thanh mong chú Chiến luôn mạnh khoẻ và giàu nghị lực trong 20 tháng tới.

    ReplyDelete
  17. Liệu anh Hải với lựa chọn của mình,sau này vẫn đi tiếp con đường mà anh đã từng đi.Để bớt đi nỗi hổ thẹn (nếu còn) với anh Chiến,với độc giả,và với lương tâm của anh?

    Hay anh sẽ chùn bước và chấp nhận?

    ReplyDelete
  18. Làm báo chân chính bao giờ cũng khó. Vừa làm nghề cho trọn vẹn lương tâm, vừa phục vụ nhu cầu thông tin của độc giả vừa tự bảo vệ mình trước những trò đời (nhất là những cái đeo danh công lý).

    ReplyDelete
  19. @Siriusstar: Công nhận vụ này nhiều tình tiết hấp dẫn, khéo dựng phim thì ăn khách. Vì người thật, việc thật, lại scandal ầm ĩ lôi kéo sự chú ý của truyền thông và dư luận suốt mấy tháng qua.

    Nhưng xử lý đống chất liệu đồ sộ ấy đếch dễ tý nào. Biên kịch mà ko chắc tay là thành mớ hổ lốn ngay.

    2 nhà báo Hải và Chiến xét cho cùng cũng chỉ là nạn nhân, của những thế lực cao hơn. 1 người viết kịch bản thấu hiểu rất rõ điều này là Nguyễn Mạnh Tuấn.

    Trong kịch bản phim của ông, những nhân vật có vị trí cao nhất, thủ đoạn nhất, tận hưởng lợi nhất… hầu như ko bị sờ mó đến. Luôn ở 1 kín đáo, an toàn và khó nhận diện.

    Ví dụ: Trong “Đồng tiền xương máu”, “Lưới trời”, “Nghề báo”… những kẻ chết/trả giá là những con bài cấp thấp bị lợi dụng/tận dụng.

    ReplyDelete
  20. Nói chú Chiến không biết đây là một vở kịch thì e rằng chủ nhà đánh giá thấp chú ấy. Mình nghĩ chú Chiến là một người cương trực nên không thể sống hèn đi được. Chân thành chúc chú Chiến nhiều sức khoẻ và nghị lực trong 20 tháng sắp tới.

    ReplyDelete
  21. Người ta xem việc quyết liệt tự bảo vệ mình là thiếu thành khẩn. Còn im miệng cúi đầu là thiện chí hợp tác. Cùng một tội như nhau, người được tha bổng ngay tại Tòa, người bị nhốt 2 năm. Có nghĩa pháp luật là sợi dây thun, có thể co giãn tùy cảm nhận của ông Tòa. Xem vụ này nhớ vở Nghêu Sò Ốc Hến, quan huyện phán : "phạt Trùm Sò thêm 10 quan vì cái tội khóc nghe thấy ghét"

    ReplyDelete
  22. Người ta xem việc quyết liệt tự bảo vệ mình là thiếu thành khẩn. Còn im miệng cúi đầu là thiện chí hợp tác. Cùng một tội như nhau, người được tha bổng ngay tại Tòa, người bị nhốt 2 năm. Có nghĩa pháp luật là sợi dây thun, có thể co giãn tùy cảm nhận của ông Tòa. Xem vụ này nhớ vở Nghêu Sò Ốc Hến, quan huyện phán : "phạt Trùm Sò thêm 10 quan vì cái tội khóc nghe thấy ghét"

    ReplyDelete
  23. That ra bay gio bat dau them cho vo kich tiep theo thoi. Cac bac thu xem bac Chien khang cao nhu the nao, va se duoc xu phuc tham ra sao. TW Dang co 1 uy ban chuyen dieu tra ve phan hoi xa hoi se tu van ra sao.

    Neu moi chuyen tiep tuc xau thi se coi bac Chien co phai hoan thanh day du 2 nam thoi, hay la duoc giam an chi can thi hanh an 2/3.

    Neu khong co tam guong 2 nam cua bac Chien thi bay gio vu hoi lo cua PCI, trong du an dai lo Dong Tay nam te he tren tat ca mat bao roi.

    (Sorry vi khong co font tieng Viet)

    ReplyDelete
  24. Người ta nói " Ngũ thập tri thiên mệnh" , chắc vậy mà bác Chiến không cúi đầu. Lẽ làm người không cho phép làm thế nữa là lẽ trời!

    ReplyDelete
  25. Tôi có một thắc mắc là tại sao trong thời gian xảy ra phiên tòa, tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế bỏ đi Đức để "mua máy in".

    ReplyDelete
  26. Chắc ông ấy cũng phải lo giữ ghế của họ nữa chứ, có mặt thì biết nói gì!
    Buồn cái là không chỉ TBT mà còn không có một nhân vật cao cấp nào của hai tòa báo lên tiếng nói về vụ này. Tất nhiên, ai cũng hiểu tại sao: họ đã từng lên tiếng và đã nhận hậu quả.
    Chị 2 4 6 có gặp bác Khế đang shopping bên Đức không thế?

    ReplyDelete
  27. Linh dạo này viết động chạm quá nhỉ, nhất là đoạn ông giáo sư Nhật nói.
    Ko hiểu sau khi ra tù các cựu nhà báo này có được tiếp tục làm nhà báo ko nhỉ.

    ReplyDelete
  28. Tôi rất tâm đắc bài viết này. Xin phép anh Linh copy về blog.

    Tiếc là anh Chiến đã nói ko với hối lộ tham nhũng, ko chăm sóc quản giáo thì khó mà ra trại sớm.
    Btw, nếu nói là anh Hải được phục hồi quyền công dân thì chưa đúng hòan tòan, vì án cải tạo ko giam giữ vẫn đi kèm với bị quản chế ở địa phương, điểm danh ở công an đều đặn...

    ReplyDelete
  29. Tôi rất tâm đắc bài viết này. Xin phép anh Linh copy về blog.

    Tiếc là anh Chiến đã nói ko với hối lộ tham nhũng, ko chăm sóc quản giáo thì khó mà ra trại sớm.
    Btw, nếu nói là anh Hải được phục hồi quyền công dân thì chưa đúng hòan tòan, vì án cải tạo ko giam giữ vẫn đi kèm với bị quản chế ở địa phương, điểm danh ở công an đều đặn...

    ReplyDelete
  30. Thật đáng thương cho những ai còn tin là có công lý trong xã hội Cộng Sản!!!!!!!!!!

    ReplyDelete
  31. Nhưng nếu cơ quan đại diện cho công lý là tòa án bắt bạn phải lừa dối mới được tự do thì bạn chọn gì, nghe theo thứ công lý nào?

    Câu này em thấy đáng để suy nghĩ thật. Có lẽ nào tất cả những người dân VN đã góp phần tạo nên cái gọi là Cơ quan đại diện cho Kông lý?

    ReplyDelete
  32. anh Chiến không hiểu rằng phiên tòa này chỉ là vở kịch và anh là diễn viên đã được đạo diễn sắm cho vai “chết”

    ReplyDelete
  33. Anh Nguyễn Công Khế hành xử vụ này kể cũng...hơi gây thất vọng. Nhưng biết sao, ai cũng có những áp lực của họ. Nhưng dù sao, Thanh Niên cũng còn chút dũng khí nhỏ nhoi khi tường thuật phiên tòa trên online rất chi tiết và còn bỏ những phát biểu của Anh Chiến vào khung cho nó hoành văn tráng...Trong khi đó, Tuổi Trẻ thì giấu rất kỹ và viết rất ít.
    Trong vụ này, tôi thấy mình mến ban biên tập của Vietnamnet và VNexpress. Dù vì "hot" hay vì "tình cảm đồng nghiệp", họ vẫn không giấu chính kiến của mình.
    Làm báo ở Việt Nam, không hèn không làm được. Sống ở Việt Nam, không hèn không sống được. Nhưng hèn ở mức độ nào nên dừng lại là chuyện sống còn của mỗi cá nhân để còn nhìn được mặt bạn nghề.
    Tôi chỉ xem nghề báo là sự mưu sinh chứ không thể là lẽ dấn thân nên tôi không quá đau đớn. Có lẽ, tôi chưa bao giờ sống lý tưởng (và ảo tưởng) rằng nhà báo/ nhà văn/ nhà giáo là những người có khả năng tác động đến xã hội, tinh thần người khác qua tác phẩm/ hành động của mình nên tôi không bị sụp đổ dù xung quanh tôi có xảy ra chuyện gì. Vả lại, tôi cũng là người sống theo chủ nghĩa bi quan (chẳng mấy khi tin là còn có hoa cúc xanh trên đầm lầy) nên cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên trước mọi thứ quanh mình. Nói tôi vô cảm chắc cũng đúng.
    Nhưng hôm nay tôi buồn, buồn lắm.
    Tôi cứ đặt giả thiết là anh Hải đừng quay lưng, cứ cố đứng chung chiến tuyến, ông Huynh đừng một đêm thay đổi thì biết đâu đấy, họ sẽ thả cả hai (hoặc nhốt cả hai)
    Cứ tự an ủi mình, thôi thì một anh ra ngoài cũng tốt rồi. Nhưng mà sao nghe mặn đắng trong lòng.
    Phản ứng của Tuổi Trẻ trước những vấn đề cần mạnh mẽ lại thường yếu ớt và đi vòng. Vụ Lan Anh, chính Hoàng Hải Vân viết trên Chào buổi sáng của Thanh Niên một bài khẳng định Lan Anh không có tội. Trong khi Tuổi Trẻ lại mượn lời của ông nọ bà kia. Dĩ nhiên, đó cũng là thái độ nhưng thái độ phản kháng kiểu đó tôi không thích, không phục.
    Còn nhớ, phản ứng đầu tiên của Tuổi Trẻ rất yếu so với Thanh Niên ngoại trừ bài của anh Bùi Thanh. Ngày thứ hai (trước khi bị yêu cầu ...em ơi nín đẻ) mới lên tiếng mạnh mẽ.
    Thanh Niên cũng ký THANH NIÊN dưới bài viết gây sóng gió cho Anh Hoàng Hải Vân (PHẢI TRẢ TỰ DO CHO CÁC NHÀ BÁO CHÂN CHÍNH). Đó là tuyên bố của Thanh Niên, tức là thực tế, ban biên tập phải chịu trách nhiệm cuôi cùng và lớn nhất.
    Là một người làm báo, tôi tự hào vì thái độ của Anh Chiến. Nếu anh mà không làm vậy, tôi chẳng biết nhìn những người làm nghề khác thế nào. Dù suy cho cùng, trí thức Việt Nam (đa số) là kẻ hèn (câu này của nhân vật H.A trong một truyện vừa của một người viết trẻ)
    Hai hôm nay, cũng như bạn Linh, tôi đã đi tới đi lui, chẳng biết làm gì...Dù lĩnh vực tôi làm ko liên quan gì đến tòa án, chính trị và cá nhân chưa từng quen biết Anh Chiến và tôi cũng không (còn) liên quan gì đến tòa soạn Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Ngoại trừ chút kỉ niệm và tình cảm tri ân với anh Hoàng Hải Vân.
    Viết những dòng này không phải là để bêu xấu hay trách móc gì ban biên tập của Tuổi Trẻ. Anh Bùi Thanh cũng đã phải trả giá cho bài viết Tại sao đây tâm huyết và dũng khí của anh ấy rồi.
    Cũng chẳng phải để bênh vực gì Thanh Niên. Bởi khi người đứng đầu đã chùn tay và dường như...tránh xa thì có còn gì để chờ đợi nữa đâu.
    (commment dài khiếp, như báo cáo của hợp tác xã về việc thiến bao nhiêu con heo rồi vậy)
    Chỉ đơn giản là vì để giải tỏa mà thôi...dù chẳng biết giải tỏa gì nữa...

    ReplyDelete
  34. "Nhưng nếu cơ quan đại diện cho công lý là tòa án bắt bạn phải lừa dối mới được tự do thì bạn chọn gì, nghe theo thứ công lý nào?"

    Có lẽ người duy nhất có quyền phê bình anh Hải là anh Chiến. Còn những người chưa ngồi tù ngày nào xin tránh nói những điều có thể gây tổn thương.

    Nghĩ cho cùng, anh Chiến cũng phải chấp nhận rằng mỗi người tự quyết định cho chính mình, vì không ai sống, hay là chết, thay cho ai được. Bao nhiêu triết gia đã nói về sự cô đơn của anh Chiến, và của anh Hải, khi một dilemma lớn lao như thế này phân chia chúng ta.

    ReplyDelete
  35. Tôi nghĩ anh Chiến diễn sai vai, nhưng khác hẳn cách diễn tả ở đây. Không thấy ai nhắc đến chuyện anh Chiến đã phụ trách mảng Nội Chính 20 năm. Người ta có câu đi với Phật mặc áo cà sa, nhưng câu đó cũng có nghĩa là mặc áo cà sa không có nghĩa bản thân mình đã thành Phật. Anh Chiến đã vượt quá nhiệm vụ Nhà Báo của mình cho nên đây là hình phạt mà 'Phật' đã dành cho anh thôi. Nếu các bác nhìn kỹ vào các bức ảnh chụp lúc tuyên án thì thấy ai là người mặc áo lụa quan chức ĐNÁ - Phật của tôi hiện hình đấy.

    ReplyDelete
  36. Biet dau lai co ho`i 2 cua vo kich, bac Hai chi.u nhu.c de tron ra ngoai tim cach cu'u bac Chien. Hope so!

    ReplyDelete
  37. Nghe tuyên án, buồn không nói nên lời! Nhìn anh Chiến phờ phạc, râu ria mà vẫn đầy khí tiết, nhìn anh Hải ngây thơ, ngơ ngác, thậm chí trào nước mắt khi nghe LS bào chữa... Chắc kết quả án đã có từ trước vì gia đình anh Hải được tạo điều kiện hơn nhiều so với gia đình anh Chiến để tham dự phiên tòa mà thương hai anh quá, Tôi không trách anh Hải vì ai biết được những áp lực mà anh phải chịu khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Tôi thương anh Chiến mà không biết nói sao... Mong anh và gia đình dũng cảm lên. Vẫn còn có nhiều người chia sẻ cùng anh, cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến với anh. Cám ơn blog của Linh đã có một bài viết rất hay và sâu sắc!

    ReplyDelete
  38. Dù sao thì cả hai cũng chỉ là nạn nhân. Khi trước mặt là 2 ngã rẽ, một bên là lao tù song sắt và một bên là những vòng tay thương yêu của gia đình thì tôi nghĩ, dù mang tiếng "hèn" (nếu có), ai cũng sẽ lựa chọn như anh Hải mà thôi. Anh Chiến và anh Hải có những cách lựa chọn của riêng mình, nhưng dù lựa chọn thế nào thì kẻ thua cuộc vẫn là những người như 2 anh.

    Mong anh Chiến khỏe mạnh!

    ReplyDelete
  39. Trong băng ghi gì và ai nói, đều không thấy LS tiết lộ sau phiên tòa!
    BH không tin là LS biện hộ cho bị cáo, lại chưa nghe hết những đoạn băng ghi âm đó.

    Chẳng lẽ nó nguy hiểm?

    ReplyDelete
  40. ở vn ai mà chẳng biết luật dưới đảng. đảng nói tức là luật. mà luật không có đảng tức là luật rừng. luật làm ra để bảo vệ quyền lợi cho người cầm quyền. điều đó đã được nói rõ ràng rồi. hàng chục năm trời vn vẫn k ngóp lên nổi các nghèo đói. mà tiềm lực cả về trí tuệ hay thiên nhiên đâu kém gì ai. không hề. nhưng vì chế độ. quyết định tất cả. chúng ta chỉ là những con cá trong bãi nước đục có ngoi lên có jãy ra thì cũng sẽ rơi tõm xuống nước một cách thê thảm hơn mà thôi. muốn sống tốt chỉ có cách làm cái ao đó thông với biển mà thôi. nhưng ai sẽ làm? tôi k biết. hai nhà báo của chúng ta cũng giống như những nhân sĩ liêm khiết của ta duới thời phong kiến mà thôi. theo thì sống mà chống thì die.
    thực sự cháu rất khâm phục bác chiến. trước khi vào trại vẫn vui vẻ tạm biệt đồng nghiệp một các đường hoàng và thoải mái. nếu có thể cháu cũng muốn làm người như bác. sống lúc nào cũng phải đi thẳng người. nếu không chúng ta sẽ đi bằng 4 chân.

    ReplyDelete
  41. "nếu cơ quan đại diện cho công lý là tòa án bắt bạn phải lừa dối mới được tự do thì bạn chọn gì" ===> Nếu theo công thức "Không có gì quý hơn tự do" thì câu trả lời đã rõ!

    ReplyDelete
  42. Xem phim tàu, e hay thấy có câu: 'kẻ thức thời, mới là trang tuấn kiệt'. Thời thế, thế thời, chắc khi nào có sự đổi thay, thì mới 'luận anh hùng' được. Dạo này xem lại Tam quốc, lảm nhảm đôi lời.
    Anw, chúc a Hải sống khỏe, anh Chiến vững bước.

    ReplyDelete
  43. Xem phim tàu, e hay thấy có câu: 'kẻ thức thời, mới là trang tuấn kiệt'. Thời thế, thế thời, chắc khi nào có sự đổi thay, thì mới 'luận anh hùng' được. Dạo này xem lại Tam quốc, lảm nhảm đôi lời.
    Anw, chúc a Hải sống khỏe, anh Chiến vững bước.
    Cảm ơn chủ nhà có một entry thật hay

    ReplyDelete
  44. Một thông tin rất quan trọng mà Linh chưa khai thác là, nhà báo Hải là Đảng viên còn nhà báo Chiến thì không!

    ReplyDelete